Khi Lỗi Thuộc Về Những Vì Sao

CHƯƠNG MƯỜI

Chúng tôi chỉ có thể mang theo một cái va li. Tôi không mang nổi một, còn Mẹ khăng khăng bà không thể mang được hai, thế nên chúng tôi phải sắp đồ cho vừa cái va li đen, món quà cưới bố mẹ tôi nhận được một triệu năm trước đây, chiếc va li tưởng sẽ được dành cả đời mình chu du qua những miền đất hứa mà rốt cục lại chỉ quanh quẩn ở Dayton, nơi có chi nhánh của Tập đoàn Bất động sản Morris mà Bố thường xuyên tới làm việc.

Ngay từ đầu tôi đã chạnh chọe với mẹ rằng mình cần hơn nửa cái va li một chút xíu, bởi lẽ nếu không có tôi và bệnh ung thư, chúng tôi cũng chẳng thể đến Amsterdam. Mẹ thì phản đối là do bà to gấp đôi tôi nên cần nhiều vải vóc hơn để giữ vẻ nhã nhặn của mình, do đó bà đáng được hưởng hai phần ba nó.

Cuối cùng thì chẳng ai thắng ai. Thế đấy.

Chuyến bay đến trưa mới khởi hành nhưng mẹ đã dựng tôi dậy từ năm rưỡi sáng, bật đèn sáng trưng và hét toáng “AMSTERDAM!” Bà cứ chạy lòng vòng khắp cả buổi để chắc rằng chúng tôi đã mang bộ phích cắm chuẩn quốc tế và năm lần bảy lượt kiểm tra lại xem đã đủ số bình ôxy để đến được đó chưa và chúng đã được nạp đầy chưa, vân vân, trong khi tôi có mỗi việc lăn ra khỏi giường và chui vào Bộ Cánh Du Lịch đến Amsterdam của mình (quần jeans, áo tank top hồng và một chiếc cardigan màu đen để đề phòng trong máy bay quá lạnh.)

Đồ đạc được chất lên ô tô lúc sáu rưỡi, sau đó Mẹ cứ khăng khăng rằng chúng tôi phải cùng ăn sáng với Bố, dẫu cho tôi có một nguyên tắc phản đối chuyện ăn uống trước khi bình minh lên bởi lẽ tôi đâu là một gã nông dân Nga thế kỷ mười chín phải cố ních đầy bụng mình để đủ sức làm việc cả ngày trên cánh đồng. Nhưng dù sao tôi cũng cố nhét vào bụng một chút trứng trong khi Bố Mẹ thưởng thức phiên bản tại gia của món Bánh trứng McMuffins[68] mà họ rất thích.

“Sao đồ ăn sáng lại là đồ ăn sáng?” tôi hỏi. “Như là, tại sao mình không ăn cà ri vào bữa sáng?”

“Hazel, ăn đi con.”

“Nhưng tại sao?” tôi hỏi. “Con hỏi thật đấy: Sao món trứng bác lại dành riêng cho bữa sáng? Mình có thể kẹp thịt muối vào bánh sandwich mà chẳng ai phát rồ lên. Thế mà nhỡ có tí trứng thì, bùm, biến thành bánh sandwich dành cho bữa sáng.”

Bố tôi trả lời với cái miệng nhồm nhoàm. “Khi nào con về, nhà mình sẽ có bữa sáng cho bữa tối. Được không?”

“Con không muốn có ‘bữa sáng cho bữa tối,’” tôi trả lời, bỏ dao và dĩa xuống chiếc đĩa gần như vẫn còn đầy thức ăn. “Con muốn có món trứng bác cho bữa tối mà chẳng cần lời giải thích lố bịch rằng cứ bữa nào có món trứng bác thì đấy là bữa sáng ngay cả khi nó diễn ra vào thời gian dành cho bữa tối nào hết.”

“Con sẽ phải tự mình chiến đấu trong thế giới này, Hazel,” mẹ tôi nói. “Nhưng nếu đây vấn đề con muốn tranh đấu, chúng ta sẽ luôn ở phía sau con.”

“Lấp ló đằng sau,” bố nói thêm vào, rồi Mẹ cười ngặt nghẽo.

Dù sao tôi cũng biết chuyện này thật ngớ ngẩn, nhưng tôi vẫn thấy thương hại cho món trứng bác.

Sau khi ăn xong, Bố rửa bát đũa rồi đưa hai mẹ con ra xe. Tất nhiên ông lại bắt đầu sụt sùi, rồi hôn lên má tôi với khuôn mặt lởm chởm râu ria ướt đẫm. Ông tì mũi vào gò má tôi và thì thầm, “Bố yêu con. Bố rất tự hào về con.” (Vì cái gì, tôi tự hỏi.)

