Tôi thầm nghĩ: đây đúng là hương hồn nàng theo đuổi tôi. Chắc vừa rồi nàng bảo tôi đi theo và chỉ đường cho tôi đi. Tôi bèn bước chân theo hướng ấy. Tôi đi suốt cả ngày cho đến lúc mệt quá không bước thêm được nữa. Bỗng nhiên một chiếc xe ngựa chở hai ông bà già đuổi kịp tôi, và họ bảo:
“Bác ngồi lên đây chúng tôi chở cho, tội nghiệp".
Tôi leo lên xe. Xe chạy và hai ông bà già than thở:
"Vợ chồng chúng tôi cũng khổ lắm. Có đứa con trai thì đang bị bắt lính. Gia sản thì chẳng có. Lấy tiền đâu mà mướn người thế vào chân nó?
Tôi thương tình hai ông bà già bèn bảo:
“Cháu sẵn sàng giúp ông bà không lấy tiền, khốn nỗi cháu không có giấy tờ gì hết.”
Nhưng họ bảo:
“Không cần giấy tờ, việc ấy chúng tôi lo. Chỉ cần bác nhận thế chân con trai chúng tôi, tên nó là Pi-ốt Xéc-du-cốp".
"Được thôi, - tôi đáp. - Cháu thì thế nào cũng được. Chảu vẫn cứ thờ đức thánh I-van mà cháu mang tên, còn người đời gọi cháu tên gì cũng được”.
Trao đổi xong, hai ông bà già chở tôi đến một thị trấn khác, trao tôi cho sĩ quan tuyển quân thay vào chỗ của con trai họ, rồi đưa tôi hai mươi nhăm rúp tiêu pha dọc đường. Lúc chia tay, hai ông bà hứa sẽ giúp đỡ tôi suốt đời. Tôi nhận của họ món tiền hai mươi nhăm rúp ấy xong liền dem cúng vào tu viện để các giáo sĩ cầu Chúa phù hộ cho linh hồn của Gru-sa. Sau đấy tôi xin với cấp chỉ huy cho tôi đến Cáp-ca-dơ để được chiến đấu và chết vì đức tin, càng sớm càng hay. Ý nguyện của tôi được chấp nhận, tôi đóng ở cửa rừng núi Cáp-ca-dơ mười lăm năm trời, không hề để hở cho ai biết tên tuổi thật cũng như lai lịch thật của tôi. Moi người đều gọi tôi là Pi-ốt Xéc-du-cốp. Chỉ đến ngày lễ thánh l-van, tôi bí mật cầu nguyện một mình. Tôi đã gần quên hẳn tên tuổi và lai lịch của tôi, thì vừa đến năm phục vụ cuối cùng trong quân ngũ. Đúng vào ngày Thánh I-van, tôi tham dự một cuộc truy kích bọn Tác-ta. Bọn chúng thua chạy sang bên kia sông Côi-xa. Vùng ấy rất nhiều con sông nhỏ mang tên Côi-xa. Con sông chạy qua vùng An-di-a được gọi là Côi-xa An-di-a, một con sông khác tên là Côi-xa A-va-ri-a. Còn những con sông Côi-xa vùng Cô-ri-cô-mui và sông Côi-xa vùng Cu-di-cu-mui nữa. Những con sông nhỏ ấy đều đổ vào một con sông lớn tên là sông Xu-lắc. Tất cả chúng đều chảy xiết và nước rất lạnh, đặc biệt là con sông Côi-xa An-di-a, chính là con sông mà bọn Tác-ta vừa rút chạy qua. Khi còn ở bên này sông, chúng bị chúng tôi tiêu diệt rất nhiều. Khi chạy sang bên kia sông, chúng nấp sau dãy đồi bằng đá. Một số binh lính chúng tôi vượt qua được sông, nhưng sắp lên được bờ bên kia thì bọn Tác-ta nã súng vào. Chúng bắn theo lối bắn tỉa, rất dè sẻn đạn, bởi vì chúng tôi biết chúng tôi cùng xuất hiện một lúc thì chúng không bắn nữa. Ngài đại tá chỉ huy chúng tôi là người gan dạ vô cùng, muốn sánh với tướng Xu-vô-rôp cho nên thường có lối miệng hô "xin chúa", xong là lao ngay vào chỗ nào nguy hiểm nhất để làm gương cho binh lính. Lần này, ngài ngồi bên bờ sông cởi ủng ra, thả chân xuống nước buốt nói giọng huênh hoang:
“Ơn chúa, nước sao mà ấm thế? Cứ như sữa vừa mới vắt ở vú bò ra ấy thôi. Nào chúng bay! Cậu nào gan dạ bơi sang bờ kia trước kéo theo dây thừng để ta chăng làm cầu qua sông.”
