HUN SEN – Nhân vật xuất chúng của Campuchia

- 11 -

Một âm mưu bí mật lật đổ chế độ Pol Pot đã bám rễ vào vùng đất màu mỡ của miền Nam Việt Nam.

Kế hoạch ban đầu của Hun Sen là giải phóng Campuchia trong 5 năm tới. Ông đã suy tính rằng điều đó không thể được thực hiện sớm hơn dù cho các nhà lãnh đạo Việt Nam đã xét thấy ông là một liên minh đáng tin cậy và đồng ý cung cấp cho ông ngân quỹ và vũ khí để tháo bỏ xiềng xích cho đất nước của ông được tự do.

Hun Sen nói “ Ý đồ ấy nhằm giải phóng miền đông Campuchia và dùng nó làm bàn đạp để giải phóng miền tây Campuchia “.

Kế hoạch 5 năm bao gồm việc đưa các cánh quân thâm nhập dần vào phía tây Campuchia qua tỉnh Hà Tiên của Việt Nam để tiến hành các cuộc tập kích, trong khi đó các cánh quân chủ lực tấn công từ phía đông. Một vùng giải phóng rộng lớn sẽ được phát động từ các tỉnh Kratie, Stung Treng, Ratanakiri và Mondulkiri của Campuchia.

Ông nói “ Chúng tôi sẽ dùng kế nghi binh cho các kế hoạch của mình, bằng cách tấn công vào các tỉnh Svay Rieng và Prey Veng và chiếm một phần của Kompong Cham. Sau đó chúng tôi đưa một lực lượng đến củng cố các cánh quân ở vùng phía đông sông Mê kông. Sau này chúng tôi sẽ mở rộng các khu vực của mình để chiếm toàn bộ Svay Rieng và Prey Veng. Đây là kế hoạch giải phóng Campuchia trong 5 năm “.

Là một người chỉ huy du kích, ông có đầu óc quân sự sắc bén. Bước đầu tiên ông thực hiện là xây dựng quân giải phóng, cốt để sau đó ông có thể nghĩ tới việc gây dựng lên một tổ chức chính trị.

Ông đã đề xuất với những người đồng hương Campuchia yêu nước là tổ chức chính trị của họ được đặt tên là Mặt trận Thống nhất Cứu nguy, Đoàn kết và Giải phóng Campuchia. Đề nghị đó đã được hai người thân cận nhất với ông chấp thuận – Sin Song ( người sau này tham gia một cuộc đảo chính thất bại vào năm 1994 ) và Sar Not ( người sau này đã trở thành cố vấn của Hun Sen về các vấn đề tôn giáo ).

Kế hoạch 5 năm từng bước đã được đẩy mạnh và quá trình giải phóng dân tộc đã diễn biến trong tình huống thúc ép bất ngờ khi Pol Pot ra lệnh cho 18 sư đoàn Khơme Đỏ tấn công Việt Nam. Các hoạt động quân sự đó đã buộc Việt Nam phải nhanh chóng chống trả lại.

Hun Sen kể “ Đó không những là một cơ hội bằng vàng, mà còn là cơ hội bằng kim cương đối với tôi, vì các đơn vị mạnh nhất của Pol Pot đã bị bộ đội Việt Nam đánh bại. Quyết định của Việt Nam giúp chúng tôi đã tạo cho chúng tôi niềm tin. Sự phát triển các lực lượng của tôi được nhân lên gấp ba lần vì các lực lượng thiện chiến nhất của Pol Pot đã bị suy yếu “.

Trong chuyển đi bí mật vào Campuchia vào tháng 12 năm 1977 và đầu năm 1978, Hun Sen đã mời các cán bộ chỉ huy cao cấp của Khơme Đỏ gia nhập mặt trận của ông. Nhu cầu ủng hộ các lực lượng giải phóng đã trở nên ngày càng cấp thiết hơn khi ông nhận được tin tình báo cho biết Pol Pot đang có kế hoạch đưa các lực lượng do Ta Mok chỉ huy tới biên giới Việt Nam. Tình hình đó đã trở nên thúc bách ông liên lạc với các đồng minh của mình. Heng Samrin và Chea Sim, nhưng thời điểm đó không phải dễ bắt liên lạc được với họ.

Hun Sen nói “ Tôi đã cố gắng bắt liên lạc với Heng Samrin, người đang chỉ huy một tiểu đoàn và Chea Sim đang lãnh đạo một huyện, nhưng không có lực lượng trong tay “.

Dần dần, ông đã xây dựng các lực lượng của mình từ những người theo chủ nghĩa dân tộc chống lại Khơme Đỏ và cho họ thâm nhập  từ từ vào Campuchia.

Hun Sen kể “ Khi chúng tôi đã thâm nhập vào được Campuchia, thì có một cuộc nổi dậy ở vùng miền đông của đất nước. Các lực lượng của chúng tôi đã liên lạc được với những người rời bỏ hàng ngũ ( những người đào tẩu khỏi chế độ Khơme Đỏ ). Vào tháng 5 năm 1978, chúng tôi đã thiết lập được các vùng giải phóng ở tỉnh Kompong Cham và Kratie. Heng Samrin và Chea Sim là những người lãnh đạo các vùng giải phóng này. Vào giai đoạn đó chúng tôi không liên lạc trực tiếp được với họ, nhưng chúng tôi đã củng cố được mối liên lạc gián tiếp thông qua các lực lượng của họ “.

