Hồng Lâu Mộng

Hồi thứ năm mươi tám

Bọn Thám Xuân hỏi thăm xong, mọi người cười đùa một lúc rồi đâu về đây.

Ngờ đâu trong cung lão thái phi chết, các bà mệnh phụ đều phải vào triều theo thứ tự chịu tang. Có sắc ban xuống cả nước, những nhà có chức tước, trong một năm không được mở tiệc hát xướng; dân chúng thì ba tháng không được cưới xin. Mẹ con, bà cháu Giả mẫu ngày nào cũng phải vào triều dự tế, đến giờ mùi mới được về. Sau hai mươi mốt ngày làm lễ ở cung bên cạnh, mới rước linh đến tiên lăng, ở huyện Hiếu Từ. Từ Kinh đến lăng, phải đi về mất mười ngày. Khi rước linh đến đấy, lại phải để vài ngày nữa mới đặt vào địa cung (cung ở dưới đất) thế là công việc vừa vặn mất một tháng. Vợ chồng Giả Trân ở phủ Ninh cũng phải đi tế. Hai phủ vắng người, vì thế họ bàn với nhau, trong nhà không có chủ, phải nói dối là Vưu thị “ở cữ” để ở nhà trông nom công việc cả hai phủ.

Lại nhờ Tiết phu nhân vào ở trong vườn, trông nom bọn chị em và a hoàn. Bấy giờ bên nhà Bảo Thoa đã có Tương Vân và Hương Lăng; bên nhà Lý Hoàn tuy thím Lý về rồi, nhưng cứ dăm ba ngày lại đến một lần. Giả mẫu lại giao Bảo Cầm cho thím ấy trông nom, bên Nghênh Xuân đã có Tụ Yên; Thám Xuân thì việc nhà bận rộn, thỉnh thoảng dì Triệu cùng Giả Hoàn lại cứ đến quấy rầy, rất là khó chịu; nhà Tích Xuân thì hẹp quá không có chỗ cho Tiết phu nhân ở. Giả mẫu lại căn dặn Tiết phu nhân nhiều lần nhờ trông nom Đại Ngọc. Tiết phu nhân xưa nay vẫn thương yêu Đại Ngọc, nhân địp này, liền dọn đến quán Tiêu Tương cùng ở với cô ta. Tất cả thuốc men, ăn uống đều được trông nom cẩn thận. Đại Ngọc cảm kích quá, từ đấy cũng gọi Tiết phu nhân là mẹ, gọi Bảo Thoa bằng chị, Bảo Cầm bằng em, thân thiết như chị em ruột, hơn hẳn mọi người. Giả mẫu thấy thế cũng rất vui vẻ yên tâm.

Tiết phu nhân chỉ trông nom các chị em và ngăn cấm bọn a hoàn thôi; còn những việc lớn nhỏ trong nhà đều không hay nhắc đến. Vưu Thị ngày nào cũng sang, nhưng chỉ điểm đầu chiếu lệ chứ không lên mặt oai quyền. Vả lại, trong nhà trên dưới chỉ còn một mình chị ta trông nom, lại ngày nào cũng phải sắm sửa các thứ ăn mặc, đồ dùng đưa đến chỗ Giả mẫu và Vương phu nhân, vì thế cũng rất khó nhọc.

Lúc này cả chủ nhà lẫn người giữ việc ở hai phủ Ninh, phủ Vinh đều rất bận rộn. Có người phải theo vào chầu, có người phải trông nom công việc ở nơi nhà trọ, có người đi trước sắp đặt nơi nghỉ trọ, nên ở nhà không có ai cầm đầu đứng đắn cả. Họ hoặc nhuế nhóa cho qua chuyện, hoặc tụ tập, đàn đúm với bọn giữ việc tạm thời, ỷ thế làm càn. Bên phủ Vinh chỉ còn có Lại Đại cùng mấy người trông nom việc ngòai thôi. Những người xưa nay Lại Đại quen dùng để giúp việc cũng phải đi cả, tuy mượn người khác thay, nhưng đều mới lạ, chưa quen việc. Vả chăng bọn họ đều là hạng ngú ngớ hoặc bớt xén bừa bãi, hoặc trình báo vu vơ, hoặc cất nhắc liều lĩnh, việc gì cũng hỏng, chỗ nào cũng sinh rắc rối, không thể kể ra hết được. Thấy bọn con hát ở các nhà quan đều cho về cả, bọn Vưu thị liền bàn nhau, cũng trình với Vương phu nhân cho mười hai con hát về. Có người nói:

