Một thành viên gia đình nhận định « Khẩu vị của ông rất dễ biết, ông có thể nói ngay nếu đó là món Bun Rany đã nấu ».
Các thực đơn của bà không có gì phức tạp. Bữa sáng lúc nào cũng có cơm cá chiên và nước mắm sạch với một ly cà phê đen. Bữa trưa và bữa tối, ông ăn món măng xào thịt heo hoặc chuối xanh nấu mắm bò hóc. Trái cây ưa thích của ông là nhãn. Vào các buổi tối, ông thích dùng hai ly cô nhắc Hennessy pha với cô ca.
Bun Rany đã thuê một vài người nấu ăn tại tư dinh thủ tướng. Các đầu bếp này chuẩn bị sẵn nguyên liệu và chờ bà đến nhà bếp, rồi họ nấu các món ăn nhanh chóng. Gia đình Hun Sen không thích dùng đường nêm chung với muối, không giống người Thái thích pha trộn hai gia vị này, như nêm đầy muỗng đường cho món mì sa tế.
Điều gây khó chịu nhất trong gia đình là vấn đề hút thuốc của Hun Sen. Một ngày ông hút 40 điếu từ thời còn là du kích và thấy không có lý do gì phải bỏ. Các con của ông đã cố khuyên ông bỏ thuốc. Ông đã nhiều lần tự đặt ra cho mình thời hạn bỏ hút thuốc, nhưng lần nào cũng thất bại.
Em rể của ông, Nim Chandara nói « Một điếu ông chỉ bập một vài hơi. Cùng lắm mỗi điếu, ông chỉ hút bốn năm hơi, rồi để cho nó cháy hết ».
Một thứ nghiện khác là bạn bè cũ. Tình cảm trung thành với những người đã ủng hộ mình vào thời du kích vẫn còn sâu đậm trong ông. Đôi khi điều đó đã làm ảnh hưởng đến đời sống riêng tư. Thời ở trong rừng, ông đã được nhiều người ưa thích đến nỗi nhiều bà mẹ đã coi ông như là con trai của họ, nhiều phụ nữ trẻ xem ông như người anh. Khi đám đông các bà mẹ và em gái nuôi bắt đầu kéo đến nhà của ông ở Takhmau, Hun Sen đã chào hỏi họ thật nồng nhiệt, trao đổi với nhau các câu chuyện cũ và chia sẽ thức ăn, thuốc lá. Nhưng Bun Rany cảm thấy hàng đoàn khách đến thăm đang xâm lấn đến cuộc sống riêng tư của họ, và cảm thấy không còn thời gian đâu dành cho gia đình. Bà đã phản đối Hun Sen về chuyện này, nhưng ông đã nói với bà là ông không thể quay lưng lại với những người mà ông đã tin cậy vào những năm tháng còn là du kích. Đôi khi có lúc nhà ông đầy khách khữa, Hun Sen phải nói với Bun Rany gửi con sang nhà chị ông, Hun Sinath chơi để khỏi quấy rầy họ.
Bun Rany và Hun Sen cố giữ cuộc sống gia đình bình thường để những đứa con có thể được về thăm nhà mỗi kỳ nghỉ lễ ; rồi chúng phải rời nhà để trở lại trường học.
Bà kể « Anh ấy rất nhẹ nhàng với con cái. Khi còn bé, chúng kéo nhau vào giường của anh ấy, anh ấy bò lòng vòng cho chúng cưỡi lên lưng ».
Những người con ấy lúc nào cũng lo lắng về sự an toàn của cha họ.
Bà nói « Chúng thường hay buồn khi anh ấy đi công tác nước ngoài. Nhất là lúc còn nhỏ, chúng thường bị bệnh khi anh ấy không có ở nhà ».
Gia đình họ đánh giá cao sự gần gũi sau nhiều năm họ phải chịu sự xa cách.
Bà kể « Bọn trẻ không chịu ở trong một phòng riêng khi chúng còn nhỏ. Chúng thường đến ngủ chung với chúng tôi. Chỉ khi chúng lớn lên đứa nào cũng có phòng riêng mới thôi. Thực sự cho đến bây giờ ba đứa nhỏ hơn vẫn còn thích nhảy vào giường của chúng tôi ».
