Hồng Lâu Mộng

Hồi thứ ba mươi hai

Bảo Ngọc trông thấy con kỳ lân, trong bụng rất vui sướng, giơ tay cầm lấy, cười nói:

May em nhặt được! Nhưng tại sao em lại nhặt được? Tương Vân cười nói:
May mà là cái này, chứ mai sau đánh rơi cái ấn, chả lẽ anh cũng chịu hay sao? Bảo Ngọc cười nói:
Mất cái ấn, chỉ là việc thường, chứ mất cái này thì anh thật đáng chết.

Tập Nhân pha nước đem lại mời Tương Vân uống, rồi cười nói:

– Cô ơi, hôm nọ tôi nghe cô có tin mừng lớn.

Tương Vân đỏ mặt, ngoảnh đầu đi phía khác uống nước, không trả lời. Tập Nhân cười nói:
Bây giờ cô lại đâm ra xấu hổ. Còn nhớ một buổi chiều năm nào, chúng ta ngồi ở gác bên tây nói chuyện với nhau không? Khi ấy cô không thẹn thò gì cả, sao bây giờ cô lại thẹn?
Tương Vân lại đỏ bừng mặt lên gượng cười nói:

Chị còn nhắc lại việc ấy làm gì! Lúc bấy giờ chúng ta đằm thắm với nhau lắm, sau mẹ tôi chết, nhà tôi dọn đi ở xa, vì thế người ta mới gán chị cho anh Bảo, bây giờ tôi đến đây, chị đối đãi với tôi không còn như trước nữa.
Tập Nhân cũng đỏ mặt lên, cười nói:

Thôi đi, lúc trước thì một điều chị, hai điều chị, nhờ tôi chải đầu, rửa mặt, lấy cái nọ, chơi cái kia; bây giờ lại làm ra bộ tiểu thư. Cô đã thế, thì tôi còn dám gần gũi sao được?
Tương Vân nói:

A di đà phật! Oan uổng quá! Tôi mà như thế thì chết ngay lập tức. Chị xem, trời nóng thế này, vừa đến đây, tôi lại thăm chị trước tiên. Chị không tin, thử hỏi con Lũ xem. Khi tôi ở nhà, từng giờ từng phút, không lúc nào không nhắc nhở đến chị?
Tập Nhân và Bảo Ngọc nghe nói, đều cười:

Nói đùa mà lại cho là thực, cô vẫn còn giữ tính nóng nẩy ấy.

Chị có biết đâu, cứ nói nhưng câu chọc tức người ta, rồi lại trách người ta nóng tính. Vừa nói vừa mở cái khăn lụa ra, lấy nhẫn đưa cho Tập Nhân. Tập Nhân cảm ơn mãi, cười nói:
Hôm nọ cô gửi quà cho các cô bên này, tôi cũng đã được một phần rồi. Hôm nay cô lại thân hành mang nhẫn đến cho tôi, thế mới biết không bao giờ cô quên tôi. Tôi nói thế để thử bụng cô đấy thôi. Cái nhẫn có đáng là bao? Thế đủ biết lòng thực của cô.
Tương Vân hỏi:

Ai đưa cho chị?

Cô Bảo đưa cho tôi.

Thế ra cô Bảo cho chị à? Tôi cứ tưởng là cô Lâm. Khi tôi ở nhà, luôn luôn nghĩ đến các chị em bên này, Không ai tốt bằng Cô Bảo. Tiếc rằng chúng tôi không phải là chị em ruột. Nếu tôi được một người chị ruột như thế, thì có mồ côi cha mẹ cũng không lo.
Nói xong, mắt đỏ hoe. Bảo Ngọc nói:

Thôi, thôi, đừng nhắc đến chuyện ấy nữa.

Nhắc đến chuyện ấy thì sao? Tôi biết bụng anh rồi. Anh chỉ sợ cô Lâm nhà anh nghe thấy, lại tức tối vì tôi chỉ biết khen cô Bảo thôi. Có phải thế không?
Tập Nhân đứng cười khì một tiếng, nói:

Cô Vân bây giờ lớn lên, bụng dạ thẳng thắn, có gì nói tuột ngay ra.