Bọn này đều là những người mua về, bây giờ không cho học hát nữa, nhưng có thể giữ lại để sai khiến, chỉ cho bọn giáo tập(1) về thôi.
Vương phu nhân nói:

Bọn học hát không thể so với lũ người sai khiến được. Họ là con nhà tử tế, vì không có nghề gì, nên bán đi để cho học hát. Chúng nó đã bôi râu vẽ mặt mấy năm rồi. Bây giờ nhân dịp này, cho mỗi người mấy lạng bạc để chúng về. Ngày trước các cụ cũng đã đặt ra lệ này. Chúng ta không nên làm việc thất đức bụng dạ hẹp hòi. Hiện giờ còn mấy người ở lại đã lâu, vì duyên cớ gì không muốn về nhà thì nên cho nó ở lại để sai khiến, chờ khi lớn lên sẽ gả cho những người hầu ở trong nhà.

Vưu thị nói:

Ta nên hỏi mười hai con hát này, đứa nào muốn về sẽ cho mấy lạng bạc và báo tin cho bố mẹ nó đến nhận, như thế mới phải. Không gọi người nhà nó đến, lỡ ra có những kẻ bậy bạ mạo tên đến lĩnh, rồi lại đem đi bán ở chỗ khác, như thế chẳng phụ công ơn mình hay sao? Đứa nào không muốn về thì cho ở lại.
Vương phu nhân cười nói:

Nói thế phải đấy.

Vưu thị sai người báo cho Phượng Thư biết rồi truyền xuống phòng tổng quản cấp cho mỗi người giáo tập tám lạng bạc, làm gì tùy ý. Một mặt tra xét những sổ sách đồ đạc ở viện Lê Hương và sai người đến canh đêm.

Khi gọi mười hai đứa bé đến hỏi kỹ càng thì đến quá nửa không muốn về nhà. Có đứa nói, tuy còn bố mẹ, nhưng chỉ chuyên muốn bán con đi thôi, nay trở về lại sợ bị mang đi bán lần nữa; có đứa nói bố mẹ chết rồi, bị anh em chú bác mang đi bán; có đứa nói không có chỗ nào nương tựa; có đứa nói mến ơn chủ không muốn bỏ đi. Chỉ có bốn, năm đứa là xin về.

Vương phu nhân đành cho chúng ở lại. Bốn, năm đứa kia thì giao cho bọn mẹ nuôi, đợi bố mẹ đẻ chúng đến nhận sẽ trả. Những đứa không muốn về thì chia đến ở các nhà trong vườn. Giả mẫu giữ lại Văn Quan để sai khiến, giao Phương Quan cho Bảo Ngọc, Nhụy Quan cho Bảo Thoa, Ngẫu Quan cho Đại Ngọc, Quỳ Quan cho Tương Vân, Đậu Quan cho Bảo Cầm, Ngải Quan cho Thám Xuân, Vưu Thị xin nhận Già Quan. Mọi người được chốn yên thân, như chim sổ lồng, ngày nào cũng ra vườn chơi đùa. Bọn trẻ này không thạo may vá thêu thùa, không quen sai khiến, ai cũng biết nên không chấp nó. Cũng có mấy đứa biết nghĩ, lo sau này ra đời không có nghề làm ăn, nên tự bỏ nghề cũ, học lấy những công việc may vá thêu thùa.

Hôm ấy chính là ngày đại tế trong triều, Giả mẫu dậy từ canh năm đến chỗ nghỉ ăn lót dạ rồi vào triều. Cơm sáng xong, về nhà trọ nghỉ, ăn bữa cơm trưa, nghỉ một lúc, vào triều dự hai buổi tế trưa và tối. Sau đó về nhà trọ nghỉ, ăn cơm tối rồi mới về phủ. May sao chỗ trọ là ngôi miếu của một ông quan to, có sư vãi trông nom, nhà cửa rất là sạch sẽ, có hai dãy phòng bên đông và bên tây. Phủ Vinh thuê dãy phòng bên đông, phủ Bắc Tĩnh vương thuê dãy phòng bên tây. Bọn thái phi, thiếu phi hàng ngày thường đến nghỉ ở đấy, cùng đi về với Giả mẫu, nên cùng trông nom giúp đỡ lẫn nhau.