Trong lúc ngài đại tá nói giọng huênh hoang như thế với chúng tôi thì bọn Tác-ta chĩa hai nòng súng qua khe hở giữa hai tảng đá, nhưng chưa bắn. Chúng đợi đến khi hai người lính của chúng tôi hưởng ứng lời động viên của đại tá nhảy xuống nước bắt đầu bơi thì hai tia chớp loé lên và hai người lính này chìm nghỉm xuống dòng nước sông Côi-xa. Chúng tôi kéo sợi dây thừng trở lại, cử hai người lính khác, và bắn xối xả vào dãy tảng đá bọn Tác-ta nấp, nhưng bọn khốn kiếp! Thì ra chúng vẫn sống nguyên, và khi cặp binh sĩ thứ hai này vừa xuống nước, nước lại đỏ ngầu lên và quân ta mất toi thêm hai người nữa. Đến cặp thứ ba, chưa bơi ra đến giữa dòng cũng lại bị bọn Tác-ta bắn cho chìm nghỉm. Lúc này chúng tôi còn khá ít người. Vả lại rõ ràng đây không phải trận giao chiến mà chỉ đơn giản là một cuộc giết người. Phải trừng trị bọn khốn kiếp sát nhân kia. Ngài đại tá bèn nói:
"Các binh lính thân mến, hay nghe ta nói đây. Trong các ngươi chẳng lẽ không có một kẻ nào đó đã phạm một tội ác nào đấy mà vẫn giữ kín trong lòng. Nếu có, kẻ ấy nên nhận công việc cảm tử này và dùng máu mình để rửa cái tội ác kia?”
Tôi nghĩ thầm:
"Mình còn đợi gì mà không nhân dịp này kết thúc cuộc đời? Cầu chúa hãy chứng dám lòng thành của con!" - Tôi bước ra, cởi áo quần, đọc kinh xám hối rồi cúi rạp xuống đất chào cấp trên cùng đồng đội, thầm khấn:
"Gru-sa em kết nghĩa của anh, hãy nhận giọt máu của anh chuộc tội cho em!” Sau đấy tôi cắn đầu sợi dây buộc vào dây thừng rồi lao đầu xuống dòng nước.
Nước sông lạnh buốt đến tận xương tuỷ. Ngực tôi tức thở, hai chân cứng đờ, nhưng tôi cố bơi. Trên đầu tôi đạn quân ta bắn yểm hộ bay rào rào. Xung quanh tôi, những viên đạn bắn tỉa của bọn Tác-ta rơi xuống nước lốp bốp nhưng không viên nào trúng vào người tôi. Tôi không biết rồi có viên nào làm tôi bị thương hay không nhưng cuối cùng tôi đã sang được tới bờ bên kia... Bây giờ thì bọn Tác-ta không thể giết được tôi nữa vì tôi đã đứng nép ngay vào một khe đá. Muốn bắn trúng tôi, chúng buộc phải ra khỏi chỗ nấp và như thế sẽ bị quân bên kia sông bắn sang tới tấp. Tôi đứng trong khe đá, kéo sợi dây, lôi dây thừng sang và tạo được chiếc cầu qua sông. Trong lúc quân ta kéo qua sông, tôi vẫn đứng đấy, đầu óc hoang mang, không hiểu gì hết, bởi vì tôi đang bị một ý nghĩ ám ảnh: không biết đồng đội có ai nhìn thấy thứ mà lúc nãy tôi nhìn thấy không? Trong lúc đang bơi tôi thấy Gru-sa bay bên trên, lúc này nàng đã lớn, chừng mười sáu tuổi, đeo đôi cánh rất to, trắng toát. Chính nàng đã dùng đôi cánh che cho tôi. Thấy đồng đội không ai trông thấy, tôi nghĩ phải kể chuyện này ra cho mọi người cùng biết. Lúc ngài đại tá ôm tôi hôn, khen ngợi:
"Chà, Pi-ốt Xéc-du-cốp! Ngươi thật dũng cảm!"
Tôi bèn nói ngay:
"Thưa ngài đại tá, tôi không dũng cảm đâu. Tôi chỉ là một kẻ có tội, cho nên đất cũng như nước đều không thèm nhận tôi".
Ngài đại tá hỏi:
"Ngươi có tội gì?”
“Tôi đã huỷ hoại nhiều con người vô tội".
