Kẻ hành hương mê đắm

Chương 9

- Từ sau khi bọn Tác-ta thủ tiêu hai vị truyền giáo, tôi còn phải sống với chúng đúng một năm nữa. Mùa đông sau đấy, chúng tôi lại xua đàn ngựa nhích xuống phía Nam, gần sát biển Ca-xpi. Một hôm vào buổi chiều, có hai người đến gặp chúng tôi, nếu có thể gọi đấy là "người”. Không thể biết họ là thuộc dân tộc nào và từ đâu đến, bởi vì họ không dùng một thứ ngôn ngữ nào hẳn hoi. Họ dùng các từ Nga lẫn với từ Tác-ta thành một thứ tiếng không thể hiểu nổi. Cả hai đều còn trẻ. Một người da đen, để râu dài và rậm, mặc chiếc áo dài giống như áo của dân Tác-ta nhưng màu đỏ, đội mũ vải nhọn hoắt như mũ người Ba-tư. Người thứ hai tóc hung, cũng mặc áo dài nhưng cách thức rất lạ: anh ta mang theo một lô những hộp, và mỗi khi vắng người là anh ta quẳng luôn áo dài ra, chỉ mặc mỗi chiếc quần dài và chiếc áo cánh, kiểu quần áo may ở Nga, trong những xưởng của người Đức. Những lúc ấy anh ta mở các hộp ra loay hoay với những thứ gì đựng trong ấy mà không ai có thể biết được. Hai anh chàng bảo rằng họ từ vùng Khi-va đến đây mua ngựa. Họ cần mua rất nhiều và bảo rằng bên kia sắp có chiến tranh. Họ không nói chiến tranh với ai, mà chỉ chuyên khích người Tác-ta chống lại người Nga. Có lần tôi nghe thấy cái anh tóc hung nói đến chữ "thủ lĩnh" bằng tiếng Nga và nhổ nước bọt. Họ không đem theo tiền, bởi vì những người dân châu Á này hiểu rất rõ nếu có tiền trong người chắc chắn họ sẽ bị lột da. Nhưng hai anh chàng này bảo họ Tác-ta rằng, cứ dắt đàn ngựa đến bờ sông Đa-ri-a là lập tức sẽ nhận được tiền đầy đủ. Bọn Tác-ta chưa biết nên trả lời thế nào. Chúng cứ suy tính mãi và vẫn chưa tin.

Hai anh chàng kia nói nhẹ không kết quả, bèn chuyển sang đe doạ:

"Các anh không chịu dắt ngựa đi, thì các anh sẽ hối không kịp đâu, - họ bảo. - Thần linh của chúng tôi là đức Ta-la-pha, ngài ban cho chúng tôi ngọn lửa của ngài. Các anh mà làm ngài nổi giận là nguy đấy".

Bọn Tác-ta không nghe nói đến vị thần kia bao giờ. Chúng không tin vị thần kia có thể làm hại gì bọn chúng. Với lại mùa đông thì sợ gì lửa. Nhưng cái người râu đen từ vùng Khi-va kia đến, cái người mặc áo dài đỏ ấy nói rằng, nếu các ông còn nghi ngại thì thần Ta-la-pha ngay đêm nay sẽ giáng trần cho các ông thấy. Chỉ có điều nhìn hoặc nghe thấy gì các ông đều không được để lộ ra với ai, nếu không thần sẽ thiêu chết. Đêm hôm ấy mọi người đều dỏng tai nghe, bởi vì việc chờ xem những trò phù phép ấy khiến chúng tôi quên đi trong chốc lát kiểu sống nhàm chán, đơn điệu trên thảo nguyên. Ai cũng hồi hộp và hơi sờ sợ, chưa rõ vị thần linh Ấn Độ kia sẽ hiện lên như thế nào.

