Hữu Phỉ

Chương 163: Sương mù

*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

Qua một lúc lâu, hai người không ai lên tiếng, gió trên sông quẩn quanh nóc nhà, bốn bề yên tĩnh chỉ còn tiếng nước.

Chiếc thuyền hoa ban nãy đã lướt đi, mà Tạ Doãn vẫn ngây ngốc nhìn chằm chằm mặt nước đen sì, phảng phất như nơi đó sắp nở ra một đóa hoa quỳnh xoay chuyển giữa úa tàn và nở rộ.

Chu Phỉ lơ đãng uống hết cả bình rượu, mãi đến khi trong bình rót không ra giọt nào, nàng mới phát hiện không nếm được vị gì, uống cả vò rượu ngon như lừa uống, thuần túy là lãng phí tâm tư chủ quán.

Nàng chợt thấy rất xấu hổ, vụt đứng dậy, Tạ Doãn như mọc mắt trên lỗ tai, nắm lấy cổ tay nàng.

Trừ phi đang bị truy sát, bằng không Tạ Doãn hiếm khi có vẻ mặt nghiêm nghị đến thâm trầm như vậy, chắc là hắn cảm thấy đời mình đã có quá nhiều lúng túng, không cần quá nghiêm túc nữa, chỉ có thể tiếp tục bỡn cợt với đời, để mình và người khác đều có thể dễ chịu hơn.

Hắn nắm rất chặt, đầu ngón tay hơi trắng bệch, căng thẳng hỏi:

– Cô có dự tính gì?

Chu Phỉ rất muốn lừa mình dối người nói một câu “ta sẽ ở Kim Lăng một thời gian”, nhưng nàng biết, Tạ Doãn không phải hỏi dự tính gần mà là dự tính sau khi hắn chết.

Nàng cố ý lảng tránh, cố ý giả ngu, nhưng khi nhìn đôi mắt trong veo phản chiếu ánh sáng kia, cuối cùng nàng vẫn cắn chặt răng, gian nan dời ánh mắt, nhìn thẳng vào chân tướng xấu xí.

Hồi lâu, Chu Phỉ mới nói:

– Ta không biết, có lẽ xem cha ta có sai phái gì không, nếu không có, hai cái đầu Bắc Đẩu còn lại kia, ta lấy chắc rồi. Chờ rõ ràng những ân oán cũ, có lẽ ta sẽ về 48 trại, giúp Sở Sở chỉnh lý những thứ thất truyền, khi cần sẽ làm tay chân cho trại, sau đó… sau đó có lẽ thiên hạ thái bình?

– Ừ.

Khóe môi Tạ Doãn nở nụ cười kỳ lạ:

– Tiền nhân đã trải sẵn đường rồi, còn gì mà không thái bình? Ta có thể xin cô một chuyện không?

Chu Phỉ nhìn hắn, cảm thấy ngoại trừ gầy thì dáng vẻ đó gần như không khác mấy với 8 năm trước khi hắn di chuyển giữa dây trận, hắn giống như một người bị định hình bởi thời gian ngắn ngủi và trải nghiệm quá nhiều.

Tạ Doãn cố ý gây chuyện, cười với nàng:

– Ta muốn xin cô gả cho một trượng phu đoản mệnh, để 20 năm sau ta còn có thể lại đi tìm cô.

Chu Phỉ dùng sức rút tay mình ra, nhưng ngón tay Tạ Doãn như biến thành một lao tù chạy không thoát, cứng đờ giữa không trung không nhúc nhích, nàng chợt run lên, tất cả thói quen ẩn giấu và cảm xúc nội liễm đều hội tụ thành mạch nước ngầm mãnh liệt thanh thế to lớn va chạm qua lại trong lồng ngực chật hẹp của nàng.

Hai tay Tạ Doãn nâng cổ tay Chu Phỉ lên, cúi đầu áp tay nàng lên trán mình, khẽ nói:

– Đừng khóc, ngày tháng gặp nhau giữa người với người tổng cộng chỉ trong chốc lát, khóc một khắc sẽ ít đi một khắc, nghĩ vậy, há chẳng phải lỗ lắm sao? Cô và ta chưa từng đầu bạc, đã có thể xem như bầu bạn bên nhau cả đời, có thủy có chung, nói ra không phải cũng là may mắn ư? Đâu cần sống đến 70-80 tuổi chứ.

