Kể chuyện về kim loại

Ag - Kim loại của Mặt Trăng

Thắng hết trận này đến trận khác, quân của Alecxanđre xứ Makeđonia ào ạt tiến về phía đông. Ba Tư rồi Phenicia, Ai Cập rồi Babilon, Bactria rồi Sogdiana lần lượt bị chinh phục. Năm 327 trước công nguyên, quân Hy Lạp tràn đến biên giới Ấn Độ. Tưởng như không có sức mạnh nào chặn được đạo quân thiện chiến của vị tướng lừng danh đó. Nhưng bỗng nhiên, quân Hy Lạp bắt đầu mắc bệnh nặng hàng loạt về đường tiêu hóa. Những người lính gầy còm và kiệt sức đã nổi loạn, đòi trở về quê hương. Mặc dầu sự khát khao những chiến công mới đang lôi cuốn nhà vua, ông vẫn buộc lòng phải lui quân.

Nhưng có một điều đáng chú ý: so với binh lính thì các tướng lĩnh Hy Lạp bị bệnh ít hơn nhiều mặc dầu họ đã chia xẻ với tướng sĩ những nỗi gian lao vất vả của cuộc đời chinh chiến.

Các nhà bác học phải mất hơn hai ngàn năm mới tìm được nguyên nhân của hiện tượng bí ẩn đó: thực chất là các binh lính của quân đội Hy Lạp thời ấy giờ đã uống nước đựng trong cốc bằng thiếc, còn các tướng lĩnh thì dùng cốc bằng bạc. Mà bạc thì có một tính chất kỳ diệu: khi hòa tan trong nước, nó giết chết các vi khuẩn gây bệnh có mặt trong đó, thêm vào đó, để khử trùng cho một lít nước chỉ cần vài phần tỷ gam bạc là đủ. Chính vì vậy, nhóm người có vai vế trong quân đội vốn dùng cốc chén bằng bạc nên mức độ nhiễm bệnh ở họ ít hơn hẳn so với ở những người lính bình thường.

Nhà viết sử thời cổ Herođot kể rằng, ngay từ thế kỷ VI trước công nguyên, trong thời gian tiến hành rất nhiều các cuộc chính chiến, vua Ba Tư là Kyros đã chứa nước uống trong những bình “linh thiêng” bằng bạc. Trong các sách tôn giáo Ấn Độ cũng gặp những đoạn nói rằng, người ta dùng thỏi bạc nung đỏ nhúng vào nước để khử trùng cho nước. Tại nhiều nước đã có tục lệ ném xuống giếng vài đồng tiền bạc để “cúng giếng”.

Có lẽ ta có thể coi tác dụng làm sạch nước của bạc là nghề nghiệp cổ xưa nhất của kim loại này, mà ngay cả hiện nay nó cũng không từ giã nghề ấy: các ion bạc giúp cho việc bảo quản nước uống dự trữ cho các nhà du hành vũ trụ trên trạm quỹ đạo “Chào mừng”.

Đôi khi, do tính ngang tàng của một số nhân vật quyền quý mà bạc đành phải làm những việc hoàn toàn vô nghĩa. Chẳng hạn, hoàng đế La Mã Nêrong vốn nổi tiếng về thói hoang phí đã không tìm được việc gì hay ho hơn là việc đóng móng bạc cho hàng ngàn con la của mình. Nhưng đó cũng chỉ là một tình tiết nhỏ mọn trong tiểu sử của kim loại này. Nghề nghiệp cổ xưa thứ hai của bạc - nghề mà bạc đã hiến dâng trọn đời mình, là nghề làm thước đo giá trị, nghĩa là tiền.

Những đồng tiền bằng bạc đầu tiên đã xuất hiện vài thế kỷ trước công nguyên. Plini Bố cho biết, ở La Mã cổ đại, vào năm 269 trước công nguyên, người ta đã đúc những đồng tiền bằng bạc - đó là các đồng denarius. Từ giữa thế kỷ I trước công nguyên, trên các đồng tiền này thường có hình của các hoàng đế. Julius Cesar là vị hoàng đế đầu tiên được hưởng vinh dự đó. Ngay cả hoàng đế Quintillus tuy chỉ giữ được chức vị cao cả này mười bảy ngày vào năm 270 cũng đã kịp để lại cho đời sau những đồng tiền bằng bạc có mặt uy nghiêm của mình.

Dần dần, chủ đề trên các đồng tiền được phát hành ở các nước càng trở nên đa dạng hơn và đôi khi rất kỳ quặc. Chẳng hạn, năm 1528, ở xứ Bôhemi đã lưu hành những đồng tiền bằng bạc, trên đó in hình một người rừng, một tay cầm cây chùy, một tay cầm ngọn nến. Vì những công trạng gì mà con người hoang dã này đã nhảy được vào đồng tiền bằng bạc?

Theo truyền thuyết kể lại thì một người hoang dã ở miền rừng núi Bohemi biết nhiều người đi tìm bạc nên đã đến gặp những người đó, thắp một ngọn nến và gọi họ đi theo mình. Mọi người đi theo người rừng này một hồi lâu, rồi bỗng nhiên, ngọn nến tắt phụt và chính người rừng biến mất. Tại nơi xảy ra sự việc này, người ta đã tìm thấy một mỏ rất nhiều bạc.

Ở nước Nga, những đồng tiền bằng bạc do chính người Nga làm ra đã xuất hiện vào khoảng thế kỷ IX - X. Hiện nay còn giữ lại được những đồng tiền bằng bạc của công tước nước Nga là Vlađimia. Trên một mặt, có hình công tước ngồi trên “ngai” (là một cái bàn), còn trên mặt kia thì có hình gia huy của công tước. Trên đồng tiền có đề hàng chữ: “Vlađimia ngự trên ngai, còn đây là bạc của ngài”.

