Hùng Karô

Chương 2

Docsach24.com

ái phần đời này lại được bắt đầu bằng một thứ bệnh chỉ cần xướng lên đã bốc mùi thum thủm: bệnh trĩ. Cao to, tráng kiện, sức sống tràn trề, hoài bão mênh mông thử hỏi làm sao tôi có thể chấp nhận được cái công việc gác cổng, đánh kẻng chỉ dành cho tuổi già hay phế nhân ấy.

Báo cáo thủ trưởng, em xin đi viện điều trị bệnh trĩ ạ! Trĩ! Làm gì mà trĩ? Dạ, do thời kỳ ở chốt không có rau nên cả đại đội đều bị trĩ hết ạ! Biết rồi, thì chính tôi cũng đang bị trĩ đây. Nhưng trĩ nội hay trĩ ngoại? Dạ, cả nội cả ngoại ạ! Gay nhỉ?... Thôi được rồi, tôi ký giấy cho cậu đi viện 110 nhưng chỉ được 15 ngày thôi đây nhé! Ông trưởng ban quân y trung đoàn vốn dễ tính và rất ngại dính vào ba cái thứ khám nghiệm có liên quan đến các bộ phận bài tiết, tiêu hoá lùng nhùng của lính đã hành xử với tôi rất chi là nhân văn và trễ nải như thế.

Khốn khổ, nào tôi có trĩ triếc gì đâu, còn lâu mới trĩ, thân thể kềnh càng, vâm vam như trâu đất thế này có muốn trĩ cũng chả được, thực chất đây chỉ là một thứ mẹo vặt mà lính rất hay dùng để được thoát khỏi ít ngày cái tiếng kẻng doanh trại nhức óc đến chó cũng phải cong mình ăng ắng sủa theo, thế thôi.

Nhưng đời nào tôi lại chịu cái hạn 15 ngày ngắn ngủn như chim thằng bé con ấy. Đã xổng là phải xổng cho ra tấm ra món. Xổng ngay từ những con chữ mốc thếch, vô vị của lão bác sĩ trưởng ban bằng cách dùng lưỡi lam cạo xoá thật mịn, thật sạch, thật kỹ có nhìn nổ tròng cũng không thấy dấu vết rồi nắn nót từng nét điền chữ điền ý của mình vào. 15 ngày biến thành 45 ngày, điều trị nội trú thành ngoại trú, một bệnh biến thành nhiều bệnh... Cho nên gọi là đi viện nhưng tôi lại toàn ở nhà, cuối tháng mới mò lên ghi danh, bao nhiêu tiêu chuẩn, chế độ bán sạch đem tiền về cho con Nết. Hết 45 ngày, tôi lại dùng chính một phần cái tiền chùa đó làm động tác ngoại giao, tức là san sẻ tiêu chuẩn với bộ phận điều trị để nới thêm nửa tháng nữa, rồi nửa tháng nữa. Ha ha! Sao cuộc đời lại lắm cái nửa tháng, lại lắm kẽ hở thế này? Ngoài hở, giữa hở, trong càng hở hơn, chỉ cần để ý một tẹo là mọi kẽ hở mở ra tênh toang, quá đã!

Đấy cũng là thời gian tôi được gần con bé em tôi dài nhất. Tất cả những gi có thể làm cho nó vui, nó hạnh phúc là tôi đều làm hết vì mẹ nói qua nước mắt là chắc nó không còn sống được lâu nữa. Không lâu là bao nhiêu? Tôi hỏi. Mẹ trả lời: bác sĩ bảo sớm là một năm, chậm có thể hai, ba năm. Ba năm! Lằn mức thời gian khắc nghiệt đó đã nung nấu trong tôi một điều cần phải làm ngay, đó là tìm cách ra quân và lao vào kiếm tiền.

Đời sống bộ đội đang quá sức chật vật, càng giảm người càng tốt, lại là cái loại người vừa bệnh tật vừa đang mang cái án đảng như tôi. Thế là tôi được giải ngũ trước ba tháng, giải toẹt luôn cả cái án treo lưu đảng. Tất nhiên là ông đại đội trưởng tốt bụng cũng tỏ ra hít hà: -“Mày nán lại nửa năm nữa sẽ hồi phục đảng, sẽ xin cho mày đi học sĩ quan, về bây giờ hơi phí’.

