Kẻ Trộm Sách

Phần X - Chương 3

* LÁ THƯ CUỐI CÙNG *

Gửi bà Hermann,

Như bà có thể thấy, cháu đã lại ở trong thư phòng bà và đã phá hỏng một trong những quyển sách của bà. Cháu đã quá giận dữ cũng như sợ hãi, và cháu muốn giết những từ ngữ. Cháu đã ăn cắp đồ của bà và bây giờ cháu lại còn phá hỏng tài sản của bà nữa. Cháu xin lỗi. Để tự trừng phạt mình, cháu nghĩ rằng cháu sẽ không đến đây nữa. Hay phải chăng nó chẳng phải là một sự trừng phạt gì cả? Cháu rất yêu chỗ này và rất ghét nó, bởi vì nó đầy những từ ngữ.

Bà đã là một người bạn của cháu dù cho cháu đã làm bà tổn thương, ngay cả khi cháu là một người không thể chịu đựng được (đây là một từ mà cháu đã tra trong từ điển) và cháu nghĩ là bây giờ thì cháu sẽ để cho bà được yên. Cháu xin lỗi vì tất cả.

Cảm ơn bà một lần nữa.

Liesel Meminger.

Con bé để lại bức thư trên mặt bàn rồi nói lời vĩnh biệt với căn phòng, đi quanh nó ba vòng và lướt tay trên những tựa sách. Cũng nhiều như nó ghét chúng, con bé vẫn không thể cưỡng lại được hành động này. Những miếng giấy bị xé rách rơi vãi xung quanh một quyển sách có nhan đề Những quy tắc của Tommy Hoffman. Trong luồng gió thổi vào qua ô cửa sổ, một vài mảnh giấy đó bay lên rồi lại rơi xuống.

Ánh sáng vẫn có màu cam, nhưng nó không còn rực rỡ như trước đó nữa. Tay con bé nắm một lần cuối ô cửa sổ bằng gỗ, và có một luồng khí nén cuối cùng của một cái dạ dày bị chúi xuống, và cơn đau nhói nơi hai chân khi nó tiếp đất.

Lúc nó đi đến chỗ ngọn đồi và băng qua cây cầu, thì ánh sáng màu cam đã tan biến. Những đám mây đang bị vét sạch.

Khi đi trên phố Thiên Đàng, con bé đã có thể cảm thấy những giọt mưa đầu tiên. Mình sẽ không bao giờ gặp lại Ilsa Hermann nữa, con bé nghĩ thầm, nhưng kẻ trộm sách giỏi việc đọc và phá hủy những quyển sách hơn là đưa ra những giả thiết.

* BA NGÀY SAU *

Người đàn bà ấy đã gõ lên cửa nhà số ba mươi ba phố Thiên Đàng và chờ người ta ra mở cửa.

Liesel thấy thật lạ lùng khi nhìn bà ấy không ở trong bộ áo choàng tắm. Chiếc váy mùa hè bà mặc có màu vàng với những đường trang trí màu đỏ. Có một cái túi thêu một đóa hoa nhỏ trên đó. Không có chữ thập ngoặc nào. Đôi giày bà màu đen. Trước đó nó chưa bao giờ chú ý đến hai cẳng chân của Ilsa Hermann cả. Bà ấy có một đôi chân bằng sứ.

“Bà Hermann, cháu xin lỗi - vì những gì cháu đã làm ở thư phòng của bà lần trước.”

Người đàn bà ấy bảo nó im lặng. Bà cho tay vào giỏ và lôi ra một quyển sách nhỏ màu đen. Bên trong nó không phải là một câu chuyện, mà là tập giấy kẻ. “Ta nghĩ rằng nếu cháu không đọc những quyển sách của ta nữa, thì có thể cháu sẽ muốn viết ra một quyển sách. Lá thư của cháu, nó thật...” Bà ấy đưa quyển sách cho Liesel bằng cả hai tay. “Chắc chắn là cháu có thể viết. Cháu viết rất hay.” Quyển sách khá nặng, bìa cũng được phủ lớp màng mờ như quyển Cái nhún vai vậy. “Và làm ơn,” Ilsa Hermann khuyên nó, “đừng tự trừng phạt mình, như cháu đã nói. Đừng giống như ta, Liesel.”

