Họ đang chạy trốn khỏi kẻ thù này sang ngay tay của một đối phương khác. Từ một kẻ ma quái hiểu rõ ràng, họ đang chuyển sang một chốn nguy hiểm khác chưa biết thế nào. Đó là một sự may rủi mà họ sẵn sàng chấp nhận. Chết bởi viên đạn của Việt Nam còn hơn phải sống dở chết dở dưới chế độ Khơme Đỏ.
Di chuyển luồn qua các cây thốt nốt cao mọc thưa thớt ở vùng đồng bằng và nguy hiểm, họ tiến gần tới Việt Nam. Tất cả họ mang trong ba lô vỏn vẹn một khẩu phần gạo, thuốc lá và hộp diêm.
Hun Sen và bốn người lính mà ông tin tưởng – Nhek Huon, Nuch Than, San Sanh và Paor Ean – lẩm bẩm khấn vái và bắt đầu đoạn đường dài vất vả của mình sang Việt Nam vào lúc 9 giờ tối ngày 20 tháng 6 năm 1977. Năm người di chuyển từng bước một, cẩn thận chọn lối đi qua các bãi mìn đã được cả Campuchia lẫn Việt Nam cài. Khi họ vượt qua biên giới Việt Nam thì đồng hồ của Hun Sen chỉ đúng 2 giờ sáng. Đó là vào ngày 21 tháng 6. Điểm băng ngang của họ ở phía Campuchia là Koh Thmar, một ngôi làng nhỏ, là một phần của xã Tunloung ở huyện Memot trong tỉnh Kompong Cham và nằm ngay phía trước huyện biên giới Lộc Ninh án ngữ của Việt Nam thuộc tỉnh Sông Bé.
Họ tiến đến trong nỗi sợ hãi. Bóng đêm làm cho họ khó nhìn thấy được các đơn vị bộ đội Việt Nam đồn trú ở đâu. Sau khoảng 200 mét đi vào Việt Nam, Hun Sen đề nghị với lính của ông rằng họ nên dừng lại nghỉ. Họ nấu một ít cháo, rồi húp cháo loãng. Không bao giờ đủ gạo trong tình trạng gần chết đói là chuyện thường xảy ra dưới chế độ cai trị của Pol Pot.
Hun Sen kể “ Trong lúc ăn qua loa đó, tôi thấy tất cả những người đi cùng mình khóc. Tôi cũng muốn khóc nhưng rồi vừa đi tôi vừa âm thầm khóc vì tôi không thể cho phép mình để người khác nhìn thấy, nếu không họ sẽ không còn tin tưởng tôi nữa”.
Sau khi tạm dừng lại nghỉ, họ đã đi thêm được 6 kilômét, rồi lại nghỉ. Một lần nữa, họ nấu cháo với nửa ký gạo. Họ vừa ăn vừa lo lắng. Hun Sen đã quyết định chỉ đưa bốn người đi theo ông. Một toán đông hơn sẽ càng bị nguy cơ phía Việt Nam tấn công và sẽ làm ảnh hưởng không hay đến các dự định của ông.
Hun Sen kể “ Sau khi ăn xong, chúng tôi bỏ vũ khí và tiếp tục đi không có súng ống gì cả. Khi đi, chúng tôi không gặp bất cứ người bộ đội Việt Nam nào. Tôi cảm thấy là Việt Nam hơi lơ đễnh vào thời điểm mà Pol Pot đang có kế hoạch tấn công họ. Pol Pot nói là Việt Nam đã triển khai 20 sư đoàn dọc biên giới, nhưng khi trốn sang, tôi không thấy bóng dáng bất cứ ai “.
Khi mặt trời mọc trong bầu trời quang đãng thì nỗi lo sợ của chúng tôi càng tăng thêm. Năm người Campuchia đi giữa ban ngày ban mặt. Chằng lần nào họ phải vượt qua lực lượng bộ đội biên phòng của Việt Nam. Vào lúc 2 giờ chiều, họ đến một ngôi làng Việt Nam, cách biên giới khoảng 20 kilômét. Không có người nào trong số họ biết nói tiếng Việt, càng làm cho hành trình của họ mạo hiểm hơn. Một người trong số họ có thể nói một vài câu tiếng Việt lơ lớ, mà chính anh ta cũng chẳng hiểu nổi.
