Nghệ thuật an ủi làm ấm lòng người khác
An ủi chính là dùng lời nói vui vẻ, đầy hi vọng và sự đồng cảm để động viên, cổ vũ những người đau khổ do bệnh tật hoặc mất niềm tin do gặp thất bại, khiến họ tìm thấy sức mạnh tích cực trong cuộc sống. Lời an ủi chân thành sẽ khiến đối phương cảm thấy ấm áp và mạnh mẽ hơn. Do đó, an ủi là một việc rất quan trọng trong hoạt động giao tiếp của con người, giúp mọi người trở nên gần gũi, thân thiết hơn.
Sống trong xã hội, chúng ta có bạn bè, hàng xóm và đồng nghiệp, còn có cả những mối quan hệ khác nữa. Chia sẻ niềm vui của mình hoặc cùng vui với người khác khiến cả hai bên đều cảm thấy vui vẻ. Ngược lại, khi gặp phải chuyện buồn cũng vậy. Sau khi chia sẻ với người khác, nỗi buồn của bạn sẽ vơi đi một nửa. Vì vậy, khi bạn của bạn gặp chuyện không vui, bạn nhất định phải chủ động an ủi, khiến đối phương được giải tỏa và cảm thấy ấm áp trong lòng.
An ủi là sợi dây liên kết trong giao tiếp. Lời an ủi có thể khiến con người có sức mạnh tinh thần, dũng cảm đối mặt với khó khăn.
John đến tuổi nhập ngũ, anh được phân vào lực lượng hải quân lục chiến – nơi gian khổ nhất. John rất lo lắng.
Ông ngoại thấy John không vui nên an ủi anh. Ông nói: “Cháu không nên lo lắng nhiều, mặc dù ở trong lực lượng hải quân lục chiến sẽ khó khăn và nguy hiểm hơn, nhưng nếu được phân vào vị trí tốt thì cũng không có vấn đề gì cả”.
John hỏi: “Vậy nếu không được phân vào vị trí tốt thì sao?”
Ông ngoại trả lời: “Trong vị trí không tốt đó, lại có những sự lựa chọn tốt, chỉ cần cháu có thể bình an trở về thì sẽ không có gì phải lo lắng cả”.
“Thế nếu cháu không thể bình an trở về thì sao?”
“Nếu như vậy thì cháu không còn nữa, cháu không phải lo lắng, ngược lại người đau khổ sẽ là ông, kẻ tóc bạc đưa tiễn kẻ tóc xanh, đó là chuyện chẳng vui vẻ gì”.
John nghe lời an ủi của ông, trong lòng cảm thấy thoải mái nhẹ nhàng, không còn sợ điều gì nữa.
Ông ngoại John là người rất giỏi an ủi người khác, mặc dù ông không trực tiếp dùng từ “cháu không cần lo lắng”, “cháu đừng sợ”, nhưng lời phân tích của ông đã giúp John thấy rằng vấn đề không đáng sợ như tưởng tượng. Từng bước, John đã được an ủi và có thêm hi vọng.
An ủi cần kĩ năng ngôn ngữ, muốn thành công, bạn phải nắm được các kĩ năng an ủi này.
(1) Tìm hiểu nguyên nhân khiến đối phương buồn phiền
Khi an ủi người khác, trước tiên phải hiểu rõ nguyên nhân khiến họ buồn phiền. Trước khi làm rõ nguyên nhân, an ủi chỉ là phép lịch sự giao tiếp, lời nói hầu hết là lời khách sáo. Muốn an ủi đúng cách và có hiệu quả thì phải hiểu nguyên nhân.
(2) Lắng nghe để an ủi
Hầu hết mọi người khi gặp khó khăn đều có hai cách phản ứng: Cách thứ nhất là giữ mọi chuyện trong lòng, tự mình tìm cách giải quyết, đây không phải cách làm hay. Cách thứ hai là thổ lộ với người khác, là một người bạn, bạn phải chọn địa điểm và thời gian thích hợp, tạo cơ hội để họ nói ra nỗi lòng.
