Khi Người Ta Tư Duy

Chương 2: Ảnh Hưởng Của Tư Duy Tới Hoàn Cảnh

Có thể nói đầu óc con người ví như một khu vườn, nó có thể bị bỏ không và trở nên hoang dại; nhưng dù theo cách nào, khu vườn vẫn sẽ, và vẫn phải phát triển. Nếu không có hạt giống hữu ích nào được trồng vào đó, vô vàn những hại cỏ dại sẽ rơi xuống khu vườn rồi tiếp tục lớn lên thành cỏ dại.

Cũng giống như một người làm vườn canh tác trên mảnh đất của mình, bảo vệ nó khỏi cỏ dại để trồng những loại hoa quả anh ta cần, con người cũng phải chăm sóc khu vườn tinh thần của mình như thế: nhổ cỏ là những suy nghĩ sai trái, vô bổ và dơ bẩn, để trồng hoa trái là những suy nghĩ đúng đắn, hữu ích và trong sạch. Nếu theo quy trình này, con người sớm hay muộn sẽ khám phá ra rằng anh ta chính là người làm vườn - chủ nhân của tâm hồn, là người điều khiển cuộc sống của chính mình. Anh ta cũng sẽ tự nhận ra những vết nhơ trong tư tưởng, và càng ngày càng hiểu rõ sức mạnh của tư duy cũng như hoạt động của các yếu tố tinh thần trong quá trình hình thành tính cách, hoàn cảnh, và số phận.

Tư duy và tính cách là một. Tính cách chỉ có thể được tìm thấy và bộc lộ qua môi trường và hoàn cảnh, cũng giống như những điều kiện bên ngoài của cuộc sống một người luôn có mối liên hệ mật thiết với trạng thái bên trong. Nói như vậy không có nghĩa là hoàn cảnh của một người lúc nào cũng nói lên toàn bộ tính cách của anh ta, mà là những hoàn cảnh đó liên quan mật thiết đến những thành tố tư duy quan trọng trong mỗi người; cho nên nhất thời chúng ta không thể thiếu đối với sự phát triển của người đó.

Môi trường sống nói lên con người, tuân theo quy luật tự nhiên; chính những suy nghĩ từng xây dựng nên tính cách anh ta đã đưa anh ta tới môi trường đó. Trong sự sắp đặt của cuộc sống không có cái gọi là cơ hội, mà tất cả đều là kết quả của một quy luật bất di bất dịch. Điều này đúng với cái những người cảm thấy "lạc lõng" với hoàn cảnh lẫn những người hài lòng với chúng.

Là một sinh vật tiến hóa và phát triển, con người được bộc lộ qua nơi anh ta sống, học tập và trưởng thành. Khi anh ta học được bài học tinh thần mà một hoàn cảnh đem lại, hoàn cảnh đó sẽ qua đi và nhường chỗ cho những hoàn cảnh mới.

Con người sẽ luôn phải vật lộn, chống chọi với hoàn cảnh nếu anh ta tin rằng mình là một sinh vật nằm trong đó và phụ thuộc vào nó. Nhưng khi anh ta nhận ra quyền năng sáng tạo của bản thân, khả năng khiến đất đai lẫn những hạt giống ẩn giấu trong con người mình - nơi phát sinh của hoàn cảnh - thì lúc đó con người mới trở thành chủ nhân đích thực của chính mình.

Vì hoàn cảnh xuất phát từ suy nghĩ, nên chúng ta sẽ nhận ra ai đã dành thời gian nhiều tự kiểm soát và thanh lọc bản thân. Chúng ta sẽ thấy những thay đổi trong hoàn cảnh tỉ lệ chính xác với những thay đổi trong trạng thái tinh thần của mỗi người. Điều này đúng đến nỗi khi một người nghiêm túc sửa chữa những thiếu sót trong tính cách, tạo ra những tiến bộ mau lẹ và rõ rệt, anh ta sẽ nhanh chóng vượt qua những khó khăn liên tiếp.

