Tháng 11/2005 buổi lễ tuyên thệ nhậm chức vào Thượng viện đã chấm dứt chuỗi ngày dài kể từ khi tôi tuyên bố ứng cử hai năm trước đó - tôi đã đánh đổi một cuộc sống tương đối vô danh lấy một cuộc sống hết sức công khai trước mọi người.
Chắc chắn nhiều thứ vẫn không thay đổi. Gia đình tôi vẫn sống ở Chicago. Tôi vẫn đi cắt tóc ở trong khu Hyde Park. Michelle và tôi vẫn tiếp những người bạn giống như trước kỳ bầu cử. Các con tôi vẫn chơi trên sân chơi cũ.
Nhưng đối với tôi, cả thế giới đã thay đổi một cách sâu sắc, theo những cách mà không phải bao giờ tôi cũng để ý chấp nhận. Lời nói, hành động, kế hoạch đi lại và bản khai thu nhập cá nhân của tôi tất cả đều xuất hiện trên mặt báo buổi sáng hoặc bản tin ban đêm. Các con tôi bị nhiều người lạ tử tế chặn lại trên đường mỗi khi cùng tôi đi chơi vườn bách thú. Ngay cả khi tôi không ở Chicago thì cũng khó mà không bị nhận ra ở các sân bay.
Thường tôi không quen coi trọng sự chú ý đó. Nói cho cùng cũng phải có những ngày tôi ra đường với chiếc áo vét không cùng bộ với chiếc quần chứ. Nhưng hôm đó, suy nghĩ của tôi kém rõ ràng và công việc kém trật tự hơn nhiều so với hình ảnh thông thường của tôi trước công chúng. Thế nên thi thoảng có những hoạt cảnh khá khôi hài. Tôi vẫn nhớ cái ngày trước lễ tuyên thệ, tôi và các nhân viên quyết định nên tổ chức một cuộc họp báo ở văn phòng. Lúc đó tôi xếp ở vị trí 99 về mức độ thâm niên trong Thượng viện. Tất cả phóng viên bị dồn trong một căn phòng nhỏ xíu dưới tầng hầm tòa nhà Dirksen[273], ngay đối diện với cửa hàng bán các thứ đồ của Thượng viện. Đó cũng là ngày làm việc đầu tiên của tôi ở đây; tôi chưa hề tham gia một lần bỏ phiếu nào, chưa hề đề xuất một dự luật nào - thực tế là tôi còn chưa ngồi vào bàn làm việc của mình khi một phóng viên rất nghiêm chỉnh giơ tay và hỏi: "Thưa Thượng nghị sỹ Obama, đâu là chỗ ngồi lịch sử của ông?" Một vài phóng viên khác phải bật cười.
Phần nào lời nói cường điệu đó khiến tôi nhớ về bài phát biểu của tôi trong Đại hội đảng Dân chủ 2004 ở Boston, từ lúc đó tôi bắt đầu được cả nước chú ý. Thực ra chuyện tại sao tôi được chọn làm người phát biểu chính cho đến giờ vẫn là điều khó hiểu với tôi. Lần đầu tiên tôi gặp John Kerry là sau kỳ bầu cử sơ bộ ở Illinois khi tôi đề cập tới những người vận động gây quỹ của ông và cùng ông đến dự một buổi vận động để nói về tầm quan trọng của các chương trình dạy nghề.
Vài tuần sau, có tin đồn là người của Kerry muốn tôi phát biểu trong Đại hội đảng mặc dù chưa rõ với tư cách gì. Một buổi chiều, khi tôi đang từ Springfield quay về Chicago để tham dự một lễ vận động vào buổi tối thì người phụ trách chiến dịch vận động của Kerry là Mary Beth Cahill gọi điện báo tin. Sau khi dập máy, tôi quay sang bảo anh chàng lái xe Mike Signator.
"Tôi đoán vụ này hoành tráng lắm đây".
Mike gật đầu. "Hẳn thế rồi".