Ba người này đã quen biết nhau trong nhiều năm, họ đã gặp mặt nhau vào tháng 11 năm 1978 tại tỉnh Sông Bé ở miền Nam Việt Nam. Đó là cuộc họp đầu tiên của họ trên đất Việt Nam. Nhưng không phải là cuộc họp chỉ giữa hai bên mà nó liên quan đến 5 phe cánh.

Hun Sen vô cùng mừng khi gặp được Heng Samrin và Chea Sim, họ là bạn của ông mặc dù họ lớn tuổi hơn. Heng Samrin đã trốn thoát khỏi sự thanh trừng của Khơme Đỏ vào năm đó và xin tị nạn ở Việt Nam.

Ông kể “ Tôi hết sức mừng vì không chỉ gặp được họ, mà còn biết được những tin tức của cuộc nổi dậy ở Campuchia “.

Cuộc nổi dậy đã diễn ra tự phát do các lực lượng giải phóng và người dân nông thôn, đã xảy ra ở các vùng miền đông Campuchia.

Hun Sen, Heng Samrin và Chea Sim đã nghĩ ra các đường lối quân sự và chính trị cho Mặt trận Thống nhất tại cuộc họp 5 bên nổi dậy. Một trong các cánh được Heng Samrin và Chea Sim lãnh đạo đã tiến hành cuộc nổi dậy bên trong Campuchia. Cánh thứ hai dưới quyền chỉ đạo của Bou Thang đã khởi nghĩa vào năm 1975 ở đông bắc Campuchia. Cánh thứ ba là những người cộng sản được Pen Sovann lãnh đạo, một nhà trí thức được Hà Nội đào tạo và các người khác như Chea Soth và Chan Si. Bộ ba này đã sống ở Việt Nam trong nhiều năm kể từ hiệp định Geneve năm 1954. Cánh thứ tư là các lực lượng mới thành lập của Hun Sen và cánh thứ năm đã lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Khơme Đỏ ở Thái Lan dưới quyền chỉ huy của Say Phuthang và Tea Banh.

Có khó khăn cho năm phe cánh nổi dậy hợp tác với nhau không?

Hun Sen nói “ Đối với Heng Samrin, Chea Sim và tôi, điều đó không khó vì chúng tôi đã từng ở cùng quân khu miền đông. Mục đích cuối cùng của chúng tôi là hợp nhất. Nhưng các lãnh đạo cấp cao không có thời gian gặp nhau. Vào tháng 11 năm 1978, chúng tôi rất bận rộn với việc xây dựng Mặt trận Thống nhất, đề ra cương lĩnh chính trị và đại hội. Chúng tôi đã tuyên bố việc thành lập mặt trận này vào ngày 2 tháng 12 năm 1978. Vào thời điểm mà chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng các lực lượng, lương thực và vũ khí để tấn công. Không phải chúng tôi thành lập mặt trận này trước rồi mới chuẩn bị quân đội ”.

Nhóm được Heng Samrin lãnh đạo còn non nớt đã bắt đầu hoạt động dưới danh nghĩa của Mặt trận Thống nhất Cứu nguy, Đoàn kết và Giải phóng Campuchia.

Khi Pol Pot càng đưa ra các đòi hỏi thúc bách tấn công Việt Nam với các cán bộ chỉ huy của ông ta, thì lần lượt từng cán bộ chỉ huy ở miền đông đã phá bỏ hàng ngũ với ông ta. Một đòn đánh quan trọng nhất vào các lực lượng miền đông của ông ta đã được mở ra khi Heng Samrin và Chea Sim tiến hành cuộc nổi dậy và gia nhập vào Mặt trận Giải phóng. Một phần của các lực lượng của Hun Sen đã thâm nhập vào Campuchia để giúp dân chúng đứng lên khởi nghĩa. Lần đầu tiên trong thời điểm đó ông thấy được khả năng lật đổi Khơme Đỏ trong vòng một năm.

Hun Sen nói “ Chúng tôi nghĩ ít nhất chúng tôi có thể giải phóng Campuchia vào đầu năm 1979 “.

Hun Sen nói thêm “ Lúc ấy, Heng Samrin và Chea Sim đã kéo các lực lượng của họ bỏ chạy sang khu vực của tôi. Với các lực lượng được kết hợp, chúng tôi đã thiết lập được vùng giải phóng. Ít ra chúng tôi lượng định sẽ có thể giải phóng đất nước vào tháng 4 năm 1979. Chúng tôi không đợi đến lúc chế độ Pol Pot quá suy yếu và không để nhân dân phải trông chờ nổi dậy chống lại chế độ này”.

