Kẻ Xa Lạ

Chương 1

Phần 1

Hôm nay mẹ chết. Mà cũng có thể là hôm qua, tôi không chắc. Tôi nhận được bức điện từ trại: “Mẹ anh từ trần. Chôn cất ngày mai. Chia buồn sâu sắc.” Cái đó chẳng nói lên điều gì. Có lẽ là hôm qua.

Trại dưỡng lão ở Marengo, cách Alger tám mươi cây số. Tôi sẽ đi xe buýt chuyến hai giờ và về đến nơi trong buổi chiều. Như vậy, tôi có thể qua đêm ở đó và trở lại đây vào tối mai. Tôi xin ông chủ cho nghỉ hai ngày, và ông ấy không thể từ chối trong tình huống đáng tiếc như vậy. Nhưng ông ta có vẻ không bằng lòng. Tôi thậm chí đã nói: “Đó không phải lỗi của tôi.” Ông ta không nói gì. Khi đó tôi nghĩ tôi không cần nói với ông ta điều đó. Nói chung là không cần thanh minh. Chính ông ta phải chia buồn với tôi mới đúng. Những chắc là ông ta sẽ làm thế vào ngày kia, khi thấy tôi để tang. Ngay bây giờ thì hơi có vẻ như mẹ chưa chết. Sau lễ an táng, ngược lại, đó sẽ là một sự kiện nghiêm trọng, và mọi việc sẽ mang tính chính thức.

Tôi lên xe lúc hai giờ. Trời quá nóng. Trước đó, tôi ăn trưa ở nhà hàng, chỗ Céleste, như mọi khi. Mọi người đều buồn cho tôi, và Céleste bảo: “Mỗi người chỉ có một mẹ.” Khi tôi đi, họ tiễn tôi ra cửa. Tôi hơi luống cuống vì nghĩ ra phải tới chỗ Emmanuel để mượn cái cà vạt màu đen và dải băng. Anh ta đã mất ông bác cách đây mấy tháng.

Tôi chạy vội để khỏi lỡ chuyến xe. Việc chạy vội này chắc chắn là nguyên nhân, cùng với những cú xóc, mùi xăng và ánh nắng hắt từ mặt đường và bầu trời, làm tôi ngủ rù đi. Tôi ngủ gần như suốt chặng đường. Và khi tỉnh giấc, tôi thấy mình đang tựa vào một anh lính; anh ta cười và hỏi tôi từ xa đến phải không. Tôi nói “phải” để khỏi phải nói thêm.

Trại dưỡng lão cách làng hai cây số. Tôi đi bộ. Tôi muốn thấy mẹ ngay. Nhưng người gác cổng bảo phải gặp giám đốc đã. Vì ông ấy đang bận, tôi phải đợi một lúc. Suốt thời gian đó, tôi phải nghe ông bảo vệ nói, nhưng rồi cuối cùng cũng gặp được giám đốc; ông ấy tiếp tôi trong phòng làm việc. Đó là một ông già nhỏ bé, đeo huân chương danh dự. Ông ấy nhìn tôi bằng cặp mắt trong trẻo. Rồi ông ta bắt tay tôi và nhìn nó khá lâu, làm tôi không biết làm sao để rụt lại. Ông ấy liếc xem hồ sơ rồi bảo tôi: “Bà Meursault vào đây đã ba năm. Anh là người duy nhất trả tiền cho bà ấy.” Tôi cho rằng ông ấy định đề cập vấn đề gì đó, và tôi bắt đầu giải thích. Nhưng ông ấy đã ngắt lời tôi: “Anh không cần tự trách mình, anh bạn trẻ ạ. Tôi đã xem kỹ hồ sơ của mẹ anh rồi. Anh không thể trang trải hết những thiếu thốn của mẹ anh được. Lương của anh khá ít. Và dù nói thế nào thì ở đây bà ấy cũng dễ chịu.” Tôi nói: “Vâng, thưa ông giám đốc.” Ông ấy nói thêm: “Anh biết đấy, bà ấy có bầu bạn, những người cùng tuổi. Bà ấy có thể chia sẻ với họ những mối quan tâm mà họ đã từng có. Anh còn trẻ, và sống với anh bà ấy sẽ buồn.”

