Trong 14 năm cầm quyền ( 1985 – 1999 ), Hun Sen đã kiên trì tạo cho việc điều hành chính phủ của ông thêm sâu sắc trong bốn giai đoạn rõ rệt từ lúc bắt đầu được bổ nhiệm làm Thủ tướng vào đầu năm 1985. Giai đoạn thứ hai từ cuộc tổng tuyển cử vào tháng 5 năm 1993 tới năm 1997 với vai trò Thủ tướng thứ hai, nhưng đã sử dụng quyền lực của ông nhiều hơn Thủ tướng thứ nhất Ranariddh, con trai của Sihanouk. Giai đoạn thứ ba ( 1997 – 1998 ), Hun Sen đã củng cố thế lực để lật đổ Ranariddh. Giai đoạn thứ tư bắt đầu với thắng lợi của Đảng Nhân dân Campuchia của Hun Sen trong cuộc tổng tuyển cử năm 1998 và việc tái bổ nhiệm vai trò Thủ tướng Chính phủ của ông.
Tiểu sử của Hun Sen và lịch sử của đất nước ông dan dệt với nhau thành kết cấu của một cuốn thiên niên sử 2000 năm không thể tách rời. Để hiểu nhân vật được mọi người bàn đến nhiều, con người điều hành đất nước Campuchia bằng đường lối sâu sát cứng rắn khi đất nước còn trong tình trạng bất ổn, tất yếu phải đi sâu vào quá khứ qua hai thiên niên kỷ hòa quyện nhiều nét hoa mỹ và nhận ra được ông ở giữa hai dòng lịch sử Khơme pha trộn. Là một lịch sử được giải thích bằng sự xung đột giữa dân chúng bên trong các đường biên giới du canh du cư của Vương quốc Khơme được các tù trưởng cai trị vào tám thể kỷ đầu của thiên niên kỷ vừa qua, sau các cuộc chiến đẫm máu với các Vương quốc Chàm ở phía Đông ( Việt Nam ngày nay ) và Vương quốc Xiêm ở phía tây vào các năm đầu thế kỷ XI. Khi ấy chiến tranh bắt đầu xảy ra ở các đền đài tráng lệ không gì sánh bằng của Angkor ( từ ngữ sửa đổi của tiếng Phạn, từ nagara có nghĩa là thành phố ), và cả một nền văn minh chùa tháp đã được hàng ngàn người lao động xây dựng quần quật không ngừng. Khi làn sóng Ấn Độ giáo lan rộng sang Đông Nam Á, các vua Khơme đã xây dựng các đền chùa nguy nga để cúng tế tất cả các vị thần của người Hindu và Phật giáo.
Tinh thần mạo hiểm trong số những người dân Ấn Độ đi biển đã khám phá ra Suvarnabhumi ( vùng đất vàng ), tạo ra dòng người di dân Ấn Độ liên tục theo gót họ đổ đến đây qua nhiều trạm thông thương buôn bán ở Đông Nam Á. Họ đến vùng hạ lưu sông Mê kông tại vùng tam giác đông nam Campuchia và vùng cận nam của Việt Nam, được gọi là Funan, có thể có nguồn gốc từ tiếng Khơme là phnom, có nghĩa là núi trong tiếng Khơme hiện nay và bnam trong tiếng Khơme cổ có từ gốc Trung ngữ.
Đôi khi các trạm dừng chân của những nhà buôn Ấn Độ tại các cảng mới ghé đến nằm ngoài dự định của họ do thời tiết xấu hoặc sự tấn công của gió mùa, một hiện tượng mà họ chỉ hiểu mập mờ đã buộc họ phải neo tàu lại hàng mấy tháng trước khi giăng buồm trở về. Bấy giờ trong số các thương nhân buôn bán đường dài có người đã bị lôi cuốn để rồi bám trụ tại vùng đất mới.
Sự khởi đầu của các khu kiều dân Ấn Độ ở Campuchia, cũng giống như các khu kiều dân này tại những nơi khác ở Đông Dương đã bị chìm vào quên lãng, nhưng dư âm vẫn còn trong các truyền thuyết và các truyền thống địa phương. Tuy nhiên, các truyền thuyết này không thể được xem là các biên niên sử thực sự về các sự kiện có tầm quan trọng lịch sử bằng việc họ đã gìn giữ được các tín ngưỡng nền tảng của người Ấn Độ được nhiều người ngưỡng mộ đã ảnh hưởng đến các vùng đất này.