Họ gặp phải một nhóm công nhân Việt Nam làm cho nông trường cao su đang trên đường về nhà. Hun Sen tiến đến gần họ và biết được họ có thể nói một chút tiếng Campuchia. Các công nhân cao su dẫn năm người Campuchia tới văn phòng ủy ban xã. Sau ít phút, khoảng 20 chiến sĩ thuộc lực lượng dân quân tự vệ có trang bị súng trường đến hiện trường.
Hồi tưởng lại quá khứ đã xa, Hun Sen kể “ Đó là lần đầu tôi bị chĩa súng vào người. Nhưng tôi cảm thấy bình thường đối với một người lạ được chào đón theo kiểu ấy”.
Các dân quân Việt Nam đối xử với năm người Campuchia hết sức nghi ngờ và giam họ lại để xét hỏi. Họ trải chiếu lên sàn nhà cho những người này ngồi trong tư thế bị xem thường. Sau đó, họ xếp ba cái bàn vào vị trí rõ ràng dành cho cấp trên. Chủ tịch ngồi ở bàn đầu đưa ra câu hỏi, trong khi hai người ghi chép, còn thông dịch viên ngồi ở hai cái bàn kia. Thời gian tra hỏi kéo dài khoảng 90 phút.
Hun Sen kể “ Họ nghĩ tôi là một gián điệp vào Việt Nam để thu thập tin tức. Tôi cho họ biết thông thường một cán bộ chỉ huy không đảm trách công tác quân báo cho chính mình. Tôi nói là mình có nhiều người làm công tác này và tôi không cần phải tự làm đó. Tôi cho họ biết là nếu chúng tôi muốn tấn công các làng xã Việt Nam thì chúng tôi có thể thực hiện quá dễ dàng vì chúng tôi không phải đối mặt với người bộ đội nào trên đường sang Việt Nam “,
Có vẻ như câu trả lời của Hun Sen đã thuyết phục được các viên chức địa phương Việt Nam ở đấy, họ khiêng bàn ra và xuống ngồi trên chiếu cùng với các người vượt biên Campuchia. Với điệu bộ đó, những người Campuchia này đã cảm thấy yên lòng.
Ngay lúc họ ngồi gần nhau thì những người Việt hiếu khách ùa tới. Họ nấu cơm cho chúng tôi ăn bằng “nồi số 10”, một cái nồi thường được dùng để nấu cơm cho 10 tới 16 người ăn và còn làm cả món rau và thịt heo.
Hun Sen kể “ Năm người chúng tôi ăn hết tất cả đồ ăn vì lần đầu tiên trong hai năm rồi chúng tôi mới được ăn bữa cơm như vậy. Trong hai năm trời chúng tôi chẳng có gì ăn ngoài cháo “.
Sau bữa ăn vào khoảng 4 giờ chiều, họ được lệnh đưa đi thêm 4 cây số nữa. Ông cảm thấy yên tâm vì dân quân Việt Nam không còn chĩa súng vào mình nữa, nhưng vẫn còn sợ cho tương lai trước mắt của họ.
Ông đã gặp phải thêm một đối phương nước ngoài nữa là muỗi Việt Nam. Ông đã bị bệnh sốt rét tra tấn trong chặng đường đi qua các rừng cây cao su và trên các con đường làng.
Ông kể “Tôi bắt đầu run cầm cập, có lẽ vì chúng tôi đã ăn quá no hay có thể vì bệnh sốt rét “.
Nhìn thấy ông run cầm cập, anh xã đội trưởng đang áp tải họ đi đã phải xách túi hộ ông. Cuối cùng họ đến một xã có tên là Làng Xinh trong nông trường cao su của Lộc Ninh.
Ở đó năm người trốn thoát này đã khiến cho người ta phải tò mò.
Hun Sen kể “ Chúng tôi bị người ta nhìn như một loại động vật lạ mà nhiều người muốn xem. Dân làng đó tụ tập đến nhìn chằm chằm vào chúng tôi. Nếu họ tổ chức bán vé thì họ đã kiếm được một món tiền to “.
Họ phải chịu để cho một cán bộ chỉ huy tiểu đoàn của Việt Nam điều tra thêm một vòng nữa. Ông ta hỏi Hun Sen thông qua một người thông dịch, một phụ nữa lớn tuổi biết nói một ít tiếng Khơme, trước đây bà đã làm cho nông trường cao su ở Campuchia.