Đúng vậy. Khi mẹ tôi ở nhà, bà chỉ im lặng dõi nhìn tôi. Trong những ngày đầu ở trại, bà ấy khóc suốt. Nhưng cái đó là do thói quen. Sau vài tháng, bà ấy khóc khi bị đưa khỏi trại. Lại vẫn là do thói quen. Cái đó cũng có phần do năm vừa qua tôi hầu như không đến đó. Cũng do việc đó sẽ lấy đi của tôi cả ngày chủ nhật, chưa kể phải cuốc bộ ra bến xe, mua vé và mất hai giờ đi đường.

Ông giám đốc vẫn tiếp tục nói. Nhưng tôi hầu như không nghe nữa. Rồi ông ấy bảo: “Tôi nghĩ anh muốn nhìn mẹ.” Tôi lẳng lặng đứng lên, và ông ấy đi theo tôi ra cửa. Đến cầu thang, ông ấy nói: “Chúng tôi đã đưa sang nhà xác, để các cụ khác đỡ ngại. Cứ mỗi lần có một cụ chết thì các cụ khác bị chấn động vài ba ngày. Và điều đó làm cho việc phục vụ các cụ khó khăn thêm.” Chúng tôi đi qua sân, nơi những người già đang tụm thành từng nhóm để chuyện trò. Khi chúng tôi đến, họ không nói nữa. Và khi chúng tôi vừa đi qua, câu chuyện lại tiếp tục. Họ nói líu lô như một bầy vẹt. Đến cửa một căn nhà nhỏ, ông giám đốc chia tay tôi: “Tôi để anh một mình, anh Meursault. Nếu anh cần thì lúc nào tôi cũng có mặt ở phòng làm việc. Về cơ bản, lễ tang đã được ấn định vào mười giờ sáng mai. Như vậy, tôi nghĩ là anh có thể thức canh linh cữu. Lời cuối: mẹ anh thường nói với người chung quanh về nguyện vọng được an táng theo nghi lễ tôn giáo. Tôi đã lãnh trách nhiệm làm mọi điều cần thiết. Nhưng tôi muốn thông báo lại với anh như thế.” Tôi cảm ơn ông ấy. Mẹ tôi, dù không phải vô thần, chưa bao giờ nghĩ đến tôn giáo khi còn sống.

Tôi bước vào. Đó là một gian phòng rất sáng, được quét vôi và lợp kính. Trong phòng có những chiếc ghế và giá gỗ hình chữ X. Hai cái giá ở giữa nhà đỡ chiếc quan tài có nắp đậy. Những chiếc đinh ốc sáng loáng được vặn chưa chặt nổi bật trên nền những tấm ván mỏng quét màu hồ đào. Cạnh quan tài có một hộ lý người A rập mặc áo choàng trắng, đội khăn màu sáng trên đầu.

Lúc đó, ông bảo vệ bước vào sau lưng tôi. Ông vừa phải chạy. Ông ấp úng nói: “Người ta che mặt mẹ anh đi rồi, nhưng tôi phải mở nắp quan tài ra để anh nhìn bà ấy.” Ông ấy đi lại phía quan tài, nhưng tôi đã ngăn lại. Ông ấy hỏi: “Anh không muốn nhìn à?” Tôi nói: “Không.” Ông ấy chững lại, và tôi thấy khó chịu vì nghĩ rằng tôi không nên nói vậy. Một lát sau, ông ấy nhìn tôi và hỏi “Vì sao?” nhưng không đi lại gần, dường như ông ấy tự hiểu. Tôi nói: “Tôi không biết nữa.” Ông ấy vân vê làn ria mép bạc trắng và nói mà không nhìn tôi: “Tôi hiểu.” Ông ấy có cặp mắt thật đẹp, sáng xanh, da mặt hơi đỏ. Tôi kéo ghế cho ông ta, và ông ta ngồi hơi lùi về phía sau tôi. Người gác linh cữu đứng dậy và đi ra phía cửa. Bấy giờ, ông bảo vệ bảo tôi: “Cô ấy bị một vết loét.” Vì tôi không hiểu nên tôi lại nhìn cô hộ lý và thấy cô ấy đang nâng phần dưới của dải khăn quấn quanh đầu lên gần mắt. Cái khăn màu trắng nằm thẳng trên sống mũi, và che khuất khuôn mặt của cô ấy.