Chu Phỉ chợt vung hắn ra:

– Ngươi mới khóc thì có.

– Được, Chu đại hiệp sao lại khóc chứ? Dù sao cũng là thiên hạ đệ nhất “đạp lên Bắc Đẩu” mà.

Tạ Doãn hơi dừng lại, vô cùng thông minh bổ sung:

– Tuy là tự phong.

Vì câu “thông minh” này mà Đoan vương điện hạ quý giá khiến các thái y tranh cãi ầm ĩ bị rượt đánh tám con phố.

Tục ngữ có câu “thời gian là vàng”, gần như nó đã trở thành lời nhạt nhẽo mà bọn trẻ con không muốn nghe, lúc nhỏ Chu Phỉ ngủ gật trong thư phòng Chu Dĩ Đường, thường xuyên bị nghe quở câu này, trước nay nàng luôn nghe tai trái ra tai phải, nhưng khi nàng lớn đến tuổi này lại bất giác lĩnh hội được ý nghĩa thấm thía trong câu nói ấy.

Họ chỉ có chút thời gian, giống như đồng tiền nhẵn thính trong tay thần giữ của nghèo kiết, càng đếm càng ít, càng đếm càng giật gấu vá vai, hận không thể mỗi đồng tiền đều nở ra tám cánh hoa, để cắt mỗi khoảnh khắc thành vô số phân đoạn nhỏ.

Ban ngày, Tạ Doãn ở trong cung rất bận, thường xuyên phải ứng phó cả đám người – quan chức Lễ bộ liên tu bất tận, thái y vô dụng, và bản thân Triệu Uyên.

Triệu Uyên dường như muốn lấy lòng Tạ Doãn, thậm chí thả trưởng hoàng tử Triệu Minh Sâm bị giam nhiều năm ra ngoài, vả lại còn ba ngày hai bận gọi Minh Sâm vào cung, để một kẻ mặt mày hốc hác và một kẻ bệnh tật xanh xao diễn trò huynh đệ tình thâm thỏa thích.

Những lúc thế này, Chu Phỉ luôn ở trên xà nhà xem Triệu gia diễn trò, Tạ Doãn và nàng đã thương lượng ngắn ngủi ra một bộ thế tay đặc biệt, Tạ Doãn thường xuyên vừa giả vờ đứng đắn lá mặt lá trái với người khác, vừa dùng tay sau lưng nói lời thật lòng chanh chua với Chu Phỉ, nhiều lần chọc cho kẻ làm quân tử leo xà nhà như nàng suýt bại lộ.

Chờ đuổi đám người rỗi hơi đó đi, Tạ Doãn sẽ không xem hoàng cung đại nội ra gì, dẫn Chu Phỉ đi chơi khắp nơi trong thành Kim Lăng.

Bài bản của công tử quần là áo lượt, bài bản của hiệp khách giang hồ… cái nào hắn cũng biết, cái nào hắn cũng có thể làm, đồng thời dùng tốc độ nhanh nhất dạy hư Chu Phỉ. Nếu không phải Thấu Cốt Thanh trên người Tạ Doãn phát tác càng lúc càng dày đặc, mỗi ngày đều suy nhược đi thấy rõ, thì những ngày này thực có thể xem như tốt đẹp.

Càng gần ngày ba tháng chạp – ngày nhục nhã của quốc gia, nơi ở tạm của Đoan vương cũng càng náo nhiệt, lễ phục long trọng và đồ vật cứ tuôn vào như nước chảy, mà trong ngoài triều đình cũng không biết từ đâu xuất hiện một lời đồn, nói hoàng thượng đón Đoan vương về vào thời khắc mấu chốt này, e có ý muốn lập thái tử.