Rồi ông lại nói tiếp:

- “Mà thôi, có khi mày làm thế lại hay. Các giá trị tưởng bất biến nhưng giờ đây lại đang rủ nhau xê dịch đếch hiểu nổi. Có ai thương mình ngoài mình đâu. Tao định ở nốt năm nay rồi cũng tìm cách dông.”

Ôi, cuộc đời sao buồn thế nhỉ? Ở nhà buồn, đi bộ đội cũng buồn, gặp ai cũng có hoàn cảnh buồn, buồn từ trong ra, buồn từ ngoài vào, buồn tới xương tới tuỷ, không hiểu ngày mai cái vui hay cái buồn nó đón đợi mình ở đằng trước đây?

°

Phục viên hôm trước, hôm sau tôi đã âm thầm mở cuộc đua với bệnh tình của em tôi, với số phận của chính tôi, với số phận của cả cái mảnh đất cằn cỗi đã sinh ra tôi.

Lộ trình cuộc đua ấy ban đầu còn khá lương thiện, lương thiện như chính cái cội rễ bản ngã gốc của tôi. Năm năm ở lính hoá ra không hề phí khi tôi được đi nhiều thấy nhiều vùng đất nhiều cảnh sống khác nhau, trong đó mức sống quá chênh giữa miền xuôi miền ngược đã thúc ép tôi trở thành một gã buôn chuyến, tất nhiên còn ở dạng cò con nhưng rất ráo riết, năng động.

Hồi này biên giới hai nước vẫn chưa mở cửa thông thương, vẫn còn hầm hè, đề phòng nhau nên hàng hoá hết sức khan hiếm. Khoét vào đặc điểm ấv, sáng tinh mơ tôi đã trở dậy mò ra chợ mua vét các loại quần áo, thuốc men, pin đèn, nhu yếu phẩm... tống tất cả vào bao tải, nhảy xe hàng lên bán hoặc đổi cho bà con ở các bản làng xa xôi, lẻ khuất nhất. Xong, tôi lại dùng luôn cái số tiền cả gốc lẫn lãi đó mua vét măng tươi măng khô, thổ cẩm, chè, các vị thuốc nam dân tộc... tóm lại là mua tất tật những gì dân Kinh đang chuộng mang về đổ cho các mối hàng quen. Có lãi. Nhưng vẫn là thứ lấy công làm lãi, không nhiều mà lại quá chừng vất vả. Sau tôi chuyển sang buôn xe đạp. Buôn thứ này cồng kềnh, nặng nề nhưng mỗi lần chỉ cần ba chiếc là bằng cả một tháng lận đận với mớ hàng khô kia.

Mẹ tôi bảo buôn có bạn bán có phường nhưng tôi chỉ thích lầm lũi một mình, phường gì, bạn gì, va chạm đồng tiền dễ làm con người ta nảy thói tham mà chơi nhau, hại nhau như cái thằng Hoán thối tha kia. Cứ một mình. Lãi mình hưởng, lỗ mình chịu, nhàn thân mà đỡ nhọc tâm. Còn trong quá trình bươn chải, thằng nào định chơi xỏ, định cạnh tranh, muốn độc quyền, muốn làm cai, muốn dèm pha nói xấu à? Dằn mặt luôn. Dằn mặt miệng nó còn nhờn, đến khi dằn mặt bằng nắm đấm, cú đá ra hồn thì cánh cùng đi mới bắt đầu kiềng nể, bố bảo không dám hỗn hào. Thậm chí có đứa còn xin nhận làm đàn em, làm đệ tử nhưng dại gì nhận, rách việc.

