Hùng Karô

Chương 8

Docsach24.com

ột tuần sau tôi nghe tin nàng được điều chuyển hay xin chuyển gì đó sang trại khác hay về cục về sở không rõ. Hẫng hụt cả người. Sau lần đó, dù nghe nàng tôi đã không một lần bén mảng lên cái gian nhà sặc mùi thuốc tây đó nhưng đầu óc lúc nào cũng châng lâng, nóng bỏng hướng về. Và ngày nào cũng có ý chờ. Chờ một tín hiệu gì đó mỏng manh, rất mỏng manh thôi như một lời nhắn lên lấy thuốc, một phút xuống đội thăm khám sức khoẻ tù nhân chẳng hạn nhưng tịnh vẫn không thấy gì. Lại chờ. Chờ khổ sở để rổi trưa nay thằng Cộ đi về ngoác mồm thông báo cho tôi cái tin rụng rời ấy. Cuộc đời tù tội bỗng nặng gấp đôi, bầu trời trung du bỗng mưa dông vần vũ xám xịt trở lại. Buồn tan hoang. Người ta... thế người ta có... có nhắn gì cho tao không? Đã định hỏi một câu sổ toẹt như thế nhưng rồi thấy cái mắt nhìn đểu đểu pha chút thương hại của nó lại thôi. Chợt ục lên một tiếng cười từ trong bụng. Việc chó gì mà buồn. Cái giống bạc tình ấy chẳng đáng để buồn, ở lại chắc cô ta sợ liên lụy, sợ dây bẩn với mình thì cô ta phải xin đi thôi chứ có gì đâu. Đàn bà thế đấy. Vừa tham vừa khôn, nghĩ gần nghĩ xa rốt cuộc cũng chỉ là nghĩ cho mình. Vậy thì buồn làm cái đếch. Buồn cho nó phí b... đi. Đang tự nguyền rủa, tự văng tục búa xua trong đầu như thế thì cái mặt khó coi chết mẹ của thằng Cộ lại ló vào:

Đại ca...

Cái gì?

Bà y tá già nói đại ca lên lấy thuốc phòng dịch cho anh em.

Sao cứ phải là tao, mày không đi được à?

Bà ấy bảo còn dặn thêm cái gì nữa phức tạp lắm!

Rách việc! Mặc thêm cái quần dài, tôi càu nhàu bước

ra khỏi lán. Vừa đến nơi, bà y tá đã bảo tôi ngồi xuống rồi rót cho tôi một cốc nước vối mát rượi.

Cô Thôn gửi lời chào cậu và nhờ tôi chuyển đến cậu lời cám ơn về những gì mà các cậu đã có lòng giúp cho bếp những ngày qua.

Dạ có gì đâu ạ. Nhưng... cán bộ Thôn đi bao giờ ạ?

Sáng nay. Cô ấy có nhờ tôi đưa tận tay cho cậu cái này này!

Bà rút trong túi áo ra một chiếc phong bì mỏng tang, nhăn nheo được dán kín.

Cái gì đấy ạ?

Tôi buột miệng hỏi và cảm nhận rõ có một lằn chớp sáng chém qua đầu.

Ai mà biết. Chắc lại là một bản hướng dẫn về cách phòng và trị bệnh sốt rét hay tả lỵ gì đó. Tính cô ấy vốn cẩn thận.

Vâng, cẩn thận lắm ạ! Cán bộ cho cháu xin.

Tôi cầm như vồ lấy cái bì thư ấy rồi quay người đi ra luôn, quên cả chào bà y tá tốt bụng kia. Không đợi được về đến lán, tìm một chỗ vắng nhất bên bìa suối, tôi ngồi xuống, vội xé bao thư. Lập cập thế nào đó tôi xé lẹm vào cả mấy dòng chữ. Bật lên một tiếng xuýt xoa như xé phải da thịt. Những hàng chữ con gái nghiêng nghiêng hiện lên...

