Người chèo nan nói như biết được cái nghĩ của Trắt.
- Còn đấu nữa, mấy đêm rồi vẫn chưa ngã ngũ thuyền nào giật được giải.
- Chén hết cá tiến mới tan hội?
- Có năm còn lâu hơn. Giật hết giải mới thôi, bảo là cái hèm thế. Càng lâu mới hết giải là càng lắm trai tráng mạnh khỏe, là điềm được mùa.
Người ấy cười:
- Cả đời, ở sông nước, mong trên đồng được mùa lúa mới có hạt gạo thổi cơm.
- Sao lại có tiếng tướng cướp bến Bỏi?
- Cái tiếng ấy cũng phải. Thiên hạ sợ vạn Bỏi như sợ thành hoàng làng, mới nên cái tiếng dữ dội thế.
- Bác nói như sao?
- Như bác Cả bảo ông sáng nay đấy. Nói thẳng ra bận gì mà bác Cả phải ra tay. Có thế phải không?
Những thuyền lưới đương tấp nập từng quãng sông. Đôi lúc gió lớn như bão cạn thổi cát lẫn phù sa đỏ ngùn ngụt bốc lên ngang trời, những chiếc thuyền qua lại mơ hồ như trong mây. Tiếng gõ cá, tiếng mái chèo va mạn thuyền tiếng chài quăng roàn roạt, nghe văng vẳng trong thinh không. Gió cát và dòng nước nhuộm trời đất đỏ lừ.
Trắt rụt rè hỏi:
- Phải cái đêm anh em cứu tôi ở nhà đội Quang, bác cũng ở đình Hàng Hòm?
Người chở nan cười, không nói.
Trắt về đến thì Cõi ở bên làng cuối đìa nước cũng vừa về. Quả là học thêm được mánh nghề của cụ phó mộc - những ngón hiểm chơi khăm khi hiệp thợ dựng kèo cột các nhà giàu độc ác, bủn xỉn. Nhà hờ, cột hờ, cũi hờ, cụ phó đã bảo ban cho.
Thấy Cõi, Trắt reo lên:
- Bác Cả cho cái hẹn rồi..
Có đến mấy phiên chợ, Cõi và Trắt lúi húi các bụi chọn những cây tre chết róc rắn chắc, lại cả tre non về hun khói giả tre già. Bốn cột cọc cũi chắc như gỗ lim, cứng như sắt, mỗi đòn nan bằng ống tay. Các nút chặt chẽ không lay được, lại nức chằng sợi mây. Con hổ, con trâu ném vào cũi này, có quạy đến rời sống tưng cũng đến chịu chết nằm co. Chỉ riêng người thợ cả nắm được ngóc ngách của cái cũi bề ngoài vững như cột đình. Cái thằng nằm trong cũi đã tường chỗ hiểm, giựt một nút lạt mây, cả cái cũi lập tức toang từng mảnh. Quả là phàm thợ ngõa, thợ mộc giỏi đểu có đòn phép. Gia chủ không được lòng thợ, cả đời phải vận áo xám vậy.
Nửa đêm, hai người đã bật dậy hì hục làm. Bấy giờ chỉ bào, chỉ tiện vì đêm hôm khuya khoắt, còn đồ nghề tràng đục thì làm vào buổi trưa, khi hàng xóm đã ra đồng, đi chợ, xuống bến. Trắt đã nằm vào cũi, giựt thử. Cả mấy lần, cái cũi đương bề thế phút chốc rụng rời ra. Mà chưa yên tâm, lại chính Cõi chui vào, đến lúc Cõi dạy Trắt đẩy nhanh thoăn thoắt thuận cả tay phải, tay trái, mới được bằng lòng.
Có điều Cõi áy náy, nhưng nói ra e Trắt cản, gạt đi. Nhưng rồi cũng phải thổ lộ rồi mới yên mà làm.
- Cái con mẹ mồm loa mép giải nhà tôi, chú ạ.
- Anh bảo thế nào?
- Thế là đằng nào nó cũng đã biết. Phải thịt nó đi, mới bịt được mồm nó.
- Ấy chết!
- Không có, nhỡ một cái, mình chưa động tình mà cả hàng tổng đã biết thì nước lã ra sông. Chẳng những công cốc mà có khi mình mất mạng.
- Tôi đã nói bác nên khuyên bảo. Một ngày nên nghĩa, thầy cô, cũng như cha mẹ, con cái phải báo đền, nói thế chắc bác ấy phải nghe ra.
- Biết thì nó vẫn biết, tôi đã nói, nhưng nó trống mồm lại cục tính.
- Nhưng mà đánh chết người thì không nên.
Rồi bẵng đi ít hôm. Cõi bảo Trắt:
- Nghĩ ra rồi, khi đi thì ta trói nó lại, bảo trước nó vậy, làm thế nào đến hôm nó cởi được thì việc ta đã xong.
Trắt ngần ngừ:
- Tùy bác.
Tùy Cõi, chứ Trắt biết tính sao. Vợ chồng mới biết nhau và chỉ Cõi mới làm được thế. Cái trái tính trái nết là những đối xử với nhau, lúc mặt nặng lúc mặt nhẹ, Cõi nói quá đi vậy chứ không đến nỗi Cõi ngờ ả có ý phản phúc, nhưng cái thói ba hoa nói hóng nói hớt lại hay nói dối vặt thì có thể khốn đấy. ừ đem trói nó ra ngoài xó vườn, bảo nó rằng làm thế cho hết nhẽ, nhỡ xảy ra điều không may, quân quan về tra soát mà thấy nó bị trói, giẻ nhét vào mồm, ắt người ta cho là vô tội, không liên lụy. Nói trước với nó thế, cho nó nghe ra.
Ngày ấy, ngày ấy đã ước với bến Bỏi. Cơ chừng đã xong xuôi cả. Trắt đã nói, ta cứ khởi sự, thế nào các ông ấy cũng biết, lại hẹn giờ giấc, như đinh đóng cột.
Bây giờ đến việc tung tin. Thổi hé ra cho người làng đi chợ, phao rằng nhà Cõi đã bắt được thằng kẻ cướp vào nhà ông lãnh Quang trốn về đây. Nó bị nhà Cõi gô cổ lại rồi. Tóm được đứa có tội tày đình phải truy nã thì được thưởng to, phen này nhà Cõi lên voi ngồi kiệu rồi. Câu chuyện kín đáo ghê thế, chỉ rỉ tai, đã loang ngay, càng được thêm thắt ly kỳ hơn.