Trong quá trình định cư bên cạnh các vùng châu thổ ven sông phì nhiêu đã mang lại cho họ đời sống thoải mái với cá và gạo lúc nào cũng không thiếu, nhiều thương lái đã cưới các phụ nữ ở địa phương và vẫn tiếp tục giữ được bản sắc xã hội, tôn giáo và văn hóa của họ một cách thuận lợi qua hàng trăm năm. Các tôn giáo mới - Ấn Độ giáo và Phật giáo – vì thế đã được truyền đi bằng các ngôn ngữ mới của tiếng Pali và tiếng Phạn. Còn có các bằng chứng về sự ảnh hưởng của người Ấn Độ, chẳng hạn như, các tác phẩm văn học bằng tiếng Phạn, sách dạy các nghi thức trong đền chùa, hệ thống xã tắc, thiên văn học và cả một hệ thống chữ viết mới được người Khơme tự nguyện học theo và họ đã ghi khắc ngôn ngữ này vào sự hòa quyện của dân tộc họ mà ngày này chúng ta gọi là Campuchia. Bằng chứng về sự ảnh hưởng của người Ấn Độ ở Campuchia trong bản chữ khắc xưa nhất được tìm thấy ở vùng Angkor Borei có câu khắc tiếng Khơme bằng chữ Phạn còn rõ nét có niên hiệu vào năm 612.
Ngài Malcom MacDonald, một đại sứ lưu động người Anh, đã kể cho nhiều người nghe câu chuyện cổ tích hấp dẫn về sự khởi đầu của dân tộc Khơme được Khang Thái, một du khách người Hoa ghi lại vào thế kỷ thứ III. Trong cuốn Angkor và dân tộc Khơme, ông viết về một hoàng tử Ấn Độ, Kaundinya, người rất sùng mộ một vị thần của đạo Hindu, vị thần này hài lòng về lòng mộ đạo của anh. Thời gian ấy khoảng vào thế kỷ thứ I, hoàng tử này nằm mơ thấy vị thần nhờ anh căng buồm cho một chiếc thuyền buôn lớn và cho anh ta một cái cung thần. Vào lúc rạng đông, hoàng tử đi tới một ngôi chùa và thấy cái cung mà cậu đã thấy trong giấc mơ. Rồi sau đó hoàng tử lên tàu chuẩn bị cuộc hải trình đi xa. Vị thần đã làm đổi hướng gió để hoàng tử trôi dạt tới vùng Funan.
Lieu-Ye ( Diệp Liễu), nữ chúa xứ Funan, đã đến cướp phá thuyền của chàng thủy thủ viễn du trên biển này. Kaundinya dã dùng cung thần bắn một mũi tên đâm thủng thuyền của nữ chúa này và buộc cô ta phải đầu hàng. Giống như tập tục của thần dân đơn sơ mộc mạc của nữ chúa, nữ chúa của họ cũng hoàn toàn khỏa thân. Diệp Liễu thậm chí còn chằng che được mình với một chiếc lá sung. Thương hại vì tình cảnh còn hoang dại như vậy, ngay lập tức Kaundinya đã trao cho tù nhân của mình một cuộn vải để quấn che thân. Bởi nét quyến rũ của nàng với hoàng tử mà sau này họ đã kết hôn với nhau. Lịch sử triều đại nhà Lương cũng lưu truyền một câu chuyện tương tự về Kaundinya. Các chức sắc đạo Hindu hoặc các thầy tế cũng chú ý nhắc đến thị tộc Kaundihya, được ghi chép trong bản chữ khắc ở vùng Mysore miền Nam Ấn Độ thuộc thế kỷ thứ II.
Theo các tài liệu lưu trữ của Trung Quốc, xem ra sự giàu có và vẻ tráng lệ của xứ Funan đã kéo dài tới thế kỷ thứ VI. Tham vọng về lãnh thổ của lân bang Chenla và các xứ sở của các hoàng đế khác tranh giành quyền lực cai trị vùng đất này đã làm thay đổi vận mệnh của xứ Funan. Các cuộc xung đột trong dân chúng và Chenla đã trở thành cớ sự để các triều đại khác dùng quyền lực gây ảnh hưởng vào thế kỷ thứ VII tới VIII, dù các mối quan hệ ngoại giao nhất quán và ổn định được duy trì với Trung Hoa vẫn được quan tâm, nhưng của cải vẫn phải đưa sang cống nạp cho triều đình Trung Hoa. Ví dụ, theo Cho-ye-pa-mo, một người Trung Quốc ghi chép sử biên niên có kể đến bằng chứng cho là người kế vị Kaundinya, có thể là Jayavarman I, đã sai các nhà buôn sang Quảng Châu để đẩy mạnh việc giao thương buôn bán vào năm 420 tới 478 thời nhà Tống.