Khi cô ấy ra ngoài, ông bảo vệ bảo tôi: “Tôi để anh ở đây một mình.” Không hiểu tôi đã làm động tác gì mà ông ấy lại ở lại và đứng ngay sau lưng tôi. Việc đó làm tôi thấy khó chịu. Căn phòng bấy giờ tràn ngập ánh sáng quyến rũ của buổi hoàng hôn. Hai con ong bầu bay vù vù trên mái nhà. Tôi cảm thấy cơn buồn ngủ đang chiếm lấy tôi. Tôi nói với ông bảo vệ mà không quay lại: “Ông đã ở đây lâu chưa?” Lập tức ông ấy trả lời: “Năm năm”, dường như ông ấy đã luôn chờ câu hỏi của tôi.

Sau đó, ông ấy tiếp tục nói rất lâu. Ông ấy sẽ rất sửng sốt nếu người ta bảo ông ấy thôi, không làm bảo vệ ở trại Marengo nữa. Ông ấy đã sáu tư tuổi và là người Paris. Lúc đó tôi ngắt lời ông ấy: “A, ông không phải người ở đây à?” Rồi tôi nhớ lại rằng trước khi đưa tôi đến chỗ giám đốc, ông ấy đã nói về mẹ tôi. Ông ấy bảo phải chôn cất thật nhanh, vì ngoài đồng trời nắng lắm, nhất là ở vùng này. Chính khi đó ông ấy đã bảo ông ấy thực sự đã ở Paris và ông ấy khó mà quên được. Ở Paris, người ta để người chết trong nhà ba bốn ngày. Ở đây không có thời gian, người ta không nghĩ đến việc đi theo xe tang. Bà vợ ông ấy khi đó đã nói: “Ông thôi đi, đấy đâu phải những chuyện để kể lể với anh ấy.” Ông già đỏ mặt và xin lỗi. Tôi xen vào và nói: “Ô không, không.” Tôi thấy những điều ông ấy nói là đáng lưu tâm.

Với một chút khinh thường, ông ấy nói khi vào trại ông ấy nghèo lắm. Vì còn khỏe, ông ấy được người ta gợi ý vào làm bảo vệ ở đây. Tôi lưu ý rằng dù sao thì ông ấy cũng là người đã nghỉ hưu, ông ấy nói “không”. Tôi rất chú ý cách ông ấy gọi “họ” hay “những người kia”, và ít khi là “người già” để nói về những người nghỉ hưu, trong đó có một số chưa già hơn ông ấy. Nhưng tất nhiên đó là việc khác. Ông ấy là bảo vệ, và ở mức độ nào đó, ông ấy có quyền như vậy.

Lúc đó, cô hộ lý lại đi vào. Màn đêm đột ngột buông xuống. Rất nhanh, bóng tối đã đậm đặc phía trên mái nhà kính. Ông bảo vệ bật điện, và tôi chói mắt vì ánh sáng đột ngột. Ông ấy mời tôi lại nhà ăn tập thể để ăn tối. Nhưng tôi không đói. Ông ấy liền mời tôi dùng một li cà phê sữa. Vì rất thích thứ đó, tôi đồng ý, và một lúc sau ông ấy bưng đến một cái khay. Tôi uống. Rồi tôi thèm hút thuốc. Nhưng tôi lưỡng lự vì không biết có nên làm thế trước mặt mẹ hay không. Tôi nghĩ kỹ, thấy cái đó không hệ trọng. Tôi mời ông bảo vệ một điếu và chúng tôi cùng hút.