Hồi thế kỷ XII - XIII, tiền bằng bạc không lưu hành ở nước Nga nữa. Thời bấy giờ, các vùng đất đai từng hợp nhất lại thành nước Nga Kiep bị phân chia thành các công quốc riêng biệt, nên không có đồng tiền thống nhất cho cả nước nữa. Các nhà sử học đã gọi thời gian này là thời kỳ không có tiền tệ. Những thỏi bạc gọi là gripna, nặng chừng 200 gam lại bắt đầu được dùng làm tiền tệ. Sức mua của đơn vị tiền tệ này rất cao: một gripna có thể mua được 200 bộ lông sóc. Một nhà viết sử thời xưa chép rằng, phải mất hai ngàn gripna bằng bạc mới chuộc được mạng của công tước Igor - người đã bị dân Polovet bắt giữ vào năm 1185.

Đồng gripna nặng trình trịch không phải lúc nào cũng thuận tiện cho việc chi tiêu, bởi vì không phải chỉ cần để chuộc mạng các vị công tước, mà còn cần để thực hiện các giao dịch buôn bán và tài chính ít quan trọng hơn. Vậy là cần phải có những đồng tiền nhỏ hơn: người ta chặt đồng gripna ra làm đôi. Từ đó mà có những đồng rúp (Trong tiếng Nga, “rubit” nghĩa là “chặt”, vì vậy mà xuất hiện chữ “rubi” để chỉ đơn vị tiền tệ (N. D.).).

Ách thống trị của người Mông Cổ - Tacta đã kìm hãm sự khôi phục việc đúc tiền ở nước Nga. Đồng tiền “dirgema” hoặc “denga” (theo tiếng Tacta, “denga” nghĩa là “kêu leng keng”) do Lũ Rợ Vàng (Trong ngôn ngữ châu Âu, quân viễn chinh của người Mông Cổ - Tacta hồi thế kỷ XII được gọi là “Lũ Rợ Vàng”: golden Horde) tung ra đã một thời lưu hành ở Nga. Dần dần từ “denga” chuyển thành “dengi” (nghĩa là “tiền” trong tiếng Nga).

Mãi đến giữa thế kỷ XIV, khi nhân dân Nga đã làm suy yếu ách thống trị Mông Cổ - Tacta, ở Nga lại bắt đầu có tiền riêng. Năm 1534, trong thời gian trị vì của Elena Glinxkaia (mẹ của Ivan Hung bạo), hệ thống tiền tệ thống nhất cho toàn quốc gia Nga đã hình thành. Trên đồng tiền nhỏ bằng bạc có hình một kỹ sĩ cầm gươm; đồng tiền này được gọi là “tiền có gươm”. Còn trên những đồng tiền cũng bằng bạc nhưng hơi lớn hơn thì có hình một kỵ sĩ cầm ngọn giáo. Những đồng tiền như vậy được gọi là “tiền có giáo” - từ đấy phát sinh ra từ “côpech” (vì trong tiếng Nga, “kopio” nghĩa là “ngọn giáo”).

Hiện nay, thật khó mà truy tìm đến ngọn nguồn, nhưng hẳn là những kẻ làm tiền giả đầu tiên đã xuất hiện ngay từ khi những đồng tiền đầu tiên mới ra đời. Khi khai quật một thôn xóm của người Viking (một bộ tộc ở bắc Âu chuyên nghề buôn bán và cướp bóc ở các vùng ven biển châu Âu từ cuối thế kỷ VIII đến giữa thế kỷ XI - N. D.), các nhà khảo cổ học người Anh đã tìm thấy một đồng tiền Ảrập kỳ lạ, từng được phát hành trước đó một ngàn năm. Trong danh mục các hiện vật tìm được, đồng tiền này được ghi nhận là bằng bạc, nhưng chẳng bao lâu sau đã phải đính chính lại, vì phép phân tích bằng tia rơngen đã cho biết rằng, đồng tiền “bằng bạc” này đã được làm bằng đồng và chỉ được bọc một lớp bạc mà thôi. Cần phải đánh giá đúng tài nghệ của kẻ làm tiền giả thời xưa: chất lượng sản phẩm do y làm ra rất cao. Không phải nghi ngờ gì nữa, những người cùng thời với y không có phương tiện phân tích chính xác nên đã coi những đồng tiền giả được làm rất khéo này là tiền thật.

Một vật tương tự khác do các nhà khảo cổ học tìm thấy trong các cuộc khai quật ở gần Tasken cũng rất đáng chú ý: tại một hố rác của một di chỉ thành phố trung cổ có một “kho tiền” gồm mười sáu đồng “dirgema” bằng bạc từng được phát hành hồi đầu thế kỷ XI tại quốc gia Carakhanit. Sau khi lau sạch những đồng tiền đó thì mới vỡ lẽ ra: chúng đều được làm bằng đồng và chỉ được “xoa phấn” bạc mà thôi. Nhưng theo các nhà sử học thì triều đại cầm quyền thời bấy giờ chỉ đúc tiền bằng bạc nguyên chất. Các nhà chuyên môn đã đi đến kết luận rằng, đó là những đồng tiền giả. Còn điều này vẫn chưa rõ: vậy chúng đã rơi vào hố rác bằng cách nào? Có lẽ do nhà cầm quyền đã biết về việc làm ăn phi pháp này, nên để “phi tang”, kẻ làm tiền giả đã tạm cất giấu những đồng tiền trong hố rác nhà mình. Thế rồi chúng đã nằm luôn ở đấy ngót cả ngàn năm.