Giả mẫu và Vương phu nhân phải đi đưa ma một tháng, bọn a hoàn và bà già đều rỗi việc, thường ra chơi đùa ở trong vườn. Các bà già hầu hạ ở trong viện Lê Hương cũng gọi về và cắt đi sai vặt ở các nơi, thành ra trong vườn lại nhiều thêm mấy chục người.

Bọn Văn Quan trước kia đứa thì tính nết kiêu ngạo, đứa thì cậy thế bắt nạt kẻ dưới, đứa thì thích ăn ngon mặc đẹp, đứa thì chanh chua chỏng lỏn, phần nhiều không biết yên phận. Vì thế bọn bà già đều oán ngầm, nhưng không dám cãi cọ với chúng. Bây giờ chúng thôi không học hát nữa, mọi người đều được hả dạ. Có người thì bỏ qua; có người bụng dạ ẹp hỏi vẫn nhớ thù xưa, nhưng vì chúng đã về các phòng, nên không ai

dám động đến.

Một hôm vừa gặp ngày thanh minh, Giả Liễn sắm sửa đồ lễ thường năm, dẫn Giả Hoàn, Giả Tôn, Giả Lan đến chùa Thiết Hạm tế lễ đốt vàng. Giả Dung bên phủ Ninh cũng dẫn người trong họ đem đồ lễ đến tế. Bảo Ngọc vì ốm chưa khỏi hẳn, nên không đi được. Ăn cơm xong Bảo Ngọc kêu mệt, Tập Nhân nói:

Hôm nay tốt giời, cậu hãy đi ra ngoài chơi, kẻo ăn cháo rồi đi ngủ ngay thì khó tiêu. Bảo Ngọc chống gậy đi giày ra ngoài sân chơi. Gần đây công việc trong vườn đều giao cho các bà già trông nom, người nào việc ấy, ai cũng bận rộn. Có người sửa trúc, có người đẵn cây, có người trồng hoa, có người gieo đậu, trong ao lại có các cô lái đò chèo thuyền lấy bùn, trồng sen. Tương Vân, Hương Lăng, Bảo Cầm cùng một số a hoàn đều ngồi trên đá xem họ làm việc cho vui. Bảo Ngọc cũng lững thững đi đến. Tương Vân trông thấy cười nói:

Tống cổ cái thuyền này đi, họ đến đón cô Lâm đấy!

Khi ốm còn ai nói hay được? Cô lại còn nhắc để làm trò cười! Tương Vân cười nói:
Bệnh ấy khác hẳn mọi chứng bệnh, chính mình chuốc lấy trò cười, lại đi nói người ta.
Bảo Ngọc cũng ngồi xuống xem mọi người đang tấp nập làm việc. Tương Vân nói:

Đây có gió, đá lại lạnh, anh ngồi một tí rồi về thôi. Bảo Ngọc định đến thăm Đại Ngọc, chống gậy đứng dậy, cáo từ mọi người rồi đi theo con đê ở cầu Thấm Phương. Hai bên dây liễu rủ vàng, hoa đào khoe thắm; một cây hạnh lớn ở sau núi đá hoa đã rụng cả, lá râm xanh om, trên cây có nhiều quả hạnh nhỏ bằng hạt đậu. Bảo Ngọc liền nghĩ:

Ốm mất mấy hôm, thành ra phụ cả hoa hạnh này! Không ngờ nay đã “Lá xanh rợp bóng quả đầy cành” rồi!- Bảo Ngọc nhìn mãi cây hạnh không thôi. Lại nghĩ đến việc Hình Tụ Yên sắp lấy chồng, tuy việc trai lấy vợ, gái lấy chồng là lẽ tất nhiên, nhưng lại thiếu mất một cô gái trong sạch, chỉ độ vài năm nữa chắc lại “lá xanh rợp bóng quả đầy cành”. Mấy hôm nữa, cây hạnh này quả rụng cành trơ; mấy năm nữa cô Tụ Yên cũng chẳng tránh khỏi má hồng phai nhạt, mớ tóc bạc phơ! Bảo Ngọc đâm ra thương

tâm, chỉ nhìn cây hạnh thở dài. Đương lúc than thở, chợt có con chim sẻ bay đến, kêu ríu rít trên cành, Bảo Ngọc lại đâm ngơ ngẩn, nghĩ bụng: “Chắc khi hoa hạnh nở, con chim sẻ đã từng đến đây, nay thấy không còn hoa, chỉ có lá nên nó kêu ríu rít. Tiếng kêu này tất là tiếng khóc than gì đây? Tiếc rằng Công Dã Tràng(2) không ở đây, nên không hỏi được con chim ấy. Nhưng không biết sang năm khi cây hạnh nở hoa, liệu con chim sẻ này còn nhớ mà bay đến để họp mặt với hoa nữa không?”