Thằng bán dầu kẻ cướp ấy đã mấy lần vào rình nhà ông lãnh Quang. Nó biết ông lãnh Quang mới chém giáo thụ Cao nổi giặc, ở phủ Quảng, được thăng chức, được thưởng hàng chum bạc, lại được đổi ngay về Kẻ Chợ. Cả Kẻ Chợ đã ca dao chuyện nhà lãnh Quang làm tiệc khao, ăn cỗ, xem hát ròng rã mấy phiên chợ liền, khách tận Sơn Tây xuống nườm nượp. Nhà ấy thăng quan được về Kẻ Chợ mà. Chẳng phải chỉ vài chum tiền đâu mà cả cây bạc, cây vàng nữa. Thằng bán dầu mới hóa ra thằng kẻ cướp gan liền. Nhưng nó chưa tính hết nước. Lãnh Quang còn cao mưu hơn. Lọt vào mấy lần mà không quơ được cái váy rách, không dắt được một con trâu, lại còn suýt cụt đầu.
Thằng kẻ cướp trốn được sang sông toan lập bọn định làm mẻ nữa. Bị nhà Cõi vờ theo, đổ cho một trận rượu, thế là trói nghiến được. Phen này thì vợ chồng nhà thằng Cõi kiết xác sắp được ngồi vắt chân chữ ngũ, vuốt râu xốc váy mà ăn mấy đời chưa hết của.
Câu chuyện đồn, được bàn tán râu ria thêm mãi. Trói rồi, đóng cũi rồi, đợi quan trên về giải đi thôi. Nhà Cõi đương gọi người khỏe, táo tợn đến vác thằng kẻ cướp sang Kẻ Chợ để lĩnh thưởng cho nhanh. Có mấy đám đến xin việc bị Cõi chê ỏng eo là: “Ốm đói sắp chết”, thằng tù này dữ hơn ông ba mươi. Cái giả thổi đi, những người thật đến hỏi. Có người thợ cày lực lưỡng, bác Cõi bĩu môi: “Ngữ mày chưa khiêng nổi cái cũi qua bờ ao làng”, rồi xua ra. Chuyện bịa, chuyện thật cứ tung lên thế.
Những đồn thổi xuống sông, sang chợ, mắm muối thêm mãi. Đến đỗi rồi người ta quá sợ, nhìn chỗ nào cũng thấy cướp, chỉ dám thầm thì sau bức vách, trong cột hàng nước, nấp vào cái mành mành buông sụp xuống, nhưng như thế cái hãi hùng lại càng lan nhanh. Cũng chỉ ghé tai, thật cũng chưa ai tò mò lởn vởn đến nhà Cõi xem thế nào. Cái nhà bác Cõi mưu mẹo tài ba nhường mấy mà lôi được quỷ sứ dưới địa ngục lên nhốt vào cũi. Xóm nhà Cõi rồi vắng teo, khác lệ thường trong làng, động một mảy, đám cãi nhau, người say rượu, người trẫm mình, con trâu chết, cứ lũ lượt kéo đi qua, kéo đến xem. Đằng này, bề ngoài dửng dưng như không, nhưng là sợ.
Mụ Cõi te tái hớt hải ngoài chợ về. Mụ nói bô bô từ cổng tán:
- Cả chợ người ta nói dăng dăng nhà này sắp làm giặc, nuôi giặc chết lây đến cả con mẹ này đây, chẳng biết đầu cua tai nheo thế nào.
Cõi ngọt nhạt:
- Có gì đâu, nhà mày biết cả rồi. Cái cũi kia kìa...
- Nó đồn các người định đi chọc tiết những ai... những ai... Đã bảo đừng dại...
- Nhà mày dại thì mới nói thế.
- Các người ăn phải bùa mê bả dột thì có. Rước cái cũi về... rồi thế này, thế này... Một đống tiền của chú ấy đấy, ở yên mà chén chú chén anh nào.
- Chớ dông dài. Kín tiếng cái đã. Hôm nào đáo sự tôi sẽ nói cho mà nghe.
- Chẳng nghe đứa nào. Cái hầu bao ấy, đưa đây không thì chẳng mấy lúc mà hết tong.
- Hôm nọ, chú ấy đã bảo thế.
- Hừm, sao chưa đưa. Đến phải đi báo quan cho trắng mắt ra rồi mới đưa chắc?
Cõi nổi cáu:
- Mày mà nho nhoe, ông chặt cổ.
- Rõ ở dưng không lành, ăn cơm không ăn, ăn...
Có lúc, Cõi cũng toan nhỏ to bàn bạc với ả, như đã định thế. Nhưng Cõi không chịu được ả nói bẳn mà ả thì mở miệng lại xẵng lời. Đáng lẽ bàn chuyện cái hầu bao tiền, Cõi lại xông vào ục tới tấp. Mụ Cõi cấu xé lại, khóc hu hu. Lúc ấy Trắt đi đâu vắng.
Một hôm, một cơ lính - chưa vào đến nơi đã có người chạy về báo lính quan tổng đốc ngoài Kẻ Chợ, đã tràn cả trên đê. Khắp cả làng nháo nhác sợ đên đỗi như những cái mắt tre cũng phải giương mắt ra như mắt người. Hơn ba mươi người lính, áo nâu dài, thắt lưng bo que, vác súng vác dáo, có ông suất đội cưỡi ngựa đeo thanh gươm - thật đấy là con dao bảy nước sơn then bọc vỏ đã tróc nham nhở mặt gỗ. Ngoài sông, gió cát đỏ xẫm lên cả cánh đồng, bụi lấm vó ngựa và chân người. Mấy cô con gái đi cấy chiêm không dám tiếc rẻ cắm rốn nốt tay mạ, hớt hải chạy núp vào bờ tre.
Bọn lính đến nhà lý trưởng, nhưng cả trương phiên khán thủ và tuần đinh cũng trốn tiệt từ bao giờ. Bao nhiêu năm lụt lội, loạn lạc, không biết cánh nào là kẻ cướp, là quân quan, chẳng đâu còn ra lệ luật, thể thống. Huống chi lại từ khi bên Sủi bị triệt hạ, đã thấy nhãn tiền. Cứ nghe có lính, thế là chẳng biết sao, hãy chạy đã. Các chánh lý, cụ tế chủ, cụ từ giữ đền cũng mất tăm. Con trâu, con chó theo người, cả xóm không một tiếng chó sủa, tiếng nghé ọ. Có lẽ chỉ còn mỗi nhà Cõi ở lại.
Không biết đâu đã mách, lính xồng xộc vào thẳng nhà Cõi. Người người hốc hác, từ mặt xuống hai ống chân, đỏ xạm, loang lổ từng tảng cát rơi xuống. Ai nấy đói vàng mắt, lã người ra rồi, không lê bước được nữa. Ông suất đội cũng mặc cái áo nâu da bò, khác lính có dải thắt lưng điều bạc nhờ nhệch, đầu quấn vòng khăn lượt che cái búi tó. Ông vẫn ngồi trên ngựa, nhưng trông cũng khướt lắm. Con ngựa còm nhom, lưng trần, cái yên lót bằng mảnh mo cau, với hai dẻ thừng làm cương. Chẳng biết bắt được ngựa làng nào, hay vì phải đi ngoắt ngéo nhiều xóm tìm người tìm chỗ, con ngựa thở phì phì, mõm rớt rãi rỏ giọt.