Nhưng Bun Rany là người có đầu óc thực tế về việc giáo dục con cái nên đã có phương pháp kỷ luật thích hợp.
Bà nói « Cả hai chúng tôi khi cần thiết cũng phải dùng đến roi. Nhưng khá may cho chúng tôi vì chúng là những đứa trẻ hầu như luôn biết vâng lời ».
« Chúng được gửi đi học khá sớm – khi ấy chúng mới được 5 tuổi. Thực sự chúng không biết cách giao du với những đứa trẻ khác ; vì ở gia đình, chúng đã phải theo nề nếp kỷ luật khá sớm ».
Bà nói « Tôi chỉ phải gọi về có một lần khi cha chúng gặp Manet va Manit, lúc ấy chúng đang đi với nhau. Nói chung, chúng tôi chỉ cần hướng dẫn chúng nghe theo và không bao giờ phải thực sự la rầy chúng ».
Những năm tháng phải chịu khổ sở cùng với đứa con đầu tiên còn sống qua được cái cảnh ấy, Hun Manet, đã có mối liên kết không thể tách rời giữa mẹ và con.
Người mẹ tỏ vẻ tự hào nói « Hun Manet lúc nào cũng đứng đầu lớp hoặc trong trường hợp kém nhất cũng phải đứng thứ hai hoặc thứ ba. Khi còn bé cậu ta đã phải tự đi học ».
Bà kể « Hun Manet là đứa bé thật lạ. Cháu là đứa duy nhất trong các con tôi đã phải khóc khi tôi cho cháu cái áo sơ mi mới ».
Cậu bé bật lên khóc, vì cậu ta thấy cha mẹ cậu đã phải chịu khổ sở quá nhiều. Cậu bé đã chia sẻ nỗi đau khổ của họ. Một đứa con có quyết tâm, Manet đã ngạc nhiên thấy ngoài công việc quá bề bộn thường xuyên mà cha mẹ cậu còn chịu học thêm tin học và tiếng Thái.
Bà nói « Manet không bao giờ đi dự tiệc tùng hoặc xin chúng tôi tiền vào bất cứ lúc nào. Trước khi đi New York, cháu đã thi ở Campuchia và đứng đầu về môn toán ».
Hun Sen tự hào về Manet, anh đã nhận được tài trợ đi học tại Học viện Quân sự ở tiểu bang New York ở Mỹ vào giữa thập niên 1990. Manet đã tốt nghiệp Học viện này vào tháng 5 năm 1999. Hun Sen sung sướng bay sang Mỹ để dự buổi lễ tốt nghiệp này.
Thanh minh cho tình thương hết sức đặc biệt của bà, Bun Rany nói « Cuộc sống thật khổ cực đối với Manet, khi tôi mang thai cháu, chúng tôi chỉ có cháo ăn với cá xay. Hầu như chúng tôi không có được các thứ xa xỉ như rau củ hoặc thịt. Tôi cảm thấy hết sức xót xa cho cháu. Tôi yêu thương các con như nhau, nhưng tôi cảm thấy có mối liên kết đặc biệt với cháu vì những gì chúng tôi đã phải chia sẻ với nhau ».
Sự nghiệp chính trị của Hun Sen đã chiếm mất nhiều thời gian mà gia đình họ có thể dành cho nhau.
Bá nói « Chúng tôi không có nhiều thời gian để thực sự gần gũi được với các con, nhưng các cháu đã trở thành những đứa con ngoan ».
Nhưng bà bận tâm đến cô con gái Maly, cô đã học ở Singapore.
« Thỉnh thoảng tôi vẫn phải lo lắng về đứa con gái, vì cháu không sống chung với tôi. Và tôi biết cháu phải chịu sự giám sát chặt chẽ từ bác của cháu, người giữ kỷ luật còn nghiêm hơn tôi ».
Người phụ nữ đã thoát chết khỏi bàn tay đồ tể Khơme Đỏ nói « Tôi nghĩ chúng tôi đã may mắn dù đã bị chia cách và trải qua không biết bao gay cấn, nhưng gia đình chúng tôi còn nguyên vẹn và khá hạnh phúc ».