Đương nghĩ vơ vẩn, thì có ánh lửa từ bên kia núi rọi sang, con chim sẻ sợ bay đi mất. Bảo Ngọc giật mình, lại nghe thấy bên ngoài có tiếng quát: “Ngẫu Quan, mày muốn chết! Làm sao lại mang giấy tiền đến đây mà đốt? Ta về trình các mợ cho mà xem, liệu xác mày đấy!” Bảo Ngọc càng nghi hoặc, liền đi vòng sang núi xem, thấy Ngẫu Quan nước mắt giàn giụa, ngồi ở đấy tay vẫn cầm mồi lửa, ngồi trước đống gio giấy tiền mà than khóc, Bảo Ngọc vội hỏi:

Chị đốt giấy tiền cho ai đấy? Đừng đốt ở đây! Có đốt cho bố mẹ anh em, thì nói rõ tên họ ra, tôi sẽ bảo người hầu làm cho một cái bao giấy, viết tên họ vào đấy rồi đem mà đốt.
Ngẫu Quan trông thấy Bảo Ngọc, không nói câu gì. Bảo Ngọc hỏi mãi nó cũng chẳng trả lời. Chợt thấy một bà già hằm hằm chạy đến kéo Ngẫu Quan, mồm lảm nhảm: “Tao đã trình các mợ rồi, các mợ ấy giận lắm!” Ngẫu Quan tính còn trẻ con, nghe nói, sợ mất thể diện nên không chịu đi. Bà già nói:
Tao bảo mày không được nhông nháo quá như thế! Bây giờ không làm bậy được như lúc còn ở ngoài đâu! Đây là chỗ nghiêm cấm đấy. – Lại trỏ Bảo Ngọc nói: – Ngay cậu chúng tao đây cũng phải giữ khuôn phép, mày là hạng gì mà dám đến đây làm bậy? Rồi cũng chỉ là đồ vất đi thôi. Hãy đi theo tao!
Bảo Ngọc vội nói:

Cô ấy có đốt giấy tiền đâu, cô Lâm bảo cô ấy đốt giấy vụn đấy, bà không biết rõ, lại đi mách nhầm.
Ngẫu Quan chẳng hiểu ra sao, trông thấy Bảo Ngọc lại càng sợ thêm. Thấy Bảo Ngọc bênh mình, trong bụng đương lo hóa mừng, liền nói bướng:
Bà trông thực là giấy tiền à? Tôi đốt giấy vụn của cô Lâm đấy.

Bà già cúi xuống nhặt mảnh giấy còn sót lại ở đống gio lên nói:

Mày còn cãi bướng à? Có chứng cớ đây, đi lên nhà tao sẽ nói chuyện với mày. Liền cầm tay Ngẫu Quan chực lôi đi.
Bảo Ngọc vội kéo Ngẫu Quan lại, lấy gậy gạt tay bà già, nói:

Bà cứ bắt cô ấy đi. Tôi nói thực cho bà biết: đêm qua tôi nằm mê, thấy thần hạnh hoa đòi một bó giấy tiền, bảo phải sai người lạ đốt, không được sai người trong nhà, bệnh tôi mới chóng khỏi. Vì thế tôi đưa giấy tiền nhờ cô Lâm nói với cô đem đốt và khấn hộ, không cho một ai biết, nên hôm nay mới dậy được. Không may bà lại trông thấy. Bây giờ tôi mà khó chịu là tại chạm phải vía bà đấy! Bà lại còn muốn đi mách cô ấy à? Cô Ngẫu Quan đến chỗ các mợ cứ theo thế mà nói cho tôi.

Ngẫu Quan nghe nói càng đắc ý, lại kéo bà già đi. Bà già vất giấy tiền xuống, cười xin Bảo Ngọc:
Vì tôi không biết, nếu cậu trình bà thì còn gì là đời tôi nữa? Bây giờ tôi về trình với các mợ là cậu ra lễ thần, tôi trông lầm đấy.
Bảo Ngọc nói:

Bà mà không trình thì tôi cũng không nói.