Cứ vậy, ngày đi buôn, đêm về nai lưng nhào đất đóng gạch. Đóng đến đâu xếp đầy hiên nhà đến đó. Kế hoạch của tôi là phải tranh thủ sao đó đóng được ít nhất vài vạn gạch mới đủ làm lại cái nhà đã mục nát từ lâu. Lúc này bố tôi đã yếu lắm, đêm nằm chỉ nghe tiếng ho rút ruột từ giường trong vọng ra và cộng thêm tiếng thở dài cố nén của mẹ tôi từ giường ngoài vọng vào. Em gái tôi thì thế, đau đớn âm ỉ suốt đêm ngày. Mọi công việc đồng áng chỉ còn biết trông vào một mình mẹ tôi. Có mấy năm mà nhìn mẹ đã già đi hàng chục tuổi. Con Nết thấy tôi vất vả mấy bận đinh lọ mọ ra giúp anh nhưng tôi đều bắt nó phải trở lại giường nằm nghỉ.

Một lần đang mồ hôi nhễ nhại đánh vật với những tảng đất dẻo nhẫy như kẹo mạch nha, thằng Khánh Tây đột nhiên mò đến. Càng sau này nhìn nó càng đẹp, một nét đẹp khá phong trần không còn vẻ ẻo lả, nhung lụa như ngày xưa nữa. Nó nhìn tôi như nhìn vật thể lạ:

- Gạch à?

- Gạch.

- Người như ông mà lại... gạch?

- Gạch thì sao? Nó giống cứt à?

- Ây, ai lại dám ăn nói hỗn hào thế.

Nó cười. Một cái cười rất đĩ, nhớt nhợt. Mẹ, chả thay đổi gì, thằng con trời lại đinh giở giọng xếch mé trịch thượng đây. Tôi hỏi ngược cho qua chuyện:

- Sao nghe nói mày theo ông chú đi Sài Gòn làm ăn phất lắm rồi?

Nó cũng hỏi ngược:

- Cứ tưởng với cái máu thích làm thủ lĩnh như ông bây giờ ông đã tá tướng gì cơ. Không hợp với quân đội à?

- Có thuốc không? - Tôi cười, một kiểu cười trừ chán ốm có được từ những ngày ở lính.

- Thuốc men gì. Rửa tay, lên phố, nhậu, tôi đãi, muốn gì có đó.

- Nhậu à? Được thôi. Lâu lắm tớ chưa nhậu.

Tôi, một thằng lấm lem bùn đất, lẽo đẽo theo nó, một gã bảnh chọe thơm phức mùi nước hoa bước vào một nhà hàng khá sang có rất nhiều váy ngắn váy dài. Tôi chưa kịp định thần thì nó đã gọi ào ào hàng đống món, món nào cũng có vẻ đắt tiền cả, thì là tôi cũng đoán thế chứ từ bé đã được động đũa bao giờ đâu. Một chai rượu có cái mác gì lạ hoắc được mang ra. Bắt đầu uống. Càng uống càng thấy nhạt phèo, hôi hắc, chua chua ngòn ngọt như nước siro chữa ho trẻ con chả ra cái thống ná gì hết. Tôi gạt sang bên:

- Gọi cho tớ chai rượu trắng, loại nặng ấy, uống thứ này nhờ nhợ như ngủ với đàn bà không vú.

Nó cười hấc một tiếng:

- Sướng không biết đường sướng, số ông khổ rồi ông ơi! Khổ mãn kiếp.

Rồi nó cũng chiều tôi. Thế là hai thằng, mỗi thằng một thứ rượu, uống cứ tỳ tỳ. Khi đã ngà ngà rồi, nó mới quay lại câu hỏi của tôi hồi nãy bằng cái giọng đã pha một chút âm tiết miền Nam:

- Ở Sài Gòn đúng ba năm. Thoáng, dễ làm ăn nhưng nóng thấy mẹ, đàn bà con gái lại xấu òm, sểnh ra là son phấn, động tý là bập phải răng giả, mất hứng. Chạy xe Ben buôn gỗ được hai năm thì con mụ chủ xe phải lòng không cho chạy nữa, cứ bắt ngồi nhà hầu hạ mụ, hầu đủ thứ. Khốn nạn!

- Đẹp không? - Tôi cũng bắt đầu nhừa nhựa.

- Cái gì đẹp?

- Mụ chủ gỗ.

