Các tờ giấy bạc được in ở Moscow, và cứ hai tháng một lần, chúng được chở bằng máy bay tới Campuchia. Chính phủ Phnom Penh không có các nhà máy in tiền. Việc trao đổi bằng tiền mặt đã giúp chính phủ vượt qua được tình trạng bị cô lập cho tới đầu thập niên 1990. Chính phủ Liên Xô cung cấp bổ sung nguồn tiền vào lưu hành và duy trì hệ thống tiền tệ.
Tiền tệ nhanh chóng được bơm vào thị trường như nguồn nhiên liệu còn mới nguyên cho ngọn lửa gây lạm phát. Michael Ward, một viên chức của Ngân hàng Thế giới đặt ở Campuchia, là thành viên của Phái bộ Chuyển tiếp của Liên Hiệp Quốc ở Campuchia (UNTAC) cho biết « Tình trạng chính phủ thiếu hụt tiền tăng lên, thì họ in thêm tiền ».
Nhà nước chỉ in tiền để cấp cho ngân sách, như nhiều chính phủ đã thực hiện, sẽ làm cho tình trạng lạm phát tăng vọt lên gấp ba lần. Ông Ward nói « Chính phủ không những in tiền, mà Khơme Đỏ cũng phát hành các phiếu mua hàng được sao chụp để đổi lấy tiền ở các vùng tây bắc do họ kiểm soát ».
Sau khi UNTAC đảm nhiệm các vấn đề tài chính của chính phủ Hun Sen, họ đã đề nghị Nhà nước ngưng in tiền của mình ở Liên Xô. Nhưng Phnom Penh không chịu thừa nhận việc họ cho chở tiền được in ở Liên Xô vào nước.
Bộ trưởng có liên quan đến vấn đề này đã lẩn tránh. Hoàng tử Norodom Chakrapong, con trai của Sihanouk, người gia nhập vào chính phủ của Hun Sen vào năm 1992 làm phó Thủ tướng phụ trách về hàng không dân sự đã phủ nhận tin đồn là UNTAC đã ngăn chặn việc tiền Riel ở Moscow được chở bằng máy bay đưa vào lưu hành ở Campuchia để kiểm soát lạm phát mà khi ấy nó đã tăng lên khoảng 150%.
Ông Chakrapng nói « Có nhiều lý do gây ra lạm phát bao gồm việc các nhân viên của UNTAC chi tiêu quá nhiều đã làm cho giá thực phẩm tăng vọt ».
Sau khi tồn tại qua được một vài năm mà không có biểu hiện cho thấy rõ sự khác biệt ở một nước không lưu hành tiền tệ - Khơme Đỏ đã cấm dùng tiền – Nhà nước bắt đầu cho lưu hành Riel vào năm 1980. Nhưng năm 1979, chính phủ mới đã không phát hành đủ tiền và phải trả lương cho cán bộ nhân viên nhà nước bằng hàng hóa – từ 16 tới 24 kg gạo mỗi tháng. Các cán bộ công nhân viên nhà nước được trả bằng nhu yếu phẩm với giá rất thấp. Mãi tới năm 1983, công chức mới bắt đầu được trả bằng tiền lương và năm 1988 đã tăng lương lên 6.600 riel để chiếu cố đến giá cả sinh hoạt mắc mỏ hơn. Các kho bạc nhà nước hết sạch tiền và những người chỉ đạo về tài chính không được đào tạo đã coi thường vấn đề và làm dối trá qua loa cho xong việc cũng đã góp phần vào việc gây cho tiền riel mất giá từ 4 riel đổi được 1 đô la lên 880 riel mới đổi được 1 đô la trong năm 1992, và đạt tới mức thấp kỷ lục, 5.000 riel đổi 1 đô la vào giữa năm 1993, trước khi khôi phục lại còn 2.500 riel đổi 1 đô la vào tháng 10 năm 1994. Với khoản chi phí có kể hoạch 186 tỷ riel (dưới 100 triệu đô la) trong năm 1992, và ngân sách thâm hụt 83 tỷ riel, chính phủ đã thực hiện hết sức cũng chưa thể phát triển đất nước được bao nhiêu.
Do việc rút các lực lượng bộ đội Việt Nam khỏi Campuchia vào năm 1989, và sự sụp đổ của Liên Xô sau đó không lâu, chính phủ Hun Sen bị Hà Nội từ chối ủng hộ quân sự trực tiếp và không còn nhận được nguồn viện trợ kinh tế của Moscow. Tình trạng đó gây cảnh túng quẫn khủng khiếp cho ngân sách, 80% ngân sách đã được rót vào các lực lượng vũ trang. Chính phủ không lấy đâu ra để có thể mua vũ khí hạng nặng vì thiếu ngân quỹ. Phần lớn ngân sách dành cho quốc phòng được chi vào tiền lương cho quân đội, một lý do hợp lý là: nếu quân đội không được trả lương thì nó sẽ trở đòn chống lại chính phủ và tệ hơn nữa, là tách ra thành một lực lượng cướp bóc có tổ chức.
Dân nghèo Campuchia sống trong âm thầm chịu đựng các chính sách kỳ quái của các nhà cai trị của họ. Đúng là một số sự kiện kỳ lạ xuất hiện dưới dạng hàng hóa bí mật là tiền được chở bằng máy bay từ Moscow đến, vì vậy có những lúc những điều lạ lẫm đã xảy ra trên các bờ của biển Hồ (Tonle Sap).
Các bờ sông màu nâu của con sông hùng vĩ nằm phơi mình ra khi mực nước rút xuống thấp vào mùa khô, để lại cá và thảm thực vật bị chết héo dưới ánh mặt trời quá chói chang. Một tài xế taxi chỉ tay vào một ngôi nhà lớn bỏ trống trền bờ sông ấy, nói « Đó là sòng bạc của Sihanouk. Bây giờ đã đóng cửa ».
