Khi Lỗi Thuộc Về Những Vì Sao

CHƯƠNG BẢY

Tôi hét lên để đánh thức bố mẹ dậy, họ lập tức chạy xộc vào phòng nhưng chẳng có cách nào có thể làm dịu đi những cơn bùng nổ của các siêu tân tinh bên trong bộ não của tôi, những tràng pháo hoa dài bất tận trong hộp sọ khiến tôi nghĩ rằng thế là đi rồi, một lần và mãi mãi, và tôi tự nói với mình – như tôi vẫn nói với mình trước đó – rằng cơ thể sẽ ngừng hoạt động khi cơn đau trở nên khủng khiếp, rằng ý thức chỉ là tạm thời và thế là xong thôi. Nhưng cũng như mọi lần, tôi đã không trôi đi mất. Tôi bị đánh dạt vào bờ cát với những cơn sóng dập dềnh lên xuống, chẳng thể nào chìm sâu.

Bố vừa lái xe vừa gọi điện đến bệnh viện trong khi tôi nằm dựa đầu lên đùi mẹ. Chẳng có việc gì để làm cả: Hò hét chỉ khiến nó tệ hơn. Mọi kích thích đều khiến nó tệ hơn, thật đấy.

Giải pháp duy nhất là phá hủy luôn cái thế giới này, biến nó quay trở lại tăm tối, lặng yên, và không một bóng người, trở lại khoảnh khắc ngay trước vụ nổ Big Bang, vào lúc bắt đầu mới chỉ có Đức
[49]
Chúa , và cứ ở đó lẻ loi trong khoảng không trống rỗng cùng với Người.
Người ta hay nói về nghị lực của những bệnh nhân ung thư, và tôi không phủ nhận những nghị lực đó. Tôi đã bị chọc, bị đâm, bị đầu độc hàng năm trời và tôi vẫn tiếp tục sống. Nhưng đừng lầm tưởng: Trong giây phút ấy tôi đã rất, rất hạnh phúc nếu được chết.

Tôi tỉnh dậy trong ICU. Tôi chắc tôi ở trong ICU bởi vì tôi không có phòng riêng, xung quanh có rất nhiều tiếng bíp, và bởi vì tôi đang nằm một mình: Họ sẽ không để người nhà bên bạn 24/7 trong ICU ở khoa Nhi vì nguy cơ lây nhiễm. Có tiếng khóc vọng lên từ phía hành lang. Chắc con ai đó vừa mất. Tôi nằm ở đây một mình. Tôi nhấn nút gọi màu đỏ.

Một chị y tá đi vào ngay sau đó. “Chào chị,” tôi nói.

“Chào em Hazel. Chị là Alison, y tá của em.” Chị ấy nói.

“Chào chị Alison Y Tá Của Em,” tôi nói.

Ngay lúc đó tôi lại cảm thấy khá mệt. Dù thế tôi vẫn cố giữ tỉnh táo khi bố mẹ bước vào, khóc lóc và hôn lấy hôn để lên mặt tôi, tôi cố đưa tay ra với và ôm lấy họ, nhưng cả người tôi lại đau khi tôi quàng tay qua, rồi Bố Mẹ nói rằng tôi không có khối u não, rồi cơn nhức đầu đó là do thiếu ôxy bởi phổi tôi lại ngập trong dịch tràn, những một lít rưỡi (!!!!) chất dịch đã được hút thành công ra khỏi ngực tôi, đó là nguyên do tôi thấy hơi khó chịu ở bên sườn, chỗ đó có một, ê nhìn chỗ đó kìa, có một cái ống dẫn từ ngực tôi ra một túi nhựa đã đầy một nửa chất dịch màu hổ phách giống hệt loại rượu ưa thích của bố tôi. Mẹ dỗ dành rằng tôi sẽ sớm được về nhà, mà quả đúng vậy, rằng tôi chỉ cần
[50]
thỉnh thoảng hút dịch phổi và quay lại với cái máy thở BiPAP , cái máy này mỗi đêm sẽ giúp đẩy không khí lưu thông qua hai lá phổi dở hơi của tôi. Và tôi đã được chụp PET toàn thân trong đêm đầu tiên nằm viện, bố mẹ bảo tôi thế, và đó là tin tốt lành: các khối u không phát triển thêm. Không phát hiện u mới. Vai tôi đau cũng bởi thiếu ôxy. Đau-vì-tim-làm-việc-quá-sức.

