Hùng Karô

Chương 41

Docsach24.com

ục Yên bây giờ vui lắm. Dân đào đá trảy về vẫn đông nhưng anh bảo do sự có mặt của các công ty khai thác mà mọi sự bây giờ đã đi vào ổn định, nề nếp hơn. Đường lên bãi lúc này người ta đã đi bằng ô tô, dưới chợ đá người ta đã khoanh vùng khoanh ô cẩn thận. Đứng giữa mênh mông trời đất, tôi hiểu anh đang chìm đi trong những kỷ niệm ngổn ngang ùa về. Từ đây anh đã đi vào tù và từ nhà tù chả hiểu cuộc sống vận hành luân hồi thế nào anh lại trở về đây. Chỉ khác ngày trước anh tên là Hưng, là Thư, là kẻ sống ngoài vòng pháp luật còn bây giờ anh trở lại là Hùng, là một công dân tự do. Anh nói anh không muốn gặp lại một ai, kể cả cái ông trưởng công an thị trấn tốt bụng, kể cả người tên là Hoạch nào đó không hiểu bây giờ sống chết ra sao, kể cả số anh em đào đá, xe ôm một thời no đói có nhau, gặp lại chỉ buồn thêm.

Anh chỉ lặng lẽ dẫn tôi tìm đến một nấm mộ đắp vội giữa rừng hoang, thắp hết một bó hương, lâm râm khấn vái cái gì đó lâu lắm rồi đi về, suốt đường về anh câm lặng không nói một câu. Tôi rụt rè hỏi mộ ai thế? Anh chỉ nói, đó là mộ của một người mà nhờ có người ấy anh đã gặp được em.

°

Sáng hôm sau chúng tôi men theo đường tắt đi bộ lên bãi. Đường rất khó đi nhưng không ngờ tôi lại đi được, đi khá dẻo nữa là khác. Anh nhìn tôi kinh ngạc:

“Anh ngờ em đi sai nghề. Đáng ra em phải là vận động viên leo núi chứ không phải cô giáo dạy văn”

 Nhưng tôi vẫn là cô giáo khi mới được nửa đường chân tay tôi đã bủn rủn, đầu váng mắt hoa buộc phải ngồi phệt xuống không bước nổi thêm bước nào nữa. Anh cõng tôi lên lưng đi tiếp. Phủ phục trên tấm lưng trai tráng của anh, không hiểu sao nước mắt tôi ứa ra. Hạnh phúc của một kiếp người phải chăng cũng chỉ cần thế này, đói no, gian khổ luôn được ở cạnh người mình thương yêu.

Đường càng lên càng âm u, gió thổi càng mạnh. Anh hỏi sống với anh khổ thế này, sẽ còn khổ nữa, em có ân hận không? Tôi chỉ cắn nhè nhẹ vào vai anh, không trả lời. Anh lại bảo công việc đào đá vất vả lắm, lúc có lúc không, nhưng nếu đào được, đào khá khá một tý, chúng ta sẽ dùng chính những viên đá đó để mở một phòng tranh do em làm chủ. Lúc đó tôi mới hỏi, tại sao anh yêu em nhiều thế trong khi trên đời này có biết bao là đàn bà con gái hay ho hơn? Anh nói, vì em không giống bất cứ người con gái nào anh gặp, vì em yêu anh và vì ở em chứa đủ tất cả những người đàn bà anh gặp, mỗi người một tý góp lại thành em. Tôi lại cắn anh cái nữa, đau hơn: Tán! Nếu biết anh yêu lắm thế thì em đã chả ngồi trên lưng anh thế này. Anh cười hì hì, xốc tôi đi nhanh hơn.

°

Trên đỉnh bãi đá, tại góc khuất nhất, xa các bâu đá khác nhất, một túp lều nhỏ nhắn được dưng lên. Thế là cũng có một mái lá để ngày chui vào sáng chui ra đi tìm vỉa. Vỉa tìm mãi rồi cũng ra nhưng có một thứ vỉa tôi không bao giờ còn có thể tìm được, đó là sức mạnh đàn ông của anh.