Hun Sen kể “ Họ yêu cầu chúng tôi chỉ vào bản đồ nơi các lực lượng của Pol Pot đóng quân. Sau khi tôi nói cho họ xong, người cán bộ chỉ huy tiểu đoàn đó quát vào mặt tôi, nhưng tôi không hiểu ông đang nói gì khi ông quát tháo bằng tiếng Việt Nam “.
Lúc đó, người thông dịch viên nói xen vào. Ông kể, cán bộ chỉ huy của Việt Nam đã gọi Hun Sen là kẻ nói láo, vì dường như ông cho là một người có cấp bậc cao hơn ông phải biết. Hun Sen đã hiểu được vấn đề và cho cán bộ chỉ huy ấy biết là ông mới 25 tuổi. Người cán bộ có vẻ hoài nghi này không thể tin được là một người còn quá trẻ có thể có cấp bậc cao đến như vậy. Ông ta nghĩ thông thường những người Campuchia lớn tuổi hơn mới chỉ huy chiến đấu và không hiểu được Hun Sen là một người trẻ tuổi lại nằm trong số họ, những người ấy đã được gọi là Nhóm 18 tháng 3, họ đã gia nhập phong trào vốn được Sihanouk hô hào sau khi bị phế truất trong cuộc đảo chính vào năm 1970.
Ngay sau cuộc điều tra, năm người Campuchia được đưa lên một chiếc xe tải GCM chở đi khỏi Làng Xinh tới huyện Lộc Ninh. Khi đến nơi, họ được cho ăn cơm nấu bằng nồi số 10. Nhưng lần này họ chỉ được cho ăn rau bìm bìm, cơm với nước mắm. Người Việt Nam xin lỗi vì chỉ phục vụ được đồ ăn đạm bạc, họ giải thích là cố lắm chỉ có thế vì đã quá giờ cơm của họ.
Hun Sen kể “ Chúng tôi lại ăn xong bữa cơm nữa. Chúng tôi ăn trả thù. Chỉ cách nhau bốn giò đồng hồ, năm người chúng tôi đã ăn hết hai nồi cơm đầy nấu bằng nồi số 10”.
Sau bữa cơm, Hun Sen được tách ra khỏi bốn người kia và lại bị thẩm vấn. Dù còn có vẻ nghi ngờ, nhưng người cán bộ Việt Nam này đã chấp nhận rằng ông có cấp bậc chỉ huy cao.
Hun Sen kể “ Các anh em kia nghĩ tôi sẽ bị lôi đi giết. Người cán bộ chỉ huy trung đoàn Việt Nam này có cấp bậc trung tá đã hỏi một mình tôi từ 7 giờ 30 sáng tới 12 giờ trưa. Tôi thấy ông hơi quen, nhưng ông ta không tỏ ra là đã quen biết tôi.
Thật là may ông đã gặp cán bộ chỉ huy này vào năm 1970. Hồi đó, Hun Sen mới là một tân b inh, đã đi vào rừng, trong vùng của cán bộ chỉ huy Việt Nam này và lực lượng bộ đội của ông ta đóng quân.
Hun Sen nói “ Vì vậy, khi nhớ lại, ông biết mình đã ghé đến một đơn vị đồn trú gần đơn vị của ông. Bình thường, trong hoàn cảnh như thế, cả hai bên đều biết các cán bộ chỉ huy của nhau “.
Người cán bộ chỉ huy Việt Nam ấy vẫn chưa tin. Cuộc điều tra dài dòng và hết sức mệt mỏi. Vào lúc 11 giờ 30 tối, ông bị cán bộ này đe dọa sẽ phải chịu hậu quả rất ghê gớm.
Hun Sen kể “ Tôi nói với ông ta là mình là một cán bộ chỉ huy trung đoàn, nhưng người thông dịch đã truyền đạt lầm lẫn tôi là cán bộ chỉ huy trung đội. Tôi còn cho biết dưới tay tôi có hơn 2.000 quân, nhưng do bị thương vong ở trận địa và bị tống giam, nên chỉ còn lại 1.776 chiến sĩ. Thế rồi, cán bộ chỉ huy ấy quát lên và cho là tôi đang nói láo. Sau đó, tôi mới hiểu câu trả lời mình đã bị dịch sai “.
