Vốn biết tính của ngài như vậy cho nên tôi cũng không mừng gì cho Gru-sa. Và sau này sự việc chứng tỏ tôi đã đoán đúng. Thời gian đầu ngài hoàng thân mê mẩn cô gái, không lúc nào rời mắt khỏi cô và không lúc nào rời xa cô một bước chân. Thế rồi đột nhiên ngài bắt đầu ngáp và cho gọi tôi lên.
- Anh ngồi xuống đây - Ngài bảo tôi, - và nghe một chút.
Tôi ngồi xuống chiếc ghế đặt hơi xa, mãi tận chỗ gần cửa và nghe. Tôi luôn thấy tình trạng ngài dề nghị cô ta hát và cô trả lời:
- Em hát cho ai? Tim anh đã giá lạnh, mà em thì lại cần làm sao cho bài hát của em thiêu dốt, day dứt trái tim ai đó.
Chủ tôi bèn sai người gọi tôi đến để cùng nghe nàng hát. Sau đấy chính nàng đâm nhiễm thói quen cho người gọi tôi đến và nàng đối xử với tôi rất thân tình. Nghe hát xong, tôi thường cùng ngồi uống trà với họ, tất nhiên tôi ngồi ở một chiếc bàn khác hoặc trên thành cửa sổ. Nhưng khi Gru-sa có một mình, nàng bảo tôi đến ngồi cạnh nàng. Ít lâu sau, ngài hoàng thân trở nên rầu rĩ hơn. Ngài bảo tôi:
- I-van này, tôi xúi quẩy quá.
Tôi nói:
- Sao ngài lại nói vậy? Ngài còn thiếu thứ gì nữa đâu?
Nhưng ngài bỗng nổi cáu:
- Anh bạn gần-như-thân-mến của tôi ơi, anh thấy tôi có được cái gì mà anh bảo tôi không thiếu?
- Ngài có tất cả những gì một con người cần thiết.
- Không đúng, - chủ của tôi nói. - Ta nghèo túng rồi. Phải tính toán cả đến từng chai rượu trong mỗi bữa ăn. Như thế còn gọi là cuộc sống thế nào được nữa? Sống như thế còn sung sướng nỗi gì.
"Chà, - tôi nghĩ bụng. - Thì ra ông buồn về chuyện đó”. Và tôi nói:
- Rượu thiếu thì nhịn có sao đâu? Bởi vì ngài có thứ còn quý hơn rượu nhiều.
Ngài hiểu ngay tôi định nói đến thứ gì. Ngài hơi xấu hổ bèn vừa đi đi lại lại vừa vẫy tay, nói:
- Tất nhiên rồi... tất nhiên rồi. Duy có điều... Với lại người ta sống ở đây nửa năm mà không tiếp người khách nào...
- Ngài cần khách làm gì, trong khi ngài đã có người mà ngài yêu quý nhất?
Ngài hoàng thân nổi khùng:
- Anh chẳng hiểu gì hết Cuộc đời này phải có thứ này thứ nọ chứ!
“Ái chà! - Tôi nghĩ bụng. - Thì ra thế". Và tôi nói.
- Vậy ngài tính làm gì bây giờ?
- Ta định, - ngài bảo. - Ta với anh sẽ đi buôn ngựa. Ta muốn những sĩ quan kỵ binh, những chủ nhà máy đi lại cái nhà này.
Công việc buôn ngựa đâu xứng với một vị hoàng thân? Nhưng tôi nghĩ bụng làm gì cũng được, miễn đứa trẻ thôi không khóc nữa". Và tôi đáp: "Được thôi".
