Kẻ Trộm Sách

Phần I - Chương 3

* GIẢI THÍCH TỪ VIẾT TẮT NÀY *

BDM là viết tắt của Bund Deutscher Madchen -

Những bé gái của nước Đức thống nhất.

Điều đầu tiên mà tổ chức này làm là đảm bảo bọn nhóc không có trục trặc gì với câu Heil Hitler - Hitler vạn tuế. Sau đó chúng được dạy đi đều bước, cuộn băng cứu thương và may vá quần áo. Chúng cũng được cho đi hành quân và những hoạt động tương tự khác. Thứ Tư và thứ Bảy là những ngày tập trung được chỉ định trước, diễn ra từ ba giờ đến năm giờ chiều.

Vào mỗi ngày thứ Tư và thứ Bảy, Bố dắt Liesel đến trụ sở BDM và đón nó hai tiếng đồng hồ sau đó. Họ không bao giờ nói nhiều về việc này. Họ chỉ nắm tay nhau và lắng nghe nhịp bước chân, và Bố thường hút một hai điếu thuốc.

Nỗi lo lắng duy nhất mà Bố mang đến cho nó là việc ông thường xuyên đi vắng. Có nhiều buổi tối ông bước vào phòng khách (cũng là phòng ngủ của nhà Hubermann), lôi cây đàn xêp từ trong cái tủ ly cũ kỹ ra và chơi đàn từ trong bếp ra đến tận cửa chính.

Khi ông đã sải bước trên phố Thiên Đàng, Mẹ hay mở cửa sổ và gào vọng theo. “Đừng có thò mặt về nhà muộn quá đấy!”

“Đừng có rống lên thế,” ông quay lại đáp.

“Đồ lợn! Liếm mông tôi đi này! Tôi rống to thế nào mặc xác tôi!”

Âm vọng câu chửi của bà đuổi theo ông suốt con phố. Ông chẳng khi nào nhìn lại, hay ít nhất là cho đến khi ông biết chắc rằng vợ mình ở không còn đứng đằng sau nữa. Vào những buổi tối như thế, ở cuối con phố, với hộp đựng đàn xếp trong tay, ông thường quay lại, ngay trước cửa hàng ở góc phố của mụ Diller, rồi nhìn cái dáng người đã thế vào chỗ vợ ông nơi cửa sổ. Rất nhanh, bàn tay dài thượt giống như một bóng ma của ông giơ lên chào, trước khi ông lại quay đi và chậm chậm bước tiếp. Rồi Liesel sẽ lại nhìn thấy ông vào lúc hai giờ sáng, khi ông nhẹ nhàng đánh thức nó khỏi cơn ác mộng hằng đêm.

Những buổi tối trong căn bếp nhỏ ấy luôn vang lên giọng nói khàn khàn, nhất định là như thế. Rosa Hubermann nói luôn mồm và một khi bà ta đã “bật đài”, thì nó sẽ lải nhải không ngừng. Bà luôn miệng cãi vã và than phiền. Bà không thực sự cãi nhau với một ai cả, nhưng luôn xoay xở một cách xuất sắc với mọi cơ hội mà bà có. Bà có thể cãi nhau với cả thế gian trong căn bếp ấy, và hầu như tối nào bà cũng làm việc đó. Mỗi lần họ vừa mới ăn tối xong còn Bố thì đã đi rồi, Liesel với Rosa thường nán lại trong bếp, và Rosa ủi đống quần áo.

Vài lần một tuần, sau khi đi học về, Liesel sải bước trên những con phố của Molching cùng mẹ nuôi của nó, đi thu gom và giao đám đồ giặt ủi ở các khu vực sung túc hơn của thị trấn. Phố Knaupt, phố Heide, vài con phố khác. Mẹ làm việc này với một nụ cười đầy trách nhiệm, nhưng ngay lúc mấy cánh cửa nhà khách hàng vừa khép lại, và bà đã quay đi, thì lần nào bà cũng nguyền rủa những con người giàu có này, với tất cả đống tiền bạc và sự lười biếng của họ.

“Bọn người này quý phái đến mức không giặt nổi đồ của mình cơ đấy”, bà hay nói như vậy, mặc cho một thực tế là bà phải sống dựa vào họ.