Ông cố gắng thăm dò bằng cách khác. Ông đã tự hỏi không biết cán bộ chỉ huy Việt Nam lớn tuổi này có biết nói tiếng Pháp hay không vì ông ta đã phục vụ quân đội cách mạng Việt Nam từ thời thực dân Pháp cai trị.
Ông kể “ Tôi nói cho ông ta biết mình phụ trách trung đoàn, chứ không phải trung đội. Lúc ấy, người cán bộ chỉ huy này đã hiểu ra và nhắc người thông dịch đổi từ trung đội thành trung đoàn.
Khi thẩm vấn xong, ông trở lại đã thấy bốn đồng hương Campuchia của mình đang khóc. Hun Sen, người trẻ nhất trong số họ, hóa ra là người lì lợm nhất.
Họ bị giữ ở đó một đêm. Vào lúc 3 giờ chiều ngày hôm sau, họ bị đưa lên xe tải GMC đã chất sẵn củi. Họ không biết mình bị đưa đi đâu. Họ chỉ lo bị đưa trả về Pl Pot, thì chỉ có nước chết.
Hun Sen kể “ May mắn là tôi không bị còng tay từ lúc tôi gặp người Việt Nam cho tới khi tôi bị xét hỏi. Nhưng sau khi ngồi trong xe tải, năm người lính chĩa súng vào chúng tôi. Tôi đã chuẩn bị tự sát bằng cách đâm một cái kim khâu vào họng, nếu phía Việt Nam trả tôi lại cho Pol Pot. Vì vậy, tôi để ý các cột mốc chỉ ki lô mét bên đường để xem liệu chúng tôi có bị chở sang hướng Campuchia hay sang hướng tới Song Bé và thành phố Hồ Chí Minh. Là người lính, chúng tôi luôn mang theo mình vài cái kim khâu để đề phòng lúc cần phải may và thay quần áo.”
Nhờ biết được hướng đi từ các cột mốc chỉ kilômét, ông cảm thấy yên lòng là họ đang chạy về hướng Sông Bé, một tỉnh trù phú nằm ở phía nam Việt Nam, chứ không phải chạy sang hướng Campuchia.
Họ đến Sông Bé độ 5 giờ chiều, và được đưa tới Sở chỉ huy quân đội với những bố trí ngổn ngang. Trên đường, họ được cho biết phải đi bộ khoảng một cây số qua một cái chợ, một lần nữa họ lại trở thành ‘các động vật lạ’ để nhiều người nhìn chằm chằm. Họ bị đưa vào một nơi tập trung nhốt những người lính vi phạm kỷ luật, những người này bị canh giữ và nhốt vào xà lim bên ngoài được vây bằng dây kẽm gai. Không bao lâu sau họ bị đưa vào phòng giam được vây bằng các tấm tôn có sóng dựng đứng để không cho họ nhìn ra ngoài.
Trong suốt thời gian 22 ngày đầu, họ được đối xử giống như những người tù. Những người coi tù nói là họ sẽ được cung cấp mỗi ngày khẩu phần ăn trị giá 6.000 đồng. Hun Sen nghĩ là số tiền khá lớn và tưởng tượng mình sẽ chi 3.000 đồng mua thức ăn, phần tiền còn lại mua thuốc lá. Nhưng ông không biết là 6.000 đồng của chế độ miền Nam Việt Nam cũ không bằng 1 đồng tiền mới của Nhà nước Việt Nam lúc ấy. Tuy nhiên, số tiền trợ cấp này khá hậu hĩ, nếu xét một bộ đội Việt Nam chỉ nhận được có 7.000 đồng một ngày.
Đêm đầu tiên đó, Hun Sen và các người bạn đang bồn chồn lo sợ của ông đã bị mùi hôi thối tấn công.
Hun Sen kể “ Là một nơi có mùi rất hôi, vì họ đã giam một nhóm bộ đội nữ vô kỷ luật ở phòng tù gần bên. Mùi nước tiểu của họ quá nồng nặc “.
Được cho biết phải ngủ trên nền nhà mà không có chiếu càng làm họ khó chịu hơn. Lúc 10 giờ tối, trưởng trại đã thay đổi thái độ và họ được cung cấp giường và mùng mền. Nhưng họ vẫn phải chịu cái mùi phóng uế đó.
Hun Sen đã bị giam ở Sông Bé 22 ngày cho tới khi ông đổ bệnh sốt rét nặng. Thấy ông run cầm cập không sao kềm nổi, phía Việt Nam đưa ông vào bệnh viện.