Đêm đầu tiên trong lều cũng là đêm tân hôn của chúng tôi. Buổi chiều tôi nói anh nghỉ sớm, cả hai ra suối tắm táp hồi lâu, trở về tôi có ý nấu cho anh một bữa tươi tươi, có cá có thịt có rau, thêm một chút rượu, tất cả đều là cây nhà lá vườn rồi chui vào lều. Gió thổi lồng lộng. Có tiếng vượn hót ở đâu. Tôi ôm chặt lấy anh, chờ đợi... như đã khát khao chờ đợi cả đời này. Anh cũng ghì xiết lấy tôi, không hiểu sao lại có ý tránh những cái hôn tham lam, cuồng nhiệt của tôi nhưng lại mê man nói vào tai tôi những câu vô nghĩa và có nghĩa nóng bỏng. Toàn thân tôi tan ra, bung mở, dâng lên, hứng đón nhưng... chao ôi, làm sao có thể ngờ được, tưởng là với một người đàn ông mạnh mẽ đầy nam tính như anh, với tất cả những giai thoại vừa gây sốc vừa gợi tò mò về anh, tôi, một người đàn bà cả mấy năm nay âm thầm khép nhụy đêm nay sẽ được trả lại tất cả, dâng hiến tất cả để rồi, chưa đâu vào đâu anh đã oải buông, thở ra một tiếng đau đớn rồi nằm vật xuống. Không sao, tôi ấp khuôn mặt mặt anh vào ngực mình, khẽ vỗ về như vỗ về con trẻ, không sao không sao, chắc là mấy ngày nay anh lao lực quá đấy thôi, ăn uống lại chả có gì, thôi, ngủ đi ngủ đi, em ru cho...

Nhưng đêm sau rồi đêm sau nữa, mọi sự vẫn diễn ra y như thế, thậm chí còn tồi tệ hơn. Đến đêm thứ năm thì anh trở dậy, vùng ra khỏi lều, ngửa mặt lên trời đêm than một tiếng xé ruột:

 “Thư ơi, em hại anh rồi...”

 Tôi cũng đi ra, dìu anh trở lại, ủ ấm cho anh rồi hỏi Thư nào? Im lặng một lúc anh mới nói, tiếng nói vẫn như cháy gan:

 “Nó là thằng em thân yêu nhất, bất hạnh nhất, cả đời nó yêu mà không được yêu, để rồi trước khi chết nó chỉ cầu xin có được một nụ hôn khốn khổ... Nó chính là cái đứa đang nằm trong nấm mộ hôm rồi anh đã đưa em đến”.

Đến lượt tôi rã rời. Tôi khóc, úp mặt vào vách lá khóc ngon lành như cả một đời chỉ giành nước mắt cho đêm nay. Chả lẽ lại trớ trêu vậy thật sao? Chả lẽ chỉ vì một cái hôn đồng tính mà anh, một ngưòi đàn ông có tiếng là rất ghê gớm trên trường tình lại cũng biến thành đồng tính thật rồi sao? Thảo nào anh toàn tránh né những cái hôn của tôi, phải chăng cái hôn giá lạnh của người ấy đã thành ám ảnh không thể nguôi ngoai trong anh đến nỗi sau đó anh không thể hôn ai được nữa, kể cả tôi, người mà anh nói còn quan trọng hơn cả tính mạng của mình!

Để mặc cho tôi khóc, chờ cho tôi khóc xong anh mới khẽ khọt:

“Đừng nghĩ khác về anh. Lúc nào anh cũng khao khát em, thèm em, thèm như chưa bao giờ thèm như thế nhưng cứ mỗi lần định gần em, đi sâu vào em, khuôn mặt xanh mét của nó lại hiện ra, oán trách tội tình lắm, anh không thể...”

 Tôi xoay người ôm chặt lấy anh, hôn cuống quýt lên khắp thân thể anh, nói trong nước mắt:

“Em hiểu... em hiểu anh. Em không nghĩ gì đâu, chỉ tại... tại... Không sao, em sẽ chữa cho anh, sẽ lấy lại cho anh tất cả những gì anh đã đánh mất... Và dầu có không lấy lại được thì em vẫn yêu anh, vẫn suốt đời ở với anh... em cần cả con người thật của anh chứ không phải chỉ cái đó...”

Trong bóng đêm đỉnh rừng, khuôn mặt anh thoáng rạng lên, đôi mắt anh nhìn tôi xiết bao dịu dàng, tha thiết.