Ở Hà Nội, không khí đang sôi sục bao trùm các cấp chỉ huy cao cấp của Quân đội Nhân dân Việt Nam ( QĐNDVN). Vào năm 1978, để đáp ứng lại tình hình  bất ổn ở Campuchia, Hà Nội bãi bỏ Tổng cục Xây dựng Kinh tế của QĐNDVN và bố trí lại các đơn vị bộ đội dọc theo biên giới Campuchia. Tổng cục này, là một tổ chức thuộc quân đội quản lý các hoạt động về nông nghiệp và công nghiêpk, cho mãi đến năm 1986 mới được thành lập lại, một thời gian dài sau khi chiến tranh Campuchia chấm dứt, theo Carl Thayer, chuyên gia quốc phòng của Úc.

Vào tháng 12 năm 1978, một âm mưu lật đổ chế độ Khơme Đỏ của Việt Nam đã được thông qua. Đài phát thanh Hà Nội loan báo vào ngày 4 tháng 12 về việc thành lập của Mặt trận Thống nhất Campuchia và cho biết mặt trận này kêu gọi nhân dân Campuchia “ đứng lên lật đổ bè lũ Pol Pot – Ieng Sary “. Các nhà ngoại giao ở Bangkok đã giải thích việc loan báo này là một bước quyết định trong chiến tranh Việt Nam chống lại Campuchia ; và họ đã tiên đoán một chiến dịch chính trị và quân sự của Việt Nam ở quy mô toàn diện sẽ được mở ra để phá bỏ chế độ Pol Pot và thay thế bằng một chế độ thân Hà Nội.

Cuộc tấn công trông đợi đã đến. Việt Nam đã phát động một cuộc tổng tấn công chống lại Khơme Đỏ vào ngày 25 tháng 12 năm 1978 và được quân của Mặt Trận Thống Nhất Campuchia yểm trợ phía sau. Các bản tin vào ngày 1 tháng 1 năm 1979 cho biết, lần đầu tiên một lực lượng do Việt Nam chỉ huy đã vượt sông Mê kông và bao vây thủ phủ của tỉnh Kompong Cham, cách Phnom Penh 64 kilômét. Các bản tin cho biết số quân này được cho là các lực lượng quân chính quy của Việt Nam đã tràn vào Kompong Cham vào ngay ngày tết dương lịch, bộ đội tấn công đã thu giữ “ hàng ngàn vũ khí “ của các lực lượng Pol Pot.

Là một cấp chỉ huy quân đội, Hun Sen đã biết sự thành công củ bất cứ chiến dịch quân sự nào cũng tùy thuộc vào vũ khí và nguồn cung cấp lương thực. Các lực lượng của ông đã được Việt Nam trang bị vũ khí và bây giờ họ cũng đã được cung cấp lương thực đầy đủ và dôi ra thêm một ít để cho những tân binh mới gia nhập vào mặt trận này ở bên trong Campuchia.

Công việc xây dựng lực lượng giải phóng quy mô lớn, bao gồm cả những thường dân Campuchia đang bị đe dọa. Cuối cùng, khoảng 2 vạn người Campuchia đã chiến đấu trong phong trào giải phóng rộng lớn.

Hun Sen kể “ Lực lượng của chúng tôi không phải là các đơn vị đi tiền phong, nhưng họ có thể thực hiện các cuộc tấn công, chiếm đất và những người có động cơ sẽ đi theo chúng tôi, do đó sẽ tạo cho các lực lượng  của chúng tôi tiến lên. Chúng tôi đã thực hiện các cuộc giao chiến với Khơme Đỏ, đồng thời trong khi ấy tuyển mộ thêm quân mới “.

Đôi khi lực lượng của ông phải chờ bộ đội Việt Nam đến, ông thừa nhận vì “ bên chúng tôi không ai biết lái xe tăng”.

Ở những nơi mà lực lượng của ông gặp phải sự chống cự mạnh, họ đã chờ các lực lượng Việt Nam đến chọc thủng phòng tuyến của Khơme Đỏ bằng xe tăng và pháo binh.

Hun Sen kể “ Sau khi các lực lượng ở biên giới của Pol Pot bị đánh bại, thì các đơn vị ở trong nội địa của ông ta không thể chống lại các đợt tấn công. Chúng tôi đã gặp phải sự chống cự ở Samlaut và Ta Sanh dọc theo biên giới Campuchia với Thái Lan”.

Hun Sen và các cánh quân của ông đã biết rõ họ không thể lật đổ được Khơme Đỏ mà không có sự hỗ trợ của bộ đội Việt Nam.

Hun Sen kể “ Tôi không biết chắc Việt Nam đã dùng bao nhiêu quân, vì các lực lượng vũ trang của Việt Nam rất tài tình trong việc giữ bí mật quân sự. Việt Nam không bao giờ lật ngửa quân bài của mình, thậm chí ngay cả sau khi họ đã đánh xong tay. Nếu họ ngửa lá bài của họ, thì đối phương của họ có thể đoán ra nước bài kế tiếp. Dù đọc các sách lịch sử, quý vị sẽ không biết được làm thế nào Việt Nam đã thắng Pháp ở Điện Biên Phủ. Tôi cho là có khoảng 10 vạn quân Việt Nam đã tham gia trong cuộc chiến giải phóng Campuchia. Kế hoạch ấy đã phát động một cuộc tấn công nhanh chóng để giải phóng đất nước này trong thời gian rất ngắn. Do đó, phải dùng đến một lực lượng rất hùng hậu “.

