Nếu yêu cầu một thượng nghị sỹ mô tả năm đầu tiên đến làm việc ở đồi Capitol, thường bạn sẽ nhận được câu trả lời: "Giống hệt như uống nước bằng vòi cứu hỏa".
So sánh này rất chính xác, vì trong mấy tháng đầu tôi làm việc ở thượng viện, tất cả mọi thứ dường như ào đến cùng một lúc. Tôi phải thuê nhân viên và đặt văn phòng ở Washington và Illinois. Tôi phải đàm phán với các ủy ban chuyên môn và phải nhanh chóng giải quyết những vấn đề tồn đọng trước khi họp với các ủy ban. Có một mớ khổng lồ mười nghìn bức thư của cử tri đã dồn đống lại từ ngày bầu cử và mỗi tuần lại có thêm ba trăm thư mời nói chuyện được gửi đến. Giữa những tòa nhà cách nhau nửa giờ đi lại, tôi chạy như con thoi từ tầng làm việc Thượng viện, qua phòng họp, sang sảnh khách sạn, đến đài phát thanh. Tôi hoàn toàn phụ thuộc vào các nhân nên mới - tuổi từ ngoài hai mươi đến ngoài ba mươi - họ thu xếp công việc cho đúng lịch trình, đưa cho tôi quyển sổ tay phù hợp, nhắc tôi sắp gặp ai và chỉ cho tôi phòng vệ sinh gần nhất.
Sau đó, đến tối, tôi lại phải điều chỉnh với cuộc sống một mình. Michelle và tôi quyết định vẫn để gia đình sống ở Chicago, một phần vì chúng lôi không muốn nuôi dạy bọn trẻ trong môi trường ngột ngạt như nhà kính ở Washington, phần khác vì ở Chicago, Michelle được nhiều người giúp đỡ - mẹ đẻ, em trai, các gia đình khác và bạn bè - nhờ đó cô ấy vẫn xoay xở được khi tôi vắng mặt dài ngày vì công việc. Mỗi tuần tôi ở Washington ba ngày nên tôi thuê một căn hộ đơn nhỏ gần Trường Luật Georgetown, trên một tòa nhà cao tầng nằm giữa Đồi Capitol và trung tâm thành phố.
Ban đầu, tôi cố gắng thưởng thức sự cô đơn mới mẻ, tự ép mình nhớ lại những niềm vui của cuộc sống độc thân - thu thập thực đơn các món ăn mang về của tất cả các nhà hàng gần xung quanh, thức khuya xem bóng rổ hoặc đọc sách, tập thể hình lúc nửa đêm, để mặc bát đã bẩn trong bồn rửa và không cần phải dọn giường. Nhưng vô ích, sau mười ba năm lập gia đình, tôi phát hiện ra mình đã hoàn toàn trở thành người thích sống ở nhà, yếu đuối và không tự làm được cái gì. Buổi sáng đầu tiên thức dậy ở Washington, tôi nhận thấy mình đã quên mua rèm che bồn tắm và phải bám vào tường để khỏi làm ướt sàn nhà tắm. Đêm tiếp theo, khi ngồi xem thể thao và làm ít bia, tôi ngủ quên sau một hiệp đấu, và hai tiếng đồng hồ sau tình dậy, tôi thấy mình đang ngủ trên ghế xa-lông và bị vẹo cổ trầm trọng. Mấy món ăn mang về nhà không còn ngon lành, sự tĩnh lặng làm tôi khó chịu. Tôi gọi điện vê nhà thường xuyên chỉ để nghe giọng nói của hai con gái, tôi nhớ da diết cái ôm ấm áp của bọn trẻ và mùi thơm ngon ngọt trên da thịt chúng.
“Chào con yêu!”
“Con chào bố".
“Có gì hay không con?"
“Từ lần trước bố gọi ấy ạ?”
“Ừ đúng rồi".
“Chả có gì bố ạ. Bố muốn nói chuyện với mẹ không ạ?"
Có một vài thượng nghị sỹ cũng có gia đình trẻ, và mỗi khi gặp nhau, chúng tôi lại so sánh các ưu nhược điểm khi chuyển đến Washington sống cũng như cái khó khi muốn dành thời gian cho gia đình trước những nhân viên quá mẫn cán. Nhưng phần lớn đồng nghiệp mới lớn tuổi hơn lôi nhiều - độ tuổi trung bình ở đây là sáu mươi - nên khi tôi đến thăm, họ thường đưa ra lời khuyên liên quan đến công việc ở Thượng viện. Họ chỉ cho tôi ưu điểm của các ủy ban khác nhau, tính khí của từng vị chủ tịch các ủy ban đó. Họ gợi ý phải tổ chức nhân viên như thế nào, cần phải nói chuyện với ai nếu muốn có thêm chỗ ngồi làm việc, xử lý yêu cầu của các cử tri ra sao. Đa phần các lời khuyên đó rất hữu ích với tôi, thỉnh thoảng chúng cũng có mâu thuẫn. Nhưng ít nhất những cuộc gặp gỡ với các đồng nghiệp Dân chủ đều kết thúc với một lời khuyên giống nhau: rằng tôi nên thu xếp gặp Thượng nghị sỹ Byrd sớm nhất ngay khi có thể, họ nói, đó không chỉ là phép lịch sự ở Thượng viện mà còn vì ông có vị trí lâu năm trong ủy ban Phân bổ ngân sách, có tầm cỡ lớn trong Thượng viện, do đó ông có tiếng nói đáng kể.
Ở tuổi 87, Thượng nghị sỹ Robert C. Byrd không chỉ đơn thuần là người cao tuổi nhất Thượng viện mà ông còn được coi là hiện thân của Thượng viện, là một phần của lịch sử đang sống, đang hiện hữu. Ông được cô chú nuôi và lớn lên ở những điểm khai thác than nhỏ, phải lao động vất vả với mức lương chết đói ở bang West Virgima. Ông sở hữu năng khiếu tự nhiên cho phép ông đọc thuộc lòng nhưng đoạn thơ dài và chơi vĩ cầm rất ấn tượng. Vì không đủ tiền đi học đại học, ông phải làm nghề băm thịt, đi bán hàng rồi làm thợ hàn trên chiến hạm hồi Thế chiến thứ hai. Sau chiến tranh, ông quay về nhà, trúng cử một ghế trong cơ quan lập pháp bang West Virginia và được bầu vào Quốc hội Mỹ năm 1952.
Năm 1958, ông tiến thẳng lên Thượng viện và trong bốn mươi bảy năm làm việc, ông đã trải qua mọi chức vụ ở đây - trong đó có sáu năm làm thủ lĩnh phe đa số và sáu năm làm thủ lĩnh phe thiểu số. Ông luôn giữ được động lực theo chủ nghĩa dân túy, qua đó tập trung cao việc đem lại những lợi ích rõ ràng cho người dân ở quê hương ông: trợ cấp cho bệnh bụi phổi và biện pháp bảo vệ cho công nhân mỏ, dự án đường sá, nhà cửa và điện cho các cộng đồng dân nghèo. Sau mười năm theo học các lớp buổi tối, đồng thời vẫn làm việc cho Quốc hội, ông có bằng luật, và sự hiểu biết về các quy định Thượng viện của ông đã trở thành huyền thoại. Cuối cùng, ông đã viết một bộ sách bốn tập về lịch sử Thượng viện, một tác phẩm không chỉ phản ánh sư uyên bác, nghiêm túc mà còn cho thấy ông có tình yêu lớn lao với cơ quan đã tạo nên công trình của đời ông. Người ta nói rằng tình cảm đối với Thượng viện của Thượng nghị sỹ Byrd chỉ thua có sự dịu dàng âu yếm mà ông dành cho người vợ đau ốm (bà đã qua đời) trong suốt sáu mươi tám năm và sự tôn kính ông dành cho Hiến pháp - đi đâu ông cũng mang theo một cuốn Hiến pháp cỡ nhỏ theo mình và thường rút ra vung vẩy giữa những cuộc tranh luận.
Tôi đã để lại lời nhắn đề nghị một cuộc gặp ở văn phòng Thượng nghị sỹ Byrd trước khi tôi được thấy ông lần đầu tiên. Đó là ngày chúng tôi làm lễ tuyên thệ và chúng tôi đang cùng ở trong Phòng Thượng viện cũ, một căn phòng tối, lộng lẫy với tấm vải nhung màu huyết dụ in hình một con chim đại bàng rất lớn theo kiểu gothic sải cánh trên đầu chiếc ghế chủ tịch. Phong cách u tối của căn phòng rất phù hợp với buổi họp của nhóm nghị sỹ đảng Dân chủ về việc tổ chức lại đảng sau thất bại trong cuộc bầu cử. Sau khi chỉ định ban lãnh đạo mới, thủ lĩnh phe thiểu số Harry Reid mời Thượng nghị sỹ Byrd phát biểu vài lời. Ngài thượng nghị sỹ già chậm rãi đứng dậy, đó là một người có dáng người mảnh khảnh, mái tóc trắng như tuyết, dày như bờm sư tử đôi mắt màu xanh nhạt và cái mũi nhọn nhô cao, ông đứng yên trong một khoảnh khắc, tự giữ thăng bằng với cây gậy chống, ngẩng cao đầu, mắt dán vào trần nhà. Rồi ông bắt đầu nói với một giọng buồn và đều đều, ẩn giấu sự già cỗi như dãy núi Appalachians[60], giống như dưới lớp bề mặt bóng loáng là những thớ gỗ gân guốc vậy.
Tôi không thể nhắc lại từng chi tiết, nhưng tôi vẫn nhớ chủ đề rộng lớn của bài phát biểu của ông hôm đó, nó từ vòm cầu thang Phòng Thượng viện cũ lan tỏa theo nhịp điệu nhanh dần, như của Shakespeare: nội dung máy móc của Hiến pháp, vai trò cốt lõi của Thượng viện để thực hiện cam kết trong Hiến pháp, cơ quan hành pháp đang xâm phạm tính độc lập của Thượng viện liên tục trong nhiều năm, mỗi thượng nghị sỹ cần đọc lại các văn bản từ thời lập quốc để có thái độ kiên định, tin tưởng và trung thành với nền cộng hòa. Khi ông nói, giọng ông càng lúc càng mạnh mẽ; ngón tay trỏ vung lên trong không khí; bóng tối bao phủ lấy ông khiến ông trông gần như một bóng ma, một linh hồn của quá khứ, và quãng thời gian phục vụ gần năm mươi năm của ông ở đây như quay lại năm mươi năm, rồi năm mươi năm trước, rồi lại năm mươi năm trước nữa; trở về cái thời mà Jefferson, Adams và Madison đi lại xuyên qua những căn phòng ở Điện Capitol, còn thành phố này vẫn còn những bãi hoang vu, những khu đất nông nghiệp và những đầm lầy.
Trở về cái thời mà tôi hay bất cứ người nào có màu da như tôi không bao giờ có thể ngồi giữa những bức tường này.