Muốn an ủi thành công, trước tiên bạn phải là một người biết lắng nghe. Chỉ có lắng nghe, bạn mới hiểu rõ căn nguyên nguồn gốc sự việc. Việc bạn lắng nghe sẽ khiến tâm trạng căng thẳng của đối phương trở nên nhẹ nhõm, được an ủi.
Trong quá trình lắng nghe, bạn phải tỏ thái độ chân thành, người được an ủi sẽ cảm thấy tin tưởng bạn và cảm nhận được sự ấm áp.
Trong quá trình lắng nghe, nếu đối phương chủ động hỏi ý kiến, bạn có thể trả lời, nhưng nhất định phải đơn giản, đúng nội dung.
(3) An ủi bằng lời nói có sức thuyết phục nhất
Chuyện gì cũng có lúc thất bại. Khi người khác buồn phiền vì thất bại, bạn có thể an ủi từ chính chuyện khiến người đó buồn phiền.
Một ngày, khi Socrates đang đi bộ trên cầu thì nhìn thấy một thanh niên định nhảy xuống sông, ông bèn ngăn lại và hỏi: “Cháu có thể nói cho ta biết chuyện gì đã xảy ra không?”
“Cháu thất tình.”
“Vậy cháu nên cảm ơn Thượng Đế.”
“Tại sao?”
Socrates an ủi: “Cô ấy đã mất đi một người rất yêu thương mình, còn cháu chỉ mất đi một người không yêu cháu.”
Người thanh niên nghe vậy mỉm cười và quay trở về nhà.
Socrates đã khiến người thanh niên hiểu cô gái đó không yêu anh, dù có mất đi cũng không đáng buồn. Cách an ủi này đã nhanh chóng gỡ bỏ áp lực tâm lí cho người thanh niên.
Khi an ủi người khác, chúng ta nhất định phải nói lời tích cực, khích lệ đối phương nghĩ tới một phương án tốt hơn, tuyệt đối không nên nói lời tiêu cực, như vậy sẽ khiến đối phương càng buồn phiền.
Vương làm bài thi đại học không tốt, cả nhà đều rất lo lắng. Bản thân anh cũng rất buồn.
Một bạn học an ủi Vương: “Cậu đừng lo nữa, xã hội bây giờ xem trọng năng lực, thi trượt đại học không có nghĩa là cậu kém cỏi. Như anh hàng xóm nhà tớ, mặc dù không học đại học nhưng có sự nghiệp riêng rất tốt.” Vương nghe vậy trong lòng càng bấn loạn, thậm chí còn to tiếng với bạn mình.
Lúc này, một người bạn học khác của Vương là Mai tới thăm và khuyên anh: “Cậu đừng quá buồn. Lần này thi không tốt có thể do cậu chưa phát huy hết mình. Nếu cậu không đỗ, có thể ôn thi thêm một năm, sang năm thi lại nhất định không vấn đề gì, đừng buồn vì chuyện này nữa”. Vương nghe xong cảm thấy học ôn thêm một năm cũng không phải ý kiến tồi, vì vậy anh đã vui vẻ hơn.
Hai cách an ủi trên, cách nào khiến người khác dễ chấp nhận hơn? Người bạn thứ nhất dùng cách an ủi tiêu cực trong khi người bạn thứ hai dùng cách an ủi tích cực, tìm cách giải quyết vấn đề. Từ phản ứng của Vương có thể thấy rằng cách an ủi tích cực tốt hơn nhiều so với cách tiêu cực.
Khi người khác gặp khó khăn, chúng ta không chỉ an ủi, khích lệ họ về mặt tinh thần mà còn nên có hành động giúp đỡ đối phương.
Một người mẹ đơn thân gặp tai nạn và bị thương, hàng xóm của cô đều tới bệnh viện thăm, có nhiều người còn tình nguyện giúp đỡ cô đưa đón con đi học và cho con ăn. Có người thì tình nguyện lái xe đưa cô đi bệnh viện kiểm tra. Người mẹ rất xúc động nói: “Chân của tôi bị gãy, không biết cuộc sống trong thời gian tới phải làm thế nào. May mà có sự giúp đỡ của mọi người, tôi mới có thể yên tâm dưỡng bệnh.”
