Hữu Phỉ

Chương 16: Nghi ngờ

Bóng núi lung lay, đường dài trắc trở.

Vừa có một trận mưa, quan đạo lâu năm thiếu tu sửa loang lổ gồ ghề, một chiếc xe ngựa đi qua, bánh xe bắn lên những vết bùn to nhỏ khiến thân xe thêm nhếch nhác, trước và sau xe có mấy con ngựa cao lớn mở đường, cả nhóm đều là người luyện võ, ai nấy đều mắt nhìn thẳng mà đi.

Trong xe là một lão phu nhân tướng mạo phú quý đang ngồi ngủ gà ngủ gật, bên cạnh là một thiếu nữ mười sáu mười bảy tuổi, đầu búi hai búi tóc Song Bình, mặc váy màu vàng nhạt, không phấn son trang điểm, vài sợi tóc rối trên trán lộ ra một khuôn mặt nhỏ nhắn trắng trẻo, hình như là tiểu nha hoàn yêu kiều bên cạnh lão phu nhân.

Nhưng nếu nhìn kỹ sẽ phát hiện tư thế ngồi của thiếu nữ này vô cùng ngay ngắn, mặc cho xe ngựa lắc lư trái phải, nàng vẫn ngồi vững vàng như chuông. Nàng hơi nhắm hai mắt, không biết đang tập trung nghiền ngẫm điều gì, giữa trán có khí thế sát phạt vô cùng sống động.

Đúng là chải tóc “nha hoàn” cũng không giống nha hoàn.

Nhóm người này chính là Vương lão phu nhân và một đám đệ tử trong đó có Chu Phỉ và Lý Thịnh.

Nhi tử mất tích của Vương lão phu nhân từng nói trong phong thư cuối cùng là đã đến gần Động Đình, ở đó có một võ lâm thế gia tên là “Hoắc gia bảo” trong thành Nhạc Dương.

Hoắc lão gia chủ Hoắc Thiện Lâm từng là một vị nổi danh giang hồ, đức cao vọng trọng với thối pháp (1) độc bộ thiên hạ. Trước kia khi lão trại chủ 48 trại còn sống, hai người họ từng có tình nghĩa kết bái huynh đệ.

(1) Thối: nghĩa là chân.

Lý Cẩn Dung sở dĩ để Chu Phỉ và Lý Thịnh đi theo là vì muốn mượn chút tình nghĩa ấy giữa hai nhà, lúc tìm người có thể nhờ Hoắc gia bảo giúp đỡ một tay.

Tiệm cầm đồ trên trấn đã chuẩn bị xe ngựa cho họ từ lâu, quãng đường rừng núi này tuy nhiều trộm cướp nhưng ở thâm sơn cùng cốc nhìn chung chỉ là hạng mềm nắn rắn buông, thấy họ không dễ đối phó sẽ không dám ra tay bừa. Thêm nữa là có quan tài bên cạnh, cướp bóc được một nửa mà thấy có người chết thì không may mắn, bởi vậy dọc đường đều không ai quấy rối, đi rất thuận lợi suôn sẻ.

Vừa rời khỏi ranh giới Thục Trung, Chu Phỉ liền dần dần mất đi hứng thú với phong cảnh ven đường.

Càng lên phía bắc, thôn xóm càng tiêu điều xơ xác, có lúc đi cả ngày cũng không thấy nhà nào, quan đạo thì càng lúc càng xóc nảy, trạm dịch ven đường cứ như thể nhà ma, chỉ thỉnh thoảng đi qua cổng lớn của thành lớn mới có thể thấy nhiều hơn chút hơi người, nhưng cũng không phải là hơi người tốt, tiểu lại ở cổng thành bóc lột trắng trợn, ra vào phải đút lót đủ thứ, ngồi trong xe ngựa thường có thể nghe thấy tiếng khóc lóc tranh chấp của bách tính không vào được thành và thủ vệ giữ thành, từng đợt từng đợt khiến người ta không khỏi chán nản phiền lòng.