Đứa bé gái mở quyển sách ra và chạm vào những trang giấy. Danke schön, bà Hermann. Cháu có thể pha cho bà chút cà phê, nếu bà muốn. Bà sẽ vào nhà chứ? Cháu đang ở nhà một mình. Mẹ cháu đang ở nhà bên cạnh, với bà Holtzapfel.”

“Chúng ta sẽ đi vào bằng cửa sổ hay cửa ra vào đây?”

Liesel tin rằng đó là nụ cười tươi tắn nhất mà Ilsa Hermann đã cho phép mình có trong nhiều năm qua. “Cháu nghĩ là chúng ta sẽ dùng cửa ra vào. Như thế sẽ dễ chịu hơn.”

Họ ngồi cùng với nhau trong nhà bếp.

Họ uống cà phê và ăn bánh mì quết mứt. Khó khăn lắm họ mới nói chuyện được với nhau, và Liesel có thể nghe thấy tiếng Ilsa Hermann nuốt, nhưng làm thế nào đó mà việc này không mang lại sự khó chịu, hay cảm giác không thoải mái. Thậm chí nó còn là một cảnh tượng rất thú vị khi người đàn bà ấy nhẹ nhàng thổi vào cốc cà phê để làm nó nguội bớt.

“Nếu cháu viết được cái gì đó và hoàn tất nó,” Liesel nói “cháu sẽ

cho bà xem.”

"Thế thì hay lắm.”

Khi vợ ngài thị trưởng ra về, Liesel nhìn bà đi ngược lên phố Thiên Đàng. Con bé ngắm cái váy màu vàng, đôi giày đen và hai cẳng chân bằng sứ của bà.

Ở chỗ hòm thư, Rudy hỏi nó, “Đó có phải là người mà tớ nghĩ không vậy?”

"Phải.

“Hẳn cậu đang đùa.”

“Bà ấy đã tặng tớ một món quà.”

Như sau này bạn sẽ thấy, ngày hôm đó Ilsa Hermann không chỉ cho con bé một quyển sách. Bà ấy còn cho nó một lý do để dành thời gian ở dưới tầng hầm - cái chỗ yêu thích của con bé, ban đầu là với Bố, sau đó là với Max. Bà đã cho nó một lý do để viết ra những từ ngữ của chính mình, để nhắc nó nhớ rằng những từ ngữ cũng đã mang nó đến với cuộc sống này.

“Đừng tự trừng phạt mình,” con bé lại nghe thấy những lời nói của bà, nhưng sẽ có sự trừng phạt và nỗi đau đớn, và sẽ còn có cả hạnh phúc nữa. Viết là thế.

Vào ban đêm, khi Mẹ và Bố đang ngủ, Liesel mò xuống tầng hầm và thắp đèn dầu lên. Trong suốt một giờ đồng hồ đầu tiên, nó chỉ nhìn chăm chăm cây bút chì và trang giấy trước mặt mình. Nó khiến bản thân mình nhớ lại, và như thói quen của nó, con bé không nhìn đi chỗ khác.

“Schreibe,” nó tự nói với mình. “Hãy viết đi.”

Sau hơn hai giờ đồng hồ, Liesel bắt đầu viết, mà không biết làm sao nó có thể làm được việc này. Làm sao mà nó có thể biết được rằng sẽ có ai đó nhặt câu chuyện của nó lên và mang theo bên mình mọi nơi mọi lúc?

Không ai mong đợi những điều này cả. Họ không lên kế hoạch cho chúng.

Con bé dùng một thùng sơn nhỏ làm ghế ngồi, một thùng sơn có mặt đáy rộng làm bàn viết, và Liesel cắm bút chì vào trang giấy đầu tiên. Ở ngay giữa trang, con bé viết những từ sau đây.

* KẺ TRỘM SÁCH *

Một câu chuyện nhỏ

Tác giả

Liesel Meminger

NHỮNG MÁY BAY THẢ BOM

Đến trang thứ ba thì tay nó nhức buốt.