Chính cái nhìn sâu thắm yêu thương ấy đã giúp tôi vừa vỡ ra một điều đau đớn nhưng chẳng thể nói với anh và có nói thì với cái đầu trẻ thơ không thích đào bới các ngóc ngách cuộc đời của mình anh cũng không thấu hiểu:

 Đó là, chẳng phải con người kia, cái chết kia, nụ hôn giá lạnh kia đã khiến anh tê liệt mà chinh là cuộc đời với tất cả những trái ngang, phi lý, bạc bẽo, độc ác của nó đã vắt kiệt những giọt tinh lực đàn ông cuối cùng trong anh.

°

Một năm trôi qua.

Cả một trời những gian khổ buồn vui ngọt ngào cay đắng trôi qua. Chúng tôi cũng đã có được một chút ít vốn liếng. Bằng kinh nghiệm và sự mẫn cảm của một người đã trải qua tận cùng công việc đào đá, anh đã phát hiện ra những vỉa quặng không lớn nhưng khá bất ngờ để không ngày nào, mùa nào chúng tôi phải ở không. Ngày lại ngày, nắng cũng như mưa, chúng tôi ra khỏi lều cùng với tiếng chim hót báo sáng, đến nơi, anh đào tôi đãi, cũng có lúc anh đãi tôi đào. Hôm nào may mắn cũng được vài viên con con, hôm nào thất bát cũng được vài nhúm đá cốm. Đá viên thì chờ phiên mang xuống chợ bán cho hàng quen, đá cốm giữ lại để trám tranh sau này. Đồ ăn thức uống không lo, gà nuôi trong chuồng, rau trồng ngoài bãi, cá chũm trong khe, củi đầy rừng, chỉ có gạo mắm là thỉnh thoảng phải kết hợp mang lên. Một khoảnh rừng, một đỉnh núi, một túp lều, một bầu trời riêng, đây là những ngày sống thanh thản nhất của đời tôi, khổ mà vui, sáng đi tối về, không lo toan, không va chạm, không vướng bận toan tính gì.

Anh có vẻ trẻ ra tuy thỉnh thoảng có lên một cơn đau gì đó phía bụng dưới mà nếu có hỏi thì anh lại toàn cười xoà:

 “Anh ấy à, trời đánh thánh vật cũng chẳng chết huống là...”

Còn tôi cũng thấy trong người, khổ thế mà chẳng có một bệnh tật gì, đêm ngủ đầy giấc, mỗi bữa vét sạch ba bát cơm đầy. Nhưng có một đêm cái đẫy giấc của tôi bị gián đoạn bởi bàn tay của anh đang mơn trườn trên ngực, trườn mỗi lúc một nhanh, rồi dừng, rồi lại nhanh hơn, cuối cùng nó trườn dần xuống dưới, dưới nữa... Toàn thân tôi cong lên, nhột nhạt nhưng vẫn phải vờ ngủ bởi chỉ cần tôi tỉnh lại là bàn tay kia sẽ trở về vị trí cũ, biến mất. Qua thân thể tôi, tôi hiểu anh đang một mình âm thầm cố lấy lại cái đã đánh mất của mình. Bàn tay vẫn trườn mơn man... Bất giác tôi giả vờ cựa mình để bàn tay tôi làm như vô tình chạm được vào cái... ấy của anh. Và chút nữa thì tôi reo vang lên như bắt được đá chúa. Trời ạ, như có điều kỳ diệu từ trên trời rơi xuống, cái ấy của anh, của tôi, của chúng tôi đang từ từ cương lên. Đã thế thì không cần giả vờ nữa, tôi xoay nhanh người lại dùng tất cả những gì có thể dùng được trên tứ chi ngũ tạng để cùng với anh giữ lấy cái độ cương đêm đêm đang mòn mỏi đợi chờ đó. Và giữ được, tuyệt vời làm sao, thậm chí còn tốt hơn. Nghẹn ngào vì sung sướng, tôi vội xốc anh lên người mình, giục anh nhanh lên nhanh lên kẻo nó lại... Anh cũng vội vã làm theo nhưng, trời ạ, sao cuộc đời lại lắm nhưng thế này, đúng vào lúc sắp xuyên thấu được vào thân thể tôi thì cái ấy của anh nó lại từ từ biến dạng trở về hình thái ban đầu. Anh nằm vật ra thở dốc, còn tôi lại ôm nghiến lấy anh, cắn vào ngực anh, nói trên miệng anh, chặn lấy hơi thở của anh:

 “Tốt rồi, tốt quá rồi mình ơi! Đừng vội, cứ từ từ rồi mình sẽ có. Tại khí núi khí rừng ở đây đấy, trong lành lắm...”