Ông suất đội cất tiếng đói thuốc phiện khàn khàn:
- Ới ới! Đinh Ất, đinh Giáp, đinh Bính, nhà này nhà đinh nào? Có đứa nào ở nhà không?
Cõi chạy ra, hai tay chắp lòng khòng.
- Bẩm con là đinh Cõi.
- A, mày là thằng Cõi.
- Con là thằng Cõi.
- Có lệnh về hạch tội đinh Cõi cho ra nhẽ. Phải mày là thằng Cõi?
- Bẩm quan...
- Quan đem lệnh trên truy nã thằng bán dầu có tội cướp nhà quan. Có phải mày chứa chấp thằng bán dầu?
- Con không biết thằng bán dầu nào. Con chỉ biết con bắt được một thằng ăn cướp. Mời quan vào nhận diện nó.
Suất đội quay đầu lại. Những người lính đương đứng, ngồi xổm lố nhố, chống cái mác, khẩu súng dài ngoẵng, ai cũng còn khượt ra hơn thế. Cũng chưa ai biết mặt mũi thằng bán dầu, thằng kẻ cướp thế nào.
- Trói đinh Cõi lại. Quân ta đóng lại ở nhà nó, nhà nó đây rồi.
Thấy bảo “nhà nó đây, đóng lại”, cả lũ sướng ngã ngồi ra. Cố quá rồi, cái xương sống không còn sức đỡ được cái lưng nữa. Có người rút cuộn dây mây quàng ở cổ con ngựa ra.
- Ô hay, sao các quan trói tôi?
- Trói cho nghiêm lệnh, rồi mới tra hỏi. Mày chưa biết cửa quan bao giờ a?
Người lính đương trói tay Cõi, rỉ tai:
- Bảo chạy thuốc phiện về cho quan thì mày được nới tay. Mau lên.
Ông suất đội lại hét:
- Tên Cõi!
- Dạ.
- Quan nghỉ ở nhà mày. Quân đóng ở nhà mày. Cơm rượu, thuốc hút bưng ra. Không có thì chúng mày giải nó đi tìm...
- Bẩm mấy phiên chợ rồi con ở nhà canh tù, con phải nhịn đói. Làng này sợ có giặc, sợ các quan về. Chạy hết cả rồi.
- Làm cái thòng lọng, buộc cổ đinh Cõi lại, giải đi tìm người về.
Chẳng ai nhúc nhích. Một người xách con dao vào.
- Cho chúng con đem cắt tiết thằng này thì mới ra được rượu thịt.
Cái lệ quan quân đi việc công ở đâu cũng bắt đầu dọa một vài câu từa tựa thế thì rồi mới tòi cơm rượu ra được. Cõi quì xuống vái ông suất đội. Rồi cứ hai tay bị trói, Cõi lật đật ra ngõ.
- Thằng kia định trốn à?
- Tôi đi réo vợ tôi về tìm rượu, tìm thuốc cho các quan. Nó biết các chỗ người ta trốn.
Ông suất đội nói:
- Không được cho đàn bà làm việc quan. Mà đinh Cõi, mày phải đứng yên, quan hỏi đã. Thằng kẻ cướp bán dầu đâu? Có mấy đứa?
- Có mỗi nó. Con đã cũi nó đằng sau nhà.
- Đem ra đây.
Cõi dẫn bọn lính ra sau nhà. Ngoài vườn, dưới gốc cây ổi, cái cũi cao lù lù như cái bẫy hổ, bốn chân lênh khênh bằng cây vầu đực. Ở trong, một người cởi trần nằm ngửa, đóng chiếc khố một, mình mẩy thâm tím bê bết bùn, một bên bắp đùi buộc cái bẹ chuối. Tưởng như con hổ mắc bẫy. Lại trông ra mảnh vườn hoang, cỏ tranh mọc lút đầu, ngỡ là vẫn có cánh cướp nấp trong ấy cả bọn hoảng hốt khiêng vội cái cũi ra sân trước.
- Làm sao chân nó phải bọc thế kia?
- Bẩm phải đánh nhau tợn mới bắt được nó. Tôi đâm một mũi thùng lùng. Không biết nó có gãy xương đùi hay không, nhưng máu nó ra nhiều quá, nhỡ nó mà chết thì tôi buột mất tiền thưởng, tôi phải lấy bẹ chuối buộc cho nó cầm máu lại.
Câu rỉ tai lúc nãy của người lính mà đúng, ông suất đội dịu giọng, nói khác:
- Thế là được. Bây giờ cho hai thằng dẫn nó đi gọi vợ con nó về.
Cõi ra đầu ngõ, gọi ới ới một lúc, chẳng thấy bóng mụ vợ đâu. Nó trốn chỗ nào, chẳng biết. Thế là cái việc định trói nó một chỗ chưa biết ra sao. Mà cũng chẳng biết rõ hôm nay hay mai bọn lính mới về Kẻ Chợ. Thường thế này, quân quan còn nằm hạch sách. Cõi ngước nhìn trời, mai hay hôm nay sao cho sang đến Kẻ Chợ hôm này thì vừa nhọ mặt người, cái hẹn của bác Cả lúc chập choạng tối mà.
Hai người lính lại lôi Cõi vào. Đã thấy một lũ, ông khán thủ với bọn tuần phiên lố nhố trong ngõ. Biết lính về bắt thằng kẻ cướp ở nhà Cõi thì các chức sự trong làng lại mò ra. Chẳng phải vì mẫn cán, đợi việc, mà ai cũng đều thuộc trò vè về để ghé gẩm, ăn ghẹ. Cứ rêu rao không có, chết đói đến nơi, đi ăn mày cả làng rồi. Nhưng làng bỏ hoang thì người ta đốt làng mất. Ông lý lại sai gõ vào mỗi đinh, rồi cũng biện được đủ. Người đến làm cỗ, đến chực ăn cỗ, người vào xem, chen chúc đông dần. Những người lính xúc xạo đi các nhà bắt lợn. Thoáng thấy trong chuồng hay ở xó vườn có lợn, bọn ấy nhanh như chớp, đuổi túm hai cẳng sau, xách ngược lên. Tiếng lợn eng éc vang động. Những con chó nghe lợn kêu, chạy mất dạng. Rồi chẳng mấy lúc, đã đủ các thứ, gạo nếp thổi xôi, cả liên muối còn rượu thì từng hũ sành, lại bàn đèn và những cóng những ngao thuốc phiện. Chỉ không có khách khứa dập dìu, còn thì chẳng khác đám khao vọng quan cửu, quan bát hàng tổng. Hôm nào tính tráng kéo đi rồi, phờ phạc đến cả những cây rơm, bụi tre.