Một lúc sau, ông ấy nói: “Anh biết đấy, các bạn của mẹ anh cũng sẽ đến đây thức canh linh cữu. Đó là tục lệ. Tôi phải đi kiếm ghế ngồi và ít cà phê đen.” Tôi hỏi ông có thể tắt bớt một bóng đèn đi không. Ánh sáng phản chiếu từ những bức tường trắng làm tôi thấy mệt. Ông ấy nói không thể được. Việc lắp đặt đã như thế rồi: sáng cả hoặc không cái nào. Tôi không để ý đến ông ấy nữa. Ông ấy đi ra, rồi lại đi vào, rồi bày ghế ra. Trên một cái ghế, ông ấy bày li chung quanh bình lọc cà phê. Rồi ông ấy ngồi đối diện với tôi, phía bên kia mẹ tôi. Người gác ở sâu phía trong, quay lưng lại. Tôi không thấy cô ấy đang làm gì. Nhưng nhìn chuyển động hai cánh tay, tôi có thể tin rằng cô ấy đang đan. Trời đã dịu, cà phê làm tôi đỡ mệt, và qua ô cửa đang mở, mùi hương đêm của hoa bay vào. Tôi cho rằng tôi đã ngủ gật được tí chút.

Có tiếng sột soạt làm tôi thức giấc. Do nhắm mắt lâu, khi mở mắt ra, tôi thấy căn phòng càng sáng trắng thêm. Trước mặt tôi không hề có chỗ nào tối, và mỗi đồ vật, mỗi góc phòng, mỗi đường nét đều hiện lên với sự tinh khiết đến lóa mắt. Lúc đó, những người bạn của mẹ tôi đi vào. Họ có khoảng một chục người, lặng lẽ bước đi trong ánh sáng chói lòa. Họ ngồi xuống mà không có chiếc ghế nào kêu cọt kẹt. Tôi nhìn họ như chưa từng nhìn ai và không bỏ sót một chi tiết nào trên mặt hay trên trang phục của họ. Tuy vậy, tôi không nghe họ nói và thấy khó tin rằng họ là thực. Gần như mỗi bà đều mang tạp dề và một sợi dây thắt ngang lưng, làm cho cái bụng đã to càng thêm nổi bật. Trước đây tôi chưa bao giờ nhận ra những bà già có bụng. Hầu hết đàn ông đều xương xẩu và mang theo gậy. Điều làm tôi ngạc nhiên là trên mặt họ tôi không thấy những cặp mắt, mà chỉ thấy những chỗ sáng mờ đục giữa một vùng đầy những nếp nhăn. Khi họ ngồi xuống rồi thì đa số nhìn tôi và lắc đầu khó chịu, và vì môi họ đã biến mất trong miệng nên tôi không thể biết được họ chào tôi hay chỉ là môi bị giật lên. Lúc đó, tôi cũng nhận ra là mọi người đều ngồi đối diện với tôi chung quanh ông bảo vệ và khẽ đung đưa những cái đầu. Tự nhiên, tôi thấy buồn cười vì họ đến để phán xét tôi.

Một lát sau thì một bà bắt đầu khóc. Bà ấy ngồi ở hàng thứ hai, giấu mặt sau lưng một bà bạn nên tôi nhìn không rõ. Bà ấy khóc i ỉ và đều đều, và tôi có cảm giác bà ấy không bao giờ thôi khóc. Những người kia có vẻ không nghe bà ấy khóc. Họ ủ rũ và im lặng. Họ nhìn quan tài hoặc cây gậy, hoặc một vật nào đó, và không hề ngoái nhìn chỗ nào khác. Bà kia vẫn khóc. Tôi ngạc nhiên vì không hề biết bà ấy. Tôi không muốn nghe bà ấy khóc nữa. Nhưng tôi không dám bảo bà ấy thôi. Ông bảo vệ quay sang bảo bà ấy, nhưng bà ấy rung rung cái đầu, lẩm bẩm gì đó và tiếp tục i ỉ khóc. Ông bảo vệ liền đi sang phía tôi. Ông ấy ngồi xuống cạnh tôi. Sau một hồi khá lâu, ông ấy thông báo mà không nhìn tôi: “Bà ấy rất gắn bó với mẹ anh. Bà ấy bảo mẹ anh là người bạn duy nhất và bây giờ bà ấy không còn ai nữa.”