Con người thu hút những thứ anh ta thầm mong ước, những thứ anh ta yêu thích và cả những thứ làm anh ta sợ hãi; con người vươn tới đỉnh cao của những khát vọng mà anh ta hằng ấp ủ; con người gục ngã khi những ước mơ bị hủy hoại, và hoàn cảnh chính là phương tiện để con người nhận ra chính mình.

Mỗi một hạt giống tư duy được gieo hoặc được phép rơi vào trí óc con người sẽ mọc rễ trong đó, tạo thành cây, và sớm muộn sẽ ra hoa - tức là tạo ra hành động, rồi kết quả - chính là cơ hội và hoàn cảnh. Suy nghĩ tốt đẹp sẽ tạo ra quả ngon, suy nghĩ xấu tạo ra quả hỏng.

Thế giới ngoại cảnh tác động vào thế giới bên trong của tư duy. Điều khiển hoàn cảnh, dù là dễ chịu hay khó chịu, đều là nhân tố có lợi cho mỗi cá nhân. Là người thu hoạch vụ mùa của chính mình, con người học được cả khổ đau và hạnh phúc.

Con người đuổi theo những mong muốn, khát vọng, suy nghĩ sâu thẳm nhất và chấp nhận để cho chúng thống trị (hoặc là chạy theo ngọn lửa ma trơi với những suy nghĩ dơ bẩn, hoặc là kiên định đi theo con đường lớn với nỗ lực lớn lao, mạnh mẽ), để rồi cuối cùng sẽ đến với sự mãn nguyện và hoàn bị trong điều kiện ngoại cảnh của mình. Quy luật của sự phát triển và điều chỉnh là như nhau ở mọi nơi.

Một người sẽ chẳng đến nhà tế bẩn hay ngồi tù vì sự bất công của số phận hay hoàn cảnh, mà bởi những suy nghĩ bợ đỡ, hèn hạ và những ham muốn tầm thường. Tương tự như thế, một con người có đầu óc trong sáng không bao giờ bỗng nhiên phạm tội chỉ vì căng thẳng hay áp lực bên ngoài; những suy nghĩ tội ác đã được bí mật nuôi dưỡng từ lâu trong tim, và khi cơ hội đến, sức mạnh lâu nay của nó mới được bộc lộ ra. Hoàn cảnh không tạo nên con người; nó chỉ tiết lộ cho anh thấy bản chất của chính mình. Chẳng có hoàn cảnh nào bỗng nhiên sa sút và khiến con người trượt vào tội lỗi, cũng chẳng có hoàn cảnh nào tự dưng trở nên tốt đẹp và đem lại hạnh phúc trọn vẹn nếu chúng ta không tiếp tục nuôi dưỡng những khát vọng chính đáng, vì thế con người, với tư cách một chủ nhân, một người cai trị tư duy, cũng chính là tạo hóa của bản thân và là người giũa nặn, tạo nên hoàn cảnh. Khi mới sinh ra, con người là tự nó, nhưng sau mỗi bước đi trong cuộc sống, con người hấp thu ngoại cảnh và từ đó bộc lộ bản thân. Ngoại cảnh chính là hình ảnh phản chiếu của con người: trong sáng và nhơ bẩn, điểm mạnh và điểm yếu.

Con người không đạt được những thứ mà họ cần, mà đạt được những gì tương xứng. Những ý tưởng, sở thích, tham vọng của họ luôn bị cản trở, nhưng những suy nghĩ và mong muốn sâu thẳm nhất luôn được nuôi nấng bởi loại thức ẵn riêng, sạch sẽ hoặc là bẩn thỉu. Con người bị trói buộc bởi chính bản thân anh ta; suy nghĩ và hành động là những người quản ngục của số phận - khi con người hèn hạ chúng sẽ bỏ tù; xong khi cao quý chúng là những thiên thần của tự do, giải phóng. Con người không nhận được những gì anh ta mong muốn và cầu nguyện mà nhận được những gì xứng đáng với công sức bỏ ra. Những mong ước, nguyện vọng chỉ được đáp ứng khi chúng hài hòa với suy nghĩ và hành động của con người.