Những từ ngữ thật nặng nề, con bé nghĩ, nhưng khi đêm trôi qua, nó đã có thể hoàn thành mười một trang.

* TRANG 1 *

Tôi đã cố tảng lờ nó đi, nhưng tôi biết tất cả chuyện này đều bắt đầu với đoàn tàu, tuyết và đứa em trai ho hen của tôi. Ngày hôm đó tôi đã ăn trộmquyển sách đầu tiên của mình. Đó là một quyển sách hướng dẫn để đào huyệt, và tôi ăn trộm nó khi đang trên đường tới phố Thiên Đàng...

Con bé ngủ thiếp đi dưới hầm, trên một cái giường làm từ những tấm phủ tránh bụi, với những tờ giấy quăn mép, đặt trên cái thùng sơn cao hơn. Sáng ra, Mẹ đứng nhìn nó, đôi mắt được khử trùng bằng clo của bà như đang hỏi.

“Liesel,” bà nói, “mày đang làm cái quái gì dưới này vậy?” “Con đang viết, Mẹ à.”

“Lạy các đấng Jesus, Maria và Joseph.” Rosa giậm mạnh lên những bậc cấp để lên lầu. “Hãy lên nhà trong vòng năm phút nữa nếu không mày sẽ bị phạt kiểu dội xô nước vào người đấy. Verstehst?”

“Con hiểu rồi.”

Mỗi đêm, Liesel đều xuống tầng hầm. Con bé lúc nào cũng giữ quyển sách bên mình. Nó viết trong suốt nhiều giờ đồng hồ.

Cố gắng hoàn thành mười trang sách mỗi đêm về cuộc đời nó. Có quá nhiều thứ cần xem xét, có quá nhiều thứ có nguy cơ bị bỏ qua. Hãy kiên nhẫn, nó tự nhủ, và với những trang sách ngày càng nhiều thêm, sức mạnh nắm đấm từ ngữ của con bé cũng tăng lên. Thậm chí nó còn chép lại quyển Người lay từ ngữ và Người đứng nhìn xuống, chép lại những bức tranh và những con chữ, bổ sung thêm rằng vết tích của quyển Mein Kampf vẫn có thể được nhìn thấy qua lớp sơn của những trang sách. Những hình phác thảo đầu tiên mà nó nhìn thấy trong quyển sách của Max cũng xuất hiện - để kể lại câu chuyện một cách chính xác như trong trí nhớ của con bé.

Đôi khi, con bé viết về những điều đã xảy ra trong tầng hầm, trong khi nó đang viết. Con bé vừa kết thúc cái đoạn mà Bố đã tát nó trên những bậc cấp của nhà thờ, và họ đã cùng nhau nói Heil Hitler ra sao. Ở bên kia căn hầm, Hans Hubermann đang cho cây đàn xếp vào hộp và mang lên nhà. Ông vừa chơi đàn suốt nửa giờ đồng hồ trong khi Liesel viết.

* TRANG 42 *

Đêm nay Bố đã ngồi cùng với tôi. Ông mang cây đàn xếp xuống và ngồi gần nơi Max từng ngồi. Tôi thường quan sát những ngón tay và gương mặt ông mỗi lúc ông chơi đàn. Cây đàn xếp thở. Có những nếp nhăn trên má ông. Trông chúng như thể được vẽ lên vậy, và vì một lý do nào đó, khi tôi nhìn thấy chúng, tôi muốn bật khóc.

Không phải tôi khóc vì bất cứ nỗi buồn hay niềm kiêu hãnh nào cả. Tôi chỉ đơn giản là thích cái cách mà chúng chuyển động và thay đổi. Đôi khi tôi nghĩ rằng cha tôi là một cây đàn xếp. Khi ông nhìn tôi, cười và hít thở, tôi nghe thấy những nốt nhạc.