Khi nghe Thượng nghị sỹ Byrd nói. tôi cảm nhận rõ toàn bộ sức nặng mâu thuẫn của con người tôi ở nơi này - với những bức tượng bán thân cẩm thạch, những ký ức và những bóng ma. Tôi nghĩ về việc theo như cuốn tự truyện của vị thượng nghị sỹ này, ông đã được nếm trải vai trò lãnh đạo từ khi mới ngoài hai mươi tuổi khi ông là thành viên của đảng Ku Klux Klan [61] ở hạt Raleight, một mối liên hệ mà ông không chịu thừa nhận một thời gian dài, một sai lầm mà ông đổ lỗi cho nhưng năm tuổi thơ và nơi ông lớn lên - rõ ràng là ông nói đúng nhưng đó vẫn là một vấn dễ nổi cộm trong suốt sự nghiệp của ông. Tôi nghĩ về việc ông đã cùng với những người khổng lồ khác của Thượng viện như J. William Fulbright bang Arkansas và Richard Russell bang Georgia[62] tham gia phong trào miền Nam chống lại luật về quyền công dân. Tôi nghĩ không biết điều này có ảnh hưởng gì đến những người tự do đang rất tán dương Thượng nghị sỹ Byrd vì ông chống lại cuộc chiến tranh ở Iraq - đám người MoveOn.org [63], hậu duệ của nhóm chinh trị phản văn hóa ông luôn coi khinh hay không.
Tôi không biết có nên coi điều đó là quan trọng không. Cuộc đời Thượng nghị sỹ Byrd - cũng như phần lớn chúng ta - chính là cuộc chiến đấu giữa những động cơ xung khắc, là hỗn hợp của cả ánh sáng và bóng đêm. Theo nghĩa này, tôi nghĩ ông thực sự là biểu tượng phù hợp của Thượng viện - cơ quan có quy tắc và ý chí phản ánh sư thỏa hiệp vĩ đại của nền móng nước Mỹ. Đó là thỏa thuận giữa các bang miền Bắc và miền Nam; Thượng viện có vai trò chống lại những cảm tính nhất thời, bảo vệ quyền lợi cho người thiểu số và chủ quyền quốc gia, đồng thời còn bảo vệ người giàu trước đám dân nghèo, đảm bảo với các chủ nô lệ là không can thiệp vào thể chế đặc biệt của họ. Chính trong nội bộ Thượng viện với mã gien nó mang cũng có cuộc chiến tương tự giữa một bên là quyền lực, bên kia là nguyên tắc làm nên nước Mỹ thống nhất. Cuộc chiến ấy cũng là hiện thân của mâu thuẫn lớn giữa một nhóm nhỏ tài năng, nhưng thiếu hoàn thiện, nên mô hình chính phủ họ tạo ra rất xuất chúng - nhưng lại giả mù trước những sợi xích sắt và cây roi [64].
Bài phát biểu của Thượng nghị sỹ Byrd kết thúc, mọi người vỗ tay và chúc mừng bài diễn văn rất hay của ông. Tôi tiến đến chỗ ông, tự giới thiệu, và ông nồng nhiệt siết chặt tay tôi, nói rằng ông rất mong chờ đến ngày chúng tôi cũng ngồi nói chuyên. Khi quay lai văn phòng, tôi quyết định ngay đêm đó sẽ mở nhưng cuốn sách luật hiến pháp ra xem và đọc lại bản hiến pháp cũ. Thượng nghị sỹ Byrd đã đúng: Để hiểu điều gì đang diễn ra ở Washington năm 2005, để hiểu được công việc mới này của tôi, và để hiểu được Thượng nghị sỹ Byrd, tôi phải quay về điểm khởi đầu. về những cuộc đấu tranh đầu tiên và những bản văn khởi đầu của nước Mỹ, phải tìm hiểu xem chúng có vai trò như thế nào qua thời gian, và nhìn nhận chúng theo quan điểm của những năm lịch sử tiếp sau.
NẾU BẠN HỎI CÔ Con gái tám tuổi của tôi là tôi kiếm tiền bằng nghề gì, nó sẽ trả lời là tôi làm luật. Nhưng một trong những điều bất ngờ nhất ở Washington là thời gian mà chúng tôi bỏ ra để tranh cãi, không phải về việc nên viết gì trong luật mà là luật là gì. Một quy định đơn giản nhất - ví dụ - yêu cầu các doanh nghiệp phải có thời gian để công nhân làm việc theo giờ đi tắm - cũng có thể được diễn giải theo nhiều cách vô cùng khác nhau, tùy vào đối tượng bạn đang nói chuyện là ai; vị nghị sỹ đang ủng hộ nó, viên thư ký soạn thảo ra nó, người đứng đầu cơ quan có nhiệm vụ thực hiện nó, người luật sư đang có một khách hàng không thích nó, hoặc vị thẩm phán đang được yêu cầu áp dụng điều luật này.
Một số quy định, về bản chất, là kết quả của một bộ máy kiểm soát và cân bằng phức tạp. Sự phức tạp của quyền lực giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp, cũng như giữa chính quyền bang và liên bang hàm ý rằng không có điều luật nào là vĩnh viễn, không cuộc chiến nào đã thực sự kết thúc; luôn luôn có cơ hội để củng cố hoặc làm suy yếu những gì tưởng như đã là cố hữu, để nhận chìm một điều luật hoặc ngăn cản thực hiện nó, để thu hẹp quyền lực cửa một cơ quan bằng cách cắt giảm ngân sách dành cho nó, để hoặc năm quyền kiểm soát một vấn đề đã trở thành vô nghĩa.
Một phần đó là bản chất của nghề làm luật. Thường thì luật được xây dựng rõ ràng. Nhưng rồi nhiều vấn đề mới xuất hiện, và các luật sư quan chức và các công dân tranh cãi về ý nghĩa của những thuật ngữ mà cách đó vài năm hay thậm chi vài tháng còn rất dễ hiểu. Vì nói cho cùng, luật cũng chỉ là những từ ngữ trên giấy trắng - những từ ngữ mềm dẻo, không rõ ràng, chúng phụ thuộc vào bối cảnh và niềm tin giống như ý nghĩa của chúng trong những truyện kể, trong những bài thơ, hay trong lời hứa với một người nào đó, và ý nghĩa đó có thể bị xói mòn, đôi khi sụp đổ hoàn toàn chỉ trong nháy mắt.
Tuy nhiên, cuộc tranh luận về luật khuấy động Washington năm 2005 đã vượt ra ngoài khuôn khổ vấn đề diễn giải luật thông thường. Nó là câu hỏi về việc liệu những người nắm quyền lực có bị quy tắc hay luật pháp nào hạn chế hành động hay không.
Vi du, về vấn đề an ninh quốc gia thời kỳ hậu 11/9, Nhà Trắng nhanh chóng phản đối mọi ý tưởng cho rằng Quốc hội hoặc tòa án có thể giải quyết được. Khi chờ đợi công bố Condoleezza Rice sẽ giữ vị trị ngoại trưởng, các ý kiến tranh cãi nổ ra ở mọi vấn đề, từ phạm vi quyết định của Quốc hội cho phép tiến hành chiến tranh ở Iraq đến việc các thành viên chính phủ có sẵn lòng điều trần trung thực không. Trong những cuộc tranh luận xung quanh việc bổ nhiệm Alberto Gonzales[65], tôi đã đọc những báo cáo ngắn được soạn ở Văn phòng Bộ trưởng Tư pháp với nội dung là những kỹ thuật như tước bỏ giấc ngủ hoặc gây ngạt không cấu thành tội tra tấn chừng nào những hành vi này không gây ra "đau đớn nghiêm trọng" do "dẫn tới tổn hại cơ quan, mất khả năng thực hiện chức năng các bộ phận cơ thể hoặc thậm chí gây ra tử vong"; những bản ghi chép đề xuất rằng Công ước Geneva [66] không áp dụng cho “chiến binh thù địch" bị bắt trong cuộc chiến ở Afghanistan; những ý tưởng cho rằng Hiến pháp sửa đổi thứ tư không áp dụng cho những công dân Mỹ bị coi là "chiến binh thù địch" bị bắt trên đất Mỹ.
Thái độ này không hề chỉ có trong nội bộ Nhà Trắng. Tôi nhớ vào một ngày đầu tháng Ba, khi đang lên tầng Thượng viện, tôi bị một người đàn ông trẻ có mái tóc sẫm màu chặn lại. Anh ta đưa tôi đến gặp bố mẹ anh ta, giải thích là họ từ Florida đến đây với nỗ lực cuối cùng để cứu một người phụ nữ - Terri Schiavo - người đã bị hôn mê sâu và chồng cô đang định chấm dứt sự sống của cô bằng việc rút các thiết bị y tế hỗ trợ [67]. Đó là một câu chuyện rất đau lòng, nhưng tôi phải nói với họ rằng gần như không có tiền lệ Quốc hội can thiệp vào những vụ việc như thế này, tôi không biết rằng chính lúc đó, Tom DeLay và Bill Frist [68] đã tạo ra tiền lệ ấy.
Quy mô quyền lực của tổng thống trong thời chiến, khía cạnh đạo đức của những quyết định liên quan đến chấm dứt sự sống của con người - đó đều không phải những vấn đề dễ dàng giải quyết; tôi bất đồng đối với các chính sách của phe Cộng hòa đến mức nào thì tôi tin rằng những vấn đề đó đáng được tranh luận nghiêm túc chừng đó. Không, cái làm tôi lo lắng là quy trình (hoặc không hề có quy trình) mà Nhà Trắng và các đồng minh ở quốc hội bác bỏ các quan điểm đối lập. Đó còn là cái cảm giác rằng các quy tắc điều hành không còn hiệu lực, và không có một tiêu chuẩn, chuẩn mực nào còn đứng vững để chúng ta có thể dựa vào nó. Như thể những người nắm quyền lực đã quyết định rằng lệnh đình quyền giam giữ [69] và vấn đề phân quyền [70] là những chi tiết nhỏ nhặt chỉ gây cản trở công việc, mà họ phức tạp hóa những vấn đề đã rất rõ ràng (cần ngăn chặn những kẻ khủng bố) hoặc ngăn chặn một việc hoàn toàn đúng (tính mạng con người là bất khả xâm phạm) và do đó có thể bị coi thường hoặc ít nhất cũng bị bắt buộc theo ý muốn của kẻ mạnh.
Điều mỉa mai là việc coi thường nhưng quy tắc và sử dụng ngôn từ để đạt được một mục tiêu nhất định chính là những gì mà phe bảo thủ đã quy kết cho phe tự do trong một thời gian dài. Đó là một trong những lý luận cơ bản của Contract with America (Khế ước với nước Mỹ) của Newt Gingrich [71] - quan điểm cho rằng những nhà đại tư bản của đảng Dân chủ sau này nắm quyền kiểm soát Hạ viện đã liên tục lạm dụng quy trình lập pháp với mục đích tư lợi. Đây cũng là ý tưởng cơ bản của những lời tố cáo chống lại Bill Clinton, là sự khinh miệt chứa đầy trong câu nói: "tùy vào việc từ "là" nghĩa là gì". Đây là cơ sở của những hành động tấn công của phe bảo thủ vào người phe tự do những tín đồ của thái độ đúng đắn chính tri, bị cho là không chịu chấp nhận mọi chân lý vĩnh cửu hoặc trình tự hiểu biết, và đã truyền bá cho thanh niên Mỹ thuyết tương đối đạo đức rất nguy hiểm.