Có rất nhiều giả thuyết liên quan đến nguồn gốc tổ tiên của dân tộc Khơme. Hiện còn một vài bản chữ khắc nói về Funan. Khác với các tài liệu còn lưu trữ ở thế kỷ thứ V nói về vị quốc vương nhân hậu, Maharajadhiraja Devanika ( Hoàng vương thái tổ), có sự nhất trí trong số các học giả quan tâm đến thời gian trị vì của quốc vương Khơme hậu Funan là Chenla có thể là một sự liên minh không chặt chẽ của các nước. Tên các vua Bhavavarman, Chitrasena-Mahendravarman, Isanavarman và Jayavarman I đã được mô tả nổi bật trong các bản chữ khắc và các tài liệu lưu truyền về thế kỷ thứ VII và thứ VIII.
Bản miêu tả về sự rực rỡ của xứ Funan được ghi trong lịch sử triều đại nhà Tần (năm 265 đến năm 419). Bản văn mô tả “ Vương quốc xứ Funan dài hơn 3.000 lí về phía tây của Lin-yi ( Champa), nằm trong một vịnh biển to lớn … Có các thành quách, cung điện và nhà cửa. Dân chúng chủ yếu đựng thức ăn trong các đồ dùng bằng bạc. Thuế được trả bằng vàng, bạc, ngọc trai và dầu thơm. Họ có nhiều sách. Chữ viết của họ dùng bảng chữ cái bắt nguồn từ Ấn Độ. Các lễ nghi ma chay, cưới hỏi của họ giống với các nghi lễ của người Chăm “.
Số phận của Angkor trước đây đầy biến động và hầu như phát triển vượt bậc ít nơi sánh kịp từ khi hình ảnh của một vị khách xuất hiện – Jayavarman I – dòng dõi của ông có lẽ là vấn đề được bàn cãi nhiều nhất về vương quyền tổ tiên của Khơme. Không mấy ai biết đến con người này. Đó là một thiếu sót rất lớn trong các bản chữ khắc ở triều đại của ông. Tuy vậy, thường người ta tin đã có một triều đại vua chúa vào năm 802 ở Mount Mahendra, rất có khả năng ông đã có mặt ở vùng Prey Veng từ đầu năm 790.
Tuy nhiên, duy nhất có một bản chữ khắc vào thế kỷ XI ở Sdok Kak Thom là có mối liên quan giữa Jayavarman II với triều đại Sailendra của Indonesia, trước khi ông trở về Campuchia. Phần lớn bằng chứng này cho thấy ông đã bị bắt làm tù nhân và đưa sang Java khi vị vua trước ông đã bị hoàng gia Sailendra giết chết. Sự trở về Campuchia của ông làm một sự kiện quan trọng trong lịch sử mà ông đã thiết lập một đế chế trải dài từ vịnh Tonkin ( Việt Nam ngày nay ) ở phía đông tới Kanchanaburi ( Thái Lan ngày nay ) về phía tây.
Trong cuốn Hoàng tộc Khơme, Ian Mabbeit và David Chandler đã thận trọng bày tỏ sự ngưỡng mộ triều đại Jayavarman II, người khởi lập đế chế Angkor “ Đúng là sau này nhìn lại về thời kỳ khởi đầu của chế độ Khơme cho thấy có sự liên minh, tuy nhiên, chế độ này từ từ đã có sự tách rời giữa các lãnh địa vua chúa của ‘Chenlala’ tranh giành lẫn nhau để củng cố và đế chế này đã xuất hiện trong suốt thế kỷ IX tới thế kỷ X “.
Trong suốt triều đại Jayavarman II, devaraja ( vua chúa ) rất được tôn sùng và có ảnh hưởng mạnh như hình thức của tín ngưỡng với nghi lễ rất quan liêu và việc thờ linh vật – biểu tượng lingas ( tượng dương vật của thần Shiva), một khi đã được các thấy tế đạo Hindu dựng lên và hiến dâng trong các ngôi đền, các vị này cử hành các lễ nghi của đạo Hindu và tụng các câu thần chú bằng tiếng Phạn, thì người ta tin là để duy trì quyền lực của nhà vua vốn được coi như một vị thần ở trần gian. Quyền lực của Jayavarman II ban cho các gia đình của các thầy tế trong hoàng gia đã trở thành một đặc điểm của triều đình bền vững lâu dài mà các vua nối nghiệp phải cố gắng giữ được.