Sau mười đêm viết như thế, Munich bị đánh bom một lần nữa. Liesel đã viết được đến trang 102 và đang ngủ thiếp đi trong tầng hầm. Con bé không nghe thấy tiếng cúc cu hay tiếng còi báo động, và nó đang ôm quyển sách của mình ngủ khi Bố đi xuống để đánh thức nó dậy. “Liesel, đi thôi.” Nó mang theo quyển Kẻtrộm sách cùng những quyển sách khác của nó, và họ đi tìm bà Holtzapfel.

* TRANG 175 *

Quyển sách đang trôi xuôi theo dòng sông Amper. Một thằng nhóc nhảy xuống, đuổi kịp nó và giữ lấy nó bằng tay phải của mình. Thằng nhóc toe toét cười. Nó đứng ngập đến ngực trong làn nước lạnh buốt của tháng Mười một. “Một nụ hôn thì thế nào hả, Đồ con lợn.” nó hỏi.

Đến cuộc oanh kích tiếp theo, vào ngày 2 tháng Mười, con bé đã viết xong quyển sách của mình. Chỉ còn lại vài chục trang giấy trắng, và kẻ trộm sách đã bắt đầu đọc lại những gì nó đã viết. Quyển sách được chia thành mười phần, mỗi phần đều được đặt tên bằng nhan đề của những quyển sách hay những câu chuyện, và miêu tả từng quyển sách hay câu chuyện đó đã ảnh hưởng như thế nào đến cuộc đời con bé.

Tôi thường tự hỏi rằng con bé đã đọc lại đến trang mấy khi tôi bước xuống phố Thiên Đàng trong cơn mưa như một cái vòi nước nhỏ giọt, năm đêm sau đó. Tôi tự hỏi con bé đang đọc gì khi quả bom đầu tiên rơi ra từ lồng ngực của một chiếc máy bay.

* KẺ TRỘM SÁCH - DÒNG CUỐI CÙNG *

Tôi đã ghét những từ ngữ và tôi đã yêu chúng và tôi hi vọng rằng mình đã viết chúng ra một cách đúng đắn.

Bên ngoài, thế giới đang huýt sáo. Cơn mưa đã để lại những vết bẩn.

NƠI TẬN CÙNG THẾ GIỚI

(Phần II)

Hầu như tất cả từ ngữ lúc này đều đang rơi xuống. Quyển sách màu đen đang tan rã dưới sức nặng những chuyến đi của tôi. Đó là lý do vì sao tôi kể lại câu chuyện này. Trước đó chúng ta đã nói gì, bạn có còn nhớ không? Cứ nói một điều gì đó đủ nhiều, và rồi bạn sẽ không bao giờ quên được nó nữa. Bên cạnh đó, tôi có thể nói cho bạn nghe điều gì đã xảy ra sau khinhững từ ngữ của kẻ trộm sách đã ngừng lại, và làm sao mà tôi lại biết được câu chuyện của con bé ngay từ đầu. Như thế này đây.

Hãy hình dung ra cảnh bạn đang bước đi trên phố Thiên Đàng trong bóng tối. Tóc bạn ướt đẫm, và áp lực không khí đang sắp sửa thay đổi rất mạnh. Quả bom đầu tiên rơi trúng khu chung cư mà Tommy Muller sống. Gương mặt của thằng bé co rúm lại một cách hồn nhiên khi tôi quỳ bên cạnh giường nó. Tiếp theo là em gái nó. Hai chân của Kristina đang thò ra từ bên dưới tấm chăn. Những ngón chân nhỏ xíu của con bé. Mẹ chúng đang ngủ cách đó vài mét. Bốn điếu thuốc đang nằm xiêu vẹo trong cái gạt tàn của bà, và cái trần nhà không mái có màu đỏ của mặt bếp điện. Phố Thiên Đàng đang cháy...

Còi báo động bắt đầu rú lên.

“Bây giờ thì quá trễ rồi,” tôi thì thầm, “cho cái hành động nhỏ bé ấy,” bởi vì tất cả mọi người đã bị lừa, và bị lừa một lần nữa. Ban đầu, quân Đồng minh đã giả vờ oanh kích Munich nhằm tấn công vào Stuttgart. Nhưng rồi mười chiếc máy bay đã ở lại. Ồ, và dứt khoát là đã có những lời cảnh báo. Ở Molching, chúng đến cùng những quả bom.