Đến thế kỷ XVII, việc làm tiền giả đã được thực hiện trên quy mô nhà nước. Năm 1654 đã qua. Cuộc chiến tranh quá sức mà nước Nga đã dấy lên với Ba Lan làm cho ngân khố trống rỗng, trong khi nhu cầu về tiền ngày càng tăng thêm. Sa hoàng Alecxây Mikhailovich đã tăng các thứ thuế má rất nặng nề, nhưng nhân dân đã lâm vào cảnh bần cùng nên không thể nộp đủ. Lúc bấy giờ, quan cận thần Feđor Rtisep đã nghĩ ra một cách mà y tưởng là có thể làm giàu cho ngân khố, nhưng thật ra thì đã dẫn đến những hậu quả tệ hại nhất.

Thời bấy giờ, tiền bằng bạc vẫn lưu hành ở nước Nga. Nhưng vì nước Nga không có bạc nên đành phải sản xuất tiền bằng ... tiền nước ngoài. Thông thường để làm việc đó, triều đình đã dùng những đồng tiền tây Âu staler đúc ở Iakhimop (thuộc vùng Czech ngay, nước Tiệp Khắc ngày nay) hoặc còn gọi là đồng “efimok”, rồi xóa chữ La tinh trên đó và điền chữ Nga vào.

Theo lời khuyên của Rtisep và của các nhà quý tộc khác, nhà vua đã kiếm lời bằng cách sửa lại giá trị của đồng tiền. Đối với ngân khố, đồng “efimok” trị giá 50 côpech (nửa rúp), vậy mà nhà vua đã ra lệnh dập vào đó con dấu một rúp. Ngoài ra, nhà vua còn ra lệnh cho lưu hành những đồng tiền nhỏ hơn, đúc bằng thứ đồng rẻ tiền và bắt dân phải coi chúng có giá trị như bạc. Theo dự tính của các nhà tài chính trong triều đình thì cuộc cải cách này sẽ đem lại cho ngân khố 4 triệu rúp - cao gấp vài lần tiền thu mọi thứ thuế trong một năm! Đầu óc nhà vua quay cuồng vì những món tiền lớn như thế, nên ông ta đã ra lệnh làm thêm thật nhiều tiền mới, “gấp rút ngày đêm, dốc hết sức lực để nhanh chóng làm ra nhiều tiền”.

Những đồng tiền rẻ mạt đã tràn ngập nước Nga. Nhưng sự lưu thông tiền tệ vẫn có những quy luật của nó mà không phụ thuộc vào quyền lực của ai, dù là của vua chúa cũng vậy. Nếu phát hành nhiều tiền hơn mức đã ấn định thì sức mua của đồng tiền sẽ giảm sút, từ đó giá cả mọi hàng hóa đều tăng lên. Điều đó cũng đã xảy ra ở nước Nga. Người dân bình thường rất nhảy cảm với những hậu quả của cuộc cải cách do nhà vua đề ra. Giá bánh mỳ và các thực phẩm khác tăng vọt, thêm vào đó, các nhà buôn chỉ đòi đổi hàng hóa lấy bạc chứ không muốn lấy tiền. Nhưng lấy đâu ra bạc bây giờ khi mà bạc đã bị vơ vét hết về kho của nhà vua? Nạn đói nổi lên trong nước. Sức chịu đựng của người dân đã đến mức tột cùng. Thế là, vào năm 1662, ở Matxcơva đã nổ ra một cuộc khởi nghĩa - đó là “cuộc nổi loạn vì đồng”. Cuộc khởi nghĩa này đã bị nhà vua đàn áp khốc liệt, nhưng dù sao dân chúng vẫn đạt được nguyện vọng của mình: tiền đồng đã bị thu hồi và được thay thế bằng tiền bạc như cũ.

Trong thời gian trị vì của Piôt đệ nhất, việc đúc tiền được tập trung tại xưởng đúc tiền Matxcơva nằm ở quận có tên gọi là “thành phố Trung Quốc”. Năm 1711, nghị viện đã “tuyên cáo: chỉ đúc tiền bằng bạc ở một xưởng đúc tiền ở thành phố Trung Quốc”. Về sau, theo chỉ dụ của Sa hoàng, một xưởng đúc tiền khác đã được thành lập ở Petecbua vào năm 1724. Xí nghiệp này - xưởng đúc tiền ở Lêningrat - hiện vẫn hoạt động và gần đây đã kỷ niệm 250 năm ngày thành lập.

Piôt đệ nhất đã sử dụng những biện pháp tích cực để mở rộng việc khai thác vàng và bạc. Mặc dầu nhà vua đã đạt được một số kết quả, song các kim loại quý này vẫn phải mua ở nước ngoài một thời gian dài nữa. Hiện còn giữ được những tài liệu rất đáng chú ý nói lên điều đó. Chẳng hạn, năm 1734, triều đình đã giao cho phó tổng đốc tỉnh Ircutxcơ mua một lượng bạc lớn của Trung Quốc.

Cũng khoảng trong thời gian đó, những người sành sỏi về quặng trong gia đình Akinfi Đemiđop - đại biểu cho triều đại hùng cường của các chủ mỏ ở Uran, đã phát hiện được một số mỏ bạc. Theo luật lệ nhà nước hiện hành lúc bấy giờ thì quặng bạc dù do ai tìm được ở bất cứ đâu cũng đều phải dung vào tài sản của triều đình. Nhưng Đemiđop lại không muốn từ bỏ những của cải mới lọt được vào tay mình. Ông ta bắt đầu đúc tiền riêng của mình, chẳng hề khác tiền của nhà vua một tí nào. Tuy nhiên, vẫn có một sự khác biệt: tiền của Đemiđop chứa nhiều bạc hơn tiền của nhà vua. Có lẽ đây là trường hợp duy nhất trong lịch sử mà tiền giả lại quý hơn tiền thật.