Tôi cùng vợ và các con trở về lều từ sớm... Đêm nay trời tối đen và lặng lẽ cũng như mọi khi. Sắp sửa thiếp đi tôi bỗng nghe thấy tiếng gì rít lên như còi ở ngoài đồng cỏ, tiếp theo một tiếng nổ, rồi tôi nhìn thấy trong cơn nửa tỉnh nửa mê, những tia lửa rơi từ trên trời xuống như sao sa.

Choàng tỉnh dậy, tôi thấy mấy cô vợ tôi đang hốt hoảng, mấy đứa con thì kêu khóc ầm ĩ.

Tôi bảo:

"Im! Các cô cho chúng nó bú để chúng đừng rống lên nữa".

Tiếng chóp chép vang lên và trong lều lại yên tĩnh. Nhưng liền lúc ấy lại một ánh lửa loé lên ngoài đồng cỏ và một tiếng nổ nữa... Tôi nghĩ bụng.

"Chà! Thì ra thần Ta-la-pha cũng gớm đấy!".

Lại tiếng rít như còi vang lên, nhưng lần này khác hẳn. Giống như một con chim bằng lửa bay từ chỗ này sang chỗ khác. Một tiếng động khô khốc. Cả cánh đồng rực sáng bằng thứ ánh sáng vàng khè rồi xanh biếc.

Khắp đám trại như lặng đi. Chắc chắn không ai không nghe thấy. Nhưng nỗi hoảng sợ làm bọn Tác-ta không dám nhúc nhích. Chúng nằm im dưới tấm áo đắp. Chỉ có tiếng mặt đất rung lên, lay động dữ dội rồi lại im ắng. Chắc đấy là đàn ngựa chen chúc nhau lao đi. Rồi đúng là người từ Khi-va hoặc từ Ấn Độ đến đang phi ngựa vun vút, lửa cháy lan trên đồng cỏ như con rắn... Đàn ngựa hoảng hốt lồng lên... Bây giờ thì bọn Tác-ta quên cả nỗi sợ, chạy như bay ra khỏi các lều, lắc đầu kêu: "Lạy đức A-la! Lạy đức A-la!" rồi đuổi theo đàn ngựa. Còn hai người khách kia thì đã biến đâu mất từ bao giờ, chỉ để lại cái hộp làm kỷ niệm... Khi đám đàn ông đã đuổi theo đàn ngựa và ở lại trại chỉ còn tôi với số cụ già và phụ nữ, tôi mới ngó vào trong chiếc hộp. Bên trong có đủ thứ bột và những cái ống bằng bìa cứng. Tôi cầm một cái ống đem đến gần ngọn lửa để xem thì đột nhiên nó bắt lửa cháy bùng lên, nổ và làm tôi suýt mù mắt. Nó bay vút lên tít trên cao rồi... bùm! Bắn ra thành vô số những tia lửa như sao sa... "Ra thế, - tôi nghĩ bụng. - Thần thánh gì đâu! Chỉ là pháo hoa mà ở quê tôi người ta vẫn thường bắn lên ngoài các công viên". Tôi đốt thêm một ống bằng bìa cứng nữa, thế là mấy ông già nằm ngay xuống đất hai chân giãy đành đạch. Lúc đầu bản thân tôi cũng sợ, nhưng khi nhìn thấy chúng giãy, tôi bèn nghĩ ra một kế, tôi nghiến răng ken két- đây là lần đầu tiên từ khi phải sống với bọn Tác-ta tôi mới giở cái trò khủng khiếp này ra. Kèm theo nghiến răng, tôi hét lên thật to vài từ lạ, gặp từ nào hét lên từ nấy:

"Am - xtram - gram - bu- rê - bu - rê - rốt - tec - đam - phéc - phlu - stua - mi - nê - gút - bai - mix - tơ".