Ông kể “ may mắn là tôi bị mắc bệnh sốt rét và càng ngày càng ốm. Vì vậy, tôi mới được đưa vào một trong các bệnh viện quân đội ở tỉnh Sông Bé, còn bốn đồng hương của tôi vẫn còn bị giam trong tù “.
Được chuyển vào bệnh viện là điều may mắn bất ngờ. Ông được cho các khẩu phần ăn ngon hơn nhiều, vì lúc bấy giờ phía Việt Nam chấp nhận cấp bậc của ông là trung tá. Ông để dành khẩu phần với số tiền trợ cấp hàng ngày cho các đồng hương của mình đang bị giam cầm. Sau khi được xuất viện, ông và các bạn của ông được tự do hơn một chút.
Ông kể “ Nhưng là sự tự do trong khuôn khổ của trại lính. Chúng tôi đã chiếm được lòng tin của họ. Chúng tôi được phép đi lại trong trại và nói chuyện với bộ đội. Các bộ đội Việt Nam cả những người bị kỷ luật và không vi pham kỷ luật đều thân thiện với tôi”.
Các điều kiện sống được cải thiện với trợ cấp hàng ngày là 6.000 đồng và có thể chịu được khi một số bộ đội Việt Nam chia sẻ với họ đồ ăn từ gia đình của những người này gửi vào. Thậm chí họ còn cho Hun Sen quần áo mặc.
Nhưng Hun Sen vẫn phải lo ngay ngáy không yên. Liệu cứ bị cầm tù mãi chăng? Hay liệu họ có bị trả về cho Pol Pot để rồi bị phanh thây không?
Tin đào ngũ của ông nhanh chóng tới tai các chính ủy Angkar. Khi ấy họ biết là Hun Sen đã trốn sang Việt Nam, họ đã trả đũa bằng cách buộc Bun Rany phải lao động chân tay cực nhọc. Cô bị bắt phải đi đốn hạ các cây to và khai hoang đất. Lúc nào cô cũng bị bí mật theo dõi và việc đi lại của cô đều bị giám sát. Sự trùng hợp ngẫu nhiên là cùng một lúc cả hai vợ chồng ông đều trở thành các tù nhân khốn đốn dưới các hoàn cảnh khác nhau.
Cô kể “ Mặc dù tôi không bị nhốt trong tù. Nhưng lúc nào tôi cũng bị canh gác. Vào ban ngày, tôi bị sai đi nhổ cỏ, dọn sạch các bụi cây to và rậm rạp để khai hoang đất. Đó là một công việc vất vả muốn gãy cả lưng “.
Khơme Đỏ tạo ra nhiều cách quỷ quyệt khác nhau để làm mòn mỏi lòng tự trọng và niềm tin của những người họ muốn trừng trị và tra tấn.. Họ tách phụ nữ thành hai nhóm “ góa chồng”: nhóm thứ nhất là những người có chồng đã chết thực sự trong chiến tranh và nhóm thứ hai là những người có chồng còn sống, nhưng Angkar muốn chống họ sẽ phải bị giết.
Giọng hơi lịm đi, Bun Rany kể “ Thực ra chồng của chúng tôi đã trốn sang Việt Nam khiến cho trong con mắt của họ chúng tôi trở thành những tội phạm phải bị trừng trị và đầy ải, vì vậy họ đã tra tấn chúng tôi ngày đêm bằng cách gọi chúng tôi là “bà góa” – để sớm muộn gì chúng tôi cũng được tẩy não trở nên tin tưởng là chồng mình đã chết. Điều đó thật rùng rợn, kinh khủng”.
Cán bộ chính ủy Angkar gọi cô là Kbal Youn Khloun Khơme, là người thân Campuchia, đầu Việt Nam. Và khi những người ở gần cô biết được lý do tại sao cô bị gọi là ‘bà góa’, họ không còn nói chuyện với cô nữa.
Hun Sen bỏ trốn sang Việt Nam khi Bun Rany đang mang thai đứa con thứ hai được 5 tháng. Lúc đó là vào năm 1977.
Hun Sen nhớ lại “ Mười hai ngày sau khi cô ấy sinh đứa con thứ hai thì bị họ tống giam “.