Hai thầy trò bắt tay vào việc nuôi ngựa. Ngài hoàng thân lập tức say sưa dâng hiến toàn bộ thể lực và tinh thần vào công việc này: bao nhiêu tiền kiếm được ngài đều dùng cho ngựa, nhiều khi chẳng hỏi ý kiến tôi nữa. Ngài tậu một lúc rất nhiều nhưng chẳng ai hỏi mua... Thất vọng, ngài bỏ luôn việc nuôi ngựa và lao vào đủ thứ kinh doanh dại dột khác: xây một xưởng xay bột to tướng, tổ chức việc làm đồ bằng da, rồi phá sản, nợ nần càng chồng chất thêm và mặt mũi càng rầu rĩ. Lúc nào ngài cũng vắng nhà. Ngài đi đâu và tìm kiếm thứ gì, tôi không hề biết. Gru-sa bị bỏ rơi mà nàng lại đã có thai. Trông nàng thật tội nghiệp. "Tôi sẽ không bao giờ còn được thấy mặt anh ấy nữa" nàng nói vậy, nhưng vẫn cố tự chủ không để lộ nỗi hoang mang. Và mỗi khí thấy chồng ngồi nhà vẻ buồn bã, nàng lại là người đầu tiên bảo:
- Anh yêu quý, anh đi chơi đâu cho khuây khoả: chứ ngồi nhà với một con bé ngu dốt như em làm gì cho buồn.
Nghe nói thế ngài hoàng thân xấu hổ và thôi không đi đâu nữa. nhưng chỉ được hai hoặc ba ngày. Lúc ra đi ngài thường dặn tôi chăm sóc Gru-sa
- Anh hãy chăm sóc nàng. Anh là một nghệ sĩ, một nghệ sĩ thực thụ chứ không phải một thằng phất phơ như ta. Anh biết cách trò chuyện với nàng để cả nàng lẫn anh đều vui. Còn ta, những câu “anh yêu quý” ấy làm ta đau đầu.
- Tại sao vậy? Đấy là những lời âu yếm thực sự -
Vẫn biết thế, nhưng ta ngán nghe lắm rồi.
Tôi không trả lời. Nhưng từ bữa ấy, cứ hễ lúc nào thấy thích là tôi vào thăm nàng. Trong thời gian ngài hoàng thân chủ tôi đi vắng, mỗi ngày tôi vào dùng trà hai lần với nàng và tìm mọi cách làm cho nàng khuây khoả. Nàng rất cần được khuây khỏa bởi vì những lúc tâm sự với tôi, nàng than phiền:
- Anh I-van thân mến ạ, nỗi ghen tuông làm tôi vô cùng đau khổ.
Tôi cố phân trần:
- Đau khổ làm gì? Dù ngài chủ đi đâu thì cuối cùng vẫn phải về với cô.
Gru-sa khóc nức nở và lấy tay đấm ngực;
- Anh I-van, anh hãy nói cho tôi biết, anh ấy đi những đâu vậy?
- Đến các chủ đất quanh vùng hoặc ra thăm họ hàng ngoài thành phố chứ còn đi đâu nữa? - Anh tin chắc anh ấy không có con nhân tình nào chứ? Hay anh ấy lại quay về với cô gái anh ấy đã yêu hồi chưa quen tôi? Thậm chí anh ấy còn định cưới một cô nào đó? Ôi! Con người ấy mới nhẫn tâm làm sao!
- Nói đến đấy mắt nàng quắc lên vẻ giận dữ. Miệng an ủi nàng nhưng trong bụng tôi nghĩ: “ai biết được ông ta đi đâu và làm những gì?" Bởi vì từ hôm ấy tôi cũng không gặp ông ta.
Một lần Gru-sa nảy ra ý nghĩ, hay là ngài hoàng thân của nàng sắp lấy vợ, nàng khẩn nài tôi:
- Anh I-van thân mến, hãy giúp tôi. Anh ra ngoài thành phố dò hỏi xem sao rồi về kể hết cho tôi nghe.
Nàng van nài mãi khiến tôi cũng động lòng thương. Tôi tự nhủ: "Thôi được, mình sẽ đi. Nếu như mình thấy ngài hoàng thân phản bội nàng thật, mình sẽ không nói gì hết và sẽ có cách riêng”.