Từ đêm ấy, đêm nào chúng tôi cũng chọn ra cái khoảng thời gian nhạy cảm nhất chữa chạy cho anh. Nhưng không phải đêm nào cũng như đêm nào, lúc được lúc không, và cái điều tận cùng, cái điều mà cả hai đều mong cháy lòng cháy ruột đó vẫn chưa đến. Nhưng nhất định nó sẽ đến, tôi nói với anh, tình yêu của em, cuộc sống nơi đây sẽ làm cho nó đến, bắt nó phải đến.

Sáng ra, nhìn bộ quần áo khoác tơi tả, lam nham màu đất trên người anh, tôi bảo vợ chồng ta giống cái ông Cruso một mình lạc trên hoang đảo nhưng hơn đứt ông ấy ở cái khoản có hai người. Rồi tôi bật cười. Anh hỏi cười gì? Tôi nói, mà xem trong phim thấy anh cũng giống cái ông ấy lắm cơ, tóc dài, râu dài, cứ nhọn vênh lên, thoạt trông như cái ông vua từ cỗ bài tú lơ khơ bước ra, buồn cười quá! Hôm nào xuống phố em mua một bộ tông đơ lên em  dọn dẹp mặt mày cho. Anh lại cười, dạo này anh hay cười lắm, một cái cười trong vắt: Kệ! Hùng Ka rô là phải vậy chứ. Khi nào đủ tiền mở phòng tranh của em, anh sẽ cắt tóc cạo râu, comple, cravat, giày đen đàng hoàng để làm tôn bà chủ lên. Rồi anh ôm lấy tôi, không cười nữa: “Ngày khai trương phòng tranh cũng là ngày anh đưa em ra phòng đăng ký kết hôn”.

°

Rồi ngày ấy cũng đến nhưng nó chỉ đến với tôi mà không cùng đến với anh.

Hai tháng sau, khi chúng tôi vừa phát hiện ra một vỉa đá quý lắm, vỉa đá màu đen hứa hẹn sẽ có những viên phải bằng hạt ngô, lớn hơn hạt ngô thì bất chợt có một chiếc xe con kiểu xuyên lục địa xịch đến. Bước xuống là một người đàn ông không già không trẻ nhưng tươi tắn, giọng nói mềm mỏng:

 “Chào anh chị! Cha chả, anh chị sống ở đây khác gì cả đời đi an dưỡng, một túp lều con hai trái tim vàng, không, hai trái tim đá quý chứ, tuyệt! Sao, công việc vẫn tốt đấy chứ ạ?”

Hình như linh cảm thấy có điều gì không lành, anh đứng dậy, chống xà beng, hỏi: “Anh là ai? Anh ở đâu đến? Đến có việc gì không?”

 Lại một cái cười mềm mỏng nữa:

“Thực ra cũng chả có việc gì hệ trọng, chả là mới đây công ty chúng tôi đã ký hợp đồng với huyện sẽ thầu toàn bộ khu vực này...”

“Tức là các anh sẽ đuổi chúng tôi đi?”

 Anh ném cây xà beng xuống đất.

 “Ấy, ai lại dám thế! Chúng tôi cũng vì người lao động thôi. Thay vì lao động thủ công khổ ải, mọi người sẽ được máy móc, thiết bị hỗ trợ, khoẻ hơn mà năng suất lại cao. Anh chị có thể ở lại để trở thành công nhân công nghiệp của công ty”

 “Nếu chúng tôi không đi thì sao?”

