Họ vừa đi thì có một cái đầu nhỏ ló ra khỏi tường, gãi đầu khó hiểu nhìn theo, sau đó nhảy xuống như mèo, duỗi người, chậm rãi đi tới trước cửa viện của Lý Cẩn Dung, kéo âm dài đầy nước mũi kêu:
– Tỷyyyy…
Đó là Lý nhị lang Lý Cẩn Phong, kỳ thực chỉ sinh muộn hơn Lý Cẩn Dung nửa canh giờ, thế mà với Lý Cẩn Dung cứ như chui ra từ hai bụng mẹ.
Lý nhị lang khỏe mạnh kháu khỉnh, từ nhỏ đã rất biết “giả bộ đàng hoàng”, lúc người lớn nói chuyện, những đứa trẻ khác đều chê chán mà tự chạy đi, chỉ có cậu quái thai này không nhúc nhích, ở bên cạnh nghe, còn thường xuyên gật gù theo như thật, cứ như người ta nói gì cậu đều hiểu hết vậy.
Trước năm 5 tuổi, Lý nhị lang từng liên tục là nguồn gây trò cười đứng đầu Thục Trung.
Mỗi lần Lý Cẩn Dung thấy đệ đệ là nóng ruột muốn đạp lên mông cậu một cú, lần này cô bé đang luyện đao, lười mở cửa cho cậu, chỉ mở miệng hỏi:
– Gì?
Lý nhị lang bình tĩnh hít nước mũi mà hít mãi không sạch, đứng ở cửa thủng thỉnh nói:
– Ờm, đệ mới thấy con mọt sách kia bị Hắc Hổ lừa đi rồi.
Hắc Hổ là đứa quậy phá có tiếng ở Thục Trung, tướng mạo hơi gầy nhỏ, không uy vũ cường tráng như nhũ danh, tính tình xấu xa bẩm sinh.
Có lần cậu ta kiếm chuyện với Lý nhị lang, bị Lý Cẩn Dung bắt tẩn cho một trận, trói treo lên vách núi hai ngày, sợ tè ra quần, từ đó đàng hoàng lại được nửa năm. Tiếc là ngày vui ngắn chẳng tày gang, Hắc Hổ dịu một thời gian, nhận Lý Cẩn Dung làm lão đại, sau đó thấy lão đại dường như không thèm quản mình, thế là lại trở mình vùng dậy, tiếp tục gây sóng gió.
Nào là xúi bẩy tụ tập đánh nhau, nào là gom đám tay sai bắt nạt những đứa không hợp, nào là cướp đồ ăn của trẻ nhỏ… nhiều lắm, tóm lại là lừa gạt hãm hại, không từ thủ đoạn.
Có điều, chuyện đánh người khác tuy thoải mái hả giận nhất thời, nhưng sau đó bị người lớn biết, đánh người thì chắc chắn sẽ bị ăn đòn, không có lợi, bởi vậy thủ đoạn quen dùng của Hắc Hổ trở thành lừa gạt những kẻ lạc đàn tới núi hoang vắng vẻ – chỗ đó ít người lui tới, địa hình không biết có gì lạ mà rất dễ lạc đường, người lớn thông thường sẽ không đi qua đó.
Cha Hắc Hổ có nuôi một con chó săn lớn, tướng tá dữ tợn nhưng tính tình vô cùng hiền dịu, lại rất nghe lời, bọn Hắc Hổ lần nào cũng cải trang sẵn cho con chó săn lớn đó, gắn hai cái sừng giả lên đầu, cổ đeo một vòng lông gà, trên mình lại khoác cho nó bộ “y phục” được sửa từ giáp cũ, cải trang thành hình tượng quái thú.
Chờ khi dẫn người tới chỗ sâu trong núi hoang, Hắc Hổ sẽ bảo một thằng nhóc mai phục sẵn lén lút thả chó ra, để nó lao nhanh, chuyên đuổi theo người mà chúng muốn trừng trị. Đến lúc đó núi hoang đường hẹp, nửa đêm không người, kêu trời trời chẳng biết, kêu đất đất chẳng hay, một đứa trẻ vừa sợ hãi vừa lạc đường, phía sau còn có một con “quái vật” kêu gào đuổi theo…
Cảm giác khỏi phải nói.