Hiệu quả của lời đồn này không hề nhỏ, trước cửa phủ Tạ Doãn cơ hồ đông như trẩy hội, ồn ào khiến hắn rất phiền, suýt muốn phá hỏng “đại điển tế tổ” của Triệu Uyên, đành ngày ngày giả bệnh, đóng cửa từ chối tiếp khách.

Mồng một tháng chạp, đại điển tế tổ đã sắp xếp xong xuôi, chỉ chờ ngày các nơi chính thức hóa trang lên sân khấu.

Lúc này, tiền tuyến truyền về tin chiến thắng, tàn binh bại tướng Bắc triều hốt hoảng tập hợp lại căn bản như giấy, thậm chí hơi nghe thấy động tĩnh đại quân Nam triều là chạy mất dép, Chu Dĩ Đường trong vòng mấy tháng ép thẳng tới vương đô. Kim Lăng cả năm hiếm thấy mấy hạt tuyết thế mà lại rơi một trận tuyết nhỏ, tuy rất yếu, vừa rơi xuống đất liền tan, nhưng những người mượn danh “thụy tuyết” (1) để ca tụng công đức thì nhiều vô số kể.

(1) Thụy tuyết: tuyết rơi đúng lúc.

Đến đây, thiên thời địa lợi nhân hòa với Triệu Uyên gần như đủ cả.

Nhưng Triệu Uyên có vẻ càng bất an hơn xưa, lúc tới thăm bệnh như thường lệ, vừa chuyện phiếm mấy câu với Tạ Doãn thì có một nam tử dáng vẻ thị vệ đại nội vội vã tiến vào, khom lưng nói bên tai Triệu Uyên. Người này chắc là tâm phúc của Triệu Uyên, dùng công phu kiểu “truyền âm nhập thế”, không lộ ra chút nào, lời còn chưa dứt, sắc mặt Triệu Uyên thay đổi, ông đứng phắt dậy, thậm chí không nói với Tạ Doãn câu nào, xoay người đi ngay.

Tạ Doãn giả vờ tiễn ông, lặng lẽ ra dấu tay với Chu Phỉ, nghe một tiếng vang nhỏ liền biết Chu Phỉ đã nghe lời đuổi theo. Hắn đứng ở cửa như có điều suy nghĩ, nhẹ nhàng khép lại ngoại bào, lúc này vừa khéo một tiểu thái giám vào thu dọn dụng cụ uống trà bưng khay ly khom người đi ra, khi hành lễ vô tình nhìn Tạ Doãn, lập tức sợ kêu “á” lên, khay ly trong tay rơi xuống đất vỡ tan, tiểu thái giám quỳ xuống run lẩy bẩy:

– Điện, điện hạ…

Tạ Doãn lúc này mới hoàn hồn, cúi đầu nhìn, phát hiện đầu ngón tay cứng ngắc của mình lại nứt ra, da tróc thịt bong, thế mà hắn lại chẳng hề thấy đau, còn lỡ tay quẹt làm cổ ngoại bào bị nhuốm đỏ một mảng, giống như vừa quét qua cổ.

Cùng lúc đó, Chu Phỉ lặng lẽ bám theo Triệu Uyên.

Triệu Uyên cực kỳ sợ chết, các loại thị vệ và cao thủ đại nội hoặc sáng hoặc tối vây mỗi góc lại chật cứng, dù Chu Phỉ võ công cao cũng thực toát một lớp mồ hôi lạnh, nhiều lần suýt bị phát hiện, khó khăn lắm mới tới gần tẩm cung Triệu Uyên. Nàng cũng không có cách gì tốt, vì phòng ngừa ám sát mà trong vòng ba trượng chung quanh nơi Triệu Uyên ở, cây nào cao quá gối đều bị chặt trụi hết!

Thị vệ vây quanh bốn phía tẩm cung như thùng sắt, còn có người qua lại tuần tra.

Chu Phỉ lần đầu tiên thấy đại nhân vật sợ chết đến mức long trọng như vậy, mới đầu cảm thấy Triệu Uyên hơi buồn cười, nhưng sau chốc lát, nàng cười không nổi, lòng nổi lên rất nhiều nghi hoặc. Đội hộ vệ được huấn luyện nghiêm chỉnh như vầy không thể nào là vội vàng tập kết, Triệu Uyên đường đường là một hoàng đế, nhưng ông đã sống trong nỗi hoang mang lo sợ tột cùng thế này bao lâu rồi?