Nếu có thể tin vào truyền thuyết thì ở Nevianxcơ - lãnh địa của gia đình Đemiđop, có một xưởng đúc tiền bí mật. Trong tầng hầm của một ngọn tháp cao ở đây, những người nô lệ bị xiềng vào tường phải làm tiền giả suốt ngày đêm. Đó là một nhà tù khủng khiếp mà không ai có thể thoát ra khỏi, nên triều đình không thể biết được bí mật của ngọn tháp ở Nevianxcơ. Mặc dầu vậy, những tin đồn về ngọn tháp vẫn lọt đến kinh đô. Ban đầu, đó là những lời đồn đoán, và chính nữ hoàng Anna Ivanopna cũng không dại gì làm tổn hại những mối quan hệ với ông vua chưa thụ phong của xứ Uran này. Thật vậy, người ta kể rằng, một hôm, khi đánh bài với Đemiđop, nữ hoàng thắng cuộc và khi nhận một đồng bạc mới tinh từ tay ông ta, nữ hoàng đã bất ngờ hỏi: “ Đây là tiền do ta làm ra hay là do ngươi hả Nikitich ?” Đemiđop liền đứng dậy, buông thõng hai tay, cúi đầu và mỉm cười, thưa: “Tất cả chúng tôi đều là của bệ hạ, cả tôi nữa cũng là của ngài, mọi thứ của tôi nữa cũng đều là của ngài !”

Nhưng chẳng bao lâu sau đã xảy ra một sự kiện dẫn đến sự kết liễu cái xưởng đúc tiền bí mật này. Vì sợ cơn thịnh nộ của chủ, một người thợ trong xưởng của Đemiđop đã chạy trốn từ Nevianxcơ về Petecbua. Vừa biết được việc này, Đemiđop liền phái ngay một toán quân truy đuổi sau khi ra lệnh phải bắt kỳ được và giết chết tên đào tẩu, còn nếu không làm được như thế thì phải cấp tốc phi về thủ đô để báo cho nữ hoàng biết “tin mừng” về việc tìm ra mỏ bạc.

Người đào tẩu đã không bị bắt, thế là đành phải báo “tin mừng”. Một ủy ban đã được cử đến Nevianxcơ để tiếp nhận mỏ bạc. Hai ngày trước khi ủy ban này đến, Akinfi đã ra lệnh mở các cửa cống ngăn tầng hầm của tháp với hồ nước, thế là tất cả những người thợ ở đây - những nhân chứng về vụ phạm tội của Đemiđop - đã vĩnh viễn ở lại dưới nước.

Từ thời xa xưa, bạc đã được sử dụng làm đồ trang sức: những bộ đồ để ăn uống, cốc chén, hộp phấn sáp, hộp thuốc lá và những đồ dùng xa xỉ khác đã được làm bằng bạc. Giới quý tộc Nga và Pháp rất ưu chuộng những vật phẩm làm bằng kim loại này. Đối với họ, đồ bằng bạc “gia truyền” có ý nghĩa như tấm danh thiếp chứng tỏ nguồn gốc quyền quý và sự giàu sang của người chủ. Bá tước Orlop là chủ của một bộ đồ bằng bạc mà ngoài ông ta thì chẳng ai có: bộ đồ này gồm 3275 thứ; để làm ra chúng, phải tốn gần hai tấn bạc nguyên chất!

Những người thợ làm đồ bằng bạc ở Nopgorot đã nổi tiếng từ thời xưa; những người này đã từng lập nên một trường phái về nghề chạm và khắc trên bạc mà không ở đâu bắt chước được. Cốc, tách, chén do họ làm ra đã khiến người đương thời phải khâm phục trước vẻ đẹp của các đường vân hoa. Đã tìm thấy những cứ liệu chứng tỏ rằng, cuối thế kỷ XVI, có khoảng một trăm thợ bạc lành nghề cỡ lớn đã làm việc ở Nopgorot, còn thợ làm đồ lặt vặt như hoa tai, thánh giá, nhẫn thì nhan nhản. Những sản phẩm bằng bạc của các nghệ nhân Nopgorot còn lại đến ngày nay đều được trưng bày tại gian vũ khí, tại bào tàng lịch sử quốc gia và bảo tàng Nga ở Lêningrat.

Bộ đèn chùm đồ sộ của nhà thờ lớn Uxpenxki - một trong những di tích kiến trúc tuyệt với nằm trên địa phận điện Creli ở Maxcơva, được làm bằng bạc nguyên chất. Nguồn gốc của nó khá ly kỳ. Trong thời gian chiến tranh năm 1812, thứ kim loại quý báu này đã bị binh lính Pháp cướp bóc, nhưng do “những trục trặc kỹ thuật” nên không thể chở ra khỏi nước Nga được. Người Nga đã lấy lại bạc từ tay kẻ thù, và để ghi nhớ việc đánh bại quân đội Napolêon, các nghệ nhân Nga tài hoa đã làm ra bộ đèn chùm có một không hai này gồm vài trăm chi tiết mỹ thuật.