Trước đó tôi mới tham dự Đại hội đảng Dân chủ một lần, đó là đại hội năm 2000 ở Los Angeles. Tôi không định đi vì vừa thất bại trong cuộc bầu cử sơ bộ vào vị trí ứng cử viên nghị sĩ khu vực bầu cử số 1 của Illinois. Và tôi quyết định dành mùa hè đó làm việc trong nghề luật - một công việc tôi đã bỏ bê suốt thời gian vận động (vì thế ít nhiều tôi đã rơi vào cảnh túng quẫn) - cũng như lấy lại những gì đã mất với vợ và con gái vì chúng tôi không được gặp nhau mấy suốt sáu tháng trước đó.
Tuy nhiên đến phút cuối, vài người bạn và người ủng hộ thuyết phục tôi đi cùng họ. Họ bảo tôi: anh phải quen với mọi người trong cả nước để còn tranh cử lần nữa - và dù sao thì đi cũng vui. Mặc dù lúc đó họ không nói ra nhưng tôi nghĩ họ coi chuyến đi sẽ là một liều thuốc hữu hiệu cho tôi, dựa trên lý thuyết rằng cách tốt nhất sau khi ngã ngựa là ngay lập tức quay lại lưng ngựa. Cuối cùng tôi cũng xiêu lòng và đặt vé máy bay đi L.A. Khi hạ cánh, tôi đi xe buýt đến một điểm cho thuê xe của công ty Hertz. Tôi đưa cho người phụ nữ đứng sau quầy chiếc thẻ tín dụng American Express và bắt đầu xem bản đồ tìm đường đến một khách sạn rẻ tiền gần bãi biển Venice. Sau vài phút người phụ nữ quay lại, nét mặt lộ vẻ bối rối.
"Tôi rất tiếc, thưa ông Obama, nhưng thẻ của ông không được chấp nhận."
"Không thể thế được. Chị thử lại lần nữa được không?"
"Tôi đã thử hai lần rồi thưa ông. Có lẽ ông nên gọi điện cho American Express."
Sau nửa tiếng nói chuyện điện thoại, một người phụ trách ở American Express đã tử tế bảo lãnh cho tôi thuê xe. Nhưng đây mới là điềm báo đầu tiên của một loạt chuyện xảy ra sau đó. Vì không phải đại biểu nên tôi không có thể vào tòa nhà; theo Chủ tịch đảng Dân chủ Illinois thì ông bị nhiều người nhờ vả xin vào lắm nên ông chỉ có thể cho tôi thẻ ra vào khu vực diễn ra đại hội thôi. Thế là tôi phải xem hầu hết các bài phát biểu trên nhiều màn hình ti vi đặt quanh trung tâm Staples, thi thoảng đi cùng bạn bè và người quen vào tòa nhà rõ ràng không dành cho tôi. Đến tối thứ Ba, tôi nhận thấy sự có mặt của mình chả giúp ích cho cho bản thân cũng như cho đảng Dân chủ nên sáng thứ Tư tôi đáp chuyến bay đầu tiên trở về Chicago. Cứ nghĩ tới chuyện lúc trước chỉ là một kẻ đứng ngoài cổng đại hội, giờ lại là người phát biểu chính, tôi không khỏi lo ngại rằng mình sẽ gặp chuyện gì đó ở Boston. Nhưng có lẽ đến thời điểm đó tôi đã quen với những chuyện lạ lùng xảy ra suốt đợt tranh cử nên tôi không cảm thấy quá hồi hộp. Vài ngày sau cú điện thoại, tôi trở về phòng khách sạn ở Springfield, viết ra giấy một số ý sơ lược cho bài phát biểu trong lúc ngồi xem bóng rổ trên ti vi. Tôi nghĩ về nhưng chủ đề mình đã nói nhiều lần suốt đợt vận động - mọi người luôn sẵn lòng làm việc chăm chỉ nếu có cơ hội, chính phủ cần tạo cơ hội cho mọi người, và tôi tin tường mọi người Mỹ đều cảm thấy mình có nghĩa vụ với người khác. Tôi liệt kê ra một danh sách những vấn đề có thể sẽ đề cập đến - y tế giáo dục, chiến tranh ở lraq.