Tôi đốt thêm một ống pháo hoa quay. Nhìn thấy vầng thái dương đỏ rực trên cánh đồng giữa đêm khuya, đám lão già Tác-ta không dám nhúc nhích. Khi pháo tắt, chúng vẫn còn nằm chết dí dưới đất, thỉnh thoảng một tên ngóc đầu dậy ngó nhưng rồi lại cúi ngay xuống, và ngoắc tay gọi tôi đến gần. Tôi bước đến nói:

"Thế nào? Muốn sống hay muốn chết đấy? Đồ khốn kiếp!" - Bởi vì tôi thấy chúng đang không còn hồn vía nào nữa.

"I-van tha thứ cho chúng tôi, - chúng nói. - hãy cho chúng tôi sống, đừng bắt chúng tôi phải chết, I-van!".

Những tên Tác-ta ở đằng xa cũng ra dấu như vậy. Tất cả đều muốn được sống.

Tôi nghĩ bụng, kế của mình đã thành, có nghĩa mình đã sắp hết giai đoạn thử thách. Tôi bèn cầu nguyện:

"Lạy đức Mẹ đồng trinh tối linh thiêng, lạy đức thánh Ni-cô-la phúc đức, hãy cứu giúp con!".

Quay sang bọn Tác-ta tôi nghiêm giọng hỏi:

"Ta cho các ngươi sống nghĩa là ta tha thứ cho các ngươi tội gì?"

"Hãy tha thứ cho chúng tôi tội đã không tin vào Thượng đế của anh".

“Chà, - tôi nghĩ bụng. - Ra tao đã làm được chúng bay hoảng sợ đến thế kia đấy!". Rồi tôi lớn tiếng nói: "Không được! Tội ấy thì ta không thể tha thứ cho các ngươi được!". Thế là tôi lại ra sức nghiến răng ken két và lại bóc một ống pháo hoa nữa.

Ống này là pháo hoa chùm... ánh sáng loé lên khủng khiếp và những tiếng nổ rền vang.

Tôi lại quát bọn Tác-ta:

“Nếu chúng bay không chịu tin theo tín ngưỡng của ta thì chỉ trong nháy mắt các người sẽ không sống được nữa!

“Đừng, I-van, - chúng đồng thanh đáp. - Chúng tôi xin theo tín ngưỡng của các anh".

Thế là tôi thôi không đốt pháo hoa nữa, chuyển sang làm phép rửa tội cho tất cả bọn chúng ở ngoài bờ sông.

- Ngay đêm hôm ấy à, bác?

- Ngay lúc ấy. Với lại còn chần chừ làm gì nữa? Phải lợi dụng ngay trong lúc chúng còn đang mê hoảng chứ. Tôi đập vỡ mặt băng, lấy nước rưới lên đầu từng đứa, miệng đọc "nhân danh Cha và Con", rồi đeo lên cổ chúng những chiếc thánh giá hai vị truyền giáo kia để lại. Tôi ra lệnh cho chúng phải coi vị truyền giáo đã bị chúng giết kia là người tuẫn tiết vì Chúa và tôi trỏ cho chúng nơi tôi chôn ông ta.

- Và chúng chịu lễ ông ta chứ?

- Chịu.

- Nhưng chúng có biết cách lễ như ta đâu? Hay bác dậy cho chúng cách thức?

- Không. Tôi làm gì có thời giờ dậy, bởi vì tôi thấy rằng phải chuồn mau kẻo muộn. Thế là tôi quát chúng: chúng bay lễ đi, lễ theo kiểu chúng bay vẫn thường lễ ấy, chỉ có điều thay tên đức A-la bằng đức Chúa Giê-su Cơ-rít. Thế là chúng làm theo ngay.

- Nhưng làm cách nào bác thoát khỏi được những tín đồ mới của đạo Thiên chúa chúng ta, bởi vì chân bác vẫn còn đau kia mà? Sau đấy bác làm thế nào mà chữa khỏi được.