Trong thời đại chúng ta, bạc không làm mất đi vai trò của thứ kim loại tô điểm cho cuộc sống của con người, nhưng hiện nay, có lẽ bạc còn có nhiều việc quan trọng và lý thú hơn. Từ năm 1839, khi mà họa sĩ kiêm nhà phát minh người Pháp là Đagar (Louis Jacques Mandez Daguerre) hoàn thiện được phương pháp ghi lại hình ảnh trên các vật liệu cảm quang, thì bạc gắn bó mật thiết số phận của mình với kỹ thuật chụp ảnh. Một lớp bạc bromua cực mỏng tráng lên màng phim hoặc giấy ảnh là “nhân vật hành động” chủ yếu trong quá trình này. Dưới tác động của ánh sáng chiếu vào màng phim, bạc bromua bị phân giải. Khi đó, brom sẽ liên kết hóa học với gelatin có sẵn trong lớp này, còn bạc thì được tách ra dưới dạng những tinh thể vô cùng nhỏ mà ngay cả kính hiển vi thông thường cũng không nhìn thấy được. Mức độ phân giải của bạc bromua phụ thuộc vào cường độ chiếu sáng: được chiếu sáng càng mạnh thì bạc tách ra càng nhiều. Việc xử lý tiếp theo (hiện hình và định hình) cho phép thu nhận được bản âm trên màng phim, sau đó, khi in lên giấy ảnh thì bản âm trở thành hình ảnh thật. Mặc dầu kỹ thuật chụp ảnh đã được hoàn thiện nhiều qua lịch sử tồn tại hơn một thế kỷ, nhưng nếu không có bạc và hợp chất của bạc thì nó chẳng có ý nghĩa thực tế nào cả.

Các nhà bác học đã tìm cho bạc iođua một công việc lý thú và bổ ích: họ đã sử dụng nó để chống lại các trận bão nhiệt đới một cách khá hiệu quả. Nhưng làm cách nào vậy? Để giảm bớt sức phá hoại của bão, cần phải “kéo giãn” nó ra, nghĩa là phải nới rộng đường kính của nó. Bạc iođua sẽ giúp chúng ta làm được điều đó: nó có khả năng làm cho khí ẩm ngưng tụ lại thành mưa. Người ta đã tiến hành những thí nghiệm như vậy. Trong những năm 60, cơn bão “Beila” đã là “nạn nhân” đầu tiên. Người ta cho máy bay thả lơ lửng xuống một “bức màn” bạc iođua có chiều cao 10 kilômet và chiều dài 30 kilômet trên đường đi của bão. Mặc dầu “bức màn” có kích thước đồ sộ như vậy nhưng chỉ cần vài tạ bạc iođua là đủ làm ra nó. Sau khi đụng phải “bức màn”, cơn bão “không nghi ngờ” điều gi nên đã cuộn nó lại thành một “cái ống” và nuốt vào tâm bão. Chính lúc đó, bức tường mây xung quanh phần trung tâm của bão tan ra, đổ mưa xuống và tốc độ cơn bão liền giảm xuống đột ngột. Sự thực thì bão không “mất đi”, mà sẽ tạo lại thành một bức tường mây nhưng có kích thước lớn hơn trước rất nhiều, nghĩa là bức tường mây này sẽ dịch chuyển chậm hơn hẳn so với trước kia. Sức phá hoại của cơn bão “nhuốm bạc” sẽ giảm hơn trước rất nhiều lần.

Mặc dầu hoạt động của các hợp chất bạc rất hấp dẫn, song những tính chất vật lý và ứng dụng kỹ thuật của chính kim loại này có lẽ còn có sức hấp dẫn hơn. Nguyên do là trong số các kim loại, bạc cùng một lúc giữ luôn ba kỷ lục về ba chỉ tiêu: khả năng phản xạ ánh sáng, độ dẫn điện và độ dẫn nhiệt. Nhờ tính chất thứ nhất trong số ba tính chất này mà từ giữa thế kỷ trước cho đến ngày nay, bạc được sử dụng vào việc sản xuất gương. Tấm kính được tráng một lớp bạc cực kỳ mỏng chẳng những được dùng làm chiếc gương thường ngày không thể thiếu được trong các gia đình chúng ta, mà còn là công cụ của các thầy thuốc, là chi tiết quan trọng trong kính hiển vi, kính viễn vọng và trong các khí cụ quang học khác.

“Kỹ năng” dẫn điện và dẫn nhiệt tuyệt vời của bạc đã làm cho nó trở thành thứ vật liệu không thể thay thế được trong nhiều thiết bị kỹ thuật điện và vô tuyến điện. Có thể gặp sợi dây dẫn điện bằng bạc trong các khí cụ vật lý chính xác nhất. Bạc được dùng làm vật liệu cho các đầu cực điện của các rơle rất nhạy; các linh kiện quan trọng trong các khí cụ khác nhau cũng được nối với nhau bởi que hàn bằng bạc. Những người thợ giỏi thời cổ đã biết sử dụng bạc vào mục đích này: trong ngôi mộ của Tutankhamon (Faraoh Ai Cập thuộc triều đại thứ 18, trị vì từ năm 1400 đến năm 1392 trước công nguyên. Ngôi mộ này được khai quật năm 1922 (N. D.).), người ta đã tìm thấy những cái ống bằng đồng gồm các đoạn được hàn nối với nhau bằng bạc.

Để nhấn mạnh vai trò của bạc với tư cách là một thứ vật liệu dùng để hàn nối các chi tiết quan trọng, chúng tôi xin kể một sự việc liên quan với những bước đi ban đầu của ngành chế tạo tên lửa ở Liên Xô. Trong những năm đó, nhóm nghiên cứu chuyển động phản lực được giao nhiệm vụ giải quyết những vấn đề trong lĩnh vực này. Đứng đầu nhóm là kỹ sư trẻ tuổi X. P. Corolep mà lúc bấy giờ chưa mấy ai biết đến. Vì lúc đầu, những người làm việc ở đây là do nhiệt tình, giống như trong các đoàn thể xã hội, nên khi nói đùa, họ đã “giải mã” tên gọi của “hãng” mình thành ra “nhóm kỹ sư làm việc vô ích”. Bà M. N. Balanina Corolep - mẹ của vị viện sĩ tương lai, nhớ lại rằng, một hôm, khi về đến nhà, con trai bà hỏi: “Mẹ ơi, nhà ta có cái gì bằng bạc không hở mẹ?”. Bà Maria Nikolaepna rất ngạc nhiên về câu hỏi đó, bởi vì bà biết rằng, Xecgây hoàn toàn thờ ơ với tiền bạc cũng như đối với các vật quý. “Để làm gì vậy hở con ?” - “Mẹ hiểu cho có một công việc như thế này. .. Cần phải hàn động cơ phản lực. Nhưng chỉ hàn được bằng bạc mà thôi”.