“Cái gã ấy”, bà buộc tội Herr Vogel ở phố Heide, “tất cả số tiền hắn có là từ lão bố. Hắn đã nướng tiền vào gái gú, rượu chè. Và dĩ nhiên là cả giặt ủi quần áo nữa.”

Nghe cứ như một bài điểm danh những kẻ đáng khinh vậy.

Herr Vogel, ông bà PlaSelhurver, Helena Schmidt, nhà Weigartner. Tất cả bọn họ đều có một tội lỗi nào đó.

Ngoài cái tật lác nào cũng say túy lúy và thói phóng đãng của mình, Ernst Vogel, theo lời Rosa, luôn gãi gãi mớ tóc đầy chấy rận, sau đó liếm liếm mấy ngón tay, rồi mới chịu đưa tiền. “Ta nên rửa sạch, số tiền này trước khi về nhà” là kết luận của bà.

Nhà Plaffelhurver thì luôn xem xét quá chi li đám quần áo được giao tới. “Làm ơn đừng để những cái áo sơ mi này có một vết nhàu nào, Rosa nhại giọng họ. “Đừng làm nhăn bộ đồ này đấy nhé. Rồi chúng nó đứng đấy và kiểm tra tất cả mọi thứ, ngay trước mặt ta. Ngay trước mũi ta! Thật là một lũ rác rưởi, rác rưởi!”

Nhà Weigartner là những người trông có vẻ đần độn và lúc nào lông mèo con lợn cũng rụng ra từ người họ. “Mày có biết mẹ mày đã phải mất bao lâu để giũ sạch đám lông đó không hử? Lông khắp nơi!”

Helena Schmidt là một bà góa phụ giàu có. “Cái mụ già què quặt ấy - cứ ngồi ỳ ra đó cho đến lúc chết dần chết mòn. Mụ ta chưa từng phải làm việc lấy một ngày nào trong đời mà.”

Dù vậy, sự khinh bỉ lớn lao nhất của Rosa được dành cho ngôi nhà trên đường cái số 8. Đó là một căn nhà lớn, tọa lạc cao trên ngọn đồi, ở phần trên của Molching.

“Cái nhà này”, bà chỉ cho Liesel trong lần đầu tiên họ đến đó, “là nhà của lão thị trưởng. Cái tên lừa đảo ấy. Vợ lão ngồi lù lù một đống trong nhà suốt cả ngày, độc ác đến mức không nhóm nổi một ngọn lửa - trong đó luôn lạnh đến phát cóng lên dược. Mụ ta điên rồi.” Bà gằn từng tiếng. “Thật đấy. Hoàn toàn điên rồi.” Ở cổng, bà ra hiệu cho con bé. “Mày vào đi.”

Liesel sợ phát khiếp lên được. Một cánh cửa to đùng màu nâu với tay nắm bằng đồng nằm ở cuối dãy tam cấp nhỏ đang đợi nó. “Sao cơ?”

Mẹ đẩy nó tới trước. “Đừng có đứng đây mà sao với giăng, đồ con lợn. Nhúc nhích đi.”

Liesel nhúc nhích. Nó bước theo con đường dẫn vào nhà, trèo lên những bậc cấp, do dự một chút, rồi gõ cửa.

Mở cửa là một bộ áo choàng tắm.

Bên trong bộ áo ấy là một người đàn bà đang đứng trước mặt nó với đôi mắt thảng thốt, mái tóc rối bù như nùi bông, và một dáng điệu thất thểu. Bà ta đảo mắt nhìn Mẹ ở chỗ cổng vào rồi đưa cho đứa bé gái một túi đựng quần áo cần giặt. “Cảm ơn bà ” Liesel nói, nhưng không có câu trả lời. Chỉ có cánh cửa đáp lại. Nó đóng sập trước mặt con bé.

“Mày đã thấy chưa?” Mẹ lên tiếng khi nó quay lại chỗ cổng. “Đây là cái mà ta phải chịu đựng đấy. Những kẻ giàu có khôn kiếp này, những con lợn lười biếng này...”

Lúc hai mẹ con rời đi, Liesel ngoảnh lại, tay ôm túi đồ cần giặt. Nắm đấm bằng đồng trên cánh cửa nhìn theo nó.