- Tôi tìm thấy trong số thuốc pháo một thứ bột ăn da, chỉ cần chạm vào là da bị đốt cháy ngay. Tôi bèn đắp lên gót chân, rồi lấy cớ đang mệt, tôi nằm lên tấm thảm bằng da. Chỗ thịt xưng tấy lên. Những sợi bờm ngựa mà bọn Tác-ta nhét vào mười năm trước đây, bây giờ thoát ra cùng với mủ. Tôi bình phục lại rất nhanh nhưng tôi giả vờ ốm rất nặng để yêu cầu đám người già và phụ nữ cầu nguyện cho tôi, coi như tôi sắp chết. Và lấy cớ phải chay tịnh, tôi bắt chúng nhịn ăn và không được ra khỏi lều trong vòng ba ngày. Tôi đốt một chiếc pháo hoa thật lớn để bắt chúng ngoan ngoãn tuân lời tôi. Và thế là tôi chạy trốn...

- Chúng không đuổi theo bác?

- Không. Với lại chúng thiết gì đuổi. Tôi làm chúng hoảng sợ đến mức chúng lấy làm sung sướng được chuộc tội trong ba ngày. Đến ngày thứ tư khi chúng bò ra khỏi lều thì tôi đã đi được rất xa. Hai gót chân đã khỏi khiến tôi thấy khoan khoái vô cùng và tôi vượt một mạch qua hết vùng thảo nguyên.

- Bác đi bộ?

- Chứ sao nữa! Bởi vì vùng ấy làm gì có đường xá lớn mà xe cộ chạy được, cũng chẳng có ai mà gặp, và dù có gặp tôi cũng chẳng mừng tý nào. Tôi đi được ba ngày, đến ngày thứ tư thì gặp một thằng cha người dân tộc Su-vas, dẫn năm con ngựa. Hắn bảo: "trèo lên lưng một con mà phi". Nhưng tôi sợ và không dám.

- Bác sợ cái gì?

- Sợ cái gì à?... Có một lúc tôi bỗng thấy mặt hắn có vẻ lọc lừa, với lại tôi cũng không có cách gì hỏi xem hắn theo đạo gì. Trong vùng thảo nguyên mà đi với kẻ dị giáo nguy hiểm lắm. Thế nhưng thằng cha vẫn một mực:

“Trèo lên, cùng đi với nhau có vui hơn không"

Tôi đáp:

“Anh là ai? Anh có thờ Thượng đế nào không?"

“Có chứ. Tôi không phải như bọn Tác-ta ăn thịt ngựa đâu".

“Thế Thượng đế của anh là ai?"

“Mặt trời, mặt trăng, những vì sao... mọi thứ đều là Thượng đế của tôi, vậy mà anh dám bảo tôi không có Thượng đế".

"Mọi thứ à?... Cả đức Giê-su Cơ-rít nữa chứ?"

“Cả vị ấy rồi đức Mẹ đồng trinh, cả đức thánh Ni-cô-lát...".

"Đức thánh Ni-cô-lát nào?"

“Vị thánh xuất hiện một lần vào mùa hạ một lần vào mùa đông ấy".

Tôi khen ngợi thằng cha vì hắn cũng tôn thờ vị thánh Ni-cô-la người Nga. Tôi bèn nói:

“Anh hãy thờ vị thánh ấy bởi vì ngài là người Nga".

Tôi vừa mới bắt đầu tin cậy thằng cha và định nhận lời đi cùng với hắn thì may thay hắn nói huênh hoang và để lộ ra một điều.

“Đã đành là tôi tôn thờ thánh Ni-cô-lát rồi, - hắn nói. - Mùa đông thì tôi không khấn vái gì ngài, nhưng mùa hạ thì tôi cúng ngài mười xu để ngài trông coi đàn bò cái cho tôi. Tôi nói thật đấy! Ngoài đức thánh Ni-cô-lát, tôi còn cúng thêm thần Kê-rê-mê-ti một con bê nữa cho bảo đảm".

Tôi thấy cay mũi.