“Cảm ơn Bố.”

“Vài ngày nữa chúng ta sẽ lại gặp nhau, được chứ con yêu? Bố yêu con rất nhiều.”

“Con cũng yêu Bố,” tôi mỉm cười. “Chỉ ba ngày thôi.”

Tôi vẫn vẫy tay chào ông khi chúng tôi bắt đầu rời khỏi nhà. Ông cũng vẫy tay chào lại, và khóc. Tôi chợt hiểu có lẽ ông đã nghĩ ông có thể sẽ không bao giờ gặp lại tôi được nữa, có thể ông luôn nghĩ thế trong mỗi buổi sáng của tất cả những ngày trong tuần ông phải đi làm, mà điều đó có lẽ thật tệ hại.

Mẹ và tôi lái xe tới nhà Augustus, khi chúng tôi đến nơi bà muốn tôi ngồi lại trong xe nghỉ ngơi, nhưng dù sao tôi vẫn theo bà vào trong. Khi chúng tôi lại gần ngôi nhà, tôi có thể nghe thấy tiếng ai đó khóc bên trong. Lúc đầu tôi không nghĩ đó là Gus, bởi lẽ nó nghe chẳng giống cái giọng trầm trầm của cậu ấy chút nào, nhưng rồi tôi nghe thấy một giọng chắc chắn là phiên bản méo xệch của cậu ấy cất lên, “VÌ

ĐÂY LÀ CUỘC SỐNG CỦA CON, MẸ À. NÓ THUỘC VỀ CON.” Đột nhiên mẹ vòng tay ôm lấy vai tôi rồi xoay ngược tôi về phía chiếc xe, bước rất vội, tôi thì ngơ ngác, “Mẹ, sao thế?”
Và bà nói, “Chúng ta không được nghe trộm, Hazel.”
Chúng tôi quay trở lại xe rồi tôi nhắn tin cho Augustus bảo chúng tôi đang đợi cậu ấy chuẩn bị sẵn sàng bên ngoài.

Chúng tôi ngó vào căn nhà một lúc. Điều kỳ cục ở những ngôi nhà là hầu hết chúng luôn có vẻ chẳng có chuyện gì xảy ra bên trong, dù phần lớn cuộc sống của chúng ta diễn ra trong đó. Tôi băn khoăn không biết phần nào nó có phải một điểm thú vị của kiến trúc không.

“Xem nào,” một lúc sau Mẹ nói, “mẹ nghĩ mình đến hơi sớm.”

“Cứ như kiểu con chẳng phải dậy lúc năm rưỡi ấy,” tôi đáp. Mẹ với xuống hộp điều khiển giữa hai chúng tôi, nhấc cốc cà phê của bà ra rồi nhấp một ngụm. Điện thoại tôi rung. Tin nhắn của Augustus.

CHẲNG biết nên mặc gì. Cậu thích áo phông hay sơ mi hơn?

Tôi nhắn lại:

Sơ mi.

Ba mươi giây sau cửa trước mở ra, Augustus tươi cười xuất hiện với một chiếc túi kéo đằng sau. Cậu ấy mặc một chiếc áo màu xanh da trời nhạt sơ vin bên trong quần jeans. Một điếu Camel Light đung đưa trên môi. Mẹ tôi bước ra chào. Cậu ấy lập tức bỏ điếu thuốc ra và nói với cái giọng tự tin tôi quen lắm rồi. “Cháu luôn vui khi được gặp bác, thưa bác.”

Tôi quan sát họ qua gương chiếu hậu trong xe cho đến khi mẹ mở cốp xe. Một lúc sau, Augustus mở cánh cửa đằng sau tôi ra và bắt đầu cái công việc rắc rối là chui vào hàng ghế sau của một chiếc ô tô bằng một chân.

“Cậu muốn ngồi ghế trước không?” tôi hỏi.

“Chắc chắn không,” cậu ấy nói. “Và xin chào, Hazel Grace.” “Chào,” tôi nói. “Okay?” tôi hỏi. “Okay,” cậu ấy đáp.

“Okay,” tôi đáp lại.

Mẹ tôi vào trong và đóng cửa xe lại. “Điểm dừng tiếp theo, Amsterdam,” bà thông báo.