Khi kết thúc cái công việc nhiếc móc những người mà bà phải làm thuê cho họ, Rosa Hubermann thường chuyển sang một chủ đề mắng mỏ ưa thích khác của bà. Ấy là ông chồng bà. Nhìn đám đồ cần giặt giũ và những ngôi nhà xiêu vẹo, bà cứ nói, nói và nói mãi không ngừng. “Nếu bố mày có tí tài cán gì,” bà luôn nói với Liesel như thế mỗi lần họ đi xuyên qua thị trấn Molching, “thì ta đã không phải làm cái việc này.” Bà khịt mũi chế nhạo. “Một thợ sơn! Sao lại đi cưới cái hạng lỗ đít ấy chứ? Đó là những gì mà họ đã nói với ta - gia đình ta ấy, họ đã nói với ta như thế đấy.” Những bước chân của hai mẹ con phát ra tiếng lạo xạo trên mặt đường. “Và giờ thì ta sống thế này đây, đi bộ trên đường và làm việc quần quật như một con ở trong căn bếp của mình, vì cái đồ lợn ấy chả bao giờ kiếm được công việc gì cả. Chả có cái công việc nào ra hồn cả. Chỉ có cái đàn xếp thảm hại trong những cái xó xỉnh bẩn thỉu ấy mỗi đêm mà thôi.”

“Vâng, thưa Mẹ.”

“Mày chỉ nói được có ngần ấy thôi à?” Đôi mắt của Mẹ trông như những miếng giấy rời màu xanh tái, được dán chặt lên mặt bà.

Họ lại đi tiếp.

Liesel phải mang cái túi đựng đồ bẩn.

Ở nhà, đám quần áo được giặt trong một cái nồi nấu cạnh bếp lò được treo ở chỗ lò sưởi trong phòng khách, và sau đó được là ủi trong nhà bếp. Nhà bếp là nơi diễn ra mọi việc.

Mày có nghe thấy không? Gần như đêm nào Mẹ cũng hỏi nó câu này. Cái bàn ủi là nắm đấm của bà, được nung trong bếp lò. Ánh sáng trong nhà rất mờ mịt, và Liesel, đang ngồi ở chỗ bàn bếp, thường nhìn chăm chăm vào miệng lò lửa trước mặt nó.

“Sao?” con bé đáp. “Sao cơ ạ?”

“Lại là con mẹ Holtzapfel.” Mẹ đã không còn ngồi yên trên ghế của mình được nữa. “Cái đồ lợn nái ấy lại vừa mới nhổ vào cửa nhà mình nữa đấy.”

Đó là một việc gần như đã thành truyền thống với Holtzapfel, một trong những hàng xóm của họ, là nhổ vào cửa nhà Hubermann mỗi lần bà ta đi ngang qua. Cửa ra vào chỉ cách cổng vài mét, và chúng ta có thể nói rằng bà Holtzapfel có những cú nhổ rất xa - và chính xác nữa.

Cái sự khạc nhổ này bắt nguồn từ việc bà ta và Rosa Hubermann có một cuộc khẩu chiến kéo dài dễ đến cả thập kỷ nay. Không ai biết nguồn gốc của mối thâm thù này. Hẳn là bản thân hai người đàn bà ấy cũng quên mất rồi.

Holtzapfel là một người đàn bà dẻo dai, và có thái độ hằn học rất rõ ràng. Bà ta chưa bao giờ kết hôn cả, nhưng vẫn có hai ngươi con trai, lớn hơn đứa con đầu lòng nhà Hubermann vài tuổi. Cả hai đều đang tại ngũ và cả hai đều sẽ xuất hiện khá ấn tượng khi câu chuyện gần kết thúc, tôi đảm bảo với các bạn như thế.

Theo lối hằn học, thì tôi cũng nên nói rằng Holtzapfel rất triệt để với cái công việc khạc nhổ của mình. Bà ta không bao giờ xao nhãng việc nhổ bọt vào cửa nhà số ba mươi ba và rủa “Đồ lợn!” mỗi lần đi ngang qua chỗ ấy. Có một điều tôi nhận thấy ở người Đức là:

Có vẻ như họ rất quan tâm đến những con lợn.

* MỘT CÂU HỎI NHỎ VÀ CÂU TRẢ LỜI *

Và bạn nghĩ ai bị bắt phải đi chùi cái đống nhổ trên cánh cửa ấy mỗi đêm chứ?

Phải - bạn biết là ai rồi đấy.

Khi một người đàn bà với nắm đấm sắt bảo bạn ra ngoài đó và chùi đống nhổ trên cửa, thì bạn sẽ phải tuân theo thôi. Đặc biệt là khi cái nắm đấm sắt ấy nóng rẫy.