Gia đình anh chị em Hun Sen đã có được nhiều vận may. Em của ông, Hun San là Giám đốc Công ty Vận tải trong Bộ Truyền thông từ năm 1979 tới đầu thập niên 1990, khi ấy ông gặp một tai nạn giao thông nghiêm trọng. Hun San là một người say mê mô tô, ông thích chạy mô tô đường dài. Đang điều khiển xe trong thành phố, ông bị một chiếc ô tô đụng phải. Ông bị thương nặng vào đầu và không thể làm việc được nữa.
Em gái của Hun Sen, Sengny đã kết hôn với Meas Sovanndy, làm phó Giám đốc ở Sở Công an Biên phòng. Sovanndy ban đầu đã làm tài xế cho Nhek Huon, là một trong bốn người đã trốn sang Việt Nam cùng với Hun Sen vào năm 1977.
Một người em gái khác, Sinath đã kết hôn với Nim Chandara, là phó Giám đốc trong Bộ Nội vụ và phụ trách Cục Cảnh vệ. Và cô em gái út, Thoeun đã tái hôn sau khi người chồng trước chết. Người chồng kế của cô, Keo Sokleng làm Chánh Văn phòng trong Cục Công an kinh tế.
Cha Hun Sen, Hun Neang rất yêu thương người con trai của ông, nhưng đôi khi họ cũng có những sự khác biệt. Trong hàng mấy năm, Hun Neang đã làm việc vất vả để xây dựng một trường trung học ở vùng nông thôn, nhưng ông đã phải thất vọng khi Hun Sen đề nghị ông là ngôi trường ấy sẽ phải đặt theo tên của nhà vua Khơme. Hun Neang đã phản đối, nói rằng ông đã phải bỏ nhiều công sức vào ngôi trường này. Hun Sen không đề cập tới vấn đề ấy trong mấy tuần lễ. Khi Hun Sen vẫn cứ nhất quyết, Hun Neang đã phải xuống nước và cuối cùng, ngôi trường đã được đặt theo tên Sihanouk. Một thành viên gia đình cho biết Hun Neang không vui với quyết định của con trai ông.
CÔ EM GÁI VÀ NGƯỜI CHỒNG
Nằm gọn gàng xinh xắn ở giữa các cánh đồng của huyện Stung Trang ở tỉnh Kompong Cham là một ngôi làng nhỏ bé Peam Koh Sna, nơi Hun Sen sinh ra. Nó cũng là nơi sinh của người em gái ông, Hun Sinath. Một thiếu nữ tỏ ra gan dạ đã say mê học tập như cá gặp nước, nhưng con đường học vấn của cô đã bị ngăn trở bởi cuộc nội chiến.
Cô đã gia nhập du kích được Khơme Đỏ lãnh đạo vào năm 1971. Cô đã được phân công làm y tá trong một bệnh viện cùng địa bàn, nơi sau này Hun Sen làm Chỉ huy trưởng trung đoàn du kích. Đơn vị quân y của cô theo sau các lực lượng chiến đấu của Hun Sen khi họ triển khai để bắt đầu giao chiến với quân của Lon Nol. Hai anh em đã ở gần nhau trong giai đoạn gay cấn này.
Angkar của Khơme Đỏ đã bắt cô ngay sau khi Hun Sen trốn sang Việt Nam. Cô bị cưỡng bức lao động chân tay nặng nhọc. Các giám thị trại đã chỉ vào mặt cô quát nạt và làm cho cô mất tinh thần bằng cách gọi cô là kẻ thù. Họ nói với vẻ tố cáo là anh cô là người lai căng Việt Nam.
Còn ở Việt Nam, Hun Sen đã lo lắng cho gia đình ông, và ông dự tính một cuộc tìm kiếm bí mật để giải cứu. Vào cuối năm 1977, ông dẫn đầu một toán quân đặc biệt từ Việt Nam về ngôi nhà của gia đình ở Kompong Cham, nhưng ông không biết rõ gia đình mình đang ở đâu.
Nim Chandara, người sau này đã cưới Hun Sinath kể « Khi không tìm được ai, ông đã đốt ngôi nhà. Ông nghĩ là chẳng ai còn sống. Dường như là ông đã thiêu rụi ngôi nhà này để nó khỏi phải rơi vào tay quân thù của ông ».