Các ngôi đền cao chót vót được xây dựng theo dạng quả núi có vai trò như nơi sùng bái vua chúa, mà tính cách linh thiêng của nhà vua được cất giữ vào ngôi đền bằng lingas ( một linh vật để thờ ). Đến khi nhà vua qua đời, ngôi đền trở thành lăng mộ của vị vua ấy, chứ không giống như các vua Pharaon thời Ai cập cổ. Biểu tượng linga, sự hợp nhất cả thế quyền lẫn thần quyền đã trở thành nét đặc trưng của người trị vì, và là biểu tượng cho tính thần thánh của vương quyền.
Sự say mê của người Khơme đối với công trình xây dựng các đền chùa trong huyền thoại bị cuốn theo một phần bởi động cơ sâu xa hơn vẫn còn tồn tại do lòng tôn sùng nhiều vị thần của họ. Trong đời sống hàng ngày của họ có các yếu tố tự nhiên phải được tiết chế - nhằm tìm được sự chúc lành cho các vụ thu hoạch và có nước. Vì vậy, dân chúng Khơme cho rằng phải làm nguôi cơn giận của các vị thần. Về cơ bản, trong xã hội Khơme, khả năng sinh sản là một nhân tố quan trọng.
Về sau này, khi học giả người Pháp, George Coedes nhấn mạnh sự sùng bái vua chúa ở thế kỷ XII đã đạt tới mức hoàn hảo khi Hoàng đế Khơme Suryavarman II, một tín đồ trung thành của thần Vishnu, đã xây dựng một chính điện ở đền Angkor Wat và dựng tượng thần Vishnu mà người ta tin để nắm giữ được chính bản chất sức mạnh của thần Vishnu, đã truyền sang cho nhà vua như một vị thần ở trần gian.
Các vua của Angkor tuyệt đối tin tưởng rằng, để duy trì mãi mãi quyền lực của mình, họ cần phải xây dựng thêm nhiều đền chùa. Vì vậy, vua Jayavarman VII đã nỗ lực bằng mọi cách để truyền bá hình ảnh của mình qua sự sùng bái vua chúa, đến nỗi chưa đến 40 năm mà ông đã xây dựng không dưới 12 kiến trúc đồ sộ - kiến trúc nổi tiếng nhất là Angkor Thom và Ta Prohm.
Khoảng từ năm 802 tới 1431, một loạt các vị đại đế Khơme đã thống trị một giai đoạn quyền lực kéo dài của Campuchia cổ - bắt đầu từ vua Jayavarman II, bao gồm những vị vua hùng mạnh như Rajendravarman II ( 944 – 968 ), Suryavarman I ( 1020 – 1050 ), Udayityavarman II ( 1050 – 1066 ), Suryavarman II ( 1113 – 1150 ), Jayavarman VII ( 1181 – 1219 ) và cuối cùng các vị vua yếu kém hơn, chẳng hạn như Thommo Soccorach và Ponha Yat vào thế kỷ XV. Chính vua Jayavarman VII đã mở rộng đế chế Khơme lên tới Kanchanaburi ngày nay ở Thái Lan.
Các vị vua này đã thống trị một vùng đất phì nhiêu trù phú, mà có khi gặp may lành một năm được đến bốn vụ lúa và cá từ biển hồ Tonle Sap ở trung tâm đất nước đã nuôi sống hàng ngàn người mà máu và mồ hôi của họ đã đổ ra để xây dựng các đền chùa nguy nga, và còn cả những người khác phải chiến đấu trong các trận chiến dai dẳng với quân Chàm và quân Xiêm. Những cảnh hùng tráng của những trận đánh mà dân tộc Khơme chống lại quân Chàm ở tuyến đầu và quân Xiêm ở đất liền phía sau được chạm trổ trên các bức tường của đền Bayon và Angkor Wat, cung cấp bằng chứng cho thấy lòng dũng cảm và can trường của những người đã hy sinh để bảo vệ tổ quốc Khơme.
Lịch sử của các thế kỷ thường diễn ra các cuộc chinh phục này đã được ráp lại với nhau thành hình từ các di tích cổ hùng vĩ, các công trình điêu khắc và tác phẩm mỹ thuật cổ được khai quật – nhưng quan trọng nhất với bằng chứng hỗ trợ của gần 900 bản chữ khắc bằng tiếng Pali, tiếng Phạn và tiếng Khơme từ khu vực Angkor.