Nhưng tôi suy nghĩ nhiều hơn cả về tiếng nói của những người tôi đã gặp trên đường tranh cử. Tôi nhớ đến Tim Wheeler và vợ ông ở Galesburg đang cố tìm cách làm thế nào để cậu con trai của họ được ghép gan. Tôi nhớ đến một thanh niên ở East Moline tên là Seamus Ahern đang trên đường đến lraq - khát khao muốn phục vụ đất nước của cậu, ánh nhìn tự hào và nét e ngại trên khuôn mặt bố cậu. Tôi nhớ đến một phụ nữ da đen trẻ tôi gặp ở East St. Louis - tôi không nhớ nổi tên cô - đã kể cô phải nỗ lực thế nào để đi học đại học trong khi cả nhà cô không ai tốt nghiệp được phổ thông.
Điều làm tôi xúc động không chỉ là nỗ lực, cố gắng của họ. Mà đó là vì họ có tinh thần quyết tâm, sự tự tin, lòng lạc quan vô tận trước khó khăn. Tôi nhớ đến những từ mà mục sư Rev. Jeremiah A. Wright Jr. đã từng nói trong một buổi thuyết giáo.
“Sự táo bạo khi hy vọng.”
Tôi nghĩ đó chính là điều tốt đẹp nhất của tinh thần Mỹ. Nó thể hiện khi chúng ta dám tin rằng một đất nước đang bị chia rẽ bởi mâu thuẫn sẽ tìm lại được tính cộng đồng cho dù mọi thứ đều chứng tỏ điều ngược lại, rằng chúng ta luôn nắm được - và do đó có trách nhiệm - vận mệnh của mình cho dù chúng ta có thể gặp thất bại, mất việc làm, bị đau ốm hay có tuổi thơ gian khó.
Tôi nghĩ sự táo bạo đó đã giúp chúng ta kết thành một dân tộc.
Tinh thần hy vọng lan tỏa đó đã giúp gia đình của riêng tôi gắn bó với nước Mỹ rộng lớn, và cuộc sống của riêng tôi gắn bó với cuộc sống với những cử tri đã bỏ phiếu cho tôi.
Tôi tắt ti vi và bắt tay vào viết.
Vài tuần sau, tôi đến Boston, đến khách sạn ngủ một giấc ba giờ đồng hồ rồi tới Trung tâm Fleet. Đó là lần đầu tiên tôi xuất hiện trên chương trình Gặp gỡ báo chí[274]. Đến đoạn cuối, Tim Russert chiếu lên màn hình đoạn trích một cuộc phỏng vấn từ năm 1996 với nhật báo Plain-Dealer của thành phố Cleveland (Ohio) mà tôi chả còn nhớ gì.
Phóng viên hỏi tôi: với tư cách là một người vừa tham gia vào chính trị, một ứng cử viên vào thượng viện bang, tôi nghĩ gì về Đại hội đảng Dân chủ ở Chicago.
Đại hội chỉ để bán hàng thôi. Đúng thế... Bạn có bữa tối giá 10.000 dollar một suất, có Câu lạc bộ Thành viên cao cấp. Tôi nghĩ khi các cử tri bình thường nhìn vào đó thì đương nhiên họ sẽ cảm thấy mình bị loại ra ngoài. Họ không thể ăn một bữa giá 10.000 dollar. Họ biết những ai đến dự bữa ăn đó thì sẽ được hưởng những quyền lợi mà họ không thể tưởng tượng ra nổi.
Cảnh phỏng vấn biến mất khỏi màn hình, Russert quay sang tôi:
"Một trăm năm chục người đã tham gia tài trợ 40 triệu dollar cho lần đại hội này. Còn tệ hơn cả lần ở Chicago nếu xét theo tiêu chuẩn của anh. Anh có khó chịu về chuyện này không? Thông điệp cho một cử tri bình thường lần này sẽ là gì?".
