Kẻ Xa Lạ

Chương 5

Raymond gọi điện thoại tới phòng làm việc của tôi. Anh ta bảo một người bạn của anh ta (người đã được nghe anh ta kể về tôi) mời tôi chủ nhật này đến chơi tại lều của anh ta gần Alger. Tôi trả lời là tôi rất muốn, nhưng đã hứa hôm đó sẽ ở với bạn gái. Raymond nói anh ta mời luôn cả bạn gái tôi. Vợ anh bạn sẽ rất vui vì không lẻ loi giữa đám đàn ông.

Tôi muốn kết thúc cuộc nói chuyện, vì ông chủ không thích nhân viên nói chuyện trong giờ làm việc. Nhưng Raymond bảo tôi đợi vì anh ta có tin mới để thông báo. Lẽ ra đến tối anh ta mới chuyển lời mời, nhưng vì cái tin đó mà phải gọi ngay giờ. Anh ta đã bị một nhóm người A rập, trong đó có anh trai của cô ả kia, theo dõi suốt cả ngày. “Nếu khi về cậu thấy hắn gần nhà thì báo cho tôi nhé.” Tôi nói là tôi hiểu.

Một lúc sau, ông chủ gọi tôi. Tôi thấy không vui vì nghĩ chắc ông ấy lại sắp bảo nói chuyện điện thoại ít thôi để còn làm việc. Nhưng không phải việc đó. Ông ta bảo sẽ trình bày với tôi về một dự định còn đang mơ hồ. Ông ấy muốn tôi nêu ý kiến về việc đó. Ông ấy định đặt một văn phòng ở Paris để xử lý công việc tại chỗ với những công ty lớn ở đó, và muốn biết liệu tôi có đồng ý đến đó không. Việc này sẽ cho phép tôi được sống ở Paris và mỗi năm tham quan nước Pháp vài tháng. “Anh còn trẻ, và tôi nghĩ đó là cuộc sống làm anh hài lòng.” Tôi nói “vâng”, nhưng thực ra với tôi thì sao cũng được. Ông ấy hỏi tôi có muốn thay đổi cuộc sống không. Tôi nói là tôi không bao giờ thay đổi cách sống, rằng mọi cách sống đều có giá trị, và cuộc sống hiện giờ của tôi ở đây cũng không khó chịu. Ông ấy có vẻ hơi phật ý, và bảo rằng tôi lúc nào cũng trả lời chệch vấn đề, rằng tôi thiếu tham vọng, mà cái đó là thảm họa trong kinh doanh. Tôi trở lại chỗ làm việc. Tôi không thích làm ông chủ mếch lòng, nhưng không thấy có lý do gì để thay đổi cuộc sống. Tự nhìn lại mình, tôi thấy tôi sống không tồi. Khi còn là sinh viên, tôi đã từng có rất nhiều tham vọng kiểu đó. Nhưng khi buộc phải bỏ học, tôi nhanh chóng hiểu rằng tất cả những thứ đó không thực sự quan trọng.

Buổi tối Marie đến tìm tôi và hỏi tôi có muốn cưới cô ấy không. Tôi bảo sao cũng được, và có thể cưới nếu cô ấy muốn. Cô ấy hỏi tôi có yêu cô ấy không. Tôi lại trả lời như lần trước, rằng cái đó vô nghĩa, mà tôi chắc chắn không yêu. “Thế sao lại bám lấy em?”, cô ấy hỏi. Tôi bảo cái đó không quan trọng, và nếu cô ấy muốn thì cưới. Hơn nữa, chính cô ấy đã yêu cầu thế, và tôi bằng lòng. Cô ấy cho rằng việc cưới là hệ trọng. Tôi bảo: “Không.” Cô ấy im lặng nhìn tôi một hồi rồi nói là cô ấy chỉ muốn biết tôi có chấp nhận một đề xuất như vậy từ một phụ nữ khác không, nếu cũng gắn bó với người đó như thế.  Tôi bảo: “Tất nhiên.” Cô ấy lại hỏi tôi có thấy cô ấy yêu tôi không, và tôi nói là tôi không thể biết được. Lại một phút im lặng, rồi cô ấy lẩm bẩm bảo tôi là người lập dị, rằng cô ấy yêu tôi chính vì cái đó, nhưng sẽ đến ngày ghét tôi cũng chính vì cái đó.