Nghe nói đứa trẻ bị một trận như vậy xong, nhẹ thì sợ đến gào khóc, nặng thì về bị ác mộng cả năm, gan to bằng trời cũng có thể bị dọa vỡ, bách phát bách trúng. Với lại thông thường đều bị dọa đến mơ mơ màng màng, căn bản không lo đi méc nữa.
Lý Cẩn Dung nghe nhị lang báo tin, cảm thấy rất bất ngờ, hỏi:
– Tên họ Chu đó ngu thế à?
Lý nhị lang hỏi:
– Tỷ không quản sao?
Lý Cẩn Dung rung trường đao trong tay, nói không thiện ý:
– Mắc mớ gì đến tỷ? Tìm cha ý.
Lý nhị lang “ừm” một tiếng, không hề để bụng việc bị tỷ tỷ nhốt bên ngoài, nhấc đôi chân ngắn chạy đi, qua chưa tới một khắc lại quay về, duỗi móng vuốt gõ lên cửa viện, tiện thể lau nước mũi lấp lánh lên đó:
– Tỷ…
Giọng Lý Cẩn Dung vọng ra mang chút tức giận:
– Lại gì nữa?
Lý nhị lang dùng chân lúc đá lúc không cái hố đất nhỏ trước cửa viện:
– Cha không có nhà, ra ngoài rồi…
– Tên mọt sách kia muốn chết thì cứ chết, đừng phiền tỷ!
Vẻ mặt Lý nhị lang không đổi, chậm rì rì bổ sung nửa câu sau bị ngắt ngang của mình:
– …chúng ta có thể đến kho binh khí của cha chơi không?
Trong viện im lặng chốc lát, lát sau, cửa viện đóng chặt cót két mở ra, Lý Cẩn Dung chưa nói muốn đi, chỉ mất tự nhiên đặt một chân lên ngưỡng cửa, trước tiên đường đường chính chính răn dạy nhị lang:
– Sao đệ từ sáng đến tối chỉ nghĩ tới chơi thế hả?
Lý nhị lang chớp chớp đôi mắt to ngây thơ nhìn lại cô bé.
Lý Cẩn Dung nghĩ rồi khoát tay như thể “rất không muốn”:
– Bỏ đi, đi thôi.
Lý Chủy đi ra ngoài lúc nào cũng chỉ đeo theo một thanh trường đao đơn giản, nhưng ông lại có chút sở thích nho nhỏ là thường xuyên sưu tầm vài “binh khí” thú vị.
Trong kho của ông có quái đao trước sau trái phải đều cong, phần thân như được lăn qua sóng nước; có “mộc côn” bề ngoài giống ô đi mưa bình thường, nhưng vừa đẩy về trước là có thể “nở” ra một đóa hoa đao 78 lưỡi đao; còn có mấy con sóc bằng sắt đâu lưng lại với nhau ngây thơ đáng yêu, cái đuôi quấn vào nhau có thể hoạt động, nếu kéo xuống thì miệng sóc sẽ phun ra hạt sen sắt… có điều không ai biết là con nào phun nên độ khả thi nó phun vào mặt mình là rất lớn.
Mấy món đồ vừa kỳ dị vừa có chút nguy hiểm như vậy rất nhiều, bình thường lúc Lý Chủy ở nhà đều không cho tụi nhỏ vào chơi lung tung, chỉ có lúc ông ra ngoài, hai tỷ đệ mới có thể nạy khóa lẻn vào lục lọi.
Lúc hai tỷ đệ Lý thị lén lút chui vào kho của Lý đại hiệp chơi thì Chu Dĩ Đường đã theo Hắc Hổ ra sau núi.
Cái đầu nóng lên của ông dần dần bị gió đêm thổi nguội, ông hỏi Hắc Hổ hai lần là “muốn đi đâu” và “Lý cô nương chừng nào đến”, thấy thằng nhóc đó toàn qua loa lấy lệ, đôi mắt gian xảo đảo quanh, thường xuyên lén la lén lút đưa mắt ra hiệu cho ai đó, ông đã nhận ra điều khác thường, lại thấy đường càng đi càng hoang vu thì trong lòng đã rõ ràng hơn phân nửa.