Và đó cũng là nội dung công kích chính của phe bảo thủ vào tòa án liên bang.
Đối với thế hệ phe bảo thủ đó thì giành được quyền kiểm soát tòa án nói chung và Tòa án Tối cao nói riêng không khác gì tìm được chén thánh - họ khẳng định rằng còn hơn thế vì họ coi tòa án là thành trì cuối cùng của tầng lớp thượng lưu tự do còn bảo vệ hành vi nạo phá thai, chính sách vì cộng đồng thiểu số và người đồng tính luyến ái, dung dưỡng cho tội ác, ủng hộ đưa ra nhiều quy định pháp lý và chống tôn giáo. Theo những đảng viên bảo thủ này, các quan tòa phe tự do đã tự đặt mình cao hơn luật pháp, ý chí của họ không dựa vào Hiến pháp mà chỉ dựa trên ý thích của bản thân họ và những điều họ mong muốn. Họ cho rằng con người có quyền nao phá thai hoặc quan hệ tình dục đồng giới - những điều không hề có trong văn bản Hiện pháp, qua đó phá hoại quá trình dân chủ và xuyên tạc ý định ban đầu của những người sáng lập. Để đưa tòa án quay lại vai trò phù hợp của nó cần chỉ định những "người giải thích luật nghiêm túc" ngồi vào ghế đứng đầu hệ thống này ở liên bang. Đó phải là những người hiểu được sự khác biệt giữa diễn giải luật và làm luật, và bám sát ý nghĩa nguyên gốc của những từ ngữ mà những người sáng lập nước Mỹ đã viết ra. Đó là những người làm theo luật.
Người cánh tả lại nhìn vấn đề hoàn toàn khác, khi đảng Cộng hòa bảo thủ thắng lợi trong cuộc bầu cử Quốc hội và tổng thống, rất nhiều đảng viên tự do coi tòa án là vật cản cuối cùng còn cản trở nỗ lực lớn lao của họ để lây lại quen công dân, quyền phụ nữ, tự do của công dân, quy định quản lý môi trường, tách biệt nhà thờ và nhà nước và toàn bộ di sản của Chính sách Kinh tế xã hội mới. Trong quá trinh đề cử Bork, các nhóm ủng hộ và các nhà lãnh đạo đảng Dân chủ đã tổ chức phản đối một cách tinh vi chưa từng thấy với một quyết định bổ nhiệm tư pháp. Khi bị thất bại, những người bảo thủ đã nhận ra rằng họ cần có lực lượng của mình.
Từ đó, mỗi bên đều đã có thành công (các thẩm phán Tòa án Tối cao Scalia và Thomas ở phe bảo thủ, Ginsburg và Breyer ở phe tự do) và cả thất bại (đối với phe bảo thủ là xu hướng đi theo quan điểm ôn hòa rất dễ thấy của các thẩm phán O"Connor, Kennedy và đặc biệt là Souter; với phe tự do là việc toàn bộ nhân sự ở các tòa án địa phương đều do Reagan và Bush cha bổ nhiệm). Các đảng viên Dân chủ lớn tiếng phàn nàn khi những người Cộng hòa sử dụng quyền kiểm soát ủy ban tư pháp để ngăn cản sáu mươi mốt ứng viên do Clinton bổ nhiệm vào các tòa phúc thẩm và tòa án quận [72], và trong thời gian ngắn đảng Dân chủ nắm đa số thì họ cũng làm như vậy với các ứng viên do George W. Bush đề cử.
Nhưng khi đảng Dân chủ mất thế đa số trong Thượng viện vào năm 2002, họ chỉ còn duy nhất một mũi tên trong bao, một chiến lược có thể được tóm gọn trong một từ duy nhất, một khẩu hiệu xung trận mà các tín đồ phe Dân chủ đang phục hồi:
Cản trở thông qua dự luật.
Hiến pháp không đề cập tới những người cản trở thông qua các dự luật: đó là quy tắc của Thượng viện, một quy tắc tồn tại từ Quốc hội kỳ đầu tiên. Ý tưởng cơ bản của nó rất đơn giản: Vì tất cả những việc của Thượng viện đều được thực hiện dựa trên sự nhất trí hoàn toàn nên bất cứ thượng nghị sỹ nào cũng có thể trì hoãn quá trình này bằng cách sử dụng quyền tranh luận không hạn chế và không cho chuyển sang bước thực hiện tiếp theo. Nói cách khác, ông ta có thể phát biểu. Bao lâu cũng được, chừng nào ông ta còn muốn nói, ông ta có thể nói về bản chất của dự luật đang chờ thông qua, hoặc nguyên nhân kêu gọi dự luật đó, ông ta có thể đọc toàn bộ dự luật ngân sách quốc phòng[73] dài 700 trang giấy, từng dòng một, hoặc liên hệ mọi khía cạnh của nó với sự thăng trầm của đế chế La Mã, đường bay của con chim ruồi hay danh bạ điên thoại Atlanta. Chừng nào ông ta và các đồng nghiệp có tư tưởng tương tự còn muốn ngồi dây và trình bày thì tất cà mọi thứ khác đều phải đợi, nhờ thế, mỗi thượng nghị sỹ đều có khả năng tạo ra lực đẩy rất lớn cũng như có quyền phủ quyết nhất định đối với bất cứ điều luật nào.
Cách duy nhất để đánh bại quyền cản trở thông qua là ba phần tư Thượng viện, viện dẫn ra quy trình "kết thúc", tức là chấm dứt tranh luận. Có nghĩa là mọi hành động bị treo ở Thượng viện - mọi dự luật, nghị quyết hay đề cử - cần được sáu mươi thượng nghị sỹ ủng hộ thay vì đa số thông thường[74]. Một loạt các quy định phức tạp đã ra đời cho phép cả người cản trở và người bỏ phiếu chấm dứt tranh luận thể hiện vai trò một cách không hề ồn ào: Chỉ cần có vẻ có một người cản trở xuất hiện là đủ để thủ lĩnh phe đa số phải chú ý, và sau đó cuộc bỏ phiếu chấm dứt tranh luận sẽ được tiến hành để không ai phải ngủ cả đêm trên ghế bành. Nhưng trong suốt lịch sử hiện đại của Thượng viện, quyền cản trở thông qua vẫn là một đặc quyền được bảo vệ, được coi là một trong những đặc trưng khác biệt của Thượng viện so với Hạ viện (hai đặc trưng khác là nhiệm kỳ sáu năm và quy định mỗi bang có hai thượng nghị sỹ bất kể dân số bang), và là một bức tường bảo vệ, ngăn cản nguy cơ đi quá đà của phe đa số.
Tuy nhiên, còn có một lịch sử đáng buồn khác về quyền cản trở, đặc biệt có liên quan tới tôi. Trong gần một thế kỷ, quyền cản trở thông qua đã từng là vũ khí của miền Nam để bảo vệ đao luật Jim Crow trước sự can thiệp của liên bang. Nó đã trở thành một trở ngại hợp pháp, phá hoại nội dung Hiến pháp sửa đổi lần thứ 14 và 15. Hàng thập kỷ trôi qua, rất lịch thiệp, hòa nhã, những vi thông thái như Thượng nghị sỹ Richard B. Russell bang Georgia (sau này căn phòng trang nhã nhất của tòa nhà Thượng viện được đặt theo tên ông) đã sử dụng quyền cản trở thông qua dự luật để ngăn chặn mọi điều khoản trong luật quyền công dân ở Thượng viện, bất kể là đó là dự luật quyền bỏ phiếu, dự luật việc làm công bằng hay dự luật chống hành hình người da đen kiểu Lynch. Bằng từ ngữ, bằng quy tắc, bằng quy trình và tiền lệ - tức là bằng chính luật pháp - các thượng nghị sỹ miền Nam đã duy trì được chế độ nô dịch người da đen mà nếu chỉ dùng bạo lực thì không bao giờ thành công như vậy. Những người cản trở đã không chỉ ngăn cản các dự luật. Họ đã thổi bay đi niềm hy vọng của rất nhiều người da đen miền Nam.
Phe Dân chủ sử dụng quyền cản trở khá dè xẻn trong nhiệm kỳ đầu của George Bush. Trong số hơn hai trăm ứng viên được tổng thống chỉ định vào tòa án, chỉ có mười người không vào được vị trí do bị đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm. Tất cả mười người này đều là ứng viên cho tòa phúc thẩm, hệ thống tòa rất quan trọng; tất cả mười người đều là lãnh đạo quan trọng của phe bảo thủ. Phe bảo thủ cho rằng nếu đảng Dân chủ đã áp dụng quyền cản trở đối với mười người này thì chẳng có gì ngăn cản họ làm điều tương tự với các ứng viên ở tòa tối cao cả.
Do đó, đúng như đã dự đoán, ngay trong vài tuần đầu tiên của nhiệm kỳ thứ hai, được phe đa số Cộng hòa ở Thượng viện khuyến khích, với quyền lực tự cho là mình đang sở hữu. Tổng thống Bush đã quyết định tái đề cử bảy thẩm phán đã bị ngăn cản lần trước. Như một cú chọc thẳng vào mắt các đảng lên Dân chủ, hành động này tạo ra phản ứng đúng như được chờ đợi. Lãnh tụ đảng Dân chủ Harry Reid gọi đây là buột nụ hôn ướt át dành cho phe cực hữu và nhắc lại lời đe dọa sẽ áp dụng quyền cản trở. Các nhóm ủng hộ cánh tả và cánh hữu chạy vội đến bưu điện và gởi hàng loạt những lời cảnh báo, phân phát thư điện tử và thư tín kêu gọi các nhà tài trợ ủng hộ cho cuộc chiến sắp tới. Các đảng viên Cộng hòa cảm thấy rằng đã đến thời điểm kết liễu đối phương nên họ tuyên bố nếu đảng Dân chủ tiếp tục ngăn trở thì họ sẽ không có sự lựa chọn nào khác là dùng đến “lựa chọn hạt nhân”[75], một quá trình vận động khiến cho chủ tọa Thượng viện (có thể chính là Phó Tổng thống Cheney) bỏ qua ý kiến của các thành viên Thượng viện, phá vỡ truyền thống hai trăm năm và quyết định là quyền cản trở sẽ không được phép áp dụng ở Thượng viện nữa chỉ với một cái đập búa của chủ tọa - ít nhất là cho các vị trí tòa án được bổ nhiệm.