Rồi chúng tôi lại im lặng khá lâu. Những tiếng xụt xịt và nức nở của bà kia thưa dần. Rồi bà ấy hít hơi rất mạnh. Cuối cùng thì bà ấy cũng nín hẳn. Tôi không buồn ngủ nữa, nhưng thấy mệt, và đau mỏi vùng thắt lưng. Bây giờ thì việc mọi người đều im lặng lại làm tôi khó chịu. Chốc chốc, tôi lại nghe thấy tiếng động mà không biết là tiếng gì. Mãi sau, tôi mới đoán rằng có vài người già mút mút trong miệng, làm phát ra tiếng tóp-tóp nghe rất kỳ. Họ không nhận ra điều đó vì họ đang chìm vào suy tư. Trước đó, tôi nghĩ rằng người chết đang nằm kia chẳng có nghĩa gì trong mắt họ, nhưng giờ thì tôi thấy đó là cảm giác sai.

Rồi mọi người đều uống cà phê mà ông bảo vệ đãi. Sau đó thì tôi không biết gì nữa. Đêm đã trôi qua. Tôi còn nhớ là khi mở mắt ra thì thấy các ông bà già đang gục lên nhau mà ngủ, trừ một người đang tựa cằm lên mu bàn tay, còn tay thì đang túm chặt cây gậy. Ông ấy nhìn tôi đăm đăm dường như chỉ chờ tôi thức giấc. Rồi tôi lại thiếp đi. Tôi thức giấc lần nữa vì càng lúc càng thấy đau ở thắt lưng. Ngày mới đã đến bên trên mái kính. Một lát sau thì một ông già cũng thức giấc và ho rũ rượi. Ông ấy khạc vào một chiếc khăn tay rộng kẻ ô, và mỗi lần khạc nghe thật khổ sở. Ông ấy làm mọi người thức giấc, và ông bảo vệ bảo họ nên đi. Họ đứng dậy. Cuộc thức canh vất vả làm mặt họ xạm lại. Khi đi ra, họ làm tôi ngạc nhiên vì tất cả đều bắt tay tôi, có vẻ như cái đêm mà chúng tôi không nói với nhau lời nào đó đã thắt chặt tình thân.

Tôi mệt. Ông bảo vệ dẫn tôi lại chỗ ông và tôi có thể rửa ráy chút xíu. Tôi lại uống cà phê sữa và thấy rất ngon. Khi tôi ra ngoài, trời đã sáng hẳn. Phía trên khu đồi ngăn cách Marengo với biển, bầu trời đầy sắc đỏ. Và gió đến từ đó mang theo vị mặn. Một ngày đẹp trời đã bắt đầu. Đã lâu tôi không về vùng thôn quê, và cảm thấy rất muốn đi dạo một hồi nếu không vướng việc của mẹ.