Đầy hứng khởi, ông nói “ Theo hiểu biết của tôi, Việt Nam đã dùng ba lực lượng chủ chốt – lực lượng mạnh nhất của họ là quân đoàn 4 gồm các đơn vị chính quy ( sau này đã tham gia trong cuộc chiến biên giới với Trung Quốc vào năm 1979 ). Lực lượng thứ hai của họ là bộ đội quân khu 7 của tướng Lê Đức Anh và lực lượng thứ ba là bộ đội quân khu 9. Họ đã dùng các chiến thuật khác nhau. Quân đoàn 4 tấn công vào tỉnh Svay Rieng, rồi sau đó di chuyển lên đóng quân ở tỉnh Siem Reap. Khi họ đã tấn công các cánh quân của Pol Pot ở Svay Rieng và truy đuổi quân Pol Pot cho tới tận Siem Reap “.

Ông đặt vấn đề có vẻ hoa mỹ “ Tại sao Việt Nam lại không dùng một quân đoàn khác ở Siem Reap? Sở dĩ như vậy vì quân đoàn 4 đã nghiên cứu các đơn vị Pol Pot kỹ lưỡng và biết cách đánh quân Pol Pot “.

Để thấy rõ cách chiến dịch được chỉ đạo, ông nói “ Việt Nam đã không dùng nhiều xe tăng và pháo binh. Họ dùng kinh nghiệm tấn công từ trong rừng đẩy địch vào các khu vực trống trải. Họ không dùng máy bay ném bom quân địch, họ chỉ dùng chúng để vận tải. Chủ yếu họ triển khai quân bộ binh “.

Hun Sen không thực sự tham gia vào cuộc chiến đấu ấy như ông đã từng giao chiến vào những ngày đầu là quân du kích. Bấy giờ ông đóng một vai trò quan trọng hơn. Ông lên kế hoạch, phối hợp và giám sát các hoạt động của lực lượng mình.

Phải đương đầu với cuộc tấn công dữ dội ồ ạt của các lực lượng Campuchia và Việt Nam, các phòng tuyến của Khơme Đỏ tan rã mà không có sự kháng cự. Các lực lượng của Campuchia và Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ trong các cuộc hành quân của họ, nhưng họ tấn công vào các mục tiêu riêng rẽ để đạt được các mục đích theo yêu cầu. Họ đã hành quân theo các lệnh chỉ huy khác nhau, vì họ không nói cùng một ngôn ngữ. Các lực lượng của Campuchia còn hoạt động bí mật ở Campuchia để tuyên truyền tích cự cho người dân Campuchia hiểu được đường lối chính trị của họ.

Hun Sen cho biết “ Mục đích chung của chúng tôi là để lật đổ chế độ Pol Pot; tuy nhiên, còn có nhiều mục tiêu quân sự khác phải được tiến hành riêng rẽ. Bộ đội Việt Nam không biết nói tiếng Khơme, vì vậy các lực lượng của Campuchia phải chỉ đạo các cuộc hành quân của riêng mình “.

Trong khi các lực lượng Campuchia đảm trách việc tấn công vào các khu vực mà các sư đoàn quân Khơme Đỏ của tương đối yếu, thì bộ đội Việt Nam tấn công quân Khơme Đỏ ở các tỉnh mà chúng mạnh nhất. Sau khi loại quân Khơme Đỏ ra khỏi một khu vực nhất định, bộ đội Việt Nam sẽ tiếp tục di chuyển và để lại cho các lực lượng Campuchia tiếp quản, cũng như vãn hồi trật tự trong dân đang sống ở khu vực đó.

Khi quân giải phóng Campuchia vượt qua biên giới, quân số của họ ngày càng tăng vì nhiều người dân gia nhập. Là một nhà nghiên cứu tinh tế các chiến lược quân sự, Hun Sen nói quy mô quân số tăng lên sau chiến tranh trường hợp rất hiếm.

Hun Sen cho biết “ Chúng tôi đã bắt đầu giải phóng đất nước bằng cách mởi ra Mặt trận Thống nhất với quân số giới hạn, nhưng khi chúng tôi chiến đấu xong, quân số đã tăng lên gấp nhiều lần, ngày càng có nhiều người gia nhập. Khi cuộc chiến chấm dứt, với lực lượng 2 vạn quân chiến đấu mạnh lúc bắt đầu cho tới khi chế độ Pol Pot bị sụp đổ trước các lực lượng quân đội nhân dân, quân số đã lên tới 4 vạn. Khi chúng tôi giải phóng đến đâu, nhân dân đã yêu cầu chúng tôi cho họ gia nhập vào các lực lượng vũ trang. Khi quân của Pol Pot tháo chạy, chúng đã bỏ lại vũ khí, vì vậy chúng tôi có thêm các lực lượng mới được trang bị bằng số vũ khí này. Anh của tôi, Hun neng đã thu được 700 vũ khí các loại từ lính Pol Pot bỏ chạy “.

