Kẻ Trộm Sách

Phần I - Chương 1

PHẦN MỘT

oOo

SÁCH HƯỚNG DẪN CỦA PHU ĐÀO HUYỆT

gồm có:

phố thiên đàng - nghệ thuật chửi đồ con lợn - người đàn bà có nắm đấm thép - xin một nụ hôn - jesse owens - giấy nhám - mùi của tình bạn - nhà vô địch hạng nặng - và tổ mẹ của mọi watschen

ĐẾN PHỐ THIÊN ĐÀNG

Lần cuối cùng ấy

Bầu trời đỏ ối ấy...

Làm sao mà một kẻ trộm sách lại phải nhận kết cục là quỳ mọp dưới đất mà gào khóc, sát bên con bé là đống gạch đá vỡ nát, kỳ quặc và nhầy nhụa do con người tạo ra?

Nhiều năm trước, khởi đầu chỉ có toàn tuyết là tuyết.

Đã đến lúc một người phải ra đi rồi.

* MỘT KHOẢNH KHẮC BI KỊCH ĐẾN TẬN CÙNG *

Đoàn tàu đang lao đi rất nhanh.

Trong đó lèn đầy người.

Một đứa bé trai sáu tuổi đã chết ở toa tàu thứ ba.

Kẻ trộm sách và em trai nó đang đi tàu hỏa đến Munich, nơi cả hai sẽ sớm được bàn giao cho bố mẹ nuôi của chúng. Cố nhiên là bây giờ thì chúng ta đã biết rằng đứa bé trai không sống được cho đến lúc đó.

* ĐIỀU NÀY XẢY RA NHƯ SAU *

Có một cơn ho dữ dội vọt ra.

Gần như là được truyền cảm hứng để mà bật ho rũ rượi.

Và không lâu sau - chẳng còn gì nữa hết.

Khi cơn ho chấm dứt, chẳng còn gì ngoài sự trống rỗng của cuộc sống lê lết trôi đi, hay một sự co giật gần như không hề phát ra tiếng động. Một thứ gì đó bất thình lình đã tìm thấy đường vào đôi môi của thằng bé, đôi môi bợt bạt với lớp da tróc ra từng mảng như sơn cũ. Đôi môi ấy rất cần được tu chỉnh lại.

Mẹ chúng đang ngủ.

Tôi vào bên trong toa tàu.

Chân tôi bước qua lối đi hỗn loạn và lòng bàn tay tôi bịt chặt miệng thằng bé chỉ trong nháy mắt.

Không ai chú ý cả.

Đoàn tàu vẫn lăn bánh.

Ngoại trừ đứa bé gái.

Với một mắt mở, mắt kia vẫn nhắm mơ màng, kẻ trộm sách - còn được biết đến với cái tên Liesel Meminger - có thể thấy rõ rằng đứa em trai Werner của nó đang nằm nghiêng sang một bên, và đã chết.

Đôi mắt xanh của thằng bé nhìn trừng trừng xuống sàn nhà.

Nhìn vào cõi vô định.

Trước khi thức dậy, kẻ trộm sách đã mơ về ngài Quốc trưởng, tức Adolf Hitler. Trong mơ, nó thấy mình được tham dự một buổi mít-tinh có ngài đọc diễn văn, và đang ngắm cái phần màu sọ trắng hếu trên mái tóc và bộ râu mép đen kịt, vuông chằn chặn của ngài. Nó lắng nghe một cách mãn nguyện dòng thác ngôn ngữ xối xả tuôn ra từ miệng ngài. Những câu nói của ngài bừng sáng lên trong ánh đèn. Trong một khắc yên lặng, tưởng như ngài đã cúi xuống và cười với nó. Nó đáp lại cử chỉ ấy và nói, “Chúc một ngày tốt lành, thưa Quốc trưởng vĩ dại. Ngài có khỏe không?” Nó nói không được lưu loát cho lắm, thậm chí còn không biết đọc, vì nó ít tới trường. Lý do của việc này thì nó sẽ tìm ra vào đúng thời điểm thích hợp.

Ngay lúc Quốc trưởng sắp sửa trả lời thì nó tỉnh giấc.

Đó là vào tháng Giêng năm 1939. Nó chín tuổi, và sắp sửa lên mười.

Em trai nó đã chết.

Một mắt mở.

Mắt kia vẫn nhắm mơ màng.

Sẽ tốt hơn nếu nó có được một giấc mơ trọn vẹn, tôi nghĩ vậy, nhưng tôi thực sự không kiểm soát được chuyện này.