Khi người khác gặp khó khăn, bạn nên giúp đỡ họ, như vậy bạn sẽ nhận được sự tín nhiệm và xây dựng được tình cảm tốt đẹp với mọi người xung quanh.
Kĩ năng an ủi người gặp chuyện không vừa ý
Cuộc sống luôn luôn thay đổi, có lúc chúng ta gặp chuyện vừa ý, nhưng cũng có lúc gặp chuyện không vừa ý, đó là điều rất bình thường. Khi gặp một người gặp chuyện không vừa ý, chúng ta không nên nói đến những chuyện tốt đẹp trước mặt họ. Bởi như vậy chỉ càng khiến đối phương chán nản hơn. Hãy nói cho họ nghe những chuyện khó khăn mà mình từng trải qua, để họ thấy việc không vừa ý của mình chỉ là nhất thời, sau này nhất định mọi chuyện sẽ tốt đẹp hơn. Nếu hiểu được đạo lí này, bạn có thể an ủi thành công và khiến đối phương cảm thấy được sự khích lệ.
Thể hiện sự đồng cảm
Khi bạn bè hoặc người thân có chuyện không vui muốn giãi bày, bạn không nên dùng thái độ trịch thượng để khuyên họ phải làm thế nào hoặc khoe thành tích của mình với họ. Hãy nói rằng bạn cũng đã từng trải qua những việc không vừa ý hoặc không thuận lợi trong công việc, như vậy đối phương sẽ hiểu rằng, không có việc gì là dễ dàng, mỗi người cần phải biết tự điều chỉnh tâm lí khi đối diện với khó khăn.
Khi người khác gặp rắc rối chuyện gia đình, hãy nói với họ rằng “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”.
Vận dụng chính xác cách thức an ủi
Trong cuộc sống và trong công việc, khi chúng ta bị thiệt hại do lỗi của người khác gây ra, nhất định phải xác định rõ tình hình, không nên chỉ biết trách cứ người đó, bởi khi có sự động viên của bạn, có thể đối phương sẽ điều chỉnh lại và làm tốt hơn. Vì thế, trong tình huống nào cũng không nên bỏ rơi bạn bè, hãy tích cực an ủi họ.
Lời an ủi bệnh nhân phải tích cực
Người mắc bệnh thường trở nên yếu ớt và nhạy cảm. Bệnh thể chất sẽ gây ảnh hưởng tới tâm trạng và tâm lí bệnh nhân. Nhất là khi bị mắc bệnh nặng, con người thường không thể suy nghĩ vấn đề một cách khách quan, lí trí, mà rất dễ bị người khác tác động.
Do áp lực bệnh tật, nên bệnh nhân thường rất nhạy cảm với hành động và lời nói của người khác, đặc biệt là với suy nghĩ của người khác về họ. Vì vậy, khi tới thăm bệnh nhân và an ủi họ, chúng ta nhất định phải chú ý ngôn ngữ, tránh những lời nói khiến bệnh nhân cảm thấy bệnh của họ rất nặng hoặc cảm thấy có thể bị bỏ rơi. Những lời nói hay, tích cực sẽ khiến bệnh nhân vui vẻ, ổn định tư tưởng, có lợi cho việc hồi phục sức khoẻ . Do tâm trạng con người có liên quan đến tình trạng sức khỏe, nên khi tới thăm bệnh nhân, nên dùng lời nói tích cực để an ủi họ.
Lời nói tích cực khiến bệnh nhân trở nên kiên cường
Tâm trạng vui vẻ sẽ giúp bệnh nhân chống chọi tốt hơn với bệnh tật; thái độ tích cực, lạc quan sẽ có lợi cho quá trình phục hồi sức khỏe. Tâm trạng vui vẻ không chỉ khiến bệnh nhân có thái độ tích cực, mà còn khiến họ hết lòng hợp tác với y bác sĩ để điều trị bệnh. Do đó, nói chuyện với bệnh nhân phải đề cập tới các chủ đề tích cực.
