Kẻ Giết Cha Mẹ

KẺ GIẾT CHA MẸ

Docsach24.com

rạng sư viện lý do bệnh điên để biện hộ. Có cách nào khác hơn để giải thích cái tội ác lạ lùng đó?

Một buổi sáng, người ta tìm thấy trong đám sậy, gần làng Chatou, hai thi thể quấn vào nhau, một người đàn ông và một người đàn bà, hai người thuộc giới thượng lưu, giàu có, mà ai cũng biết, họ không còn trẻ nữa, lấy nhau chỉ mới năm ngoái; người đàn bà trước đó góa chồng đã ba năm.

Họ không có kẻ thù, không bị cướp bóc. Hình như họ bị vứt xuống sông từ trên bờ, sau khi bị giết bằng một mũi sắt nhọn.

Cuộc điều tra không đưa đến đâu. Các thuyền viên trên sông khi bị chất vấn đều trả lời là không biết gì cả. Người ta sắp sửa gác qua một bên vụ giết người đó, thì một người thợ mộc trẻ của làng bên cạnh tên là George Louis, biệt danh Ông trưởng giả, tự đến nộp mình.

Để trả lời tất cả những câu chất vấn, anh ta chỉ nói điều này:

Tôi biết người đàn ông đó từ hai năm nay, người đàn bà từ sáu tháng nay. Họ thường đến nhờ tôi sửa bàn ghế cổ, bởi vì tôi khéo tay trong nghề.

Và khi người ta hỏi:

Tại sao anh giết họ?

Anh ta một mực trả lời:

Tôi giết họ vì tôi muốn giết họ.

Người ta không tài nào biết thêm được gì nữa. Có thể người thanh niên đó là một đứa con vô thừa nhận, xưa kia được giao phó cho một bà vú nuôi trong vùng, rồi bị bỏ rơi. Anh ta không có tên gì khác hơn là George Louis, nhưng vì khi lớn lên, anh ta trở nên thông minh lạ thường, anh có những sở thích và những nét tinh tế bẩm sinh mà các bạn anh không có, cho nên người ta cho anh cái biệt danh là Ông trưởng giả, và người ta không gọi anh bằng cái tên nào khác hơn. Anh được coi như một người đặc biệt khéo tay trong nghề thợ mộc mà anh đã chọn. Anh cũng làm cả công việc điêu khắc trên gỗ. Người ta cũng nói anh là con người rất nhiệt tâm, đã từng theo chủ nghĩa cộng sản và ngay cả chủ nghĩa hư vô (1), ham đọc loại tiểu thuyết mạo hiểm và những truyện bi thảm đẫm máu. Anh là một cử tri có uy thế và là một diễn giả khôn khéo trong các buổi họp công cộng của thợ thuyền và dân quê.

Trạng sư biện hộ bằng cách quả quyết anh điên. Quả thật làm sao chấp nhận được việc người thợ đó đã giết chết người khách quý nhất của mình, những người khách giàu có và rộng rãi? Anh ta cũng nhìn nhận điều đó; khách đã đặt anh làm một công việc từ hai năm nay với giá tiền ba nghìn quan, sổ sách của anh có ghi cả. Làm sao chấp nhận được điều đó? Chỉ có một cách giải thích, đó là bệnh điên. Sự in trí của một người bị hạ phẩm giá làm cho người đó trả thù giai cấp trưởng giả qua hai người trưởng giả kia; và trạng sư đã khôn khéo ám chỉ cái biệt danh Ông trưởng giả mà người dân trong vùng đã tặng cho người con bị bỏ rơi đó. Trạng sư kêu lên:

Có phải đó là một sự mỉa mai làm kích động người con trai đau khổ, không cha không mẹ này? Anh ta là một thanh niên nhiệt thành của đảng cộng hòa. Tôi biết nói gì đây? Thậm chí anh ta thuộc đảng phái mà nền Cộng hòa đã xử bắn và đày đi xa cách đây không lâu, rồi hôm nay nền Cộng hòa lại giang tay để đón nhận, cái đảng đó đã xem việc đốt nhà là một nguyên tắc và việc giết người là một phương tiện đơn giản (2).

Những chủ nghĩa thảm hại đó được tung hô trong các buổi họp công cộng giờ đây mất đi một người đã bênh vực chúng. Khi anh ta nghe các đảng viên của đảng Cộng hòa, ngay cả những đảng viên thuộc nữ phái, vâng, thuộc nữ phái, đòi giết ông Gambetta, ông Grévy (3), thì tinh thần bệnh hoạn của anh ta bị xúc động, anh ta muốn sự đổ máu, đổ máu của người trưởng giả.

Thưa quý Tòa, anh ta không đáng bị lên án mà chính là công xã Paris.