Con mắt thứ hai bừng tỉnh và không nghi ngờ gì nữa, nó đã bắt quả tang tôi tại trận. Đó là lúc tôi đang quỳ xuống và hút linh hồn của thằng bé ra, giữ nó hờ hững trong vòng tay căng phồng của mình. Nó ấm lên không lâu sau đó, nhung lúc đầu khi tôi tách linh hồn của thằng bé, thì linh hồn ấy mềm oặt và lạnh ngắt như kem. Nó bắt đầu tan chảy ra trong vòng tay tôi. Sau đó, nó ấm lên hoàn toàn. Bình phục hoàn toàn.

Rồi nó lay gọi.

Tại sao người ta luôn phải lay họ nhỉ?

Được, tôi biết, tôi biết rồi, tôi phải thừa nhận rằng hành động này có cái gì đó thuộc về bản năng của con người. Để ngăn chặn dòng chảy của sự thật. Lúc ấy, trái tim của đứa bé gái trơn nhẫy và nóng bỏng, tim nó đập thình thịch rất to, thình thịch thình thịch.

Tôi đã nán lại một cách ngu ngốc. Tôi quan sát.

Tiếp theo là mẹ của đứa bé gái.

Nó đánh thức bà dậy cũng bằng những cú lay mạnh đến quẫn trí như thế.

Nếu bạn không thể tưởng tượng ra được khung cảnh này, hãy nghĩ đến sự câm lặng vụng về. Hãy nghĩ đến từng mảnh từng miếng cảm xúc tuyệt vọng trôi nổi trong không gian. Và việc bị chết chìm trong một đoàn tàu hỏa.

Tuyết cứ rơi mãi không ngừng, và chuyến tàu đến Munich buộc phải dưng lại vì người ta còn phải dọn dẹp đường ray. Trên tàu có một ngươi đàn bà than khóc. Một đứa bé gái đứng chết lặng bên cạnh bà.

Trong cơn hoảng loạn, người mẹ mở cửa.

Bà trèo xuống nền đất ngập tuyết, tay ôm chặt cái thây ma bé nhỏ.

Đứa bé gái còn làm được gì khác ngoài việc đi theo bà chứ?

Như bạn đã được biết, hai nhân viên bảo vệ cũng ra khỏi tàu hỏa. Họ bàn bạc và tranh cãi về điều mà họ sẽ phải làm. Tình cảnh này, nói cho nhẹ nhàng nhất, cũng là rất đáng ghê tởm. Sau cùng họ quyết định rằng cả ba mẹ con nọ nên được đưa đến thị trấn kế tiếp và giải quyết vấn đề của mình ở dó.

Lần này tàu hỏa cứ ì ạch chạy qua vùng đất ngập tuyết ấy.

Nó tập tễnh lết đi rồi dừng hẳn lại.

Họ bước vào sân ga, cái thây ma vẫn ở trong vòng tay mẹ nó. Họ đứng đó.

Thằng bé đang trở nên nặng dần.

Liesel không biết mình đang ở đâu. Bốn bề đều trắng xóa, và khi họ đứng ở ga, con bé chỉ có thể nhìn chằm chằm vào những con chữ mờ mịt trên tấm biển báo trước mặt. Với Liesel, thị trấn này không có tên, và đấy là nơi mà đứa em trai Wemer của nó được chôn cất hai ngày sau đó. Những người làm chứng gồm có một linh mục và hai phu đào huyệt lúc nào cũng run lên cầm cập vì lạnh.

* MỘT QUAN SÁT *

Hai nhân viên đoàn tàu.

Hai phu đào huyệt.

Khi đến lúc, một người trong số họ đưa ra quyết định, người kia làm điều anh ta được bảo phải làm.

Câu hỏi đặt ra ở đây là, nếu người kia lớn hơn con số một rất nhiều thì sao?

Sai lầm nối tiếp sai lầm, dường như có những lúc tôi chẳng làm được gì khác ngoài việc mắc sai lầm.

Trong suốt hai ngày, tôi tiếp tục làm công việc của mình. Tôi đi vòng quanh Trái đất như thường lệ, chuyển những linh hồn lên cái băng chuyền dẫn đến cõi vĩnh hằng. Tôi nhìn chúng từ từ lăn vào trong một cách thụ động. Đã vài lần tôi tự cảnh báo mình rằng, tốt nhất là tôi phải tránh xa buổi chôn cất đứa em trai của Liesel Meminger. Nhưng tôi đã không để ý đến lời khuyên do chính mình đặt ra ấy.

