HUYỀN TRÂN CÔNG CHÚA

SƠ GIẢN PHẢ HỆ NHÀ TRẦN

Để bạn đọc tiện theo dõi các nhân vật trong truyện, tác giả tạm sắp xếp một giản yếu tới tối giản về phả hệ nhà Trần.

Song có một điều lộn xộn cần nói, đó là việc hôn nhân của họ Trần. Vì muốn giữ gìn sự trường tồn của dòng họ, nhà Trần nghiêm cấm con trai, con gái kết hôn với người ngoại tộc. Cho nên, bạn đọc sẽ thấy anh em con chú bác ruột lấy nhau như cặp Trần Thủ Độ (Thái sư) lấy Trần Thị Dung (Linh từ quốc mẫu)

Cô cháu ruột lấy nhau như cặp Thiên Thành công chúa (em ruột Trần Liễu, Trần Cảnh) lấy Trần Quốc Tuấn (con Trần Liễu).

Chị em con chú con bác trực hệ lấy nhau: Khâm từ, Tuyên từ (con gái Trần Hưng Đạo) lấy Trần Nhân tông (con trai Trần Thánh tông). Vân vân và v.v…

Tuy nhiên, việc cấm kết hôn với người ngoại tộc chỉ có hiệu lực trong một hai triều đại đầu của nhà Trần, tới các triều sau, việc đó nhạt dần đi.

Và chưa nghe có vụ nào làm nghiêm (tức trị tội) đối với các cuộc hôn nhân dị tộc. Ngay Trần Minh tông cũng lấy hai người cô ruột của Hồ Quý Ly về làm phi.

Dẫu sao, đây cũng là một cuộc đại loạn luân mà lịch sử từng biết đến và không có gì có thể biện minh được.

Trong phả hệ này, tôi sẽ không thống kê đầy đủ mỗi đời vua sinh được mấy hoàng tử, mấy công chúa, mà chỉ đề cập tới những người nổi tiếng trong lịch sử và là nhân vật của tiểu thuyết. Ví như Trần Thái tông riêng con trai sinh được 6 người. Trong phả hệ này tôi chỉ kể có 5. Các vị khác cũng vậy.

Và sau rốt, phả hệ tối giản này dùng cho cả 4 tập: Bão táp cung đình; Thăng Long nổi giận; Huyền Trân công chúa; Vương triều sụp đổ.

Coi như ta chấp nhận gia hệ nhà Trần bắt đầu từ cụ Trần Hấp.

TRẦN HẤP sinh TRẦN LÝ.

TRẦN LÝ sinh TRẦN THỪA.

TRẦN THỪA sinh TRẦN LIỄU và TRẦN CẢNH

Do sự tế vi của thời thế khi nhà Trần làm cuộc đảo chính, Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng, nên Trần Cảnh là em lên ngôi vua, còn Trần Liễu lúc ấy đã trưởng thành mà không được tức vị, từ đó nảy sinh mâu thuẫn khá sâu sắc trong hai dòng trưởng và thứ âm ỉ lâu dài.

Chi trưởng:

TRẦN LIỄU sinh:

- TRẦN QUỐC TRUNG còn gọi là TRẦN TUNG có pháp danh TUỆ TRUNG THƯỢNG SỸ.

- TRẦN QUỐC TUẤN tức HƯNG ĐẠO VƯƠNG.

- TRẦN VŨ THÀNH tức VƯƠNG DOÃN. Trần Quốc Tuấn sau làm Quốc công tiết chế thống lĩnh chư quân sự, tương đương với chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tổng tư lệnh quân đội ngày nay. Trần Quốc Tuấn sinh được bốn người con trai, đồng thời là bốn danh tướng:

- Hưng Vũ vương TRẦN QUỐC NGHIỄN.

- Hưng Trí vương TRẦN QUỐC HIẾN.

- Hưng Hiếu vương TRẦN QUỐC UẤT.

- Hưng Nhượng vương TRẦN QUỐC TẢNG.

Trong lịch sử đã có một giai đoạn khá dài nhầm lẫn, coi Trần Quốc Tảng là Tuệ Trung Thượng sỹ. Sự thật Thượng sỹ là bác ruột của Quốc Tảng.