Norodom Sihanouk, vị thiên tử, nhà làm phim, tay chơi kèn xắc xô, ca sĩ nhạc jazz, người ưa thích tiệc tùng, tác giả và là người có đầu óc quyền biến, đã đưa ra một kế hoạch kỳ quặc vào cuối thập niên 1960 để dựng lên một sòng bạc ở một đất nước nghèo nàn của ông. Bằng cách đó, ông cho là người dân của mình sẽ trở nên giàu có hơn và nhà nước sẽ kiếm được của trời cho. Vị hoàng thân này đã cho xây dựng một ngôi nhà theo kiểu Khơme trên bờ biển Hồ làm sòng bạc để bắt đầu hoạt động. Tiếng lách cách của các bàn cờ quay đã im bặt ngay vừa khi hoàng thân bị đảo chính vào năm 1970. Dù sao điều đó cũng gây ra sự hư hại một phần nào. Sòng bạc ấy đã làm cho hàng trăm người ở Phnom Penh trở thành bần cùng, họ không còn chịu nổi tâm trạng bị thua cay cú, khiến cho một số ít người phải đi đến chỗ tự tử. Hoàng thân đã khắc họa nên một hình tượng kỳ dị và hơi tinh nghịch.
Ngay sau khi những người Campuchia bắt đầu chơi bạc dữ dội, Sihanouk có ý tưởng khá hay về việc mở khách sạn 5 sao ở ngay bên sòng bạc tai hại ấy. Kế hoạch này của ông đã bị trả giá bằng cuộc đảo chính. Cuối cùng, đã phải chọn một công ty Singapore để biến giấc mơ của hoàng thân trở thành hiện thực. Một ngôi nhà cổ rất lớn trên bờ biển Hồ - Tonle Sap đã được hai thương gia Singapore và một người Hoa gốc Campuchia, có tên là Hui Keung cung cấp vật liệu mới để sửa sang lại, các thương gia này phải dành thời gian vừa làm việc ở Phnom Penh lẫn Hong Kong và đại diện cho một doanh nghiệp mới ra đời sau khi cộng đồng doanh nghiệp đã bị Khơme Đỏ triệt phá. Bộ ba này nằm trong số những người dám liều lĩnh ngay từ ban đầu. Họ đã đi đầu và đầu tư vốn để khôi phục khách sạn Cambodiana, bất chấp lệnh cấm vận đầu tư của chính phủ Singapore. Ngoài ra, họ còn coi thường các rủi ro tại nơi hoạt động và đã cam kết thực hiện dài hạn với một nước mà hầu hết các doanh nhâ đã không dám màng đến. Một khách sạn trông sang trọng được mở cửa vào tháng 6 năm 1990, cũng vào lúc Mỹ tăng cường thêm lệnh cấm vận mậu dịch chống lại Campuchia. Về phần họ, Singapore cấm các công ty nước này đầu tư vốn vào Campuchia, nhưng cho phép họ buôn bán trao đổi hàng hóa. Singapore không muốn các khoản đầu tư sẽ củng cố cho chính phủ Hun Sen được Việt Nam hậu thuẫn để chống lại các lực lượng kháng chiến của Sihanouk, nguyên Thủ tướng Son Sann và Khơme Đỏ. Sách lược nhằm duy trì Campuchia bị cô lập bao nhiêu nếu có thể, và làm cho chính phủ của Hun Sen bị người ta xem và cảm thấy như một nơi cùng khổ. Lệnh cấm vận dần dần đã gây kiệt quệ giống như diễn biến của các lệnh cấm vận đặt ra ở các nước khác mà họ phải đối phó, chủ yếu là Nam Phi.
Đó là thời điểm mà nước cờ chính trị theo kiểu kỳ lạ nhất được các nước không cộng sản ở châu Á và Mỹ bày ra. Để tạo ra một loạt các động thái quốc tế chống lại chính phủ Hun Sen và phía hậu thuẫn Việt Nam, các nước này đã hứa bảo đảm cho Khơme Đỏ chiếm được chiếc ghế của Campuchia tại Liên Hiệp Quốc, mà các quan chức của họ ngồi họp trong đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thậm chí ngay trước khi máu của khoảng 1,7 triệu dân Campuchia bị sát hại kịp khô mà các quan chức này có thể phủi đi trách nhiệm của họ. Phe du kích kháng chiến đã được hợp thức hóa.
Sau này, thế giới đã bị sốc và hoảng hồn khi cũng phe du kích kháng chiến mà họ ủng hộ đã giết ba nam du khách trẻ người Anh, Pháp và Úc. Họ đi xe lửa từ Phnom Penh tới thành phố cảng Sihanoukville ở miền nam vào tháng 7 năm 1994, lúc quân du kích tấn công cướp bóc xe lửa và đã bắt giữ họ. Khi các cuộc thương lượng để trả tự do cho họ không khéo léo cuối cùng đã dẫn tới hỏng việc, quân đội Campuchia đã phải mở cuộc hành quân đánh vào căn cứ du kích cũng không đem lại kết quả. Thi thể còn lại của ba người này được tìm thấy ở nơi vùi lấp qua loa tại một miền quê vào tháng 11.
Chính phủ Hun Sen đã lợi dụng đà gia tăng sự có mặt của các doanh nhân nước ngoài ở Phnom Penh, một thành phố đang lúc bận rộn hối hả vào năm 1990, mang sắc thái không mấy giống một nước cộng sản lắm, thậm chí cũng chẳng giống một nước đang có chiến tranh bao nhiêu. Bữa ăn trưa tại nhà hàng Mê kông của khách sạn Cambodiana cảm thấy giống như một ngày hội ăn uống linh đình khi các doanh nhân nước ngoài, các nhà ngoại giao, ký giả và du khách người Nhật, châu Âu vây quanh bữa tiệc đứng thịnh soạn theo kểu Tây. Thời kỳ bùng nổ kinh tế quy mô nhỏ ở thủ đô dường như đã bắt đầu tiếp diễn. Ông Michek Horn, Tổng giám độc người Pháp của khách sạn cho biết công ty ông sẽ còn đầu tư thêm nhiều tiền hơn nữa vào khách sạn này.