Thấy tôi không nói gì thêm, Marie túm lấy tay áo tôi và cười. Rồi cô ấy nhắc lại là muốn lấy tôi. Tôi bảo sẽ làm lễ cưới ngay, bất kỳ khi nào cô ấy muốn. Rồi tôi nói với cô ấy về đề xuất của ông chủ, và cô ấy nói cô ấy thích biết Paris. Tôi bảo cô ấy là tôi đã ở đó một thời gian. Cô ấy hỏi nơi đó ra sao; tôi nói: “Chẳng ra gì. Chỉ thấy rất nhiều bồ câu và những khu nhà tối tăm. Dân ở đó thì da trắng.”

Chúng tôi ra ngoài và đi dạo ngang qua những con phố lớn. Trên đường, tôi thấy có nhiều phụ nữ trẻ đẹp. Tôi hỏi Marie có thấy thế không. Cô ấy nói “có” và bảo cô ấy hiểu tôi. Chúng tôi im lặng một lúc. Rồi tôi bảo tôi muốn cô ấy ở lại với tôi và cùng ăn tối ở chỗ Céleste. Cô ấy bảo rất muốn, nhưng có việc phải làm. Chúng tôi quay trở lại gần nhà tôi, và tôi nói tạm biệt. Cô ấy nhìn tôi và nói: “Anh không muốn biết em phải làm gì à?” Tôi rất muốn biết, nhưng nghĩ rằng không nên hỏi, vì chắc là cô ấy sẽ không thích. Thấy tôi có vẻ hơi lúng túng, cô ấy cười và áp sát vào tôi rồi hôn lên môi tôi.

Tôi ăn tối chỗ Céleste. Khi tôi bắt đầu ăn thì có một người phụ nữ bé nhỏ dị dạng đi vào và hỏi tôi có ngồi cùng bàn được không. Tất nhiên là chị ta có thể. Động tác của chị ta giật giật và đôi mắt thì lóe sáng trên bộ mặt giống như trái táo. Chị ta cởi cái áo jaquette, ngồi xuống và say sưa xem thực đơn. Chị ta gọi Céleste và yêu cầu mang ngay tất cả các món với giọng đanh và gấp gáp. Trong khi chờ đợi, chị ta mở túi xách, lấy ra một mẩu giấy và một cây bút chì để tính tiền trước, rồi lấy từ trong túi ra, kể cả tiền ‘boa’, đặt trước mặt. Lúc đó, bồi bàn bưng đồ ăn đến và chị ta bắt đầu nuốt hối hả. Trong lúc chờ món tiếp theo, chị ta lấy bút chì và một tờ báo có đăng chương trình phát thanh trong tuần từ túi xách ra. Với vẻ tập trung cao độ, chị ta đánh dấu hầu hết các buổi phát. Vì tờ báo có đến mười hai trang, chị ta phải tiếp tục công việc đó một cách tỉ mỉ trong suốt bữa ăn. Khi tôi đã ăn xong, chị ta vẫn còn say sưa đánh dấu. Rồi chị ta cũng đứng dậy, khoác jaquette vào với động tác giật như một cái máy, rồi đi. Vì rảnh rỗi, tôi cũng ra ngoài và đi theo chị ta một đoạn. Chị ta đặt chân lên lề đường và bước đi rất nhanh và dứt khoát, không nhìn ngang, không ngoái lại. Cuối cùng, tôi bị mất dạng chị ta và đi chậm lại. Tôi nghĩ chị ta là người lập dị, nhưng rồi quên ngay.

Khi về đến cửa và quay ra, tôi đụng ông già Salamano. Tôi mời ông vào nhà, và ông ấy thông báo là con chó mất thật rồi, vì không có ở khu nhốt gia súc lạc. Những người phục vụ ở đó nói có lẽ nó bị xe cán chết rồi. Ông già hỏi liệu có thể biết được gì nếu hỏi ở đồn cảnh sát hay không, và người ta trả lời rằng ở đó họ cũng không biết được gì đâu, vì ngày nào cũng có chó mèo lạc. Tôi bảo ông già là ông ấy có thể kiếm con chó khác, nhưng ông ấy có lý khi nói với tôi rằng ông ấy đã quen với con này rồi.