Đối với tôi, lời đe dọa loại bỏ quyên cản trở đối với các bổ nhiệm vào tòa án chỉ là một ví dụ nữa cho thấy đảng Cộng hòa luôn thay đổi quy tắc giữa cuộc chơi. Hơn nữa, có thể nói rõ hơn là việc bỏ phiếu tín nhiệm các vị trí bổ nhiệm thẩm phán chính là tình huống mà yêu cầu cần có đại đa số để chống quyền cản trở rất có ý nghĩa: Vì các thẩm phán liên bang được chỉ định làm việc suốt đời và thường phục vụ qua nhiều nhiệm kỳ tổng thống nên yêu cầu này giúp tổng thống, cũng như giúp cho nền dân chủ của chúng ta, tìm được nhưng ứng viên ôn hòa, người có thể có được sự ủng hộ nhất định của cả hai đảng. Rất ít người trong số ứng viên của Bush bị đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm là những người thuộc nhóm “ôn hoà”. Ngược lại, họ là những người thể hiện thái độ thù địch đối với những vấn đề như quyền công dân, sư riêng tư và kiểm soát quyền hành pháp đến mức họ trở nên cực hữu hơn cả những thẩm phán nặng tính Cộng hòa nhất (một ứng viên gặp đặc biệt nhiều khó khăn khi đã gọi chương trình an sinh xã hôi và các chương trình Kinh tế xã hội mới khác một cách chế giễu là “chiến thắng của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa của chúng ta").
Tôi vẫn nhớ mình đã phải nhịn cười khi lần đâu tiên nghe thấy từ "lựa chọn hạt nhân". Nó mô tả chính xác những tổn thất đặc trưng trong các quyết định bổ nhiệm thẩm phán, một phần của chiến dịch tuyên truyền cho phép các nhóm cánh tả đưa ra nhưng quảng cáo với vài cảnh trong phim Ông Smith đến Washington do Jimmy Stewart[76] đóng mà không hề nghĩ rằng các Thượng nghị sỹ Strom Thurmond và Jim Eastland cũng đã từng phải đóng vai ông Smith trong thực tế; nó cũng cho thấy các đảng viên Cộng hòa miền Nam không hề ngượng khi sáng tác ra chuyện thần thoại nên họ mới có thể đứng lên trước Thượng viện, trình bày bằng giọng buồn bã rằng hành động cản trở thông qua bổ nhiệm là không đúng đắn, họ không chịu biết một sự thật dù rất nhỏ là chính những chính trị gia tiền bối của họ đã hoàn thiện nghệ thuật đó do một động cơ thù địch.
Không nhiều đồng sự Dân chủ của tôi hiểu rõ sự mỉa mai đó. Khi quá trình bổ nhiệm thẩm phán bắt đầu trở nên nóng hổi, tôi có nói chuyện với một cô ban và thừa nhận rằng tôi lo ngại về chiến lược đảng của tôi đang sử dụng để làm mất uy tín và cản trở các ứng viên. Tôi không hề nghi ngờ rằng một vài người được Bush đề cử sẽ gây ra nhiều tổn hại; tôi sẽ ủng hộ cản trở bổ nhiệm một số ứng viên thẩm phán nếu mục đích chỉ là báo hiệu cho Nhà Trong biết sau này cần có lựa chọn ôn hòa hơn. Nhưng về cơ bản bỏ phiếu là một cách tốt - tôi nói với cô bạn. Thay vì dựa vào các quy trình của Thượng viện, một cách để đảm bảo những vị thẩm phán kia thể hiện được những giá trị của chúng ta là họ phải thắng khi được đưa ra bỏ phiếu.
Bạn tôi lắc đầu kịch liệt phản đối, cô ấy hỏi tôi: "Anh có nghĩ là nếu tình huống xảy ra ngược lại thì phe Cộng hòa có cảm thấy ray rứt khi sử dụng quyền cản trở không?" Tôi không nghĩ thế. Và tôi không nghĩ sau khi chúng tôi sử dụng quyền càn trở, mọi người sẽ quên đi hình ảnh chuyên phòng thủ của đảng Dân chủ - khi chúng ta thường sử dụng tòa án, luật sư và các mánh lới để tránh phải đi tìm sự ủng hộ của xã hội. Cách nhìn đó cũng không hoàn toàn công bằng: các đảng viên Cộng hòa cũng chả kém gì bên Dân chủ khi thường xuyên yêu cầu tòa án lật lại các quyết định mang tính dân chủ (như luật tài trợ chiến dịch tranh cử) mà họ không thích. Tôi cũng băn khoăn liệu những người cấp tiến có mất nhiều niềm tin vào nền dân chủ không khi chúng ta dựa vào tòa án để xác nhận không chỉ quyền lợi mà cả các giá trị của chúng ta.
Đúng là phe bảo thủ có vẻ đã đánh mất ý thức rằng nên dân chủ không chỉ là những gì đa số đòi hỏi. Tôi nhớ lại một buổi chiều vài năm trước, khi còn là nghị sĩ bang Illinois, tôi đã yêu cầu sửa đổi một dự luật cấm phá thai muộn của đảng Cộng hòa để cho phép có ngoại lệ với trường hợp người mẹ có sức khỏe không đảm bảo. Đề xuất sửa đổi không được thông qua khi bỏ phiếu, và sau đó tôi bước ra sảnh cùng một đồng nghiệp đảng Cộng hòa. Tôi nói với ông ta rằng nếu không sửa đổi thì luật này sẽ bị tòa án bác bỏ vì trái Hiến pháp. Ông ta quay sang nhìn tôi và bảo, sửa đổi gì đi nữa thì cũng chả có ý nghĩa gì - đằng nào các thẩm phán cũng chỉ làm theo cách họ muốn thôi.
“Đều là chính trị cả”, ông ta nói trước khi bỏ đi. "Quyền của chúng ta là bỏ phiếu".
NHỮNG CUỘC TRANH ĐẤU này có ý nghĩa gì không? Với đa số chúng ta, những tranh luận xung quanh quy trình làm việc của Thượng viện, sự phân quyền, đề cử thẩm phán ở tòa án và các quy tắc diễn giải hiến pháp đều rất khó hiểu, xa lạ với nỗi lo cuộc sống hàng ngày - đó chỉ là một ví dụ nữa về cuộc giác đấu giữa các phe phái mà thôi.
Thực ra chúng thật sự có ý nghĩa. Không chỉ vì quy tắc làm việc của chính phủ giúp chỉ ra kết quả của mọi vấn đề - từ việc liệu chính phủ có quản lý được người gây ô nhiễm không đến việc liệu chính phủ có thể nghe trộm điện thoại của bạn không - mà còn vì những quy tắc đó cũng như bầu cử, là điều xác định nền dân chủ của chúng ta. Hệ thống chính phủ tự trị của chúng ta khá phức tạp ; chính qua hệ thống đó, và khi tôn trọng nó, chúng ta hình thành các giá trị và những cam kết chung.
Dĩ nhiên tôi cũng bị thành kiến. Trong mười năm trước khi đến làm việc ở Washington, tôi dạy môn luật hiến pháp ở Đại học Chicago. Tôi yêu thích những lớp học trong trường luật: căn phòng rộng không có gì bên trong, cái hành động liều lĩnh như đi trên dây là đứng trước cả phòng học mỗi lúc đầu giờ chỉ với tấm bảng và những viên phấn, cách sinh viên đánh giá tôi, một số chăm chú hoặc e ngại, số khác thể hiện rõ sự buồn chán, rồi sự căng thẳng bị phá vỡ khi tôi đặt câu hỏi đầu tiên – "Vụ này thế nào?" Những cánh tay ngập ngừng giơ lên, những câu trả lời đầu tiên, và tôi bóc dần lớp vỏ từ ngữ của những lý luận đó, rồi điều mà chỉ vài phút trước đó còn có vẻ khô khan, thiếu sức sống bỗng trở nên sống động, một sinh viên sáng bừng lên, và bài học trở nên một phần cuộc sống, không chỉ là quá khứ mà còn là hiện tại, là tương lai của những sinh viên đó.
Đôi khi tôi tưởng tượng công việc của tôi không khác mấy so với các giáo sư lý thuyết khác cùng dạy trong trường – vì, tôi nghĩ cũng giống như các giáo sư dạy Kinh thánh, tôi thấy sinh viên thường nghĩ răng họ đã biết Hiến pháp trong khi chưa hề đọc nó. Các sinh viên thường quen với việc rút ra vài cụm từ trích dẫn họ nghe được và ngay lập tức dùng mấy từ đó để tranh luận, hoặc bỏ qua những đoạn văn mâu thuẫn với quan điểm của chính họ.
Nhưng điều tôi đánh giá cao nhất khi dạy môn luật hiến pháp, và tôi muốn sinh viên của tôi cũng đánh giá cao điều đó, là tại sao Hiến pháp vẫn áp dụng được sau hai thế kỷ tồn tại. Có thể các sinh viên đã có tôi làm người dẫn đường, nhưng họ không cần bất cử tài liệu trung gian nào khác, vì không giống sách Timothy hay Luke (thuộc Tân ước), những văn bản lập quốc - gồm Tuyên ngôn Độc lập, Luận cương về Chính quyền liên bang[77], và Hiến pháp - cho thấy chúng thực sự là tác phẩm của con người. Tôi nói với sinh viên rằng chúng ta có tài liệu ghi lại ý tưởng của những người sáng lập, những tranh cãi đa âm mưu của họ. Nếu chúng ta không thể luôn luôn thần thánh hóa những điều nằm trong trái tim những người sáng lập ra đất nước thì ít nhất chúng ta cũng có thể đi xuyên qua tấm màn thời gian để cảm nhận được lý tưởng cốt lõi đã thúc đẩy họ hành động.
Thế thì, chúng ta nên hiểu Hiến pháp như thế nào, và Hiến pháp nói gì về những cuộc tranh luận hiện tại xung quanh tòa án? Trước hết, việc đọc kỹ các văn bản lập quốc sẽ nhắc chúng ta nhớ rằng quan điểm của chúng ta chịu ảnh hưởng của các văn bản đó biết bao nhiêu. Hãy lấy ý tưởng những quyền không thể bị xâm phạm. Hơn hai trăm năm sau khi Tuyên ngôn Độc lập được chấp bút và Đạo luật Nhân quyền [78] được thông qua, chúng ta vẫn tiếp tục tranh cãi về ý nghĩa của việc "khám xét hợp lý", hay liệu Hiến pháp sửa đổi lần thứ hai có cấm đưa ra quy định quản lý súng không, hay việc xúc phạm quốc kỳ có được coi là cách thể hiện quan điểm cần được bảo vệ không[79]. Chúng ta tranh cãi về việc những quyền cơ bản trong thông luật - như quyền kết hôn hay quyền giữ toàn vẹn cơ thể - có được ngầm định nếu không được nêu rõ trong Hiến pháp không, và những quyền này có bao gồm những quyết định của cá nhân như nạo phá thai, chăm sóc y tế đến khi chết[80] hay quan hệ đồng giới hay không.