Ông suất đội đã nằm dài bên bàn đèn, quên cả hạch cái thằng Cõi lúc nãy nói láo là cả làng trốn tiệt. Chưa đủ mâm đã ngả. Ở lại hôm nay, hay còn mấy ngày nữa. Cuộc chén lu bù đến chặp tối, rồi cả đêm. Việc khẩn, ông suất đội cũng không dám dùng dắng, hôm sau, làm bữa sáng xong quân quan trảy. Tuần đinh, trai tráng được ăn ké nhưng cũng một phen khó nhọc, phục dịch rồi lại phải khiêng cũi tù ra tận bờ sông. Cõi cũng bị trói tay, thêm cái gông ở cổ rồi đẩy theo xuống thuyền.
Cái cũi thằng tù buộc gò bốn cọc giữa chiếc thuyền tam bản. Có lính canh bốn phía. Một chiếc nan kéo con ngựa của ông suất đội bơi theo. Một lúc, con ngựa sặc nước, giằng đứt thừng. Ngựa chìm vào làn sóng, không biết nó bơi được hay chết đuối đâu. Chỉ có ông suất đội trên nan, ngẩn ngơ nhìn theo. Cõi cũng phải ngồi ngay cạnh cũi. Hai tay trói, cái gông sáu khấc đóng khít cổ, gần tắc thở.
Chẳng sốt ruột sớm tối nữa. Có lo cũng bằng khống, cốt sao về được Kẻ Chợ lúc chặp tối, mà liệu. Mặt trời mới xế đỉnh đầu, đã vàng vàng chiều. Những năm ấy, vào mùa này, gió đùng đùng như bão cát. Trời đất vẩn vụ đỏ lừng lững. Đoàn thuyền rào rạt trôi theo dòng. Tưởng như sắp tối, thế là trong bụng lại như có lửa đốt.
Đám lính dưới các thuyền lên, xúm xít như đàn kiến tha mồi, bò về dinh ông lãnh Quang. Cái cũi khênh cao giữa bọn, đằng sau một dây thừng đay lôi theo một người cởi trần, gông đóng sáu then, những tay tre mới đẵn còn xanh ngắt. Đám rước lạ mắt, kinh hãi đến thế những người đi chợ chiều cũng chẳng ai dám ngước mắt, cả gồng gánh tránh dạt ra ven đường. Lơ láo rồi biết thế nào, nhỡ cái thì chỉ có oan gia. Ngày nào ở Kẻ Chợ chẳng có đám đánh người, giết người, những cũi, những rọ, những tù dây gông đóng tróng mạng, từ trong thành ra, dưới sông lên và ở các cổng nhà quan lãnh, quan chưỏng đem đi trôi sông, đem chôn sống, đem vùi xác ngoài tha ma.
Án này đưa về xử giữa sân nhà quan lãnh. Bấy giờ chưa hẳn tối. Cái sân gạch bát tràng đỏ xẫm như máu khô, thoạt nhìn đã hãi. Dinh cơ vẫn thế, nhưng chằng chịt thêm những búi chông trà, những quãng hào được đào rộng ra. Trên mặt nước, không biết vì mưa rào cá rạch, hàng đàn rô, trê lúc nhúc ngoi lên ăn nổi như tép nhảy ngoài sông Tô Lịch, ở mỗi góc cất lên một cái lều vó. Từng bọn lính vừa canh gác vừa kéo cá, kiếm cái ăn cái để. Lính ở nhà này vừa gánh việc quan, vừa cày cuốc, đánh cá. Người nào cũng vậy, cả hạn ở lính, các nhà các làng cứ từng vụ theo lệ, quảy thóc, đeo xống áo chăn chiếu lên đóng lương lính thì quản gia nhà quan nhận đem cất vào kho. Không ai được biết mặt lương xoạn của làng, của nhà nộp thế nào. Ông lãnh coi đấy là bổng nhà quan, còn lính thì cày ruộng, làm vườn, nấu nước mắm cáy “được quan cho kiếm lấy mà ăn, sướng ưỡn lưng ra rồi” quan lãnh bảo thế, chẳng ai dám ho he.
Cái sân lên nhà trên trước kia sân đất, lát gạch xong thì vừa dịp tiệc khao. Lên quan lãnh rồi quan chưởng, quan bố đến nơi, như sân đình làng, chẳng khác công đường dinh tổng trấn, tổng đốc. Ở giữa uy nghi án thư sơn son thếp vàng, hai bên giá cắm hươm vàng bát bửu. Đằng kia, một đống cùm, xích, bàn tra gông, gậy song, thừng đay, dây mây trói... Người có việc vào đi nem nép, những viên gạch xẫm gan gà rợn cả mắt.
Đã chiều rồi mà người đầy sân, đám này quan trọng quan xử gấp đây. Mấy người xách những đĩa dầu ra treo sẵn dọc hiên, sắp tối đến nơi, Cõi bỗng dưng đỡ nóng ruột, mà lại mong ngóng, lo lo. Bọn lính điếu đóm, lính canh, lính chạy thư đã ngồi đứng trực quanh. Ông lục khăn lượt quấn gấp nếp áo dài the trong lót áo lụa bạch, không biết cái quản bút tháp bút hay cái xiên giữ búi tóc cài trên gáy, các ông đã ra ngồi sau án thư làm vì, bên sập ông chánh lãnh binh. Trên sập đầu hè trải chiếu hoa, ông lãnh áo nhiễu cẩm, xếp bằng tròn bệ vệ. Một người lính cắp cái điếu ống khảm, xe trúc cong vắt đặt xuống. Một lính khác đứng nghiêm, cầm cái quạt lông, chốc lại phảy làm phép một cái.
Lãnh Quang khệnh khạng xuống sân, bước lại, nhìn cái cũi, cười khà khà rồi nói:
- Thằng bán dầu, tao tưởng mày trốn lên giời rồi. Lần này thì mày lên giời thật, con ơi!
Lãnh Quang đứng ra trước mặt Cõi, thản nhiên hỏi một câu rùng rợn:
- Mày nhìn xem tao tháo cũi có đúng cái mộng của mày không?
Lãnh Quang xoe ống tay áo đến khuỷu, nắm hai cọc cũi, lay ngược một cái. Cả cái cũi vững chắc bỗng tung ra từng thanh. Y như hôm trước Cõi với Trắt đã kỳ khu lắp những cái mộc chệch. Việc xảy ra như chớp, Cõi hốt hoảng không kịp kinh ngạc. Cõi vẫn đứng đây, cái gông khoác vào chiếc cọc tre, chẹt hai con mắt trố ra xanh lè mắt mèo trước cái cũi vỡ.
Lãnh Quang lủi lên thềm, hét dồn dập:
- Chặt chân, chặt đến ngang bẹn, bắt nó hóa ra con ếch nhảy chồm chồm cho ông xem.
Trắt đã choàng dậy. Nhưng những ngọn xà mâu dằn Trắt ra. Hai nút thừng trói cổ tay Trắt buộc mẹo đã đứt tung. Mảnh bẹ chuối tuột hết, Trắt lại chồm lên chộp cái chuôi con dao bầu. Vừa lúc, cả chục mũi dáo đâm xọc vào hai vế đùi. Trắt lại ngã ngửa xuống, máu phun ồng ộc ra như nước cống. Đã đứng sẵn, một người lính vung cái rìu. Hai vế đùi đứt đỏi, cái đầu gối quắp lại, hai bàn chân giãy như đuôi con thạch sùng đứt. Trắt lăn lộn trong vũng máu, trên các mảnh cũi vỡ.
