ẫn con đường ấy mà chuyến đi hồ hởi bao nhiêu chuyến về lại chán chường bấy nhiêu. Cục tiền to tướng mấy trăm triệu trong túi không làm cho cái chán dịu đi. Chán đến nỗi giá như bây giờ cái lệnh truy nã độc hại kia có thành hiệu lực thì tôi cũng chả lấy làm điều. Có khi lại còn may vì dứt đi được cái khổ sở, vật vã triền miên trong đầu. Lần đầu tiên tôi cảm nhận được cái vô vị, vô nghĩa của đồng tiền, dù đồng tiền ấy phải chiết ra từ xương tuỷ.
Suốt dọc đường tôi biến thành một kẻ câm lặng. Phía trước là vô định. Phía sau là tội ác. Ở giữa là trống không. Cứ muốn chiếc xe lăn bánh mãi đừng bao giờ dừng. Lăn bánh còn có cảm giác mình đang sống, đang vận động, dừng, biết đi đâu về đâu? Trong một lúc cái thằng người bên trong thích hưởng thụ của tôi đã xúi giục tôi xuống xe, quay về Sài Gòn đập phá một trận tơi bời, ăn một trăm món ăn, uống một trăm chai rượu, ngủ với một trăm con đàn bà rồi ra biên hoàng thuê hay mua một chiếc thuyền câu rách nát cứ thế dong buồm ra khơi xa, chìm đâu chết đó, xong, nhẹ tênh nhẹ hều, vĩnh biệt chật chội, vĩnh biệt khổ đau, tan vào mênh mông. Nhưng một thằng người khác, thằng người bên ngoài lại khao khát sống, khao khát hành động, khao khát tự do, khao khát ngẩng cao đầu trước nắng gió mà không phải lụy cái gì cả đã ấn gí tôi ngồi im trở lại. Im trong thế thiền. Im trong trống rỗng. Im trong sự thả buông không suy không nghĩ gì cả nhưng lại nghĩ về tất cả. Nghĩ rất cụ thể.
Bắt đầu từ việc xuống Hà Nội một cái là tôi tìm gặp thằng chuyên làm giấy tờ giả chết giẫm kia, nhét vào mồm nó một cục tiền bảo nó làm cho một cái tên khác trong chứng minh thư, thay tên Thư, Trần Văn Thư vào tên Hưng để xoá băng những ngày ở Buôn Mê và cũng là tên thằng em thân thiết đến bây giờ vẫn chưa biết lưu lạc nơi nào.
Xong. Việc thứ hai là đi tìm nó, tìm cái thằng tôi đang đội tên theo lời hứa thầm một khi đã có chút tiền. Theo trí nhớ rất tồi tệ của mình, tôi thuê một chiếc xe ôm đi dọc đất Thanh Trì ra dần phía ngoại thành. Tay xe ôm mặc áo lính sờn rách két mồ hôi xởi lởi kể rằng nơi đây ngày trước là miên man những rặng ổi chi chít quả nhưng bây giờ hết rồi, cái thứ quả ngòn ngọt, đèm đẹp vốn là nỗi tự hào bây lâu của người dân chả nuôi sống được con người thì tốt nhất bứng vất nó đi làm cái khác. Đến cuối huyện, tôi nói anh xe ôm dừng lại, cứ ngồi nghỉ để tôi tha thẩn đi tìm một mình cho đỡ mất thì giờ. Xã... xóm... thôn... tất cả tôi đều nhớ nhưng Hà Nội, thủ đô của một nước gì mà lại nghèo nàn, xơ xác thế này, xơ xác còn hơn cả cái làng vốn đã nghèo khổ lắm của tôi. Ghé một quán lá chỉ bày mấy lọ kẹo vừng, kẹo lạc lèo tèo tôi hỏi bà bán nước. Bà nhấp nháy đôi mắt đã kéo vải điều lắc đầu. Đi một đoạn nữa hỏi ông phó cạo đang lim dim gà gật. Ông ngờ ngợ ơ a một lúc như đang ngủ mớ rồi cũng lắc đầu. Lại đi tiếp một đoạn nữa, đụng một cô đang xắn cao quần vớt bèo dưới ao, miệng hỏi nhưng mắt lại không thể không dán cứng vào cặp đùi trắng mịn ngâm nôn nao trong nước.