Tôi thường bảo mấy chị em các cô thực khó nói chuyện quá, quả là không sai. Tương Vân nói:
Thôi xin anh đừng nói nữa, lại làm cho tôi bực mình. Bây giờ trước mặt tôi thì anh nói thế, nhưng khi gặp cô Lâm nhà anh, chẳng biết anh lại tán tụng đến thế nào.
Tập Nhân nói:

Thôi đừng nói chuyện đùa nữa, tôi có một việc cần nhờ cô

Việc gì đấy?

Có một đôi giày, tôi đã cắt vải rồi, nhưng mấy hôm nay người không được khỏe, nên

không làm được. Cô có rỗi làm giúp hộ tôi.

Lạ thật! Nhà chị bao nhiêu là người khéo, biết thêu thùa, biết cắt may, tại sao lại nhờ tôi làm? Công việc của chị nhờ ai mà chả được?
Tập Nhân cười nói:

Cô lại hồ đồ rồi! Cô vẫn chưa biết à? Những đồ thêu thùa trong nhà này, có phải người biết thêu thùa là làm được đâu!
Tương Vân nghe nói, biết ngay là giày của Bảo Ngọc, cười nói:

Đã thế thì tôi làm hộ chị. Nhưng có một điều là, có thực của chị thì tôi mới làm, chứ của người khác thì tôi không làm đâu.
Cô lại khéo giở trò! Tôi là người thế nào mà dám nhờ cô thêu hộ giày. Nói thực với cô, đây không phải là giày của tôi. Nhưng bất cứ của ai, nếu cô làm hộ thì tôi biết ơn cô là đủ rồi.
Cứ lẽ ra tôi đã làm hộ chị nhiều thứ rồi, bây giờ chắc chị cũng hiểu vì sao tôi không làm hộ.
Tôi vẫn chưa hiểu gì cả.

Tôi nghe nói đã có lần mang cái quạt của tôi ra sánh với cái quạt của người ta, rồi tức bực cắt tan ra. Tôi biết, chị lại còn giấu tôi à? Bây giờ chị lại bảo tôi làm, thế ra tôi là đầy tớ các người đấy nhỉ?
Bảo Ngọc cười nói:

Hôm trước, thực không biết cái đó là của em làm!

Tập Nhân cười:

Cậu ấy thực không biết là của cô làm, đó là tôi nói dối cậu ấy rằng gần đây ở ngoài phố có em bé làm quạt rất khéo, cắt được những kiểu hoa lạ lắm. Tôi lấy một cái đem về xem có đẹp hay không. Cậu ấy tin là thật, đưa cho người này người nọ xem, không ngờ lại làm cô Lâm tức giận, đem cắt ra làm đôi. Sau cậu ấy lại bảo tôi thuê làm một cái khác, tôi mới nói thực là của cô làm. Cậu ấy thấy vậy hối hận không biết chừng nào!

Tương Vân nói:

Như thế lại càng lạ lắm. Việc gì đến cô Lâm mà cô ấy phải tức. Cô ấy đã biết cắt, chắc cô ấy phải biết làm.

Tập Nhân nói:

Cô ấy không làm đâu. Như thế mà cụ còn sợ cô ấy khó nhọc đấy! Thầy thuốc lại bảo nên tĩnh dưỡng nhiều cho khỏe. Như vậy thì ai còn dám phiền cô ấy làm nữa? Năm ngoái, suốt cả năm cô ấy chỉ làm được có một cái túi hương, giờ đã nửa năm rồi, vẫn chưa thấy đụng đến kim chỉ.

Đương nói thì có người vào trình “Có khách ở phố Hưng Long đến chơi, ông gọi cậu Hai ra tiếp”. Bảo Ngọc nghe nói, biết ngay là Giả Vũ Thôn, trong bụng rất khó chịu. Tập Nhân vội đi lấy quần áo. Bảo Ngọc vừa xỏ giày vừa lẩm bẩm: “Đã có ông ngồi tiếp ông ta là đủ rồi, việc gì lần nâo cũng đòi gặp tôi”. Tương Vân phe phẩy cái quạt cười nói:

Vì anh khéo chiều khách, nên ông mới bảo anh ra tiếp.