Cô nhận được tin ông còn sống và khỏe mạnh ở Việt Nam. Biết được tin ông còn khỏe mạnh đã tạo cho cô có được nghị lực nhiều hơn để sống. Nhưng Angkar cố làm cho ông suy sụp tinh thần. Họ loan tin đồn là Bun Rany đã bị chết sau khi sinh đứa con thứ hai do thiếu ăn và làm việc quá sức.
Cô đã phải vượt qua tất cả mọi khó khăn. Khi ‘các bà góa’ đi khai hoang dọn đất thì họ phải bỏ con cho các bà già coi sóc ở một nơi không được biết rõ. Phải để con cho người khác đã làm cô hết sức đau lòng. Các ‘bà góa; thường ăn cháo bắp loãng và chỉ ít dịp được dân làng tốt bụng cho rau ăn. Khi cô xin phép đi thăm cha mẹ, họ bảo cô là chỉ khi nào cha mẹ cô bị bệnh cô mới được phép đi thăm.
Trong nhóm ‘bà góa’ của Bun Rany có một phụ nữ trẻ đã cưới cùng ngày với cô trong số 13 cặp thương tật. Cùng đi với người phụ nữ này, Bun Rany đã bí mật đi thăm cha mẹ mình. Cô chỉ được đoàn tụ với gia đình trong chốc lát. Nhưng các cô được khuyên không nên ở lại nhà cha mẹ. Họ đã chuyển từ nhà người bạn này sang nhà người bạn khác.
Bun Rany kể “ Chúng tôi sợ nếu bị Angkar đang ở trong ngôi làng ấy biết được, họ có thể bám theo và giết chúng tôi”.
Tạm thời cô đã không còn bị bắt đi lao động khi cán bộ Angkar cho là Hun Sen đã bị chết và họ chỉ còn theo dõi các sinh hoạt của cô.
Cô kể “ Còn ba phụ nữ chúng tôi là những người mà Angkar nghi ngờ không trung thành với họ và chúng tôi sống chung với nhau ở cùng khu vực. Sau này, khi họ nghe tin Hun Sen vẫn còn sống, họ giả bộ gọi chúng tôi đi họp với ý đồ đưa chúng tôi tới một khu vực khác. Dựa vào những gì đã xảy ra không biết bao nhiêu lần đối với bạn bè và những người quen của chúng tôi, những người đã bị biến mất, tôi biết nêu bị đưa đi theo kiểu này thì chúng tôi sẽ chết chắc”.
Ngay cả những nông dân dám liều tới khu vực ấy để tìm kiếm điều kiện sống tốt hơn cũng đều bị đưa đi rồi bị giết. Cô bị dằn vặt bởi suy nghĩ về gia đình của hai người dì đã bị đưa đi rồi bị giết.
Một đêm nọ, Bun Rany tình cờ nghe được hai tên cán bộ lãnh đạo Khơme Đỏ nói với nhau là cô sẽ được đưa đi rồi giết vào sáng hôm sau.
Cô kể “ Đêm đó chúng tôi tính trốn vào rừng “.
Ngay đêm ấy cô và một vài ‘bà góa’ đã trốn thoát. Những người đào tẩu ấy đã mệt mỏi và khát nước. Mặc dù họ ở gần một dòng sông, nhưng họ không dám cả gan mon men tới con sông ấy vì đầy các xác chết trôi lềnh bềnh.
Đó là một cảnh rùng rợn. Angkar có thói quen quái dị - nếu người đói ăn cắp đồ ăn, bất kể họ lấy thứ gì đều sẽ bị trói tay bằng khăn krama.
Bun Rany kể “ Tôi sẽ chẳng bao giờ quên được cảnh tượng một đứa bé chết trôi trên sông, nó đã ăn cắp một quả ổi và đã bị trói tay thả sông”.
Cô nói, người ta đang đói gần chết, nhưng không ai được phép chạm vào bất cứ trái chuối nào ở trên cây mọc ở gần trại. Thậm chí Khơme Đỏ còn tịch thu tất cả chén đĩa, xoong, nồi và đồ dùng để không cho người ta nấu nường và ăn bất cứ thứ gì tại nhà. Mỗi người được phép giữ một cái đĩa và một cái muống. Giống như những kẻ nô lệ, những người trong trại sẽ được tập trung bằng kẻng để đến ăn cháo loãng.
Cô kể “ Ngay cả nếu chúng tôi bắt được một con ếch hoặc một cá nhỏ li ti, chúng tôi cũng không được phép ăn khẩu phần dư ra ấy “.