Tôi trót trình rồi, các mợ bảo phải mang nó lên. Bây giờ đành chỉ nói là cô Lâm gọi nó về rồi.
Bảo Ngọc gật đầu bằng lòng. Bà già liền đi ngay. Bảo Ngọc hỏi kỹ Ngẫu Quan:
Đốt giấy tiền cho ai đấy? Đốt cho bố mẹ anh em, tất phải nhờ người ngoài, chắc cô lại có mối tình riêng gì đây?
Ngẫu Quan thấy Bảo Ngọc vừa mới che chở cho mình và cũng có những tâm tư giống mình, lòng càng cảm kích, khó bề giấu giếm được, liền rơm rớm nước mắt nói:
Việc này của tôi, trừ Phương Quan nhà cậu và Nhụy Quan ở nhà cô Bảo ra, không có người thứ ba nào biết nữa. Hôm nay bất chợt cậu trông thấy, đành phải nói thực với cậu, nhưng cậu không được nói cho người khác biết. – Rồi nó lại khóc – Tôi không tiện nói thẳng với cậu, cậu cứ về đi, khi vắng người cậu khẽ hỏi Phương Quan sẽ biết.

Nói xong bùi ngùi đi về.

Bảo Ngọc trong lòng buồn bực, đành đi đến quán Tiêu Tương thăm Đại Ngọc. Thấy Đại Ngọc người gầy đáng thương, hỏi ra đã đỡ hơn trước nhiều. Đại Ngọc cũng thấy

Bảo Ngọc gầy hơn trước nhiều, nhớ đến việc hôm nọ, nước mắt lại giàn giụa. Cô ta nói chuyện qua loa mấy câu rồi giục Bảo Ngọc về nghỉ. Bảo Ngọc đành phải đi về. Nhớ đến việc lúc nãy, Bảo Ngọc muốn hỏi Phương Quang, nhưng có Tương Vân, Hương Lăng ở đấy đang nói chuyện với Tập Nhân và Phương Quan, nên không tiện gọi nó, sợ người ta tra hỏi, đành phải nín lại.

Một lúc sau, Phương Quan đi gội đầu với mẹ nuôi. Nhưng mẹ nuôi nó lại cho con gái đẻ gội trước, rồi mới đến Phương Quan. Phương Quan thấy thế, cho là mẹ nuôi bênh con đẻ liền nói:

Mẹ lấy nước thừa của con gái cho tôi gội à? Tiền lương tháng của tôi mẹ lấy cả, không biết đã phải nhờ vào tôi, lại còn cho tôi dùng những đồ thừa!
Mẹ nó xấu hổ quá, đâm ra cáu giận, mắng:

Đồ vô ơn này! Chẳng trách người ta thường nói là “xướng ca vô loài”. Mày dù hay đến đâu, đã nhập vào bọn ấy cũng đến hỏng thôi! Mới ba tuổi ranh đã biết bới lông tìm vết, lời ong tiếng ve, chả khác gì con lừa cắn quanh!
Hai mẹ con cãi nhau ầm lên. Tập Nhân vội sai người ra bảo:

Làm ồn vừa chứ! Tại sao cứ nhè lúc cụ đi vắng là cãi nhau om sòm, không ai chịu lựa lời êm thắm nói chuyện với nhau.
Tình Văn nói:

Đó là Phương Quan bới việc, chẳng biết nó làm ầm cái gì? Mới biết được vài vở hát, đã tưởng mình giết được tướng giặc, bắt được kẻ làm phản ấy!
Tập Nhân nói:

Ông ghê bà cũng gớm!(3) Người già cư xử bất công, con bé thì cũng đáng ghét.

Không trách được Phương Quan. Người xưa nói: “Con giun xéo lắm cũng phải quằn”. Ở đây nó không có bố mẹ họ hàng, chẳng ai trông nom; bà ấy đã lấy tiền của nó, lại còn giày vò nó, thì trách sao được?
Lại hỏi Tập Nhân:

Một tháng nó được bao nhiêu tiền lương? Từ nay chị nhận lấy lương mà trông nom nó, chẳng nhẹ việc hay sao?

Tôi làm gì chả trông nom được, cứ gì phải mấy đồng tiền của nó, để người ta chửi cho đấy?
Nói xong Tập Nhân đứng dậy vào trong nhà lấy một lọ dầu móc hoa, trứng gà, xà phòng thơm, dây buộc tóc, gọi bà già đến bảo:
Bà mang cho Phương Quan, dặn nó lấy nước khác mà gội, đừng làm ồn lên nữa.