Và ngay cả với tất cả những bất đồng hiện tại thì chúng ta cũng khó mà tìm được một người bảo thủ hoặc tự do ở nước Mỹ, bất kể thuộc đảng Cộng hòa hay Dân chủ, là chuyên gia hay người bình thường lại không tán thành những giá trị tự do cá nhân được những người sáng lập nêu ra và được Hiến pháp và luật coi là thiêng liêng: đó là quyền nói lên suy nghĩ cá nhân; quyền tự do tín ngưỡng; quyền tập hợp lại để nêu kiến nghị với chính phủ một cách hòa bình: quyền sở hửu, định đoạt tài sản và không bị tước đi tài sản đó nếu không được đền bù đích đáng; quyền không bị khám xét hoặc bắt bớ vô lý, quyền không bị nhà nước bắt giam không đúng thủ tục, quyền được xét xử công bằng và nhanh chóng ở tòa án ; và quyền tự do - với ràng buộc pháp luật chỉ ở mức tối thiểu - được quyết định về đời sống gia đình và cách thức nuôi dạy con cái.
Chúng ta coi những quyền này là phổ biến, là ý nghĩa của tự do, chế ngự mọi cấp chính quyền và áp dụng cho tất cả những ai đang sống trong biên giới chính trị nước ta. Hơn nữa, chúng ta còn nhận thấy rằng chính ý tưởng về những quyền lợi chung đã hàm ý mọi cá nhân đều bình đẳng như nhau. Theo nghĩa này, dù chúng ta theo quan điểm chính trị nào thì chúng ta cũng đều tán thành những điều mà những người lập quốc đã viết ra.
Chúng ta cũng hiểu rằng một lời tuyên bố chưa làm nên chính phủ; chỉ có tín điều thì không đủ. Những người lập ra nước Mỹ nhận thấy rằng trong ý tưởng tự do cá nhân tiềm tàng tình trạng vô chính phủ, trong ý tưởng bình đẳng tiềm ẩn một mối nguy, vì nếu tất cả mọi người thực sự được tự do mà không bị hạn chế bởi dòng dõi, vị thế hay một trật tự xã hội được thừa hưởng - ví dụ, nếu niềm tin của tôi không tốt hơn, không xấu hơn niềm tin của anh, nếu quan điểm về chân, thiện, mỹ của tôi cũng đạt độ chân, thiện, mỹ như quan điểm của anh - thì làm sao chúng ta có hy vọng xây dựng được một xã hội gắn kết? Những nhà tư tưởng Khai sáng Anh như Thomas Hobbes và John Locke cho rằng những người tự do sẽ lập ra nhà nước như một khế ước xã hội để đảm bảo rằng tự do của người này không trở thành sự chuyên chế áp đặt lên người khác; và họ sẽ cũng hy sinh tự do riêng của mỗi người để có nền tự do chung tốt hơn. Dựa trên quan điểm này, các tác phẩm về học thuyết chính trị trước Cách mạng Mỹ đều kết luận là chỉ có nền dân chủ mới đáp ứng được yêu cầu vừa có tự do vừa có trật tự - một mô hình chính phủ trong đó những người bị cai trị chấp nhận điều đó, và những bộ luật hạn chế tự do đều có tính đồng đều dự đoán được, minh bạch, áp dụng công bằng cho cả người cai trị và người bị cai tri.
Những người sáng lập đất nước rất thấm nhuần những học thuyết này, tuy nhiên họ phải đối mặt với một thực tế: Trong suốt lịch sử thế giới cho đến thời điểm đó, có rất ít minh chứng cho thấy chế độ dân chủ có hiệu quả, và không nền dân chủ nào có quy mô lớn hơn thành bang Hy Lạp cổ đại. Với mười ba bang đầu tiên của nước Mỹ cải trên diện tích rộng lớn và dân số rất đa dạng, khoảng ba đến bốn triệu người, mô hình dân chủ của thành phố Athens[81] trở nên bất khả thi, chế độ dân chủ trực tiếp thông qua các cuộc họp của người dân ở các bang New England đã là không thể kiểm soát nổi[82]. Mô hình chính phủ cộng hòa trong đó người dân bầu ra đại diện có vẻ hứa hẹn hơn, nhưng ngay cả những người cộng hòa lạc quan nhất cũng lo ngại rằng hệ thống kiểu này chỉ hoạt động tốt với những cộng đồng tập trung về địa lý và đồng nhất về chính trị - những cộng đồng mà văn hóa chung, niềm tin chung, và hệ giá trị công dân tốt đối với tất cả mọi người sẽ giúp hạn chế những tranh chấp và bất đồng.
Giải pháp mà những người sáng lập nước Mỹ đưa ra sau những cuộc tranh luận và nhiều lần dự thảo đã cho thấy đây là một đóng góp mới đối với thế giới. Phác thảo cấu trúc lập hiến của Madison[83] đã trở nên quen thuộc đến mức ngay cả học sinh cũng trích dẫn lại được: không chỉ nhà nước pháp quyền và chính phủ đại diện, không chỉ tuyên ngôn nhân quyền mà còn hệ thống tam quyền phân lập, Quốc hội lưỡng viện và khái niệm chính thể liên bang để duy trì quyền lực nhà nước, tất cả những điều đó được dựng nên đều nhằm phân tán quyền lực, kiểm soát các phe phái, cân bằng lợi ích và ngăn ngừa mọi hành vi chuyên chế dù của một vài hay nhiều người. Hơn nữa, lịch sử của chúng ta cũng đã chứng minh một trong những điểm sáng suốt nổi bật của nhưng ngưu 1 sáng lập là: chính phủ cộng hòa tự trị sẽ hoạt động hiệu quả hơn trong một xã hội lớn và đa dạng, nơi mà - theo lời Hamilton[84] - sự va chạm giữa các đảng phán và sự khác biệt về quan điểm sẽ dẫn tới "tăng cường thảo luận và thận trọng". Cũng như với cách chúng ta hiểu Tuyên ngôn Độc lập ra tranh cãi về chi tiết của cơ cấu nhà nước theo Hiến pháp, chúng ta có thể phản đối việc Quốc hội lạm dụng quyền quản lý thương mại[85] dẫn tới gây phương hại cho đất nước hoặc phản đối việc giảm bớt quyền tuyên bố chiến tranh của Quốc hội. Nhưng chúng ta đều tin vào tinh đúng đắn cơ bản trong phác thảo nhà nước của những người sáng lập cũng như nền dân chủ hình thành sau đó. Dù là người bảo thủ hay tự do, tất cả chúng ta đều là người ủng hộ Hiến pháp.
Vì vậy nếu tất cả chúng ta ai cũng tin vào tự do cá nhân, ai cũng tin vào các quy tắc dân chủ, thì hiện tại phe bảo thủ và phe tự do đang tranh luận về cái gì ? Nếu chúng ta thực sự trung thực với bản thân, chúng ta sẽ phải thừa nhận rằng phần lớn thời gian chúng ta chỉ tranh cãi về kết quả - tức là những quyết định thực tế của tòa án và của cơ quan lập pháp về những vấn đề khó, có ảnh hưởng sâu rộng đối với đời sống chứng ta. Chúng ta có nên để các giáo viên hướng dẫn học sinh cầu nguyện và bỏ ngỏ khả năng những tín ngưỡng thiểu số của một vài học sinh sẽ bị suy yếu dần đi? Hay chúng ta nên cấm cầu nguyện và buộc những gia đình có tín ngưỡng phải để con cái họ sống trong thế giới bình thường tám giờ đồng hồ một ngày ? Các trường đại học có công bằng không khi phân biệt chủng tộc và có chính sách loại trừ khi tuyển sinh viên cho số chỉ tiêu ít ỏi của ngành y? Hay để công bằng, các trường không cần quan tâm đến màu da của tất cả các thí sinh dự tuyển? Thông thường, nếu một quy tắc nào đó - ví dụ, quyền cản trở thông qua ở Thượng viện hoặc cách diễn giải Hiến pháp của Tòa án Tối cao - giúp chúng ta giành thắng lợi trong một cuộc tranh luận và đem lại kết quả chúng ta mong muốn thì ít nhất, tại thời điểm đó, chúng ta cho rằng quy tắc đó rất hay. Ngược lại nếu nó không giúp gì cho chúng ta thì chúng ta có xu hướng không ưa thích gì nó cho lắm.
Theo nghĩa này, đồng nghiệp lập pháp ở Ulinois của tôi đã đúng khi anh ta nói rằng không thể tách rời những tranh luận về Hiến pháp ngày nay khỏi chính trị. Nhưng trong cuộc tranh luận về Hiến pháp và vai trò của tòa án không chỉ có vấn đề câu trả lời cuối cùng là gì. Chúng ta còn tranh cãi về việc phải tranh cãi thế nào - làm sao để giải quyết xung đột một cách êm ấm trong bối cảnh nền dân chủ rộng lớn đông đúc ồn ào hiện tại. Chúng ta muốn làm theo ý mình, nhưng phần lớn đều nhận thức được sự nhất quán, khả năng có thể dự đoán trước và tính gắn kết là những yếu tố cần thiết. Chúng ta muốn các quy tắc chi phối nền dân chủ của chúng ta phải hợp lý, công bằng.
Vì thế, khi chúng ta ầm ỹ với nhau về vấn đề nạo phá thai hay đốt quốc kỳ, chúng ta phải viện đến một quyền lực cao hơn - đó là những người sáng lập đất nước và những người đã thông qua Hiến pháp - để có định hướng rõ ràng hơn. Một vài người, ví dụ thẩm phán Scalia, kết luận rằng cần phải theo cách hiểu nguyên thủy và nếu chúng ta tuyệt đối tuân theo quy tắc này thì nền dân chủ sẽ luôn được tôn trọng.
Những người khác như thẩm phán Breyer lại không cho rằng cách hiểu ban đầu đối với những điều luật trong Hiến pháp là quan trọng. Nhưng họ nhấn mạnh rằng đôi khi chỉ theo cách hiểu nguyên thủy thì quá hạn chế - và với những vụ thực sự khó, với cuộc tranh luận thực sự lớn, ta phải cân nhắc cả bối cảnh, lịch sử và hậu quả thực tế của mỗi quyết định. Theo quan điểm này, các bậc tiền bối chỉ cho chúng ta phải nghĩ như thế nào, chứ họ không thể lúc nào cũng ở bên cạnh chúng ta để bảo chúng ta phải nghĩ gì. Chúng ta phải tự quyết định, và chỉ có thể dựa vào cách giải thích, cách đánh giá của chính bản thân mình.
Thế thì ai đúng? Tôi không thể không đồng cảm với quan điểm của thẩm phán Scalia; rút cục, trong rất nhiều trường hợp, Hiến pháp đã quá rõ ràng và có thể áp dụng một cách tuyệt đối. Chúng ta không cần giải thích, ví dụ như bao lâu tổ chức bầu cử một lần, hay tổng thống phải ở độ tuổi nào, và bất cứ khi nào có thể, các thẩm phán nên bám sát hết mức vào nghĩa những câu chữ đó.