Hun Sen đã chú ý đến hoạt động kinh doanh và ban hành một đạo luật đầu tư nước ngoài vào ngày 26 tháng 7 năm 1980, đi trước mấy năm ở nhiều nước châu Á. Vào năm 1992 khoảng 300 triệu đôla thực sự đã được đầu tư vào nước này. Công ty Coca-Cola đã xây dựng nhà máy đóng chai ở Phnom Penh, các doanh nhân Úc sản xuất bia Angkor ở thành phố cảng Siahnoukville thuộc miền nam. Một nền kinh tế năng động đã bám rễ nhờ vào sự thông thoáng của đạo luật đầu tư vốn mang dấu ấn của Chủ tịch Heng Samrin. Hành lang pháp lý tạo ra được sự bảo đảm là nhà nước sẽ không quốc hữu hóa hoặc chiếm đoạt các khoản đầu tư nước ngoài. Đó là một sự cam kết mà nhà nước sẽ tuân thủ, dù chưa có các tòa phúc thẩm chính thức, nơi mà các công ty nước ngoài có thể đưa đơn khiếu kiện của họ về trường hợp kháng cáo. Mặc dù đạo luật này đã giải thích rõ mức thuế mà các công ty nước ngoài phải thanh toán, song một số công ty đã tìm cách lách qua các luật này bằng cách trả các khoản nợ tùy theo họ chọn lựa.
Liều lĩnh phá toang thòng lọng của các lệnh cấm vận, chính phủ Hun Sen đã bắt đầu đưa ra các tin tức về các nguồn tài nguyên quốc gia. Họ đã ký kết 6 mỏ dầu gần vịnh Thái Lan với các công ty nước ngoài thậm chí ngay trước khi Hiệp định Hòa bình được ký vào tháng 10 năm 1991. Các công ty này đã đầu tư số vốn lớn để khai thác dầu ở ngoài khơi Campuchia trong vùng Khmer Trough, gần với Pattani Trough của Thái Lan, nơi đây đã cung cấp phần lớn nguồn dầu cho Thái Lan. Các hợp đồng khai thác dầu này đã thu được khoản lợi tức 6 triệu đô la vào năm 1991 và 20 triệu đô la vào năm 1992. Thậm chí ngay ban đầu, một chủ nhà máy cưa người Nhật, Okada đã ký một hợp đồng đầu tư 16 triệu đô la để xây dựng các nhà máy trong một dự án khai thác thêm các cánh rừng đã bị đe dọa.
Khi các quan chức chính phủ và đối tác làm ăn nước ngoài của họ đốn cây, rừng bao phủ các tỉnh Kandal và Takeo gần Phnom Penh đã mất dần từ 15% vào đầu thập niên 1960 đến thập niên 1990 đã hết hoàn toàn. Ngay cả Khơme Đỏ cũng đã nhượng quyền khai thác gỗ cho các nhà buôn Thái qua các mối quan hệ chặt chẽ với quân đội Thái Lan. Một bản tường trình của một công ty Luật quốc tế, Baker & McKenzie đã cho biết các doanh nhân thích quan hệ buôn bán với Khơme Đỏ điền vào các bản giao kèo làm ăn được cánh du kích kháng chiến phát hành.
Công ty viễn thông do chính phủ Úc điều hành, OTC International đã ký hợp đồng với chính phủ Hun Sen. Điều đó đã đánh dấu một bước đột phá quan trọng đối với Hun Sen khi một công ty đã giúp chính phủ và quốc gia của ông thoát khỏi thế cô lập.
Giám đốc điều hành của công ty OTC ở Phnom Penh, Lindsay Harradine cho biết « Khi chúng tôi đến Campuchia vào năm 1990, có không đến 10 số điện thoại nhân viên tổng đài trợ giúp qua Moscow ».
Điều đó có nghĩa là nếu quí vị muốn gọi đi London thì cuộc gọi của quí vị sẽ phải đi qua ba nhân viên tổng đài và có thể phải chờ mãi cho tới khi kết nối được với nhau.
Nở một nụ cười mệt mỏi, Harradine nói « Trước hết, quí vị phải gọi cho nhân viên tổng đài địa phương ở Phnom Penh, họ sẽ gọi nhân viên tổng đài ở Moscow, rồi nhân viên này sẽ gọi cho nhân viên tổng đài ở London và cuối cùng người này sẽ kết nối với quí vị ».
Các nhà ngoại giao đã phải mất hàng giờ chờ điện thoại. Mỗi sáng, các nhà ngoại giao phương Tây sẽ phải cầu mong cho các anten đĩa vệ tinh Intersputnik được Liên Xô cung cấp hoạt động tốt – để liên lạc Campuchia với thế giới bên ngoài qua Moscow. Quên đi lời cảnh báo và coi thường lệnh cấm vận, vào đầu năm 1990 OTC đã ký một hợp đồng kinh doanh 10 năm với Ban giám đốc Bưu chính và Viễn thông Campuchia. Thực ra, các công ty như OTC và nhiều nhà đầu tư nước ngoài khác đang đi theo chính sách cam kết có tính xây dựng, đúng hơn là chính sách phủ nhận sự cô lập chính phủ Phnom Penh, mà nhiều nhà doanh nhân xem họ là các nhà giải phóng xuất chúng khỏi chế độ diệt chủng man rợ.
Công ty khổng lồ của Úc này cũng chẳng mấy tác dụng khi phải đương đầu với bộ máy quan liêu cồng kềnh của Campuchia. Ngày ấy đường dây điện thoại bị tắt ngấm thường xuyên là chuyện chẳng sao che giấu được. Chẳng ai biết được bộ máy quan liêu hầu như đã làm cho hệ thống viễn thông tê liệt như thế nào. Dần dần theo thời gian, vấn đề đó đã trở nên rõ ràng là Cục Bưu chính và Viễn thông điều hành mạng lưới này đã làm què quặt nó do sự can thiệp thiếu hiểu biết của chính quyền. Có điều hơi lạ là hệ thống ấy vẫn hoạt động.
Kỳ lạ là dù vào năm 1990, đã mang về số lợi nhuận 150 triệu riel (96.000 đôla), nhưng Cục này vẫn lún sâu vào tình trạng bất ổn tài chính. Thực chất của vấn đề là các cơ quan nhà nước và các công ty quốc doanh – chiếm 80% thuê bao – chưa chịu trả các hóa đơn điện thoại. Câu chuyện này cũng tương tự đối với các ngành khác của chính phủ, chẳng hạn như Cục cấp nước và điện lực.
