Tôi xuất thân trong gia đình nông nô. Bố tôi làm đầy tớ cho công tước C. ở tỉnh Ô-ren. Đất đai của công tước, bây giờ bị chia vụn ra và thuộc quyền sở hữu của những người thừa kế, ngày trước rất rộng. Dinh của ngài công tước nằm tại làng G. gồm một tòa nhà rất lớn, rộng thênh thang, có nhiều phòng cho khách, một rạp hát, một phòng lớn để chơi đánh ki, một chuồng nuôi các loại chó, những con gấu nhốt, những vườn cây ăn quả, một dàn đồng ca để biểu diễn những cuộc hòa nhạc, một đội diễn viên diễn đủ thứ kịch cọt. Ngoài ra còn cả xưởng dệt và nhiều xưởng công nghệ khác để các nông nô làm. Nhưng chuồng ngựa là nơi công tước để tâm nhiều hơn cả. Mỗi xưởng đều có những người chuyên môn, nhưng chuồng ngựa là nơi được trọng vọng hơn hết. Cũng như trong quân ngũ, người ta thường truyền nghề từ cha đến con thay nhau cầm vũ khí chiến đấu, ở đây cũng thế. Từ người đánh xe chăn ngựa, tất cả đều cha truyền con nối thay nhau làm công việc đánh xe, chăm sóc ngựa và cắt cỏ cho ngựa. Cha tôi làm chân đánh xe, tuy không phải đánh xe chính (số người đánh xe của công tước khá đông) nhưng cũng điều khiển một cỗ xe sáu ngựa. Thậm chí một lần theo hầu đức Vua, cha tôi đánh cỗ xe thứ bảy trong đoàn hầu cận Hoàng thượng và được ban thưởng một tờ giấy bạc cổ màu xanh. Tôi mồ côi mẹ từ nhỏ và không còn nhớ mặt Người nữa. Nhưng bởi vì tôi là con cầu tự, chẳng là mẹ tôi hiếm hoi, phải cầu Chúa mãi mới có thai được tôi, cho nên sinh tôi rất khó khăn và đẻ xong mẹ tôi qua đời. Phải chăng vì lúc lọt lòng đầu tôi quá to. Cũng do đấy thuở nhỏ tôi không được gọi là I-van Phli-a-ghin mà bị gọi là thằng Đầu to. Tôi ở với cha tôi dưới dãy nhà ngang dành cho những người đánh xe. Suốt tuổi trẻ tôi chỉ quanh quẩn ở chuồng ngựa nên tôi nắm được đặc tính của chúng. Tôi đâm rất yêu ngựa. Ngay khi nhỏ tôi đã luôn bò lê dưới sàn mà không hề bị chúng xéo phải. Lớn lên tôi quen với chúng khá thân thiết. Chuồng ngựa và nơi để ngựa đẻ hoàn toàn tách khỏi nhau. Chúng tôi chỉ nhận những con ngựa đã lớn để dạy dỗ. Mỗi người đánh xe và phụ xe quản sáu con và chúng đều thuộc đủ loại giống: ngựa tỉnh Vi-at-ca, ngựa tỉnh Ca-dan, ngựa vùng Can-mu-ki, vùng Bi-túc, ngựa vùng sông Đông. Chúng đều là ngựa tậu được tại các chợ phiên. Còn những ngựa ở chuồng của chúng tôi thì chán ốm, con nào con nấy hiền lành, nhợt nhạt, trái với những con ngựa kể trên, rất táo tợn, đúng là những dã thú thật sự. Ngài công tước tậu từng đàn ngựa một lúc, với giá hạ, chỉ tám đến mười rúp một con, rồi cho dắt đến chỗ chúng tôi để dạy. Những con ngựa này mới bướng bỉnh làm sao! Lắm con chịu đánh cho đến chết chứ nhất định không chịu khuất phục người dạy. Chúng thường đứng rải rác trong sân, hoảng sợ không dám nhìn vào các bức tường mà chỉ ngước mắt lên nhìn trời như giống chim. Nhiều khi nhìn chúng cũng thương, không ngờ bị bắt về mà chúng đau khổ héo hon dần rồi chết. Nhiều khi chúng tôi để chết đến một nửa số ngựa ông chủ đem về, đặc biệt là giống ngựa Kiếc-ghi-dơ. Ra chúng đã quá yêu những bãi rộng bát ngát ở miền thảo nguyên. Ngay những con sống sót chúng tôi cũng buộc phải đánh chúng rất dữ dội chúng mới chịu từ bỏ tính hoang dại. Được cái con nào qua tay chúng tôi mà trụ được, đều trở thành những con ngựa hay nhất của cả chuồng.