Từ thời quân Xiêm cướp phá Angkor và nhà vua Campuchia đã dời đô từ Angkor về khu vực Phnom Penh vào thập niên 1440, hiện có một vài tài liệu lịch sử ghi vào thập niên 1940. Vì thế từ khi đế chế Angkor sụp đổ cho tới thế kỷ hiện này cách nhau 500 năm là không hợp lý. Điều được xem là chắc chắn là vào giữa thế kỷ XV và XVI, Campuchia đã bị người Thái cai trị. Sau đó đến sự tranh giành để tiếp quản Campuchia – một cuộc chiến dai dẳng giữa Thái Lan và Việt Nam kéo dài gần 150 năm cho tới năm 1860.
Năm 1848, vua Ang Duong lên ngôi vua Campuchia đã đem lại được sự hòa bình yên ổn chưa từng có, kéo dài trong 12 năm, đôi khi còn được mô tả là thời hoàng kim. Vua Duong đã phải chịu câu thúc nhiều năm ở Thái Lan, tiếp tục quy phục vua Thái sau khi ông được thả, trong khi đất nước của ông vẫn còn dưới sự che chở của Thái. Đồng thời vị vua này còn sợ mối đe dọa từ phía Việt Nam.
Bị kẹt vào giữa hai lân bang hùng mạnh, Thái Lan và Việt Nam, có lẽ vua Duong không còn cách lựa chọn nào khác ngoài việc tìm kiếm sự bảo hộ của Pháp. Vua Duong ở trong tình trạng đứng ngồi không yên, đã gửi lễ vật cho hoàng đế nước Pháp, Napoleon đệ III qua tòa đại sứ Pháp ở Singapore. Nhưng vua Thái đã phẫn nộ về việc thương lượng của ông với hoàng đế nước Pháp. Vua Duong tìm kiếm sự trợ giúp của nước Pháp cốt vừa để bảo vệ nước ông đối phó được với Việt Nam và tránh để mất mặt vì vẫn phải ở dưới sự che chở của Thái.
Hoàng đế nước Pháp nắm lấy cơ hội này, đòi vua Duong về các đặc quyền buôn bán và khai thác gỗ tếch để đổi lại sự bảo hộ của mình. Vào năm 1863, Campuchia đã chịu trở thành nước bảo hộ của Pháp. Vua Duong thở phào nhẹ nhõm, và Pháp dần dần thắt chặt sự kiểm soát của họ lên cả Việt Nam lẫn Campuchia.
Vào giai đoạn đầu dưới sự cai trị của thực dân, dân tộc Campuchia biết ơn nước Pháp đã buộc Thái Lan phải trao trả lại cho Campuchia tỉnh Battambang và Siem Reap của họ vào năm 1907 sau một thế kỷ chiếm đóng. Nhưng sự bất mãn vẫn âm ỉ trong các phum sóc. Trong khi triều đình Khơme đánh giá cao sự có mặt của người Pháp, thì các dân làng phải chịu đánh thuế quá nặng dưới tay thực dân.
Cao trào của sự bất mãn là vụ án mạng của quan chức cao cấp Pháp và các sĩ quan tham mưu người Campuchia của ông. Vào đầu thập niên 1920, quyền công sứ Pháp ở Prey Veng, Felix Louis Bardez, đã tăng thuế lên cao đột ngột và được thăng chức lên làm công sứ ở Kompong Chhonang. Vào tháng 4 năm 1925, Bandez đến thăm một phum ở Kompong Chhonang thường xuyên được báo cáo thất thu thuế. Ông đã cho gọi những người trốn thuế đến, còng tay họ và dọa sẽ tống giam. Sau đó, ông ăn trưa trong khi không cho những người bị bắt giữ này ăn. Một đám đông những người đứng xem bên ngoài thấy vẻ ngạo mạn của Bardez đã nổi nóng tấn công Bardez, giết chết ông, thông dịch viên của ông và một tay đội.
Những sự bất công như thế này đã giày vò tâm hồn của giới trí thức Campuchia, những ý nghĩ chống thực dân đã ăn sâu vào trong con người họ. Những người theo chủ nghĩa dân tộc, chẳng hạn như Pach Chhoeun, Sim Var và Son Ngoc Than đã thành công trong việc bắt đầu phát hành tờ Nagara Vatta, một tờ báo đầu tiên ở Campuchia vào năm 1936. Điều đó không có nghĩa là họ đã thuyết phục thành công người Pháp cấp giấy phép cho họ hoạt động – một quá trình xin giấy phép bình thường phải mất nhiều năm và cuối cùng thường bị từ chối. Thay vì liều lĩnh chống lại thực dân Pháp, các chủ bút ấy đã kiên nhẫn chờ đợt thời cơ. Khi quân đội Nhật đổ bộ vào Campuchia tháng 5 năm 1941, là một cơ hội tốt để thách thức chính quyền thực dân Pháp phải khẳng định mình. Tờ báo này đã tỏ ra có xu hướng thân Nhật rõ rệt hơn và chống lại đường lối thực dân, dẫn tới nhiều tòa soạn đã bị kiểm duyệt. Tờ Nagara đã khôn khéo khai thác hai đường hướng khai triển: lợi dụng triệt để tình trạng yếu kém của quân đội Pháp và sự đồng tình của Nhật với các phong trào chống thực dân.