Những người chỉ trích chính phủ Hun Sen đã không chịu để ý tới các phần đóng góp cho nền kinh tế chung. Nhiệm vụ xây dựng lại quê hương từ hàng triệu thứ bị gãy nát mà Khơme Đỏ đã để lại sau khi sụp đổ vào tay chính phủ Hun Sen. Ngoài hoạt động chính trị, chính phủ có nghĩa vụ tinh thần với hàng triệu người dân đã bị choáng váng về mặt cảm xúc do những cái chết của người thân của họ, mất mát về tài sản và nền kinh tế đã bị phe du kích gây ách tắc. Về phần chính phủ phải đối mặt với sự trở ngại của các lệnh cấm vận, công cuộc xây dựng đất nước là một nhiệm vụ quá nặng nề, nhưng là phận sự mà Hun Sen và các cộng sự của ông đã không chùn bước.
Chính phủ của ông đã phải điều hành một đất nước mà các quyền tư hữu tài sản đã bị xóa bỏ, giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu tài sản bị đốt cháy, doanh nhân và các trí thức bị giết, các nhà máy và ngân hàng bị đóng cửa. Việc đóng cọc phân ranh đòi lại tài sản là một cơn ác mộng đối với dân chúng. Rất phổ biến chuyện đến ba hoặc bốn gia đình cãi nhau ầm ĩ về cùng một căn nhà mình đã đứng chủ sở hữu ban đầu, có thể đi đến chỗ giết nhau hoặc ở vào tình trạng phải ra lề đường sống. Do đó, chính phủ cộng sản thấy phải giải quyết vấn đề này một cách giản tiện bằng cách quốc hữu hóa đất đai và các nhà máy. Sau này, họ mới nhận ra hành động điên rồ của mình và cho phép có quyền sở hữu tư nhân đất nông nghiệp.
Cũng vào thời điểm đó, chính phủ bắt đầu cho các nhà đầu tư nước ngoài thuê đất và các nhà máy ở thành phố. Sau này, hoàng thân Sihanouk đã viện cớ đó mà cho rằng các quan chức chính phủ Hun Sen đã biển thủ tiền từ các hợp đồng cho thuê và đang lừa bịp cả nước. Ngoài việc phải đương đầu với lời buộc tội này, công cuộc cải tổ kinh tế của Hun Sen còn bị cản trở bởi sự thúc ép từ trong nước phải tăng ngân sách để chống lại Khơme Đỏ và các lực lượng của Hoàng thân Sihnaouk và Son Sann ở dọc biên giới Thái.
Điều gì đã tránh cho một đất nước nghèo xơ xác khỏi bị sụp đổ? Điều gì đã tránh cho dân nghèo khỏi kéo đến tòa nhà Hội đồng Bộ trưởng biểu tình, nơi văn phòng của Hun Sen tọa lạc, và làm nguôi đi cơn tức giân của họ? Xét cho cùng, dân chúng sống trong các túp nhà sàn gỗ nhỏ tạm bợ san sát nhau trong các làng mạc đất khô nức nẻ hay trong các căn nhà ổ chuột ở thành phố đều đã có không biết bao nhiêu lời phàn nàn. Câu trả lời đơn giản là – chính phủ Hun Sen không thể cung cấp được các dịch vụ cơ bản như điện, nước hoặc ngay cả chỗ ở căn bản, nhưng đã không còn phải quá bóp bụng mà vẫn bảo đảm được là vào giữa thập niên 1980, đất nước này đã có đủ gạo.
Năm 1979 thực sự là một thảm họa. Khi Khơme Đỏ vừa bị lật đổ, nhân dân mới được giải phóng, các tình trạng lộn xộn xảy ra ở vùng đồng ruộng và phần lớn vụ lúa không thu hoạch được. Nạn đối kém bộc phát vào năm đó. Các kho gạo do Khơme Đỏ chất đống đã nhanh chóng hết không còn gì và nạn đói càng tệ hại hơn do bị hạn hán nghiêm trọng. Nhưng nông dân đã có thể giải quyết được tình trạng quá gay gắt ấy. Thực ra họ đã tìm cách xoay xở để tăng đôi vụ lúa vào năm sau. Dù người dân không đủ thịt gà và thịt heo để ăn, nhưng gạo lúc nào cũng có sẵn, rẻ và không thiếu, đôi khi còn bán ra cho các tàu gạo của nước ngoài.
Gạo là một quả bom hẹn giờ có thể nổ nếu chính phủ không cắt đứt được mối liên kết giữa những nhà kinh doanh Campuchia không biết đạo lý và các nhà buôn của Thái. Từ trước đến nay, những nhà kinh doanh địa phương thường móc ngoặc với các nhà buôn Thái để tạo sự khan hiếm gạo bằng cách bán nó ngay ở biên giới Thái Lan, nơi họ bán được giá cao hơn 30% so với giá do chính phủ Campuchia ấn định. Sự tác động của tình trạng khan hiếm gạo giả tạo sẽ đẩy giá gạo ở Campuchia lên, điều đó sẽ khiến cho đại đa số dân chúng phải chịu giá quá mắc. Tình hình này chẳng gì mới lạ đối với châu Á. Từ những ngày cuối cùng của chế độ Mao Trạch Đông cho tới Đặng Tiểu Bình, gạo đã được buôn lậu ra khỏi Trung Quốc đem tới những nơi nó bán được giá cao hơn.
Tình hình gạo có thể sẽ lộn xộn quá sức tưởng tượng, nếu các vị thần mưa tàn nhẫn với nông dân và hạn hán xảy ra. Một vụ mùa thất bát sẽ gây ra một thảm họa chính trị cho bất cứ chính phủ nào điều hành đất nước Campuchia.Sự rối loạn lúa gạo sẽ gây ra tiếng xấu cho đảng đang cầm quyền và chắc chắn họ sẽ không thể được bầu lại. John Sanderson, Trung tướng Úc, chỉ huy các lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc ở Campuchia, có lần đã nói với chúng tôi rằng mối liên hệ giữa những nhà buôn gạo và Thái Lan nên phải dứt khoát cắt đứt vì sự ổng định giá cả. Con đường duy nhất để làm điều đó là dựng lên các chốt chặn trên quốc lộ dẫn sang Thái Lan.
Cần thiết phải có các chốt chặn. Nhưng cũng cần chúng trên các đường tiểu ngạch mà xe gắn máy có thể đi được. Không có đường trải nhựa tới các cánh đồng chết của Choeung Ek, chỉ cách Phnom Penh 30 phút đi xe. Chỉ có những con đường đất mà xe bò, xe tải và ô tô chèn ép nhau để đi qua và bụi bốc lên mù mịt.