Lãnh Quang ra lệnh từng câu như từng nhát búa.
- Cho nó mấy mũi giáo vào cổ. Quấn chiếu lại, khiêng ra ngoài tha ma. Đâm cho nó chết hẳn rồi mới chôn.
Các hiệu lệnh răm rắp như đã định đâu vào đấy. Cái chiếu mộc trải sẵn trên sân, Trắt bị hất lăn vào đấy. Bọn lính xúm lại, buộc túm hai đầu. Rồi cứ thế, thằng đâm vào chiếu, như đánh cồng, hai thằng khiêng ra cổng. Rơi xuống những thanh củi, một bên căng chân thò ra lỗ chiếu thủng, máu chảy đỏ đòng đọc.
Chiếc chiếu bó người chết đã đem đi khuất rồi, cả cái sân như còn khiếp đảm. Mới vàng mặt trời mà những người lính đã bật bùi nhùi đi châm bấc các đĩa dầu.
Không biết chúng nó luống cuống quên cả, hay cái lệ ông lãnh làm việc quan buổi chiều phải lên đèn sớm thế.
Thấy ánh lửa, Cõi như tỉnh hơn. Cũng đã thành thói tục, chiều đến thì gia nhân dọn mâm rượu ra đặt giữa sập. Khuỷu tay lãnh Quang vẫn xắn như lúc nãy bây giờ chống lên mặt chiếc gối xếp da bò thuộc, tay nâng chén rượu.
- Thằng kia, quỳ, quỳ xuống!
Cõi vẫn đứng trơ. Cõi chỉ cong chân lại, cũng không bỏ chân được. Cái gông tre kéo cổ lên, cổ khò khè như sắp tắt.
- Bướng, không quỳ hả?
Lãnh Quang cầm cái tay thước, rướn người ra, quật vào đầu gối Cõi. Cõi vẫn không nhúc nhích. Lãnh Quang mới nhận ra.
- À thế thì cho mày bình thân.
Rồi lãnh Quang hỏi:
- Tên mày là Mỗ, là Giáp, là Ất...
Mắt Cõi vẫn trợn.
- Những đứa nào xui chúng mày đi giết tao? Đứa nào?
Bè đảng giặc Quát còn bao nhiêu tên, chúng nó ẩn náu, trốn tránh những đâu, khai ra.
Không phải lãnh Quang chỉ cáu tiết mà bực quá đến lú lẫn. Không trông thấy cái gông xiết như treo cả hai con mắt Cõi lên, không chớp được. Lãnh Quang lè nhè, cảu nhảu:
- À.... bè đảng giặc Quát sai chúng mày về cắt đầu tao...
Cõi nhìn như cứng mắt lại, không chớp. “Ra gan mấy thì rồi mày cũng toi thôi, con ạ”. Lãnh Quang làu bàu. Rồi ngoảnh mặt, hét to:
- Con nặc nô đâu, ra quan thưởng.
Mụ Cõi ở trong sân bước ra. Đúng mụ Cõi, vẫn bước lanh chanh, cẳng dài sắp xoạc váy, như mọi khi ở nhà. Cái váy đụp dày mo nang nhuộm vỏ dà đã bạc màu. Vẫn cái váy ấy. Bàn chân to như bàn cuốc đi vớt bèo thuê cho người ta nuôi lợn, không cần giã, chân chỉ vò mấy nhát, bèo đã nát như tương đâm. Mụ thế kia, mà Cõi ngỡ không phải. Hai mắt Cõi vẫn không cúp xuống được nhưng mặt Cõi xám như nhuộm chàm. Cơ sự này tưởng không bao giờ ra thế, mà ra thế. Thật mụ không?
Không biết lãnh Quang đã nguôi ngoai cạn mấy chén rượu rồi, lão nhẹ nhàng hỏi:
- Phải đinh Cõi chồng mày không?
- Bẩm quan, phải.
- Nó câm hả?
- Mọi khi nó vẫn chửi đánh con cả ngày.
Nghe tiếng the thé giọng đồng trũng mới biết đích con tuyệt tự ấy.
- Bẩm quan...
- Quan hỏi mới được nói.
- Bẩm... bẩm...
- Đứa nào xiên cho nó một mũi dao vào họng bắt nó im.
Lãnh Quang cầm cái gối gỗ mít to bằng cái tráp đen quăng thẳng vào mặt mụ Cõi. Máu mũi mụ tóe ra. Mụ khụy xuống, vái lia lịa:
- Bẩm...
- Câm ngay! Đứng lên.
Mụ đứng, chắp tay. Miệng rì rầm như thường ngày hay lẩm bẩm thế.
- Mày đã có công giết chồng thì bây giờ quan thưởng. Chúng mày đem một cái rọ ra đây.
Hai người lính bê cái rọ tre to cao bằng hai cái chũm úp cá cộp lại, đặt giữa sân.
- Quan thưởng cho mày được ngồi trong cái rọ này rồi bay đâu, đem nó đi trôi sông.
- Bẩm... bẩm...
Không biết mụ định nói câu gì, nhưng một tiếng lãnh Quang quát như sét đánh đã đóng đinh miệng mụ lại. Lập tức, những người lính quấn tóc mụ, ấn thốc cả người vào cái rọ rồi rút cái thừng buộc túm lại. Một chiếc đòn ống xiên qua mắt rọ, hai người khiêng bổng lên.
- Buộc đá! Buộc ở đây cho quan nhìn đã. Buộc đá cho nó chìm được mát mẻ ngay.
Mụ Cõi lên cơn hốt hoảng rồ dại. Mụ víu, hai bàn tay cứa vào nan rọ chảy máu lõa lợi, mụ gào inh ỏi:
- Ối giời ôi, sao thế này, sao thế này...
Cái rọ đã ra khỏi cổng. Những người lấp ló ngoài bức tường đất, các gia nhân đầy tớ vẫn hay ra xem xử kiện, bỗng chạy sạch. Không biết người ta sợ kẻ phải đi chết hay họ đã táo gan đuổi theo ra bến xem bỏ xuống sông cái rọ con quạ mổ.
Trong sân, vẫn mọi người chức việc như lúc nãy, nhưng im vắng hồ như con dơi bay qua cũng nghe tiếng gió cánh. Mắt Cõi vẫn trợn ngược thế. Đầu gối Cõi rúm cong lên như người chết treo. Nhưng cái góc gông vẫn ngáng vào cọc. Tiếng thở hắt dồn dập, cặt cặt.
Tưởng nốc rượu nhiều thế đã làm lãnh Quang say khướt thế mà vẫn tỉnh. Mới nhìn ra, không phải nó hỗn, Không phải nó câm. Cái gông đương thít cổ lại, thằng tù chết đến nơi. Lãnh Quang quắc mắt:
- Hạ gông xuống cho nó thở!