Nào phải ông bảo đâu, chỉ tại cái lão ấy muốn gặp tôi đấy thôi.

Chủ mà nhã thì khách năng đến chơi, chắc là anh có nhiều điều tốt làm ông ta lưu ý đến, mới muốn gặp anh.
Thôi, thôi, tôi không dám hứng lấy những cái nhã ấy, chẳng qua tôi là một người tục, tục nhất trong đám tục, không muốn đi lại với hạng người ấy!
Cái tính ấy vẫn chưa chịu bỏ. Bây giờ anh lớn rồi, dù anh không muốn thi đỗ cử nhân tiến sĩ, thì cũng nên năng gặp gỡ những bậc quan sang, bàn đến bước đường tiến cử để ra gánh vác việc đời, giúp nước giúp dân, nên cần phải có bạn bè qua lại. Chứ quanh năm anh cứ luẩn quẩn với bọn chị em chúng tôi, thì còn làm được trò trống gì nữa?

Bảo Ngọc nghe thấy những câu ấy, trái tai lắm, liền nói:

Xin mời cô sang ngồi chơi bên nhà khác. Chứ nhà tôi đây thực làm nhơ bẩn đến những người hiểu việc trị nước giúp dân ấy.
Tập Nhân vội nói đỡ

Thôi, cô đừng nói chuyện với cậu ấy nữa. Kỳ trước cô Bảo cũng có một lần nói đến việc này, cậu ấy không nể mặt, đằng hắng một tiếng rồi xỏ giày đi luôn. Cô Bảo đang nói, thấy cậu ấy bỏ đi, thẹn đỏ mặt lên, không biết nên nói hay đừng. May là cô Bảo, chứ cô Lâm thì chưa biết sinh chuyện đến thế nào, khóc lóc đến thế nào. Nhắc đến chuyện này, người ta phải kính phục cô Bảo, cô ấy ngồi một lúc rồi về. Tôi không

đành lòng, cho là cô ấy thế nào cũng giận, không ngờ sau đã lại tử tế như thường, thực là người có độ lượng, bụng dạ rất là rộng rãi. Ai ngờ cậu ấy lại không chơi thân với cô ta! Còn cô Lâm, hễ thây cậu ấy giận là cô ta không cần nhìn đến, dần dần cậu ấy lại phải đến xin lỗi, cứ thế không biết bao nhiêu lần. Bảo Ngọc nói:

Cô Lâm có bao giờ nói những câu nhảm ấy đâu? Nếu nói đến thì tôi đã xa cô ấy từ lâu rồi.
Tập Nhân và Tương Vân lắc đầu cười nói: Những câu ấy mà nhảm à?
Đại Ngọc biết trước là Tương Vân sang chơi thế nào Bảo Ngọc cũng nhắc đến chuyện con kỳ lân, nghĩ bụng: “Gần đây Bảo Ngọc hay xem những chuyện tiểu thuyết, phần nhiều giai nhân, tài tử được gặp nhau là do những đồ chơi lặt vặt, khéo léo xe nên, hoặc là do uyên ương, hoặc là do phượng hoàng, hoặc là vòng ngọc, dây vàng, hoặc là khăn giao(1) dây loan đều nhờ những vật nhỏ ấy mà thỏa được ý nguyện suốt đời”. Nay thấy Bảo Ngọc có con kỳ lân, tất sẽ mượn cái ấy mà sinh chuyện, hòng khêu gợi tình tứ với Tương Vân chăng? Vì thế Đại Ngọc lẳng lặng đi đến, tùy cơ để dò xét ý tứ hai người, không ngờ vừa tới nơi, nghe thấy Tương Vân đương nói việc trị nước giúp dân, và nghe Bảo Ngọc trả lời: “Không khi nào cô Lâm lại nói nhưng câu nhảm ấy, nếu nói đến, tôi đã xa cô ấy lâu rồi”.