* ĐIỂM DANH NHỮNG TÊN PHỐ *

Phố Munich, phố Ellenberg, phố Johannson, phố Thiên Đàng.

Con đường lớn + ba con đường nữa, trong khu vực nghèo khổ hơn của thị trấn.

Trong khoảng thời gian vỏn vẹn vài phút, tất cả đều biến mất. Một ngôi nhà thờ bị đốn gục.

Đất đã bị phá hủy nơi Max Vandenburg từng đứng trên đôi châncủa mình.

Ở nhà số 31 phố Thiên Đàng, bà Holtzapfel có vẻ như đang đợi tôi trong bếp. Một cái tách vỡ đang ở trước mặt bà, và trong khoảnh khắc cuối cùng bà còn tỉnh, gương mặt bà có vẻ như đang hỏi tôi làm cái quái gì mà đến muộn thế.

Trái lại, mụ Diller ngủ thiếp đi rất nhanh. Những ô cửa kính chống đạn của mụ ta vỡ tan tành đến tận giường. Cửa hàng của mụ bị phá hủy hoàn toàn, quầy tính tiền nằm chắn ngang con đường, và bức ảnh Hitler lồng khung của mụ bị giật ra khỏi tường và đập xuống sàn nhà. Gã đàn ông ấy rõ ràng là đang nhăn mặt và bị đập thành một đống bùn nhão vương đầy kính vỡ. Tôi bước lên hắn trên đường đi ra.

Nhà Fiedler được tổ chức rất tốt, tất cả đều nằm trên giường, tất cả đều đắp kín chăn. Pfiffikus thì trùm chăn kín đến tận mũi.

Ở nhà Steiner, tôi lướt những ngón tay của mình trên mái tóc được chải chuốt rất đáng yêu của Barbra, tôi lấy đi sự nghiêm trọng khỏi gương mặt tuy đang ngủ mà vẫn rất nghiêm trọng của Kurt và, từng đứa một, tôi hôn những đứa nhỏ hơn để chúc chúng ngủ ngon.

Sau đó là Rudy.

Ôi, lạy đức Chúa bị đóng đinh trên cây thập ác, Rudy...

Nó nằm trên giường cùng với một trong những đứa em gái của nó. Hẳn là con bé đã đá nó hay chen chúc với nó để giành phần lớn không gian trên giường, bởi vì thằng bé đang nằm sát cạnh giường, một tay vẫn quàng qua người em gái nó. Thằng bé đã ngủ. Mái tóc lập lòe như ánh nến của nó làm cái giường như bừng sáng, và tôi nhặt linh hồn của nó và Bettina lên khi linh hồn của chúng vẫn còn quấn trong chăn. Nếu không gì khác, thì chúng chết rất nhanh, và linh hồn chúng rất ấm áp. Thằng bé ở chỗ cái máy bay rơi đây mà, tôi nghĩ thầm. Thằng bé có con gấu bông đây mà. Sự thoải mái của Rudy ở đâu cơ chứ? Ai đã ở đó để vỗ về nó khi tấm chăn cuộc sống bị giật ra từ bên dưới đôi chân đang ngủ của nó?

Chỉ có tôi mà thôi.

Và tôi không có tài cán gì lắm trong lĩnh vực an ủi vỗ về ấy, đặc biệt là khi đôi tay tôi lạnh buốt còn cái giường thì rất ấm. Tôi nhẹ nhàng mang nó qua những con đường đổ nát, với một con mắt mặn chát và một trái tim nặng nề, chết chóc. Tôi đã cố gắng hơn một chút với thằng bé. Tôi nhìn nội dung của linh hồn nó một lúc, và thấy một thằng bé tự sơn người mình màu đen đang gọi cái tên Jesse Owens khi nó chạy qua một dải băng tưởng tượng. Tôi thấy nó đứng ngập đến ngang hông trong làn nước buốt giá để đuổi theo một quyển sách, và tôi nhìn thấy một thằng bé đang nằm trên giường, hình dung xem một nụ hôn từ cô bạn hàng xóm sẽ có hương vị tuyệt vời ra sao. Nó đã làm cho tôi một việc, cái thằng nhóc ấy. Lần nào cũng thế. Đó là tổn hại duy nhất mà nó gây ra. Nó đã giày xéo lên trái tim tôi. Nó đã làm tôi bật khóc.