Tất cả chỉ là một phần của thời gian biểu hằng ngày, thực sự là như vậy.

Mỗi đêm, Liesel đều đi ra ngoài, lau sạch cánh cửa và ngắm nhìn bầu trời. Thường thì bầu trời trông cứ như bị ai làm đổ - lạnh lẽo và nặng nề, trơn tuột và xám xịt - nhưng thỉnh thoảng cũng có vài ngôi sao có can đảm xuất hiện và tỏa ánh sáng lấp lánh, dù chỉ trong vài phút. Vào những đêm như vậy, con bé sẽ ở ngoài lâu hơn một chút và chờ đợi.

“Xin chào, những ngôi sao kia ơi.”

Chờ đợi.

Chờ giọng nói vọng ra từ nhà bếp.

Hay chờ cho đến khi những ngôi sao kia lại bị nhấn chìm xuống vũng nước đen ngòm của bầu trời nước Đức.

NỤ HÔN

(Một người ra quyết định thời thơ ấu)

Như hầu hết những thị trấn nhỏ khác, Molching có đầy rẫy các nhân vật. Rất nhiều trong số họ sống ở phố Thiên Đàng. Bà Holtzapfel chỉ là một vai diễn trong cái đoàn kịch này mà thôi.

Các diễn viên khác bao gồm những con người đại loại như sau:

- Rudy Steinner - đứa con trai nhà hàng xóm, thằng này bị ám ảnh bởi vận động viên người Mỹ gốc Phi, Jesse Owens.

- Mụ Diller - chủ cửa hàng tạp hóa ở góc đường, người Aryan rất kín tiếng.(7)

[7]: Dưới thời Đức Quốc xã, người Aryan được xem là những người Đức thuần chủng nhất, là chủng tộc cao quý nhất.

- Tommy Muller - một thằng nhóc bị thối tai kinh niên. Nó đã trải qua vài cuộc phẫu thuật, mặt nó có một dải da màu hồng như dòng sông vắt ngang qua và luôn có xu hướng co rúm lại.

- Một gã được biết đến chủ yếu qua cái tên Pfiffikus, mà thói văng tục của lão ta đã khiến Rosa Hubermann giống như một vị thánh chỉ nói toàn lời hay ý đẹp.

Nhìn chung, đó là một con phố đầy rẫy những kẻ nghèo khổ, mặc cho sự trỗi dậy rõ rệt về mặt kinh tế của nước Đức dưới thời Hitler. Những dãy phố nghèo vẫn tồn tại.

Như đã đề cập, căn nhà kế bên nhà Hubermann được một gia đình họ Steiner thuê lại. Nhà Steiner có sáu đứa con. Một đứa trong số chúng, thằng Rudy đầy tai tiếng, sẽ nhanh chóng trở thành bạn thân nhất của Liesel, sau đó là cộng sự của con bé và đôi khi lại là yếu tố xúc tác trong những hành vi tội lỗi của hai đứa. Liesel đã gặp thằng bé trên đường phố.

Vài ngày sau lần đầu tiên Liesel chịu đi tắm, Mẹ cho phép nó ra ngoài chơi với những đứa trẻ khác. Với bọn trẻ sống trên phố Thiên Đàng, tình bạn luôn được thiết lập ngoài đường dù thời tiết có thế nào đi nữa. Bọn trẻ hiếm khi ghé chơi nhà nhau vì những căn nhà này thường rất nhỏ và chẳng có mấy thứ để chơi cả. Thế là chúng bày trò tiêu khiển ưa thích trên đường phố như những vận động viên chuyên nghiệp. Trò ấy là môn bóng đá. Những đội bóng được chia đều cầu thủ. Những thùng rác được trưng dụng làm khung thành.

Vì là đứa trẻ mới đến, ngay lập tức Liesel bị nhét vào giữa hai thùng rác như thế. (Sau cùng thì Tommy Muller cũng được tự do, dù nó là một trong những cầu thủ vô dụng nhất mà phố Thiên Đàng từng sản sinh ra.)

Ban đầu thì mọi việc đều tốt đẹp cả, cho đến khoảnh khắc định mệnh mà Rudy Steiner bị thằng Tommy Muller vụng về đốn ngã sóng soài xuống mặt đất đầy tuyết.