Mà thực ra là không đúng lắm. Điểm dừng tiếp theo là bãi đậu xe của sân bay, sau đó một chiếc xe bus đón chúng tôi đến sân ga, rồi một chiếc xe điện không mui đưa chúng tôi đến lối kiểm tra an ninh. Một chú nhân viên TSA[69] đang đứng ở đầu dãy xếp hàng thông báo rằng các túi hành lý của chúng tôi tốt hơn là không nên chứa chất nổ hay vũ khí hay bất cứ loại chất lỏng nào có dung tích lớn hơn ba ounce[70], rồi tôi nói với Augustus, “Nhận xét: Xếp hàng là một hình thức áp bức,” rồi cậu ấy đáp lại, “Thật thế.”

Thay vì bị kiểm tra bằng tay, tôi chọn việc bước qua máy dò kim loại mà không có giá đỡ hay bình ôxy hay thậm chí cả nút nhựa trong mũi bên cạnh. Việc đi bộ qua máy chụp X-quang đánh dấu lần đầu tiên tôi có thể cất bước trong nhiều tháng liền mà không cần đến bình ôxy, cảm giác thật tuyệt vời khi được đi lại mà không có gì bám víu, cứ thế dấn bước[71], và sự im lặng của chiếc máy đã thừa nhận tôi, dẫu chỉ trong tích tắc, là một sinh vật phi kim loại.

Tôi cảm nhận được cảm giác được làm chủ cơ thể mà tôi chẳng thể miêu tả nó rõ ràng, giống như khi còn bé tôi có một cái cặp rất nặng mà tôi thường xuyên phải đeo nó với vô vàn cuốn sách bên trong đi khắp nơi, mang theo nó lâu đến mức khi cởi ra tôi có cảm giác mình đang trôi bồng bềnh vậy.

Khoảng mười giây sau, hai lá phổi của tôi có cảm giác như chúng bắt đầu co rúm lại như cánh hoa tàn lúc hoàng hôn. Tôi ngồi xuống chiếc ghế màu xám ngay cạnh máy dò và cố gắng bắt nhịp thở, húng hắng ho, cảm thấy thật khổ sở cho đến khi ống dẫn khí được đặt vào đúng chỗ của nó.

Ngay cả thế nó vẫn rất đau. Nỗi đau luôn thường trực ở đó, cuồn cuộn trong lòng tôi, đòi hỏi được cảm nhận. Lúc nào tôi cũng thấy như thể mình vừa tỉnh dậy từ cơn đau khi có ai đó ở thế giới bên ngoài kia cần tôi nói gì hay chú ý đến. Mẹ đang nhìn tôi, lo lắng. Bà vừa nói gì đó. Bà vừa nói gì nhỉ? Rồi tôi nhớ ra. Bà vừa hỏi có chuyện gì không ổn.

“Không sao ạ,” tôi nói.

“Amsterdam!” bà cất giọng.

Tôi mỉm cười. “Amsterdam,” tôi đáp lại. Bà đưa tay xuống kéo tôi dậy. Chúng tôi đến cổng chờ một tiếng trước lịch máy bay cất cánh. “Bác Lancaster, bác quả là một người đúng giờ đáng ngưỡng mộ,” Augustus nói trong khi ngồi xuống bên tôi trong cổng chờ gần như vắng tanh.

“Chà, đó là lợi thế của việc bác không mấy bận cho lắm,” bà nói.

“Mẹ lúc nào cũng bận túi bụi,” tôi bảo bà thế, dẫu cho tôi nhận ra rằng công việc của Mẹ chủ yếu là về tôi. Cả công việc làm vợ của bố tôi nữa – ông gần như mù tịt về ngân hàng tín dụng và thuê thợ sửa ống nước và nấu ăn và làm mọi thứ ngoại trừ chuyện làm việc cho Tập đoàn Bất động sản Morris – nhưng chủ yếu vẫn là về tôi. Động lực sống lớn nhất của Mẹ và động lực sống lớn nhất của tôi cứ đan xen rối rắm lẫn nhau.

Những hàng ghế quanh cổng chờ bắt đầu được lấp dần, Augustus nói, “Tớ sẽ đi mua một cái hamburger trước khi chúng ta cất cánh. Tớ mua cho cậu gì nhé?”

“Không,” tôi đáp, “nhưng tớ thực sự đánh giá cao sự chối bỏ của cậu về những quy tắc xã hội với bữa sáng.”

Cậu ấy nghiêng đầu nhìn tôi, bối rối. “Hazel vừa bắt đầu nghiên cứu vấn đề sự đối xử phân biệt với món trứng bác,” Mẹ nói.