Và đêm hôm đó, trong căn lều dã chiến, tôi đã kể ngài đại tá nghe toàn bộ những gì mà các ngài đã nghe. Ngài chăm chú nghe rồi, vẻ trầm ngâm ngài nói:
“Chúa chứng giám, ngươi đúng là kẻ chịu quá nhiều đau khổ. Và cái chính là dù ngươi muốn hay không ta cũng phải phong ngươi chức sĩ quan. Ta sẽ làm giấy đề đạt."
Tôi nói:
“Thưa ngài, việc đó tuỳ ngài nhưng tôi đề nghị ngài hãy cử người đi điều tra xem có thật cô gái Di-gan kia đã chết hay không?".
"Được thôi, - Ngài nói. - Ta sẽ cử người đi làm cả việc đó nữa".
Thế là ngài gửi giấy đi. Nhưng tờ giấy đi mâi, đến khi hồi âm thì lại không đúng. Người ta giải thích rằng không hề có cái chuyện kia với cô gái Di-gan nào hết. Còn cái người mang tên I-van Xê-vê-ri-a-nits thì có, anh ta đã làm cho ngài hoàng thân thật, nhưng về sau được phóng thích và đã chết trong gia đình ông già Xéc-du-côp.
Tôi chẳng còn biết cách nào chứng minh tội lỗi của mình nữa.
Ngài đại tá bảo:
“Anh bạn dũng cảm ơi, anh đừng hòng bịa đặt chuyện gì nữa ra với ta! Chắc là ngươi bơi qua dòng sông Côi-xa, nước lạnh buốt quá ảnh hưởng đến thần kinh khiến ngươi hoang tưởng như vậy thôi. Riêng ta rất mừng là tất cả những chuyện kia không có thật. Bây giờ ngươi hãy nhận cấp bậc sĩ quan và hãy cám ơn Thượng đế"
Bản thân tôi rất đỗi hoang mang: như vậy có thật tôi đã đẩy Gru-sa xuống dòng nước chảy xiết hay không, hay chỉ do tôi nhớ nàng quá mà tưởng trợng ra như vậy thôi?
Tôi được phong cấp bậc sĩ quan. Nhưng khốn nỗi tôi vẫn cứ khăng khăng bám lấy câu chuyện thật kia, nên để nhẹ nợ, cấp trên thưởng cho tôi một tấm huy chương Thánh Gioóc rồi cho tôi nghỉ, ra khỏi quân ngũ. Ngài đại tá bảo tôi:
“Ta chúc mừng ngươi. Bây giờ người là người danh giá và có thể xin vào ngạch quan lại được rồi - Ngài đã cho tôi một lá thư giới thiệu đến một vị đại thần ở kinh đô Pê-téc-bua. - Bây giờ ngươi hãy đi, hãy thực hiện công vụ ở nơi mới và hưởng phúc lộc.
Tôi cầm lá thư ấy đến kinh thành Pê-téc-bua nhưng con đường làm quan của tôi không gặp may.
- Nghĩa là sao?
- Mãi tôi chẳng được giao công việc gì. Đến lúc được phân thì lại rơi vào vần i dài và thế là lại cảnh tồi tệ.
- Rơi vào vần i dài nghĩa là sao, bác?
- Chẳng là viên quan lớn mà ngài đại tá giới thiệu tôi đến giao cho tôi làm viên chức ở Sở tra cứu địa chỉ. Ở sở này, mỗi viên chức nhận một vần. Có những vần rất bở, thí dụ như vần Tê vần Hát. Rất nhiều tên người bắt đầu bằng chữ ấy, cho nên ai đứng vần ấy thu được rất nhiều tiền thưởng. Nlưng tôi lại đứng vần i dài. Rất ít ai có tên bắt đầu bằng chữ ấy. Mà nếu có lại toàn dân nghèo hoặc dân du đãng. Chưa kể nhiều người tên mở đầu bằng i dài cũng lại đổi tên đi hoặc thêm chữ gì lên đằng trước chữ i đó. Đến lúc mình tìm tên của họ ở vần i dài mãi chẳng thấy, cuối cùng thành ở vần khác. Tôi ngồi ở phòng giấy có khi vài ngày chẳng được ai hỏi, chẳng kiếm được gì. Nghĩ mãi, tôi đành quay trở vè nghề cũ: nghề xà ích. Nhưng lại không ai chịu thuê.
- Bác dòng dõi quý phái, bác là sĩ quan có huy chương, mỗi lúc đánh chửi bác sao được.