Chỉ là tính cách ông hướng nội, nhận ra cũng không làm ầm lên, Chu Dĩ Đường im lặng đi theo bọn Hắc Hổ một đoạn rồi chợt ngước mắt lên, nhìn chằm chằm Hắc Hổ, thình lình hỏi:
– Có phải các cậu đều ghét tôi không?
Lúc này chỉ còn cách chỗ hẹn đồng bọn thả chó khoảng trăm trượng, Hắc Hổ đang thầm xoa tay, chuẩn bị xem trò vui, chợt nghe hỏi vậy, không khỏi sững sờ chốc lát, ngơ ngác hỏi:
– Hả?
Đám trẻ bên cạnh vội đưa mắt ra hiệu cho nhau, có hai đứa lặng lẽ ra sau Chu Dĩ Đường, làm khẩu hình “nó muốn chạy” với Hắc Hổ.
Con ngươi Hắc Hổ xoay chuyển, nhe hàm răng mẻ, cười giả tạo nói:
– Sao lại vậy chứ? Có phải ngươi không muốn chơi với bọn ta không?
Chu Dĩ Đường hơi cúi đầu nghe tiếng gió thổi qua giữa núi, cậu bé nhỏ nhắn có lẽ vì bắt chước người lớn quá nhiều nên luôn vương vất khí chất u buồn và trầm tĩnh kỳ lạ, chờ tiếng gió núi nghẹn ngào kéo dài tạm nghỉ, cậu bé mới không sợ hãi không tức giận nói với Hắc Hổ:
– Từ nhỏ hễ tôi ra ngoài sẽ luôn bị hạn chế, chưa từng chơi với bạn bè đồng trang lứa, tôi mới đến đây, võ công cũng vừa mới học, có lúc muốn cùng mọi người trò chuyện nhưng không biết nên nói gì, chứ không hề cố ý thất lễ.
Hắc Hổ cười láu cá:
– Biết rồi, ngươi là thiếu gia nhà đại quan.
– Ta không phải thiếu gia, cha mẹ ta chết cả rồi.
Chu Dĩ Đường nhẹ nhàng nói, Hắc Hổ ngẩn người, lại nghe cậu bé nói:
– Ta từ năm bốn tuổi học vỡ lòng đến nay, mỗi ngày đều phải dậy lúc trời chưa sáng, đi thỉnh an một vòng các trưởng bối, rồi lại đi học sách với tiên sinh, giờ ngọ tiễn tiên sinh đi, nghỉ ngơi chốc lát, buổi chiều phải làm bài tập tiên sinh giao, viết một mớ chữ to, buổi tối cha ta về sẽ gọi ta tới kiểm tra xem cả ngày ta học được gì, rồi lại kiểm tra bài tập, hễ có sơ sót là sẽ lấy thước ra đánh tay ta ba cái, kế đó phải quay mặt vào tường kiểm điểm bản thân nửa canh giờ, kiểm điểm xong đã là đêm khuya. Trừ phi ban ngày viết bài tập tỉ mỉ kỹ lưỡng thì tối mới bớt được khâu “kiểm điểm”, có được thời gian gần nửa canh giờ, tiếc là đã quá muộn, không tiện đi quấy rầy người khác, đa phần toàn là tự mình khều sâu chọc chim các kiểu thôi…Những lời này của cậu bé khiến đám trẻ mỗi ngày hết ăn lại chơi nghe mà há hốc mồm, nhất thời quay mặt nhìn nhau, không biết nên nói tiếp thế nào. Trong lúc yên tĩnh ngắn ngủi, Chu Dĩ Đường nghe tiếng thở dốc hồng hộc của một loài động vật nào đó cách đấy không xa.
– Ta luôn nghĩ khi nào mình mới có thể giống những đứa trẻ khác, ban ngày kết bè kết nhóm đi chơi, tối về không cần ngồi kiểm điểm với bức tường… bây giờ cuối cùng xem như đạt thành tâm nguyện, nhưng cha ta đã không còn.
Bước chân cậu bé hơi ngừng lại, thần sắc không thay đổi, không chút hoang mang nói tiếp:
– Hiếm khi thấy mọi người chịu gọi ta ra, dù chỉ là muốn đùa bỡn ta, ta vẫn thấy rất vui.