“Thật đáng xấu hổ khi chúng ta cứ sống và mù quáng chấp nhận rằng món trứng bác là hoàn toàn gắn liền với những buổi sáng.”

“Tớ muốn thảo luận chuyện này nhiều hơn,” Augustus nói. “Nhưng giờ tớ đang chết đói. Tớ sẽ quay lại ngay.”

Hai mươi phút sau vẫn chưa thấy Augustus quay lại, tôi hỏi Mẹ xem bà có nghĩ nhỡ có chuyện gì không ổn không, và bà chỉ hé mắt khỏi tờ tạp chí nhảm nhí đủ lâu để nói, “Chắc thằng bé vào nhà vệ sinh gì đấy thôi.”

Một nhân viên sân ga bước đến và đổi cho tôi chiếc bình ôxy của hãng hàng không cung cấp. Tôi hơi ngại ngùng việc chị ấy quỳ xuống trước mặt tôi trong khi mọi người cứ nhìn, thế nên tôi mới nhắn tin cho Augustus trong khi chị ấy làm chuyện đó.

Cậu ấy không trả lời. Mẹ có vẻ không quan tâm, nhưng tôi thì tưởng tượng ra đủ các thể loại chuyện có thể làm bung bét chuyến bay tới Amsterdam (bị bắt giữ, bị thương, hay suy sụp tinh thần) và thấy ngực mình nhói lên mỗi phút trôi qua, chẳng phải vì ung thư.

Đúng lúc cô nhân viên sau quầy soát vé thông báo những hành khách cần lên máy bay trước chuẩn bị trong ít phút và từng người trong sân ga đều đổ dồn ánh mắt về phía tôi, tôi mới thấy Ausgustus khập khễnh chạy đến với một bịch McDonald’s trong tay, ba lô đeo lủng lẳng sau vai.

“Cậu đã ở đâu thế?” tôi hỏi.

“Xếp hàng siêu lâu, xin lỗi nhé,” cậu ấy nói, chìa tay ra đỡ tôi đứng dậy.

Tôi nắm lấy nó, và chúng tôi cùng bước bên nhau tới phía cổng để lên máy bay.

Tôi có thể cảm nhận mọi người đang nhìn chúng tôi, băn khoăn không biết chúng tôi mắc bệnh gì, và liệu nó có đe dọa đến mạng sống không, rồi mẹ tôi chắc hẳn rất can trường ra sao, vân vân và vân vân. Đôi khi đó là chuyện tồi tệ nhất của việc mắc bệnh ung thư: Những dấu hiệu của bệnh tật trên cơ thể tách biệt bạn với tất cả những người khác. Chúng tôi hoàn toàn khác biệt so với những người khác, và chưa bao giờ rõ ràng hơn thế khi cả ba chúng tôi bước lên chiếc máy bay trống rỗng, các tiếp viên gật đầu thông cảm và lịch sự chỉ cho chúng tôi hàng ghế của mình ở tít phía sau. Tôi ngồi giữa một hàng ghế ba người với Augustus trên ghế cạnh cửa sổ còn Mẹ ở cạnh lối đi. Tôi thấy mình bị Mẹ lấn qua một chút nên dĩ nhiên tôi ngồi dịch lại gần Augustus. Chúng tôi ngồi ngay sau cánh máy bay. Augustus mở túi ra và bóc chiếc bánh burger của mình.

“Chuyện về những quả trứng, dù thế,” cậu ấy nói, “chẳng phải việc dành riêng cho bữa sáng đã mang đến cho món trứng bác một đặc ân nào đấy, đúng không? Cậu có thể cho thịt xông khói hay phô mai Chedder[72] vào mọi nơi mọi lúc, từ bánh Taco[73] đến sandwich cho bữa sáng hay cả phô mai nướng, nhưng món trứng bác thì – chúng rất quan trọng.”

“Luyên thuyên,” tôi nói. Mọi người bắt đầu lên máy bay. Tôi không muốn nhìn họ nên quay ra chỗ khác, mà quay ra chỗ khác tức là quay sang Augustus.

“Tớ chỉ đang nói là: Có thể món trứng bác bị phân biệt đối xử, nhưng chúng cũng rất đặc biệt. Chúng có địa điểm và thời gian riêng, như nhà thờ vậy.”

“Cậu nói sai bét rồi,” tôi nói. “Cậu bắt đầu tin vào cái thứ cảm xúc đan chéo chữ thập trên những chiếc gối của bố mẹ cậu. Cậu đang cãi lý rằng những thứ hiếm có và mong manh luôn đẹp đơn giản vì chúng quý hiếm và mong manh. Nhưng đấy là nói dối, và cậu biết thế.”