“H! Tôi đi đây! Tôi phải đi, vì nếu ở lại tôi sẽ không tài nào chống chọi lại được sự ham muốn, muốn gặp lại H, muốn sống lại những giây phút mà tôi biết chắc rằng cả đời này kiếp này sẽ không có ai đem lại cho tôi được như vậỵ nữa. Tôi đi, tốt cả cho tôi lẫn cho H. Tôi biết H là người tốt. Hãy cố gắng cải tạo đế sớm trở về với gia đình, với cuộc sống bình thường. Biết đâu khi đó ta chẳng gặp lại nhau. Xem xong nhớ xé đi nhé.

Người tôi tan ra. Trời ơi, vậy là nàng không tệ như tôi tưởng, nàng vẫn nhớ đến tôi, vẫn bộc lộ chút tình với tôi. Phải thế chứ, chả lẽ cuộc đời này không còn có gì để neo đậu lòng tin vào nữa ư? Cả đời này kiếp này tôi biết sẽ không có ai đem lại cho tôi được những giây phút như vậy nữa... cả tôi cũng thế, Thôn ơi, cuộc đời một thằng đa tình và cả... đa dâm như tôi, rồi sau này sẽ còn trải qua nhiều

cuộc tình nóng lạnh nữa nhưng cái đêm ấy, một đêm hồng hoang giữa gió ngàn và sơn nữ ấy chắc cũng chỉ có một lần.

Trời ơi, giá như không có cái câu cuối Xem xong nhớ xé đi... thì mọi việc có phải đẹp lên biết chừng nào không. Xé ư? Thì xé nhưng là xé theo kiểu của tôi. Sau khi đọc thuộc lòng từng cái dấu chấm phảy, tôi lặng lẽ vo viên cho vào miệng nhai rồi nuốt sâu vào bụng. Trong sự tan ra của giấy, tôi như tìm lại được hương vị ẩm ướt của cặp môi, của đầu vú, của da thịt và của cả những tiếng rên rỉ khi dâng trào khi đứt quãng của em.

°

Hai tuần sau nửa thì anh Khâm buồng trưởng đến chào tôi ra trại. Theo đúng thời hạn thì anh còn phải nằm trống góc nửa năm nữa nhưng chắc người ta có xét đến công tích của anh thời chiến tranh biên giới, lại nữa, đây là lần thụ án đầu tiên nên cũng phần nào có du di. Anh nhìn tôi từ đầu đến chân rồi trừng mắt:

Nhanh nhanh rồi mà ra. Chớ có làm điều gì dại dột. Cuộc đời vẫn còn tít tắp ở phía trước, coi như đây là chiếu nghỉ, có dịp suy nghĩ thấu đáo về mọi sự ở đời mà ngoài kia chưa kịp nghĩ. Đây là địa chỉ nhà tao, ra, cứ tìm đến.

Anh dúi cho tôi một nắm tiền chừng dăm bảy chục ngàn gì đó, nói tiếp:

Cầm lấy! Tao biết mày có con em đang bệnh, gửi về mà thêm thuốc thang cho nó.

Cầm đồng tiền chua loét mùi mồ hôi, mùi cứt dán, nước mắt tôi chực trào ra. Thế là hai con người tôi yêu quý nhất đều đã bỏ tôi mà đi. Người này gieo cho tôi chút hy

vọng ở ngày mai, người kia khía sâu vào tim óc tôi chút đau xót và cả hận đời. Xin cám ơn cả hai và xin hãy chờ cái thằng tôi trong những ngày dài trước mắt.

°

Ba tháng sau đến lượt tôi được ra.