Vào lúc kết thúc chiến sự, ông rất lấy làm ngạc nhiên thấy các lực lượng  của mình đã trưởng thành vượt bậc.

Hun Sen cho biết “ Tôi đã tự hỏi mình liệu chúng tôi có thể tuyển mộ được 28 tiểu đoàn để triển khai ít nhất mỗi tỉnh một tiểu đoàn hay không và chúng tôi đã làm được điều đó. Còn nếu là một tỉnh rộng lớn chúng tôi triển khai ở đó 2 tiểu đoàn “.

Chế độ Pol Pot sụp đổ diễn ra nhanh chóng hơn mong đợi và thậm chí còn làm cho Hun Sen phải ngạc nhiên. Vào ngày 8 tháng Giêng, khi Phnom Penh được bộ đội Việt Nam và quân nổi dậy của Campuchia chiếm giữ. Theo các bản tường trình đầu tiên của một cơ quan thông tấn của quân nổi dậy, Sarprdamean Kampuchea (SPK), Phnom Penh đã bị thất thủ mà không có giao tranh. Các lãnh đạo quân Khơme Đỏ đã bỏ chạy sang Bắc Kinh bằng cầu không vận khẩn cấp; và quân nổi dậy, tự xưng là “ Các lực lượng vũ trang cách mạng “ đã chiếm đóng  hầu hết các tòa nhà quan trọng. Kampot nằm trên vùng biển miền nam cũng đã thất thủ.. SPK đưa tin “ Bè lũ Pol Pot – Ieng Sary độc tài quân phiệt đã hoàn toàn sụp đổ “.

Khi đất nước đã được giải phóng, hai máy bay Dakota do Mỹ chế tạo được không quân Việt Nam điều khiển đã cất cánh khỏi phi trường Tân Sơn Nhất ở thành phố Hồ Chí Minh bay thẳng sang phi trường Pochentong ở Phnom Penh. Một trong hai chiếc phi cơ này đã chở Hun Sen và Chea Sim, còn chiếc kia chở Heng Samrin và Pen Sovann. Bốn nhân vật chính đã bày binh bố trận cho công cuộc giải  phóng này. Heng Samrin nhanh chóng được chỉ định làm Chủ tịch Hội đồng Cách mạng Nhân dân mới thành lập; Chea Sim là Bộ trưởng Nội vụ, Pen Sovann giữ vai trò then chốt làm Bộ trưởng Quốc phòng. Nhỏ nhất, Hun Sen biết mình sẽ được chỉ định làm Bộ trưởng Ngoại giao. Vào tháng 2 năm 1979, tất cả họ đều trở về quê hương và được chào đón như các vị anh hùng.

Từ khi ông đào thoát khỏi hàng ngũ của Khơme Đỏ, Hun Sen chỉ bước vào đất Campuchia một lần trước khi giải phóng, lần đi trinh sát bí mật với bộ binh Campuchia trong thời gian 1977 – 1978. Một Hun Sen chiến thắng đã trở về an toàn và biết rõ chế độ Khơme Đỏ đã sụp đổ; và quân đội của ông đang chiếm giữ phi trường Pochentong và thủ đô.

Ông kể “ Các lực lượng giải phóng cần phải có ngay các lãnh đạo của họ, vì vậy tôi đã phải đến bằng máy bay “.

Tại phi trường Pochentong, mọt nhóm các viên chức Campuchia chào đón và một vài nhà ngoại giao Việt Nam đã tới Phnom Penh trước họ, đã tụ tập để tiếp đón các nhà lãnh đạo cách mạng ấy. Nhưng mọi đôi mắt đều đổ dồn về một người đàn ông trẻ có nét mặt tươi tắn ở tuổi ngoài 20, Hun Sen.

Ngay sau khi ông đến Phnom Penh, Hun Sen đã được đưa thẳng từ phi trường tới hoàng cung, trước đây là nơi ở của Sihanouk và hoàng gia. Đó là một vinh dự cho nhà lãnh đạo trẻ ấy. Ông ở lại cung điện này hai tuần trước khi được trao cho dinh thự chính thức.

Ông đã cảm thấy thật buồn khi mình không gặp được Bun Rany trong số những người chào đón tại phi trường. Ông đã phải xa cách cô gần như hai năm kể từ tháng 5 năm 1977 và chắc là đã không mấy khi gặp được cô trong chín năm qua.

Hun Sen kể “ Tôi nghĩ cô ấy đã chết vì đã không có mặt tại phi trường. Bun Rany đã trải qua các giai đoạn khủng khiếp, phải trốn tránh trong các làng mạc, phải thay đổi danh tính để sống một thân một mình mà không có chồng và không biết ông còn sống hay chết.

“ Cô ấy đã không dám để lộ mình là vợ của tôi. Cô ấy đã phải lẩn trốn ở miền quê. Sau khi giải phóng, vợ, con trai tôi và những người thân của tôi vẫn không ra khỏi làng và dành dụm những bông lúa để sống “.