“Cậu thật khó chiều,” Augustus nói.

“Dễ chiều thì gọi gì là chiều nữa,” tôi đáp. “Cậu từng là một bông hoa hiếm hoi và mong manh. Cậu nhớ chứ.”

Cậu ấy không nói gì trong một lúc lâu. “Cậu biết cách để tớ phải im lặng, Hazel Grace.”

“Đấy là quyền lợi và trách nhiệm của tớ,” tôi trả lời.

Trước khi tôi thôi nhìn vào mắt cậu ấy, cậu ấy nói, “Nghe này, tớ xin lỗi vì đã tránh chỗ cổng chờ. Cửa hàng McDonald’s không đông đến thế; tớ chỉ…tớ chỉ không muốn ngồi đấy với tất cả những người khác cứ nhìn chúng ta gì đấy.”

“Chủ yếu là nhìn tớ,” tôi nói. Ngươi ta có thể nhìn Augustus mà chẳng biết rằng cậu ấy bị làm sao, còn tôi thì mang căn bệnh theo mình ra theo bên ngoài, đó cũng là một phần lý do lúc đầu tôi cứ ru rú trong nhà. “Augustus Waters, nổi tiếng quyến rũ, xấu hổ khi ngồi cạnh một cô gái với cái bình ôxy.”

“Không phải xấu hổ,” cậu ấy giải thích. “Đôi khi họ khiến tớ khó chịu. Mà tớ thì không muốn phải bực bội ngày hôm nay.” Một phút sau, cậu thò tay vào trong túi mở hộp thuốc lá ra.

Chỉ khoảng chín giây sau, một nữ tiếp viên tóc vàng vội bước tới chỗ chúng tôi và nói, “Thưa anh, anh không được phép hút thuốc trên máy bay này. Hay bất cứ máy bay nào khác.”

“Em không hút thuốc,” cậu ấy nói, điếu thuốc bập bỗng trong miệng. “Nhưng –”

“Đó là một phép ẩn dụ,” tôi giải thích. “Cậu ấy đặt cái thứ chết người đó trong miệng nhưng không cho nó sức mạnh để giết hại mình.”

Chị tiếp viên nghệt mặt ra một lúc. “Vậy thì, phép ẩn dụ đó bị cấm trên chuyến bay ngày hôm nay,” chị ấy nói. Gus gật đầu và nhét điếu thuốc trở lại trong bao.

Máy bay cuối cùng cũng bắt đầu lăn bánh trên đường băng và tiếng phi công thông báo cất lên, Các tiếp viên chú ý, máy bay chuẩn bị cất cánh, rồi sau đó hai chiếc động cơ phản lực khổng lồ gầm rú và chúng tôi bắt đầu tăng tốc. “Cảm giác ở trong xe cậu lái là thế này đây,” tôi nói, cậu ấy mỉm cười nhưng vẫn nghiến chặt quai hàm nên tôi hỏi, “Ổn chứ?”

Máy bay vẫn đang tăng tốc, đột nhiên Gus nắm chặt lấy tay vịn, hai mắt mở to, tôi đặt tay tôi lên trên tay cậu ấy và hỏi lại, “Cậu ổn không đấy?” Cậu ấy vẫn không nói gì, chỉ nhìn tôi vẫn với đôi mắt mở to. “Cậu sợ đi máy bay à?”

“Tí nữa tớ sẽ nói,” cậu ấy trả lời. Mũi máy bay bắt đầu nhấc lên và chúng tôi đã ở trên không trung. Gus nhìn chăm chăm ra ngoài cửa sổ, quan sát mặt đất đang thu nhỏ dần bên dưới, rồi tôi thấy tay cậu ấy thả lỏng ra bên dưới tay tôi. Cậu ấy liếc qua tôi rồi lại nhìn ra cửa sổ. “Chúng ta đang bay,” cậu tuyên bố.

“Cậu chưa đi máy bay bao giờ à?”

Cậu ấy lắc đầu. “NHÌN KÌA!” cậu ấy gần như hét lên, chỉ tay ra cửa sổ.

“Ừ,” tôi nói. “Ừ, tớ thấy rồi. Trông như kiểu chúng ta đang ở trên máy bay
ấy nhỉ.”

“CHƯA TỪNG CÓ GÌ TRÔNG GIỐNG NHƯ THẾ NÀY TRONG SUỐT LỊCH SỬ LOÀI NGƯỜI,” cậu ấy nói. Sự phấn khích của cậu ấy thật dễ thương. Tôi không thể cưỡng lại mình nghiêng cười qua hôn lên má cậu ấy.