“Cái gì?! Tommy hét lên. Mặt nó co rúm lại trong cơn tuyệt vọng. “Tao có làm gì đâu cơ chứ?!”

Tất cả cầu thủ bên đội của Rudy đều nhất trí rằng đó sẽ là mọt quả phạt đền, và thế là lúc này Rudy Steiner đang đứng đối mặt với con nhóc mới đến, Liesel Meminger.

Thằng bé đặt quả bóng trên một mô tuyết bẩn thỉu. Nó rất tự tin trước kết quả thường thấy sau những cú phạt đền như vậy- xét cho cùng, Rudy chưa sút hỏng quả nào trong số mười tám quả phạt đền gần đây nhất, mặc dù khi đó thì đội bạn sẽ có lý do chính đáng để đá đít thằng Tommy Muller ra khỏi vị trí thủ môn. Dù bọn kia có thay thằng này bằng đứa nào khác đi chăng nữa, thì Rudy vẫn sẽ ghi bàn.

Lúc này thì bọn trẻ đang cố buộc Liesel tránh ra cho đứa khác bắt quả phạt. Như bạn có thể hình dung, con bé đã phản đối, và Rudy đồng ý với điều này.

“Đừng, không sao đâu,” nó cười khẩy. “Cứ để nó bắt quả này.” Thằng nhóc xoa xoa tay.

Lúc này, tuyết đã ngừng phủ trắng con phố nhem nhuốc, và mặt đường đã kịp chằng chịt những dấu chân đầy bùn đất. Rudy lấy đà rồi thực hiện cú sút. Liesel đổ người sang một bên và thế nào đó mà làm chệch hướng được quả bóng bằng cùi chỏ của nó. Nó đứng dậy rồi nhoẻn miệng cười toe toét, nhưng thứ đầu tiên nó nhìn thấy lại là một qua bóng bằng tuyết được ném thẳng vào mặt. Nửa phần quả bóng tuyết đó là bùn. Liesel đau đến nảy cả đom đóm mắt.

“May có thích thế không? Thằng nhóc cười toe rồi chạy đuổi theo quả bóng.

“Đồ lợn,” Liesel lầm bầm trong miệng. Từ ngữ ưa thích trong gia đình mới của nó đã được lĩnh hội rất nhanh.

* VÀI THÔNG TIN VỀ RUDY STEINER *

Thằng bé lớn hơn Liesel tám tháng tuổi và có cặp giò lẻo khoẻo, hàm răng sắc bén, đôi mắt xanh biếc và mái tóc màu vàng chanh. Là một trong số sáu đứa con nhà Steiner, bởi thế nó thường xuyên đói bụng. Ở phố Thiên Đàng, nó bị coi là một thằng hơi tưng tửng. Điều này bắt nguồn từ một sự việc người ta hiếm khi nói đến, nhưng vẫn được công nhận rộng rãi với cái tên

“Biến cố Jesse Owens”.

Một đêm nọ, nó đã trát đầy than đen lên người và chạy cự ly một trăm mét ở sân vận động địa phương.

Dù điên hay không, Rudy đã luôn được an bài để trở thành bạn thân nhất của Liesel. Một quả bóng tuyết vào mặt cô bé là khởi đầu hoàn hảo cho một tình bạn bền vững.

Vài ngày sau khi Liesel bắt đầu đi học, nó đến trường cùng với những đứa trẻ nhà Steiner. Mẹ của Rudy, bà Barbra, đã bắt thằng nhóc phải hứa là sẽ đi cùng với đứa bé gái mới chuyển đến, chủ yếu là vì bà đã nghe kể lại vụ quả bóng tuyết. Phần Rudy, nó hí hửng vâng lời. Nó không thuộc týp mấy thằng oắt vẫn ra vẻ ta đây ghét con gái. Nó rất thích tụi con gái, và nó thích Liesel (thế nên mới có vụ quả bóng tuyết). Thực ra Rudy Steiner là một trong những thằng quỷ con trâng tráo thực sự mê thích hình ảnh bản thân mình có bọn con gái vây quanh. Dường như trong mỗi đứa trẻ đều có một sự nông nổi đại loại như thế. Nó là thằng nhóc chẳng hề sợ người khác giới, chỉ vì mọi người đều bám lấy nỗi sợ cá biệt ấy, mà nó thì thuộc loại không ngại phải đưa ra quyết định. Trong trường hợp này, Rudy đã quyết định rất rõ ràng về Liesel Meminger.