Tôi trả lời rằng chính trị và tiền luôn là vấn đề mà cả hai đảng gặp phải. Nhưng tất cả những lần bỏ phiếu lập pháp của John Kerry và của tôi đều cho thấy cả hai chúng tôi đều bỏ phiếu cho những gì tốt đẹp nhất đối với đất nước. Tôi nói rằng một kỳ đại hội không thể thay đổi được điều đó, mặc dù theo tôi nếu đảng Dân chủ càng khuyến khích được nhiều người có cảm giác bị loại ra ngoài cùng tham gia thì chúng ta càng thể hiện được sự trung thành với tinh thần sơ khai của đảng là đại diện cho nhưng người bình thường trong xã hội, và đảng chúng ta sẽ càng lớn mạnh.
Trong thâm tâm tôi nghĩ câu trả lời hồi năm 1996 vẫn hay hơn.
Đã có thời các đại hội đảng phản ánh tình thế khẩn cấp và kịch tính của chính tri - hồi đó những người đứng đầu xác định ứng cử viên bằng cách đếm đầu người, bằng những cuộc đàm phán giữa các bên và gây sức ép chính trị và việc không chấp nhận hay đếm nhầm đều có thể dẫn tới phải có hai, ba hoặc bốn vòng bỏ phiếu kín. Nhưng thời đó qua lâu rồi. Với bắt buộc phải có vòng bầu cử sơ bộ, với yêu cầu cấp bách phải chấm dứt vai trò thống trị của những người đứng đầu đảng và những cuộc đàm phán bi mật trong căn phòng đầy khói thuốc, đại hội đảng ngày nay không còn đem lại bất ngờ nữa. Nó trở thành một hội chợ tin tức thương mại kéo dài cả tuần đối với các thành viên và ứng cử viên mỗi đảng. Nó cũng là nơi tôn vinh những nhà tài trợ lớn trung thành với đảng với bốn ngày ăn uống, giải trí và nói chuyện làm ăn.
Ba ngày đầu tiên tôi thực hiện đúng vai trò của mình trong những cảnh tượng vui vẻ đó. Tôi phát biểu trong những căn phòng chật như nêm những nhà tài trợ lớn của đảng Dân chủ, ăn sáng với các đoàn đại biểu từ năm mươi bang. Tôi tập nói trước một màn hình ti vi, tập đi đi lại lại trên sân khấu, nghe mọi người hướng dẫn là nên đứng ở đâu, lúc nào cần vẫy tay, dùng micro sao cho hiệu quả nhất. Người phụ trách truyền thông của tôi là Robert Gibbs liên tục cùng tôi chạy lên chạy xuống cầu thang trung tâm Fleet, trả lời những cuộc phỏng vấn - đôi khi chỉ cách nhau hai phút - của các kênh truyền hình ABC, NBC, CBS, CNN, Fox News và NPR. Lần nào chúng tôi cũng nhấn mạnh nhưng điểm mà nhóm của Kerry-Edwards[275] cung cấp. Từng từ trong đó đều đã được kiểm tra kỹ càng qua hàng loạt cuộc thăm dò ý kiến và rất nhiều lần thảo luận.
Mấy ngày cứ trôi vùn vụt như thế, tôi không có nhiều thời gian để lo lắng chuyện bài phát biểu sẽ như thế nào. Cho đến tận tối thứ Ba - sau khi nhân viên của tôi và Michelle cãi nhau nửa giờ liền về chuyện tôi nên đeo cà vạt nào (cuối cùng chúng tôi chọn luôn cà vạt của Robert Gibbs), sau khi tới Trung tâm Fleet và nghe những người lạ hô to "Chúc may mắn!" và "Cho họ biết tay, Obama!", sau khi đến khách sạn thăm Teresa Heinz Kerry[276] một phụ nữ rất lịch thiệp và hài hước - khi cuối cùng chỉ còn Michelle ngồi bên tôi ở cánh gà sân khấu và xem cảnh truyền hình đại hội, tôi mới cảm thấy có chút hồi hộp. Tôi bảo Michelle là tôi hơi lẩm nhẩm đau bụng. Nàng liền ôm chặt lấy tôi, nhìn vào mắt tôi và nói: "Đừng quá lo thế anh bạn!" Chúng tôi cùng phá lên cười. Vừa lúc đó người sản xuất chương trình bước vào bảo đã đến lúc tôi phải ra phát biểu. Khi đứng sau tấm màn đen nghe Dick Durbin giới thiệu mình, tôi nghĩ về mẹ, bố và ông, không hiểu họ sẽ cảm thấy gì nếu ngồi dưới kia. Tôi nghĩ về bà tôi đang xem buổi lễ qua ti vi ở Hawaii, vì đau lưng nên bà không thể đến tận đây. Tôi nghĩ về tất cả những tình nguyện viên, những người ủng hộ tôi ở Illinois - họ đã làm việc vô cùng vất vả vì tôi.