Cô ngửa mặt nghĩ nghĩ một chút rồi:
Thư... Có phải Thư ấy ấy không anh?
Ơ hay, tôi hỏi cô, cô lại hỏi tôi. Thư nào là Thư ấy ấy?
Là em muốn hỏi có phải anh Thư con bác Điền làm cái gì to lắm giờ mất rồi, anh Thư trắng này, gầy này, ít nói này, đẹp trai này, có cái miệng ấy ấy này...
Đúng nó rồi đó - Tôi cắt lời để chấm dứt cái chuỗi này này ấy ấy bất tận của cô ta.
Nhà nó ở đâu, cô làm ơn chỉ giúp.
Cái nhà hai tầng có rặng dâm bụt trước cổng nằm ở chỗ cột điện kia kìa.
Trời, tốt quá!
Nhưng anh ấy không có nhà đâu.
Cậu ta đi đâu?
Em không biết, đi đã lâu lắm rồi. Chỉ có tháng trước ông anh trai mất anh ấy mới tạt về chịu tang có một buổi rồi lại đi ngay.
Còn bà chị dâu? Sống một mình à?
Không, bà ấy bỏ đi rồi, sau cái giỗ đầu của chồng là không thấy bà ấy đâu nữa. Chỉ có cô con gái ở lại trông nhà. Gia cảnh buồn lắm!
Đôi mắt cô ta có vẻ buồn thật nhưng cặp đùi sao lại... vui thế? Tôi quay đi, bất giác nhìn về phía ngôi nhà đang có nắng trát vào tận sân. Rất muốn vào thắp cho anh nó một nén hương, nhân tiện hỏi tin tức nó nhưng lại ngại. Ngại một phần vì cái mặt dữ tướng, hầm hố của tôi sẽ khiến cho người nhà nghi ngờ, phần nữa tôi thực sự không muốn phải chứng kiến cái cảnh cô đơn, thui thủi của một cô gái sống giữa những ảnh thờ vẫn vơ hương khói.
Ra chỗ xe ôm, tín vào bộ mặt chân thật của anh ta, tôi rút túi lấy ra hai mươi tờ năm chục, chỉ ngôi nhà của Thư:
Tôi vào không tiện. Anh thay tôi vào thắp hương cho người chết, đặt món tiền này lên bàn thờ rồi khéo léo hỏi cô con gái giờ chú Thư nó ở đâu, có cách nào liên lạc?
Người xe ôm gật đầu rồi bước đi. Được mấy bước anh ta quay lại, ngập ngừng nhìn chiếc xe cóc cáy, tróc lở. Tôi lắc đầu cười:
Cứ yên tâm, tôi không cuỗm xe của anh đâu. Nếu muốn thì tôi đã ăn cắp ngay ở đoạn đường đê vắng vẻ ngoài kia rồi.
Anh ta cũng cười, ngượng nghịu như người bị bắt quả tang đang làm điều xấu.
Lát sau anh ta ra, động tác đầu tiên là nhìn vào chiếc xe rồi mới nhìn lên tôi:
Tôi thắp hương rồi. Đặt tiền lên bàn thờ rồi, đúng một triệu, cả cô con gái lẫn đứa cháu đều chứng kiến...
Được rồi - Tôi gắt - Tôi có bảo anh đặt thiếu đâu mà cứ nói mãi thê? Tôi cần nghe cái khác kia.
Hỏi, cô gái nói không biết, không nghe tin tức gì cả, còn nhờ ngược lại là nếu biết gì thông báo giúp, cả nhà vẫn có ý mong...
Trời ơi! Sao cuộc đời lại buồn thế này? Sao con người sống khổ thế mà vẫn phải sống hả giời... Tôi muốn kêu váng lên một câu như thế và, thay vì đi lại chào thôn nữ vớt bèo một tiếng, nhìn lại cặp đùi đang làm tôi rạo rực quá thể ấy một lần, tôi lại nhảy lên xe bảo phóng đi, phóng nhanh lên...