Lấy cớ mua thuốc cho ngựa, tôi ra ngoài thành phố, trong lòng đã có dự tính sẵn.
Gru-sa không hề biết ngài hoàng thân trước kia đã có một nhân tình ngoài thành phố. Gia nhân của ngài được lệnh giấu kín chuyện này. Nàng là một tiểu thư quý tộc, tên là Ep-ghê-ni-a Xê-mi-ô-nôp-na, bố làm chức quốc vụ khanh trong chính phủ. Tiểu thư nổi tiếng trong giới quý tộc về tài chơi đàn pi-a-nô, tính tình rất phúc hậu, rất đẹp, và đã có một đứa con gái với ngài. Nhưng tiểu thư bị ngài ruồng bỏ chỉ vì sau khi có con, thân hình nàng không còn thon thả nữa. Nhưng bấy giờ ngài còn rất giầu cho nên đã tậu cho tiểu thư một ngôi nhà để hai mẹ con ở và sống bằng số lợi tức ít ỏi của họ. Sau khi đã thu xếp tàm tạm cho họ như vậy rồi, ngài hoàng thân không ngó ngàng gì đến nữa. Nhưng chúng tôi, những gia nhân của ngài, vốn quý tiểu thư nên mỗi lần có việc ra thành phố vẫn thường ghé thăm hai mẹ con. Bao giờ nàng cũng đón tiếp chúng tôi niềm nở và dò hỏi về ngài.
Hôm ấy tôi cũng ghé vào thăm tiểu thư và nói:
- Tôi đến thăm sức khoẻ tiểu thư đây, thưa tiểu thư Ep-ghê-ni-a Xê-mi-ô-nôp-na yêu quý. Nàng đáp:
- Cảm ơn anh! Nhưng tại sao anh không đến thăm ông chủ?
- Ông chủ lúc này đang ở đây ạ?
- Đúng thế. Ông ấy ra thành phố đã hơn một tuần lễ rồi và đang toan tính một công việc gì đấy.
- Công việc gì ạ?
- Ông ấy định thuê một xưởng làm dạ.
- Lạy chúa, sao ông chủ vẫn cứ có những mưu đồ liều lĩnh thế nhỉ?
- Anh cho rằng ông chủ không nên làm như thế à?
- Chuyện ấy làm tôi ngạc nhiên đấy.
Tiểu thư mỉm cười:
- Điều đáng ngạc nhiên là ông chủ của anh gửi cho tôi một lá thư, xin cho ông đến nhà để thăm con gái ông ấy.
- Tiểu thư đồng ý chứ, thưa tiểu thư Ep-ghê-ni-a Xê -mi-ô-nôp-na?
Tiểu thư nhún vai đáp:
- Ông ấy cứ việc đến thăm con gái, - nói xong nàng thở dài, cặp mắt trở nên đăm chiêu, đầu hơi cúi xuống. Tiểu thư vẫn trẻ, đẹp, trắng trẻo, khác hẳn Gru-sa... Cô gái Di-gan kia mộc mạc, đâu có tinh tế thế này... Chính tôi thấy ghen hộ cho Gru-sa.
"Chà, - tôi nghĩ bụng. - Không phải ông chủ muốn thăm con gái đâu mà ông muốn gặp tiểu thư đấy. Tội nghiệp cho cô bé Gru-sa”. Tôi suy nghĩ như vậy lúc ngồi trong phòng dành riêng cho trẻ con. Tiểu thư sai vú em đem trà và tiếp tôi. Giữa lúc ấy tôi nghe thấy tiếng chuông ngoài cửa. Chị hầu phòng hớn hở chạy vào khoe với vú em:
- Ngài hoàng thân đến!