Rồi lại nhớ ra.
- Đứa nào gông nó?
Suất đội lập cập:
- Bẩm...
- Ông suất hả? Lại đây.
Suất đội hí hửng tưởng sắp có thưởng.
- Ông gông nó nghẹt cổ thế thì đến bố ông cũng chết. Mà nó chết thì mày mang tội thay. Tao thử gông mày xem.
Lãnh Quang nhặt cái gông cạnh đấy quàng vào cổ suất đội, đã tụt cả giải khăn lượt xuống. Lãnh Quang đóng khấc chốt gông sâu nhất, chẹt cổ. Suất đội kêu ặc ặc như đứt lưỡi, lật đật quỳ mọp xuống.
Lãnh Quang cười hì hì:
- Mới dứ một cái mà đã vãi cứt ra quần rồi.
Lãnh Quang tháo bật cái chốt gông. Suất đội đứng dậy, thở hổn hển.
Lãnh Quang rót một chén tống rượu.
- Ông cũng đáng tội chết, cái tội để con ngựa chết đuối, nhưng hãy gác đấy. Thưởng cho ông suất một chén.
Một mình Lãnh Quang ngồi nhắm rượu. Chốc lại nghĩ ra một trò quỷ quái như vừa rồi. Lúc ấy, chẳng biết nắng nhạt vào đến giọt gianh hay ánh trăng non, hay dãy quang đèn đã sáng lung lay. Không! có việc cũng không ai dám nhúc nhích. Những mũi dáo, những mặt dao bảy sáng trắng. Mọi người phục dịch đã thuộc tính lão, chẳng cứ rượu vào mới thất thường. Có khi chỉ khác mắt, chỉ muốn nghe tiếng roi, lãnh Quang cũng bắt một thằng lính nằm thẳng cẳng, nọc ra đánh vun vút hàng chục roi. Không dám kêu, nếu lạy van thì còn quất cho đến phải cấm kêu rên mới thôi.
Lãnh Quang gật gù:
- Thằng kia!
Cõi đương ngồi sụp xuống từ lúc được tháo gông, nghe gọi, đứng câm như cái cột.
Lãnh Quang nói:
- Ừ, mày không phải cái giống phản phúc thì mày biết nghĩ. Tao cho mày hết đêm nay phải nghĩ cho ra bè đảng mày là những đứa nào, ở đâu. Sáng mai, ông cho bắc sẵn cái nồi ba mươi ở góc sân, mày mà không phun ra đủ ngọn ngành đầu đuôi thì ông xẻo thịt, ông luộc, ông nhắm rượu sớm. Mày nói thì sống, không nói thì chết, thế thôi. Hỏi chúng nó ở đây mà xem, ông đã nhắm tim, gan, bồ dục luộc, toàn những thứ bổ, đã bao nhiêu là thằng, ở cái sân này tao đã ăn thịt cả trăm thằng chứ không ít đâu. Bây giờ đến lượt mày. Nhớ đấy, cứ nhớ con vợ mày đem bán rẻ mày như bán con chó, tao đã giết nỏ như giết con chó, thì mày phải mang ơn tao.
Vừa tối, Cõi bị trói tay, dắt ra sau vườn - cái vườn nhốt tù của lãnh Quang. Ở đấy, sẵn một đống rọ. Cõi phải đẩy vào một cái, mỗi rọ đựng một tù, treo lên cành nhãn.
Trên cao lơ lửng, Cõi nằm vật xuống mặt nan. Người rời rã như sắp chết. Chốc chốc lại giật mình. Mọi việc một ngày hôm nay nhanh như bóng nắng, không kịp nhớ. Thế là Trắt chết rồi. Đáng nhẽ Cõi chết mới phải. Oan khuất quá! Ai biết đâu chữ ngờ. Tưởng nó chỉ là cái đứa ngồi lê đôi mách, cái tật to nhất chỉ là thèm ăn vặt. Thế mà mày đã bán cả tao hòng được miếng ngon. Lạy thầy, cũng tưởng ngày một ngày hai thế mà hóa ra mang lụy một đời.
Bối rối thế, quên cả cái hẹn. Mà nhớ cũng chẳng để làm gì. Trắt không còn nữa. Ai biết thằng Cõi. Mà bây giờ nằm trong cái lồng treo trên cây vườn hoang. Đành mai chết nốt thôi.
Ở trên chòi canh nghe tiếng trống rồi tiếng mõ báo vào thời khắc đêm hôm. Tiếng trống, tiếng mõ như vây bốn phía tường. Đàn dơi sà xuống lạt xạt trong vòm nhãn. Chưa phải mùa, nhãn còn xanh mắt mèo, đàn dơi đói sục quăng quả vào đêm như tối giữa rừng.
Mỗi khoảng trống canh, tiếng mõ khắc khoải, rời rạc. Dinh cơ ông lãnh Quang cũng chẳng khác doanh trại trong thành, lính võ sanh đi rẻo cẩn mật thâu đêm.
Mới dứt hai đợt mõ, các phường xung quanh đã im lặng như tờ. Rồi lần lượt, mõ sang canh, trống tàn canh. Những tiếng cầm canh trong thành và các dinh thự cũng đánh hiệu cho các phường, các làng xa gần. Người già thức giấc, đun nước uống theo tiếng mõ. Người chợ đường xa, người làm đồng dậy thổi cơm sớm, liệu mà nghe trống canh mấy.
Nhưng lạ, đêm ấy trong dinh lãnh Quang chỉ văng vẳng có một đợt mõ, rồi im. Thoạt đầu, phường xã chẳng để ý, vì cũng chưa đến nửa đèm, vả chăng tiếng trống tiếng mõ quanh năm suốt đời cũng quen tai như nghe con dê ri rỉ thâu đêm. Lúc ấy đã khuya, bỗng đằng dinh cơ nhà ông lãnh Quang bừng lên. Người chạy ra đầu nhà nhìn, không nghe tiếng nổ mắt nứa mắt vầu, không phải đám cháy. Nhưng mà cả hai tòa nhà ngói bát vần sáng rõ, các gờ tường, những chuôi vồ đấu mái. Chắc có đám cướp đã lọt vào dinh ông lãnh Quang. Vừa xử cướp chặp tối, bây giờ lại bị cướp Cướp quanh Kẻ Chợ ra vào như chợ không người chẳng biết trên đầu có ai. Cướp thật, cướp đã bật hồng rồi. Bùi nhùi lên cả trăm cây đuốc nỏ sáng như ban ngày. Nhưng bốn bên chưa nghe đâu nổi ngũ liên hiệu ốc, điệu tù và. Cứ băn khoăn mãi sao đuốc đóm sáng ra tận chân tre, mà tuyệt nhiên không một tiếng kêu gào, hò hét nhốn nháo, vẫn tiếng giun dế xung quanh than vãn ri rỉ như nước rãnh chảy.