Cái buồn mang mùi vị của bèo và nắng trát đầy sân vắng ấy đã đẩy tôi vào một căn phòng thấp nhỏ sau ga Hàng Cỏ và nhốt mình ở đó hết một tuần. Một tuần không ra ngoài, chỉ nhai bánh mỳ với mỳ tôm. Đây là những ngày u ám nhất của tôi, đầu óc vón cục nhưng toàn thân lại tan chảy nhão nhoét như cái đứa bị HIV giai đoạn cuối. Với số tiền hiện có, đã có lúc tôi nghĩ đến chuyện phắn ra nước ngoài, Hồng Kông, Ma Cao, Singgapore, Nam Hàn, Mỹ, Pháp... gì gì cũng được để sống hoàn toàn lại cuộc đời khác, trắng phớ, không kỷ niệm không quá khứ không dằn vặt nhưng hình ảnh người mẹ đêm đêm tựa cửa ngóng con lại không thể cho tôi làm việc đó. Cũng đã có lúc tôi thoáng nghĩ đến chuyện đầu thú. Cuộc sống tù ngục dù có khốn nạn đến mấy song ít nhất cũng có những phút được yên tĩnh trong lòng. Nhưng vẫn chỉ là thoáng nghĩ, khát vọng tự do với đất đai rộng dài, với bầu trời khoáng đạt vẫn chế ngự tôi mỗi giờ. Chưa đến nỗi, chưa đến mức cùng cực phải tự ném mình vào vạc dầu, chưa, chưa nhé!
°
Chưa ném mình vào vạc dầu nhưng cuộc đời nó đã lại ném tôi vào một cái địa nguc khác còn kinh khủng hơn.
Ngày cuối cùng của chuỗi ngày tự vấn, tôi quyết định đi ra phố Sinh Từ làm một bữa bún chả thật no. Suốt tuần qua, nằm trong phòng, cái mùi bún chả thơm đến dựng lông chân rất đặc trưng của Hà Nội ấy đã luồn vào hành hạ tôi thê thảm. Khoảnh khắc cồn cào như đã ngàn năm đói khát đó khiến tôi đã quên mất rằng mình đang làm chủ một khoản tiền không nhỏ mà đáng ra ngay từ đầu nó đã phải được quy đổi thành vàng cho gọn, khi cứ thế thảnh thơi khoá cửa đi ra. Quên béng cả đặc điểm cái ngõ nhỏ sau ga này là nơi hội tụ của đủ các loại dân tứ chiếng bất hảo như lời bà chủ nhà đã có ý nhắc nhở.
Quán chật người đông. Dường như hết thảy khách vãng lai, dân làm ăn ở bất cứ xó xỉnh nào trong cả nước mỗi khi đặt chân đến Hà Nội là đều tìm đến đây như một điểm du lịch ẩm thực độc đáo. Để khỏi bị ngắt đoạn cảm hứng, tôi gọi cho mình một lúc ba xuất liền, thêm hai đĩa nem rán căng mọng, óng mỡ và tất nhiên có cả bia, thứ bia hơi Hoàng Hoa Thám mới uống vào chỉ thấy mát, uống xong rồi mới thấy say, say nhè nhẹ, say bồng bềnh, ngấm sâu vào tận tế bào gan ruột mà cũng chỉ Hà Nội mới có. Nếu chỉ như thế thì cái chuyện kia chưa chắc đã xảy ra nếu như đang phồng mang trợn mắt nuốt nhai ánh mắt tôi không chạm phải một ánh mắt khác cũng đang dọi sang: ánh mắt của người đàn bà nói giọng Huế đã cuồng nhiệt dâng hiến cho tôi trên bãi cát bờ sông Nậm Rốn ngày nào. Bà ta vẫn đẹp, thậm chí còn đẹp hơn với mái tóc buông thả, với cái áo gió màu ô liu trẻ trung, nữ tính khoác hờ bên ngoài. Chỉ khác ngồi đối diện với ả lại là một gã đàn ông trông to con, phong trần không kém gì tôi, có khi còn hơn tôi. Nói chung đây là dạng đàn bà chỉ thích săn đuổi, quyến rũ, làm tình với những con đực mang sức vóc, dáng dấp cổ xưa nguyên thuỷ. Đúng như ông nhà văn tỉnh lẻ nói, càng văn minh con người càng hướng về cội rễ, con đàn bà nó thích ngủ với bọn da đen da màu không hẳn vì cái đen cái màu cái trường dai sức lực mà vì nó muốn