Ly nghe nói bé Lan – con gái người bạn thân phải vào viện điều trị bệnh máu trắng. Nghe tin này, Ly rất buồn và quyết định vào viện thăm bé Lan. Do con mình cùng độ tuổi với bé Lan, lại biết Lan thích truyện Cừu vui vẻ và Sói xám nên Ly quyết định mua món đồ chơi có hình cừu vui vẻ mà Lan thích nhất.
Sau khi vào việc, nhìn thấy sắc mặt nhợt nhạt của bé Lan, Ly rất lo lắng. Tuy nhiên, cô không thể hiện ra mặt, mỉm cười chào Lan: “Con có nhớ cô không?”
Lan gật đầu, trông rất mệt mỏi.
Ly tỏ ra bí mật nói: “Đoán xem cô mang gì đến cho con nào?”
Lan lắc đầu: “Con không đoán được ạ.”
“Con thông minh thế, sao không đoán ra chứ?”
Lan chỉ hỏi: “Lan bị bệnh nặng lắm phải không cô?”
Nghe vậy, Ly suýt rơi nước mắt, cô mỉm cười và lấy món đồ chơi ra.
Lan nhìn thấy đồ chơi thì rất vui.
Ly nói với bé Lan: “Cô kể chuyện Cừu vui vẻ và Sói xám cho con nghe nhé?”
Lan nói về chuyện Cừu vui vẻ lần nào cũng dũng cảm đánh bại Sói xám.
Nhân cơ hội này, Ly nói: “Vậy Lan có dũng cảm và không sợ đau giống như Cừu vui vẻ được không?”
Lan gật đầu: “Có ạ!”
Khi trò chuyện với bệnh nhân, cố gắng tránh nói những câu như “Bạn phải dũng cảm, kiên cường”… Những câu này nghe có vẻ rất có sức thuyết phục, nhưng sẽ khiến bệnh nhân bị hoang mang. Ngoài ra, nên chọn chủ đề nói chuyện mà bệnh nhân có hứng thú. Trên cơ sở này tích cực dẫn dắt để mang lại niềm tin cho người bệnh.
Nói chuyện tích cực, mang lại hi vọng cho người bệnh
Mang lại hi vọng cho người bệnh chính là tạo động lực để họ tiếp tục cuộc sống. Khi thăm bệnh nhân, hãy an ủi để người bệnh thấy được vẫn còn có người quan tâm đến họ và họ vẫn còn hi vọng hồi phục sức khỏe. Khi bệnh nhân còn có hi vọng, họ sẽ có được sức mạnh, sức mạnh này chính là phương thuốc tốt nhất. Vì thế, khi đến thăm bệnh nhân, hãy mang tới cho họ hi vọng.
Trước khi vào bệnh viện thăm hàng xóm, Lưu đã cẩn thận tìm hiểu trước về bệnh tình bệnh nhân, lên mạng tra cứu các chế độ kiêng khem và các thông tin liên quan.
Vào thăm người hàng xóm bị bệnh, Lưu rất buồn, nhưng không biểu lộ ra. Lưu cười và nói: “Hôm nay cô có khỏe hơn không, trông sắc mặt cô rất tốt.” “Cháu lại an ủi cô đấy à?”
“Cháu nói thật mà, các bác sĩ ở đây là chuyên gia về bệnh này.” Lưu tỏ ra tự tin “Cô phải nhanh khỏe lên, cháu muốn ăn món cô nấu.”
Bệnh nhân thở dài và vẫn tỏ ra bi quan: “Không biết sau này cô có thể nấu ăn cho cháu không nữa?”
Lưu vội ngắt lời: “Cô không tin cháu ư? Cháu đã tìm hiểu kĩ rồi”, nói xong Lưu lấy điện thoại, vào mạng và đưa cho người hàng xóm xem thông tin.