Việc thực dân Pháp muốn đưa Norodom Sihanouk lên làm vua là một ván bài mà rốt cuộc họ đã phải trả giá đắt cho thuộc địa của họ ở Campuchia. Vào ngày 25 tháng 4 năm 1941, Sihanouk được tôn làm vua. Thực dân Pháp thấy Sihanouk, một chàng trai yêu đời, hòa nhã, một tay chơi học theo kiểu Tây có thể được mong đợi bảo vệ tốt các lợi ích của Pháp và ông đã thực hiện điều đó cho tới đầu thập niên 1950.
Sự đầu hàng của quân đội Nhật vào ngày 16 tháng 8 năm 1945 đã cho thấy sự ảnh hưởng của Pháp trỗi dậy trở lại ở Campuchia. Trước đây, vị Hoàng thân này đã bị gán cho cái mác “dở hơi” và “ ngoại lai” đã bất ngời biến thành người có đầu óc độc lập. Trong chuyến viếng thăm Pháp vào tháng 2 năm 1953, Sihanouk đã nói với Tổng thống Pháp, Vincent Auriol, là nhiều người dân Campuchia không còn cảm thấy phải trung thành với lá cờ của nước Pháp nữa, ông nói thêm ngay bản thân ông trước đấy đã từng trung thành với Pháp. Kể từ đó, Sihanouk sang Canada, Hoa Kỳ và Nhật để nêu lên vấn đề tương lai của nước ông và bày tỏ sự bất mãn về việc Pháp không thực sự muốn nới lỏng sự kìm kẹp của họ.
Trong chuyến trở về, Sihanouk đã công khai đòi hỏi quyền độc lập. Trong một lần tỏ thái độ cương quyết, ông đã sang sống lưu vong ở Thái Lan và từ chối không chịu giao thiệp với các quan chức Pháp. Vào tháng 6 năm 1953, ông tuyên bố mởi một cuộc vận động lớn của hoàng gia để đòi hỏi độc lập. Pháp đang phải chống trả quyết liệt trong cuộc chiến ở Việt Nam, nên không muốn mạo hiểm thêm một cuộc chiến khác nữa ở Campuchia và rốt cuộc đã chịu nhượng bộ công nhận nền độc lập của Campuchia vào tháng 11 năm 1953. Cuộc vận động bất bạo lực của Sihanok đã thắng lợi. Từ đó trở đi, ông mường tượng mình như Mahatma Gandhi, chỉ trước đó một vài năm, ông đã giành được độc lập cho Ấn Độ từ tay người Anh bằng cách đấu tranh bất bạo động. Sau này, một công viên được xây dựng ở trung tâm Phnom Penh với tượng bán thân nổi bật của Mahatma Gandhi,
Sau đó, Sihanouk càng lao sâu vào hoạt động chính trị. Ông thoái vị vì nghe theo cha mình, Norodom Suramarit vào tháng 3 năm 1955 để theo đuổi các vấn đề chính trị đầy tham vọng một cách công khai. Ngay tháng kế tiếp, Sihanouk đã lập đảng phái chính trị mới của ông, Đảng Sangkum Reastr Nyum, đánh dấu sự khởi đầu kỷ nguyên Sangkum, một thời kỳ sung túc, nông dân báo cáo các vụ mùa bội thu và đích thân Sihanouk đặt ra các nền móng cho ngành kỹ nghệ.