được thoả mãn với hình ảnh một con đực thời hồng hoang, thô rám. Thế là đắng họng. Đắng không phải vì ghen, vì một chút tổn thương cho giới mày râu cộn lên mà vì tôi không muốn gặp lại ả, thế thôi, nhất là gặp trong tình cảnh thể xác hôi rình, một tuần không cạo râu cắt tóc, cả không tắm giặt thay đồ này. Mà đã đắng thì còn nuốt thế quái nào được nữa, bỏ, bỏ luôn cả hai xuất: bún đã gọi, lững thững đi ra phố tìm một quán cà phê vắng ngồi cho nguôi ngoai. Cà phê chảy chậm, thời gian chảy chậm, tốt, nhanh làm gì, nhanh để trở lại phòng suốt đêm nghe thạch sùng tặc lưỡi như cái đứa háo dâm trên trần nhà à?
Như vậy đến khoảng hơn mười giờ đêm tôi mới lững thững trở về cái ngõ nhỏ nồng nặc mùi cống rãnh không tiêu. Ngõ đã vắng người, lâu lâu mới thấy một thằng nghiện đang lui cui chích thuốc ở vũng tối hoặc một con điếm rẻ tiền đang nhấp nhô làm tình đứng với khách ở một vũng tối hơn. Tôi bất giác nhanh chân để thoát ra khỏi những cái âm thanh hổn hển, rin rít, hồng hộc, nhầy nhụa đó để rồi, cha mẹ ơi, tôi dừng sững ở cánh cửa phòng đang mở của mình, toang hoác, đen ngòm như một đáy vực mù loà. Linh cảm thấy một điều gì đó không lành, bắt đầu là sống lưng lạnh buốt liền đó là lửa phực trong đầu, tôi lao bổ vào góc phòng, vội quờ tay xuống gậm giường nhấc cái chậu nhựa đang được úp sấp ra... Bàn tay rơi thõng xuống nền nhà. Bây giờ mới thật lạnh, lạnh toàn thân. Hạ đít ngồi bệt xuống đất, tôi nhìn mơ màng vào chỗ cái túi tiền đã biến mất như nhìn vào lỗ huyệt vừa chôn chính minh...
Không nói cho chủ nhà, không một câu hỏi han người xung quanh, không trình báo với công an sở tại, trình báo cái nỗi gì kia chứ, tôi lang thang suốt ba ngày sau đó như một thằng mộng du điêu tàn. Ba ngày đó nhìn ai cũng như thấy nó chính là đứa đã thó tiền của mình. Đến nỗi đã không ít lần tôi muốn tóm ngực bất cứ một gã choai con, một gã cha vơ chú váo nào có cái nhìn khang khác, lôi vào nhà, trói lại, đập cho một trận bắt khai ra giấu đâu, để đâu, thằng khốn nạn kia! Nhưng hỡi ôi, sao cái nhìn nào hướng về tôi cũng khang khác giống nhau cả thế này! Thế là lang thang ra chợ, ra các hàng quán xem thằng khố rách nào có cách ăn chơi khác thường không? Chưa đủ, tôi còn ghé mắt vào tất cả những đồng tiền được người ta trao qua đổi lại trên mặt bàn, trong ngăn kéo xem có tờ bạc tờ tiền nào giống đồng tiền của tôi không? Chịu. Tờ nào cũng giống và tờ nào cũng không giống, lạnh lẽo, vô cảm nhưng đầy ma lực. Sáng tỉnh dậy cứ mong đó chỉ là giấc mơ. Đêm về, như gã hát xẩm mù, lại thảng thốt huơ tay xuống gậm giường với hy vọng nó còn đấy mà chả qua mình chưa kiểm tra cẩn thận... Tóm lại nhìn tôi chắc giống y hệt một con bệnh tâm thần thể phân lập không còn đường cứu chữa. Đúng, còn cứu chữa cái mẹ gì nửa khi công sức, đau đớn, tủi nhục cả năm trời bỗng thành bong bóng bay tan. Chả lẽ cái câu của thiên trả địa, cái gì kiếm nhanh thì mất cũng nhanh nghiệt ngã ấy lại ứng vào tôi ư? Để mới hôm qua tôi còn là một gã phong lưu rủng rẻng thì hôm nay chỉ còn trên răng dưới dái. Sạch bách. Nhẵn quẹn.