Hơn nữa, tôi rất hiểu sự tôn trọng mà những người diễn giải Hiến pháp dành cho những người sáng lập nước Mỹ: thực tế là tôi thường tự hỏi không hiểu bản thân những người đó có biết trước thành tựu của họ lớn lao đến mức nào không. Họ không chỉ tạo ra Hiến pháp như một bước tiếp theo của cuộc cách mạng; họ còn viết ra Luận cương về Chính quyền liên bang để dẫn đường cho Hiến pháp được thông qua, và họ sửa đổi nó với Đạo luật Nhân quyền, tất cả chỉ trong vài năm ngắn ngủi. Khi đọc những văn bản này chúng ta thấy chúng đều đúng một cách đáng kinh ngạc, đến mức chúng ta dễ đàng có ý nghĩ rằng chúng hẳn là kết quả của quy luật tự nhiên nếu không phải là của một trí tuệ thần thánh. Vì vậy, tôi đánh giá rất cao cách giải thích của thẩm phán Scalia và những người khác khi cho rằng nên nhìn nhận nền dân chủ một cách thống nhất, không thay đổi. Họ có niềm tin vững chắc rằng nếu đi theo cách hiểu nguyên thủy về Hiến pháp - không thắc mắc, không chệch đường, và tuân thủ những quy tắc đúng theo tinh thần của những người sáng lập, thì chúng ta sẽ được tưởng thưởng, và những điều tốt đẹp sẽ đến.
Tuy nhiên, tôi vẫn đồng ý với thẩm phán Breyer rằng Hiến pháp không phải một văn bản tĩnh, ngược lại nó rất sống động, và phải đọc nó trong bối cảnh một thế giới không ngừng thay đổi.
Tại sao lại như vậy? Những câu chữ trong Hiến pháp cho chúng ta biết nguyên tắc chung là chúng ta không bị chính phủ điều tra nếu không có lý do phù hợp. Chứ Hiến pháp không thể trình bày cụ thể quan điểm của những người sáng lập về tính hợp lý của hành động khai thác cơ sở dữ liệu máy tính của cơ quan an ninh quốc gia (NGA). Hiến pháp cho ta biết cần phải bảo vệ quyền tự do ngôn luận, nhưng không quy định tự do trong thế giới mạng nghĩa là gì.
Hơn nữa, mặc dù những từ ngữ trong Hiến pháp rất rõ ràng và có thể áp dụng hoàn toàn chính xác, nhưng cách hiểu về những điều khoản quan trọng nhất - ví dụ như thủ tục pháp lý hợp lý hay bảo vệ công bằng[86] - đã thay đổi rất nhiều qua thời gian. Chẳng hạn, cách hiểu nguyên thủy của Hiến pháp sửa đổi lần thứ 14 cho phép phân biệt giới tính và thậm chí cả phân biệt chủng tộc - nhưng hiện nay hẳn rất ít người trong chúng ta hiện nay muốn diễn giải công bằng theo nghĩa đó.
Cuối cùng, bất cứ ai muốn tìm cách giải quyết cuộc tranh luận về Hiến pháp ngày nay bằng cách giải thích cứng nhắc cũng đều gặp phải một vấn đề nữa: đó là những người sáng lập và những người thông qua Hiến pháp, bản thân họ cũng bất đồng rất dữ dội và sâu sắc về nghĩa của kiệt tác họ viết ra. Cuộn giấy viết Hiến pháp chưa kịp ráo mực thì những cuộc cãi nhau đã nổ ra, không chỉ về những điều khoản nhỏ nhặt mà còn cả về những nguyên tắc đầu tiên, không chỉ giữa những nhân vật bên ngoài mà còn giữa chính những người cốt cán của cuộc Cách mạng. Họ tranh cãi về việc chính phủ nên có quyền lực đến đâu, về các quy định quản lý nền kinh tế, thay đổi luật, xây dựng quân đội hay gánh các khoản nợ. Họ tranh cãi về vai trò của tổng thống khi soạn các hiệp ước với quốc gia khác, về vai trò của Tòa án Tối cao khi ra quyết định các điều luật. Họ tranh cãi về ý nghĩa của những quyền lợi cơ bản như tự do ngôn luận và tự do hội họp, và đôi khi, khi nhà nước non trẻ bị đe doạ thì họ lại không phản đối việc cũng bỏ qua tất cả những quyền đó. Với những gì chúng ta đã biết về sự bất đồng, về những liên minh liên tục thay đổi và những thủ đoạn đôi khi lén lút, dối trá thì việc tin rằng hai trăm năm sau, một vị thẩm phán có thể làm cách nào đó hiểu được ý tưởng ban đầu của những người sáng lập và người thông qua Hiến pháp là rất không thực tế. Một vài nhà sử học và lý thuyết luật học thậm chí còn đưa cuộc tranh luận về việc chống áp dụng luật cứng nhắc đi xa hơn một bước nữa. Họ kết luận rằng bản thân Hiến pháp cũng chỉ là một sự ngẫu nhiên may mắn, là một văn bản được hình thành không chỉ bởi nguyên tắc mà còn bởi sức mạnh và niềm đam mê. Họ cho rằng chúng ta không bao giờ hy vọng có thể hiểu được "ý tưởng ban đầu" của những người sáng lập, vì ý tưởng của Jefferson không bao giờ giống ý tưởng của Hamilton, và ý tưởng của Hamilton thì hoàn toàn khác ý tưởng của Adams. Theo họ, vì những "quy tắc" của Hiến pháp tùy thuộc vào từng thời điểm, từng hoàn cảnh, cũng như tham vọng của những người đã viết ra nó nên cách diễn giải của chúng ta không bao giờ phản ánh được sự ngẫu nhiên, sự cạnh tranh, mệnh lệnh được che đậy sau những ngôn từ cao thượng của phe đã giành chiến thắng sau cùng. Mặc dù biết rằng áp dụng cứng nhắc luật thì rất tiện, nhưng tôi cũng cảm thấy hào hứng khi biết mọi việc không đẹp như huyền thoại, tôi hiểu mọi người muốn tin rằng chúng ta không bị giới hạn trong những từ ngữ của Hiến pháp, có thể hoàn toàn dự do khẳng định giá trị của mình mà không bị lòng trung thành với truyền thống nặng nề từ quá khứ xa xôi gây trở ngại. Đó là tự do của những người theo thuyết tương đối, của những kẻ chuyên phá vỡ quy tắc, của những thanh thiếu niên đã khám phá ra rằng cha ông mình không hề hoàn hảo và đã biết cách chống lại người khác. Đó là sự tự do bội bạc.
Nhưng tinh thần bội bạc đó cũng làm tôi không hài lòng. Có lẽ tôi đã bị huyền thoại thời lập quốc ngấm sâu vào người đến mức không thể hoàn toàn bác bỏ nó được. Có lẽ cũng như những người đã bác bỏ Darwin để ủng hộ thuyết Sáng tạo thông minh[87], tôi cũng muốn thừa nhận rằng phải có ai đó đang điều khiển bánh lái dẫn dắt thế giới này. Cuối cùng, câu hỏi mà tôi thường tự đặt ra với bản thân là nếu Hiến pháp chỉ nói về quyền lực chứ không nói về nguyên tắc xử thế, nếu tất cả những gì chúng ta làm qua thời gian chỉ là sửa đổi, bổ sung nó thì tại sao nền cộng hòa của chúng ta không chỉ tồn tại được mà còn là một mô hình rất mạnh trong số các xã hội thành công trên trái đất?
Câu trả lời mà tôi ủng hộ - dĩ nhiên không phải do tôi nghĩ ra - là sử dụng một ẩn dụ khác, đó là nhìn nhận nền dân chủ của chúng ta không phải là một ngôi nhà đang xây lên mà là một cuộc đối thoại. Theo khái niệm này thì cái tài trong bản thảo Hiến pháp của Madison không phải là đưa ra cách hành động cứng nhắc, cố định như một bản vẽ thiết kế xây dựng. Trái lại nó cho ta biết khung hành động với các quy tắc nhất định, nhưng việc trung thành tuyệt đối với các quy tắc này cũng không đảm bảo sẽ đem lại một xã hội công bằng hay đảm bảo mọi người sẽ thống nhất được hành động nào là đúng. Nó không nói được việc nạo phá thai là đúng hay sai và đó là quyền quyết định của người phụ nữ hay của cơ quan lập pháp. Nó cũng không cho biết được việc cầu nguyện ở trường học có tốt hơn không hề cầu nguyện hay không.
Điều mà khung hành động trong Hiến pháp làm được là đưa ra cách thức để chúng ta tranh luận về tương lai. Tất cả những cơ chế phức tạp tinh vi nó đem lại - nguyên tắc phân quyền, kiểm soát và cân bằng quyền lực, nguyên tắc liên bang và Đạo luật Nhân quyền - là nhằm buộc chúng ta phải ngồi vào đàm phán xây dựng một "nền dân chủ thảo luận"[88]. Trong nền dân chủ này, tất cả mọi công dân phải tham gia vào quá trình kiểm định ý tưởng của họ nước thực tế, thuyết phục người khác theo quan điểm của mình và xây dựng khối đồng minh. Vì quyền lực trong chính phủ rất phân tán nên quy trình làm luật ở Mỹ buộc chúng ta phải xem xét khả năng chúng ta không phải lúc nào cũng đúng và đôi khi phải thay đổi ý kiến. Chúng ta phải thường xuyên nhìn lại động cơ và lợi ích của mình, và cho rằng cả đánh giá của cá nhân cũng như của tập thể đều có thể cùng một lúc vừa chính đáng lại vừa rất sai lầm.
Những tài liệu lịch sử đã chứng minh điều này. Sau cùng, nếu có một động cơ chung nào đó của tất cả những người sáng lập thì đó hẳn là sự bác bỏ mọi hình thức của quyền lực tuyệt đối, bất kể đó là quyền lực của một ông vua hay một giáo chủ, một vị tướng, một tên đầu sỏ chính trị hay một kẻ độc tài, thậm chí là phe đa số hay bất cứ ai khác đòi quyền ra quyết định thay cho chúng ta. George Washington đã từ chối vương-miện-Caesar vì lý do này, và đã từ bỏ chiếc ghế quyền lực sau hai nhiệm kỳ. Kế hoạch lãnh đạo Quân đội mới của Hamilton bị đổ vỡ và uy tín của Adams sau Đạo luật Ngoại kiều và chống nổi loạn bị sụp đổ cũng vì thế. Chính Jefferson, chứ không phải vị thẩm phán tự do nào đó của thập kỷ 60, đã kêu gọi phải có bức tường ngăn cách giữa nhà thờ và nhà nước. Và khi chúng ta không chấp nhận lời khuyên của Jefferson là cứ hai hay ba thế hệ phải tiến hành một cuộc cách mạng thì lý do là bản thân Hiến pháp cho thấy nó đủ khả năng chống lại mọi sự chuyên quyền.