“Mày dám coi thường vị thánh Nga, chỉ cúng có mười xu, trong khi mày cúng cả một con bê cho lão Kê-rê-mê-ti dị giáo bẩn thỉu kia ư? Cút đi! Tao không thèm đi với mày nữa bởi vì mày dám coi thường vị thánh Ni-cô-la người Nga chúng tao".

Và thế là tôi bước cho nhanh thoát khỏi hắn. Tôi đi không để ý đến thời gian và chiều tối ngày thứ ba, tôi nhìn thấy nước uống và con người. Cẩn thận tôi nằm ép mình xuống cỏ quan sát Chẳng là tôi sợ phải rơi vào thân phận tù binh một lần nữa có khi còn khốn khổ hơn lần trước. Nhưng tôi thấy người ta đang nấu nướng... Đúng người theo đạo Thiên chúa rồi. Tôi bò đến gần: tôi thấy họ làm dấu và uống rượu vốt- ca. Không còn nghi ngờ gì nữa, họ chính là người Nga!... Tôi đứng phắt dậy và bước vào, tự giới thiệu. Họ là một nhóm ngư dân. Họ tiếp đón tôi rất niềm nở rồi bảo:

“Anh uống vốt-ca đi!"

Tôi đáp:

"Thưa các bạn, tôi sống quá lâu với bọn Tác-ta nên đã bỏ mất thói quen ấy rồi".

"Không sao, rồi về đây anh sẽ lại quen. Nào, uống đi!".

Tôi tự rót lấy một cốc, nghĩ bụng:

"Cầu Chúa ban phước cho con đã trở về được với người cùng đạo giáo!” - Rồi tôi uống một hơi cạn. Những người đánh cá tốt bụng lại ép thêm:

“Uống nữa đi. Do không được uống thứ rượu quê hương này mà anh gầy tọp đi như thế đấy".

Uống cạn cốc thứ hai tôi bắt đầu ba hoa, tôi kể cho họ nghe lai lịch của tôi. Suốt đêm hôm ấy, ngồi bên đống lửa, tôi vừa kề vừa nốc vốt-ca, sung sướng được trở về đất Nga thiêng liêng. Nhưng lúc gần sáng khi đống lửa sắp tàn và đám ngư dân đã ngủ gần hết, một anh chàng trong bọn hỏi tôi:

"Anh có thông hành đấy chứ?"

“Tôi không có".

“Nếu vậy, - hắn ta nói, - anh sẽ phải ngồi tù”.

“Thật ư? - Tôi nói. - Vậy thì tôi sẽ ở lại đây với các anh. Vì sống ở đây chắc không cần giấy thông hành chứ?".

Nhưng hắn đáp:

“Sống với bọn tôi thì không có giấy thông hành cũng được, nhưng chết thì không được"

Tôi hỏi:

"Tại sao?"

“Còn tại sao nữa? - Hắn nói. Anh không có giấy thông hành ông linh mục nào chịu ghi tên anh vào sổ?".

“Vậy tôi sẽ ra sao?"

“Anh sẽ bị quẳng xuống sông, - hắn nói. - Để làm mồi cho cá".

“Bởi vì không có đức cha rửa tội?"

“Chính thế".

Lúc đó tôi hơi ngà ngà say nên rất hoảng. Tôi òa lên khóc rồi than vãn thảm thương. Thằng cha đánh cá kia phá lên cười. Hắn nói:

“Tôi đùa đấy thôi. Anh mà chết thì đừng lo, chúng tôi sẽ chôn cất anh tử tế".

Nhưng tôi vẫn chưa hoàn hồn và tôi nói:

“Lần sau đừng đùa như thế. Anh mà cứ đùa kiểu ấy thì tôi chẳng sống nổi đến mùa xuân đâu".