Nhưng Sihanouk đưa chủ nghĩa dân tộc của ông đi quá xa và tạo ra hàng loạt các sai lầm sâu sắc, đả đẩy chính ông và đất nươc của ông vào một chiều hướng xung đột với Hoa Kỳ. Sai lầm lớn nhất của Sihanouk ( theo nhận định của Mỹ) là công khai ủng hộ quân Việt Minh của Hồ Chí Minh đang chiến đấu với quân Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Sihanouk để cho Việt Minh tạo hành lang đi qua Campuchia trên con đường được gọi là “ đường mòn Hồ Chí Minh”. Chính phủ Mỹ không tán thành chiến lược như vậy để phá hoại các nỗ lực trong cuộc chiến của họ ở Việt Nam, hơn nữa điều đó còn gây trở ngại cho các nhóm chính khách Campuchia có ảnh hưởng đang phát triển mối quan hệ thân cận với Washington. Khuynh hướng chống phương Tây của Sihanouk đã trở nên quá rõ ràng khi ông cắt đứt quan hệ ngoại giao với hai liên minh mạnh nhất ở châu Á của Mỹ - Thái Lan ( năm 1961 ) và miền Nam Việt Nam (1963). Ba tháng sau khi cắt đứt quan hệ với miền Nam Việt Nam, Sihanouk lại phạm một sai lầm khác do từ chối nhận viện trợ của Mỹ vào tháng 11, và tiếp tục viết các bài xã luận chống Mỹ kịch liệt trên các tờ báo dưới quyền quản lý của ông, chẳng hạn như, Kambuja Monthly Illustrated Review, diễn đạt ý kiến đối lập hùng hồn ủng hộ thái độ trung lập của quốc gia ông. Vào năm 1964, quân Mỹ và quân đội miền Nam Việt Nam đã phát động các cuộc tấn công vào các làng mạc của Campuchia, kết quả là các mối quan hệ ngoại giao của Campuchia với Mỹ đã hoàn toàn đổ vỡ vào tháng 5 năm 1965, và thái độ trung lập bị đánh tơi tả. Vào năm 1969, Mỹ bắt đầu bí mật ném bom xuống các nơi bị nghi ngờ có bộ đội Việt Nam ẩn náu bên trong đất Campuchia.
Trước thảm cảnh của hàng ngàn người dân Campuchia bị chết trong các cuộc tấn công bằng bom của Mỹ, Sihanouk lại đi Pháp cho kỳ nghỉ hàng năm vào tháng giêng năm 1970. Vào lúc bấy giờ, các cố vấn chính trị của ông ở Campuchia, chẳng hạn như, Sisiwath Sirik Matak đã bắt đầu âm mưu chống lại ông. Nắm được thời cơ không có mặt của Sihanouk, Matak và một vài sĩ quan đã đến nhà của Thủ tướng Lon Nol ở tại khu tập bắn súng lục, buộc ông phải ủng hộ cuộc bỏ phiếu ở Quốc hội để lật đổ Sihanouk vào ngày hôm sau. Cuộc đảo chính được phát động đâu vào đấy giống như bộ máy đồng hồ vào ngày 18 tháng 3. Quốc hội đã biểu quyết để truất phế Sihanouk, hoàn toàn nhất trí là họ không còn đủ tín nhiệm vào sự điều hành đất nước của ông nữa. Lon Nol vẫn còn giữ chức Thủ tướng, với Matak là phó Thủ tướng. Chính phủ cộng hòa mới ngay lập tức giành được sự công nhận và trợ giúp tài chính từ Washington. Còn Sihanouk sống lưu vong trong một dinh thự ở Bắc Kinh.
Vào thời điểm này, phong trào cộng sản hừng hục dấy lên ở vùng nông thôn. Phong trào này được Saloth Sar lãnh đạo, một trí thức học ở Pháp, sau này lấy tên là Pol Pot. Ông đoạt được học bổng sang Paris học ngành vô tuyến điện, nhưng đã bỏ bê việc học hành và được cho là đã tham gia vào Đảng Cộng sản Pháp. Chẳng bao lâu, ông và các thanh niên cộng sản người Khome khác bắt đầu nhận thức được chế độ quân chủ tuyệt đối của Sihanouk như một chế độ độc tài. Saloth Sar viết một bài báo gây tranh luận để kêu gọi trừ khử chế độ quân chủ ấy. Sihanouk hết sức tức giận và ông đã cắt hết ngân quỹ học bổng. Năm 1953, Saloth Sar trở về Phnom Penh để gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương, và đảm trách Đảng cách mạng Nhân dân Khơme vừa mới ra đời. Cơn giận day dứt khôn nguôi trong tâm hồn của ông là sự có mặt của người Pháp, sự thống trị của Mỹ và chủ nghĩa độc tài của Sihanouk. Campuchiaảnh sát của Sihanouk đã phát động chiến dịch khủng bổ chống lại người cộng sản, những người mà Sihanok gán cho cái tên bằng tiếng Pháp một cách nhạo báng là “ Khmers Rouges” hoặc Khơme Đỏ. Sau đó, Pol Pot thấy được nguồn cảm hứng chủ nghĩa cộng sản theo kiểu Mao Trạch Đông, và tìm cách tạo khuôn mẫu chủ nghĩa Mao ở Campuchia qua việc đấu tranh giai cấp và cải cách ruộng đất. Trước khi Sihanouk bị lật đổ, thì ảnh hưởng của Khơme Đỏ đã lan rộng ra khắp mọi vùng thôn quê rộng lớn.