 “Đó là việc của chính quyền, chúng tôi chỉ làm chuyên môn”

Giọng ông ta cũng lạnh lại. Anh tiến lên một bước, đáng lẽ sẽ hết sức căng thẳng như đúng tính cách vốn có của anh nhưng tiếng nói của anh lại trùng xuống như giãi bày:

 “Đây là mỏm tận cùng của bãi đá, xưa nay chưa có một ai đến cả, chúng tôi đã cất công tìm ra nó, khai thác nó, bây giờ mọi việc bắt đầu có đà thì các ông lại đến đòi thu hồi, thế là vô lý, là bất công lắm, sao không đến từ đầu đi, đến từ lúc không có một miếng đất bằng phẳng nào để dựng một cái lều đi. Đề nghị các ông về báo cáo lại với người nào ra cái quyết đinh này, đừng ép dân quá!”

“Được thôi, chúng tôi sẽ báo cáo, nhưng cũng nói thực, anh chị cứ nên chuẩn bị vì anh chị chắc không lạ gì, các vị ấy một khi đã ra nghị quyết là chả mấy khi thay đổi đâu.”

Rồi chiếc xe nổ máy bon đi như một tràng cười độc địa, bí hiểm, để lại đằng sau cả một sức nặng đè trong mắt anh. “Mẹ nó!” Bật lên một tiếng chửi uất nghẹn, anh vung tay đấm mạnh vào một thân cây xù xì gần đó, mặc cho máu tứa ra ròng ròng. Tôi biết anh điên giận lắm mà nếu như trước kia, chắc anh sẽ không đời nào chịu im lặng thế này. Anh bảo:

 “Vì em, vì thương em nên anh phải cố kìm nén chứ nếu không cả xe cả người của nó đã lăn xuống vực rồi”

Tôi hiểu và càng thương anh. Và cũng biết rằng họ không nói chơi, trước sau gì rồi thân giun cái dế chúng tôi cũng chẳng thể cưỡng lại được nghị quyết. Nhưng anh lại nói:

“Cứ để thử xem, của đau con xót, mổ hôi nước mắt cả năm trời đâu phải mỗi lúc để chúng cướp trắng”

 Biết khuyên anh lúc này là thừa, có khi còn làm anh nôi điên hơn, tôi mới lựa lời: “Quân tử phòng thân anh ạ, trong khi chuyện kia chưa đến, vợ chồng mình cứ tranh thủ làm đi, được tý nào hay tý đó” Anh nghe tôi, lầm lì mà nghe, thế là suốt ba ngày ba đêm sau đó, chúng tôi ra sức đào như chạy đua với thời gian. Đêm thứ nhất được hai viên bằng hạt ngô, đêm thứ hai không có gì, đêm thứ ba, vào lúc ràng rạng sáng, lại may mắn moi được một viên gần bằng trái nhót non. Anh thốt lên:

“Đây mới bắt đầu vào vỉa đây. Từ xưa đến giờ anh chưa thấy cái vỉa nào quý thế này. Chỉ đêm mai nữa thôi là mình sẽ vào tận hang của đá chúa”

Thấy giọng nói anh là lạ, tôi quay lại và tý nữa thì kêu lên, nước da anh xám xịt, chân tay run bắn, hai hàm răng đánh vào nhau lập cập. Tôi hốt hoảng: Anh bị sốt rét rồi. Anh lắc đầu:

 “Không phải... sốt rét anh biết. Kệ, chắc mấy hôm vừa rồi cố sức quá.. chỉ cần nghỉ một tý là đỡ thôi”.

Nhưng anh không những không đỡ mà mặt mày còn tái xám hơn, có lúc anh ôm bụng quặn người xuống, mồ hôi vã ra. Khổ tôi chưa, từ bé mải mơ mộng, lớn lên lo làm ăn, trong đầu chả có tý kiến thức y học nào, làm sao biết anh đang bị bệnh gì đây? Tôi đang cuống cà kê chưa biết xử trí ra sao thì anh đã tỉnh lại, cố nở một miệng cười như mếu:

 “Xong rồi, anh chỉ cần gồng mình một cái là bệnh tật nó hè nhau chạy hết. Nào, làm tiếp đi!”

Nói làm tiếp nhưng rõ ràng bước chân anh đi không vững nữa, cứ dặt dẹo như đứa bé mới tập đi. Rồi anh lại ngồi xuống, cười nữa:

 “Trong bụng anh có cái gì ấy, cứ như có con dao nào đang cứa, thôi, kệ cha nó, hôm nay nghỉ cái đã.”