Cuối cùng, là gia đình Hubermann.

Hans. Bố.

Ông trông rất to lớn trên cái giường của mình, và tôi có thể nhìn thấy màu bạc qua mí mắt ông. Linh hồn của ông ngồi dậy. Nó gặp tôi. Những linh hồn như thế luôn làm vậy - những linh hồn tốt đẹp nhất. Những linh hồn dạng này trỗi dậy và nói, “Tôi biết ông là ai, và tôi đã sẵn sàng. Không phải là tôi muốn đi theo ông, dĩ nhiên, nhưng tôi sẽ đi.” Những linh hồn như vậy luôn rất nhẹ nhàng, bởi vì đa phần con người họ đã thoát ra ngoài. Hầu hết trong số họ đã tìm thấy đường đến những nơi khác. Linh hồn này đã thoát ra ngoài nhờ hơi thở của một cây đàn xếp, vị chát của rượu champagne trong mùa hè, và nghệ thuật của việc giữ lời hứa. Ông nằm trong vòng tay tôi và yên nghỉ. Có một buồng phổi ngứa ngáy muốn được hút một điếu thuốc cuối cùng, và một lực kéo dữ dội như có nam châm về phía tầng hầm, về phía đứa bé gái đã trở thành con gái của ông và đang viết một quyển sách dưới đó, mà ông hi vọng một ngày nào đó mình sẽ được đọc.

Liesel.

Linh hồn của ông thì thầm từ này khi tôi mang ông đi. Nhưng không có Liesel trong căn nhà đó. Dù sao đi nữa, con bé cũng không dành cho tôi.

*VẬN MAY CUỐI CÙNG *

Tôi đi từ con phố này đến con phố khác, và quay lại vì một người duy nhất tên là Schultz ở dưới đáy của phố Thiên Đàng.

Anh ta không thể bám víu lấy cuộc sống này trong ngôi nhà đã sập và lúc đang mang linh hồn của anh đi lên phố Thiên Đàng thì tôi nhận thấy tiếng những người thuộc đơn vị LSE đang la hét và cười nói.

Có một thung lũng nhỏ trong dãy núi được làm từ gạch vỡ ấy.

Bầu trời nóng bỏng có màu đỏ và đang xoay vần. Những vệt tiêu đã bắt đầu xoáy lại, và tôi trở nên tò mò. Phải, phải, tôi biết tôi đã kể gì với bạn lúc đầu. Thường thì sự tò mò của tôi hay dẫn đến việc tôi phải chứng kiến khung cảnh đáng sợ của một dạng la ó nào đó của con người, nhưng lần này, tôi phải nói rằng mặc dù điều đó đã khiến trái tim tôi tan vỡ, nhưng tôi đã, và vẫn đang, cảm thấy vui mừng vì đã ở đó.

Khi họ kéo nó ra, con bé đã bắt đầu gào khóc và la hét gọi Hans Hubermann. Những người thuộc đơn vị LSE cố gắng giữ chặt lấy nó trong vòng tay trắng xóa bột vữa của họ, nhưng kẻ trộm sách đã làm sao đó mà vùng thoát ra được. Những con người tuyệt vọng có vẻ như luôn làm được điều này.

Con bé không biết mình đang chạy đi đâu, vì phố Thiên Đàng không còn tồn tại nữa. Mọi thứ đều thật mới mẻ và nhuốm màu của sự mặc khải. Tại sao bầu trời lại có màu đỏ? Làm sao có thể có tuyết rơi được cơ chứ? Và tại sao những bông tuyết lại làm bỏng tay nó?

Liesel giảm tốc độ thành những bước đi thất thểu và tập trung, về phía trước.

Cửa hàng của mụ Diller đâu rồi? Đâu là...