Cha tôi cầm cương những con ngựa giống Kiếc-ghi-dơ. Đến khi tôi lớn, tôi được giao làm phụ đánh xe cho Người. Những con ngựa ấy còn bất kham hơn cả những con mà ngày nay người ta lựa cho các sĩ quan. Những con này chúng tôi gọi là thái giám bởi vì không ai muốn cưỡi chúng mà phải những sĩ quan kỵ binh. Còn những con ngựa kia chúng tôi gọi là ác long! Chỉ cần hai lỗ mũi của chúng hếch lên, bốn cái vó và cái bờm là đủ thấy khủng khiếp. Nhưng cưỡi chúng thì không thấy mệt mỏi gì hết. Chúng có thể chạy trăm, trăm rưởi dặm không cần nghỉ, một mạch từ làng ra đến thành phố tỉnh lỵ Ô-ren rồi quay lại, vẫn thung dung như thế. Cưỡi chúng đi đâu, chỉ cần coi xem chúng có chạy quá địa điểm hay không mà thôi. Khi tôi bắt đầu làm chân phụ đánh xe, tôi mới mười một tuổi và tôi có cái giọng vang như chuông rất thích hợp với một anh phụ đánh xe có cỡ. Tôi có thể quát: "Đứng yên!" và tiếng của tôi rền vang đến nửa giờ đồng hồ. Nhưng tôi chưa đủ sức chịu được những chuyến đi dài, cho nên người ta lấy dây buộc chặt tôi vào yên để tôi khỏi ngã vì mệt quá. Nhiều lúc người tôi ê ẩm đến mức tôi ngất đi nhưng tôi vẫn giữ nguyên tư thế và lát sau tôi lại tỉnh. Đấy là một cái nghề cực nhọc vô cùng. Lắm khi trong một chặng đường, tôi ngất đi tỉnh lại như thế đến vài lần. Và khi đến nơi, người ta phải bế tôi xuống và cho tôi ngửi nước củ cay cho tỉnh lại. Nhưng rồi tôi quen dần và mọi việc suôn sẻ. Tôi lại còn có cái thú được quất một ngọn roi vào giữa lưng một bác nông dân đi ngang bên cạnh. Lối nghịch ngợm ấy của thằng phu đánh xe ai cũng quen nhìn thấy. Một hôm tôi theo hầu ngài công tước đi chơi thăm bạn bè. Trời mùa hè rất đẹp. Ngài công tước ngồi với con chó bông xinh xắn trên nệm cỗ xe mui trần. Cha tôi điều khiển bốn con ngựa, còn tôi thì cưỡi con dẫn đường. Xe rời khỏi đường cái rẽ vào đường hẹp dẫn đến một tu viện ở cách đấy mười lăm dặm. Các thầy dòng của tu viện đắp con đường nhỏ này để thu hút khách đến thăm. Đường quốc lộ thì đầy cát, hai bên đường là những cây liễu gầy còm vươn những cành lá khẳng khiu. Nhưng con đường nhỏ chạy vào tu viện thì sạch sẽ, nhẵn nhụi, hai bên là những hàng bạch dương xanh rờn tỏa một mùi hương dễ chịu, rồi đến cánh đồng bát ngát... Tóm lại, phong cảnh cũng như thời tiết tuyệt đẹp này tạo nên một niềm yêu đời khiến người ta có thể hét lên, nhưng không có lý do mà hét lên lại là điều cấm kỵ. Cách tu viện chừng ba bốn dặm, lúc con đường hơi dốc xuống thoai thoải, tôi bỗng nhìn thấy trước mặt một cái chấm đen... trông như một con nhím đang bò. Gặp dịp may, tôi bèn hét lên: "Tránh ra!" bằng cái giọng lệnh vỡ của tôi trước khi cái vật kia còn cách khoảng một dặm. Tôi đứng thẳng hai chân lên bàn đạp và nhìn thấy một người đàn ông nằm dài trên đỉnh cỗ xe chở cỏ khô. Khoan khoái