Lời cậu bé chưa dứt thì nghe “gâu” một tiếng, hóa ra là đứa dắt chó nghe nửa câu sau của cậu bé, tưởng âm mưu bại lộ, hoảng hốt buông tay, không cẩn thận thả chó ra sớm.
Con chó lớn được “cải trang” xong có kích cỡ như con ngựa non, lắc lư cái đầu được bọn trẻ gắn lông loạn xạ lên, vui hớn hở lao về phía chủ nhân Hắc Hổ, đám trẻ không ngờ tới biến cố này, quên giả bộ kinh hoảng. Không có chúng tản ra kêu gào hỗn loạn tạo cơn khủng hoảng, nhất thời bầu không khí trở nên gượng gạo kỳ lạ, mọi người ngơ ngác nhìn “quái thú” lao nhanh tới.
Vừa khéo tối hôm đó ánh trăng rất sáng, chạy tới gần là có thể nhìn rõ “quái thú” lúc la lúc lắc cái đuôi to, chẳng những không đáng sợ, ngược lại còn hơi buồn cười.
Ngay lúc chó lớn chạy tới trước mặt Hắc Hổ, nó liền đặt mông ngồi phịch xuống đất, thè cái lưỡi dài, nịnh nọt chờ người ta chơi với nó.
Chu Dĩ Đường hứng thú hỏi:
– Chó nhà cậu à?
Hắc Hổ đờ đẫn nói:
– …Ừa.
Chu Dĩ Đường thích thú quan sát nó chốc lát, hỏi:
– Cho sờ không?
Hắc Hổ:
– …
Tiểu thư sinh “yếu ớt nhu nhược” ấy tiến lên hai bước, thăm dò sờ thử đầu chó, con chó nghểnh cổ kêu “gâu gâu” hai tiếng, thân thiết thè lưỡi liếm cổ tay cậu bé.
Nửa đêm canh ba, Lý Cẩn Dung lén lút khôi phục “kho binh khí” của Lý Chủy về hiện trạng ban đầu, lại chìa tay về phía đệ đệ vua nước mũi, hạ lệnh cưỡng chế:
– Lấy ra!
Lý nhị lang mếu môi, rề rà lấy ống sáo nhỏ Nam Cương có hình rắn giao ra, đúng lúc này chợt nghe ngoài sân có tiếng chó sủa quen thuộc vọng tới, Lý Cẩn Dung vừa quay đầu, Lý nhị lang liền thừa cơ giấu ống sáo đó vào.
Ngoài viện sột soạt chốc lát rồi trên tường ló ra cái đầu nhỏ, bóp mũi nhỏ giọng gọi vào bên trong:
– Lý lão đại! Lý lão đại!
Lý Cẩn Dung:
– Đây đây, chuyện gì?
Hắc Hổ không ngờ cô bé ở ngay cửa, bị cô bé đột nhiên lên tiếng làm sợ hết hồn, “ui da” một tiếng ngã từ trên tường xuống.
Lý Cẩn Dung cau mày, mở cổng viện ra thì thấy người bị Hắc Hổ “lừa” vào núi hoang trừng trị trong truyền thuyết là Chu Dĩ Đường đang đứng trước cổng hoàn hảo không chút sứt mẻ, ung dung dắt con chó ngu nhà Hắc Hổ, còn bọn trẻ quậy phá thì đứng vây quanh, trông rất hòa hợp thân thiện.
Cô bé liếc mắt qua, Chu Dĩ Đường vội căng thẳng đứng thẳng, cười với cô bé, điềm đạm nho nhã đứng bên cạnh không lên tiếng.
Hắc Hổ nhảy hai bước tới trước mặt Lý Cẩn Dung, nhanh mồm nhanh miệng:
– Lý lão đại mau tới đây, cô đoán xem, hôm nay chúng tôi mới xem như biết rõ núi hoang kia, Tiểu Chu ca ca nói nơi đó có kỳ rồi giáp gì…
Chu Dĩ Đường nói nhỏ:
– Là có người dùng gỗ đá bày trận pháp kỳ môn độn giáp, lâu ngày đã bị hư hại một phần, chỉ là buổi tối nhìn không rõ, đi bừa vào rất dễ lạc đường.