Không xa Kompong Cham, cậu bé Nim Chandara đã lớn lên trong một gia đình có học thức. Cậu sinh ra ở tỉnh Takeo, nơi cha cậu là một giáo viên. Khi lên 11 tuổi, cha cậu dọn về tỉnh Svay Rieng gần biên giới Việt Nam. Sau này, gia đình quyết định rời khỏi tỉnh này, vì ở đó thiếu trường lớp. Họ chuyển đến Phnom Penh để con cái có thể học trung học và lên đại học.
Chandara đã học khoa y ở Phnom Penh và học xong năm thứ hai y khoa vào năm 1975. Trong những năm tháng Pol Pot gây kinh hoàng, gia đình buộc phải trở về tỉnh Takeo. Cha cậu và người anh của ông là một bác sĩ đã bị Khơme Đỏ giết năm 1977.
Sau giải phóng, Chandara ở lại Svay Rieng, nơi cậu có nhiều bạn tốt và những ký ức hạnh phúc. Nhưng những người bạn của cậu ở thành phố rủ cậu trở về Phnom Penh. Cậu đã quay về và gia nhập tiểu đoàn 6 vào tháng giêng năm 1979.
Vào ngày 2 tháng 2 năm 1979, cuộc đời của cậu đã đột ngột thay đổi khi Hun Sen đến thăm đơn vị của cậu và yêu cầu học bạ của tất cả chiến sĩ phải được trình cho ông. Lúc xem các chứng chỉ của Chandara, ông đã nhận ra cậu là một người có trình độ học vấn cao và ngay lập tức đưa cậu ra khỏi đơn vị. Chandara được giao một công việc mới là tài xế và vệ sĩ đặc biệt cho Meas Sovannday, một quan chức chính phủ đã kết hôn với em gái của Hun Sen, Sengny.
Vào thời điểm ấy, Hun Sen sống một mình trong ngôi nhà mới của ông tại Đài Kỷ niệm Độc lập ở Phnom Penh. Gia đình ông vẫn còn đang bị thất lạc. Ông đã yêu cầu Chandara và một nhóm lính đi tìm cha mẹ ông và các cô em gái, Sinath, Thoeun và Sengny.
Chandara kể « Mới đầu, chúng tôi tìm thấy cha ông và Sinath ở Stung Trang. Khó khăn ở chỗ mọi người đều đã bị ly tán. Sau đó chúng tôi tìm được Thoeun và Sengny, và cuối cùng chúng tôi đã tìm thấy vợ ông, Bun Rany ».
Cha mẹ của Hun Sen đã ẩn nấp và che giấu danh tính của họ.
Chandara nói « Ông rất nhanh trí và giữ kín danh tính của mình. Mẹ của Hun Sen cũng rất lanh lợi. Bà quen biết nhiều người theo đạo Hồi và người Hoa. Bà cũng ở vùng Stung Trang, nhưng sống tách biệt nhau”.
Em của Hun Sen, Hun San, người bị Khơme Đỏ cưỡng bức đi xây dựng nhà cửa ở Kompong Cham. Và em gái Sengny phải đi may quần áo cho Khơme Đỏ cũng ở tỉnh này.
Sau giải phóng, cuối cùng qua thập niên 1980, Sinath đã học xong và tiếp tục say mê văn hóa và tiếng Thái.
Chandara rất chịu khó làm việc cho Hun Sen, người đã ngày càng tin cậy cậu.Bất ngờ vào năm 1979, ông nhờ các quan chức của Bộ ngoại giao đứng ra thu xếp cuộc hôn nhân của Chandara với em gái ông, Sinath.
Chandara nói thêm “Vào ngày 3 tháng 4 năm 1979, Hun Sen đã yêu cầu chúng tôi thành hôn với nhau và chúng tôi đã kết hôn vào ngày 9 tháng 4, chỉ 6 ngày sau”.
Ông đã cử Chandara sang Đức. Cậu học tiếng Đức trong một năm. Chandara đã học tập rất tốt, nhưng cậu cho Hun Sen biết mình không muốn trở thành một nhà ngoại giao.
Cậu nói « Tôi đã nói với ông ta là tôi muốn trở thành một phi công ».