dưới ánh nắng và giữa không khí trong lành, ông ta nằm ngủ say sưa, úp người xuống, hai tay ôm vào đống cỏ. Biết ông ta không nghe thấy lời hét của tôi và không chịu tránh, tôi bèn cho ngựa đi vòng bên cạnh và lấy hết sức quất một roi vào giữa lưng ông ta. Mấy con ngựa của ông ta chồm lên, ông ta vùng dậy, hoảng hốt rồi quằn quại trên đống cỏ. Tôi thấy rõ là một ông già người nhỏ bé, có bộ mặt nhăn nhúm như mặt bà lão. Ông già cong người như con cá trên chảo nóng. Chắc vì quá hoảng hốt, không biết đầu đuôi thế nào, ông ta vội tụt xuống đất, chui vào dưới gầm cỗ xe, vướng vào những sợi dây cương và bị kéo lê đi một quãng... Lúc đầu cha tôi và tôi, cả ngài công tước nữa cũng thích thú nhìn ông ta quằn quại nhưng rồi chiếc xe chở cỏ chạy xuống đến chân dốc, đâm vào thành chiếc cầu và ông già nằm im không động đậy... Tôi bước đến, thấy người ông ta phủ đầy bụi đường, trên mặt không còn mũi nữa và thay vào đấy là một vết nứt, rỉ máu... Ngài công tước ra lệnh đỗ xe lại, bước xuống nhìn rồi nói: "ông già chết rồi". Ngài hứa sẽ trừng phạt tôi thật nặng lúc về nhà, rồi ra lệnh cho xe chạy nhanh đến tu viện. Trong lúc các thầy dòng lao ra chỗ tai nạn, ngài công tước thỏa thuận với tu viện trưởng là mùa thu ngài sẽ cử một đoàn xe chở thực phẩm đến đây: lúa, miến, bột mì, cá khô. Còn tôi thì bị cha tôi đánh cho một trận đòn khá đau ở bãi sau tu viện, nhưng chỉ quất bên ngoài quần, bởi vì Người nghĩ tôi sẽ còn phải ngồi trên lưng ngựa nữa. Sự việc chỉ đến thế. Nhưng đêm hôm ấy vị thầy tu bị tôi giết hiện về và khóc thảm thương trước mặt tôi như một bà lão.
Tôi hỏi ông ta:
"Ông định làm gì tôi nào? Ông đi đi!"
Ông ta đáp:
"Cậu đã làm cho tôi chết mà không kịp xám hối".
"Thì đã sao, tôi nói. Vậy ông đòi tôi phải làm gì nào? Tôi có cố tình giết ông đâu. Với lại bây giờ thì ông còn cần thứ gì nữa. Ông đã chết rồi và thế là hết".
“Đúng thế, ông ta nói. Và tôi rất biết ơn cậu, nhưng tôi đến gặp cậu là do mẹ cậu nhờ, để hỏi xem cậu có biết cậu là con cầu tự không?"
"Đến khổ, tôi nói. Bà cụ Phê-đô-xi-a kể tôi nghe mấy lần rồi". (Chỗ này chắc thiếu dòng)
"Nghĩa là sao".
"Cậu đã được hứa dâng hiến cho Chúa".
"Ai dâng hiến tôi chứ?"
"Mẹ cậu".
"Nếu vậy, - tôi nói. - Thì mẹ tôi phải tự đến mà bảo tôi chứ. Nhỡ đâu ông nói dối thì sao?"
"Không, tôi không nói dối. Còn mẹ cậu thì bà không thể đến đây được".
"Tại sao?"
"Bởi vì trên Thiên đàng không phải như dưới Trần gian. Linh hồn những người đã chết không thể nói năng cử động được. Nhưng cậu bằng lòng, tôi sẽ đánh cuộc với cậu để cậu tin".
"Được thôi, tôi nói. Nhưng đánh cuộc thế nào?".
"Cậu sẽ gặp tình huống nguy hiểm hàng chục lần, nhưng cậu đều thoát nạn hết. Nhưng đến khi cậu thấy không thể thoát khỏi cái chết, cậu sẽ nhớ lại lời nguyện ước của mẹ cậu và sẽ đi tu."