Chu Phỉ dứt khoát không nhìn ra ngoài nữa mà ở trong xe ngựa nhắm mắt dưỡng thần, trong đầu lặp đi lặp lại chín thức Phá Tuyết Đao ngày ấy Lý Cẩn Dung truyền cho nàng__đây là Ngư lão dạy nàng, Phật gia có “bế khẩu thiền”, lão nhân gia ông ấy không biết xấu hổ ăn cắp cái tên, tự gọi phương pháp luyện công cổ quái của mình là “bế nhãn thiền”.

Ngư lão lắm chuyện như lông trâu, chê nàng ồn, chê nàng ngốc, chê nàng lôi thôi, chê nàng dùng đồ xong không để lại chỗ cũ, còn không chịu cho nàng múa đao múa thương giữa sông, nói là sợ bị nàng làm cho ngốc, nhìn nhiều hạng xoàng xĩnh cỡ nàng sẽ dễ dàng làm tổn thương suy nghĩ của ông…

Cho nên mỗi khi Chu Phỉ gặp khó khăn, bị dây trận vây giữa lòng sông, Ngư lão liền bảo nàng ngồi một bên nhắm mắt suy nghĩ, ở trong đầu miêu tả lặp đi lặp lại nhiều lần từng chiêu từng thức.

Nhưng công phu là luyện từng chiêu từng thức mà ra, chưa nghe nói công phu nào nghĩ từng chiêu từng thức mà ra, Chu Phỉ từng thương lượng với ông, từng nói lý lẽ cũng từng giậm chân dỗi hờn nhưng đều bị ông mặc kệ.

Ngư lão thiếu đạo đức tới cực hạn, lần nào tới giờ cơm cũng cầm theo hai đùi gà, vừa bẹp bẹp há mồm ngoạm vừa cãi nhau với Chu Phỉ bụng đói cồn cào bên kia mặt nước.

Dần dà, Chu Phỉ cũng bó tay hết cách, đành phải bài trừ tạp niệm ra sức nghĩ. Dần dần nàng phát hiện một người khi từ trong ra ngoài không bị phiền nhiễu, tâm không tạp niệm sẽ tiến vào một cảnh giới vô cùng huyền diệu, thực sự có thể hợp nhất suy nghĩ và hành động, đôi lúc nhập định, nàng cũng không phân biệt rõ là mình đang luyện công hay đang suy nghĩ. Dùng bế nhãn thiền để tu chỉnh chiêu thức thì lúc ra tay cũng có thể đánh rất tự nhiên, không hề kém hơn tự mình luyện tập.

Lúc mới bắt đầu, Chu Phỉ chỉ có thể tĩnh tâm tiến vào trạng thái đó ở lòng sông Tẩy Mặc xung quanh không một bóng người quấy rối, nhưng từ từ quen dần, nàng đã có thể tiến vào trạng thái bế nhãn thiền bất cứ lúc nào.

Trong đầu nàng đang là cuồng phong bạo tuyết, đột nhiên, bên ngoài vang lên tiếng chó sủa dữ dội, phu xe kêu một tiếng “hu” dài, xe ngựa ngừng lại.

Chu Phỉ bỗng mở mắt ra, chân mày như đao sắc lóe lên ánh đao rồi tức khắc hòa vào vầng trán. Tiếp đó, nàng phục hồi lại tinh thần, đưa tay vén màn xe lên một chút, thấy phía trước có một sợi dây cản ngựa chắn đường.

Người dẫn đường là đại sư huynh phái Tiêu Tương – Đặng Chân, thuật cưỡi ngựa cao siêu… đương nhiên, không cao siêu cũng không sao, dây cản ngựa này vô cùng thô ráp, một sợi dây thừng thô giăng cao khoảng hai thước giữa không trung không gì che chắn, trông như một trò đùa, kẻ có thể bị trò đùa này làm vướng chân chắc chắn là kẻ mù.

Đặng sư huynh kéo dây cương, còn chưa kịp xuống ngựa kiểm tra thì hai bên ven đường có bốn năm con chó săn lớn gầy trơ xương lao ra, giương đôi mắt lồi sủa về phía họ, tiếp đó, phía sau chúng có mấy thôn dân xuất hiện, đa phần là nam tử cường tráng và hai phụ nữ khỏe khoắn xách dao phay gậy gộc và giơ một băng ghế dài, ánh mắt đầy thù hận trừng đám người bọn họ.