Từ cách xa nhiều dặm, trong lúc đang tiến đến gần, tôi đã có thể thấy một nhóm người đang đứng với vẻ ơ hờ giữa vùng đất hoang phế phủ đầy tuyết trắng. Nghĩa địa đón chào tôi như một người bạn thân thiết, và chỉ chốc lát sau, tôi đã nhập bọn với họ. Tôi cúi đầu.

Bên trái Liesel, những người phu đào huyệt đang xoa xoa tay vào nhau, làu bàu về chuyện tuyết, và hoàn cảnh đào huyệt lúc đó. “Đào được qua đám băng này khó khăn lắm đây,” và những chuyện đại loại thế. Một người trong số họ hẳn chưa quá mười bốn tuổi. Một cậu học việc. Khi cậu ta đi khỏi, một quyển sách bìa đen tình cờ rơi ra khỏi túi áo khoác mà cậu vẫn chẳng hề hay biết. Lúc ấy thì cậu đã đi xa được chừng hơn hai chục bước rồi.

Vài phút sau, mẹ của Liesel bắt đầu rời khỏi nghĩa địa cùng với vị linh mục. Bà cảm ơn ông vì đã làm lễ cho buổi chôn cất thằng bé.

Dù vậy, đứa bé gái vẫn nán lại.

Hai đầu gối của nó quỳ bệt xuống đất. Thời điểm của nó đã đến.

vẫn còn chưa tin được những gì đã xảy ra, nó bắt đầu đào xới. Em ấy không thể chết. Em ấy không thể chết được. Không thể thế được.

Chỉ sau vài giây, da thịt nó đã bị băng tuyết cắt cho bật máu.

Máu đông chạy chằng chịt trên đôi bàn tay nó.

Đâu đó trong đám tuyết phủ dày đặc ấy, nó có thể nhìn thấy trái tim tan vỡ của mình, trái tim ấy đã vỡ thành hai mảnh. Mỗi mảnh đều đang bừng sáng và đập thình thịch dưới đám tuyết trắng xóa. Nó chỉ nhận thức được việc mẹ nó quay lại đón khi cảm thấy có một bàn tay gầy guộc chộp lấy vai mình. Nó bị lôi đi. Một tiếng thét tức tưởi thoát ra cổ họng nó.

* MỘT HÌNH ẢNH NHỎ *

CÁCH ĐÓ CHỪNG HAI MƯƠI MÉT

Khi trò lôi kéo đã chấm dứt, người mẹ và đứa con gái của bà đứng dó và thở hồng hộc.

Có cái gì đó hình chữ nhật màu đen đang ngập trong tuyết.

Chỉ có đứa bé gái nhìn thấy.

Con bé cúi xuống và nhặt nó lên, rồi giữ chặt lấy trong những ngón tay của mình.

Một quyển sách có in chữ màu bạc.

Họ nắm tay nhau.

Một câu vĩnh biệt bi thảm sau cùng được thốt lên thành lời, rồi họ quay người và rời khỏi nghĩa địa, thỉnh thoảng ngoái đầu nhìn lại.

Tôi vẫy tay chào tạm biệt.

Chẳng có ai vẫy tay chào lại cả.

Người mẹ và đứa con gái của bà ta đã bỏ lại sau lưng khu nghĩa địa trống hoác, quay lại ga để đón chuyến tàu kế tiếp đến Munich.

Cả hai đều gầy ngẳng và xanh mét.

Cả hai đều có những vết bầm dập trên môi.

Liesel nhận thấy điều này khi nhìn vào ô cửa sổ bẩn thỉu và ám đầy sương giá của đoàn tàu, lúc hai mẹ con nó lên tàu trước buổi trưa hôm ấy. Theo những từ ngữ được viết ra bởi bản thân kẻ trộm sách, thì chuyến đi lại tiếp tục như mọi việc vẫn xảy ra.

Khi vào ga Munich, hành khách túa ra khỏi tàu như từ một cái bao bị thủng. Có đủ mọi hạng người, nhưng trong số họ thì đám người nghèo là dễ nhận ra nhất. Những kẻ bần cùng luôn cố gắng dịch chuyển không ngừng, cứ như thểviệc thay đổi vị trí có cơ may giúp họ cải thiện phần nào tình thế. Họ không thèm chú ý đến thực tế là một phiên bản mới của vấn đề cũ rích ấy sẽ đợi họ ở cuối cuộc hành trình - như người họ hàng mà bạn phải co rúm người lại mới dám hôn vậy.