Lần cuối khi ông gặp, cô đã mang thai được năm tháng và sống tại một bệnh viện do Khơme Đỏ quản lý.

Ông kể “ May mắn, cán bộ Khơme Đỏ đã báo cho biết hai lần là tôi đã bị giết chết ở biên giới Campuchia –Việt Nam, vì vậy họ không còn chú ý tới vợ tôi mấy. Vào tháng 6 và tháng 12 năm 1977, họ đã tuyên bố là tôi đã chết. Cô ấy đã phải đối phó với nhiều khổ ải không giống như các ‘bà góa’ khác. Mặc dù Khơme Đỏ nói tôi đã bị giết, nhưng họ biết rất rõ tôi vẫn còn sống. Khi có cuộc nổi dậy ở miền đông, cô ấy đã trốn vào rừng cùng với con trai và người thân”.

Thông tin đầu tiên được đưa ra để đánh lạc hướng về cái chết của Hun Sen vào tháng 6 trùng với ngày ông trốn sang Việt Nam. Lần thứ hai được loan đi vào tháng 12, khi ông xuất hiện lần đầu tiên trong thời gian ngắn ở một ngôi làng Campuchia cũng vào khoảng thời gian Việt Nam tấn công chớp nhoáng các cứ điểm Campuchia ở gần biên giới.

Ông kể “ Khi tôi xuất hiện lần đầu trong một ngôi làng thì Khơme Đỏ loan báo là tôi đã chết. Họ nói rằng tôi đã chết vì đạp phải mìn khi đang cố giúp một số người Campuchia tìm đường thoát thân an toàn sang Việt Nam. Vào lúc đó, một số chỉ huy Khơme Đỏ cũng đã bị giết, vì vậy tin tức liên quan đến cái chết của tôi được lồng vào tin này. Vợ tôi cũng bị loan tin đồn kiểu như thế nhưng thực ra không phải như vậy”.

Lòng cô rộn ràng vui mừng khôn siết khi cuối cùng cô biết ông vẫn còn sống.

Bun Rany kể, khi cô biết được tin chồng vẫn còn bình an vô sự ngay sau khi giải phóng “ Nhưng anh ấy vẫn chưa lần ra manh mối tôi còn sống “.

Nhóm những người bị giam giữ do bị tình nghi cùng với cô đã bị buộc phải di tản 12 ngày sau khi giải phóng Phnom Penh. Họ đã phải đi bộ xuyên qua rừng trong 3 ngày 2 đêm. Khi tới một nơi được chỉ định, họ được nghỉ 2 ngày. Sau đó, cô và bốn ‘bà góa’ khác được sai đi làm món cá xay để cho các cán bộ ăn.

Cô kể “ Chúng tôi không có gì ăn khi Phnom Penh được giải phóng. Vì vậy, chúng tôi phải cắt lúa ở ruộng để ăn “.

Vào thời gian đó, tin tức từ mặt trận được rỉ tai nhau đến được chỗ cô và cô đã biết chồng mình vẫn còn sống. Nhưng lính Khơme Đỏ vẫn còn rất mạnh ở các tỉnh và cô không sao có cơ hội trốn thoát.

Cô kể “ Ngay cả sau khi đã được giải phóng, chúng tôi không dám nói thoải mái tự nhiên vì chúng tôi chưa biết quân giải phóng thực sự là ai và ai là người của Pol Pot. Bầu không khí đầy hoang mang ngờ vực và quý vị hầu như có thể cảm thấy sự nguy hiểm ở ngay chung quanh “.

Hun Sen phải đảm trách công việc xây dựng lại Bộ Ngoại giao hết sức bề bộn, lúc ông đã đi tới huyện Chup ở Kompong Cham để họp. Ở đó, ông yêu cầu chính quyền tìm ra nơi vợ ông được cho là đang sống ở nông trường cao su Chup, nhưng họ đã không chịu giúp.

Cô kể “ Anh ấy đã nhờ cha chồng và chị dâu của tôi tìm nơi tôi ở. Mặc dù họ đã ở lại khu vực đấy 15 ngày, nhưng họ đã không tìm được tôi:.

Lần đầu tiên trong suốt 3 giờ chúng tôi nói chuyện, Bun Rany mới mỉm cười rồi kể “ Nhưng rồi hết sức tình cờ, một trong những người lính đi cùng với họ cuối cùng đã tìm được tôi. Họ đã trở lại đón tôi “.

Bun Rany và chị dâu của mình đi bằng xe mô tô tới Phnom Penh. Họ phải thay phiên nhau ẵm đứa bé. Sau một ngày một đêm họ đã đến nơi.

Hun Sen vô cùng mừng rỡ khi gặp được cô.

Ông kể “ Tôi đang bận rôn với công việc của Bộ Ngoại giao, lúc đó cô ấy đã đến Phnom Penh và có người báo cho tôi viết vợ tôi đến. Tôi đã không tin được điều đó. Khi về nhà tôi đã gặp được vợ mình. Tôi hỏi vợ tôi bé trai đi cùng là ai. Cô ấy nói ‘ Nó là con trai của anh đấy ‘. Thằng bé đã không gọi tôi là cha “.