Hầu như không có con đường nào được xây dựng sau thập niên 1930, còn các con đường cũ phải chịu sự bắn phá liên miên của Khơme Đỏ. Phe du kích này thường xuyên lui tới cắt đứt các đoạn đường không cho xe đi qua. Có thể đi lại bằng xe lửa, nhưng chẳng đáng tin cậy mấy. Càng mạo hiểm hơn cho những đoàn du lịch tây ba lô chưa kịp suy nghĩ đắn đo trước khi chọn chặng đường đi bằng xe lửa. Bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra, từ bị bọn cướp đột kích cho tới Khơme Đỏ tấn công hoặc bị nổ mìn. Chỉ có hai tuyến đường xe lửa có bề rộng một mét. Một tuyến dài 385 ki lô mét từ Phnom Penh đến Poipet, một thị trấn biên giới Thái, được các nhà cai trị thuộc địa Pháp xây dựng vào thập niên 1940 và một tuyến dài 263 ki lô mét từ Phnom Penh đến cảng Sihanoukville, được xây dựng trong thời hậu độc lập của Campuchia vào thập niên 1960. Trên tuyến đi Sihanoukville, đầu máy xe lửa không ở đầu mà ở sau toa thứ nhất để có thể chịu nổi khi toa đầu này cán lên mìn bị nổ. Một nhà ngoại giao châm biếm cay độc là những người đi xe lửa ngồi ở toa đầu tiên được miễn phí vì chấp nhận rủi ro.
Những người lính bảo vệ được trang bị vũ khí hạng nặng đi quanh quẩn một cách lơ đễnh trong các toa xe cũng không truyền cho hành khách được sự tin tưởng bao nhiêu, và họ bị các cặp mắt hết sức hồ nghi của các du khách nhìn mình trừng trừng.
Đi lại bằng đường hàng không vào thập niên 1980 cũng bị các rủi ro tương tự như đi xe lửa. Mặc dù có sự lo sợ là máy bay loạt thường do Liên Xô chế tạo có thể bị bắn tỉa khi lượn vòng hạ thấp dần trước khi đáp ở Siem Reap, nhưng mối nguy hiểm thực sự là độ an toàn kỹ thuật của chính chiếc máy bay ấy. Một phi đội với vài chiếc máy bay được bảo trì cẩu thả bời những người Nga có tiếng là trả lương thấp cho các công nhân kỹ thuật của họ. Hãng hàng không Campuchia, một hãng máy bay có biểu tượng lá cờ của họ, điều hành phi đội máy bay gồm 3 chiếc máy bay cánh quạt Antonov-24, 2 chiếc phản lực Tupolev-134 và 3 chiếc trực thăng MI-8. Hãng máy bay này ở phi trường Phnom Penh trên một khu vực sân lộ thiên, họ can đảm điều hành các chuyến bay thường xuyên đến Siem Reap, Stung Treng và hàng tuần có hai chuyến đến Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Đi từ thành phố Hồ Chí Minh đến Phnom Penh không thuận tiện vì hàng tuần hai chuyến bày này hầu như lúc nào cũng hết chỗ, buộc du khách phải chịu đi bằng xe taxi mất 8 giờ qua biên giới tại Bavet, du khách sẽ phải đi qua một con sông, có các lính bảo vệ và các viên chức di trú với vẻ mặt khó chịu.
Người rành rẽ về Campuchia thường cho đây là một đất nước nơi mà xe bò là cách đi lại được ưa chuộng hơn. Nhưng không phải nhiều dân làng có thể có đủ tiền mua bò hoặc xe dùng cho bò kéo. Tuy nhiên, thường hay thấy xe đạp và xe mô tô nhiều hơn. Có 5.000 xe ô tô ở các thành phố vào năm 1989 và có đến 6 vạn xe mô tô. Năm 1992, lượng ô tô tăng vọt lên 4 vạn chiếc, phần lớn số xe này do 22.000 quân Liên Hiệp Quốc đã mang vào nước này và những nhà giàu mới phất lên sử dụng.
Một trong các khía cạnh của cuộc sống làm cho bực mình hơn ở Campuchia vào thời điểm đó, là du khách và cư dân địa phương họ phát hiện nước sử dụng bị hôi thối. Khách sạn 5 sao không cung cấp nước uống trong phòng. Nước đó được bơm lên từ sông Mê kông mang đầy phù sa màu đỏ - màu sắc của chính phủ.
Thành phố Phnom Penh lấy nước uống từ các dòng sông Tonle Sap và Tonle Bassac. Hết sức bừa bãi, thành phố này xả nước thải qua cống rãnh vào chính nước họ dùng để uống. Nước sông được lọc tại các nhà máy xử lý nước của Pháp xây dựng đã quá cũ kỹ, mà thường bị hết hóa chất để xử lý ; và khi điều đó xảy ra, thì nươc được cấp luôn cho thành phố mà không xử lý nữa. Cho tới giữa thập niên 1990, chỉ 20% cư dân thành phố có thể dùng nước giếng, nước ao và nước ở các dòng suối ở tình trạng rủi ro gây bệnh nghiêm trọng. Trung bình, trẻ em đã mắc bệnh tiêu chảy cấp tính một năm tám lần. Cũng giống như công ty điện thoại, Cục cấp nước và điện không có đủ tiền mặt vì các cơ quan và công ty nhà nước sử dụng các dịch vụ này chưa thanh toán hóa đơn cho họ.
Một trong các hành động thô thiển đáng mỉa mai nhất mà Khơme Đỏ đã quyết định từ năm 1975 đến 1979 là bãi bỏ trường học cùng với cuộc hành quyết dã man chống lại các giáo viên, viện sĩ, nghệ sĩ, nhà văn và các nhà trí thức, mà nhiều người trong số họ đã bị giết. Chỉ một vài người may mắn đã có thể tìm được đường trốn sang Việt Nam hoặc Thái Lan để tìm cuộc sống tốt hơn tại một nước thứ ba ở phương Tây. Khi chế độ Heng Samrin lên cầm quyền, họ đã phải vật lộn với nhiệm vụ không sao có thể xây dựng lại một hệ thống giáo dục đúng nghĩa vì các giáo viên đã bị giết chết – toàn bộ những người làm nghề giáo đã bị giết bằng lưỡi lê. Học sinh sinh viên đã mất bốn năm học và sẽ mất thêm nhiều năm khi toàn bộ hệ thống giáo dục đã bị tàn phá.