Đại Ngọc nghe vậy, mừng mừng, sợ sợ, tủi tủi, thương thương. Mừng là: mắt mình không nhầm, ngày thường vẫn cho anh ấy là ngưòì tri kỷ, giờ quả thực như vậy. Sợ là: trước mặt người khác, anh ấy vẫn nghĩ đến mình, vẫn khen ngợi mình, đủ biết mối tình nồng nàn không hề e ngại tý gì; tủi là: anh đã là tri kỷ của tôi, thì tất nhiên tôi cũng là tri kỷ của anh. Anh và tôi đã là một đôi tri kỷ, thì tại sao lại còn có chuyện “vàng” với “ngọc”. Mà dù có chuyện “vàng ngọc” thì vàng ngọc ấy đáng lẽ là của anh và của tôi, chứ tại sao lại còn có cô Bảo Thoa nữa? Thương là: cha mẹ mất sớm, dù có những lời ghi lòng tạc dạ, nhưng không có ai tác thành cho ta. Vả chăng, gần đây đã chớm có bệnh, tinh thần hoảng hốt. Thầy thuốc bảo: “Khí suy huyết kém, sợ rồi sinh ra chứng lao”. Tôi dù là tri kỷ của anh, nhưng sợ không thể chờ lâu được. Anh dù là tri kỷ của tôi, nhưng tôi bạc mệnh thì làm thế nào? Nghĩ đến nông nỗi ấy, Đại Ngọc

không cầm nổi nước mắt; muốn đi vào để gặp nhau, nhưng lại nghĩ hơi trẽn, đành gạt nước mắt quay về.
Bảo Ngọc vội vàng mặc quần áo rồi đi ra, thấy Đại Ngọc lững thững đi trước, hình như đương gạt nước mắt, liền chạy ngay đến, cười hỏi:
Em ơi, đi đâu đấy? Làm sao lại khóc? Lại ai có lỗi với em thế? Đại Ngọc quay lại thấy Bảo Ngọc, liền gượng cười nói:
Em có khóc đâu.

Em xem, nước mắt chưa ráo, lại còn nói dối à!

Vừa nói, Bảo Ngọc vừa giơ tay lên lau nước mắt hộ, Đại Ngọc vội lùi lại mấy bước nói:
Anh lại muốn chết đấy! Làm trò gì mà ngứa ngáy chân tay như thế?

Mải nói chuyện quá anh quên hẳn đi, tay tự nhiên ngứa ngáy, không nghĩ gì đến sống hay chết cả.
Chết thì đáng kể gì, chỉ có điều là phải bỏ lại vàng, và con kỳ lân nào đó, thì làm thế nào!
Câu ấy làm cho Bảo Ngọc phát cáu, vội chạy đến hỏi:

Em nói không câu này, là rủa tôi hay là chọc tức tôi?

Đại Ngọc nghĩ ngay đến việc hôm trước, hối hận mình đã trót nông nổi, liền cười nói:

Anh đừng cáu vội, em nói lỡ lời đấy. Câu ấy có can hệ gì đâu? Thế mà mắt đã nổi gân lên, mồ hôi đã toát ra.
Vừa nói vừa đến gần giơ tay lau mồ hôi cho Bảo Ngọc. Bảo Ngọc nhìn một lúc rồi nói:
Em hãy cứ yên tâm.

Đại Ngọc ngẩn người ra một lúc rồi nói:

Có việc gì mà em không yên tâm? Em không hiểu câu nói của anh. Anh nói lại xem thế nào là yên tâm với không yên tâm?
Bảo Ngọc thở dài một cái hỏi:

Quả thực em không hiểu câu ấy à? Không lẽ lòng anh gắn bó với em từ bấy lâu nay đều là nhầm cả hay sao? Ngay đến tính nết của em, anh cũng không biết chiều chuộng, chả trách ngày nào em cũng vì anh đâm ra bực tức.