Hai bên mắt to mắt nhỏ trừng nhau chốc lát, Đặng Chân phục hồi lại tinh thần, xuống ngựa chắp tay, nói:

- Chúng tôi bảo vệ lão phu nhân trong nhà về quê, đi qua đất của chư vị, không biết đã phạm vào điều kiêng kỵ chi?

Hán tử dẫn đầu nhìn thanh kiếm đeo bên hông Đặng Chân, ngữ khí gây sự hỏi:

- Lão phu nhân? Lão phu nhân già cỡ nào? Gọi ra đây xem xem!

Đặng Chân cau mày nói:

- Ngươi quá không lễ độ rồi đấy!

Hán tử kia lớn tiếng nói:

- Sao ta biết các ngươi có phải là bọn tặc nhân vào nhà cướp của kia không?

Nhóm Đặng Chân tuy là người giang hồ nhưng phái Tiêu Tương là kiếm phái, đặc sản là trúc và mỹ nam, dù bất đắc dĩ ở ẩn nơi Thục Trung cũng không làm mất đi vẻ phong nhã của chính mình, nhìn kiểu nào cũng giống một đám thiếu gia công tử, không ngờ có một ngày lại bị người khác cho là tặc nhân vào nhà cướp của, Đặng Chân quả thực sắp giận quá hóa cười, nghi ngờ đám điêu dân này có phải chuyên đi lừa người hay không.

Lý Thịnh hơi nhíu mày như có điều suy nghĩ, đánh giá cái thôn rách nát phía trước.

Chu Phỉ quay đầu nhìn Vương lão phu nhân, thấy bà vuốt nhẹ cây gậy nhỏ giọng nói:

- Nơi này cách Nhạc Dương chẳng qua chỉ một ngày đường, Hoắc gia bảo ở gần đây, sao lại có trộm cướp hoành hành? A Phỉ, con dìu ta xuống xem thử.

Mấy thôn dân thấy nhóm người trước mặt đột nhiên cung kính tách ra hai bên, phía sau có một tiểu cô nương dìu một lão phu nhân bước ra, cô nương ấy vừa sạch sẽ vừa thanh tú như một viên tuyết, khiến người khác thấy vô cùng tự ti mặc cảm, ánh mắt nàng quét qua, người phụ nữ giơ băng ghế tức thì ngượng ngùng đặt cái ghế gãy chân xuống.

Lão phu nhân khoảng bảy mươi tuổi, mặt mũi hiền từ khiến người ta muốn quỳ gối trước mặt bà khóc lóc kêu oan, bà đi một bước dừng một bước đến trước mặt mấy thôn dân kia, dường như hơi thở gấp, hỏi:

- Các vị hương thân, lão hủ giống tặc nhân vào nhà cướp của sao?

Nửa canh giờ sau, dựa vào mặt mũi Vương lão phu nhân, đoàn người Chu Phỉ bình an vào thôn.

Mấy con chó săn lớn đều đã bị buộc lại, hán tử thủ lĩnh ban nãy vốn là lý chính (2) của thôn, sau nhiều lần loạn lạc, lý chính đã không rõ là do ai cai quản, dẫn dắt mọi người miễn cưỡng sống qua ngày.

(2) Lý chính: tên một chức quan nhỏ, phụ trách về hộ khẩu và nộp thuế.

Lý chính nọ vừa đi vừa nói:

- Chúng tôi bây giờ đều thần hồn nát thần tính, mấy ngày nay bọn tặc nhân kia quá hay tới, vơ vét hết ba tấc đất, chúng tôi thực sự cũng không còn cách nào khác.