Như mong đợi, các nước khối Xã hội chủ nghĩa sẽ đổ xô ủng hộ Campuchia, sẽ mang tiền bạc và sự trợ giúp kỹ thuật để dựng lên các trường học mới và sửa sang lại các trường cũ. Một số viện trợ được tiến hành dưới dạng đào tạo cho các quan chức chính phủ Campuchia tại các Học viện nghiên cứu cao cấp của Moscow. Do đó, các viên chức kinh tế của Campuchia đã trở về quê hương với cái đầu của họ được nhồi nhét các tư tưởng lỗi thời về nền kinh tế có kế hoạch trung ương tập quyền và mệnh lênh tối cao, ngay vào thời điểm ấy, các nước láng giềng, Thái Lan và Singapore đang mạnh mẽ mở cửa thị trường của họ để thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Chỉ với 30% dân chúng biết đọc biết viết và tuổi thọ trung bình chỉ 50, Campuchia không thể thoát ngay ra khỏi bãi lầy của sự đình đốn. Việt Nam đã phải trải qua một cuộc chiến tranh kéo dài lâu hơn nhiều để chống lại Trung Quốc, Pháp và Mỹ, họ đã thực hiện thành công tốt hơn nhiều với tỷ lệ người biết đọc biết viết là hơn 80% va tuổi thọ trung bình là 65. Nhưng công bằng mà nói, Campuchia đã tạo được kỳ công với 5 năm giáo dục phổ cập. Một nhóm các trẻ ở Siem Reap đã làm cho du khách hết sức ngạc nhiên với tiếng Anh lưu loát của chúng vốn được học tại trường địa phương. Thậm chí chúng còn thuật lại được khá chính xác về lịch sử của Angkor trong 6 phút mà chúng thường nhận được một đô la thưởng công xứng đáng.
Các quan chức được đào tạo ở Moscow có thể đoán biết mình không còn hợp thời.. Đất nước đang chào đón những người Campuchia có học thức được đào tạo ở phương Tây, họ đang trở về quê hương và được nâng lên chuẩn có trình độ học thức cao hơn.
Một nhà trí thức lớn của Campuchia đã bình luận về sự liên quan đến chính phủ là « Ngày ấy không xa, lúc sinh viên nước ngoài sẽ đến đại học Phnom Penh để nghiên cứu lịch sử Khơme thay vì vào đại học Yale ở Mỹ ».
Những người Campuchia giàu có đang bù đắp số lượng thiếu hụt gây ra do các giáo viên Liên Xô rút về nước năm 1990 vì việc cắt giảm viện trợ của Moscow. Một điều hết sức trớ trêu là các giáo viên đã bỏ việc. Nhiều người làm việc ngoài giờ để kiếm thêm cho đủ sống khi tiền lương dã trở nên không đủ cho chi phí.
Sự tàn sát toàn bộ giới học thức do hành vi độc ác đố kỵ, Khơme Đỏ dã man đã thủ tiêu có hệ thống những người trong nghề y. Meas Kim Suon, một nhà báo trước đây là một bác sĩ đã cho chúng tôi biết là khi Khơme Đỏ đã tiêu diệt xong, cả nước còn không đến 50 bác sĩ. Vào thời điểm ấy, các nhà kinh tế đã đánh giá được tính chất phức tạp của nền kinh tế qua con số bác sĩ phục vụ dân, lúc Khơme Đỏ đang ra sức xóa bỏ những người trong nghề y. Vào ngày 17 tháng 4 năm 1975, Khơme Đỏ vào chiếm thủ đô và đã kéo vào các bệnh viện. Các bác sĩ và ý tá đã bị cưỡng bức phải đi bộ về miền quê để rồi bị giết.
Các bản báo cáo có nhân chứng mục kích được chế độ Heng Samrin chứng minh bằng tài liệu cho biết bác sĩ Phlek Chhat, một bác sĩ nội trú tại bệnh viện Preah Ket Mealea đã bị bắt ở tỉnh Kompong Cham. Ông bị nhét một ngọn đuốc đang cháy vào miệng và đã chết. Giống như bác sĩ Phlek, hàng trăm bác sĩ chẳng bao giờ gặp lại gia đình của họ sau khi bị bắt cóc vào buổi sáng. Với việc đóng cửa các bệnh viện, tuổi thọ của người Campuchia đã rút lại chỉ còn 31 tuổi khi Heng Samrin mới lên điều hành đất nước vào năm 1979. Vào năm 1991, một nỗ lực đào tạo bác sĩ đã được mở ra và đại học y khoa đã đào tạo được 700 sinh viên tốt nghiệp.
Meas Kim Suon là một trong số các bác sĩ được đào tạo hàng loạt. Không lâu sau khi tốt nghiệp vào giữa thập niên 1980, cậu ta đã được phái đi làm bác sĩ dã chiến cho quân đội Campuchia trong cuộc chiến tranh du kích chống Khơme Đỏ và Sihanouk ở dọc biên giới Thái. Trong tình trạng bị mắc căn bệnh sốt rét, Kim Suon vẫn làm việc để mổ lấy đạn, miểng, cưa các chi và khâu các vết thương toác miệng cho bộ đội.
Làm việc ngày đêm cho tới khi cậu thấy đã mệt mỏi với cuộc sống trong rừng già, và đã chọn đổi sang nghề nhà báo. Cậu ta đảm nhận công việc hướng dẫn các nhà báo nước ngoài trong biên chế của Bộ Thông tin, và trong thời gian sắp tuyển cử vào tháng 5 năm 1993, cậu ấy đã bắt đầu làm phóng viên cho một tờ nhật báo của Nhật, Mainichi Daily News. Sếp của cậu tại bộ này, Leng Sochea nói « Kim Suon đã đóng góp phần mình cho đất nước này, và nay đang làm công việc anh ta yêu thích nhất ».
Làm việc với hai thế hệ của gia đình Meas – Kim Suon và anh lớn của cậu ta, Meas Kim Heng, là một viên chức cao cấp trong Bộ Ngoại giao – chúng tôi đã phát hiện ra tài năng này ngay tại quê hương mà Campuchia có thể đào tạo kịp thời trong hoàn cảnh còn bất lợi. Sau này, Kim Heng được cử đến thủ đô Washington làm công tác ngoại giao.