Đại Ngọc nói:

Quả thực em không hiểu câu nói yên tâm hay không yên tâm. Bảo Ngọc lắc đầu thở dài:
Thôi em đừng giấu anh nữa. Nếu quả thực em không hiểu câu ấy, thì không những uống cả tấm lòng của anh bấy lâu nay, mà phụ cả tâm lòng của em đối với anh nữa. Chỉ vì em không yên tâm, thành ra đau ốm luôn. Nếu em được khoan khoái một chút, thì bệnh đến nỗi nào ngày càng nặng như thế.
Đại Ngọc nghe nói, người choáng lên như sấm ran sét đánh, ngẫm nghĩ từng ly từng tí, mới biết câu nói ấy rất thấm thía, hơn là moi tự trong gan trong ruột mình ra, có hàng vạn câu muốn nói, nhưng không nói ra được nửa lời, chỉ cứ trừng trừng nhìn Bảo Ngọc. Bấy giờ trong bụng Bảo Ngọc cũng có hàng vạn câu muốn nói, nhưng không biết bắt đầu từ câu gì, nên cũng trừng trừng nhìn Đại Ngọc. Hai người đứng đờ người ra một lúc, rồi Đại Ngọc ho một tiếng, nước mắt ròng ròng, quay đầu chực chạy. Bảo Ngọc vội kéo lại nói:

Em ơi, đứng lại một tí, để anh nói một câu đã rồi hãy đi.

Đại Ngọc gạt nước mắt, đẩy tay Bảo Ngọc ra nói:

Còn có câu gì đáng nói nữa? Những câu anh muốn nói em biết cả rồi. Nói xong cắm đầu chạy ngay.
Bảo Ngọc vẫn cứ đứng ngẩn người ra nhìn. Lúc ra đi, Bảo Ngọc vội quá, nên không mang quạt. Tập Nhân sợ trời nóng, cầm quạt đuổi theo, thấy Đại Ngọc đứng đấy một lúc; Đại Ngọc đi, còn trơ Bảo Ngọc ở đấy, Tập Nhân vội chạy lại nói:
Cậu quên không mang quạt, may tôi trông thấy, mang lại cho cậu.

Bảo Ngọc đương thờ thẫn vẩn vơ, nghe tiếng Tập Nhân, cũng không nhận ra được là ai, chỉ đờ mặt ra nói: “Em ơi! Nỗi lòng của anh lâu nay không dám nói ra, bây giờ anh cả gan nói ra, dù chết anh cũng cam lòng! Vì em mà anh đeo bệnh, nhưng đành cứ chịu, không dám nói với ai. Chỉ khi nào em khỏi bệnh, thì may ra bệnh anh mới khỏi được. Cả trong giấc ngủ mơ màng, anh cũng không bao giờ quên được em!”

Tập Nhân nghe nói, sợ hoảng hồn kêu to “Trời giết tôi!” Vội đẩy Bảo Ngọc ra nói:

– Cậu nói gì thế? Bị ma làm hay sao? Còn không đi à?

Bảo Ngọc tỉnh lại, mới biết là Tập Nhân, thẹn đỏ mặt lên, nhưng người vẫn ngớ ngẩn,

liền cầm lấy cái quạt đi luôn, không nói câu gì.

Bảo Ngọc đi rồi, Tập Nhân ngẫm nghĩ lời nói vừa qua, tất là vì Đại Ngọc mà thốt ra, xem thế thì sau này e xảy việc không hay, làm cho người ta đáng ghê, đáng sợ. Biết tính thế nào để tránh khỏi cái tai vạ xấu xa này?

Tập Nhân đang đứng ngẩn người ra suy nghĩ, chợt Bảo Thoa ở đường kia đi đến cười nói:
Trời nắng chang chang thế này mà chị đứng bêu ra đấy làm gì? Tập Nhân vội cười nói:
Có hai con chim sẻ đánh nhau, trông thấy cũng hay hay, nên tôi đứng xem. Bảo Thoa nói:
Cậu Bảo vừa mặc quần áo đi đâu thế? Tôi muốn gọi lại hỏi, nhưng thấy cậu ấy cứ cuống cuồng lên, nói chẳng ra đầu ra cuối, nên tôi cũng không hỏi, để mặc cậu ấy đi.
Ông tôi gọi cậu ấy đấy.