Nhưng nếu như vậy thì dưới ánh sáng của chân lý, cái gọi là "đấu tranh chống lại hoàn cảnh" có nghĩa như thế nào? Thực chất nó có nghĩa là: trong khi liên tục chống lại một tác động bên ngoài, con người vẫn không ngừng nuôi dưỡng, bảo quản nguyên nhân của nó bên trong. Nguyên nhân đó có thể dưới dạng một thói hư tật xấu mà con người ý thức được, hoặc một điểm yếu mà chúng ta không nhận ra. Nhưng dù dưới hình thức nào đi nữa thì nó cũng ngoan cố ngăn cản những nỗ lực của chủ nhân, do đó đòi hỏi phải có biện pháp khắc phục.

Con người lúc nào cũng hăng hái cải thiện hoàn cảnh, nhưng lại không sẵn sàng cải thiện bản thân; và vì thế họ vẫn bị bó buộc. Một người không chùn bước trước khó khăn sẽ không bao giờ thất bại trong việc thực hiện mục đích anh ta đã đề ra. Điều này đúng với cả thế giới tự nhiên và thế giới tinh thần. Những người chỉ có một mục tiêu duy nhất là sự giàu có phải sẵn sàng hi sinh rất nhiều trước khi đạt được mục đích. Vậy nếu anh ta muốn có cuộc sống khỏe mạnh, cân bằng thì sẽ còn phải hi sinh những gì?

Bản tính tự phụ, kiêu căng khiến con người muốn tin rằng: đức hạnh đem lại đau khổ; nhưng thực ra chỉ đến khi loại bỏ triệt để những suy nghĩ dơ bẩn, cay độc và bệnh hoạn thì con người mới có được vị thế để hiểu và tuyên bố như vậy, rằng sự đau khổ là hệ quả của những phẩm chất tốt - chứ không phải của những phẩm chất xấu xa của anh ta. Và trên đường đến với sự hoàn hảo tối cao này (tất nhiên là một khoảng thời gian rất rất dài) anh ta sẽ nhận ra từ ý thức và từ cuộc sống quy luật vĩ đại lúc nào cũng đúng, theo đó, không bao giờ có thế lấy ơn trả oán, hoặc lấy oán trả ơn. Có được những kiến thức đó, khi nhìn lại quá khứ mù quáng và ngu ngốc của mình, con người sẽ biết cuộc sống luôn được sắp đặt một cách thích đáng, và tất cả những kinh nghiệm trước kia, dù tốt hay xấu, đều là những thành quả công bằng của bản thân - một thực thể đang tiến hóa nhưng chưa hoàn chỉnh.

Suy nghĩ và hành động tốt không bao giờ tạo ra kết quả xấu; còn suy nghĩ và hành động xấu không bao giờ đưa đến kết quả tốt đẹp. Điều này không có ý nghĩa nào khác ngoài "trồng cây gì hái quả nấy, gieo nhân nào, gặt quả nấy." Con người hiểu và còn sử dụng quy luật ấy trong thế giới tự nhiên; thế nhưng, ít ai hiểu được ý nghĩa của nó trong thế giới tinh thần (mặc dù ở đây cơ chế hoạt động của nó cũng đơn giản, rõ ràng và hoàn toàn tương tự). Thế nên, con người chẳng mấy khi chịu hợp tác với nó.