Bà Maria Nikolaepna đi ra khỏi phòng, rồi một lát sau bà quay lại với hai chiếc thìa bằng bạc. “Đây, bạc trong nhà ta chỉ có thế” - nói rồi, bà đưa hai chiếc thìa cho con. Chiếc hôn nồng thắm từ đáy lòng của cậu con trai đã là phần thưởng cho người mẹ.

Trong rất nhiều các thiết bị tự động, tên lửa vũ trụ và tàu ngầm, trong các máy tính và thiết bị hạt nhân, trong các phương tiện liên lạc và phát tín hiệu, bao giờ cũng có những tiếp điểm. Suốt trong thời gian phục vụ lâu dài, mỗi tiếp điểm phải làm việc đến hàng triệu lần. Để gánh vác được nhiệm vụ nặng nề như vậy, các tiếp điểm phải chống được sự mài mòn, phải đủ độ tin cậy trong sử dụng, phải đáp ứng được hàng loạt yêu cầu về kỹ thuật điện. Bạc thường được dùng làm vật liệu cho các tiếp điểm. Các nhà chuyên môn không phải than phiền gì về nó, vì bạc đảm đương vai trò này một cách xuất sắc. Nếu được pha thêm các nguyên tố đất hiếm thì bạc sẽ thể hiện những phẩm chất vô cùng cao quý, tuổi thọ của các tiếp điểm như vậy sẽ tăng lên vài lần.

Bạc còn có một đặc điểm nữa là nó có tính dẻo thật đáng kinh ngạc: có thể cán bạc ra thành lá trong suốt có chiều dày chỉ bằng một phần tư micron (tức là bằng 0,00025 milimet), còn một hạt bạc nặng một gam thì có thể kéo thành một sợi “tơ nhện” rất mảnh có chiều dài đến hai kilômet!

Bạc nguyên chất là một kim loại màu trắng rất đẹp. Bởi vậy, trong một tác phẩm của mình, M. V. Lơmanôxop đã viết : “Bạc được coi là kim loại cao quý thứ hai. Nó chỉ khác vàng ở màu sắc và sức nặng. Màu của nó trắng đến nỗi, nếu là bạc hoàn toàn nguyên chất và được rót ra ngay sau khi vừa nấu chảy mà chưa cần đánh bóng, thì từ xa đã nhận thấy nó trắng như phấn”.

Nhờ có ánh kim sáng ngời nên người Assyria cổ xưa đã gọi bạc là kim loại của mặt trăng và coi là thứ kim loại linh thiêng, cũng như người Ai Cập đã tôn thờ vàng là kim loại màu vàng của mặt trời. Trong các sách về giả kim thuật, bạc được tượng trưng bằng một vầng trăng non. Tên La tinh của kim loại này là “argentum” bắt nguồn ở một từ vay mượn của tiếng Phạn, có nghĩa là “trắng sáng”.

Bởi vì đây đang nói đến tên gọi nên chúng tôi xin kể thêm một sự việc không kém phần thú vị. Bản đồ địa lý đã nhiều lần gợi ý cho các nhà bác học khi chọn tên các nguyên tố mới được phát hiện. Hãy nhìn vào bảng hệ thống tuần hoàn, tên các nguyên tố gecmani và franxi, europi và amerixi, scanđi và calofoni sẵn sàng xác nhận với bạn điều đó. Có rất nhiều thí dụ như vậy, còn trường hợp một con sông lớn, thậm chí, cả một quốc gia đã mang một cái tên để ghi nhớ kim loại thì có lẽ trường hợp duy nhất. Thì ra bạc là kim loại được vinh dự đi vào môn “lịch sử cùng với môn địa lý”. Điều đó đã xảy ra từ bốn thế kỷ rưỡi trước đây trong bối cảnh như sau.

Đầu thế kỷ XVI, nhà hàng hải người Tây Ban Nha Hoan Điat đơ Xolit (Juan Diaz de Soliz) khi đi thuyền dọc theo bờ biển nam Mỹ đã phát hiện ra một cửa sông lớn, và không cần tỏ vẻ khiêm tốn giả tạo, ông đã gọi con sông đó bằng tên của chính mình. Mười hai năm sau, thuyền trưởng Xebaxtian Cabot (Sebastian Cabot) đã ngược thuyền trên dòng sông này. Ông ta kinh ngạc về số lượng bạc mà các thủy thủ của ông đã cướp của dân địa phương sinh sống trên hai bờ sông này. Cabot đã quyết đinh gọi con sông này là “La Plata”, nghĩa là “sông bạc” (theo tiếng Tây Ban Nha, “plata” nghĩa là bạc). Do đó mà về sau, tên ấy cũng được dùng để gọi đất nước này. Hồi đầu thế kỷ XIX, quyền bá chủ của Tây Ban Nha đã chấm dứt và để ghi nhớ thời kỳ đau buồn ấy, dân nước này đã La tinh hóa tên gọi của đất nước. Thế là trên bản đồ đã xuất hiện tên nước “Achentina”.

Còn một truyền thuyết khác, trong đó, bạc cũng hiện hình với tư cách là “cha đỡ đầu” cho một địa danh.