Đang lúc nói chuyện, có tiếng khóc cách đó không xa truyền tới, Chu Phỉ ngẩng đầu nhìn thì thấy ở cửa một căn nhà có một manh chiếu cói rách nát quấn một người thanh niên bên trong, người đó tay dài chân dài, chiếu cói không quấn được hết, đầu và chân đều lộ ra ngoài, dung mạo đã không còn nhìn rõ, đầu bị một thứ dụng cụ cùn đập đến biến dạng, dính bết đầy máu khô, một mảng nhầy nhụa, một bà lão vừa khóc than thảm thiết vừa dùng nước trong chậu gỗ cọ rửa vết máu cho người chết.

Vương lão phu nhân từng này tuổi còn đích thân xuống núi cũng là vì nhi tử, thấy cảnh này như xúc cảnh sinh tình, hồi lâu cũng không dịch nổi bước chân, đứng ở một bên lau nước mắt.

- Chỉ là cướp đồ thì cũng thôi, đằng này bọn chúng ngay cả người cũng không buông tha.

Lý chính nhìn thi thể trên đất, vốn muốn khuyên giải bà lão ấy đôi câu nhưng trong lòng cũng biết bà ấy đã không còn hi vọng gì để sống nữa, có nói gì cũng là thừa, bèn nuốt lại những lời định nói rồi nói với Đặng Chân bên cạnh:

- Vợ cậu ấy do ta làm chủ hôn, thành thân không quá nửa năm thì lọt vào mắt xanh của tặc nhân, thế là chúng muốn cướp, cậu ấy… Ôi! Vị lão phu nhân này, chúng tôi làm trễ nãi hành trình của chư vị, bây giờ trời đã tối, lên phía trước cũng chưa chắc có chỗ dừng chân, không bằng cứ nghỉ tạm ở chỗ chúng tôi một ngày, ngày mai lại khởi hành, chạng vạng là có thể vào thành Nhạc Dương rồi.

Vương lão phu nhân không ý kiến gì, bảo đệ tử cho họ tiền ăn ở, lý chính nhận lấy, miệng nói rất nhiều là không tiện nhận nhưng tay lại không nỡ buông ra, người trong thôn thực sự quá nghèo, chết rồi ngay cả cỗ quan tài mỏng cũng không mua nổi, ông đâu còn sức để nói gì về chí khí?

Lý chính là một hán tử cao lớn thô kệch, tự mình cũng hiểu người nghèo không có tư cách để chí khí, không khỏi xấu hổ bi quan, đứng nơi đó rơi nước mắt.

Đám người Chu Phỉ tối đó ở lại trong thôn, ăn qua loa một chút rồi các đệ tử tụ tập trong phòng Vương lão phu nhân.

Đặng Chân đại sư huynh nói:

- Sư nương, con thấy việc này hơi lạ, người có thấy thi thể thanh niên kia không? Đầu người ta có xương chứ đâu phải quả dưa, không dễ nát như vậy, sức người bình thường không thể đập cậu ta thành như thế, chắc chắn phải là người luyện võ, vả lại không phải là người luyện võ thông thường. Thật sự có một nhóm ác nhân võ nghệ cao cường bên giường như vậy mà Hoắc gia bảo tại sao mặc kệ?

Đôi tay già nua của Vương lão phu nhân đặt trên chậu than nhỏ, mượn ánh lửa sưởi ấm tay, nghe thế thì chậm rãi gật đầu, lại thấy Lý Thịnh muốn nói lại thôi, bèn hỏi:

- Thịnh nhi muốn nói gì?

Lý Thịnh cau mày:

- Con đang nghĩ, chúng ta như vầy, dù có phong trần mệt mỏi cỡ nào cũng không đến mức bị nhận nhầm thành kẻ chặn đường cướp bóc chứ? Tại sao vừa mới bắt đầu họ lại đề phòng như vậy, nếu không phải…

Chu Phỉ liếc nhìn hắn, kỳ thực nàng cũng chú ý tới nhưng nàng không quen làm chim đầu đàn nên người khác không nhắc thì nàng cũng không lên tiếng, bây giờ nghe Lý Thịnh nói, nàng mới khẽ gật đầu một cái.

Vương lão phu nhân nhẹ nhàng nói với Lý Thịnh:

- Không sao, con nói đi.