Tôi cho rằng mẹ đứa bé gái biết điều này rất rõ. Bà không đưa con mình đến những nơi tươm tất hơn ở Munich, mà là tìm cho được một gia đình nhận con nuôi, và nếu không có gì thay đổi thì gia đình mới này ít nhất cũng có thể cho hai đứa con, một trai một gái, của bà ăn uống tốt hơn chút đỉnh, và giáo dục chúng nó một cách đàng hoàng.

Cái thằng bé ấy.

Liesel chắc rằng mẹ nó vẫn đau đáu trong lòng kỷ niệm về đứa em trai của nó, thằng bé đã được bà bế xốc trên vai. Bà đã làm rơi nó. Bà đã nhìn thấy đôi cẳng chân, bàn chân và thân người nó đập xuống sàn nhà ga.

Làm sao mà bà ấy vẫn có thể bước đi được?

Làm sao mà bà ấy vẫn có thể di chuyển được cơ chứ?

Đó là những câu hỏi mà tôi sẽ không bao giờ trả lời được, hay nhận thức được cho thấu đáo - rằng con người có thể làm được những điều phi thường đến nhường nào.

Bà xốc cái xác thằng bé dậy và tiếp tục bước đi, đứa bé gái nép sát bên người bà.

Các quyền lợi được thông qua, những câu hỏi được đặt ra về sự chậm trễ và cái chết của đứa bé trai làm trái tim dễ tổn thương của họ xao động... Liesel vẫn đứng trong góc văn phòng nhỏ xíu và bụi bặm ấy, trong lúc mẹ nó ngồi trên một chiếc ghế cứng quèo với những suy nghĩ ám ảnh quay cuồng trong đầu.

Sau đó là hàng loạt những lời chia tay lộn xộn.

Mái đầu của đứa bé gái vùi trong cái áo khoác len đã sờn của mẹ nó. Lại có thêm vài chặp lôi kéo nữa.

Cách ngoại ô Munich khá xa là một thị trấn nhỏ với cái tên Molching, mà tốt nhất là bạn và tôi có thể đọc từ này làMolking. Đó là nơi họ đang đưa đứa bé gái tới, một con phố tên là Himmel.

* DỊCH NGHĨA *

Himmel = Thiên Đàng

Dù người đã đặt tên cho con phố này là phố Thiên Đàng có là ai đi chăng nữa, thì hẳn gã ta phải có một khiếu mỉa mai rất sắc sảo. Không phải vì con phố ấy là một địa ngục trần gian. Không phải thế đâu. Nhưng chắc chắn là nó cũng chẳng phải thiên đàng gì ráo.

Dù sao đi nữa thì cha mẹ nuôi của Liesel cũng đang đợi.

Gia đình Hubermann.

Họ đang trông đợi một đứa bé gái và một đứa bé trai, và sẽ được trả một khoản trợ cấp nhỏ cho việc nhận nuôi chúng. Không ai muốn là người báo cho Rosa Hubermann biết rằng đứa bé trai đã không vượt qua được chuyến đi khắc nghiệt vừa rồi. Thực ra, chẳng ai muốn nói với bà ta bất cứ điều gì cả. Tính khí của người đàn bà này không được dễ chịu cho lắm, dù người ta đã dành cho bà những nhận xét tốt đẹp trong việc nuôi dạy mấy đứa con nuôi trước đây. Có vẻ như bà đã giáo dục được vài đứa đến nơi đến chốn.

Về phía Liesel, thì đó là một chuyến đi bằng ôtô.

Trước đây con bé chưa bao giờ ở trong một cái ôtô cả.

Dạ dày nó quặn lên từng chặp, và nó cứ bám víu lấy hi vọng hão huyền là người ta sẽ lạc đường hoặc thay đổi ý định. Trên hết, những suy nghĩ của nó không khỏi hướng về mẹ nó, ở Bahnhof, đang chờ để ra đi lần nữa. Bà đang run lẩy bẩy. Bà đang bị gói lại trong cái áo khoác vô dụng ấy. Bà hẳn đang gặm móng tay, đợi tàu hỏa đến. Ga tàu dài dằng dặc và chẳng dễ chịu chút nào - nó là một tấm xi măng lạnh ngắt. Liệu trên chuyến tàu quay về, bà có còn đủ sức để mở mắt nhìn lại vùng đất mông lung đã trở thành nơi chôn cất đứa con trai của bà không? Hay bà sẽ bị cơn buồn ngủ hoàn toàn đánh gục?