- Đẹp. Quá đẹp nữa là khác. Gần bốn sọi rồi mà cái gì ra cái đây, cuộn sóng cuộn bão, ngổi gần đã muốn nhểu nước miếng. Đặc biệt là món làm tình, hệt trong Ciné, mỗi lần làm xong là ruột gan phổi phèo mình như bị rút hết.

- Thế sao lại khốn nạn?

- Nhưng đứa con gái mụ đẹp hơn. Mười bảy tuổi, đùi dài miên man, ngực nhu nhú, mới động vào nước nôi đã lênh láng, có thể nhai được cả xương lẫn da.

- Tức là cậu sử dụng hết công suất cái mã ngoài ông nội cho để nhai cả hai?

- Ô kê! (Chết cha, nó còn giở cả ngoại ngữ ra nữa!) Nhai cả hai, nhai đều đặn, nhai mỗi bên một nửa. Và sẽ còn nhai lai rai, sống như ông hoàng nếu như hai mẹ con không ghen nhau. Mà cái giống đàn bà đã ghen là phiền lắm. Thế là bỗng chốc bị tống ra ngoài đường. Đi làm bậy bạ mấy cái việc lơ xe, giao hàng, chặt cây... dính thêm mấy cô ả đa tình nữa là làm nước mã hồi thẳng tuốt ra đây.

- Và lúc này đang thất nghiệp? Nhưng sao thấy cậu có vẻ rủng rỉnh ăn tiêu thế?

- Vẫn là đàn bà. Ả cuối cùng là một triệu phú có cả một cái đồn điền hơn trăm héc ta Café ở Buôn Mê. Chồng đi cải tạo, đang đói, gặp mình cái mê ngay. Mê thì đáp ứng, tiếc gì của bọ. Ba tháng sau, khi quen mùi rồi, ả bảo mình ở lại hắn, chỉ việc ngày ngày cưỡi xe đi thăm vườn, tối về hú hý, lương tháng muốn bao nhiêu cũng được. Ô kê! (Lại ô kê!) Được gần một năm, ớn quá, đêm nào cũng phải ngập ngụa vào cái xác thịt đã có phần bây bấy ấy, không lên nổi, quá bị tra tấn, bèn đánh bài chuồn với kịch bản đúng kiểu Cave là mẹ già, bố ốm, đàn em nhỏ, phải về. Nghe vậy, ả khóc sùi sụt như mưa tháng bảy Tây Nguyên ba ngày thêm một đêm nữa rồi mở két lấy đưa cho mình một cục tiền, nói: “Cái số em với mình không ở được với nhau, đành vậy, thôi thì mình cầm đỡ một chút này về lo việc gia đình, hết, em gửi nữa, ổn, mình lại vô đây, em chờ” Chờ! Chờ để thằng chồng sĩ quan biệt kích trời gầm của bà sắp về nhai sống tôi ý à? Cám ơn, còn lâu nhé! Nghĩ vậy nhưng đâu có dám mở mồm, mở để mà trắng tay vô sản à? Thế là về.

Đang nhai miếng vịt tần chua lòm trong miệng chút nữa tôi đã ói ra. Đến khi nó hỏi có chung vốn làm ăn không, làm gì cũng được, miễn là kiếm ra đồng tiền càng nhanh càng nhiều càng tốt, tôi đã lắc đầu ngay với lý do làm gì có vốn. Nó bảo, không vốn thì bỏ sức, tôi đang cần cái sức trâu mộng của ông, ví như ta hành quân lên một bãi vàng nào đó đang nổi lên chẳng hạn. Tôi vẫn lắc đầu bảo gia đình đang có chuyện, phải trụ ở nhà. Nó hỏi bệnh tình con Nết phải không? Tôi gật. Nó móc đưa tôi một xếp tiền ước cũng phải tới gần nửa triệu nói tôi mang về tìm thầy tìm thợ chữa trị cho nó. Tôi lắc đầu tiếp. Làm sao có thể gật đầu khi để chữa bệnh cho con em lại phải đi dùng ba cái đồng tiền đĩ đực hôi mùi cóc chết này. Nó chửi tôi là sỹ, là khùng là dở hơi, là cuộc đời còn lận đận. Tôi đứng dậy bỏ ra về. Nó gọi giật lại, đến lúc ấy mới để lộ cái mục đích thật nó mời tôi ra đây:

- Khoan hẵng! Cô ta dạo này thế nào?