Nước mắt cô trào ra, Bun Rany nói thêm “ Lần đầu tiên con trai tôi gặp cha nó. Nó gọi anh ấy là ‘chú’”.

Thảm kịch lại tái diễn. Một năm sau, lính Pol Pot đã đột nhập ngôi nhà của gia đình cô ở quê và đã giết cha Bun Rany.

Với giọng thổn thức, Bun Rany nói “ Đó cũng chính là ngày mẹ tôi đến Phnom Penh “.

Cầm vội nước mắt, cô kể “ Khi Phnom Penh đã được giải phóng, chúng tôi nhận nuôi ba bé gái mồ côi vì cuộc nội chiến. Nay tất cả chúng đều đã lập gia đình”.

Họ còn cho một trẻ mồ côi nơi nương tựa mà họ dã dạy dỗ thành một người làm bếp. Cô ta vẫn còn sống trong gia đình này. Thậm chí họ còn mời một số người bà con xa đến sống chung và sinh hoạt như một gia đình đông đúc trong nhiều năm.

Sau gần 9 năm xa cách cô không còn muốn gì hơn là được gặp Hun Sen và có được cuộc sống quy củ của một gia đình.

Cô kể “ Tôi nghĩ mình sẽ giúp anh ấy coi sóc một trang trại. Công việc chính trị không phải là mối bận tâm hàng đầu của tôi. Tôi đã hoàn toàn chán nản với cuộc sống từ năm 1970 tới 1979, thời gian đó hầu như tôi chẳng gặp được anh ấy. Nhưng thời thế thay đổi, còn anh ấy phải lo toan công việc đất nước vì không có ai khác làm điều đó”.

Khi cô mới đến thành phố, ở đó không có thực phẩm và nước thoải mái cho dân. Người ta quá đói, đã phải ăn lá và rễ cây để sống, họa hoằn lắm mới có bắp và gạo.

Bun Rany đã bị lôi cuốn vào cuộc thử  nghiệm không thành công của Pol Pot và đã  phải hứng chịu khổ sở thậm tệ về chuyện đó. Cô chưa bao giờ gặp Pol Pot, nhưng cô đã tình cờ gặp một người lãnh đạo khác của Khơme Đỏ, Hou Youn, đã ghé qua bệnh viện nơi cô công tác và cô đã phải lo cho ăn. Nhưng cuối cùng cô chẳng được gì ngoại trừ sự khổ ải thê thảm.

Những điều tổn thương đã nguôi ngoai khi cô đã ổn định trong cuộc sống mới – là vợ của một Bộ trưởng Ngoại giao trẻ. Ngay cả lúc đó, họ đã phải đương đầu với các khó khăn. Hun Sen làm việc không được trả lương.

Cô kể “ Chúng tôi chẳng có gì. Chúng tôi chỉ có bắp và gạo để ăn, bắp ấy không phải được trồng ở Campuchia mà là lương thực được Việt Nam viện trợ. Đối với sự giúp đỡ đó, chúng tôi cảm nhận được lòng quảng đại của Việt Nam, chúng tôi biết sẽ rất khó khăn để qua khỏi mà không có sự giúp đỡ của họ. Những người không biết được thực tế đó đã nghi ngờ tình tiết thực sự này “.

Gia đình dòng họ Hun đã sống cùng một ngôi nhà ở Phnom Penh trong 10 năm, cho tới khi họ dọn tới ngôi nhà mới ở Takhmau.

Cười tươi, cô nói “ Và tôi vẫn nấu ăn cho gia đình “.

Cuộc sống của cô vẫn giản dị, mặc dù chồng cô đã nổi tiếng.

Cô nói “ Tôi hầu như chẳng gặp nhân vật nổi tiếng nào vì lúc nào tôi cũng ở nhà để chăm sóc con cái“.

Những người bị đàn áp đã hoan nghênh bộ đội Việt Nam. Họ còn rất biết ơn bộ đội Việt Nam đã đặt dấu chấm hết cho cảnh thảm sát hàng loạt của Khơme Đỏ. Họ tin là thời kỳ hòa bình và thịnh vượng sắp trở lại. Khoảng một năm sau, trạng thái vui mừng lạc quan ban đầu của họ đã tan biến, khi nhiều người Campuchia cảm thấy bộ đội giúp giải phóng đã ở lại chiếm đóng.

Chính phủ Heng Samrin được dựng lên dưới sự chỉ đạo của Việt Nam hay là sáng kiến của nước Campuchia độc lập?

Hun Sen nói “ Mặc dù chúng tôi nhận được phần nào sự trợ giúp của nước ngoài, nhưng chính phủ là ý tưởng của chúng tôi. Chúng tôi được độc lập hơn chính phu liên hiệp ba bên ( Sihanouk, Son Sann và Khơme Đỏ được thành lập không lâu sau đó).