Ra trước hai tháng. Ban đầu là mười tám. Mười tám trừ ba còn mười lăm. Tôi lẩn mẩn tính và đảm bảo rằng bất kỳ một thằng người nào dù chỉ ngồi sau song sắt một ngày thôi là cũng nhiễm cái tật lẩn mẩn như bà già đếm tiền chợ như thế. Mười lăm trừ ba tiếp do những thành tích cải tạo xuất sắc còn mười hai. Chẵn một năm. Một năm vừa ngắn vừa dài, một năm vui buồn, sướng khổ, tủi nhục đều được đẩy đến tận cùng. Một năm sống ngập trong một thế giới hoàn toàn khác. Một năm được phá vỡ biết bao nhiêu là những khái niệm ở đời. Trong tù không có khoảng giữa, không có vùng nước lợ. Một là anh sẽ tốt bật lên, hai là anh sẽ trở thành chai sần miễn dịch. Chả biết tôi ở loại nào nhưng chắc chắn là tôi không thể sống như cũ được nữa. Tôi sẽ bật theo cái tạng của tôi. Cái tạng mà tôi đã ủ sẵn từ nhỏ trong người và được nhân lên, tui rèn khốc liệt trong những năm tháng qua.

Cũng lạ! Một năm 365 ngày, ngày nào cũng mong đến cháy ruột cháy gan cái giây phút được tung cánh xổ lồng vậy mà khí nó đến lòng dạ lại cứ nôn nao, chộn rộn thế nào. Lạ hơn nữa, cứ nghĩ rằng bằng những giải pháp cai trị hà khăc sặc mùi thực dân ấy, tôi mà đi là mọi người sẽ mở cờ trong bụng, sẽ hỉ hả mổ lợn ăn mừng nhưng không, hầu hết đều tỏ ra bịn rịn, có người còn khóc, khóc sụt sùi như cái thằng Thư ngửi thuốc nổ kia. Khóc! Chao ôi, nước mắt tù nhân, nước mắt tội phạm đâu có phải mỗi lúc mỗi chảy ra.

Bữa cơm tiễn nhau thật buồn. Dù sao cũng đã sống với nhau từng ấy ngày bây giờ kẻ ở người đi. Đến lượt tôi được anh em đối xử trở lại như ngày nào tôi đối xử với thằng Thư khi thằng Cộ khoắng tay đề nghị tất cả im lặng rồi cất tiếng khá trịnh trọng, thứ trịnh trọng mà không ai nghĩ rằng lại có thể có được ở nó:

Anh em... ngày mai đại ca đi rồi. Những ngày ở đây, đại ca đã sống hết lòng vì anh em. Anh em có kẻ ghét người yêu, bản thân tôi cũng lúc yêu lúc ghét, có lúc muốn trả thù đâm dao đập gậy nhưng rồi anh em vẫn là anh em. Thôi, đếch dài dòng nữa, tất cả uống hết can rượu này, uống thật say để chúc đại ca ra tù gặp được nhiều điều may và đừng quên những thằng em khốn khổ đang còn ở lại.

Rượu uống tràn cung mây. Hai chục anh em mà đi ngọt 15 lít rượu sắn khét ngòm chưa đầy hai tiếng. Rượu chia tay của tù không uống bằng ly mà uống bằng bát. Lời chia tay của tù không văn hoa mỹ miều nhưng lại ục ra từ gan ruột. Phải uống gấp bốn, gấp năm người khác nhưng tôi lại hoàn toàn tỉnh, càng uống càng tỉnh, thế mới khốn nạn, giá như thi thoảng cũng say bí tỉ được một chút thì cuộc đời này có phải bớt nặng đi được phần nào không.

Khi tất cả đã nằm dài ra, bê bết như một bãi tử thi, trừ thằng Thư, hình như từ đầu tôi để ý nó không đụng một giọt rượu nào, chỉ nhìn, tôi vục mặt vào sô nước lạnh lúc lâu rồi một mình lặng lẽ đi về phía nhà trạm xá. Khuya. Trong nhà tối thui. Gió se lạnh. Yên ắng tuyệt đối. Tưởng như nghe được cả tiếng trở mình nồng nàn, tiếng thở rên đứt quãng của ai trong đó. Làm gì có vẫn chỉ là tiếng gió vô nghĩa và vô định thổi dọc sườn đồi. Tôi tha thẩn đi ra sau nhà. Cái buồng tắm hôm nào ấm nồng, nôn nao là thế mà giờ đây nhìn nó cứ lạnh lẽo, tối thui như cái nhà mồ. Cái nhà mồ đã chôn sống chuyện tình hoang dã một đêm, chôn sống cả lòng kiêu hãnh của một thằng đàn ông man rợ vào vòng lao lý tủi nhục.