“Sáng nay Bs. Maria đã nói rằng bà vẫn cảm thấy lạc quan,” Bố nói. Tôi thích Bs. Maria, bà ấy chẳng gạt ai bao giờ nên thật vui khi nghe điều đó.

“Đây chỉ là một thử thách thôi, Hazel.” Mẹ an ủi. “Một thử thách mà chúng ta có thể sống chung với nó.”

Tôi gật đầu, rồi chị Alison Y Tá Của Tôi đã khéo léo nhắc họ ra ngoài. Chị ấy hỏi tôi có muốn ăn chút đá bào không, tôi gật đầu, thế là chị ấy ngồi xuống giường đút cho tôi từng thìa một.

“Thế là em đã nằm mất mấy ngày rồi,” Alison nói. “Hmm, xem em bỏ lỡ gì nào…Một ngôi sao chơi đá. Những chính trị gia bất đồng. Một ngôi sao khác mặc một bộ bikini làm lộ khiếm khuyết cơ thể. Một đội bóng thắng, nhưng đội kia lại thua,” tôi cười. “Em không thể cứ biến mất trong mắt mọi người thế được, Hazel. Em bỏ lỡ nhiều thứ quá rồi.”

“Nữa được không ạ?” Tôi hỏi, hất hất đầu về phía chiếc cốc
[51]
nhựa Styrofoam trắng trên tay chị ấy.

“Đáng nhẽ không nên,” chị ấy nói, “nhưng chị sẽ phá lệ.” Chị ấy đút cho tôi thêm một thìa đá bào nữa. Tôi thì thầm cảm ơn. Tạ ơn Chúa vì những chị y tá dễ thương thế này. “Mệt chưa?” chị hỏi. Tôi gật đầu. “Ngủ chút đi nhé,” chị ấy nói. “Chị sẽ quanh quẩn ở đây để em có một vài giờ nghỉ ngơi trước khi có ai đó vào kiểm tra tình trạng của em và mọi thứ.” Tôi nói Cảm ơn một lần nữa. Chúng ta nói cảm ơn rất nhiều khi ở trong viện. Tôi ngọ nguậy trên giường tìm tư thế nằm thoải mái. “Em không định hỏi thăm gì về bạn trai của em à?” chị ấy hỏi.

“Em có bạn trai nào đâu,” tôi bảo chị ấy.

“Thế à, có một cậu chẳng rời em lúc nào ở phòng chờ khi em mới đến đây,” chị ấy nói.

“Cậu ấy chưa thấy em trong bộ dạng này đúng không ạ?” “Chưa. Chỉ gia đình mới được vào thôi.” Tôi gật đầu và chìm vào giấc ngủ miên man.

Tôi phải nằm sáu ngày mới được về nhà, sáu ngày chống mắt nhìn bức trần cách âm xem TV và ngủ và đau đớn và ngóng thời gian trôi. Tôi chẳng được gặp Augustus hay ai khác ngoài bố mẹ mình. Đầu tóc tôi nhìn như tổ quạ; bộ dạng lếch thếch như bệnh nhân mất trí. Dù thế tôi vẫn thấy khỏe hơn mỗi ngày: Mỗi giấc ngủ kết thúc lại bộc lộ một con người trông giống tôi hơn một chút. Giấc ngủ chống lại ung thư, Bs. Jim nhắc lại lần thứ một ngàn khi ông lượn qua thăm tôi một buổi sáng nọ với một nhóm sinh viên y khoa theo cùng.

“Cháu là một cỗ máy chống ung thư,” tôi nói với ông ấy.

“Chuẩn luôn, Hazel. Cứ nghỉ ngơi đi nhé, và mong chúng ta có thể cho cháu về nhà sớm thôi.”

Hôm thứ Ba, họ nói tôi có thể về nhà vào thứ Tư. Hôm thứ Tư, hai sinh viên y khoa rút ống ở ngực tôi ra mà hầu như chẳng ai giám sát, khiến tôi cảm thấy như bị đâm ngược vào trong và nói chung là mọi thứ không được tốt cho lắm nên bệnh viện quyết định giữ tôi ở lại cho đến thứ Năm. Tôi bắt đầu nghĩ khéo mình là một loại vật thí nghiệm sống nào đó mà mãi chẳng nhận được tí thù lao nào lúc Bs. Maria xuất hiện vào buổi sáng thứ Sáu, khụt khịt quanh tôi một phút, rồi thông báo tôi đã đủ khỏe để xuất viện được rồi.