- Tôi đã chán nản, muốn treo cổ mà chết, nhưng may có chúa thương tình chưa để tôi sa vào tâm trạng tuyệt vọng ấy, đồng thời cũng không để cho tôi hết đói. Nghĩ mãi cuối cùng tôi quyết định đi làm nghệ sĩ.
- Bác làm nghệ sĩ gì? Tôi diễn vai. –
- Ở đoàn nào?
- Tôi diễn trò vui trong cái gánh vẫn biểu diễn ở quảng trường bộ tư lệnh Hải quân ấy. Gánh này người ta không nề hà gì hết, nhận đủ loại người vào làm: có cả sĩ quan, cả chánh văn phòng, cả sinh viên và rất nhiều viên chức ở Viện Nguyên lão.
- Công việc ấy bác có thích không?
- Không.
- Tại sao?
- Trước hết là vì việc dàn tập vai vế và học lời thoại thường rơi đúng vào tuần lễ thiêng, nghĩa là vào tuần lễ trước ngày Hội thánh, khi trong nhà thờ các giáo sĩ và tín đồ đọc bài kinh Sám hối, thứ hai là vì vai của tôi rất khó đóng.
- Bác sắm vai nào?
- Tôi đóng vai ác quỷ.
- Vai ấy khó lắm ạ?
- Rất khó. Bởi vì tôi phải nhảy múa và nhào lộn suốt hai đoạn. Mà nhào lộn cực kỳ vất vả. Tôi phải khoác một bộ lông cừu mầu trắng lởm chởm rất nặng, bó chặt lấy người, rồi lại mang một cái đuôi làm bằng dây thép, cái đuôi dài cứ vướng vào giữa hai chân rất khó cử động, chưa chưa nói nhây múa với nhao lộn. Cái sừng trên đầu thì hết đụng vào làm đổ vật này, lại đụng vào làm rơi thứ khác. Trong khi ấy tuổi tác tôi cũng đã khá nhiều. Tôi không còn trẻ trung nhanh nhẹn gì nữa, lại còn thêm chuyện này nữa chứ. Vai của tôi có một đoạn bị đánh. Cái gậy kẻ khác đánh lên người tôi thực ra cũng chỉ bằng vải dầy trong nhồi bông, nhưng cứ nghe tiếng đánh bồm bộp trên lưng tôi đã khó chịu. Nhiều thằng cha say rượu hay do muốn nóng người lên cho khỏi cóng, quất lên người tôi rất mạnh và cũng khá đau. Đặc biệt là những thằng cha xuất thân là viên chức ở Viện Nguyên lão, chúng thù bọn sĩ quan cho nên thấy tôi vốn đã từng là sĩ quan, hễ gặp dịp là chúng quất cho thật đau. Tôi bị đánh suốt từ giữa trưa, khi lá cờ được kéo lên ở Sở cảnh sát cho đến tận nửa đêm, cốt đề làm người xem cười rộ lên. Chúng mà đánh thì không còn chút nương nhẹ nào hết. Đóng cái vai khốn khổ ấy đã đủ thứ khổ sở rồi, nhưng về sau lại có thêm một chuyện nữa khiến tôi quyết định bỏ nghề này.
- Chuyện gì thưa bác I-van?
- Tôi giật tóc một vị hoàng thân.
- Hoàng thân nào ạ?
- Không phải hoàng thân thật mà là thằng cha diễn viên đóng vai hoàng thân thôi. Hắn chỉ là viên chức nhưng đóng vai hoàng thân.
- Nhưng tại sao bác lại đánh, lại giật tóc anh ta?
- Tôi đánh thế là còn nhẹ đấy. Nó có cái thói rất xấu, chuyên tìm cách xỏ xiên với lại hãm hại người khác.
- Hắn xỏ cả bác?
- Đúng thế. Hắn làm méo mó bộ cánh biểu diễn của tôi. Có lần chúng tôi đang ngồi sưởi và uống trà trong lúc giải lao, hắn lén buộc cái đuôi quỷ của tôi vào với cái sừng, hoặc làm cái trò gì đại loại như thế để cười. Tôi không để ý, đến lúc phải ra sân khấu cứ thế chạy ra, khiến ông chủ gánh rất cáu. Tính tôi lành, tôi bỏ qua cho hắn những cái trò ngu xuẩn ấy. Nhưng một lần thằng cha dám trêu một nàng tiên. Đấy là một cô gái trẻ xuất thân trong gia đình quý tộc nghèo. Cô đóng vai Nàng tiên Đại phúc đến cứu vị hoàng thân kia thoát khỏi bàn tay của ác quỷ do tôi đóng. Vai tiên buộc cô phải mặc có mỗi chiếc áo bằng vải tuyn mỏng dính, trong lúc trời bên ngoài lạnh cóng. Chiếc áo khiến cô rất đẹp, thêm vào đấy là đôi cánh. Hai cánh tay xinh xắn của cô tím bầm vì lạnh. Vậy mà thằng cha không thương, vẫn cứ trêu chọc cô không ngừng. Hôm ấy sau lớp kịch, cả ba chúng tôi rời khỏi sân khấu theo lối tụt xuống dưới gầm, thì thằng cha véo vào đùi cô ấy một cái rất đau. Tức quá, không nhịn nổi, tôi cho thằng cha một trận.