Sau khi ở Đức về, Chandara làm việc ở Bộ Ngoại giao trong một thời gian ngắn trước khi chuyển sang Cục Di Trú thuộc Bộ Nội vụ, nơi ông giúp Hun Sen về công việc an ninh. Chẳng bao lâu sau, vào tháng 7 năm 1994, Chakrapong mưu đồ cuộc đảo chính không thành công, Hun Sen đã thuyên chuyển Chandara sang Cục Cảnh vệ, một đơn vị tinh nhuệ chuyên bảo vệ an ninh cho các nhà lãnh đạo Campuchia.
MỐI QUAN HỆ TÌNH BẠN BỊ VẨN ĐỤC
Sau khi Hun Sen trở thành Thủ tướng của Nhà nước Campuchia, ông bắt đầu củng cố thế lực bằng cách bổ nhiệm những người trung thành vào các chức vụ của chính quyền trong quá trinh tạo thành một mạng lưới ủng hộ rộng lớn. Một trong số họ là Ung Phan, đã được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Vận tải, Truyền thông và Bưu chính.
Nhưng Ung Phan dần trở nên có nhiều tham vọng và cố thành lập một chính đảng của riêng ông như là một người thách thức Đảng Cách mạng nhân dân Campuchia (KPRP) đang cầm quyền. Ông đã bị khai trừ khỏi KPRP và bị giam 17 tháng ở trại giam khét tiếng T-3 của Phnom Penh vào tháng 5 năm 1990, vì đã thành lập một tổ chức bí mật trong khi vẫn là một thành viên của Đảng cầm quyền.
Vào ngày 31 tháng 7 năm 1990, chính phủ công bố trên đài phát thanh một bản tin choáng váng « Ủy ban Trung ương Đảng đã quyết định khai trừ Ung Phan khỏi Ủy ban Trung ương Đảng và khỏi Đảng, vì ông ta đã phản bội Đảng và các sứ mênh lịch sử của dân tộc ». Họ nói thêm là các hoạt động của ông đã gây ra sự chia rẽ trong các lực lượng vũ trang chiến đấu chống phe Khơme Đỏ vốn đang đóng dọc biên giới Thái để chống chính phủ. Việc khai trừ này được đưa ra tại cuộc họp của Ủy ban Trung ương, gồm 65 thành viên, tổ chức từ ngày 23 đến 30 tháng 7. Cùng với Ung Phan, ít nhất 5 quan chức chính phủ và quân đội cũng bị bắt vì cố thành lập một đảng tách riêng có khuynh hướng dân chủ. Buổi phát thanh này cũng cho biết thêm là Nhà nước đã chặn đứng một âm mưu đảo chính, nhưng không xác định các kẻ chủ mưu. Hiến pháp cho phép tự do thành lập hội đoàn, nhưng đã tuyên bố Đảng Cộng sản là lực lượng đứng đầu trong quốc gia.
Sau khi Ung Phan được thả, Hun Sen vẫn còn xem ông như là một người bạn và tha thứ cho ông. Vào đầu năm 1992, Hun Sen đã tặng cho Ung Phan một chiếc ô tô Toyota Crown hạng sang màu bạc.
Nhưng Ung Phan đã lặng lẽ từ chối và còn đưa ra một sự thử thách khác cho chính phủ. Vào thời điểm này, bầu chính trị trong nước đã thay đổi rất nhiều: Nhà nước độc đảng cứng rắn dần được thay thế bằng một hệ thống đa đảng. Hệ thống chính trị dân chủ - tự do mới đang được Phái bộ chuyển tiếp của Liên Hiệp Quốc ở Campuchia (UNTAC) gây dựng, một cơ quan đã được ủy nhiệm tổ chức cuộc bầu cử trước một bức màn đang gia tăng các vụ án mạng gây hoang mang bởi những kẻ ám sát vô danh tánh.
Với suy nghĩ sai lầm là cuối cùng rồi nền dân chủ sẽ bám rể, Ung Phan dám mạnh miệng loan báo việc thành lập một đoàn thể độc lập đầu tiên của Campuchia để bảo vệ nhân quyền. Nhưng một người có quyền lực nào đó đã không thích những gì ông đang làm, và ông đã bị bắn vào cổ và vai ba phát bởi các tay súng không rõ danh tánh khi ông lái xe cùng với một bé trai con của ông trong chiếc ô tô hạng sang màu bạc từ Takhmau tới Phnom Penh vào tháng giêng năm 1992.