Ông nói tiếp “ Khi Sihanouk, Son Sann và Khieu Samphan tổ chức một cuộc họp ở Singapore ( vào tháng 9 năm 1981 ), họ không có sự đồng thuận và phải chịu áp lực dữ dội của khối ASEAN, do vậy họ có thể thành lập chính phủ của họ ở Kuala Lumpur. Chúng tôi được độc lập hơn những người này. Chúng tôi đã dàn xếp để Heng Samrin làm Chủ tịch Mặt trận, cũng như Tổng bí thư đảng Pen Sovann làm Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng, Chea Sim làm Bộ trưởng Nội vụ, còn tôi là Bộ trưởng Ngoại giao. Chúng tôi đã dàn xếp theo đường lối của một lực lượng hội nhập”.

Hồi tưởng lại, ông nói “ Tôi đánh giá thấp ý kiến của các nhà lãnh đạo ASEAN về việc thành lập chính phủ ba bên. Họ nói với chúng tôi là chính phủ Heng Samrin được Việt Nam dựng lên là vô nghĩa. Chúng tôi biết rõ họ có quan hệ với Sihanouk, Son Sann và Khieu Samphan như thế nào, những người này đã nhận được viện trợ của họ ( dưới dạng viện trợ những thứ gây chết người và không hữu ích cho cuộc sống). Chúng tôi biết ai độc lập và ai phải chịu sự chỉ đạo. Không có người ngoại bang nào ở bên chúng tôi. Trong khi những người kia lại đang câu kết với người nước ngoài”.

Ở giai đoạn này của cuộc phỏng vấn với Hun Sen vào tháng 12 năm 1997, để cho được thấu đáo, chúng tôi đã hỏi ý kiến về lực lượng giải phóng Campuchia được coi là “xâm lược”. Lời nói hớ ấy ngay tức thì đã gặp phải một phản ứng bất bình mạnh mẽ.

Ông nói “ Xin cho tôi được đính chính lời quý vị vừa dùng. Chúng tôi giải phóng đất nước này, chứ không phải xâm lược. Quý vị có thể thấy liệu có bất cứ hình thức xâm lược nào của ngoại bang ở Campuchia hay không. Câu hỏi về quân đội nước ngoài đến Campuchia không phải là vấn đề mới. Đã có người Pháp và người Nhật. Sau đó còn có các lực lượng của Mỹ, miền Nam Việt Nam, Philippines, Thái Lan và Úc. Nói tóm lại, các nước ASEAN đã xâm lấn Campuchia và họ đã giúp chính phủ liên hiệp ba bên và Khơme Đỏ chống lại chúng tôi “.

Ông cho biết Việt Nam đã đóng vai trò giải phóng Campuchia vào năm 1978, một vai trò rõ ràng khác với các lực lượng của miền Nam Việt Nam đã cướp bóc và tàn phá Campuchia vào đầu thập niên 1970. Ông nói “ Không có bộ đội Việt Nam, chúng tôi sẽ chết “.

Trách Mỹ và ASEAN đã đổ dầu vào lửa ở Campuchia, ông nói “ Mỹ và ASEAN không có cách nào có thể dạy cho Campuchia. Họ là nguyên nhân của sự vi phạm nhân quyền và sự tàn phá ở Campuchia. Chúng tôi muốn để cho thế hệ nối tiếp chúng tôi sự tao nhã và chúng tôi không muốn dùng những từ như vậy. Liệu quý vị có muốn chúng tôi thúc đẩy ba triệu dân tiến hành cuộc biểu tình để đòi bồi thường chiến tranh không? Chúng tôi không chấp thuận từ xâm lược”.

Ông nói thêm “ Không có Pol Pot sẽ không có lực lượng vũ trang Việt Nam nào ở Campuchia. Và không có ASEAN và Mỹ xâm lăng vào Campuchia sẽ không có Pol Pot. Hôm nay, (ngày 6 tháng 12 năm 1997) tôi đã từ chối một cuộc họp với phái đoàn Mỹ, vì tôi không muốn họ cho ý kiến. Kẻo đến phiên tôi lại phải cho họ ý kiến. Tốt hơn là không nên có những lời lẽ đanh thép đối chọi nhau. Tốt hơn không nên gặp nhau “.

Ông nói “ Tại sao họ đưa ra ý kiến cho chúng tôi về nhân quyền? Khi chúng tôi biết chẳng có lời lẽ tốt đẹp nào từ phía Washington nên tôi vừa hủy bỏ cuộc họp ấy. Tôi là một dân tộc. Tôi không thể nghe theo ý kiến của bất cứ ai. Tôi không phải là chính phủ liên hiệp ba bên cần đến ý kiến của ASEAN. Tôi còn trẻ, nhưng tôi cũng không kém hơn so với những người đã làm việc với chúng tôi, như (các nhà lãnh đạo Việt Nam ) Lê Đức Anh, Lê Đức Thọ và Nguyễn Văn Linh. Khi tôi yêu cầu họ (Việt Nam ) rút các chuyên gia của họ về, họ đã thực hiện. Chúng tôi không nợ những người này bất cứ món nợ nào”.