Tôi dừng lại trong sân, dưới tán cây tiêu huyền. Tôi hít thở mùi đất tinh khôi và tỉnh hẳn. Tôi nhớ đến những đồng nghiệp cùng phòng. Giờ này, họ đã dậy đi làm. Đối với tôi, đó luôn là khoảng thời gian tất bật nhất. Tôi còn đang nhớ lại những chuyện đó thì tiếng chuông trong nhà đã cắt dòng suy nghĩ của tôi. Có tiếng ồn ào bên trong cửa sổ, rồi mọi thứ lại im lặng. Mặt trời đã lên được một đoạn trên bầu trời; nó bắt đầu làm nóng hai bàn chân tôi. Ông bảo vệ đi ngang qua sân và bảo là giám đốc gọi tôi. Tôi đến phòng làm việc của giám đốc. Ông ấy bảo tôi ký vào mấy thứ giấy tờ. Tôi thấy ông ấy đã mặc đồ đen với chiếc quần kẻ sọc. Ông ấy cầm ống nghe điện thoại trong tay và hỏi tôi: “Những nhân viên lễ tang đã đến được một lúc. Giờ tôi sẽ bảo họ đến đóng nắp quan tài. Anh có muốn nhìn mẹ lần cuối không?” Tôi nói không. Ông ấy nói vào điện thoại: “Figeac, bảo mọi người tiến hành đi.”

Một lúc sau, ông ấy bảo ông ấy sẽ trợ giúp trong việc mai táng, và tôi cám ơn ông ấy. Ông ấy ngồi sau bàn làm việc, hai cẳng chân nhỏ bé đặt chéo nhau. Ông ấy bảo tôi là chỉ có tôi với ông ấy và bà y tá phục vụ. Về nguyên tắc, những người nghỉ hưu không phải tham gia việc mai táng. Ông ấy chỉ để họ thức canh. “Đó là vấn đề tình người”, ông ấy nhận xét. Nhưng có một ngoại lệ, ông ấy đã đồng ý để một ông bạn già của mẹ tôi được đưa tiễn bà. “Thomas Pérez”, ông giám đốc nói và mỉm cười. Ông ấy bảo: “Anh phải hiểu đó là kiểu tình cảm trẻ thơ. Nhưng ông ấy và mẹ anh đã không rời nhau. Ở trại, mọi người hay đùa, họ bảo Pérez: “Vợ chưa cưới của anh đấy.” Ông ấy cười. Việc đó làm họ vui. Và việc bà Meursault mất làm ông ấy buồn lắm. Tôi không nghĩ là nên từ chối ông ấy. Nhưng do lời khuyên của thầy thuốc, tôi không cho ông ấy thức canh linh cữu.”

Chúng tôi lại im lặng một hồi lâu. Ông giám đốc đứng dậy nhìn ra cửa sổ. Vài giây sau, ông ấy nói: “Ô, cha xứ Marengo đến kia rồi. Ngài đến sớm đấy.” Rồi ông ấy dặn tôi là phải mất ít nhất bốn lăm phút đi bộ đến nhà thờ cũng ở ngay trong làng. Chúng tôi xuống cầu thang. Trước nhà xác đã có cha xứ và hai đứa trẻ trong đội thánh ca. Một trong hai đứa cầm cái lư hương, và vị linh mục cúi xuống đó để ướm chiều dài cái dây chuyền bằng bạc. Khi chúng tôi đến, vị linh mục đứng dậy. Ông ấy gọi tôi là “con ta” và nói với tôi vài lời rồi đi vào trong. Tôi đi theo ông.