Tôi vội chum lửa đun cho anh một bát cháo gừng mang ra nhưng đã thấy anh ngủ thiếp đi rồi, thỉnh thoảng mặt lại nhăn quắt lại...

Đêm ấy là một đêm thức trắng của tôi. Trời ơi, chả lẽ câu nói của ông trạm xá trương trại giam hôm nào bây giờ mới ứng vào anh? Gan có vấn đề, gan anh hỏng thật rồi ư? Nếu thế thì ngay ngày mai, mặc kệ tất, mặc kệ đá đỏ, mặc kệ mọi khát vọng và hy vọng, mặc kệ cả lời đe doạ lạnh lẽo kia nữa, vô nghĩa hết, chỉ có anh và sức khoẻ của anh mới là tất cả, tôi sẽ đưa anh xuống núi để người ta xem bệnh cho anh.

Sáng ra, trời mới vừa ràng rạng, tôi đang định nói cái ý định đó với anh thì vừa lúc có tiếng gì ầm ầm như động đất vang lên.

Nhìn ra, cả một chiếc xe chuyển dụng khổng lồ với đủ các máy móc thiết bị cồng kềnh dựng bên trên đang từ từ ngóc khỏi đỉnh dốc tiến lại như một con quái vật. Nó đấy, giờ định mệnh đã điểm rồi đấy. Tôi vội chạy ra nói với gã đàn ông hôm rồi vừa trên Cabin bước xuống:

 “Xin các ông chậm lại một chút, anh ấy yếu lắm, mới vừa chợp mắt...”

Thay vì cái mềm mỏng hôm trước bây giờ là một giọng nói lạnh như băng:

 “Chậm thế nào được, cái xe này mỗi giờ chúng tôi phải mất cả triệu để thuê làm sao có thể chậm! - Gã quay ra - Các chú, bắt đầu đi!”

Nghe lệnh, con quái vật gầm lên một tiếng rồi giương cái vòi thép dài thòng về phía trước, đúng chỗ chúng tôi vừa phát hiện ra vỉa đá quý, lập tức từ miệng vòi một dòng nước bắn ra như một đường đạn thẳng căng, xiết mạnh. Đường đạn lia đến đâu là đất đá ở đó bở ra, xụp xuống, tơi tả, chảy ồ ồ xuống khe đến đó. Lòng dạ tôi quặn thắt. Trời ơi, công sức hơn một năm trời của vợ chồng tôi đấy, giờ trôi sông trôi biên cả.

Có lẽ cái âm thanh hủy diệt ấy đã làm anh tỉnh lại. Hấp háy mắt nhìn ra, lắc lắc đầu mấy cái rồi khi đã chợt hiểu, anh gầm khẽ trong cổ một tiếng và, trong lúc tôi không kịp ngăn lại, anh đã loạng choạng lao đến gã kia, những ngón tay run rẩy muốn đưa ra tóm lấy ngực gã nhưng không tóm được, miệng chỉ lắp bắp:

 “Dừng lại... dừng lại ngay! Bọn khốn nạn... quân giết người... Tao... tao sẽ giết, giết hết...”

Gã đàn ông kia sợ hãi, bật lùi trở lại, định hô hoán người đến cứu nhưng không cần nữa, trước mặt gã, loạng choạng thêm được mấy bước nữa, anh đã ngã vật xuống, tròng con ngươi đảo lên rồi nằm im, bất động, chân tay duỗi thắng.

Đau đớn ôm anh vào lòng, tôi muốn thét lên một tiếng giữa mênh mông mà cổ khô đặc không tài nào thét được...

Gần trưa, công cuộc tàn phá vỉa đá đã xong, thế theo yêu cầu khẩn thiết của tôi, gã đàn ông đã tặc lưỡi, tỏ ra thương tình cho vợ chồng tôi quá giang xuống phố. Xuống tới nơi, tôi vội đón xe chở anh đi luôn đến bệnh viện tỉnh.

Tại đây sau cả buổi làm đủ các xét nghiệm, sinh thiết, người ta kết luận anh bị ung thư gan, ung thư ác tính và nghiêm khắc trách tôi là vợ mà sao lơ là để đến khi chồng bệnh nặng mới đưa đến? Bàng hoàng, tôi chỉ còn biết cúi đầu, để mặc cho nước mắt chảy ra.