Ái chà! Trời nắng thế này, gọi cậu ấy đến làm gì? Lại quở phạt điều gì chăng?

Không phải thế, nghe đâu có khách nào muốn gặp cậu ấy đấy.

Cái ông khách nào chả có ý tứ gì cả, trời nắng thế này không ở nhà cho mát, lại đâm đầu đến đây làm gì?
Cô cũng nói thế ư?

Con bé Vân ở trong nhà các chị làm gì đấy?

Cô ấy với chúng tôi vừa ngồi nói chuyện phiếm với nhau. Cô xem, đôi giày của tôi dán hôm trước, ngày mai sẽ nhờ cô ấy làm hộ.
Bảo Thoa nghe vậy, nhìn chung quanh không có ai, mới cười nói:

Chị là người sáng suốt, thế mà sao có lúc không thể tất cho người ta? Gần đây tôi xem thần sắc, cử chỉ và lời ăn tiếng nói nửa kín nửa hở của cô ấy, biết rằng ở nhà cô ấy không được tự chủ tý nào! Nhà cô ấy sợ tiêu pha tốn kém, nên không thuê người may vá, hầu hết mọi cái đều tự tay người dì cô ta làm lấy cả. Mấy lần sang đây, hễ vắng người là cô ta lại kể với tôi về việc cửa việc nhà, làm lụng mệt chết đi được. Tôi hỏi đến chuyện chi tiêu trong nhà thế nào, thì mắt cô ấy đỏ hoe lên, miệng ấp úng, nói không ra lời. Xem tình cảnh cô ấy mồ côi mẹ từ bé, tất nhiên là chịu khổ. Trông thấy cô ấy, tự nhiên bụng tôi lại thấy đau xót!

Tập Nhân nghe vậy, vỗ tay nói:

Phải rồi! Phải rồi! Thảo nào tháng trước tôi nhờ cô ấy đánh hộ mười cái dây con bướm. Mấy hôm sau, cô ấy mới cho người mang sang, và nói: “Hãy dùng tạm những thứ dây thô này, chờ khi nào thong thả, tôi sang ở luôn bên ấy, sẽ làm thứ khác đẹp hơn”. Giờ nghe cô nói, tôi mới nghĩ ra những việc chúng tôi nhờ trước đây, cô ấy đều không tiện từ chối. Nhưng có biết đâu cô ấy ở nhà cũng phải làm lụng vất vả, thâu canh suốt sáng như thế! Thực là tôi hồ đồ thực, chứ biết thế này thì tôi không dám nhờ cô ấy mới phải.

Lần trước cô ấy có nói với tôi, ở nhà phải làm việc khuya đến tận canh ba; nếu làm hộ ai một tí gì thì bọn các bà các mợ bên ấy lại có vẻ không bằng lòng.
Khốn nỗi cái cậu bướng bỉnh nhà ta, bất cứ việc lớn hay nhỏ, nhất thiết không để cho người trong nhà làm, mà tôi thì lại không làm xuể.
Mặc cậu ấy! Cứ bảo người khác rồi nói dối mình làm là được.

Giấu thế nào được. Cậu ấy nhận ra ngay. Thôi để tôi làm dần vậy.

Thôi, chị đừng ngại, để đấy tôi làm hộ cho một ít cũng được.

Thật thế chứ? Nếu vậy thì phúc cho tôi quá! Chiều hôm nay tôi sẽ mang đến nhờ cô. Nói chưa dứt lời, chợt có một bà già chạy đến báo:
Tin đâu đưa đến bất ngờ! Kim Xuyến tự dưng đâm đầu xuống giếng chết rồi!

Kim Xuyến nào đấy?