"Tốt lắm, tôi đáp. Tôi cũng không mong gì hơn thế và tôi xin chờ đợi điều ấy".
Ông thầy tu biến mất. Lúc tôi thức dậy, tôi không còn nhớ gì hết và cũng không nghĩ rằng các thử thách nay mai sẽ liên tiếp giáng xuống đầu tôi. Sau đấy ít lâu tôi theo ngài công tước và phu nhân đi đến thành phố Vô-rô-ne-giơ, vì hai người hy vọng rằng những thành tích mới phát hiện được sẽ giúp họ chữa khỏi bệnh cho cô con gái tàn tật. Trong lúc nghỉ lại ở làng Cru-tôi thuộc huyện Ê-lét để cho ngựa ăn tôi nằm ngủ trong chuồng ngựa và lại chiêm bao thấy ông thầy tu dạo nọ. Ông ta bảo tôi:
"Đầu to! Cậu hãy nghe ta nói đây. Ta thấy thương hại cậu cho nên ta hiện về để khuyên cậu hãy xin với chủ cho cậu vào tu viện. Chủ của cậu sẽ bằng lòng đấy".
Tôi vặn lại:
“Sao lại phải vào tu viện?”
Ông thầy tu đe:
"Nếu không làm thế cậu sẽ phải chịu nhiều nỗi đau đớn lắm!". Tôi nghĩ bụng:
"Chỉ vì tôi giết chết ông cho nên ông dọa tôi đủ điều".
Sau đấy tôi dậy, giúp cha tôi đóng yên cương cho ngựa rồi lên đường. Đến một quãng, con đường chạy bên cạnh một cái vực rất sâu, đã có nhiều người chết ở quãng ấy. Ngài công tước bảo tôi:
“Cẩn thận đấy, Đầu to!”
Tôi rất thạo nghề, và mặc dù dây cương mấy con ngựa phải gần như quỳ xuống để khỏi trượt chân nằm trong tay cha tôi nhưng tôi cũng giúp được Người khá nhiều. Hai con ngựa đi trên đầu là loại rất khoẻ, chúng có thể quỳ rạp hai chân xuống để đuôi gần như quết trên mặt đất. Nhưng khốn nỗi, trong hai con ấy, một con lại có tật, gọi là tật "ngưỡng thiên". Hễ người cầm cương giật hơi mạnh một chút là nó liền ngẩng đầu hướng lên trời, không hiểu để ngắm thứ gì trên đấy. Cho nên người đánh xe lúc nào cũng phải theo dõi con "ngưỡng thiên" kia, bởi lẽ nếu nó ngẩng đầu lên nhìn trời thì chân nó có thể đặt vào bất kể chỗ nào. Điều ấy tôi biết rất rõ cho nên tôi cố gắng hỗ trợ cha tôi. Tôi ghìm ngựa của tôi xuống thật thấp để đuôi nó gần như chạm vào mõm của hai con ngựa đóng vào càng xe. Tay tôi lăm lăm cái roi đề phòng con "ngưỡng thiên". Hễ nó định ngẩng đầu lên là tôi quật bắt nó cúi đầu xuống. Mọi sự đang yên ổn. Lúc này đường cũng đang dốc xuống thoai thoải, tôi vẫn đang chăm chú theo rõi con "ngưỡng thiên". Bỗng nhiên tôi thấy nó không để ý gì đến dây cương cũng như đến ngọn roi của tôi. Mõm nó bị hàm thiếc xiết vào bật máu và làm tròng mắt lồi hẳn ra. Một tiếng "rắc" đằng sau. Cỗ xe xẹp xuống... Dây phanh bị đứt! Tôi hét cha tôi: "Dừng lại! Dừng lại!". Cha tôi cũng hét theo: "Dừng lại! Dừng lại!". Nhưng không kịp nữa rồi. Cả sáu con ngựa hoảng hốt lao lên phía trước, tôi quay lại và thấy cha tôi đang tụt ra khỏi chỗ ngồi. Một sợi dây cương bị đứt... Và xe đang đứng trước vực thẳm... Tôi không hiểu do tôi thương chủ hay thương bản thân tôi mà khi thấy cái chết đang đứng trước mắt, tôi nhảy khỏi yên ngựa, lao đến kéo ghì càng xe xuống, như thể đánh đu trên đó vậy... Tôi không rõ hồi ấy tôi cân nặng bao nhiêu, nhưng với sức cố gắng, trọng lượng bao giờ cũng tăng thêm. Những con ngựa kéo bị ngạt thở rên lên. Hai con ngựa đằng trước biến mất, tôi treo lơ lửng trên miệng vực, cỗ xe thì được cái càng đè xuống giữ lại. Lúc tôi chợt hiểu ra được tình thế thì tôi hoảng quá. Hai cánh tay không bám nổi nữa, tuột ra và tôi rơi xuống. Tôi mê đi, không biết gì nữa... Đến lúc tỉnh lại, tôi thấy mình đang nằm trong một túp lều.