– Đúng đúng!
Biểu cảm của Hắc Hổ y như con chó bị thu phục kia, huơ tay múa chân nói:
– Ta nói mà, sao người ta cứ vào là choáng váng, may nhờ Tiểu Chu ca ca thông minh, huynh ấy viết viết tính tính, đẩy mấy cục đá là khác ngay… đúng rồi, tụi tôi còn tìm được một sơn động, lấy cỏ che lại, bên trong có dấu vết con người, lão đại mau theo chúng tôi đi xem xem.
Lý Cẩn Dung:
– …
Mấy ngày trước còn là “mọt sách đáng ghét”, qua một đêm liền biến thành “Tiểu Chu ca ca” rồi!
Chu Dĩ Đường nghênh đón ánh mắt đánh giá của cô bé, hình như hơi đỏ mặt, giấu đầu hở đuôi dời mắt đi, đưa tay gãi gãi cổ con chó bên cạnh.
Đám trẻ nhân đêm tối dắt chó lên núi hoang, quả nhiên tìm được một hang đá cổ xưa.
– Ta thấy những dấu vết này đại khái khoảng trăm năm rồi.
Chu Dĩ Đường kê sát bó đuốc vào, sờ vết xước trên vách, nói xong lại hơi ảo não, vì thực ra cậu chỉ có thể nhìn ra được những vết đó lâu lắm lắm thôi, còn “khoảng trăm năm” thuần túy là thuận miệng bịa ra, gia giáo từ nhỏ đã dạy cậu “biết thì nói là biết, không biết thì nói là không biết”, nhưng ở trước mặt Lý Cẩn Dung, cậu luôn không dằn được lắm miệng.
May mà cậu nói quá giống thật, mấy đứa trẻ ngốc khác không có kiến thức để vạch trần ngay tại chỗ.
Lý Cẩn Dung sáp lại nhìn, quả quyết:
– Không phải đao kiếm, vết quá thô, kiểu như rìu.
Sau gáy Chu Dĩ Đường cứng đờ, cậu đáp hàm hồ một tiếng, hồi lâu mới dám lén lút quay đầu thì thấy Lý Cẩn Dung đã dứt khoát đi xa.
Sơn động rất sâu, vọng âm kéo dài, có vài dấu vết con người nhưng quả thực quá xa xưa, không biết là vị cao thủ nào gặp nạn lập ra mê trận, dừng chân chốn này, lặng lẽ đến rồi lại lặng lẽ đi, trừ vài vết đao rìu trầm mặc, ngay cả dăm câu vài lời cũng không để lại, thực không có gì đẹp. Bọn trẻ nhanh chóng thấy nhàm chán, Lý nhị lang ngáp một cái, lấy ra ống sáo hình rắn mà mình lén giấu, thổi lúc có lúc không nhưng phát hiện không thổi ra âm thanh gì cả, chán chường nói:
– Tỷ, chúng ta đi thôi, đệ buồn ngủ.
Sau sống lưng cô bé bỗng dưng ớn lạnh.
Chu Dĩ Đường lớn tiếng:
– Kệ nó đi, chúng ta ra ngoài!
Lý Cẩn Dung cầm trường đao trong tay, khoát tay với bọn Hắc Hổ, ra hiệu chúng đi trước.
Bọn trẻ lúc này đã hơi sợ, vội dắt chó lui ra ngoài, Lý Cẩn Dung đi cuối cùng, quay mặt về chỗ sâu trong sơn động, xách đao đi ngược ra.
Đột nhiên, bó đuốc trong tay cô bé dao động dữ dội, một luồng gió tanh phả vào mặt, Lý Cẩn Dung chưa kịp nhìn rõ bóng đen trước mắt là gì đã giơ trường đao lên chống theo bản năng.
Sau đó, cô bé bị vật kia đụng phải làm bay ngang ra ngoài, bó đuốc chợt vuột tay, một chuỗi đốm lửa xì xèo đập tới, thứ kia bị ánh lửa làm hơi rụt về sau, cái bóng khổng lồ chập chờn trên vách đá, lộ ra con ngươi híp lại thành một cái khe.
Bó đuốc rơi xuống đất lăn hai vòng, tắt ngay tại chỗ.