- Ai?

- Cái nhìn mà nghe nói ông đã định lấy làm vợ đó.

- Nó vác l... đi theo giai rồi. Đủ chưa? Giờ về nhá. Tao còn đống gạch đợi ở nhà.

°

Không dừng lại ở đó, trò đời cũng như làm ăn, thoả mãn là chết, dừng lại là tiêu, được nửa năm, nhà cửa tạm xong, bắt đầu có chút ít vốh liếng, tôi chuyển sang... buôn trâu. Nói cho sang cho oách vậy chứ thực chất cũng chỉ là góp vốn buôn theo người ta thôi. Người ta nhiều vốn buôn trâu thì mình ít vốn buôn nghé, người ta buôn bò thì minh chơi bê. Cùng một giống cả chỉ to nhỏ khác nhau. Buôn chung, viết giấy chung, biên lai chung. Tức là dẫu muốn hay không, tôi lại phải nhún mình làm theo cái câu đúc kết ngàn năm của ông bà: buôn có bạn bán có... Đúng là phi thương bất phú thật.

Mỗi chuyến đi ít nhất phải mất bốn, năm ngày, lại toàn đi đêm, đi lén, đi băng rừng băng ruộng chứ làm gì có đường, mà có cũng dại gì đi. Một chú bê mua tại Na Rì ba trăm ngàn, về đến chợ lãi gấp rưỡi, có khi gần gấp đôi. Mỗi chuyến đi chịu khó làm được ba chú coi như đại thắng... mùa trâu. Do vậy, mới trót lọt được chuyến đầu đã đủ tiền mua gạo ăn nửa năm. Chuyến thứ hai tôi dành ra nhờ người lên tận Hà Giang cắt thuốc cho bố. Và chuyến thứ ba tôi dốc tất cho con em đi ra tận Hà Nội khám chữa bệnh. Rồi chuyến thứ tư, thứ năm... bắt đầu đủ hầu bao buôn to hơn. Tức là buôn trâu buôn bò đàng hoàng. Một con trâu trên ấy giá chừng non triệu, về đến nhà đã có người đến tận nhà đặt triệu sáu, triệu bảy, ngon ơ. Coi như một vốn đôi lời.

Tôi trở thành một gã lái trâu chính cống, một gã lái trâu tướng vóc to lớn, mặt mày lầm lì, dữ tợn đã khiến cho không ít các cánh lái khác ghen tỵ, nể sợ, trong đó có cả những cánh lái sừng sỏ, có thâm niên bươn chải giang hồ.

Và bỗng vỡ ra một điều: Thường khi nghĩ đến cánh lái trâu đường dài là người ta dễ nghĩ đến một cái gì như là giang hồ, thảo tặc nhưng càng chơi với họ càng thấy họ đàng hoàng, sòng phẳng, không bị đống tiền làm cho loá mắt, cái gì cần cưu mang nhau là cưu mang hết lòng, kể cả trắng tay, kể cả hiểm nguy đến tính mạng. Như cái đận đàn trâu bốn con của tôi đi trước bị công an giữ lại vì đã vi phạm đến chính sách ngăn sông cấm chợ của nhà nước mới ban hành, tưởng phen này mất cả chì lẫn chài thì một người trong số họ đã chạy thục mạng về huyện, dùng hết số tiền trong túi mình để kiếm được cho tôi một cái giấy của cơ quan vật tư cho phép buôn, thế là thoát. Lần khác, đụng một đám cướp phục ở cửa rừng, chúng giơ dao giơ gậy xông đến bắt chúng tôi phải để trâu lại, phải nộp hết tiền bạc trong người cho chúng thì mới tha mạng. Tất nhiên là tôi đánh luôn, một mình đánh sáu thằng to cao, lực lưỡng lại có hung khí thành ra sức cũng đuối dần. Đang lúc nghĩ mình sẽ bỏ mạng ở đây thật thì cánh lái của tôi, có cả đàn bà con gái thay vì đánh trâu bỏ chạy và hoàn toàn có thể bỏ chạy thì họ lại nhất loạt xông đến dùng gạch dùng đá giải vây. Lại thoát.