Tôi làm bộ như định đứng dậy tránh xuống bếp, nhưng bà vú vốn tuổi già, thích nói chuyện, gặp được tôi rất thích nên ngăn tôi lại:
- I-van đừng đi đâu cả! Ta vào khoang mắc quần áo đằng sau cái tủ kia là đủ. Không sợ tiểu thư dẫn hoàng thân vào đây đâu. Tôi còn muốn nói chuyện với anh nhiều nữa.
Tôi bằng lòng, vì muốn biết thêm điều gì đó để có thề giúp ích cho Gru-sa. Nhân tiện tiểu thư Ep-ghê-ni-a Xê-mi-ô-nôp-na sai mang đến cho tôi một chai rượu rum nhỏ, mà tôi thì đã bỏ rượu, tôi bèn rót mời bà vú để khai thác ở bà một vài điều bí mật, bởi vì không có rượu, bà khó nói ra với tôi. Bà vú với tôi tránh sang chỗ mắc quần áo, giống như một hành lang rất hẹp, có cửa nhỏ thông sang gian phòng mà tiều thư Ep-ghê-ni-a Xê-mi-ô-nôp-na tiếp ngài hoàng thân, đồng thời lại sát gần với góc phòng nơi hai người ngồi. Vì thế tôi nghe rất rõ câu chuyện giữa họ.
Vừa bước vào ngài hoàng thân vừa nói:
- Chào cô bạn gái lâu năm và tin cậy của tôi!
Tiểu thư đáp:
- Chào hoàng thân! Nguyên do nào khiến em được hân hạnh đón tiếp chàng thế này?
- Ta sẽ nói đến chuyện đó sau, còn bây giờ cho phép ta hôn nàng, - tôi nghe thấy tiếng chủ tôi hôn má tiểu thư, rồi hỏi thăm con gái của họ. Tiểu thư cho biết đứa con gái họ đang có ở nhà.
- Con khoẻ mạnh chứ?
- Vâng.
- Chắc nó đã lớn lắm?
Tiểu thư cười đáp:
- Tất nhiên.
Ngài hoàng thân hỏi:
- Tiểu thư sẽ dẫn con ra cho ta gặp chứ?
- Rất vui lòng, - tiểu thư đáp. Nàng sang phòng trẻ gọi bà vú lúc này đang ngồi với tôi.
- Vú dẫn em Li-u-đa ra gặp hoàng thân, - tiểu thư nói.
Bà vú giận dữ, đặt mạnh đĩa đựng trà xuống rồi rồi càu nhàu:
- Đến khổ. May mắn có dịp được chuyện trò với ai đó, thế mà cũng lại bị phá rối. Không sao được lúc nào thảnh thơi. - Bà vú đẩy tôi vào góc nhà, lấy quần áo trên mắc phủ lên người tôi, dặn tôi ngồi yên rồi dắt đứa trẻ ra ngoài. Ngồi một mình sau chiếc tủ, tôi nghe rõ ngài hoàng thân hôn đứa trẻ hai lần, đặt nó lên đầu gối rồi hỏi:
- Con có muốn ngồi trên xe ngựa của ba dạo chơi một lát không? Đứa trẻ không đáp.
Hoàng thân bèn quay sang mẹ nó:
- Tiểu thư cho phép con cùng với bà vú lên xe của ta chứ?
Tiểu thư trả lời bằng tiếng Pháp, ý đại khái như sau: "Để làm gì kia chứ?". Nhưng hoàng thân vẫn khẩn khoản: "Cần phải làm thế". Họ trao đổi với nhau thêm vài câu nữa. Cuối cùng tiểu thư Ep-ghê-ni-a Xê-mi-ô-nôp-na bảo bà vú vẻ miễn cưỡng:
- Vú mặc quần áo cho em rồi đi với nó.
Bà vú và đứa trẻ ra rồi còn lại ngài hoàng thân và tiểu thư ngồi với nhau, và tôi nấp trong mớ quần áo, đằng sau cái tủ. Tôi nghĩ bụng: "nhân tiện ta nghe thử xem có chuyện gì không hay sẽ xảy ra cho Gru-sa không?”