Tôi thoáng nhìn thấy các đinh ốc đã xoáy chặt và trong phòng có bốn người mặc đồ đen. Tôi cũng nghe ông giám đốc nói với tôi rằng xe tang đang chờ ngoài đường và bảo vị linh mục bắt đầu đọc kinh. Từ lúc đó, mọi việc diễn ra rất nhanh. Cánh đàn ông mang một tấm dạ tiến về phía quan tài. Cha xứ và những người đi theo cùng ông giám đốc và tôi cùng đi ra. Trước cửa có một người đàn bà mà tôi không quen biết. “Anh Meursault”, ông giám đốc giới thiệu. Tôi không nghe được tên bà ấy mà chỉ hiểu rằng đó là vị y tá trưởng. Bà ấy lặng lẽ nghiêng bộ mặt dài và xương xẩu. Rồi chúng tôi đứng tránh để cho quan tài đi qua. Chúng tôi bước theo những người khiêng linh cữu và ra khỏi trại. Trước cổng đã có một cỗ xe tang. Nó có hình thuôn dài, được đánh verni bóng loáng, làm người ta liên tưởng đến cái ống đựng bút. Bên cạnh xe là người chủ trì tang lễ, một người đàn ông bé nhỏ ăn mặc kỳ cục, cùng một ông già với vẻ lúng túng. Tôi hiểu ngay đó là ông Pérez. Ông ấy đội một chiếc mũ mềm chỏm tròn, vành rộng, và ngả xuống khi linh cữu đi qua cửa, diện bộ đồ với cái quần bị dồn nhăn nhúm phía trên đôi giày và thắt cái nơ bằng vải đen quá nhỏ so với cái ve áo trắng quá lớn. Môi ông ta run lật bật dưới cái mũi hình nấm có nhiều chấm đen. Mái tóc bạc của ông ta khá mỏng, để tòi ra đôi tai lủng lẳng với hình thù kỳ dị mà màu đỏ của chúng thật tương phản đến bất ngờ với bộ mặt tái nhợt. Vị chủ trì sắp xếp vị trí cho chúng tôi. Vị linh mục đi trước, rồi đến cỗ xe. Chung quanh xe có bốn người. Sau xe là ông giám đốc, tôi, và cuối hàng người là bà y tá trưởng và ông Pérez.

Trời đã đầy nắng. Nắng đổ xuống mặt đất và không khí nóng lên rất nhanh. Tôi chẳng biết vì cớ gì chúng tôi lại phải đợi quá lâu mới xuất phát. Tôi thấy nóng điên người trong bộ đồ tối màu. Ông già bé nhỏ vừa che đầu lại lật mũ ra. Tôi hơi quay sang phía ông ấy, và nhìn ông ấy trong khi ông giám đốc nói về ông ấy với tôi. Ông ấy bảo mẹ tôi và ông Pérez hay đi dạo buổi tối trong làng cùng với một hộ lý. Tôi nhìn những người chung quanh. Nhìn những hàng cây bách vươn cao lên nền trời trên những quả đồi, nhìn mặt đất chỗ hung chỗ xanh và những ngôi nhà nhỏ thưa thớt nhưng có đường nét khá đẹp, tôi bỗng dưng hiểu mẹ. Buổi tối ở xứ sở này chắc chắn vắng lặng và cô tịch. Còn hôm nay, cái nóng hầm hập làm cảnh vật run rẩy đang trở nên tàn bạo và làm con người kiệt sức.

Chúng tôi vẫn đi. Rồi tôi nhận thấy ông Pérez đi hơi khập khiễng. Xe đi mỗi lúc một nhanh, và ông già không theo kịp. Một trong bốn người đi quanh xe cũng tụt lại và bây giờ đi ngang với tôi. Tôi ngạc nhiên vì mặt trời lên cao quá nhanh. Tôi cũng nhận thấy không gian đầy tiếng vo ve của côn trùng và tiếng rì rào của cây cỏ. Mồ hôi vã ra trên má tôi. Không có mũ, tôi phải lấy khăn tay để phe phẩy cho đỡ nóng. Nhân viên lễ tang nói gì đó với tôi, nhưng tôi không nghe được. Ông ta dùng tay trái cầm khăn tay lau trán, trong khi tay phải nâng cái mũ casquette lên. Tôi hỏi lại ông ta: “Sao ạ?” Ông ấy nhắc lại và chỉ tay lên trời: “Nắng đốt!” Tôi nói: “Vâng.” Một lúc sau, ông ấy hỏi: “Đó là mẹ anh à?” Tôi nói: “Vâng.” “Bà ấy già không?” Tôi trả lời: “Cũng khá già”, vì tôi không nhớ chính xác tuổi bà. Sau đó, ông ấy chuyển sang gọi “cậu”. Tôi quay lại và thấy ông Pérez đã cách chúng tôi dăm chục thước. Ông ấy cố bước nhanh và dùng tay giữ cho mũ khỏi rơi. Tôi cũng nhìn ông giám đốc. Ông ấy đi rất trang nghiêm và không làm động tác thừa nào. Những giọt mồ hôi đã xuất hiện trên trán ông ấy, nhưng ông ấy không lau.