Đồ bội bạc! Cứ bảo tao ăn bớt tiền của mày! – Rồi đánh nó mấy cái. Phương Quan khóc ầm lên, Bảo Ngọc chạy ra, Tập Nhân vội ngăn lại:

Cậu ra làm gì? Để tôi đi bảo mụ ấy.

Bà già mà không biết điều! Bà không cho nó nước gội đầu, chúng tôi mới phải cho nó. Bà không biết xấu hổ, lại còn vác mặt đi đánh nó, nó còn học nghề ở ban hát liệu bà có dám đánh nó không?
Một ngày nhận mẹ là nghĩa suốt đời. Nó hỗn láo, tôi đánh nó đấy!

Tôi không quen cãi nhau với ai. Tình Văn nóng tính quá. Chị ra đe mẹ ấy mấy câu. Xạ Nguyệt chạy ra nói:
Bà hãy im đi. Tôi hỏi bà: không riêng chỗ chúng tôi ở đây, mà cả trong vườn này, bà xem có ai dám mắng mỏ con cái ở trong nhà chủ không? Dù là con đẻ của bà nữa, đã cho đi ở các phòng, phạm lỗi gì, đã có người chủ đánh mắng. Sau nữa có các cô, các chị lớn tuổi mới đánh mắng được thôi, ai cho phép bà ở ngoài đến sấn sổ vào những việc không đâu? Nếu bà còn làm thế, thì bảo chúng nó đến đây học chúng tôi cái gì? Càng già càng vô phép! Hôm nọ bà thấy mẹ Trụy Nhi đến làm ầm lên, giờ bà cũng lại định học mụ ấy phỏng? Các bà hãy bình tâm. Mấy hôm nay, người nọ ốm, người kia ốm, cụ lại bận việc, nên tôi chưa đi trình được thôi. Chờ ít lâu, tôi sẽ trình hết, để các bà nhụt bớt cái lối hung hăng đi mới được! Vả lại, cậu Bảo ốm mới khỏi, chúng tôi cũng chẳng dám nói to, bà lại dám đánh người, để nó tru tréo lên thế! Chủ mới đi khỏi nhà có mấy ngày, các bà đã coi trời bằng vung, mắt không coi ai ra gì cả! Có lẽ sau này các bà đánh cả chúng tôi đấy! Nó cũng không cần gì hạng mẹ nuôi như thế đâu! Không có bà thì nó bị đống rác mục vùi đi mất hay sao?

Bảo Ngọc giận quá, cầm gậy đập vào ngưỡng cửa nói:

Bọn bà già này đều là ruột đồng gan sắt cả. Thật là việc lạ. Đã không trông nom lại còn hành hạ chúng nó. Trời đất cứ mãi thế này thì biết làm sao được?
Tình Văn nói:

Biết làm cái gì? Cứ tống cổ cả đi, không cần cái hạng bánh vẽ ấy là được.

Bà già này xấu hổ quá, không nói lại câu nào. Phương Quan thì mặc cái áo bông cánh màu hoa hải đường, cái quần rộng ống bằng lụa xanh chấm hoa, tóc đen nhánh rủ ra đằng sau, đứng khóc sướt mướt như người tắm nước mắt vậy. Xạ Nguyệt cười nói:

Làm cho cô Oanh Oanh trở thành chị Hồng Nương vừa mới bị đòn. Không đi ăn mặc cho tử tế, lại để thế à?
Tình Văn chạy lại kéo Phương Quan đi gội đầu, rồi vắt lau khô, bới tóc lên, sau đó bảo nó mặc quần áo và dẫn về bên này.
Ngay sau đó, bà già ở nhà bếp lên hỏi:

Cơm chiều có rồi, đã mang lên được chưa?

Đứa hầu nhỏ nghe đoạn, vào hỏi Tập Nhân. Tập Nhân cười nói:

Vừa rồi cãi nhau ầm ĩ, không để ý là mấy giờ rồi. Tình Văn nói:
Cái quái ấy không biết giở chứng gì, lại phải đem đi sửa thôi! Nói xong lấy đồng hồ ra xem và bảo:
Chờ một tý nữa thì vừa đấy.