“Báo cho cô biết tôi đang ở đây đấy nhé,” Mẹ nói. “Ngồi cạnh cô đây. Mẹ của cô. Người đã nắm tay cô khi cô chập chững bước những bước đầu tiên của cuộc đời.”

“Bạn bè thôi ạ,” tôi nhắc lại lần trước, rồi quay sang hôn má bà.

“Chả giống bạn bè tí nào,” Gus lẩm bẩm chỉ đủ cho tôi nghe thấy. Khi chàng Gus ngây thơ đầy ngạc nhiên và phấn khích xuất hiện từ cậu Augustus Cử Chỉ Cao Đẹp Mang Khuynh Hướng Ẩn Dụ, tôi thực sự là không thể cưỡng lại được.

Đó là một chuyến bay ngắn đến Detroit, có một chiếc xe điện nhỏ chờ sẵn khi chúng tôi xuống máy bay rồi đưa chúng tôi đến cổng chờ đi Amsterdam. Chiếc máy bay đó có màn hình TV sau mỗi ghế ngồi, rồi khi đã bay trên những đám mây, Augustus và tôi canh giờ để cùng bắt đầu xem một bộ phim hài kịch lãng mạn trên màn hình riêng của hai đứa. Nhưng ngay cả khi chúng tôi có ấn nút phát cùng một lúc hoàn hảo thế nào đi nữa, bộ phim của cậu ấy cũng đều bắt đầu trước một vài giây, vậy nên mỗi lúc có cảnh hài hước thì cậu ấy đều cười xong rồi tôi mới nghe được câu chuyện cười đấy là gì.

***

Mẹ nảy ra một kế hoạch vĩ đại là chúng tôi nên ngủ trong mấy tiếng đồng hồ còn lại của chuyến bay, như thế khi hạ cánh lúc tám giờ sáng, chúng tôi đã sẵn sàng khám phá mọi hang cùng ngõ hẻm của thành phố. Vì vậy sau khi bộ phim kết thúc, Mẹ và Augustus và tôi mỗi người đều uống vài viên thuốc ngủ. Mẹ gục ngay tại trận trong khi Augustus và tôi vẫn thức nhìn ra cửa sổ một lúc. Trời hôm đó rất trong và dù không thể ngắm mặt trời đang lặn, chúng tôi vẫn thấy được ánh sáng phản chiếu trên bầu trời.

“Chúa ơi, đẹp quá,” tôi thì thầm với chính mình.

“‘Ánh bình minh vẫn chói lòa trong đôi mắt đang mất đi của cô ấy,’” cậu ấy nói, một câu trong Nỗi đau tột cùng.

“Nhưng đây không phải mặt trời đang mọc,” tôi nói.

“Nó đang mọc ở một nơi nào đó,” cậu trả lời, rồi một lúc sau nói tiếp, “Nhận xét: Sẽ thật tuyệt nếu được ngồi một lúc trong chiếc máy bay nào đó siêu nhanh để đuổi theo ánh bình minh trên khắp thế giới.”

“Ta cũng sống lâu hơn nữa,” cậu ấy nhìn tôi thắc mắc. “Cậu biết đấy, thuyết tương đối gì đó.” Trông cậu ấy vẫn bối rối. “Chúng ta già đi chậm hơn khi di chuyển nhanh hơn so với việc đứng yên một chỗ. Thế nên ngay lúc này thời gian trôi chậm hơn đối với chúng ta so với những người đang ở dưới mặt đất.”

“Những cô nữ sinh,” cậu ta nói. “Họ quả là thông minh.”

Tôi trợn tròn mắt. Cậu ấy thục đầu gối (thật) của cậu ấy vào đầu gối tôi, tôi cũng thúc lại. “Cậu buồn ngủ chưa?” tôi hỏi cậu ấy.

“Chả thấy gì,” cậu ấy trả lời.

“Ừ,” tôi nói. “Tớ cũng vậy.” Chất gây mê và thuốc ngủ đều không mấy tác dụng với tôi như với những người bình thường.

“Có muốn xem phim nữa không?” cậu ấy hỏi. “Có một phim Portman đóng từ kỷ nguyên Hazel của chị ấy.”

“Tớ muốn xem phim nào mà cậu chưa xem.”