Người ta nghe thấy những tiếng thì thầm tán thành, và ai nấy cảm thấy trạng sư sắp thắng. Viện Công tố không đáp lại lời biện hộ của trạng sư.

Ông chánh án liền đặt câu hỏi thường lệ với bị cáo:

Bị cáo không có gì nói thêm để tự biện hộ sao?

Người đàn ông đứng lên. Anh ta vóc người thấp, tóc vàng, mắt xám, nhìn thẳng, trong sáng. Một giọng nói mạnh mẽ, thẳng thắn toát ra từ thân thể mảnh mai của người thanh niên đó, và ngay những lời nói đầu đã thình lình làm thay đổi dư luận của công chúng về anh ta.

Anh ta nói lớn, giọng cầu kỳ trịnh trọng, nhưng rất rõ ràng, đến nỗi ở cuối phòng cũng nghe được từng lời của anh ta:

Thưa ngài Chánh án, vì tôi không muốn vào nhà thương điên và vì tôi thích máy chém hơn nên tôi xin nói ra đây hết.

Tôi đã giết người đàn ông và người đàn bà đó bởi vì họ là cha mẹ tôi.

Bây giờ xin hãy nghe tôi đây và xin hãy xét xử tôi.

Một người đàn bà khi sanh hạ một đứa con trai, đã gởi nó đâu đó cho người ta nuôi. Bà ta có biết đồng lõa của bà đã đem đi đâu đứa con vô tội đã bị đày vào cảnh nghèo khó vĩnh viễn, với sự xấu hổ của một đứa con hoang, hơn thế nữa, nó bị đày vào cõi chết, bởi vì người ta đã bỏ rơi nó. Khi người vú nuôi không còn nhận được tiền hàng tháng nữa, bà ta có thể làm như những người vú nuôi khác đã làm, nghĩa là để đứa bé tàn lụi, đói khổ và chết đi vì bị bỏ rơi.

Người vú nuôi tôi là một người lương thiện, có nữ tính hơn, cao thượng hơn và có tình mẫu tử hơn người mẹ của tôi. Bà đã nuôi nấng tôi. Bà đã sai lầm khi bà làm bổn phận đó. Thà để cho chúng chết đi, những đứa trẻ khốn khổ đã bị vứt vào các làng ngoại ô như người ta vứt rác ngoài rào.

Tôi lớn lên với cảm tưởng lờ mờ rằng tôi mang trong tôi một sự ô danh. Có lần bọn trẻ con gọi tôi là đứa con hoang. Chúng không hiểu ý nghĩa của cái tên đó, một trong bọn chúng đã nghe cha mẹ nó nói thế; tôi cũng vậy, tôi không hiểu gì, nhưng tôi cảm được.

Có thể nói tôi là một trong những đứa trẻ thông minh nhất trường. Thưa ngài Chánh án, đáng lý tôi là một người lương thiện, có thể là một người có hạng, nếu cha mẹ tôi không phạm tội ác bỏ rơi tôi.

Tội ác đó chính họ đã phạm phải để chống lại tôi. Tôi là nạn nhân, họ là kẻ phạm tội. Lúc đó tôi còn non nớt, họ đã không chút thương hại. Đáng lẽ họ phải thương tôi, nhưng họ đã ruồng bỏ tôi.

Tôi thì tôi mang ơn họ vì họ đã cho tôi sống trên đời này, nhưng sự sống có phải là một món quà không? Đời sống của tôi, dù thế nào đi nữa, chỉ là một cái họa. Sau khi họ ruồng bỏ tôi một cách xấu hổ như thế, tôi chỉ còn căm thù đối với họ. Họ đã chống lại tôi bằng một hành vi vô nhân đạo nhất, bỉ ổi nhất, quái gở nhất, mà người ta có thể làm đối với một con người.

Người bị lăng nhục liền đánh kẻ đã lăng nhục mình. Người bị trộm cắp liền đoạt lại của cải của mình bằng vũ lực, người bị lừa gạt, đọa đày, thì giết kẻ đã gây cho mình những điều đó, người bị tát tai, bị ô nhục, đều giết kẻ xúc phạm đến mình. Tôi bị trộm cắp, lừa gạt, đọa đày, tát tai về nghĩa bóng, ô nhục còn hơn những người mà ngài đã miễn tội vì họ nóng nảy, tức giận.

Tôi đã trả thù, đã giết người. Đó là quyền chính đáng của tôi. Tôi đoạt đời sống, hạnh phúc của họ để đổi lại cuộc đời ghê gớm mà họ đã áp đặt cho tôi.