Sự đau khổ bao giờ cũng là hệ quả của những suy nghĩ sai lầm theo chiều hướng lệch lạc nào đó. Đó là chỉ số cho thấy một người đã không còn đồng điệu với chính anh ta, với quy luật của sự sống. Tác dụng duy nhất và quan trọng nhất của sự đau khổ là để thanh lọc, đốt cháy tất cả những thứ gì vô dụng và ô uế. Sự đau khổ sẽ kết thúc đối với những ai thuần khiết, vàng nguyên chất không sợ lửa, cũng như một con người hoàn toàn trong sạch và được khai sáng chẳng bao giờ phải chịu khổ đau.

Khi một người phải đối mặt với nỗi đau khổ cũng chính là khi tinh thần anh ta thiếu hài hòa. Trong khi việc một người luôn gặp những điều phúc lành là kết quả của một tâm hồn hòa hợp. Hạnh phúc là thước đo của những suy nghĩ đúng đắn, chứ không phải của cải; còn sự đau khổ là thước đo của những suy nghĩ sai lầm, chứ không phải những thiếu thốn về vật chất. Một người có thể giàu có nhưng sống trong đau khổ, và một người cũng có thể nghèo đói nhưng lại luôn hạnh phúc, vui tươi. Hạnh phúc và giàu có chỉ đi đôi với nhau khi của cải được sử dụng một cách khôn ngoan và đúng đắn. Còn những người nghèo khó chỉ rơi vào tình trạng bất hạnh khi anh ta tự cho rằng số phận của mình là một gánh nặng, được tạo ra do tạo hóa bất công.

Sự nghèo túng và buông thả là hai thái cực của bất hạnh. Chúng đều không tự nhiên và là kết quả của sự rối loạn thần kinh. Một người không bao giờ đạt được trạng thái viên mãn khi anh ta không hạnh phúc khỏe mạnh và giàu có; chúng là kết quả của sự điều hòa giữa bên trong một con người với môi trường sống bên ngoài.

Một người chỉ bắt đầu thực sự làm người khi anh ta ngừng than vãn, chửi rủa, và bắt đầu tìm kiếm sự công bằng ẩn giấu để điều chỉnh lại cuộc sống của mình. Anh ta thích ứng tâm trí theo nhân tố điều chỉnh đó, anh ta thôi buộc tội người khác như thể họ là những nguyên nhân tạo ra hoàn cảnh của bản thân, mà tự phát triển mình với những suy nghĩ mạnh mẽ và cao quý. Anh ta thôi đấu tranh với hoàn cảnh mà sử dụng chúng như sự hỗ trợ để tiến bộ nhanh hơn, và như một công cụ để khám phá sức mạnh và khả năng tiềm ẩn trong con người mình.

Luật lệ là nguyên tắc chủ yếu trong vũ trụ, chứ không phải sự hỗn độn, công bằng là linh hồn và cốt lỗi của cuộc sống, chứ không phải bất công. Đạo đức là sức mạnh đúc nặn và thúc đẩy trong thế giới tâm hồn, chứ không phải sự suy đồi. Vì vậy, con người chỉ còn cách tự điều chỉnh bản thân cho đúng đắn của vũ trụ. Và trong quá trình sửa đổi này, anh ta sẽ phát hiện ra rằng: khi anh ta đang chuyển hướng tư duy tới những sự việc và con người xung quanh, những sự việc và con người đó cũng sẽ hướng về phía anh ta.