Và thật lạ, đến khi không còn hy vọng, không còn chút ám ảnh tìm tòi gì nữa, chắc mất thi đầu óc tôi lại nhẹ bẫng. Xong, vô sản, ngày trước trấn cướp của thiên hạ bây giờ nó trấn cướp lại của mình, luật bù trừ, coi như huề, sòng phẳng.
Trong rủi có may, sự mất mát tưởng chừng ghê gớm ấy bỗng dưng lại thổi một luồng khí lực mới mẻ vào nỗi chán chường đến muốn ra đi khỏi cõi đời này của tôi. Trong được có mất, trong mất có được, lên xuống đều một chiều, không ai được cả và cũng không ai mất cả, được một chút mất một chút mới bền, hình như bố tôi đã dạy chúng tôi như thế. Bố còn dạy thêm: người làm ra của, của đi thay người, mất của là mất ít, mất mạng là mất nhiều, mất danh dự mới là mất hết. Vâng, nhưng thưa bố, cuộc đời có phải lúc nào cũng đúng như sách thánh hiền đã chỉ bảo đâu bởi lẽ đầy rẫy xung quanh con có bao kẻ vẫn nhơn nhởn đi ngược lại cái triết lý đó, được hết, chả cái gì đi thay cho cái gì cả. Còn con, giờ đây cả của cải cả danh dự đều mất thì đứa con bất hiếu của bố đã mất hết chưa hay phía trước vẫn còn một cái gì để bám víu?
Nghèo thì hèn nhưng giàu còn hèn hơn. Với bọc tiền ấy tôi chưa giàu nhưng cũng đã thấy mình bắt đầu hèn hèn, khô khổ, lúc nào cũng nhớn nhác giữ của như chó ba tiền. Nó lấy của mình là nó lấy của bố nó... Không hiểu có phải tôi đang rơi vào trạng thái tự sướng, tự ru ngủ của cái lão AQ nào đó mà ông nhà văn già thỉnh thoảng lại lôi ra tấm tắc không nhưng rõ ràng sự mất đi của bọc tiền mới kỳ diệu làm sao, nó giống như một cú hích, một đòn đánh mạnh vào gáy khiến đầu óc tôi bừng tỉnh, sự ủ ê biến mất, tất cả kinh lạc, huyệt mạch trong người bỗng chốc được hanh thông. Tôi lại muốn hành động. Lại thấy máu huyết trong người chạy rần rần, cơ bắp bung nỏ, sẵn sàng xông pha, sẵn sàng làm lại từ đầu.
Không rùa rắn, không tê tê, ba ba, kỳ đà, không Lệ Mật lệ đường, không cửa khẩu cửa hình mẹ gì sất, cái đó giành cho kẻ khác, cái đó không thuộc về tôi, cái số tôi, phận tôi, tính khí con người tôi từ lúc chui ra khỏi bụng mẹ đến giờ là phải gắn bó với đất, bấm chắc chân vào đất, trở về với đất, sống trên đất, chết vùi trong đất.
Đó chính là mảnh đất Lục Yên, Yên Bái mà một lần tại cửa khẩu Móng Cái tôi đã vô tình được nghe cánh buôn kháo nhau trên ấy có nhiều đá quý lắm.
Thì đi! Vàng chuyển ra đá, không sao, vẫn là ruột đất lấy lên.