Năm 1577, một đoàn hải thuyền do tên đô đốc “mới ra lò” tên là Franxit Đrây (Francis Drake) chỉ huy đã rời bờ biển nước Anh. Y đã được nữ hoàng Elizabet ban thưởng hàm hải quân rất cao nhờ hoạt động ... cướp biển trong nhiều năm. Cướp bóc các thành phố thuộc quyền Tây Ban Nha ở ven bờ biển Thái Bình Dương ở nam Mỹ vẫn là mục đích của chuyến đi mới này với sự đồng tình bí mật của nữ hoàng. Vốn đã trở thành những “cổ động” hội cướp đoạt của quý “Đrây và công ty”, Elizabet và bọn cận thần quyền thế của bà đã tính chuyện kiếm chác nhờ sự giúp sức của “tên cướp biển sắt đá” này, mà tất cả những người đi biển của các nước đã biết quá rõ tên tuổi của hắn.

Suốt nhiều tháng ròng rã, hải đội của Đrây đã “cày bừa” khắp các biển và đại dương, tự nguyện “lao động” vì lợi ích của nữ hoàng. Qua rất nhiều cuộc tiến công và đánh chác, Đrây đã thiệt hại bốn trong số năm chiếc tàu, nhưng chiếc tàu chỉ huy “ Con Đama vàng” của y đã reo rắc sự khủng khiếp cho cư dân các thành phố ven biển bằng những cuộc tập kích táo tợn và bất ngờ. Một hôm, vào cuối buổi chiều, khi trời vừa sẩm tối, tên cướp biển đã xuất hiện gần Calao, nơi có gần ba chục chiếc tàu Tây Ban Nha đỗ trong bến cảng. Đrây vẫn rất can đảm: “ Con Đama vàng” đi vào bến tàu và đỗ sát nách các tàu đối phương trong suốt một đêm. Các thủy thủ Tây Ban Nha do uống rượu “rum” khá nhiều, nên đã quá nửa đêm từ lâu mà họ vẫn vui đùa trên boong tàu và bàn tán ầm ĩ về những chiếc tàu mà trước đó không lâu đã rời bến cảng với những chuyến hàng quý giá. Theo lời của các thủy thủ thì một trong những chiếc tàu đó đã chất đầy của cải rất quý. Biết được điều này, Đrây lập tức nhổ neo và ra sức rượt theo.

Không phải ngẫu nhiên mà chiếc tàu của gã đô đốc cướp biển được mệnh danh là “Con Đama vàng”: hiếm có con tàu nào tranh tài được với nó về tốc độ. Cũng thật dễ hiểu, ngay sau đó thì con tàu Tây Ban Nha đã bị tấn công ở bờ biển Ecuađo. Một trong những trợ thủ của Đrây đã mô tả những sự kiện tiếp theo như sau: “Sáng hôm sau, bắt đầu một cuộc lục soát và kiểm kê kéo dài sáu ngày ... Chúng tôi đã tìm thấy ở đây những thứ đá quý, mười ba chiếc hòm đựng toàn tiền bừng bạc, tám chục cân vàng (ở đây là cân Anh - libra, bằng 453,59 gam - N. D.), hai mươi sáu thùng bạc chưa đúc... Cuối ngày thứ sáu, chúng tôi chia tay với người chủ chiếc tàu: ông ta cảm thấy hơi nhẹ nhõm và vội đi Panama, còn chúng tôi thì lại ra biển khơi”

Đrây vốn là người nhìn xa trông rộng nên đã hiểu rằng, “ Con Đama vàng” còn phải bồng bềnh trên biển một thời gian dài, nên rất có thể, người Tây Ban Nha sẽ tìm cách lấy lại những của cải từng bị bọn cướp biển tước đoạt (những của cải mà chính họ đã vơ vét của dân bản xứ nam Mỹ), còn chiếc tàu chất đầy kim loại quý thì không thể lướt nhanh được. Làm theo lẽ phải hay làm theo lòng tham? Đrây đã chấp nhận một giải pháp đúng: hàng chục tấn bạc đã được đổ xuống biển. Để ghi nhớ những của cải quý mà ông ta đành phải từ bỏ, viên đô đốc kẻ cướp đã đặt tên cho hòn đảo ở gần đấy là La Plata.

Dĩ nhiên, đây không phải là trường hợp duy nhất mà vàng, bạc và các của quý khác phải chìm nghỉm dưới đáy biển. Trong lịch sử nhiều thế kỷ của ngành hàng hải, hàng ngàn chiếc tàu đã bị đắm vì những nguyên nhân khác nhau khi chúng mang theo vô vàn tài sản quý. Từ lâu chính những con tàu đó đã khiến cho nhiều người muốn đi tìm báu vật không thể ngồi yên.

Uyliam Fip (William Fipps) - người đã được lịch sử ghi lại tên tuổi, là người đầu tiên mò được của cải dưới biển. Cuối thế kỷ XVII, theo lệnh của vua Anh James II, ông này đã trang bị cho một đoàn thám hiểm để xuống biển thu nhặt những vật quý cùng với một lượng bạc khổng lồ trên chiếc tàu Tây Ban Nha bị đắm ở độ sâu không lớn lắm gần quần đảo Bahama. Vốn làm nghề thợ mộc, Fip đã đóng một chiếc thùng gỗ nẹp đai sắt để làm cái “chuông lặn”. Trong bộ đồ lặn thô sơ này, ông đã nhiều lần tụt xuống đáy biển. Nhưng các thủy thủ và thổ dân làm thuê ngụp lặn từ sáng sớm đến chiều tối ở gần dải đá ngầm gần nơi con tàu yên nghỉ vẫn là lực lượng chủ yếu để mò của quý.