Lý Thịnh nói:

- Con thấy thôn dân ở đây phần lớn bước chân nặng nề, hơi thở hư nhược, thần sắc bi phẫn khi nói chuyện cũng không giống giả vờ. Nếu không phải họ nói dối thì những kẻ được gọi là “trộm cướp” kia liệu có phải… không phải giặc cướp bình thường mà có chỗ giống với chúng ta?

Lý Thịnh nói rất uyển chuyển nhưng lời hắn vừa dứt, chúng đệ tử nhất thời im lặng như tờ.

Không phải trộm cướp thông thường mà còn có chỗ giống với họ, tức là môn phái giang hồ, trong phạm vi trăm dặm vùng này chỉ có Hoắc gia bảo.

Hoắc gia bảo và Lý lão trại chủ kết bái huynh đệ, sự nghi ngờ của Lý Thịnh kỳ thực trong lòng mọi người hoặc nhiều hoặc ít đều có, chỉ là không tiện nói trước mặt Lý Thịnh và Chu Phỉ, lúc này bị hắn nói thẳng ra mới thi nhau phụ họa.

Ngón tay Vương lão phu nhân cuộn lại, khẽ nói:

- Để ta suy nghĩ đã, các con nhiều ngày đi đường liên tiếp, nghỉ ngơi sớm đi, có điều ban đêm phải cảnh giác chút.

Các đệ tử đều vâng dạ, đúng lúc này, bên ngoài chợt có người hỏi:

- Tiểu Chu cô nương đã ngủ chưa?

Chu Phỉ ngẩn người, đẩy cửa ra ngoài đón, người tới là nương tử của chính lý_____chính là vị nữ trung hào kiệt ban đầu giơ băng ghế dài ra cướp đường.

Bà ấy hóa ra trông không hề hung thần ác sát như vậy, thấy Chu Phỉ là một cô bé luôn đi theo bên cạnh lão bà bà mà không hề nói gì thì cảm thấy nàng quá đáng thương nên buổi tối đặc biệt tìm một bộ chăn dày sạch sẽ đưa tới cho nàng.

Chu Phỉ từ nhỏ đến lớn đâu từng được chiếu cố gì đặc biệt, nàng nhận lấy có chút được chiều mà sợ, vội nói đa tạ với bà ấy.

Trong thôn này, trẻ con đứa nào đứa nấy xanh xao vàng vọt, nương tử của lý chính hiếm khi thấy một nữ tử dáng dấp chỉnh tề, trong lòng vô cùng yêu thích, trước khi đi còn đưa tay sờ mặt Chu Phỉ một cái, cười nói:

- Đứa trẻ ngoan.

Chu Phỉ:

- …

Ban đêm nàng trở mình trằn trọc không ngủ được, không phải vì đệm chăn cũ nát cực kỳ mỏng manh mà nàng cảm thấy bên ngoài núi không tốt chút nào. Đồng thời nàng cũng nghĩ mãi không hiểu___nơi đây luôn có kẻ cướp đi qua, nghèo đến đòi mạng, sao người ta vẫn không chịu chuyển đi nơi khác sống?

Đúng lúc này, ngoài cửa sổ chợt có tiếng ầm ĩ ồn ào, tiếng người và tiếng chó sủa truyền đến, Chu Phỉ xoay mình ngồi dậy, khẽ gọi:

- Vương bà bà?

Vương lão phu nhân ở cùng phòng với nàng chưa lên tiếng, tiếng ồn ào càng lúc càng gần, cửa phòng bị đẩy ra, nương tử của lý chính hoảng hốt lao vào nói:

- Lại tới nữa rồi, các người mau trốn đi!

Nói rồi, ánh mắt bà quét qua mặt Chu Phỉ, vớ đại một chiếc áo ngoài cũ nát của nam nhân, quấn kín nàng lại từ đầu đến chân:

- Tiểu muội muội đừng ló mặt ra, những thứ súc…

Bà chưa nói xong thì sau lưng có hai kẻ bịt mặt một trái một phải xông vào, miệng la lên:

- Xe ngựa kia dừng lại ở cái viện này, người tất nhiên cũng ở đây!

Nương tử của lý chính hít vào một hơi, xoay người dùng thân mình chặn cửa.