Trên đường tới trường, nó cố gắng chỉ cho Liesel thấy mấy địa điểm quan trọng trong thành phố, hay ít nhất, nó xoay xở để chêm mấy câu như thế vào đâu đó giữa lúc nạt mấy đứa em nó hãy câm mồm đi và bị mấy anh chị nó bảo nó phải câm mồm. Địa điểm đáng chú ý đầu tiên mà nó giới thiệu cho Liesel là một ô cửa sổ nhỏ trên tầng hai của một khối nhà chung cư.

“Đó là nơi Tommy Muller sống.” Nó nhận thấy rằng Liesel không nhớ ra cái thằng Tommy ấy là ai. “Cái thằng nhóc mặt mày rúm ró ấy, cậu không nhớ à? Hồi mới năm tuổi, nó đã bị lạc giữa chợ vào ngày lạnh nhất trong năm. Ba tiếng đồng hồ sau, khi người ta tìm thấy nó, nó đã lạnh cóng như đá và bị một cơn đau tai khủng khiếp vì trời lạnh. Một thời gian sau, tai nó bị nhiễm trùng bên trong và nó phải phẫu thuật đến ba bốn lần gì đó, các bác sĩ đã làm nó sợ vãi cả ra quần. Thế là bây giờ nó cứ rúm ró như vậy đấy.”

Liesel xen vào. “Và nó chơi bóng tệ hết chỗ nói.”

“Nó là thằng chơi tệ nhất.”

Tiếp theo là cửa hàng ở góc đường cuối phố Thiên Đàng. Cửa hàng của Mụ Diller.

* MỘT ĐIỀU QUAN TRỌNG CẦN LƯU Ý VỀ MỤ DILLER *

Mụ ta có một luật lệ vàng.

Mụ Diller là một mụ đàn bà quắt queo với cặp mắt kính tròn xoe và ánh nhìn hung ác. Mụ đã hình thành ánh nhìn quỷ dữ này để làm nản lòng cái ý tưởng rất hay ho là lấy trộm hàng hóa từ cửa hàng của mụ. Mụ củng cố thêm yếu tố đáng sợ cho ánh nhìn này bằng dáng điệu trông như một quân nhân, giọng nói lạnh như băng, và thậm chí cả hơi thở của mụ cơ hồ cũng tỏa ra cái mùi Hitler vạn tuế. Ngay cả cửa hàng đó cũng có màu trắng tinh và lạnh ngắt. Ngôi nhà nhỏ đứng cạnh nó như run lẩy bẩy vì lạnh hơn nhiều so với những ngôi nhà khác trên phố Thiên Đàng. Mụ Diller điều khiển cảm giác này, trưng nó ra như là vật duy nhất miễn phí trong cơ ngơi của mụ. Mụ sống vì cửa hàng của mình, và cửa hàng đó sống vì Đệ tam Quốc xã (8). Ngay cả khi chế độ phân phối (9) được ban hành sau đó, người ta vẫn biết là mụ bán lén lút những món đồ hiếm và quyên số tiền kiếm được từ việc này cho đảng Quốc xã. Thường ngự trên bức tường đằng sau chỗ mụ đứng là chân dung Quốc trưởng được lồng khung trang trọng. Nếu bạn bước vào cửa hàng của mụ mà không nói câu Hitler vạn tuế, thì bạn sẽ không mua được gì ở đó cả. Khi hai đứa đi ngang qua, Rudy chỉ cho Liesel thấy cặp mắt chống đạn đó đang liếc ngang liếc dọc từ cửa sổ cửa hàng.

[8]: Nguyên văn: the Third Reich (chế độ Quốc xả ở Đức giai đoạn 1933-1945).

[9]: Có thể hiểu đây là chế độ phân phối áo quần, thực phẩm, hàng hóa, trong thời kỳ thiếu thốn, khó khăn hoặc có chiến tranh.

“Hãy nói câu Vạn tuế ấy khi cậu vào trong đó,” thằng bé nghiêm giọng cảnh báo nó. “Trừ phi cậu muốn mình phải đi xa hơn một chút mới mua được hàng.” Ngay cả khi hai đứa đã đi cách cửa hàng một quãng khá xa, Liesel ngoái nhìn lại và vẫn thấy đôi mắt như kính hiển vi ấy ở đó, dán chặt vào ô cửa sổ.