Con bé cứ lang thang như thế thêm một đoạn nữa, cho đến khi người đàn ông đã phát hiện ra nó nắm lấy tay nó và không ngừng nói. “Cháu đang bị sốc, cháu gái ạ. Chỉ là một cú sốc thôi, cháu sẽ ổn.”

“Chuyện gì đã xảy ra vậy?” Liesel hỏi. “Đây có phải vẫn là phố Thiên Đàng không?”

“Phải,” người đàn ông ấy có đôi mắt ngập tràn sự thất vọng. Ông ta đã nhìn thấy những gì trong suốt mấy năm qua chứ? “Đây là phố Thiên Đàng. Con phố này đã bị đánh bom, cháu gái của ta ạ. “Es tut mir leid, Schatzi. Ta rất tiếc, cháu yêu.”

Miệng của đứa bé gái vẫn tiếp tục lảm nhảm, ngay cả khi lúc này cơ thể con bé đang đứng yên. Nó đã quên mất những tràng khóc lóc gọi tên Hans Hubermann trước đó. Việc này như đã xảy ra nhiều năm rồi - một trận đánh bom sẽ làm được như thế. Con bé nói, “Chúng ta phải đi tìm bố cháu, mẹ cháu. Chúng ta phải mang Max ra khỏi hầm. Nếu anh ấy không có ở đó thì hẳn là anh đang ở chỗ hành lang, nhìn ra ngoài cửa sổ. Thỉnh thoảng, khi có không kích, anh vẫn làm thế - anh không có nhiều cơ hội được nhìn bầu trời cho lắm, bác hiểu chứ. Bây giờ cháu phải kể cho anh ấy nghe thời tiết bên ngoài như thế nào. Anh sẽ chẳng bao giờ tin lời cháu nói đâu...”

Vào khoảnh khắc đó, thân thể con bé oằn xuống, người đàn ông thuộc đơn vị LSE kịp đỡ lấy nó và giúp nó ngồi xuống. “Chúng ta sẽ đưa con bé đi trong một phút nữa,” ông nói với trung sĩ của mình. Kẻ trộm sách nhìn vào thứ đang đè nặng lên bàn tay nó và khiến nó đau đớn.

Quyển sách. Những từ ngữ.

***

Những ngón tay của nó đang chảy máu, giống như lúc con bé mới đến đây.

Người thuộc đơn vị LSE giúp nó đứng dậy và bắt đầu dẫn nó đi. Một cái thìa gỗ đang bốc cháy. Một người đi ngang qua, trên tay người đó là một cái hộp đàn xếp vỡ toác, và Liesel có thể nhìn thấy cây đàn bên trong. Con bé có thể nhìn thấy hàm răng trắng của nó và những nốt đen ở giữa. Chúng mỉm cười với con bé, và khởi nguồn một nhận thức về thực tế của con bé. Chúng ta đã bị đánh bom, con bé nghĩ thầm, và lúc này, nó quay sang người đàn ông ở bên cạnh mình và nói, “Đó là cây đàn xếp của bố cháu?” Một lần nữa. “Đó là cây đàn xếp của bố cháu.”

“Đừng lo, cháu bé, cháu đã an toàn rồi, chỉ cần đi thêm một chút nữa thôi.”

Nhưng Liesel không đi.

Con bé nhìn xem người đàn ông nọ đang mang cây đàn xếp đi đâu, rồi đi theo ông ta. Với bầu trời đỏ ối vẫn đang tưới xuống những cụm tro đẹp đẽ của mình, con bé dừng người lính thuộc đơn vị LSE lại và nói, “Cháu sẽ lấy cái đó nếu bác không phiền - nó là cây đàn của bố cháu.” Nó nhẹ nhàng lấy cây đàn ra khỏi tay của người đàn ông và bắt đầu mang nó đi. Ngaysau đó, con bé nhìn thấy cái xác đầu tiên.

Hộp đàn xếp rơi xuống đất khỏi tay nó. Âm thanh của một vụ nổ. Bà Holtzapfel đang nằm bắt tréo trên mặt đất.