Tạm biệt em... Tạm biệt bà trạm trưởng! Tôi đi đây, đi ra khỏi nhà tù đây. Không hiểu rồi mai mốt cái thân tôi có phải bị điệu cổ vào đây nữa không, tôi không biết, không rõ nhưng có điều chắc chắn rằng, tôi sẽ phải là một thằng người khác, một thằng người có thể nhìn ngang bằng, nói năng sồng phẳng trước mặt em. Cám ơn em! Cám ơn bà trạm trưởng, bằng chính sự dâng hiến vụng dại, ấm nóng, ẩm ướt đến đê mê, cuồng nhiệt của bà, và cả bằng sự xúc phạm không tự biết của bà, bà đã tháo tung trong tôi khá nhiều điều mà trước đó thú thực tôi chưa hề nghĩ đến. Cám ơn!

Chợt có tiếng thở nhẹ đằng sau, tôi giật mình quay lại, tưởng con chồn hoang nào lại hoá ra là cái nhìn vẫn thật lạ của thằng Thư. Tự nhiên tôi nặng giọng như bị quấy rầy không đúng lúc:

Thư, chú lên đây làm gì?

Em... em nghĩ anh đang buồn, đang cần có người tâm sự.

Cần! Rất cần nhưng không phải là chú.

Đôi mắt nó nhìn xuống, tiếng nói buồn như khóc vang lên:

Sắp... xa rồi mà sao anh vẫn cứ nặng lời thế?

Bỗng thấy lòng mình chùng rịn, tôi khoác lấy vai mảnh như vai con gái của nó rồi cùng đi trở lại:

Ở lại cùng với thằng Cộ thay anh bảo ban anh em làm ăn cho tốt nhé! Đừng để thằng nào sơ xảy bị gia hạn thêm. Ra, nhớ tìm anh. Hình như em cũng sắp rồi phải không?

Dạ, còn bốn tháng nữa. Anh đi mạnh khoẻ, có gì nhớ nhắn tin cho tụi em và... chỉ cầu mong cho anh không bao giờ phải trở lại nơi này nữa.

Quái quỷ! Nó nói thật lòng mà nghe như có điềm báo trước rất khó lọt lỗ tai. Sáng hôm sau tôi lên chào ban giám thị. Chỉ có ông phó ở nhà cùng với con chó khổng lồ lúc nào cũng túc trực ở bên cạnh. Mắt chó thì dữ, mắt người lại hiền. Giọng nói cũng hiền, hay chỉ hiền trong lúc này thôi:

Tôi quý cái tính khí của cậu. Hình như đã từng là lính, thằng nào cũng nhuốm cái tính khí đó cả. Đáng lẽ đời cậu đã khá hơn rất nhiều nếu như trong máu cậu không có chất yêng hùng, nổi loạn. Nhưng không sao, sông có khúc người có lúc, chỉ khuyên cậu một lần đã ra là rộng cẳng mà bước. Cái án tù giống như cái án nghiện, không qua nổi nó là nó sẽ vật trở lại nặng hơn, rõ chửa?

Rõ, thưa cán bộ!

Vẫn cái giọng thằng Thư? Sao ấy nhỉ? Hay là cái số mình rồi sẽ có ngày trở lại thật? Kệ! Đến đâu hay đến đó, cuộc đời dâu bể biết đâu mà lường sau trước, hèn người đi. Chỉ có điều, khi bước ra khỏi cổng, ngập mình trong bầu không khí tự do thơm phức, nhìn trở lại tôi bỗng thấy lòng mình rưng rưng. Rưng rưng với ngay cả cái nơi đã giam giữ tù đày mình thì quả tình là lạ. Tất nhiên cái lạ đó không chỉ thu hẹp trong hình ảnh em, người trạm trưởng tên Thôn.