Xe chuyển bánh, và Liesel khiếp sợ nhìn lại khúc quanh chết chóc tưởng như tận cùng thế giới sau lưng mình.

Cả ngày hôm đó chỉ có duy nhất một màu xám xịt, màu sắc đặc trưng của châu Âu.

Những tấm màn mưa phủ dày đặc quanh xe.

“Gần đến nơi rồi.” Người của trại chăm sóc trẻ mồ côi, bà Heinrich, quay lại và mỉm cười với nó. “Dein neues Heim. Nhà mới của cháu đấy.”

Liesel lấy tay chùi một vòng tròn trên tấm kính xe phủ đầy hơi nước và nhìn ra ngoài.

* MỘT HÌNH ẢNH CỦA PHỐ THIÊN ĐÀNG *

Những tòa nhà, hầu hết đều là những căn nhà nhỏ và hộ chung cư, như được dán dính lại với nhau và đượm vẻ bồn chồn lo lắng. Tuyết dày đặc trải khắp nơi như một tấm thảm. Chỉ có bê tông, những cây trơ trụi lá tựa như giá treo mũ. Và một không gian xám xịt.

Trong xe còn có một người đàn ông. Ông ta ở lại với đứa bé gái trong lúc bà Heinrich biến vào trong nhà. Ông không hé răng nói lời nào. Liesel cho rằng người đàn ông này có mặt ở đó để canh chừng nó không chuồn mất, hay để ép buộc nó vào bên trong nhà, phòng khi nó có gây cho họ bất cứ rắc rối nào. Tuy nhiên, khi rắc rối thực sự xảy ra sau đó, người đàn ông này chỉ ngồi yên và quan sát. Có lẽ ông ta là phương án sau chót, là cách giải quyết cuối cùng.

Sau vài phút, một người đàn ông rất cao bước ra. Đó là Hans Hubermann, bố nuôi của Liesel. Đứng bên cạnh ông là bà Heinrich với chiều cao khiêm tốn. Đi bên kia là Rosa Hubermann béo lùn, trông bà ta như một tủ áo nhỏ di động với một tấm áo khoác phủ bên ngoài vậy. Bà sở hữu một dáng đi lạch bạch rất đặc trưng. Cái dáng đi ấy làm cho bà trở nên gần như đáng yêu, nếu không tính đến khuôn mặt của bà, trông nó tựa một tấm bìa các-tông nhàu nhĩ và khó chịu, cứ như thể bà luôn phải gồng mình chịu đựng mọi chuyện vậy. Chồng bà sãi những bước rất thẳng, với một điếu thuốc lá cháy âm ỉ kẹp giữa những ngón tay. Ông ấy tự vấn thuốc cho mình.

Sự thể là thế này:

Liesel sẽ không chịu ra khỏi chiếc xe hơi.

“Was ist los mit diesem Kind?” Rosa Hubermann giật giọng hỏi. Rồi bà ta lại hỏi lần nữa. “Con bé này bị làm sao thế?” Bà thò mặt vào trong cái xe hơi và nói, “Na, komm, Komm. Nào, ra đây. Ra đây.”

Cái ghế ngồi đằng trước bị bẻ gập xuống. Một luồng sáng chói lòa và lạnh giá tràn vào trong xe như mời gọi con bé ra ngoài. Nó vẫn không chịu nhúc nhích.

Bên ngoài, qua hình tròn mà nó đã chùi trên tấm kính, Liesel có thể nhìn thấy những ngón tay của người đàn ông cao lớn nọ, chúng vẫn đang kẹp điếu thuốc. Tro tàn tụ đầy đầu điếu thuốc, và điếu thuốc ấy được rít thêm vài lần nữa trước khi bị vứt xuống đất. Phải mất đến mười lăm phút họ mới có thể dỗ được đứa bé gái ra khỏi xe. Người làm được điều này không ai khác ngoài người đàn ông cao lớn nọ.

Ông đã làm điều này trong im lặng.

***

Cánh cổng là thứ tiếp theo mà đứa bé gái níu chặt lấy.

Nước mắt tuôn trào từ đôi mắt con bé, khi nó bám lấy cánh cổng và không chịu vào trong nhà. Người ta bắt đầu tụ tập lại trên phố, cho đến khi Rosa Hubermann chửi rủa ầm ĩ vào mặt họ, thì họ mới chịu bỏ đi.