Những người sáng lập không chỉ tìm cách ngăn cản quyền lực tuyệt đối. Trong cấu trúc và ý tưởng của tự do có trật tự đó hàm ý thái độ từ chối chân lý tuyệt đối, từ chối cho rằng các ý tưởng, ý thức hay học thuyết luôn đúng đắn - không bao giờ sai lầm, từ chối một sự chuyên quyền có thể khiến cho thế hệ sau phải đi theo một hướng duy nhất, không thể thay đổi hoặc làm cho cả đa số và thiểu số phải sống dưới chế độ tàn bạo của tòa án dị giáo, cuộc tàn sát người Do Thái hay những cuộc thánh chiến. Những người sáng lập có thể tin vào Chúa, nhưng với tinh thần Khai sáng, họ cũng tin vào những trái tim và khối óc mà Chúa đã trao cho họ. Họ nghi ngờ quan điểm trừu tượng và ưa thích đặt câu hỏi, đó là lý do tại sao tại mỗi bước ngoặt trong lịch sử sơ khai nước Mỹ, lý thuyết đều chuyển thành thực tế và quy luật tất yếu. Jefferson đã giúp củng cố quyền lực của nhà nước ngay cả khi ông phàn nàn và bác bỏ quyền lực này. Lý tưởng của Adams về một nền chính trị chỉ dựa vào lợi ích chung - một thứ chính trị phi chính trị - đã thể hiện sự lỗi thời ngay khi Washington rời ghế tổng thống. Có thể tầm nhìn của những người sáng lập đã tạo cảm hứng cho chúng ta, nhưng chính tính thực tế, sự linh hoạt và tính tò mò của họ đã giúp Liên bang tồn tại được.
Tôi phải thú nhận rằng trong việc diễn giải Hiến pháp và quy trình dân chủ đang có một vấn đề khá cơ bản. Đó là quá đề cao sự thỏa hiệp, thái độ nhún nhường, luẩn quẩn; luôn cố thanh minh cho hành vi thông đồng, thỏa thuận, vì lợi ích cá nhân, cho các khoản chi của chính phủ cho địa phương để giành phiếu bầu, cho tình trạng chính trị tê liệt và thiếu hiệu quả - tất cả đều như quá trình làm xúc xích không ai muốn nhìn[89] mà các nhà báo viết xã luận trước kia gọi là tình trạng suy đồi. Và tôi nghĩ chúng ta đã nhầm khi cho rằng quá trình thảo luận dân chủ cần bỏ qua những lý tưởng cao nhất hoặc cam kết với một lợi ích chung. Nói cho cùng, Hiến pháp đảm bảo quyền tự do ngôn luận không phải để chúng ta có thể lớn tiếng với người khác chừng nào cũng được, có thể giả điếc trước những gì người khác nói (mặc dù chúng ta có quyền đó). Nó còn cho chúng ta cơ hội có một thị trường ý tưởng tuyệt vời, một nơi mà "sự va chạm giữa các đảng phái" xảy ra nhờ "thảo luận và thận trọng", một nơi mà thông qua tranh luận và cạnh tranh, chúng ta mở rộng tầm nhìn, thay đổi ý kiến và cuối cùng không chỉ đạt được đồng thuận, mà còn đồng thuận một cách hợp lý và công bằng.
Hệ thống kiểm soát và cân bằng quyền lực, cơ chế phân quyền và thể chế liên bang trong Hiến pháp thường dẫn tới sự hình thành các nhóm người có lợi ích cố định đấu tranh kịch liệt chỉ để giành được chút ưu thế nhỏ. Nhưng không bắt buộc phải như thế, sự phân tán quyền lực có thể buộc các nhóm lợi ích này phải cân nhắc cả lợi ích của các nhóm khác, và thực tế có khi còn phải làm các nhóm khác thay đổi cách nghĩ, cách cảm nhận của họ về lợi ích của mình.
Tinh thần từ chối tính tuyệt đối ngầm định trong cấu trúc Hiến pháp đôi khi làm cho chính trị có vẻ không có nguyên tắc gì cả. Nhưng trong phần lớn lịch sử của chúng ta, nó đã khuyến khích quá trình thu thập và phân tích thông tin rằng như tranh luận, cho phép chúng ta có những lựa chọn - nếu không thể hoàn hảo - thì cũng đúng đắn hơn, không chỉ về phương tiện mà cả về mục đích cuối cùng. Bất kể chúng ta ủng hộ hay phản đối chính sách hướng tới các nhóm thiểu số hoặc cầu nguyện trong trường học, chúng ta đều phải so sánh lý tưởng, tầm nhìn và giá trị của mình với thực tế cuộc sống hàng ngày, qua đó sàng lọc, bác bỏ hoặc thay thế chúng bằng lý tưởng mới hơn, tầm nhìn sắc sảo hơn, giá tri sâu sắc hơn. Hơn nữa, theo Madison, chính quá trình đó đã hình thành nên bản Hiến pháp thông qua một thỏa thuận trong đó "không người nào cảm thấy phải giữ nguyên quan điểm của mình khi không còn hài lòng với tính đúng đắn và chân lý của quan điểm đó nữa, và sẵn sàng chấp nhận lý lẽ mới".
TÓM LẠI, hiến pháp vẽ ra con đường qua đó chúng ta có thể kết hợp tình cảm với lý trí, lý tưởng về tự do cá nhân với nhu cầu của cộng đồng. Và điều kỳ diệu là ở chỗ nó đã có hiệu quả. Trong những ngày đầu của đất nước, trải qua những cuộc khủng khoảng và chiến tranh thế giới, trải qua rất nhiều biến đổi trong nền kinh tế, quá trình mở rộng về miền Tây và hàng triệu người nhập cư qua đường biển, nền dân chủ của chúng ta không chỉ tồn tại mà còn lớn mạnh. Dĩ nhiên, nó đã được thử thách qua nhiều cuộc chiến tranh và sự sợ hãi, và chắc chắn sẽ còn được thử thách trong tương lai.
Nhưng đã có một lần cuộc đàm phán hoàn toàn thất bại, và đó là về một chủ đề mà những người sáng lập từ chối đề cập đến.
Tuyên ngôn Độc lập, như nhà sử học Joseph Ellis[90] đã nói, có thể là “một thời khắc thay đổi lịch sử thế giới, khi tất cả mọi điều luật và quan hệ con người dựa trên áp bức sẽ bị xóa bỏ mãi mãi". Nhưng tinh thần tự do đó, trong tư tưởng của những người sáng lập, không được áp dụng cho những người nô lệ đang làm việc trên cánh đồng của họ, dọn giường ngủ cho họ và chăm sóc con cái của họ.
Hệ thống tinh vi quy định trong Hiến pháp bảo đảm quyền lợi của công dân, những người được coi là thuốc cộng đồng chính trị của nước Mỹ. Nhưng nó không hề bảo vệ đối tượng không thuộc nhóm này - đó là người Mỹ bản địa nhưng lời thương lượng bị coi là vô giá trị trước tòa án của nhóm người đã chiếm đất của họ, hoặc Dred Scott, một người da đen đã bước vào Tòa án Tối cao với tư cách là người tự do, nhưng khi bước ra lại là một nô lệ.[91]
Chế độ dân chủ thảo luận đã đem lại quyền bầu cử cho những người da trắng không có tài sản cũng như phụ nữ. Lẽ phải, lý luận và chủ nghĩa thực dụng kiểu Mỹ có thể làm dịu bớt những vấn đề nảy sinh trong quá trình phát triển kinh tế ở một quốc gia lớn cũng như giảm những căng thẳng về tôn giáo và giai cấp có thể gây phiền toái ở một nước nào đó khác. Nhưng chỉ thảo luận không thì không thể đem lại tự do cho người nô lệ hay rửa sạch nước Mỹ khỏi những tội lỗi ban đầu. Cuối cùng, phải dùng đến thanh gươm mới có thể chặt đứt được dây xích.
Vấn đề này nói lên điều gì về nền dân chủ của chúng ta? Có một trường phái lý luận xem những người sáng lập chỉ là những kẻ đạo đức giả, và Hiến pháp chỉ là sự phản bội lại những lý tưởng trong Tuyên ngôn Độc lập; và họ đồng ý với những người đầu tiên phản đối chế độ nô lệ rằng bản Great Compromise (Thỏa ước vĩ đại)[92] giữa miền Bắc và miền Nam chính là một thỏa ước với ma quỷ. Những người khác, đại diện cho những suy xét thận trọng hơn, truyền thống hơn, thì khẳng định rằng những thỏa ước liên quan đến nô lệ theo Hiến pháp như bỏ qua quan điểm bãi nô trong dự thảo đầu tiên của Tuyên ngôn Độc lập; các điều khoản 3/5, điều khoản về nô lệ bỏ trốn, về nhập khẩu nô lệ[93]; quy tắc giữ im lặng trước mọi tranh luận liên quan đến vấn đề nô lệ của Quốc hội khóa 24, cơ cấu liên bang và Thượng viện - có thể không thích hợp, nhưng là cần thiết để tạo dựng ra Liên bang. Và khi im lặng chấp nhận chúng thì những người sáng lập chỉ trì hoãn sự kết thúc của chế độ nô lệ - một điều họ tin chắc sẽ xảy ra. Quan điểm này cũng cho rằng sai lầm này không hề làm giảm bớt tính ưu việt của Hiến pháp - vì Hiến pháp vẫn để khoảng trống cho những người chống chế độ nô lệ có cơ hội củng cố lại và đấu tranh, vẫn cung cấp một khuôn khổ hành động mà nhờ đó, sau cuộc Nội chiến, Hiến pháp sửa đổi lần thứ 13, 14 và 15 được thông qua, và cuối cùng Liên bang cũng đạt được sự hoàn chỉnh.
Làm sao một người Mỹ với dòng máu Phi chảy trong huyết mạch như tôi có thể chọn đứng về phe nào trong cuộc tranh luận này? Tôi không thể. Tôi yêu nước Mỹ này vô cùng, và tôi dành quá nhiều tâm sức cho nước Mỹ hiện tại, quá gắn bó với thể chế, với cái đẹp và cả cái xấu của đất nước nên không thể hoàn toàn chỉ để tâm tới hoàn cảnh ra đời của nó. Nhưng tôi cũng không thể gạt bỏ những bất công nghiêm trọng đã xảy ra, hoặc xóa đi bóng ma của quá khứ, hay bỏ qua vết thương còn mở miệng, tinh thần còn đau đớn vẫn đang hành hạ đất nước này.