- Kết quả ra sao?
- Tôi không bị sao cả, bởi vì không có ai làm chứng. Lúc đó dưới gầm sân khấu chỉ có tôi, nó với cô gái kia. Nhưng bọn viên chức vẫn kêu ầm lên, đòi đuổi tôi ra khỏi gánh. Vì chúng sắm toàn vai quan trọng nên ông chủ đành phải cho tôi ra để vừa lòng chúng.
- Sau đấy thì bác làm gì?
- Tôi đã chết đói rồi nếu cô gái đóng vai nàng tiên kia không giúp đỡ, nuôi tôi. Nhưng tôi thấy không nỡ ăn bám vào cô gái, cô ấy kiếm cũng chí vừa đủ nuôi bản thân cô ấy. Thế là tôi vắt óc nghĩ cách giải quyết. Tôi không muốn quay lại Sở cũ để hứng lấy vần i dài, vả lại cũng đã có một thằng cha khốn khổ nào đó chiếm cái chỗ ấy rồi. Thế là tôi quyết định vào tu ở Tu viện.
- Bác đi tu chỉ vì mỗi một nguyên do ấy?
- Tôi còn con đường nào khác nữa đâu? Với lại tôi cũng thích được tu hành.
- Bác thích cuộc sống trong Tu viện?
- Tôi rất thích. Cuộc sống ấy yên tĩnh và rất giống với cuộc sống ở Trung đoàn. Tôi được cấp quần áo, được nuôi ăn, được có chỗ nghỉ và được các bậc bề trên kiểm soát chặt chẽ. Đấy là nơi có kỷ cương.
- Cái kỷ cương ấy không làm bác thấy bị gò bó sao?
- Không. Bởi vì tôi rất thèm được sống yên tĩnh Vả lại tôi đã quen chịu khổ rồi. Khi nào thích thì tôi vào dự lễ cầu nguyện. Hơn nữa công việc của tôi cũng quen thuộc. Khi người ta bảo:
"Đóng ngựa vào xe đi, thầy dòng I-xma-in!" (tên tôi bây giờ là I-xma-in) thế là tôi đóng ngựa vào xe. Hay ai bảo: "Thầy dòng I-xma-in, tháo ngựa ra khỏi xe đi!" Thế là tôi tháo ngựa ra.
- Khoan đã, - chúng tôi nói. - Thế nghĩa là sao? Nghĩa là vào Tu viện bác vẫn chăm sóc ngựa?
- Đúng thế, tôi là xà-ích. Ở tu viện người ta không ngại cái cấp bậc sĩ quan của tôi, bởi vì mặc dù mới tập sự, tôi cũng được coi là thầy dòng như những thầy dòng khác.
- Nhưng sau đấy bác cũng sẽ được phong chính thức chứ?
- Tôi sẽ không nhận.
- Tại sao?
- Tôi tự thấy không xứng đáng.
- Do những tội lỗi ngày xưa của bác hay do gì?
- Cũng một phần. Với lại phong cho tôi để làm gì kia chứ? Tôi bằng lòng với vị trí thấp vì tôi chỉ mong được sống yên tĩnh.
- Câu chuyện bác kể chúng tôi nghe vừa rồi bác đã kể cho ai chưa?
- Kể nhiều rồi chứ. Nhưng vì không có bằng chứng gì nên chẳng ai tin. Vì vậy, khi vào Tu viện tôi đã bịa ra một lai lịch đơn giản và chững chạc. Cũng được thôi. Tôi cũng già rồi, chẳng còn sống trên đời được bao lâu nữa.
Câu chuyện của con người hành hương mê đắm có vẻ đã sắp kết thúc. Chúng tôi chỉ còn tò mò muốn biết thêm chi tiết về cuộc sống hiện giờ của bác ở Tu viện nữa thôi.