Thằng cha ấy vừa thiếp ngủ, tôi bèn đứng dậy và cao chạy xa bay. Tôi đến thành phố Ax-tra-khan xin làm công nhật, kiếm được một rúp và từ lúc nhận được tiền tôi uống rượu say mềm, đến nỗi không còn nhớ sự việc diễn ra cách nào mà mình lại lạc sang một thành phố khác, bị bắt vào tù rồi bị giải về tỉnh quê hương. Đến đồn cảnh sát tỉnh lỵ tôi bị đánh một trận đòn và bị trả về dinh cơ của ngài Công tước chủ của tôi cũ. Công tước phu nhân, người sai đánh roi tôi về tội chặt đứt đuôi con mèo, đã mất. Ngài công tước bây giờ góa vợ, già đi rất nhiều, chăm chỉ tụng kinh và thôi không đi săn bắn nữa. Khi người ta báo ngài biết tôi đã trở về. Ngài nhớ lại chuyện của tôi và ra lệnh phạt tôi một trận đòn nữa, rồi cho người dẫn tôi đến trình diện đức cha I-li-a để tôi xám hối. Sau khi bị trừng phạt theo kiểu cổ, ở một ngôi nhà riêng, tôi đi xám hối. Đức cha I-li-a tước phép thông công của tôi trong ba năm...

Tôi phản đối:

"Nhưng thưa cha, trong thời gian không có điều kiện làm lễ, nhưng con vẫn nghĩ... con vẫn ôm hy vọng".

"Nếu ngươi ôm hy vọng, sao ngươi lại chung chạ với người phụ nữ Tác-ta?... Ta thương ngươi nên mới chỉ tước phép thông công của ngươi trong một thời gian. Nếu rơi vào tay các vị bề trên nghiêm khắc, ngươi còn bị thiêu quần áo trong lúc ngươi đang mặc trên người ấy chứ. May mà thời nay cảnh sát nghiêm cấm hình phạt kiểu này".

"Cũng được, - tôi nghĩ bụng. - Tôi chẳng cần phép thông công. Nằm nhà nghỉ ngơi ít lâu cho bõ những năm bị giam cầm”.

Nhưng ngài công tước lại nghĩ khác.

“Ta không muốn có kẻ bị rút phép thông công ở trong dinh cơ của ta".

Ngài ra lệnh cho ông quản lý đem tôi ra giữa nơi đông người phạt roi để làm gương, sau đấy thả cho tôi đi như một nông nô đã được phóng thích. Lần này tôi bị đánh roi theo kiểu mới, trên thềm nhà viên quản lý, trước mặt mọi người rồi người ta cấp cho tôi một tờ giấy thông hành. Lần này được tự do, tôi mừng rỡ vô cùng, lại có được giấy tờ hợp pháp trong tay. Tôi chưa hề tính đến công việc gì, nhưng Chúa trời đã ban cho tôi một việc làm.

- Việc gì?

- Tôi lại trông nom ngựa. Từ chỗ trắng tay, một xu không có, chẳng bao lâu tôi đã kiếm được lưng vốn kha khá. Lẽ ra tôi đã sung sướng, nếu như không xảy ra một chuyện.

- Chuyện gì vậy, bác?

- Tôi bị sa vào đủ thứ mê tín dị đoan và thêm một thứ oái oăm nữa khiến tôi lú lẫn.

- Thứ gì oái oăm và khiến bác lú lẫn như thế?

- Thuật thôi miên.

- Sao? Bác bảo thuật thôi miên à?

- Tôi bị sa vào vòng mê hoặc của một kẻ.

- Cụ thể biểu hiện ra thế nào?

- Tôi tuân theo mù quáng mọi mong muốn của hắn ta và biến thành như một kẻ khác.

- Phải chăng đấy chính là việc bác bị mất đi bản thể và chính sau vụ ấy bác mới thấy cần vào tu viện, theo đúng ý nguyện của mẫu thân bác chăng?

- Không. Chuyện ấy mãi sau này mới xảy đến. Tôi còn phải chịu bao nhiêu sóng gió nữa ấy chứ.

- Bác vui lòng kể chúng tôi nghe được không?

- Rất sẵn sàng.

- Bác thật quý hoá!