Đấy chính đám cướp bến Bỏi đã đến theo hẹn của bác Cả với Trắt. Đông lắm, hầu như các tay chèo dưới vạn lên. Bác Cả bảo đêm nay ta xuống hạ thành mà. Một thành chứ mấy thành Kẻ Chợ cũng chỉ vài mồi lửa. Cái hẹn cứu nhau, một lời nói nặng như đá đeo, như ăn thề. Quả là người ngoài Bỏi đã vào được nhà lãnh Quang lúc nhập nhoạng tối. Cho quân vào lúc ấy cũng là ý tứ đã chín. Bấy giờ ngoài đường còn lác đác người, lại vào lúc đó, khó nhận. Các nhà hàng phố đương lên cửa, cổng phường sắp đóng, tuần tráng chưa cắt canh, các làng quanh đã ra họp chợ đuổi ngoài đầu ô. Người vào người ra, con trâu và gồng gánh, bó củi, rổ rau vào cổng làng. Dinh nhà lãnh Quang ngay đấy, nửa làng nửa phố, cũng nhộn nhịp trước cổng một quang cảnh ấy.
Những người bến Bỏi bất ngờ tỏa ra, rạt dần vào bốn phía bờ ô rô. Vào được trong cây rồi, người hóa con thằn lằn, con mối bò rướn chân dưới gốc cây rồi leo lên tường, rồi lại trở xuống nước bơi đứng qua hào. Ngườí đàng sông, ở nước còn thạo hơn đi trên bộ, qua mặt hào từng búi chông chà như lùm cây. Lướt nhẹ phơ con thuổng luồng, chẳng mũi chông nào bợn được vào mình. Những con dao và cây đình liệu bọc lá chuối giơ lên đầu, đẩy trước mặt. Cả mấy chục con người đã lọt vào quanh nhà.
Khi ấy đám xử đã xong, trên sân không còn ai.
Phút chốc, biến bong khắp nơi. Trên chòi canh, người lính đương giơ các dùi mõ, bị khóa tay trói vào cột lều. Miệng vừa há hốc đã bị một nắm bùi nhùi bẹ cọ luyện với một cục sơn then tống vào miệng, không đụng đậy được cả lưỡi. Các chòi canh trên tường, trên cổng đã cùng một lúc, im bặt. Trên gian chính giữa nhà, ở buồng toàn đàn bà con gái, xuống nhà ngang các gian bếp, gian lính, mấy chục con người đều phải trói như lợn, một miếng râu cọ sơn then trám vào tận họng. Những con chó ngao sợ mùi bả, nhưng lẩn không kịp. Trong xó luồn, gầm giường, ngoài bờ rào, đã bị tròng lọng bốn chân, chó giãy lên mấy cái, đã chết thè lưỡi. Chỉ phút chốc, một vùng im phăng phắc.
Nhưng tìm đâu cũng không thấy Trắt. Phá khóa cả dãy cửa kho, tường nhà giam, cũng không thấy. Khốn nỗi, chưa ai tường mặt lãnh Quang. Lại tối như hũ nút mà chưa dám động tay bật hồng. Mọi người xô ra giữa sân, bác Cả vẫn đứng đấy từ lúc mới vào, chỗ ấy nắm được động tĩnh nhà trên nhà dưới.
- Thấy thằng Trắt chưa?
- Không thấy.
- Bắt được lãnh Quang chưa?
- Chẳng biết đứa nào là lãnh Quang.
- Thế thì khốn rồi.
Bác Cả rít răng:
- Dẫn những đứa đã khóa mõm đi từng nhà.
Dường như đêm vẫn im ắng, nhưng trong đầu mỗi người thì căng như sợi thừng néo. Đêm càng tối càng thấp thỏm. Chốc chốc, mấy bóng người lại tất tả qua trước bác Cả.
- Bắt được chưa?
Những đứa đi nhận mặt vừa rập đầu lạy vừa lắc. Trông mẽ cũng chẳng đứa nào ra dáng thằng quan.
- Lại tìm nữa!
- Bác Cả cứ cho lệnh không chỉ ra mặt lãnh Quang thì chém hết cả nhà. Có thế mới được!
Bác Cả lắc đầu.
- Không được.
- Tối quá, sờ vào mặt cũng không biết!
Bác Cả nói:
- Bật hồng lên. Bắt được thì giải ngay thằng lãnh Quang về đây.
Rồi chợt nhớ:
- Tìm cho được thằng Trắt!
Trong dinh lãnh Quang lúc nãy sáng bốn phía, là như thế.
Những người bị trói lại phải lôi đi nhận mặt. Nhưng ai cũng chỉ lắc đầu. Vào các buồng vợ cả vợ bé, đến cả chục người đàn bà cũng cúi đầu lạy, đổ nước mắt ra. Lại khua ngọn dáo vào xó nhà, dưới gầm giường, cũng chẳng đụng cái gì. Không lẽ lãnh Quang đã trốn được cũng chẳng thể chui ra kịp, ra đăng nào. mà tuyệt nhiên không thấy, cả thằng Trắt cũng mất bóng.
Có những tiếng rú hồng hộc như chọc tiết lợn ngoài vườn. Những bó đuốc được nhảo ra, soi ngửa lên cây. Đám dơi ào ào bay ra. Nhiều những cái rọ treo, trong rọ có người cựa quậy, rên hừ hừ.
- Người phải không?
- Người... Người...
- Phải tội treo lên cây à?
Có tiếng hỏi lại:
-... Các ông... bên Bỏi phải không?
- Bỏi đây. Thằng Trắt đấy à?
Tíu tít những tiếng hỏi lên:
- Thằng Trắt đấy à? Lãnh Quang bắt mày bỏ rọ, Trắt!
- Không.
Mọi người lúng túng. Tiếng khóc rưng rức.
- Thì đem nó xuống hẵng hỏi.
Bác Cả đã vào vườn. Bác cả hỏi vào cái rọ vừa được cắt dây buộc, hạ trên mặt đất.
- Thằng Trắt đâu?
- Thằng Trắt chết rồi.
- Mày là thằng nào?
- Bẩm, tôi là thằng Cõi.
- A! Cõi đồng môn thằng Trắt?
- Vâng.
Ngay lúc ấy, tất cả các rọ người treo trên cây đều được cắt xuống, giứt lạt buộc hom rọ. Có người không đứng lên được, quểnh quàng bò ra. Cõi ngã phục xuống, hai tay víu vào cái tay thước bác cả Bỏi đương chống xuống. Cõi chưa biết mặt bác Cả. Nhưng trông bộ râu ba chòm của bác ấy và bao nhiêu chuyện đêm trước Trắt đã kể. Bây giờ thành nước mắt cả. Cõi khóc rống lên. Bác Cả quát:
- Không phải lúc vãi nước đái mắt ra. Im ngay!
- Lạy quan...
Hỏi khắp các người tù vừa được cứu ra khỏi rọ.