Ngài sắp sửa nói đến tội giết cha mẹ. Họ có phải là cha mẹ của tôi không, những người đã xem tôi như một gánh nặng ghê tởm, một sự hãi hùng, một vết ô nhục; những người đã xem việc tôi sinh ra đời là một tai họa và sự sống của tôi là một mối đe dọa cho danh giá của họ? Họ đã đi tìm thú vui ích kỷ và đã có một đứa con bất ngờ. Họ đã thủ tiêu đứa con. Đến lượt tôi, tôi gây cho họ những điều họ đã gây cho tôi.

Tuy nhiên, cách đây không lâu, tôi đã sẵn sàng thương yêu họ.

Tôi có thưa với ngài, cách đây hai năm, người đàn ông, tức cha tôi, lần đầu tiên đến nhà tôi. Lúc đó tôi không nghi ngờ gì cả. Ông ta đặt tôi làm hai món đồ gỗ. Về sau tôi được biết ông có gặp cha xứ để hỏi nhiều điều về tôi, dĩ nhiên với điều kiện phải giữ kín.

Ông ta thường trở lại gặp tôi; ông giao công việc cho tôi và trả tiền rất hậu. Đôi khi ông nói chuyện này chuyện nọ. Tôi thấy có cảm tình với ông.

Đầu năm nay, ông đem vợ ông tức mẹ tôi đến. Khi bà bước vào nhà, bà run quá đến nỗi tôi tưởng bà đau bệnh thần kinh. Rồi bà mượn một cái ghế và xin một ly nước. Bà không nói năng gì; bà nhìn bàn ghế của tôi, vẻ như người điên. Khi tôi hỏi bà, bà chỉ trả lời “có” và “không” một cách quàng xiên! Lúc bà ra về, tôi tưởng bà hơi mất trí.

Một tháng sau bà ta trở lại. Lần này bà bình tĩnh, biết tự chủ. Ngày hôm đó, họ ở lại khá lâu để nói chuyện và họ đặt tôi làm rất nhiều bàn ghế. Tôi gặp lại bà thêm ba lần nữa, mà không đoán ra được gì. Nhưng ngày nọ, tự nhiên bà ta bắt đầu nói đến cuộc đời của tôi, tuổi thơ ấu của tôi, nói đến cha mẹ tôi. Tôi trả lời: “Thưa bà, cha mẹ tôi là những người khốn nạn đã bỏ rơi tôi”. Liền tức thì bà đưa tay lên ngực và té xỉu. Tôi liền nghĩ: bà ta là mẹ tôi! Nhưng tôi không để ai ngờ được điều gì. Tôi muốn đoán bà ta định làm gì.

Và tôi cũng tìm hiểu về họ. Tôi được biết họ chỉ mới lấy nhau hôm tháng trước, tức tháng bảy. Mẹ tôi ở góa mới ba năm nay. Người ta đồn là họ yêu nhau ngay khi người chồng thứ nhất của bà còn sinh thời, nhưng người ta không có bằng chứng nào về việc này. Chính tôi là cái bằng chứng đó, bằng chứng mà lúc đầu họ giấu kỹ, về sau muốn hủy hoại.

Và tôi chờ đợi. Một buổi tối, bà trở lại, lúc nào bà cũng cùng đi với cha tôi. Ngày hôm đó bà có vẻ bị xúc động, tôi không biết tại sao. Rồi lúc ra về, bà nói với tôi: “Tôi muốn điều tốt cho anh, bởi vì anh có vẻ một thanh niên lương thiện và cần mẫn. Có lẽ một ngày kia anh sẽ lấy vợ; tôi giúp anh tự do chọn lựa người vợ thích hợp với anh. Tôi đã từng bị gả chồng trái với ý muốn của mình, và tôi biết trong trường hợp đó người ta đau khổ như thế nào. Bây giờ tôi giàu có, không con, tự do, tôi làm chủ gia tài của tôi. Đây là món tiền để anh lấy vợ.”

Bà đưa cho tôi một phong bì lớn, dán kỹ.

Tôi nhìn thẳng bà và nói: “Bà là mẹ của tôi!”.

Bà lùi lại ba bước và lấy tay che mắt để đừng nhìn thấy tôi nữa. Còn ông, người cha của tôi, thì dang tay đỡ bà và hét với tôi: “Anh điên rồi!”.

Tôi trả lời: “Không bao giờ. Tôi biết rõ ông bà là cha mẹ tôi. Ông bà không thể lừa dối tôi như thế được. Hãy thú nhận đi và tôi sẽ giữ kín cho; tôi không trách ông bà đâu; tôi vẫn giữ lấy thân phận của tôi, là thân phận một người thợ mộc.”