Cầu Chúa cho con nói thật trung thực về họ, tôi tự nhủ. Rồi tôi bước ra sân khấu. Nếu nói rằng những phản ứng tích cực sau bài phát biểu ở đại hội Boston - thư từ tôi nhận được, đám đông chào đón khi tôi quay về Illinois - không làm tôi phấn khởi thì rõ là tôi đang nói dối. Nói cho cùng thì tôi làm chính trị để có được ảnh hưởng lên cuộc tranh luận xã hội, vì tôi nghĩ tôi muốn nói với mọi người về con đường đất nước chúng ta cần đi theo.
Nhưng sự nổi tiếng đột ngột sau bài phát biểu đó càng làm tôi thấm sự phù du của danh tiếng. Nó đến ngẫu nhiên giữa hàng nghìn cơ hội, sự kiện khác nhau có thể xảy ra theo chiều hướng ngược lại. Tôi biết chính mình không giỏi giang hơn sáu năm trước là mấy, hồi đó tôi chỉ tạm thời bị mắc cạn. Quan điểm của tôi về y tế, giáo dục hay chính sách đối ngoại giờ đây cũng không khác biệt nhiều so với hồi tôi còn là một người tổ chức hoạt động cộng đồng vô danh. Nếu tôi có khôn ngoan hơn thì chủ yếu là do tôi đã đi xa hơn được chút ít trên con đường đã lựa chọn, đó là con đường chính trị và đã bắt đầu có vài ý niệm về những gì đang chờ đợi, cả những điều tốt đẹp lẫn rủi ro sẽ xảy ra.
Tôi vẫn nhớ một lần nói chuyện với một người bạn hai mươi năm trước Đó là một người lớn tuổi hơn tôi, từng hoạt động vì quyền công dân rất tích cực ở Chicago hồi thập kỷ 60 và đang giảng dạy ngành đô thị học ở Đại học Northwestern. Lúc đó tôi quyết định theo học trường luật sau ba năm làm nghề tổ chức cộng đồng: và vì ông là một trong số ít những người giảng dạy nghiên cứu tôi quen nên tôi nhờ ông viết cho tôi một lá thư giới thiệu.
Ông nói ông rất sẵn lòng, nhưng trước hết ông muốn biết tôi định làm gì với bằng luật. Tôi nói tôi quan tâm đến vấn đề quyền công dân, và lúc nào đó tôi sẽ thử bước vào chính trường. Ông gật đầu và hỏi liệu tôi đã suy nghĩ về những vấn đề liên quan đến con đường sự nghiệp đó hay chưa, tôi sẵn lòng làm gì để ra tờ báo luật, để liên minh với ai đó hoặc để được bầu vào một vi trí nào đó rồi tiến xa hơn. Theo ông, thường thì cả luật và chính trị đều đòi hỏi phải biết thỏa hiệp không phải về từng vấn đề cụ thể mà về nhưng thử cơ bản hơn - đó là giá trị và lý tưởng của mỗi người. Ông nói ông không định khuyên ngăn tôi vì đó là thực tế. Chính vì ông không sẵn lòng thỏa hiệp nên mặc dù rất nhiều lần ông đã được mời tham gia chính trường thời trẻ, nhưng ông luôn từ chối.
"Về bản chất thỏa hiệp không có gì là sai trái” ông bảo "Tôi chỉ không hài lòng về chuyện đó. Và tôi khi càng nhiều tuổi tôi càng nhận thấy rằng mình chỉ nên làm những gì khiến mình hài lòng. Tôi nghĩ đấy là một trong những ưu điểm của người lớn tuổi, cuối cùng thì mình cũng biết cái gì quan trọng với bản thân. Ở tuổi 26 thì khó mà biết được những điều đó. Vấn đề là ở chỗ không ai khác có thể trả lời được câu hỏi đó cho cậu. Cậu phải tự tìm lấy câu trả lời".