- Có biết mặt thằng lãnh Quang không?
- Có, có...
- Đưa đi bắt thằng lãnh Quang.
- Lãnh Quang... Lãnh Quang...
- Đi, đi ngay.
Bác Cả nói:
- Một thằng Cõi đi thôi. Tất cả ở lại đây. Lúc nào chúng tao về thì cũng tha cho chúng mày về!
Cõi đứng lên, lẩy bẩy.
- Cõng nó đi. Vào từng gian, nhìn mặt từng đứa.
Lát sau, cả bọn đã ra tụ tập trước sân. Cõi chống cái gậy tre.
- Thế nào?
- Không thấy đâu.
- Có thật mày đã tường mặt nó chưa?
- Con biết rồi mà. Không thấy đâu, không thấy đâu cả. Con đã bảo khua vào các gậm giường, lại dò bụi cây, trong chum bể nước.
- Quái nhỉ?
Bác cả Bỏi nhăn trán, hất chòm râu xõa vai, lặng đi một khắc, rồi nhìn lên:
- Sao nhạt thế kia, sang canh rồi. Không thể nấn ná được. Đành vậy.
Một người nói:
- Cho đốt cả mấy tòa nhà này. Mỗi mái một mồi lửa thì xong.
Có khi thằng lãnh Quang trốn chui trong mái nhà phải chết cháy.
- Cháy nhà ra mặt chuột!
- Mỗi cái bùi nhùi một mái!
- Đốt, đốt hết đi!
Bác Cả nghiêm mặt, giơ tay thước.
- Không, không được! Chưa biết thằng lãnh Quang có chết hay không, nhưng chết cả trăm người đương phải trói trong ấy. Thôi, không nên việc thì về.
Tất cả đi dòng dài, chập chờn, lẳng lặng ra đằng cổng. Những cây đình liệu tắt rụi rồi. Trời quang, chỉ có đốm sao li ti, nhưng những người đã quen đi đêm không cần biết sáng biết tối. Đã ra đến ngã ba bờ hào. Phía ngoài cổng vẫn tanh bành, trống hốc, im ỉm. Hai người lính gác trên chòi bị trói đứng cả đêm, không biết chúng nó lả đầu ra ngủ hay đã chết nghẹt. Cái tai bác Cả như có thần nghe xuống hào nước. Bác dừng lại, hỏi khẽ:
- Đã có đứa nào xuống soát các nhà bè chưa? Nghe tiếng sột soạt, xỉa dáo vào mà hỏi.
Tiếng nói đêm, ngay bờ nước, nhỏ mấy cũng vang rõ mồn một. Dưới hào, nghe động vó, cái cần gọng vó nhúc nhích. Một bóng người lom khom kéo cái thừng vó bè, nói lên:
- Lạy các quan. Tôi là thằng kéo vó. Các quan đừng...
- Thằng Cõi đâu, chúng mày xuống tận nơi.
Cõi bước đến bên bác cả, thì thào:
- Nó đấy, tiếng nó đấy. Thằng...
Lập tức, bác Cả với mấy người nhảy phắt xuống. Chiếc bè vó răng rắc nghiêng hẳn lên. Nhưng bóng “cái thằng nó” vừa lom khom ra cầm cái thừng néo gọng vó đá lặn mất tăm. Những ngọn dáo, những mũi đinh ba lao xoèn xoẹt xuống nước, chẳng thấy đâu.
Mọi người chưng hửng ngước quanh. Bác Cả đột nhiên nói:
- Đi đốt tất cả các nhà bè nhìn xem nó có còn bám quanh đây không!
Những cái lều vó cháy đùng đủng như con rắn lửa trôi trên mặt nước. Chốc lát, rồi tắt ngấm trong vắng lặng.
Đã ra bờ sông Cái, ngược một quãng. Những chiếc nan đón men sang bãi Giữa, rồi cứ thế, nan bơi ngược nước về Bỏi.
Tang tảng sáng, trên chòi canh nhà lãnh Quang, tiếng tù và liên hồi inh ỏi. Bốn bên phường xóm mù mịt sương sớm, vẫn tiếng tù và rền rĩ. Không thấy bóng lửa như lúc nửa đêm, lúc gà gáy. Nhưng vào khi rạng đêm sang ngày thế này mà tù và nổi thì chỉ báo có cướp, có án mạng hay là có việc quan trọng thành. Nhưng việc quan trọng ấy thì chẳng bận đến ai. Người già lại ra đầu hồi nghe ngóng rồi vào ngồi chõng thổi mồi hút thuốc, uống một bát nước chè tươi. Các bên láng giềng đã lục đục trở dậy. Tiếng tù và đánh thức người ta có sớm đôi chút, nhưng thế là cũng đã tan canh. Lửa rơm lập lòe trong bếp. Cái rõi chuồng trâu được tháo rơi bịch xuống. Quang gánh buổi chợ mai đã sắp ra ngoài hiên, đầu mái tranh.
Bảnh mắt rồi, vẫn không một ai đến gần bờ rào nhà lãnh Quang. Bây giờ đã biết tiếng tù và rền rĩ lúc sáng sớm từ trên chòi canh nhà quan lãnh Quang. Nhưng không ai rõ chính lãnh Quang đã bò dưới hào lên thổi tù và. Cứ phồng má, trợn mắt cho đến lúc hết hơi, lãnh Quang lả người, sụp xuống cái chân giá gác dáo mác trước chòi. Cứ nằm trơ thế mà không ai biết. Những người mọi khi gồng gánh đi chợ qua cổng, sớm ấy sợ động dụng thế nào đã đi tránh đường khác.
Một làn sương lạnh ướt phả vào mặt, lãnh Quang chớp mắt ngóc cổ nhìn vào trong chòi. Mới trông rõ hai thằng lính bị trói đứng vào cột lều, không biết chúng nó đã chết hay còn đương ngủ. Một miếng sơn then nhếnh nhoáng đen như mõm chó trám vào miệng.
Lãnh Quang lùng vào các gian nhà trên tất cả mọi người, ông già, bà lão, trẻ con, chỗ nào cũng la liệt người bị trói, bị miếng sơn trám chặt, phải lôi nắm bùi nhùi râu cọ ra mới há được miệng.
Những cái rọ nhốt người treo ngoài vườn nhãn đã bị rỡ tung. Lãnh Quang lẩy bẩy, run rẩy:
- Cướp bến Bỏi! Kẻ cướp bến Bỏi! Bay đâu vào thanh... vào... bẩm đêm qua kẻ cướp bến Bỏi xuống cướp Kẻ Chợ, mau lên!
Chú thích:
[1] Cá anh vũ sinh sống vùng ngã ba sông Cái ở Bạch Hạc, còn gọi là cá tiến, ý nói cá ngon tiến vua. Phong tục cũ, những thức ngon lạ được đặt cho để tiến vua: Nhãn tiến Hưng Yên, chuối ngự Hà Nam, rau muống tiến Sơn Tây.