Khi nhìn vào lịch sử, điều tốt nhất tôi có thể làm là tự nhắc nhở mình rằng không phải lúc nào chủ nghĩa thực dụng, tiếng nói của lẽ phải hay thái độ thỏa hiệp cũng đem lại tự do. Thực tế khó khăn, lạnh lùng nhắc tôi rằng chính những người theo chủ nghĩa lý tưởng kiên quyết như William Lloyd Garrison[94] là người đầu tiên nói lên lời kêu gọi công lý; rằng chính những người nô lệ và đã từng là nô lệ, bao gồm cả đàn ông như Denmark Vesey và Frederick Douglas và phụ nữ như Harriet Tubman[95], là người nhận ra rằng nhóm cầm quyền sẽ bao giờ nhường bước nếu họ không đấu tranh. Chính những lời kêu gọi mạnh mẽ của John Brown[96], tinh thần sẵn sàng đổ cả máu chứ không chỉ đấu tranh bằng lời lẽ cho lý tưởng của ông đã góp phần thúc đẩy giải quyết vấn đề nô lệ ở đất nước có một nửa là nô lệ và một nửa là người tự do. Tôi nhận thấy rằng thảo luận và trình tự theo Hiến pháp đôi khi là sự xa hoa của những người nắm quyền lực, và đôi khi chính những người lập dị, quá khích, người đề xướng, kích động, và cả những người luôn đi quá giới hạn - nói cách khác, những người theo chủ nghĩa chuyên chế - lời đấu tranh cho một trật tự mới. Khi hiểu điều này, tôi sẽ không thể ngay tức khắc phản đối những người cực đoan hiện nay - những người chống phá thai đang cản trở cuộc họp mặt với cử tri của tôi hay những người bảo vệ quyền lợi động vật đang phá hoại các phòng thí nghiệm - bất kể tôi bất đồng với họ đến đâu. Tôi đã không còn tin vào sự chắc chắn của những điều không chắc chắc - vì đôi khi chân lý tuyệt đối có thể là tuyệt đối thật.
CUỐI CÙNG còn lại Lincoln, trước và sau ông không ai hiểu rõ như ông cả về vai trò cũng như hạn chế của thảo luận trong nền dân chủ chúng ta. Chúng ta nhớ đến ông với những lời buộc tội vừa đanh thép vừa sâu sắc – sự phản đối không vụ lợi đối với chế độ nô lệ và quyết định cho rằng một ngôi nhà bị chia cắt thì không thể đứng vững. Nhưng khi làm tổng thống, ông phải đối mặt với một thực tế mà nếu xảy ra ở hiện tại thì hẳn chúng ta sẽ không giải quyết nổi. Nó khiến cho ông phải nhiều lần thương lượng với các bang miền Nam với mục đích duy trì một đất nước không có chiến tranh, phải phong chức rồi lại sa thải hết vị tướng này đến vị tướng khác, hết chiến lược này đến chiến lược khác khi chiến tranh xảy ra, phải suy rộng Hiến pháp đến điểm tận cùng để đưa cuộc chiến đến thắng lợi cuối cùng. Tôi muốn tin rằng với Lincoln, không bao giờ có chuyện ông từ bỏ niềm tin vì lợi ích cá nhân. Trái lại, vấn đề của ông chỉ là làm sao để cân bằng hai quan điểm đối lập - và chúng ta phải đối thoại và đạt tới sự hiểu biết chung, chính vì tất cả chúng ta không ai hoàn hảo và không thể hành động với niềm tin chắc chắn là Chúa đứng về phía ta. Tuy nhiên, đôi khi chúng ta vẫn phải hành động, như thể chúng ta hoàn toàn chắc chắn rằng về niềm tin đó, và chỉ có Thượng đế mới bảo vệ chúng ta khỏi mắc sai lầm.
Nhận thức đó, sự khiêm nhường đó đã giúp Lincoln theo đuổi những nguyên tắc của ông thông qua nền dân chủ, qua những bài phát biểu và tranh luận, qua nhưng lý lẽ hợp lý kêu gọi bản chất tốt đẹp hơn trong mỗi người. Cũng chính nhờ tính khiêm nhường đó mà khi cuộc đàm phán giữa miền Nam và miền Bắc thất bại dẫn tới phải tiến hành chiến tranh, ông không bao giờ bôi xấu những người bên kia chiến tuyến hoặc nói ra những lời giảm bớt sự khốc liệt của chiến tranh. Máu của những người nô lệ nhắc chúng ta nhớ rằng sự thực dụng đôi khi có thể trở thành hèn nhát. Lincoln, cùng với những người nằm ở nghĩa trang Gettysburg, nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta nên theo đuổi chân lý tuyệt đối chỉ khi chúng ta biết rõ rằng cái giá phải trả là rất đáng sợ.
NHỮNG SUY NGHĨ đêm đó trở nên thừa vào thời điểm tôi phải tham gia bỏ phiếu về những người được Tổng thống George W.Bush đề cử vào Tòa án Phúc thẩm liên bang. Cuối cùng, cuộc khủng hoảng ở Thượng viện đã bị đẩy lùi hay ít nhất cũng được trì hoãn. Bảy thượng nghị sỹ Dân chủ đã đồng ý không cản trở quyết đinh bổ nhiệm ba trong số năm ứng viên gây tranh cãi của Bush, kèm theo là lời đảm bảo rằng trong tương lai họ sẽ dành quyền cản trở cho những "trường hợp ngoại lệ" hơn. Đổi lại, bảy đảng viên Cộng hòa cũng đã đồng ý sẽ bỏ phiếu chống lựa chọn hạt nhân" - nếu nó được thông qua thì quyền cản trở sẽ vĩnh viễn không còn tồn tại - cũng với lời cảnh báo rằng họ sẽ thay đổi ý kiến nếu xảy ra cái "trường hợp ngoại lệ" kia. Không ai có thể nói được thế nào là "trường hợp ngoại lệ", và những người Dân chủ lẫn Cộng hòa đang muốn tiếp tục cuộc đấu đã phàn nàn một cách cay đắng về sự thỏa hiệp có điều kiện của những người cùng phe với họ.
Tôi đã từ chối gia nhập cái gọi là Nhóm 14[97]; với tiểu sử của một số thẩm phán liên quan thì thật khó mà hiểu được các ứng viên thẩm phán phải tồi tệ đến mức nào thì mới được coi là "trường hợp ngoại lệ” đáng phải áp dụng quyền cản trở. Nhưng tôi cũng không thể chê trách các đồng sự của tôi về nỗ lực họ đã bỏ ra. Các đảng viên Dân chủ liên quan đến vụ này đã có một quyết định rất thực tế - nếu không có sự thỏa hiệp thì "lựa chọn hạt nhân" hẳn đã được thông qua.
Không ai ngây ngất với bước ngoặt trong sự kiện này bằng Thượng nghị sỹ Byrd. Vào cái ngày mà quyết định thỏa hiệp được đưa ra, với vẻ hân hoan chiến thắng, ông bước vào sảnh Điện Capitol cùng Thượng nghị sỹ Cộng hòa John Warner bang Virginia - còn các thành viên trẻ của Nhóm 14 đi sau những vị sư tử già. "Chúng ta đã giữ được nền cộng hòa!", Thượng nghị sỹ Byrd đã tuyên bố như vậy trước một loạt các phóng viên, và tôi mỉm cười một mình, nhớ lại cuộc gặp giữa hai chúng tôi cuối cùng đã được sắp xếp trước đó vài tháng.
Cuộc gặp diễn ra tại phòng làm việc kín đáo của Thượng nghị sỹ Byrd ở tầng một Điện Capitol, nép dọc theo những căn phòng nhỏ màu sắc đẹp đẽ mà các ủy ban Thượng viện thường dùng làm phòng họp. Viên thư ký dẫn tôi đến phòng riêng của ông, một căn phòng đầy sách và những thứ trông giống như bản thảo cũ kỹ, trên tường là những hàng bức ảnh cũ và bản ghi những sự kiện đáng nhớ trong các cuộc tranh cử. Thượng nghị sỹ Byrd hỏi tôi có đồng ý chụp vài tấm ảnh chung không, rồi chúng tôi bắt tay nhau và cười trước ống kính của một tay thợ ảnh có mặt lúc đó. Sau khi viên thư ký và thợ ảnh ra ngoài, chúng tôi ngồi xuống hai chiếc ghế đã rất cũ. Tôi hỏi thăm vợ ông vì nghe nói bà đã rơi vào tình trạng rất yếu, hỏi ông về một vài nhân vật trong những tấm ảnh. Cuối cùng tôi xin ông lời khuyên cho một thành viên mới của Thượng viện.
“Phải học các quy tắc", ông trả lời. "Không chỉ quy tắc mà cả tiền lệ nữa". ông chỉ vào hàng tập tài liệu dày cộp đằng sau, mỗi tập đều được gắn một nhãn viết tay. "Bây giờ không nhiều người muốn học về mấy thứ này nữa. Tất cả mọi thứ đều quá vội vàng, đòi hỏi quá nhiều thời gian của một thượng nghị sỹ. Nhưng những quy tắc ấy sẽ mở cánh cửa sức mạnh của Thượng viện. Chúng là chìa khóa vào vương quốc này".
Chúng tôi nói chuyện về Thượng viện trong quá khứ, về những vị tổng thống mà ông biết, những đạo luật ông đã tham gia soạn thảo. Ông nói rằng tôi sẽ làm việc tốt ở Thượng viện, nhưng tôi không nên quá vội vàng - bây giờ có quá nhiều thượng nghị sỹ chỉ tập trung vào Nhà Trắng mà không hiểu rằng trong Hiến pháp, chính Thượng viện mới là cơ quan tối cao, là trái tim và khối óc của nền cộng hòa.
“Giờ ít người đọc Hiến pháp quá", Thượng nghị sỹ Byrd nói, rút ra cuốn Hiến pháp từ túi áo ngực. "Tôi vẫn luôn nói rằng cuốn sách này cùng với Kinh thánh là tất cả những lời chỉ dẫn tôi cần".
Trước khi tôi ra về, ông nhắc viên thư ký đem cho tôi một bộ lịch sử Thượng viện ông viết. Và khi ông chậm rãi xếp bộ sách đóng bìa rất đẹp lên bàn và tìm cây bút, tôi nói rằng ông thật phi thường khi vẫn có thời gian để viết.
“Ôi tôi gặp may lắm", ông nói, gật đầu. "Phải cảm ơn nhiều điều. Không nhiều việc tôi muốn làm lại đâu”. Đột nhiên ông dừng lại và nhìn thẳng vào mắt tôi. "Anh biết đấy, tôi chỉ có một điều ân hận duy nhất. Sự ngu dốt hồi trẻ..." Chúng tôi ngồi im lặng trong khoảnh khắc, nghĩ về khoảng cách tuổi tác và kinh nghiệm giữa hai người.
Cuối cùng tôi lên tiếng. "Thưa Thượng nghị sỹ, ai cũng có điều phải ân hận cả. Chỉ mong rằng cuối cùng, sự nhân từ của Chúa sẽ che chở cho chúng ta".
Ngài thượng nghị sỹ ngẫm nét mặt tôi một lúc, rồi gật đầu cười nhẹ và đưa tay mở trang bìa một trong mấy quyển sách. "Sự nhân từ của Chúa. Quả đúng như thế. Để tôi ký tặng anh nhé", ông nói, và một tay giữ tay kia cho khỏi run, ông chậm rãi ký tên lên món quà.