Hai mươi năm sau, khi nghĩ về lần nói chuyện đó, tôi thấy mình biết ơn những gì ông nói hơn trước rất nhiều. Vì khi tôi đến cái tuổi biết được mình cần gì thì mặc dù so với ông tôi dễ tính hơn khi phải thỏa hiệp, tôi vẫn biết rằng tôi không hài lòng với việc xuất hiện dưới ánh hào quang của camera truyền hình hay nhận được những tràng vỗ tay của đám đông. Mà đó là khi tôi thấy mình càng ngày càng giúp được nhiều người có thể sống đàng hoàng hơn một cách khá rõ ràng.
Tôi nghĩ về những gì Benjamin Franlin đã viết cho mẹ ông để giải thích tại sao ông lại dành nhiều thời gian làm việc cho xã hội: "Con muốn người ta nói về con là: “ông ta đã sống có ích” chứ không phải "ông ta đã chết trong giàu có" mẹ ạ".
Tôi nghĩ chính làm việc này làm tôi hài lòng - đó là giúp ích cho gia đình và cho những người đã bỏ phiếu cho tôi và di sản tôi để lại sẽ khiến cho cuộc sống con cháu chúng ta có nhiều hy vọng hơn. Đôi khi trong lúc làm việc ở Washington, tôi cảm giác như mình đang đạt được mục tiêu đó. Lại có những thời điểm khác dường như mục tiêu đó cứ xa dần, và mọi việc tôi làm - những buổi điều trần, bài phát biểu. những cuộc họp báo và bài trình bày quan điểm - chỉ là phù phiếm, vô dụng với mọi người.
Mỗi khi cảm thấy như vậy, tôi thích được chạy ở công viên Mall.
Tôi thường chạy ở đó vào chiều muộn, đặc biệt là mùa hạ và mùa thu, lúc đó không khi Washington ấm áp và tĩnh lặng. Lá cây cũng gần như không lay động. Khi bóng tối đổ xuống thì không còn nhiều người đi ngoài đường - có lẽ chì có vài cặp nam nữ đang đi dạo, những người vô gia cư ngồi trên ghế đang thu xếp lại vài món đồ. Hầu như lần nào tôi cũng dừng lại ở Đài tưởng niệm Washington, cũng có vài lần tôi đi tiếp sang Đài tường niệm Thế chiến thứ hai ngay bên kia đường rồi đi dọc hồ nước đến Đài tưởng niệm Cựu chiến binh Chiến tranh Việt Nam, leo tiếp lên những bậc thang lên Nhà tưởng niệm Lincoln.
Ban đêm, nơi này được chiếu sáng nhưng thường vắng lặng. Đứng giữa những chiếc cột cẩm thạch, tôi đọc lại bài phát biểu Gettysburg và Diễn văn nhậm chức lần thứ hai của Lincoln. Tôi nhìn xuống hồ nước, tưởng tượng đám đông lặng đi nghe giọng nói hùng hồn của mục sư King, xa hơn là mái Điện Capitol rực sáng lung linh.
Tôi nghĩ đến nước Mỹ và những người đã sáng lập nên đất nước.
Họ đã vượt lên trên những khát vọng tâm thường, những tính toán nhỏ nhen, tưởng tượng ra một quốc gia trải rộng khắp lục địa. Và những người như Lincoln và King đã nằm xuống vi sự nghiệp làm cho đất nước chưa hoàn hảo này ngày càng tốt đẹp hơn. Và tất cả những người vô danh khác, những nô lệ và binh lính, thợ may và người bán thịt, họ đã xây dựng cuộc sống cho chính mình, cho con cháu họ, với từng viên gạch, từng đường ray, với đôi tay chai sần để xây dựng nên thế giới của giấc mơ chung.
Tôi muốn trở thành một phần của công trình ấy.
Trái tim tôi tràn đầy tình yêu với đất nước này.