Ông ta vừa đỡ bà vợ vừa đi lùi về phía cửa, bà bắt đầu khóc nức nở. Tôi chạy lại khóa cửa và cho chìa khóa vào túi. Tôi nói tiếp: “Ông nhìn kỹ bà đi rồi hãy tiếp tục nói bà không phải là mẹ của tôi.”

Ông ta liền nổi nóng, mặt tái nhợt, khiếp sợ vì nghĩ rằng sự tai tiếng đã giấu kỹ đến ngày nay có thể đột ngột bùng nổ; ông lo sợ cho địa vị, danh tiếng và danh giá của họ sẽ bỗng nhiên mất hết. Ông ta ấp úng: “Anh là đồ vô lại, muốn làm tiền chúng tôi! Chúng ta cứ việc làm ơn cho người dân đi, cho hạng thô lỗ đó, cứ việc giúp chúng đi!”.

Mẹ tôi cuống cuồng lập đi lập lại không ngừng: “Chúng ta đi thôi, đi thôi!”.

Lúc bấy giờ vì cửa bị khóa, ông ta la lên: “Nếu anh không mở cửa ngay, tôi sẽ cho anh đi tù vì tội dọa dẫm và dùng bạo lực!”.

Tôi rất bình tĩnh, tôi mở cửa và thấy họ chìm lút trong bóng tối.

Bỗng nhiên tôi cảm thấy như mình vừa mới trở thành mồ côi, bị bỏ rơi, bị ném xuống nước. Một nỗi buồn ghê gớm lẫn với cơn tức giận, sự căm thù, sự ghê tởm, xâm chiếm lòng tôi; làm như cả con người tôi nổi dậy, một sự nổi dậy của công lý, của cương trực, của danh dự, của tình thương bị hất hủi. Tôi liền đuổi theo họ dọc bờ sông Seine, nơi họ đang đi để đến nhà ga Chatou.

Chẳng bao lâu tôi theo kịp họ. Đêm tối đã lan tràn. Tôi đi nhẹ trên cỏ khiến họ không nghe thấy bước chân tôi. Mẹ tôi vẫn khóc. Cha tôi nói: “Đó là lỗi tại em. Tại sao em muốn gặp nó? Ở địa vị chúng ta, làm như thế là một chuyện điên rồ. Mình có thể làm phúc cho nó ở xa, không cần phải ra mặt. Bởi vì chúng ta không thể nhìn nhận nó thì những cuộc viếng thăm nguy hiểm đó ích lợi gì?”

Tôi liền xông lên trước mặt họ, van lơn. Tôi ấp úng: “Ông bà thấy rõ ông bà là cha mẹ tôi. Ông bà đã ruồng bỏ tôi một lần rồi, ông bà còn hất hủi tôi một lần nữa sao?”.

Thưa ngài Chánh án, lúc bấy giờ ông ta dang tay để đánh tôi, tôi xin thề danh dự, trước pháp luật, trước nền Cộng hòa. Ông ta đánh tôi, và vì tôi túm cổ áo ông, ông rút trong túi ra khẩu súng lục.

Tôi nổi cơn điên, tôi không còn biết gì nữa, tôi có cái com pa trong túi, tôi đâm ông ta túi bụi đến kiệt sức. Liền lúc đó bà ta vừa giật râu tôi vừa la lên: “Cứu tôi với! Có kẻ sát nhân!”. Hình như tôi cũng giết bà luôn. Làm sao tôi biết được những gì tôi làm lúc đó?

Khi thấy cả hai nằm sóng sượt, tôi liền vứt họ xuống sông Seine, không suy nghĩ. Mọi việc xảy ra như thế. Bây giờ xin Tòa hãy xét xử tôi.

Bị cáo ngồi xuống. Trước sự tiết lộ đó, vụ án được dời lại vào phiên tòa sau, để được sớm xét xử.

Nếu chúng ta là hội thẩm, chúng ta sẽ quyết định như thế nào đối với kẻ giết cha mẹ đó?

 

Chú thích:

 

Trong bối cảnh chính trị của Pháp thời bấy giờ, có nhiều khuynh hướng xuất hiện, trong đó có nhóm cộng sản, sau khi theo Auguste Blanqui (1805-1881) thì hướng về Edouard Vaillant (1840-1915), nhóm Cách mạng Xã hội chủ nghĩa chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa Mác, và nhóm theo chủ nghĩa vô chính phủ mà Maupassant gọi là chủ nghĩa hư vô.

Tác giả ám chỉ đảng của Jules Guesdes (1845-1922) là một đảng thợ thuyền theo chủ nghĩa Mác.

Léon Gambetta (1838-1882): thủ tướng Pháp từ 11/1881 đến 01/1882; Jules Grévy (1807-1881): tổng thống Cộng hòa Pháp từ 1879 đến 1887.