Thế rồi Mẹ mới mở chiếc túi to quá cỡ của mình ra để lộ rằng bà luôn mang Quần Áo Về Nhà của tôi theo bên mình. Một chị y tá đi
[52] vào và rút ống IV ra giúp tôi. Tôi cảm thấy như được tháo xiềng xích dù vẫn phải kè kè cái bình ôxy bên mình. Tôi vào nhà vệ sinh, tắm cú đầu tiên sau cả tuần trời, mặc quần áo, và khi tôi bước ra tôi đã mệt đến nỗi tôi phải nằm lại xuống giường và lấy lại nhịp thở. Mẹ hỏi, “Con có muốn gặp Augustus không?”

“Cũng được ạ,” một phút sau tôi mới đáp. Tôi đứng dậy và lê mình qua chiếc ghế nhựa dựa sát tường, kéo cái bình xuống dưới gầm ghế. Thế thôi mà tôi cũng rất mệt.

Bố quay lại cùng Augustus một lúc sau đó. Tóc cậu ấy cũng bù xù, lòa xòa trước trán. Cậu ấy nở một Nụ Cười Ngốc Nghếch Kiểu Augustus Waters đích thực khi bước vào, và tôi không thể không mỉm cười đáp lại được. Cậu ấy ngồi xuống chiếc ghế tựa giả da màu xanh dương ngay cạnh tôi. Cậu ấy nghiêng mình về phía tôi, bộ dạng như thể không ngừng cười được.

Bố Mẹ để chúng tôi lại một mình khiến cho cảm giác càng thêm ngượng nghịu. Tôi cố gắng nhìn vào đôi mắt cậu ấy, chúng đẹp đến nỗi thật khó để có thể nhìn thẳng vào. “Tớ nhớ cậu,” Augustus nói.

Giọng tôi lí nhí hơn mức tôi mong muốn. “Cảm ơn vì đã không cố xem tớ thế nào lúc tớ nhìn như quỷ sứ.”

“Công bằng mà nói thì trông cậu vẫn thê thảm lắm.”

Tôi cười. “Tớ cũng nhớ cậu. Tớ chỉ không muốn cậu thấy…tất cả những chuyện này. Tớ chỉ muốn, ừ…Thôi không có gì đâu. Người ta không thể luôn có thứ họ muốn được.”

“Thật thế sao?” cậu ấy hỏi. “Tớ luôn nghĩ thế giới này là một nhà máy ban tặng điều ước cơ.”

“Nhưng cuối cùng thì không phải vậy,” tôi đáp. Cậu ấy rất đẹp. Cậu ấy với lấy tay tôi nhưng tôi lắc đầu. “Đừng,” tôi khẽ nói. “Nếu chúng ta có đang hẹn hò thì nó phải, ừm, không phải thế đâu.”

“Okay,” cậu ấy nói. “Xem nào, tớ có cả tin tốt và tin xấu về vụ ban tặng điều ước.”

“Okay?” tôi nói.

“Tin xấu là hiển nhiên chúng ta không thể đến Amsterdam cho đến khi cậu khá hơn. Quỹ Genie, tuy thế, vẫn sẽ thực hiện phép màu của họ ngay khi cậu bình phục.”

“Đấy là tin tốt à?”

“Không, tin tốt là trong khi cậu vẫn đang ngủ thì Peter Van Houten đã chia sẻ thêm một chút về bộ não đại tài của ông ấy cho chúng ta.”

Cậu ấy với lấy tay tôi lần nữa, nhưng lần này là để dúi vào tay tôi một tờ giấy văn phòng được gấp lại nhiều lần, trên tiêu đề có ghi Peter Van Houten, Tiểu thuyết gia Danh dự.

Tôi đã không đọc nó cho đến khi về đến nhà, yên vị trên cái giường to oành và trống trải của mình để đảm bảo không có một sự gián đoạn y tế nào. Tôi mất một lúc lâu mới giải mã được nét chữ nghiêng ngả và cẩu thả của Van Houten.