Công việc hao hơi tốn sức này đã kéo dài nhiều tuần lễ, cuối cùng, “vụ gặt hái” dưới biển đã “bội thu” như trong truyện cổ tích vậy. Sau khi tránh khỏi sự săn đuổi của bọn cướp biển một cách khôn khéo, Fip (ông ta đồng thời là một thủy thủ có tài) đã đưa được hai chiếc tàu dựng đầy ắp bạc về đến bờ biển nước Anh một cách an toàn.

Suốt ba thế kỷ qua, rất nhiều ý định chiếm hữu các kho tàng dưới biển đã được thực thi, nhưng đại dương lại không sẵn lòng ban phát những của cải còn chìm đắm dưới đáy. Thế kỷ XX đã tạo ra những khả năng mới cho những người tìm kiếm kho tàng dưới biển: người thợ lặn ngày nay có rất nhiều điều kiện thuận lợi để đạt kết quả, hơn hẳn những người ngụp lặn ngày xưa vì bọn họ chỉ có thể trông cậy vào buồng phổi của mình. Chẳng hạn, một người thợ lặn người Mỹ đã rất may mắn mặc dầu anh ta không nghĩ đến việc tìm kiếm của quý bị chìm dưới biển. Mùa hè năm 1949, anh làm nghề chụp ảnh dưới nước ở vùng biển Floriđa. Một hôm, ở độ sâu hai chục mét, anh ta bắt gặp những mảnh vỡ của chiếc tàu nào đó. Sau khi xem xét chiếc tàu thật kỹ lưỡng, anh phát hiện ra mấy khẩu đại bác, một chiếc neo và ba phiến gì đó rất nặng hình thuôn dài. Anh đã không ngần ngại đưa chúng lên mặt nước và đã được ban thưởng rất hậu: ba phiến ấy là ba khối bạc nguyên chất còn mang nhãn rất dễ thấy. Các nhà chuyên môn đã xác định được rằng, đó là nhãn của một mỏ bạc xưa kia ở Panama, còn chiếc tàu ấy là một trong mười bốn chiếc tàu Tây Ban Nha bị đắm trong trận bão lốc khủng khiếp từng tàn phá vùng này vào mùa xuân năm 1715.

Tiến bộ kỹ thuật cũng không bỏ qua sự chú ý đối với những người đi tìm hạnh phúc dưới nước. Ngoài bộ đồ lặn ra còn có các từ kế, các que dò rất nhạy, các bộ đèn kín nước, những phụ kiện đặc biệt lắp vào chân vịt tàu thủy để xói rửa cát và bùn dưới đáy ... đã giúp sức thêm cho họ. Có tin nói rằng, một hãng nước ngoài đã mở khóa huấn luyện đặc biệt cho cá heo; loài cá biển này đã sử dụng “máy đo độ sâu bằng tiếng dội” của mình để đưa người thợ lặn đến mục tiêu mong muốn. Nói tóm lại, hỡi đại dương, hãy cẩn thận! Nhưng đại dương vẫn chưa vội từ giã những của cải của mình mà từ bao thế kỷ nay vẫn nằm yên dưới đáy.

Các kho bạc cũng rất hay gặp cả trên đất liền. Chẳng hạn, cách đây chưa lâu lắm, trên đảo Gotlan của Thụy Điển, người ta đã tìm thấy một kho tiền bằng bạc gồm hàng ngàn đồng tiền Ai Cập trong một trường hợp khá thú vị. Kẻ tìm thấy nó là một ... con thỏ - một con thỏ xám bình thường đang muốn đào cho mình một cái hang ở gần thị trấn Burs. Trong tiến trình “thi công xây dựng”, bỗng nhiên, một trận mưa đá ném xuống toàn những mảnh kim loại hình tròn dội lên đầu con thỏ và con vật khốn khổ này đã phải đổ nhiều sức lực để ném chúng ta khỏi hang. Sau đó chẳng bao lâu, các nhà khảo cổ học đang khai quật trên đảo đã nhìn thấy chúng. Những đồng tiền đó đã được chuyển giao cho viện bảo tàng lịch sử ở Stockholm và các nhà chuyên môn đã khám phá được bí mật của kho tiền này.

Xưa kia, có một thời đảo Gotland là trung tâm buôn bán sầm uất vào bậc nhất ở châu Âu, là nơi mà nhà buôn từ nhiều nước thường lui tới. Hàng trăm hàng ngàn đồng tiền bằng bạc đã chuyển từ tay người này sang tay người khác, nhưng cũng có khi tích tụ lại trong tay những nhà buôn may mắn nhất. Thỉnh thoảng, những của cải này lại rơi vào tay bọn viking; bọn này thường hành quân lên đảo với những mục đích hoàn toàn không có ý thức. Theo truyền thuyết, kho tiền mà con thỏ tìm thấy là do một trong những kẻ cầm đầu bọn viking tên là Staver cất giấu trong lòng đất từ thời xưa. Và đây là điều thú vị: trong suốt nhiều thập kỷ, trong dân chúng đã có lời đồn đại khẳng định rằng, hình như vào khoảng một thế kỷ rưỡi trước đó, một người nông dân ở Gotlan say rượu đã mơ thấy một con quỷ cho anh ra một nắm tiền bằng bạc chắc là lấy từ kho tiền của Staver và bí mật báo cho anh ta biết rằng, sau năm thế hệ nữa, mọi người sẽ tìm thấy cả kho tiền mà tên viking giàu có này đã cất giấu “để phòng ngày mạt vận”

Trong truyền thuyết này có cơ sở thực tế nào hay không, điều đó thật khó nói. Nhưng dù thế nào chẳng nữa, quả là sau năm thế hệ, tại chính cái nơi được nói đến trong truyền thuyết, người ta đã tìm thấy kho tiền. Chỉ có một điều chưa rõ: tại sao con quỷ đã quyết định không cho người nông dân biết là con thỏ được vinh dự đóng vai trò chính trong việc tìm ra kho tiền này.