Cuối cùng chúng tôi xem 300, một bộ phim chiến tranh kể về
[74]

300 chiến binh người Sparta chiến đấu bảo vệ quê hương Sparta khỏi cuộc xâm lăng của cả tỉ người Ba Tư. Phim của Augustus lại bắt đầu chiếu trước tôi lần nữa, rồi sau vài phút nghe cậu ấy hò hét, “Chết đi!” rồi “Thảm thương quá!” mỗi khi có ai đó bị giết hại dã man, tôi nghiêng người qua tay dựa và gối đầu vào vai cậu ấy để có thể vào màn hình của cậu ấy và chúng tôi có thể thực sự xem phim cùng nhau.

300 quy tụ một dàn diễn viên gồm các chàng trai trẻ trung to cao vạm vỡ mình trần lực lưỡng nên cũng không khó để theo dõi, nhưng mà có một đống khiên giáo hầu như chẳng tác dụng gì mấy. Thi thể người Ba Tư và Sparta chồng chất lên nhau, và tôi không thể tưởng tượng tại sao người Ba Tư lại tàn ác trong khi người Sparta lại can trường đến vậy. “Tính đương thời,” trích trong NĐTC, “phản ánh rõ rệt trong những cuộc chiến mà chẳng ai mất đi thứ gì dù có giá trị ra sao, ngoại trừ cái có thể nói là mạng sống của chính họ.” Và điều đó đúng với cuộc chiến của những anh hùng này.

Đến gần cuối bộ phim, mọi người gần như đều chết cả, rồi có một cảnh điên rồ khi những người Sparta bắt đầu chất những thi thể thành một bức tường xác chết. Những người chết tạo nên một rào chắn khổng lồ giữa người Ba Tư với con đường dẫn vào thành Sparta. Tôi thấy chuyện đổ máu này thật vô nghĩa nên ngoảnh mặt đi một lúc rồi hỏi Augustus, “Cậu nghĩ có bao nhiêu người đã chết?”

Cậu ấy huơ tay ra hiệu cho tôi im lặng. “Shh. Shh. Tới lúc gay cấn rồi.” Khi người Ba Tư tấn công, họ phải trèo lên bức tường xác chết trong khi quân Sparta đã chiếm được vị trí cao hơn trên đỉnh ngọn núi xác chết, xác người cứ chồng chất lên nhau, bước tường của những người đã hi sinh càng cao thêm và khó trèo lên hơn, tất cả đều vung kiếm/bắn tên loạn xạ, máu chảy thành sông đổ xuống từ Ngọn Núi Xác Chết này, v.v.

Tôi ngồi thẳng lên một lúc để tránh cảnh máu me và ngắm nhìn Augustus theo dõi bộ phim. Cậu ấy không thể kìm nổi điệu cười ngốc nghếch của mình. Tôi nhìn ngọn núi cứ cao dần lên bởi xác của những người Ba Tư và Sparta trong màn hình của mình qua đôi mắt díp lại. Khi cuối cùng quân Ba Tư đã thắng thế người Sparta, tôi quay sang nhìn Augustus lần nữa. Dẫu cho những người lương thiện vừa phải nhận lấy thất bại, trông Augustus vẫn hết sức hân hoan. Tôi lại dựa người vào cậu ấy, nhắm mắt lại cho đến tận khi trận chiến đã kết thúc.

Đến đoạn giới thiệu diễn viên và đoàn làm phim, cậu ấy tháo tai nghe ra và nói, “Xin lỗi, tớ bị cuốn vào sự cao thượng của cuộc hiến sinh. Cậu vừa nói gì nhỉ?”

“Cậu nghĩ có bao nhiêu người đã chết?”

“Bao nhiêu nhân vật hư cấu đã chết trong bộ phim hư cấu này hả? Chưa đủ đâu,” cậu ấy đùa.

“Không, ý tớ là, như kiểu, đã từng. Kiểu như cậu nghĩ có bao nhiêu người đã từng chết?”

“Tình cờ tớ lại biết câu trả lời cho câu hỏi đấy,” cậu ấy nói, “Có bảy tỉ người đang sống, và khoảng chín mươi tám tỉ người đã chết.”

“Ồ,” tôi thốt lên. Tôi cứ nghĩ rằng có thể vì tốc độ tăng dân số quá nhanh nên số người đang sống phải nhiều hơn tất cả số người đã chết cộng lại.

“Cứ một người đang sống thì có khoảng mười bốn người đã chết,” cậu ấy nói. Đoạn giới thiệu vẫn đang chạy trên màn hình. Sẽ mất rất lâu để xác định danh tính của những người đã chết, tôi nghĩ. Đầu tôi vẫn dựa trên vai cậu ấy. “Tớ đã nghiên cứu cái này mấy năm trước,” Augustus tiếp tục. “Tớ đã băn khoăn liệu tất cả mọi người có thể được nhớ tới không. Kiểu như nếu chúng ta sắp xếp lại, ấn định cụ thể số người đã chết cho từng người đang sống, liệu có đủ số người còn sống để có thể nhớ hết được những người đã chết không?”