Chi thứ:

TRẦN CẢNH lên ngôi vua miếu hiệu là Trần Thái tông.

TRẦN CẢNH (Trần Thái tông) sinh:

- TRẦN QUỐC KHANG. (Bà Thuận Thiên là vợ thứ của Trần Liễu, khi đã có chửa Quốc Khang được hai tháng, Trần Thủ Độ và Trần Thị Dung ép Trần Cảnh (Thái tôn) phải cướp lấy. Do vậy khi Quốc Khang lớn lên không được truyền ngôi).

- TRẦN HOẢNG (Trần Thánh tông).

- TRẦN QUANG KHẢI.

- TRẦN ÍCH TẮC.

- TRẦN NHẬT DUẬT.

Các con của Trần Thái tông đều là những bậc danh tướng văn võ toàn tài, sử sách không ngớt lời ca ngợi, trừ Trần Ích Tắc trong cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông lần thứ II (1285 - 1286) đem cả nhà đi đầu hàng quân xâm lược, sau chúng đưa về Yên Kinh rồi chết già ở đó.

Trần Thái tông còn có nàng công chúa út nổi tiếng trong lịch sử là AN TƯ.

TRẦN HOẢNG (Trần Thánh tông) sinh:

- TRẦN KHẨM (Trần Nhân tông).

- TRẦN NHÂN TÔNG sinh:

- TRẦN THUYÊN (Trần Anh tông).

Trần Nhân tông còn có người con gái út là công chúa HUYỀN TRÂN, gả cho vua Champa, mà sính lễ gồm cả hai châu: Ô, Lý (miền đất Trị - Thiên ngày nay).

TRẦN ANH TÔNG sinh

- TRẦN MẠNH (Trần Minh tông có 11 người con trai).

TRẦN MINH TÔNG sinh:

- TRẦN VƯỢNG (Trần Hiến tông).

- TRẦN HẠO (Trần Dụ tông).

- TRẦN PHỦ (Trần Nghệ tông).

- TRẦN KÍNH (Trần Duệ tông).

Trần Minh tông còn có người con nữa là CUNG TÚC ĐẠI VƯƠNG NGUYÊN DỤC, lấy vợ là đào hát chèo đã có mang sẵn. Nguyên người này là vợ của người phường hát chèo Dương Khương. Sau đẻ ra Nhật Lễ. Khi Dụ tông mất, bà thái hậu phò Nhật Lễ lên ngôi. Chưa được một năm thì những người trong tôn thất nổi lên như Trần Phủ, Trần Kính, Trần Nguyên Đán (Nguyên Đán là cháu trực hệ bốn đời của Trần Quang Khải) và công chúa Thiên Ninh (con Trần Minh tông) diệt Nhật Lễ, lấy lại ngôi vua.

Trần Kính (Trần Duệ tông) còn có người con là Trần Hiện. Duệ tông chết trận tại thành Chà Bàn (Champa). Trần Nghệ tông cho cháu là Trần Hiện lên ngôi vua.

Sau vì có ý bài xích Hồ Quý Ly, nên Quý Ly xúi Nghệ tông phế truất rồi buộc phải thắt cổ tự tử.

Trần Nghệ tông có người con là Ngự Câu vương Húc theo chú là Trần Duệ tông sang đánh Champa, bị Chế Bồng Nga bắt làm con tin. Một người nữa là thiếu úy (Thiếu úy: thuộc hàng tam công (Thiếu úy - thiếu sư - thiếu bảo) - ba chức quan trong đầu triều.) Trang Định vương Ngạc bị Hồ Quý Ly giết. Và sau rốt người con út là Trần Ngung (con rể của Hồ Quý Ly). Sau khi phế truất Trần Hiện, Ngung được đặt lên ngôi vua, hiệu là Trần Thuận tông.

Hồ Quý Ly ép Trần Thuận tông đi tu rồi bức tử. Đem con của Thuận tông là hoàng tử Án 3 tuổi lên ngôi vua, hiệu là Trần Thiếu đế. Hơn một năm sau (1400), Hồ Quý Ly phế Án (cháu ngoại), tự lập mình lên ngôi vua. Vậy là nhà Trần diệt, nhà Hồ lên.