Qua góc đường, phố Munich (con đường chính để vào và ra khỏi Molching) trải đầy bùn loãng.

Như thường lệ, vài hàng lính đang diễn tập hành quân rất nhanh trên phố. Những bộ quân phục của họ di chuyển trong tư thế thẳng đơ và những đôi ủng đen càng làm lớp tuyết bị ô nhiễm hơn nữa. Mặt họ được cố định hướng thẳng về phía trước với một sự tập trung cao độ.

Khi đã ngắm những người lính đi mất hút, bọn nhóc nhà Steiner và Liesel đi ngang qua vài cửa hàng nữa, tiếp đến là tòa thị chính oai nghiêm và đường bệ, tòa nhà mà vài năm sau đó sẽ bị đốn gục và chôn vùi vĩnh viễn. Có vài cửa hàng bị bỏ không và vẫn còn được đánh dấu bằng những ngôi sao màu vàng cùng mấy hàng chữ có nội dung bài Do Thái. Xa hơn một chút, nóc nhà thờ chĩa thẳng lên trời, có thể nói nóc nhà thờ ấy là một công trình nghiên cứu về những tấm đá lát được ghép lại với nhau. Con phố, nhìn tổng thể, là một ống tuýp dài ngoằng xám xịt - một hành lang ẩm ướt, người ta co mình trong giá lạnh, và đây đó vọng lên tiếng bì bõm của những bước chân ngập trong nước.

Ở một quãng đường nọ, Rudy lao về phía trước, kéo Liesel theo cùng với nó.

Thằng bé gõ lên ô cửa sổ của một hiệu may.

Nếu con bé biết đọc, nó đã biết được rằng cửa hiệu này thuộc về bố của Rudy. Cửa hiệu vẫn chưa mở cửa, nhưng bên trong, một người đàn ông đang chuẩn bị mấy món quần áo sau quầy hàng. Ông ngước lên và vẫy tay chào.

“Bố tớ đấy,” Rudy giới thiệu cho con bé, và chúng nhanh chóng nhập vào một đám đông gồm những đứa Steiner với kích cỡ khác nhau, mỗi đứa đều đang vẫy tay chào hay hôn gió đáp lại ông bố của chúng, hoặc chỉ đơn giản là đứng yên và gật đầu chào (trong trường hợp đứa lớn nhất), sau đó chúng lại đi tiếp, về hướng địa điểm quan trọng cuối cùng trước khi đến trường học.

* ĐIỂM DỪNG CHÂN CUỐI CÙNG *

Con phố của những ngôi sao vàng.

Đó là một nơi không ai muốn dừng chân và ngắm nghía cả, nhưng hầu như ai cũng làm thế. Với hình thù như một cánh tay dài và bị gãy gập, con phố này chỉ có vài ngôi nhà với ô cửa sổ vỡ toang hoác và những bức tường sứt sẹo. Ngôi sao của David (10) được sơn trên cửa ra vào của những căn nhà. Trông chúng tựa như là đám người hủi. Nói một cách nhẹ nhàng nhất, thì chúng là những vết lở loét của một nước Đức đang bị thương.

[10]: Ngôi sao sáu cánh này là biểu tượng của người Do Thái. Quốc kỳ Israel cũng có ngôi sao này.“Schiller Strasse”(11) Rudy nói. “Con phố của những ngôi sao vàng.”

[11]: Tức phố Schiller

Đằng xa, vài người đang đi tới đi lui. Cơn mưa phùn khiến họ như những bóng ma. Họ trông không giống người, mà chỉ là những hình dạng, di chuyển bên dưới những đám mây màu chì.

“Hai đứa chúng mày nhanh lên nào,” Kurt (thằng con trai cả nhà Steiner) cất tiếng gọi, thế là Rudy và Liesel bước vội về phía nó.

Ở trường, Rudy luôn để ý tìm kiếm Liesel trong các giờ giải lao. Nó không quan tâm đến việc những đứa khác luôn chế nhạo ầm ĩ sự ngốc nghếch của con bé. Ngay từ ban đầu nó đã ở bên cạnh con bé, và sau này nó vẫn sẽ ở đó, khi sự thất vọng của Liesel vượt quá giới hạn. Nhưng nó không làm điều đó miễn phí.