Người hàng xóm lập tức trở nên vui vẻ, lạc quan và có hi vọng rằng mình sẽ khỏi bệnh.
Đương nhiên, khi an ủi người khác, lời nói của chúng ta phải chân thật, xuất phát từ tấm lòng. Bởi chỉ có lời nói thật lòng mới có thể khiến đối phương cảm động và tin tưởng.
Dùng sự chân thành khiến người khác cảm động
Một công ty nọ cần tuyển nhân viên làm tăng ca trong dịp tết. Tuy nhiên không ai muốn làm nên người quản lí rất lo lắng.
Sau đó, người quản lí quyết định nói thật lòng mình với các nhân viên: “Việc lần này rất quan trọng, nên chúng ta buộc phải hi sinh mấy ngày nghỉ tết. Tôi biết ngày tết, ai cũng muốn ở bên người thân, nhưng khách hàng cũng giống như cha mẹ chúng ta, nếu không có khách hàng, chúng ta sẽ không có cơm ăn. Vì vậy tôi muốn xin mọi người giúp đỡ, mỗi người làm thêm 3 ngày. Sau đợt này, mỗi người sẽ được nghỉ bù 6 ngày, được không?” Nhân viên công ty cảm thấy lời nói của quản lí rất chân thành nên đồng ý làm tăng ca. Cuối cùng, công ty đã hoàn thành kế hoạch đặt ra.
Trong câu chuyện này, người quản lí đã sử dụng lời nói chân thành, thậm chí còn xin được mọi người giúp đỡ. Sự chân thành đã thể hiện sự tôn trọng và tín nhiệm với mọi người nên các nhân viên đã chấp nhận yêu cầu của anh ta.
Giao tiếp chân thành là một loại giao tiếp tâm hồn, có thể mang lại sức mạnh bất ngờ. Chân thành là linh hồn của hoạt động giao tiếp, có nó, người khác có thể dễ dàng bỏ qua những lỗi lầm mắc phải. Bởi mọi người biết, lỗi sai có thể sửa, nhưng nếu một người không chân thành thì sẽ làm mất đi ý nghĩa của việc giao tiếp.
Đương nhiên, khi thể hiện sự chân thành, khi trò chuyện hoặc an ủi người khác, cần phải sử dụng một số phương pháp nhất định. Nếu một người có trái tim chân thành, nhưng không biết cách thể hiện thì người khác cũng không thể cảm nhận được sự chân thành ấy. Thể hiện sự chân thành cũng cần có phương pháp, như vậy mới có thể khiến người khác hiểu được tâm ý của bạn.
(1) Nhìn thẳng: Khi trò chuyện, giao tiếp với người khác, không nên nhìn đi chỗ khác. Hãy để người đối diện thấy ánh mắt bạn đang nhìn họ và họ sẽ tin tưởng bạn hơn.
(2) Hành động tự nhiên: Những hành động tự nhiên sẽ thể hiện sự vô tư, khiến đối phương tin tưởng bạn.
(3) Mỉm cười chân thành: Nụ cười như ánh nắng, hãy để đối phương cảm nhận được sự ấm áp và dễ chịu toả ra từ lời nói của bạn. Nụ cười thể hiện sự chân thành sẽ chuyển thành ý và tấm lòng của bạn đến đối phương.
(4) Khen chân thành: Những lời khen thật lòng sẽ khiến người khác tự tin. Nó là một phương thuốc hữu hiệu giúp bạn thể hiện lòng chân thành.
(5) Dám thừa nhận khuyết điểm của mình: Không có ai là hoàn hảo, một người che giấu khuyết điểm sẽ chỉ khiến người khác nghi ngờ lòng chân thành. Hãy thừa nhận khuyết điểm một cách thỏa đáng, để mọi người thấy bạn là người thật lòng, tự nhiên và đáng tin cậy.
Vì vậy, khi giao tiếp hoặc khi an ủi người khác, sự chân thành quan trọng hơn kĩ năng. Thậm chí còn có thể nói, chân thành chính là sự tôn trọng đáng quý nhất dành cho mọi người trên thế gian.