Thưa ngài Waters,

Tôi đã nhận được lá thư điện tử của ngài vào hôm 14 tháng Tư và bị ấn tượng mạnh mẽ bởi tấm bi kịch rắc rối thê lương như một vở kịch Shakespeare của ngài. Mọi nhân vật trong câu chuyện này đều mang một cố tật không thể nào thay đổi: của cô ấy, đó là bệnh tật; của ngài, đó là khỏe mạnh. Giả sử ngài có đau ốm hơn, hay cô ấy có khỏe mạnh hơn, thì những vì sao đã không băng qua nhau bi thương như vậy, nhưng bản chất của những ngôi sao là để gặp nhau, nên chẳng có gì sai lầm hơn khi Shakespeare để nhân vật Cassius nói, “Lỗi lầm, Brutus thân yêu, không
[53]
ở những vì sao xa / Mà ở trong chính chúng ta.” Nói sao cũng được nếu khi ta là một nhà quý tộc La Mã (hoặc chính Shakespeare!), nhưng chẳng thiếu những lỗi lầm được tìm thấy chính giữa những ngôi sao của chúng ta.

Trong khi chúng ta đang trong chủ đề những thiếu sót của
[54] Will già nua, lá thư của ngài về Hazel trẻ tuổi nhắc tôi nhớ về bài
[55] thơ sonnet thứ năm mươi lăm của ông, mở đầu như thế này: “Lăng
tẩm vua dát bạc vàng, đá trắng / Không sống lâu như thơ viết trang này / Trong thơ anh, hơn vàng em toả sáng / Không bị đời và thế kỷ làm
[56] dây.” (Ngoài lề một chút, nhưng: Ôi thời gian là cô nàng nhơ
[57] nhớp , nàng rũ bỏ hết bất kỳ ai.) Đó là một bài thơ hay nhưng đầy
gian dối: Chúng ta thực sự ghi nhớ những vần điệu hùng tráng của Shakespeare, nhưng chúng ta nhớ gì về con người mà bài thơ ca tụng?
[58] Chẳng gì cả. Chúng ta chắc đó là một người đàn ông ; mọi chi tiết
khác chỉ là phỏng đoán. Shakespeare kể cho chúng ta khá khiêm tốn về người đàn ông bị chôn vùi bên trong lăng mộ ngôn ngữ của người. (Mà nói thêm khi ta chuyện trò về văn học, chúng ta dùng thì hiện tại. Nhưng khi nói về người đã chết, sẽ chẳng ý nhị lắm đâu.) Ta không thể khiến sự mất mát trở nên bất tử bằng cách viết về chúng. Ngôn ngữ sẽ chôn vùi, nhưng chẳng hồi sinh. (Mà xin nói thẳng: Tôi không phải người đầu tiên để ý điều này. Vui lòng xem bài thơ “Not marble, nor the gilded [59] [60] monuments” của MacLeish với một dòng khảng khái, “Ta phải
nói nàng rồi sẽ chết và không ai nhớ điều gì hết.”)
Tôi đã nói quá xa, nhưng đây là điểm mấu chốt: Người đã chết chỉ được nhìn thấy qua con mắt không mí đáng sợ của ký ức. Người đang sống, tạ ơn thiên đàng, vẫn duy trì được khả năng khiến người khác bất ngờ và tuyệt vọng. Hazel của ngài vẫn đang sống, Waters, và ngài không thể áp đặt ý chí của ngài lên quyết định của người khác, đặc biệt là một quyết định đã được suy tính thấu đáo. Cô ấy không muốn chạm đến nỗi đau của ngài, hãy cứ để cô ấy làm vậy. Ngài có thể không thấy logic của Hazel trẻ tuổi không mấy thuyết phục, nhưng tôi đã lê bước qua thung lũng nước mắt này xa hơn cả ngài, và từ góc nhìn nơi tôi đang ngồi đây, cô ấy không phải là kẻ mất trí.

Trân trọng,

Peter Van Houten

Bức thư này đúng là do ông ấy viết. Tôi liếm ngón tay của mình rồi chấm nhẹ lên tờ giấy, có vết mực thoáng phai ra, thế nên tôi biết nó là thật.

“Mẹ,” tôi gọi. Tôi không gọi to quá, mà cũng chẳng cần phải thế. Mẹ luôn luôn chờ tôi. Bà ló đầu qua cửa.

“Con ổn chứ, con yêu?”

“Mình có thể gọi cho Bs. Maria và hỏi xem ra nước ngoài một chuyến có giết con luôn được không?”