Bằng chứng cho sự thật này có thể được tìm thấy ở bất cứ ai, do đó bạn có thể dễ dàng tìm được nó thông qua việc xem xét nội tâm một cách hệ thống và tự phân tích bản thân. Hãy để một người thay đổi tư duy tận gốc, và người đó sẽ ngạc nhiên trước sự thay đổi nhanh chóng mà nó tác động lên điều kiện vật chất của anh ta. Con người tưởng rằng tư duy là bí mật, nhưng không phải vậy. Nó nhanh chóng được kết tinh thành thói quen, và thói quen cô đúc lại thành hoàn cảnh. Những suy nghĩ tàn bạo kết tinh thành thói quen rượu chè nhục dục, và chúng tiếp tục cô đúc lại thành hoàn cảnh bệnh tật và nghèo đói. Những suy nghĩ ô uế dù ở dạng thức nào cũng đều kết tinh thanh thói quen yếu đuối và lộn xộn, sau đó cô đúc lại thành hoàn cảnh bất lợi, buồn phiền. Suy nghĩ sợ hãi, nghi ngờ và do dự kết tinh thành thói yếu hèn, nhu nhược và không quyết đoán, rồi chúng cô đúc thành thất bại, nghèo khổ và lệ thuộc. Những suy nghĩ lười biếng kết tinh thành thói quen hèn kém, bẩn thỉu, lọc lừa, rồi cô đúc thành hoàn cảnh nhơ nhuốc, ăn mày ăn xin. Những suy nghĩ thù ghét và chỉ trích kết tinh thành thói quen buộc tội và hung bạo, sau đó cô đúc lại thành sự ngược đãi và tổn thương. Những suy nghĩ ích kỷ dù ở dạng thức nào cũng sẽ kết tinh thành thói quen đòi hỏi cho bản thân, sau đó cô đúc lại thành những hoàn cảnh túng quẫn, khốn cùng.

Mặt khác, mọi suy nghĩ tốt đẹp đều kết tinh thành thói quen lịch thiệp và tử tế, rồi thói quen đó cô đúc lại thành sự ôn hòa, vui vẻ. Những suy nghĩ trong sáng kết tinh thành thói quen điều độ và biết tự kiểm soát bản thân, rồi những thói quen đó cô đúc lại thành sự thư thái, yên bình. Những suy nghĩ dũng cảm, tự tin và quyết đoán kết tinh thành những thói quen mạnh mẽ kiên cường, từ đó cô đúc thành sự thành công và sự tự do tự tại. Những suy nghĩ mạnh mẽ kết tinh thành thói quen gọn ghẽ, cần cù chịu khó, từ đó cô đúc thành cuộc sống vui vẻ dễ chịu. Những suy nghĩ hào hiệp vị tha kết tinh thành thói quen lịch thiệp, từ đó cô đúc thành cuộc sống yên ổn, an toàn. Những suy nghĩ yêu thương nhân từ sẽ cô đúc thành sự thịnh vượng chắc chắn, dài lâu và giàu có thực sự.

Một dòng suy nghĩ nhất định tồn tại trong đầu chúng ta, thì dù là tốt hay xấu, nó cũng luôn ảnh hưởng lên tính cách và hoàn cảnh. Một người không thể trực tiếp lựa chọn hoàn cảnh cho mình, nhưng có thể chọn cách tư duy, và chắc chắn từ đó sẽ tạo nên hoàn cảnh. Tự nhiên giúp con người hiện thực hóa những suy nghĩ mà anh ta nuôi dưỡng nhiều nhất, và các cơ hội đến sẽ nhanh chóng khiến cho những suy nghĩ cả tốt lẫn xấu thể hiện ra bên ngoài.

Hãy để con người vơi bớt những suy nghĩ tội lỗi, rồi thế giới sẽ dịu dàng hơn và sẵn sàng giúp đỡ anh ta. Hãy để con người vứt bỏ những suy nghĩ yếu ớt và ủy mị, rồi cơ hội sẽ đến từ khắp mọi nơi để trợ giúp cho ý chí quyết tâm của anh ta. Hãy để con người nuôi dưỡng những suy nghĩ tốt đẹp, và chẳng khó khăn nào có thể khiến anh ta tủi thẹn, khốn cùng. Thế giới này là chiếc kính vạn hoa kỳ ảo, và sự kết hợp đa dạng của màu sắc trong mỗi thời điểm nối tiếp nhau trong cuộc đời chính là bức tranh sắc sảo phản ánh những tư duy không ngừng nghỉ của bạn.

"Con người lúc nào cũng hăng hái cải thiện hoàn cảnh, nhưng lại không sẵn sàng cải thiện bản thân."