Chế độ cộng hòa mới của Khơme bắt đầu có các mối quan hệ ngoại giao với Thái Lan và Sài Gòn vào tháng 5 năm 1970. Sihanouk hô hào ủng hộ các người lãnh đạo Khơme Đỏ, Pol Pot và Khieu Samphan lật đổ chế độ Lon Nol để khôi phục cho mình vai trò cai trị mà ông cho là hợp pháp. Vào tháng 4 năm 1973, Sihanouk thăm các vùng do Khơme Đỏ kiểm soát, họ chống lại các lực lượng của Lon Nol ở nhiều mặt trận. Để phòng trước trường hợp Khơme Đỏ tiến công vào Phnom Penh, tòa đại sứ Mỹ đã vội vàng đóng cửa vào ngày 12 tháng 4 năm 1975.
Khơme Đỏ tiến vào Phnom Penh vào ngày 17 tháng 4 năm 1975. Các cuộc thảm sát bắt đầu diễn ra vào ngày đầu tiên và hầu như đã tiếp tục xảy ra trong bốn năm. Vào lúc kết thúc chế độ này, tổng số người thiệt mạng được ước t ính vào khoảng 1,7 triệu người dân vô tội Campuchia, họ đã bị tra tấn và bỏ đói cho đến chết. Khơme Đỏ cho phép Sihanouk trở lại Phnom Penh vào tháng 12 năm 1975, nơi ông hầu như bị giam hãm bên dưới cung điện và chẳng hay biết các người bạn Khơme Đỏ của ông đã di tản dân ra khỏi các thành phố, cấm tiêu tiền và biến đất nước thành trại tập trung.
Trong một bầu không khí pháp lý không còn hiệu lực như vậy, người dân Campuchia tiêu diệt lẫn nhau. Hun Sen đã trưởng thành. Ông không thể trả ơn cho sự giáo dục của mình, cho công ơn cha mẹ đã gửi ông tới trường ở Phnom Penh. Đứa trẻ ấy vốn là người ngưỡng mộ nồng nhiệt Sihanouk và quặn đau khi ông bị cuộc đảo chính lật đổ. Khi Sihanouk kêu gọi người dân trong nước của ông vào năm 1972 đứng lên tham gia vào phong trào lật đổ Lon Nol, Hun Sen đã hưởng ứng. Ông bỏ học và vào rừng để gia nhập Khơme Đỏ, ông không biết rõ được dã tâm giết người của họ. Cuối cùng, Hun Sen đã bỏ hàng ngũ Khơme Đỏ vào năm 1977 và chạy sang Việt Nam, nơi mới đầu ông đã bị bắt giam. Sau này, ông đã tìm kiếm được sự giúp đỡ của Việt Nam chống lại Pol Pot, một chế độ dã man đã bị sụp đổ vào năm 1979.
Cuốn sách này chứa đựng những tình tiết chưa được nói ra về Hun Sen. Nó cũng là quyển truyện về đất nước không chịu nổi chính sách ngoại giao theo tư tưởng thiển cân của Sihanouk và đời sống chính trị thời Chiến tranh Lạnh để kết hợp lại tạo ra những tình thế, trước hết để Khơme Đỏ lên nắm chính quyền và sau đó từ hoàn cảnh ít người biết đến một nhân vật có ảnh hưởng lớn như Hun Sen nổi lên đánh bại hoàn toàn chế độ diệt chủng và nắm quyền kiểm soát đất nước đã bị chiến tranh tàn phá.
Với đường lối sâu sát cứng rắn của Hun Sen, đất nước dần dần từng bước đã trở nên ổn định, các nhà đầu tư cho biết trước đây chưa bao giờ có được sự tin tưởng cao đến như vậy trong làm ăn kinh doanh. Khi những sự đồi bại của tệ tham nhũng và tội ác cũ tỏ ra khó loại bỏ, Hun Sen đã cảnh báo với những người trong đảng của ông phải thay đổi lề lối của họ nếu không sẽ có nguy cơ bị khai trừ. Rõ ràng Hun Sen đã kiên quyết xây dựng một đất nước Campuchia phồn thịnh về phương diện kinh tế. Trớ trêu thay, các con người gây trở ngại ghê gớm nhất cho tầm nhìn của ông lại chính là các chính khách có ảnh hưởng và những người làm việc trong cơ quan nhà nước đầy quyền lực nằm trong chính phủ của ông.