Giống như người cán bộ trẻ của ông, Leng Sochea là một ngôi sao đang tỏa sáng trong Bộ này. Chúng tôi gặp Sochea vào năm 1990 khi ông đang là một cán bộ hàng đầu của Bộ Ngoại giao. Sau cuộc tuyển cử, Sochea được đề bạt vào chức vụ Giám đốc Thông tấn báo chí của Bộ Truyền thông, rồi chẳng bao lâu ông trở thành Thứ trưởng Bộ Truyền thông.
Đối với những người Campuchia mới phất lên thì hình ảnh này không phải là ảm đạm lắm. Thủ tướng Hun Sen chắc đã thực hiện thành công được phần nào ngay trong 10 năm sau khi Khơme Đỏ bị tống cổ đi, nền kinh tế đã tăng trưởng vừa phải ở mức 2,4% trong năm 1989. Đó là thời Phnom Penh được yên ổn hòa bình, nơi mà các doanh nhân nước ngoài từng trải đã biết tận dụng thời cơ thuận lợi. Thật không thể quên được câu trả lời của một doanh nhân Singapore khi chúng tôi nhắc ông ta cần phải thận trọng trước khi đầu tư vào Campuchia.
Thoáng hiện nụ cười hiểu biết, ông nói « Càng nguy hiểm càng làm ăn được. Tôi đã kiếm được phần lớn số tiền của mình vào giai đoạn nguy hiểm nhất trước khi Hiệp định Hòa bình được ký vào tháng 10 năm 1991 ».
Nền kinh tế này theo các đánh giá của Liên Hiệp Quốc, sự tăng trưởng bị sụt giảm nhanh trong năm 1990 là kết quả trực tiếp của sự cắt giảm các khoản tín dụng về thương mại của Liên Xô, nhưng sự phục hồi mức tăng trưởng 13,5% vào năm 1991 đã gây kinh ngạc, năm 1992 đạt mức tăng trưởng ổn định 6,5%, hơn 8% vào năm 1994 và được dự báo sẽ giữ ở tốc độ 7% cho tới cuối thế kỷ. Nhưng cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á bùng nổ vào năm 1997 đã ngăn cản các mặt tăng trưởng của Campuchia.
Thật kỳ lạ và thậm chí bất công, các tờ báo dường như chỉ tập trung vào các khía cạnh tiêu cực, thay vì họ khảo sát xã hội sâu xa hơn của thực chất vấn đề, về sự thay đổi gặp phải quá khó khăn, các phòng viên của họ lại tỏ thái độ gần như đối lập. Nói chung, tin tức về mức tăng trưởng được 6,5% của nền kinh tế này vào năm 1992 đã bị báo chí thế giới phớt lờ mà chủ yếu họ dồn sức chĩa mũi dùi vào chính phủ Hun Sen. Phái bộ Liên Hiệp Quốc được ủy thác điều hành ở quốc gia này từ cuối năm 1991 tới 1993 đã loan báo thành tích của đất nước này đạt mức tăng trưởng đáng chú ý, điều đó đã tạo ra được sự tin cậy. Không những con số tăng trưởng thực sự 6,5% đã bị bỏ qua mà còn cả con số tăng trưởng 13,5%% cũng vậy. Khi Liên Hiệp Quốc nói những điều tốt về các triển vọng kinh tế của Campuchia, các nhà báo đều tin bất cứ điều gì được nói ra, nhưng đến khi chính phủ Hun Sen đề cập sớm hơn một năm cũng về những điều tích cực như vậy có khả năng đạt được thì họ lại tuyên bố là không đáng tin.
Ngay cả vào thời điểm Phnom Penh và 90% đất nước này được đặt dưới sự kiểm soát của chính phủ Hun Sen thì cũng đã tương đối an toàn cho các nhà đầu tư nước ngoài hoạt động. Campuchia hiếu khách hơn Bosnia. Không có doanh nhân nước ngoài nào bị giết ở Campuchia, ngoài một vụ do bọn cướp tấn công vào một doanh nhân Đài Loan ở một vùng quê, nhưng nhiều vụ bắt cóc đã xảy ra đủ làm người ta phải lo lắng. Bạo lực chính trị đã xảy ra trước cuộc bầu cử vào tháng 5 năm 1993 đã đưa các phe phái đối địch đọ sức với nhau, nhưng không gây ảnh hưởng đến người nước ngoài.
Kamaralzaman Tambu, một ký giả người Malaysia của một tờ tuần báo khổ nhỏ Cambodia Times, đã so sánh tình hình này với tình trạng nổi loạn của cộng sản ở Malaysia vào thập niên 1950. Ông nói « Thậm chí ngay trong thời gian có nổi loạn như thế, người dân Singapore vẫn đến thăm thân nhân của họ ở bán đảo Malaysia ». Người Singapore bây giờ đã là các đối tác buôn bán lớn nhất của Campuchia. Tiếng kêu của máy đếm tiền ở Phnom Penh còn át cả tiếng súng ở nơi xa.
Các tình trạng bừa bãi lún sâu đã ăn mòn cốt lõi của chính quyền Hun Sen và lực lượng khổng lồ 150.000 công chức ở 19 tỉnh (tiếng Campuchia gọi tỉnh là khét) và 2 thành phố trực thuộc trung ương. Các khét được khá nhiều quyền tự quản tài chính để tăng ngân sách, các khoản thu thuế ít khi được họ báo về thủ đô. Điều đó chẳng mới lạ gì và đã diễn ra ở cả Trung Quốc lẫn Ấn Độ, nơi chính phủ trung ương phải đương đầu với sự phản đối của các bang. Ở Campuchia, các Chủ tịch tỉnh kiểm soát phạm vi của họ, huy động và chi tiêu ngân quỹ của họ theo cách họ đã chọn để ít bị các Thủ trưởng chính trị của họ ở Phnom Penh can thiệp vào. Người ta cho là các vị Chủ tịch tỉnh đòi hỏi quyền tự quản như thế để đổi lại sự trung tahnhf với chính phủ của Nhà nước Campuchia. Phần lớn vấn đề khó khăn cho các Chủ tịch tỉnh là việc liên lạc thường xuyên với chính phủ trung ương vì các kết nối điện thoại hầu như không thực hiện được và các bản fax không chuyển được từ các vùng xa xôi. Ngân sách tỉnh vẫn không được minh bạc cho tới cuộc bầu cử vào tháng 5 năm 1993. Chính phủ mới đã thông qua một luật về tài chính chủ yếu để các tỉnh phải chuyển thẳng thu nhập vào kho bạc nhà nước ở Phnom Penh. Nhưng giữa năm 1995, Thủ tướng thứ nhất Ranariddh dường như đã rút đạo luật này.