Làm cái anh lái trâu đến năm thứ hai thì bắt đầu chán. Nó có cái gì không sang, người đời dễ nhìn bằng con mắt miệt thị. Hơn nữa, kiếm đồng tiền như thế cũng ê chề, nhục nhã lắm, vẫn là cái cảnh chui nhủi bờ bụi, đêm nằm giật mình thon thót, sợ cả đến tiếng đánh rắm của trẻ con. Kiêm lại vốn liếng thấy cũng khá khá, sức khoẻ của bố tốt hơn, con em gái cũng tạm ngưng một đợt điều trị, tôi bàn với mẹ đầu tư mua một chiếc máy xát nhãn Ba Lan chạy bằng dầu Diezen sẽ làm công việc kinh doanh xay xát ngay tại nhà. Mẹ tỏ ý ngần ngại, liệu có làm nổi không hay được ba bảy hai mốt ngày lại để xó, vả lại làng mình xưa nay đã có ai dám động đến cái thứ máy tốn cả đống tiền ấy đâu. Tôi phân tích:

-“Cả xã mới chỉ có một cái, cả huyện cũng chỉ có mấy cái, vào ngày mùa, lúa cứ xếp hàng ùn ùn xát không xuể. Thêm cái nữa, mình lấy giá rẻ hơn một chút, người ta sẽ đổ xô đến mình.”

Con Nết ngồi trong nhà, cười khúc khích nói ra:

- “Anh Hùng nói cứ như là nhà kính tế ấy. Cứ để anh ấy làm thử xem mẹ ạ! Nếu được, con cũng sẽ có việc làm, đỡ buồn”

Mẹ hỏi, việc gì? Con Nết vẫn cười:

“Thu tiền”.

Tôi biết nó nói đùa nhưng không dè, máy mới vận hành có mươi ngày mà tiền đã trôi vào nhà ào ào thật. Con bé thích lắm, đêm nào cũng chong đèn đếm tiền xột xoạt buốt cả tai. Vậy là được. Miễn là nó vui nó thích, nó không khóc dấm dứt bởi cái mặc cảm là con gái lớn trong nhà phải nuôi báo cô. Cùng với tiếng máy nổ vang lên ròn rã suốt từ sáng sớm đến tối mịt, không khí, cảnh sắc gia đình cũng thay đổi hẳn. Đầu năm nhà tranh cuối năm đã nhà ngói, sang năm sau là nhà mái bằng. Mẹ tôi ít ra đồng hơn, nếu có ra thì cũng chỉ vì nhớ bờ nhớ ruộng. Bố phe phảy cái quạt nan giúp tôi trông coi thợ. Còn tôi, khỏi phải nói, từ thằng lên ông, từ du cư chuyên sang an cư, từ gã lái trâu hôi rình thành ông chủ xay xát, đầu chẻ ngôi, áo sơ mi Popelin trắng muốt, quần bò Levis phong trần, trên môi lúc nào cũng vắt vẻo điếu thuốc lá thơm đắt tiền. Nếu có điều gì phải băn khoăn thì điều đó chính là căn bệnh của con em gái tôi chỉ tạm chững lại chứ không hề thuyên giảm. Cái án tử nó vẫn treo lơ lửng ở phía trước. Muốn khỏi, người ta bảo phải sang bên Singapore. Mà sang đó, chao ôi, tiền viện phí không chỉ dừng ở vài chục triệu như trên Hà Nội mà phải tới tiền trăm triệu, tiền tỷ kia mà giả dụ có xoay ra đủ tiền thì con bé cũng không đời nào chịu đi. Nó giống tính mẹ, thà có chết cũng không bao giờ làm lụy đến người thân. Thế thì chịu. Một cái máy xát chứ mười cái máy cũng chịu. Thôi thì còn nước còn tát, kéo dài thêm ngày nào hay ngày ấy, nếu tới đây có đủ tiền cho nó sang Sing mà vẫn không xong thì đành chấp nhận số phận vậy.