Nhắc đến chuyện nghịch, lại muốn đánh cho Phương Quan mấy cái. Hôm qua chính nó cứ táy máy cái quả lắc mãi, nên đồng hồ mới không chạy được.
Đương nói chuyện thì đồ ăn đã sửa soạn xong.

Một lúc đứa hầu nhỏ bưng cái hộp lên đứng đấy, Tình Văn, Xạ Nguyệt mở ra xem, vẫn là bốn món ăn thường.
Tình Văn cười nói:

Đã khỏi rồi mà vẫn cho ăn mấy món thanh đạm! Cứ cháo với dưa muối mãi đến bao

giờ!

Nhìn thấy trong hộp còn một bát canh thịt lợn nướng nấu với măng tươi, Tình Văn vội bày ở trước mặt Bảo Ngọc. Bảo Ngọc đến bàn húp một húp, nói:
Canh ngon lắm! Mọi người đều cười:

Phật sống ơi! Đã mấy hôm nay không trông thấy đồ ăn mặn. Chẳng trách mà thèm như thế!
Vừa nói họ vừa bưng bát canh lên khẽ thổi. Thấy Phương Quan đứng ở bên cạnh, họ đưa cho nó, bảo:
Mày cũng tập hầu đi, đừng ngớ ngẩn thế nữa. Khẽ thổi thôi, đừng cho nước dãi bắn vào.
Phương Quan nghe lời, thổi mấy cái rất nhẹ nhàng. Mẹ nuôi nó bưng cơm đứng chực ở cửa ngoài. Trước khi Phương Quan mới đến, bà ta đã nhận nhau từ bên ngoài, rồi cùng vào viện Lê Hương. Bà này là người hầu hạng ba ở phủ Vinh, chẳng qua chỉ làm việc giặt giũ, chưa được vào trong các phòng bao giờ, nên chưa biết khuôn phép. Nay mới được vào trong vườn, theo bọn con gái về các buồng. Ngay lúc đầu bà ta bị Xạ Nguyệt làm cho một trận, đã biết thân biết phận phần nào. Bà ta rất lo Phương Quan không nhận làm mẹ nuôi, sẽ có nhiều chỗ không lợi, nên trong lòng muốn mua chuộc bọn này. Thấy Phương Quan thổi canh, bà ta chạy vào cười nói:

Nó chưa thạo, coi chừng đánh vỡ bát, để tôi thổi cho.

Ra mau! Nó có đánh vỡ bát nữa cũng chưa đến lượt bà thổi! Sao bà vô cớ được chạy vào trong buồng này? – Rồi lại mắng bọn a hoàn nhỏ – Chúng mày mù à! Bà ấy không biết thì phải bảo chứ!
Bọn a hoàn nhỏ đều nói:

Chúng tôi nói, bà ấy không tin, đuổi bà ấy cũng không ra, thành ra chúng tôi bị mắng lây, nghĩ thật bực! Bà đã biết chưa? Chỗ chúng tôi vào được thì bà cũng chỉ được đến nửa chừng thôi, không thể vào hẳn nơi đó. Huống chi bà lại lần cả vào những chỗ chúng tôi không được vào. Việc ấy đã đành, bà lại còn dám giơ tay đỡ lấy bát cháo, thò mồm vào thổi nữa.

Vừa nói vừa đẩy mụ ấy ra. Mấy bà già chờ dưới thềm đón lấy hộp không, thấy mụ ấy đi ra, đều cười nói:
– Bà chị chưa lấy gương soi mặt mà đã đi vào à?

Mụ ấy xấu hổ đâm ra tức giận, nhưng đành phải nín nhịn đi ra.

Phương Quan thổi mấy cái, Bảo Ngọc cười nói:

– Mày thử nếm xem đã vừa ăn chưa?

Phương Quan cho là nói đùa, cứ cười nhìn bọn Tập Nhân. Tập Nhân nói:

Em cứ nếm một tí có việc gì đâu? Tình Văn nói:
Xem ta nếm đây này.

Nói xong liền húp một miếng. Phương Quan thấy thế cũng húp một miếng rồi nói: “Được rồi!” Liền đưa lên B Ngọc húp hết nửa bát, ăn mấy miếng măng và nửa bát cháo, thế là xong bữa. Mọi người dọn dẹp mang ra. Bọn hầu nhỏ bưng chậu nước vào, súc miệng, rửa mặt xong, bọn Tập Nhân mới đi ăn cơm.