“Thế có đủ không?”

“Chắc chắn đủ, ai cũng có thể nhớ tên được mười bốn người. Nhưng chúng ta là những kẻ khóc mướn vô tổ chức, thế nên rốt cuộc nhiều người chỉ nhớ đến Shakespeare mà chẳng ai nhớ đến người ông đã viết về trong bài Sonnet Năm mươi lăm.”

“Ừ,” tôi nói.

Sau một phút im lặng, cậu ấy hỏi, “Cậu có muốn đọc gì không?” Tôi bảo có. Thế là tôi đọc một bài trường thi có tên Tiếng Tru
[75] mà lớp tôi đang học, còn Gus đọc lại cuốn Nỗi của Allen Ginsberg đau tột cùng.
Một lúc sau cậu ấy nói, “Có gì hay không?”

“Bài thơ ấy hả?” tôi hỏi.

“Ừ.”

“Ừ, nó rất tuyệt. Những gã trong bài thơ này còn dùng thuốc nhiều hơn cả tớ. NĐTC thì sao?”

“Vẫn rất hoàn hảo,” cậu ấy đáp. “Đọc cho tớ nghe đi.”

“Đây thực sự không phải một bài thơ thích hợp để đọc thành tiếng với một bà mẹ đang ngủ ngay bên cạnh. Có đầy những chuyện bệnh hoạn rồi ma túy các thứ trong đó,” tôi nói.

“Cậu vừa kể tên hai trong những trò tiêu khiển của tớ,” cậu ấy nói. “Được rồi, thế đọc cho tớ nghe cái gì khác đi.”

“Ừm,” tôi nói. “Tớ chẳng có gì khác cả?”

“Chán nhỉ. Tớ đang có hứng nghe thơ thẩn. Cậu có nhớ bài nào không?” “‘Hãy cứ lên đường, anh và tôi,’” tôi rụt rè đọc, “Khi bầu trời phủ khắp ánh hoàng hôn / Như người bệnh miên man trên bàn mổ.” “Chậm thôi,” cậu ấy nói.

Tôi thấy hơi e rè, cảm giác như lần đầu tôi kể cho cậu ấy nghe về cuốn Nỗi đau tột cùng. “Ừm. Được rồi. Ừ. ‘Hãy lên đường, qua từng con phố vắng / Nơi ẩn cư lặng lẽ / Của những đêm không ngủ trong quán trọ rẻ tiền / Những quán ăn đầy mùn cưa vỏ sò: / Những con đường chạy dài như cuộc cãi vã buồn tẻ / Cùng ý định gian trá / Dẫn anh đến câu hỏi quá sức đôi co / Ôi, xin đừng hỏi, “Cái gì thế?” / Cứ lên đường cứ vạch chuyến đi.’”[76]
“Anh yêu em mất rồi,” cậu ấy lặng lẽ nói. “Augustus,” tôi thốt lên.

“Thật đấy,” cậu ấy nói. Cậu ấy vẫn đang nhìn tôi và tôi có thể thấy khóe mắt cậu nheo lại. “Anh yêu em, và chẳng việc gì anh phải tự mình chối bỏ niềm vui giản đơn được nói ra những điều là sự thật. Anh đã yêu em, dù anh biết rằng tình yêu đó chỉ như một tiếng thét vào giữa khoảng không, biết rằng sự lãng quên là không thể tránh khỏi, biết rằng số phận bi thương của hai ta đều đã được an bài, biết rằng rồi một ngày tất cả nỗ lực của con người sẽ trở về với cát bụi, anh cũng biết cuối cùng mặt trời sẽ nuốt chửng hành tinh duy nhất hai ta từng có được, và sau tất cả anh sẽ vẫn yêu em.”

“Augustus,” tôi gọi tên cậu ấy lần nữa, chẳng biết phải nói gì. Cảm giác như mọi thứ đang dâng lên trong lòng tôi, như thể tôi bị nhấn chìm trong niềm vui sướng tê tái và ngượng nghịu này, nhưng tôi không thể đáp lại. Tôi không thể nói gì được. Tôi cứ nhìn cậu ấy và để cậu ấy ngắm nhìn tôi cho đến khi cậu ấy gục đầu xuống, bờ môi mím chặt rồi quay đi, tựa đầu bên cửa sổ.