Trong một cuộc nói chuyện với các tác giả, ông đã biện minh cho tình trạng trước đây, nơi các tỉnh có được quyền tự quản tài chính nhiều hơn. Thái độ ngược lại cho là Ranariddh đã không bẻ gãy nổi thế giữ chặt các khoản lợi nhuận ở các tỉnh.
Kho bạc nhà nước đã không còn tiền vào năm 1991. Trong năm ấy, ngân sách chính phủ cấp chỉ được phân nửa. Vào những ngày đầu của chế độ này, chưa có hệ thống thu thuế chính thức, và các công ty nhà nước thường chỉ cần trích nộp lợi tức vào kho bạc nhà nước. Với sự ra đời của thành phần kinh tế tư nhân, phần lớn nhờ vào các doanh nhân, chẳng hạn như, Leang Eng Chhin từ Pháp trở về nước, hệ thống thuế đã được hình thành. Nhưng điều đó đã bị lạm dụng. Các công ty mặc cả với các viên chức thuế, và họ tùy tiện ấn định thuế suất. Việc thiết lập Cục thuế vào năm 1981, và thông qua luật thuế trong năm 1985 báo hiệu sự ra đời của một dòng doanh nghiệp Campuchia đáng tin cậy.
Ông Leang Eng Chhin khi rời Campuchia vào năm 1970 đã 30 tuổi, năm Sihaouk bị lật đổ. Ông ta mở một công ty ở Singapore và đã hái ra tiền ; ông quay về Phnom Penh ngay vào năm 1991, đầu tư 1,1 triệu đô la để sửa sang lại khách sạn White Hotel vốn đã xuống cấp trầm trọng ở đại lộ Achar Mean Boulevard. Ông đặt lại tên khách sạn này là Pailin Hotel theo tên loài hoa Pailin có màu ngọc đỏ nổi tiếng ở vùng tây bắc Campuchia, một vùng vẫn còn nằm dưới sự kiểm soát của Khơme Đỏ.
Ông nói « Đó là tất cả tiền bạc của tôi. Nhưng chúng tôi sẽ phải chờ xem liệu hòa bình có trở lại với Campuchia hay không ».
Ông Chhin là một sự pha trộn kỳ lạ: giám đốc điều hành của một công ty Singapore, Tristars ; mang hộ chiếu Pháp, sinh ra ở Campuchia và không nói một lời nào bằng tiếng Anh.
Phía sau các doanh nghiệp mới đang đâm chồi là sự hậu thuẫn của một cộng đồng doanh nghiệp Campuchia đang nổi lên đã gây dựng được 70 công ty tư nhân, khoảng 12 năm sau khi Khơme Đỏ bị triệt hạ. Năm 1990, ít nhất có 100 triệu phú ở Phnom Penh và nhiều xe Mercedes. Một trong số họ là Kim Chhean đã có kế hoạch lớn cho việc xây dựng một siêu thị và một khách sạn ở thủ đô, nhưng một số kế hoạch của ông đã không đi đến kết quả. Là một nhà thiết kế xây dựng được đào tạo ở Pháp, Chhean đã lấy lại được tinh thần và nhanh chóng đi vào hoạt động kinh doanh trở lại. Nhưng nhà ngoại giao Liên Xô, Loukianov, lại đả kích kịch liệt các triệu phú Campuchia này.
Ông nói « Tôi đồng ý có khoảng 100 nhà triệu phú ở đây, nhưng họ sẽ không đầu tư một xu nào vào sự phát triển đích thực. Họ thích mua ô tô nước ngoài, biệt thự và quần áo hơn ».
Đất nước này đã trở nên giống như một nền kinh tế bừa bộn, nơi mà hoạt động làm ăn chẳng có cái gì là bất hợp pháp. Với sự có mặt của các công ty do chính phủ sở hữu đi vào con đường kinh doanh, các lý lẽ bào chữa đã được đưa lên mặt báo ủng hộ các viên chức tham nhũng đã cho các doanh nhân nước ngoài thuê đất và các tòa nhà thuộc quyền sở hữu Nhà nước mà không có sự chấp thuận của Bộ Tài chính. Từ năm 1992 tới 1993, lý lẽ bào chữa này càng trở nên một luận điệu không minh bạch khác, khi các quan chức Liên Hiệp Quốc nói kín với họ về điều đó nhưng có thể không có bằng chứng buộc tội rõ ràng theo đúng nguyên tắc. Tuy nhiên, một điều tích cực mà Liên Hiệp Quốc đã thực hiện được là đề nghị thiết lập sổ cái kết toán cho các tài sản nhà nước.
Tiền mới, ô tô mới và các biệt thự mới đã tạo thêm vẻ phồn hoa tráng lệ cho thủ đô được tô son trát phấn quá mức, nơi rác rưởi thối rữa và các mương rãnh lộ thiên còn nói lên một vấn đề phải bàn khác. Stig Engstrom, một đại diện của công ty viễn thông Úc cho biết ông ta đã hết sức ngạc nhiên về tốc độ thay đổi.
Ông nói vào năm 1990 « năm 1988, chỉ có 80 người nước ngoài ở Phnom Penh, hiện nay có khoảng 500 người nước ngoài ».
Tháng 8 năm 1991, chính phủ đã vội vàng tán thành việc nhiều công ty nước ngoài xây dựng các khách sạn với khoản kinh phí tổng cộng khoảng 40 triệu đô la. Những người chỉ trích đã gọi đó là ad hoc ( cuồng dại và vô kế hoạch). Tuy nhiên, sự tái thiết đã được bắt đầu và Hiệp định hòa bình là niềm hy vọng cao nhất trong tâm tưởng của Hun Sen.