Rốt cuộc ông đang sợ ai?

Giống như có người ghim chữ “thích khách” vào đầu ông vậy.

Đúng lúc này, trong tẩm cung xa xa truyền đến tiếng đồ vật rơi vỡ, Chu Phỉ cau mày, thấy mấy thị vệ mặc cẩm bào đen vội vã rời đi, nàng lập tức tránh lao tù bằng biển người mà Triệu Uyên tự tạo cho bản thân, đuổi theo mấy kẻ áo đen kia.

Mấy kẻ đó khinh công rất tốt nhưng chẳng thấm gì so với cao thủ chân chính, Chu Phỉ đuổi theo vô cùng nhẹ nhàng, thấy mấy thị vệ đó trong thời gian cực ngắn đã mang theo một đám người, thanh thế to lớn ra khỏi cung, chạy tới một nhà dân ở ngoại thành.

Vài người ăn mặc như tiểu thương bình thường nói với thị vệ dẫn đầu:

– Người luôn ở đây, xác định, chúng tôi luôn theo dõi nơi này.

Người nào?

Chu Phỉ nấp trong bóng tối nhìn theo hướng ngón tay “tiểu thương” chỉ, thấy đó là một tòa trạch viện, trong viện trồng đầy hoa, vào mùa đông lạnh lẽo vẫn tỏa hương thơm ngát, mấy dây hoa từ trong tường viện bò ra, để lộ xuân sắc khắp vườn, càng lộ vẻ kỳ dị.

Không biết tại sao, khu vườn đầy hoa này khiến Chu Phỉ thấy quen quen.

Sau đó, hắc y thị vệ dẫn đầu ra lệnh một tiếng, mọi người bao vây tiểu viện, thô bạo phá cửa xông vào.

…Sau đó đồng thời ngẩn ngơ.

Trong tiểu viện hoàn toàn yên tĩnh, giá treo quần áo vẫn còn, nhưng trang phục bên trên đã không còn bóng dáng, vài chiếc lông đuôi chim rơi xuống đất, dưới bóng hoa um tùm là một chiếc xích đu nhỏ khẽ đong đưa trong gió.

Giống y như đúc tiểu viện của Vũ Y ban biến mất trong một đêm ở thành Thiệu Dương năm xưa!

Lúc này, giọng nữ cao cao từ xa truyền tới, hát:

– “Sông dài đổ ra biển cả, mênh mông hướng tới màu trời…”

Hắc y thị vệ quát to:

– Đuổi theo!

Mọi người cùng xông lên đuổi theo hướng tiếng hát. Chu Phỉ lúc này mới từ từ bước khỏi chỗ ẩn thân, nàng không lo lắng, trò người đi nhà trống là tuyệt kỹ của Vũ Y ban, mà giọng hát ban nãy dù hóa thành tro nàng cũng nhớ: chính là đại ma đầu Mộc Tiểu Kiều.

Một Nghê Thường phu nhân, một Chu Tước chúa, hai vị tiền bối ấy nếu cùng gây chuyện thì dù gọi hết đám giá áo túi cơm bên cạnh Triệu Uyên ra cũng chưa chắc bắt được… vấn đề là, đây lại là chuyện gì?

Chu Phỉ chui vào tiểu viện không một bóng người của Vũ Y ban, thấy cánh cửa bên trong khép hờ, lư hương vừa cháy hết vẫn chưa tan mùi, trong ly còn chút rượu dưới đáy, trên tường đối diện cửa lớn là hai thanh gỗ treo một đao một kiếm, ở giữa kẹp một tờ giấy.

Chu Phỉ cẩn thận lấy tờ giấy ấy xuống, thấy bên trên viết: “Vũ Y ban mang “Bạch cốt truyện” đến kinh, dâng quà cho Đại Chiêu thịnh thế.”
6Cre: -妄想随江河[email protected]