°

Sau khi xạ trị, hoá trị gì đó tốn nhiều tiền lắm, tôi được phép đưa anh về một căn nhà trọ thuê ở gần đó để tự điều trị, nuôi dưỡng.

Suốt thời gian sáu tháng trời, ngoài thuốc men ra, anh cố gắng ăn bất cứ thứ gì tôi cho ăn, ăn hết, ăn khổ ăn sở để làm tôi vui. Có lúc thấy anh tươi tỉnh, vui vẻ trở lại, tôi mừng đến trào nước mắt nghĩ rằng biết đâu với thể lực của anh anh sẽ vượt qua được cơn bạo bệnh mà thế giới người ta còn đang bất lực này, biết đâu! Trong cuộc sống chả đã có biết bao những điều kỳ diệu vẫn xảy ra đó sao. Nhưng rồi bệnh anh lại có chiều nặng thêm. Lúc ấy đôi mắt anh mở to nhìn tôi như có lỗi.

Rồi một đêm thức giấc tôi bỗng thấy anh lúi húi ngồi viết. Nghĩ rằng anh viết thư cho người thân hay bạn bè, tôi cứ để mặc nhưng sáng ra, khi anh đã đi nằm, đi qua ghé mắt nhìn vào, tôi bỗng sửng sốt: Anh đang viết lại đời mình. Những con chữ xiên xẹo, chi chít bò ra cả ngoài lề nhoà đi trước mắt tôi...

Từ đó tôi cứ để mặc cho anh viết. Viết được là tốt, là có cái để neo anh vào cuộc đời, nó buộc anh ít bi quan nghĩ đến bệnh tật hơn. Tôi kín đáo chăm chút cho anh từng cái bút, từng tệp giấy mà không cho anh biết. Anh viết cả ngày lẫn đêm nhưng chủ yếu là về đêm. Mệt, anh ra giường nằm nghỉ, khoẻ một chút anh lại ngồi vào bàn. Những tệp giấy cứ dày dần lên. Mẹ anh thỉnh thoảng có nhờ người đưa đến thăm con, trách tôi sao lại để cho anh vất vả như thế? Tôi bảo thưa mẹ, mẹ có thấy nét mặt anh ấy thanh thản hơn không, nhờ viết đấy ạ. Bà nhìn tôi, mắt rớm nước:

 “May mà thằng Hùng nó có con những ngày này, bác chỉ biết cám ơn con”

 Còn mẹ tôi thì không, bà vẫn còn giận tôi, chỉ có bố lâu lâu cũng có đến. Bố bảo:

 “Bố đã từng là lính, nó cũng từng là lính, bố hiểu những thằng đã từng là lính là thế nào”.

Một buổi sáng anh kêu tôi lại, bảo tôi chịu khó cạo râu cắt tóc cho anh, riêng bộ ria mép là để lại, mặc cho anh bộ quân phục cũ do mẹ anh mang tới, bắt tôi cũng phải mặc bộ đồ đẹp nhất rồi nói tôi kêu Taxi. Tôi hỏi đi đâu, anh bảo, khắc đi khắc biết. Thì ra anh đưa tôi đến phòng đăng ký kết hôn.

Từ phòng đăng ký trở về, anh cứ như là một người khác, cười nói luôn miệng, chốc chốc lại còn tru miệng huýt sáo nữa. Đêm đó anh không ngồi vào bàn, bảo muốn đi nằm sớm. Còn nói vui:

 “Đêm tân hôn mà lại còn viết với lách, điên à?”

 Rồi anh nói thêm, giọng khang khác thế nào ấy:

“Thế là ngày cưới không trùng được với ngày mở phòng tranh đá quý của em rồi... Thoa, nếu sau này không còn anh nữa, em cũng đừng từ bỏ ước vọng này của chúng mình nhé... Đời này anh không đem lại được hạnh phúc cho em, đời sau anh hứa sẽ bù lại... Em thay anh đem thằng Thư về hương khói cho nó đỡ lạnh... Nào, kê tay cho anh ngủ tý...”

Không ngờ đó là câu nói cuối cùng của anh. Đến ba giờ sáng, nằm mỏng gầy trong tay tôi, anh lặng lẽ từ bỏ tôi về cõi vĩnh hằng...