Các phát đạn suýt nữa đã trúng phải đứa bé, còn Ung Phan bị thương nặng đã được gấp rút đưa vào một bệnh viện địa phương, nơi ông đã từ từ hồi phục. Bác sĩ mổ cho Ung Phan cho biết, bệnh nhân của ông đã nói với ông rằng ông ta không qui trách nhiệm vụ ám sát cho chính phủ. Nhưng các mối nghi ngờ vẫn còn cho là một người nào đó trong chính phủ hoặc thân cận với chính phủ đã đứng sau vụ ám sát này.
Sau khi được cho xuất viện, Ung Phan đã được Hun Sen cho bảo vệ cẩn mật. Khi Hun Sen cảm thông, đã đưa Ung Phan, 41 tuổi, đã bị thất kinh bát đảo đến dinh thự của ông ở Phnom Penh, ông đã bị một số đảng viên của ông chỉ trích là giúp đỡ một người đã phản bội đảng.
Sau đó, không thể kiềm chế được nỗi căm phẫn, Ung Phan đã gia nhập các lực lượng Đảng Funcipec của Ranariddh, một hành động đă cắt đứt các mối liên hệ của ông với Hun Sen và đảng đang cầm quyền. Ông đã được bổ nhiệm làm phó Thủ tướng khi chính phủ liên hiệp lâm thời được thành lập vào tháng 6 năm 1993, ông đi Malaysia và Singapore để kêu gọi đầu tư. Nhưng mối giao hảo mặn mà của Ung Phan với Thủ tướng thứ nhất Ranariddh đã kết thúc vào tháng 4 năm 1997, khi ông vạch trần sự bất tài của Ranariddh và cho rằng ông ta không đủ năng lực lãnh đạo Đảng Funcipec hoặc đất nước. Đảng CPP của Hun Sen nhanh chóng chộp ngay lấy thời cơ để bất ngờ tấn công Ranariddh, bằng cách nói rằng họ ủng hộ lời tuyên bố của Ung Phan nhằm bãi miễn Ranariddh. Sự kiện này xảy ra đã khơi mào một cuộc xung đột công khai giữa hai phe phái liên hiệp chính, Funcipec và CPP.
Nhưng Ung Phan vẫn ngưỡng mộ và đáng giá cao Hun Sen, ông cố chứng tỏ sự trung thành của mình bằng cách cung cấp cho những thông tin quan trọng về một âm mưu ám sát Hun Sen, vốn do Bộ trưởng Ngoại giao, Hoàng tử Norodom Sirivudh ngấm ngầm mưu tính vào năm 1995. Cuối cùng, Ung Phan đã ra khỏi đảng Funcipec vào tháng 4 năm 1997.
Rõ ràng là Ung Phan đã dần trở nên thân cận với Hun Sen, và Đảng CPP đang dùng ông làm công cụ để chia rẽ các nhà lãnh đạo Funcipec vốn hay dễ bất bình. Ung Phan đóng vai trò then chốt trong việc chuẩn bị vụ kiện của chính phủ chống lại Hoàng tử Sirivudh, người đã bị kết tội âm mưu ám sát Hun Sen. Khi vụ kiện Sirivudh được lắng nghe và xét xử ở tòa án Phnom Penh, một bằng chứng quan trọng nhất chống lại vị Hoàng tử này đã được Ung Phan cung cấp, trong đó ông khẳng định Sirivudh đã nói với ông là ông ta sẽ giết Hun Sen.
Vào thời điểm này, Ung Phan đã bất hòa với Ranariddh. Ông đã buộc tội Ranariddh xúi giục gây mất ổn định bằng cách chỉ đạo Đảng Funcipec giành được sự cân bằng quân sự với Đảng CPP, và thành lập liên minh Mặt trận dân tộc do Funcipec đứng đầu trước cuộc tổng tuyển cử, được xem là một cuộc đảo chính không chính thức.
Theo người em rể của Hun Sen, Nim Chandara, Ung Phan và Hun Sen vẫn còn là những người bạn tốt. Năm 1995, bộ đôi này đã xây dựng một trường học ở tỉnh Svay Rieng, được gọi tên là « Trường Trung học Hun Sen - Ung Phan ».
Nim Chandara nói « Hun Sen là một người rất dễ tha thứ. Ông có một trái tim rộng lượng và hay mủi lòng ».