Tôi ngồi xổm trên giường, còn Salamano thì ngồi trên chiếc ghế cạnh bàn, đối diện với tôi, hai tay đặt trên đầu gối. Ông ấy nhìn cái mũ phớt của mình và lẩm bẩm gì đó phía sau hàng ria mép ngả vàng. Tôi đã thấy hơi sốt ruột, nhưng không dám bảo ông ấy về và không dám đi nằm. Để khỏi im lặng, tôi hỏi ông ấy về con chó. Ông ấy nói ông ấy ở với nó từ khi bà vợ ông ấy mất. Ông ấy lấy vợ khá muộn. Khi còn trẻ, ông ấy rất muốn làm diễn viên kịch. Thời còn đi lính, ông ấy đã tham gia đội kịch của trung đoàn. Nhưng rồi ông ấy lại chuyển sang ngành đường sắt và không hối tiếc gì, vì bây giờ cũng có được chút lương hưu. Ông ấy sống với vợ không hạnh phúc, nhưng đã quen sống với nhau, nên khi bà mất thì ông thấy rất cô đơn. Khi đó, ông ấy hỏi một người từng là đồng ngũ để xin một con chó con. Ông ấy phải cho nó bú sữa bình. Nhưng vì đời chó ngắn hơn đời người, đến nay nó cũng đã già. “Nó rất xấu tính –  Salamano nói – thỉnh thoảng tôi lại phải rọ mõm nó lại. Nhưng nó vẫn là một con chó ngoan.” Tôi nói nó là con chó giống tốt, và Salamano có vẻ hài lòng. “Mà trước đây thì anh không biết được bệnh của nó đâu – ông già nói thêm – lông nó đẹp lắm.” Từ khi nó bị bệnh, tối nào và sáng nào Salamano cũng bôi thuốc cho nó. Nhưng theo ông ấy thì cái bệnh thực của nó là tuổi già, và tuổi già thì không chữa được.

Lúc đó, tôi há miệng ngáp, và ông già bảo phải về. Tôi bảo ông cứ ngồi chơi, và rất tiếc vì việc xảy ra với con chó của ông ấy. Ông ấy cảm ơn tôi. Ông ấy bảo mẹ tôi cũng rất quý con chó của ông ấy. Ông gọi mẹ tôi là “người mẹ xấu số của anh”. Ông ấy đưa ra nhận định là chắc tôi phải buồn lắm từ khi mẹ mất, và tôi không nói gì. Ông ấy lại nói rất nhanh và với vẻ khó chịu rằng ông ấy biết trong khu phố họ chê trách tôi vì đã đưa mẹ vào trại, nhưng ông ấy thì hiểu tôi và biết là tôi rất thương mẹ. Tôi nói, và đến giờ vẫn không hiểu tại sao lại nói thế, rằng tôi không quan tâm đến việc người ta chê trách tôi, và trại là lẽ tự nhiên khi tôi không đủ tiền để phụng dưỡng mẹ. “Hơn nữa – tôi nói thêm – đã từ lâu mẹ tôi không chuyện trò với tôi, và luôn thấy buồn vì không có người bầu bạn.” “Phải – ông già nói – ở trại thì ít ra người ta cũng có bạn già.” Rồi ông ấy cáo từ. Ông ấy buồn ngủ. Ông bảo đời ông đã thay đổi, và giờ chẳng còn biết làm gì. Lần đầu tiên kể từ khi tôi biết ông ấy, ông ấy làm một động tác lén lút, duỗi dài cánh tay, và tôi như nghe thấy lớp vảy trên da ông ấy phát ra tiếng kêu. Ông ấy hơi mỉm cười và chuẩn bị ra về thì nói thêm: “Hy vọng lũ chó không sủa đêm nay, không thì tôi lại hy vọng hão là con chó của tôi về.”