Tôi cảm thấy đám người lại đi nhanh thêm một chút. Quanh tôi vẫn là cảnh nông thôn chìm trong nắng gay gắt. Bầu trời chói chang không chịu nổi. Có lúc chúng tôi đi trên phần đường mới sửa chữa. Ánh nắng làm nhựa đường chảy ra. Những bàn chân lún xuống, và khi nhấc lên thì để lại vết chân lấp lánh. Phía trên cỗ xe, cái mũ da của người đánh xe bị nóng mềm ra giống như được nặn bằng thứ nhựa đen đó. Tôi cảm thấy mất tỉnh táo giữa bầu trời trắng xanh và những màu sắc đơn điệu: màu đen lấp loáng của nhựa đường bị chảy, màu đen đục của đồ tang, màu đen bóng của cỗ xe. Tất cả, từ ánh nắng, mùi da, mùi cứt ngựa, mùi verni, hương trầm, cho đến sự mỏi mệt sau một đêm mất ngủ, làm cái nhìn và ý nghĩ của tôi trở nên mờ mịt. Tôi quay lại thêm một lần nữa: ông Pérez đã ở quá xa, bóng ông ấy mờ đi trong khối không khí nóng, rồi tôi không thấy ông ấy nữa. Tôi cố tìm bóng dáng ông ấy, và phát hiện ra ông ấy đã rời mặt đường, đi ngang qua cánh đồng. Tôi cũng thấy trước mặt là khúc quanh. Tôi hiểu rằng ông Pérez, người thông thuộc vùng này, đã đi tắt để đuổi kịp chúng tôi. Qua chỗ ngoặt, ông ấy lại nhập bọn với chúng tôi. Rồi lại mất hút. Ông ấy lại đi qua đồng. Cứ thế mấy lần. Còn tôi, tôi cảm thấy mạch máu ở thái dương đang giật mạnh.

Mọi việc sau đó diễn ra với sự vội vàng, dứt khoát và tự nhiên, và tôi không nhớ được gì nữa. Trừ một việc: ở đầu làng, bà y tá trưởng bắt chuyện với tôi. Bà ấy có giọng nói rất đặc biệt, không ăn nhập với khuôn mặt, nó vừa du dương vừa run rẩy. Bà ấy nói: “Nếu đi nhẩn nha thì bị tụt lại, nhưng nếu đi nhanh thì mất mồ hôi, và đến nhà thờ sẽ bị lạnh đột ngột.” Bà ấy có lý. Kiểu gì cũng khổ. Tôi nhớ một số hình ảnh của ngày hôm đó, chẳng hạn mặt ông Pérez khi ông ấy nhập bọn với chúng tôi lần cuối ở gần làng. Những giọt lệ phẫn nộ và nhọc nhằn vẫn đọng trên má ông ấy. Vì những nếp nhăn mà chúng không chảy xuôi xuống được. Chúng tản ra rồi nhập lại, tạo thành một lớp bóng trên khuôn mặt tuyệt vọng của ông. Tôi cũng nhớ hình ảnh nhà thờ, những dân làng đi bên lề đường, những bông hoa màu đỏ trên những ngôi mộ ở nghĩa địa, việc ông Pérez bị ngất (nghe bảo do sai khớp), đất có màu máu đổ lên quan tài mẹ tôi lẫn với những mẩu rễ cây màu trắng, hình ảnh đám người, những tiếng nói, cảnh làng quê, cuộc chờ trước một quán nước, tiếng ầm ì liên hồi của máy nổ, và niềm vui của tôi khi xe buýt đến trung tâm Alger sáng rực; rồi tôi đi nằm và ngủ suốt 12 giờ liền.