Một bác nông dân vạm vỡ bảo tôi:
- Sống rồi hả, cậu bé?
Tôi đáp:
- Chắc là thế.
- Cậu có biết đã gặp những chuyện gì không?
Tôi cố gắng nhớ lại. Những con ngựa hoảng hốt nhảy lên. Tôi bám càng xe và treo lơ lửng trên miệng vực. Còn sau đó tôi không biết gì hết.
Bác nông dân mỉm cười:
- Đúng, cậu làm sao biết được! Hai con ngựa của cậu rơi xuống vực tan xác, nhưng cậu thì thoát chết nhờ một cái gì như phép thiêng ấy: cậu rơi trúng một tảng đất sét rất to đang lăn xuống theo sườn vực và thế là cậu trôi theo nó như thể cậu đang bám trên một chiếc xe trượt. Mọi người đã tưởng cậu chết. Nhưng không, cậu còn thoi thóp, chỉ có điều cậu mê man bất tỉnh vì bị hơi gió. Bây giờ thì, - bác ta nói. - Cậu đứng dậy đi rồi chạy mau ra nhà thờ, ngài công tước có gửi lại một khoản tiền để nếu cậu chết thì chôn. Còn nếu cậu sống thì đưa cậu ra thành phố Vô-rô-ne-giơ gặp ngài.
Tôi ra đi và suốt dọc đường không nói năng gì hết, chỉ ngồi nghe bác nông dân chở tôi kéo đàn phong cầm, lặp đi lặp lại mỗi một làn điệu dân vũ ấy.
Lúc tôi đến Vô-rô-ne-giơ, ngài công tước gọi tôi vào phòng khách rồi quay sang bảo công tước phu nhân:
- Đây chính là thằng bé đã cứu vợ chồng mình thoát chết.
Phu nhân chỉ gật cái đầu. Công tước nói tiếp:
- Đầu to, cậu hãy xin ta cái gì đi. Ta không có quyền từ chối cậu điều gì lúc này hết.
- Cháu chẳng biết xin ngài cái gì, - tôi đáp.
- Cậu không thèm, không muốn thứ gì ư?
Suy nghĩ một lát, tôi đáp:
- Cháu thèm một chiếc đàn phong cầm.
Ngài công tước cười:
- Cậu ngốc lắm. Nhưng không sao. Lúc nào đấy ta sẽ nghĩ đến cậu và sẽ thưởng công cho cậu thứ gì khác nữa. Bây giờ ta tạm sai người mua cho cậu chiếc đàn, và ta sai họ đi ngay bây giờ.
Một người hầu chạy ra cửa hiệu, đem về cho tôi một chiếc phong cầm lúc tôi đang ở chuồng ngựa.
- Cầm lấy mà chơi, anh ta bảo tôi.
Tôi thử kéo đàn nhưng chẳng ra bài bản gì, thế là tôi chán quăng nó vào một xó, đến hôm sau thì bọn người hành hương ăn cắp mất ở chỗ kho chứa đồ.
Đáng lẽ tôi phải lợi dụng dịp may ấy để xin với ngài công tước điều gì giá trị hơn, thí dụ xin ngài cho đi tu, như ông thầy tu đã khuyên chẳng hạn, ấy thế mà không hiểu cái gì run rủi tôi lại đi xin cây đàn phong cầm. Ngay từ buổi đầu đã từ bỏ thiên chức của mình như vậy cho nên sau này tôi sẽ phải chịu bao nhiêu nỗi bất hạnh cho mãi đến khi lời tiên đoán của ông thầy tu kia được thực hiện, để trả giá cho sự nghi ngờ của tôi.