Bảo Ngọc đưa mắt liếc Phương Quan. Phương Quan vốn tính khôn, lại học hát mấy năm, việc gì mà nó chẳng hiểu? Nó giả cách đau bụng không ăn cơm. Tập Nhân nói:

Đã không ăn cơm thì ở lại đây hầu. Để phần cháo cho đấy, lúc nào đói thì ăn. Nói xong rồi đi ra.
Bảo Ngọc đem việc gặp Ngẫu Quan vừa rồi, mình bịa ra để che lỗi cho nó thế nào, và Ngẫu Quan bảo về hỏi Phương Quan thế nào, kể lại một lượt cho nó nghe, lại hỏi:
Nó tế ai đấy?

Việc này nói ra thì chị Ngẫu Quan cũng vớ vẩn quá!

Thế nào?

Chị ấy tế chị Dược Quan mới chết đấy!

Hai người là bạn với nhau thì tế cũng phải.

Có phải bạn bè gì đâu? Chẳng qua nghĩ vớ vẩn đấy thôi. Chị ấy đóng vai học trò. Dược Quan đóng vai hề. Hai người thường làm vợ chồng, hằng ngày lên hát, ra bộ thân mật với nhau, lần này lần khác, chúng nó vớ vẩn y như vợ chồng thật. Sau thành

ra thương yêu nhau. Khi Dược Quan chết, chị ấy khóc lóc chết đi sống lại, đến nay cũng vẫn chưa quên, vì thế cứ đến ngày Tết là đốt vàng cho Dược Quan. Sau này Nhụy Quan bù vào vai ấy, chúng tôi thấy chị ấy lại thân mật như Dược Quan ngày trước, liền hỏi. – Tại sao có người mới đã quên ngay người cũ? Chị ấy nói: “Không phải quên đâu. Cũng như người đàn ông góa vợ, sau khi lấy vợ khác, nhưng vẫn giữ mối tình chung thủy không bao giờ quên hẳn người vợ đã chết. Nếu vì người chết mà giữ tiết ở lại trọn đời, không lấy người khác, như vậy không đúng, người chết sẽ băn khoăn”. Cậu xem chị ấy nói thế có phải điên ngốc đáng cười hay không?

Bảo Ngọc nghe những câu chuyện ngốc ấy, hợp với tính ngốc của mình, đâm ra vừa mừng vừa thương, cho là chuyện lạ, nói:
Trời đã sinh ra những người như vậy, còn cần gì đến ta là hạng râu mày ô trọc làm nhơ nhuốc cả cõi trần – Nhân lại kéo Phương Quan dặn:
Đã vậy tôi có một câu dặn cô. Nếu tôi gặp thẳng Ngẫu Quan, tất sẽ không tiện, nên nhờ cô nói giúp.
Phương Quan hỏi việc gì. Bảo Ngọc nói:

Từ nay không nên đốt giấy tiền nữa. Giấy tiền là dị đoan của người sau đặt ra, chứ không phải lời dạy của Khổng Tử. Sau này hễ gặp ngày tết thì chỉ thắp một lò hương, lòng thành tâm niệm, tự nhiên sẽ cảm ứng. Hạng người ngu xuẩn có biết đâu, bất kỳ thần phật hoặc người chết, họ đều chia ra thứ bậc, thế nọ thế kia, có biết đâu cốt lấy “lòng thành” làm chủ. Ngay những ngày loạn ly hốt hoảng, hương khói không có, gặp đống đất, đống cỏ nào sạch sẽ là tế cũng được. Không những người chết đến hưởng, mà cả quỷ thần cũng hưởng. Cô xem trên bàn của tôi vẫn đặt cái lư hương, tôi có tâm sự gì, không cứ ngày nào, thường thường thắp hương; có chè mới cúng một chén chè, có nước trong cúng chén nước, hoặc có hoa quả mới, hoặc đồ chay đồ mặn cũng đem lên cúng. Chỉ cốt ở lòng thành, thần phật sẽ lại hưởng. Cho nên nói: cốt ở lòng kính, không ở nghi tiết hão huyền. Từ nay nhớ bảo cô ấy không nên đốt giấy tiền nữa.

Phương Quan nghe nói, vâng lời.

Một lúc, ăn cơm xong, có người về trình: cụ và bà Hai đã về.

————————–

(1). Người dạy.

(2). Học trò Khổng tử, ông biêt nghe hiểu tiếng chim.

(3). Nguyên văn: một bàn tay vỗ không nên tiếng.