Lại còn Kim Xuyến nào nữa? Kim Xuyến ở hầu bà Hai ấy. Hôm trước không biết vì việc gì nó bị đuổi; về nhà kêu trời kêu đất, khóc hết nước mắt, cũng không ai để ý đến. Rồi cũng chẳng ai để ý nó đi đâu, sau có người gánh nước nói: “Ở cái giếng đằng đông nam, có xác người chết”. Tôi chạy đi nhờ người vớt lên, không ngờ lại là nó! Họ nháo lên chữa chạy, nhưng có ăn thua gì!

Bảo Thoa nói:

Lạ nhỉ.

Tập Nhân lắc đầu thở dài, nghĩ đến ngày thường cùng chung cảnh ngộ, tự nhiên nước mắt trào ra. Bảo Thoa tất tưởi chạy sang bên Vương phu nhân. Tập Nhân thì quay về nhà.

Bảo Thoa đến buồng Vương phu nhân, thấy im lặng như tờ, Vương phu nhân đương ngồi một mình, sụt sùi khóc ở trong buồng. Bảo Thoa không tiện gợi ra nữa, đành ngồi ghé một bên. Vương phu nhân hỏi:

Cháu ở đâu đến đây?

Cháu ở bên vườn sang.

Nếu ở vườn sang, có gặp em Bảo không?

Cháu mới trông thấy cậu ấy mặc quần áo đi ra, không biết đi đâu! Vương phu nhân lắc đầu thở dài:
Cháu có biết mới xảy ra một việc lạ không? Con Kim Xuyến tự nhiên đâm đầu xuống giếng chết rồi.
Tự nhiên vô cớ, sao chị ấy lại đâm đầu xuống giếng? Lạ nhỉ?

Hôm nọ nó đánh vỡ của ta một cái đồ dùng, ta nóng tiết đánh nó vài cái, rồi đuổi nó đi. Ta chỉ định làm ra thế mấy hôm rồi lại gọi nó về, không ngờ nó phẫn chí đâm đầu xuống giếng chết. Thế không phải tội lỗi ta hay sao?
Bảo Thoa cười nói:

Dì là người nhân từ, nên nghĩ như thế. Chứ cháu đoán thì không phải nó tức bực mà đâm đầu xuống giếng đâu, có lẽ nó đứng gần, hay đùa nghịch gì ở bên giếng, sểnh chân bị ngã chăng? Nó ở nhà này bị bó buộc quen rồi, bây giờ được ra ngoài, tất là đi chơi đùa các nơi cho thích, chứ đến nỗi nào tức khí như thế. Nếu vì tức khí mà liều lĩnh, thì chẳng qua là hạng hồ đồ, không đáng tiếc làm gì?

Vương phu nhân lắc đầu thở dài:

Dù sao trong bụng ta vẫn không yên được!

Xin dì đừng nghĩ ngợi quá đến việc này; nếu không đành dạ, thì cho họ mấy lạng bạc để tống táng nó, thế là trọn tình chủ nhà đối với người ở rồi.
Vương phu nhân nói:

Vừa rồi ta đã đưa cho mẹ nó năm mươi lạng bạc. Ta còn muốn cho thêm hai cái quần áo mới của chị em cháu, để khâm liệm cho nó, nhưng chị Phượng nói không có bộ nào mới may, chỉ có cháu Lâm có hai bộ để mặc ngày lễ sinh nhật. Ta xem ra, cháu Lâm ngày thường vốn hay tự lự; vả chăng bản mệnh nó lại có nhiều tai nạn, đã cho nó

làm lễ sinh nhật, giờ đem làm đồ khâm liệm cho người khác, lại chẳng đáng kiêng hay sao? Vì thế ta đã cho gọi thợ may đến may một bộ áo mới cho nó. Nếu là đứa hầu khác, thì chỉ cho nó vài lạng bạc là đủ. Con Kim Xuyến tuy là đứa hầu, nhưng ngày thường nó vẫn ở gần gụi ta, so với con đẻ, cùng chả kém gì mấy. Nói đến đây, nước mắt bà ta lại trào ra. Bảo Thoa vội nói:

Dì cũng chẳng cần gì phải gọi thợ đến may nữa. Trước cháu có may hai bộ, mang ra cho nó, chả đỡ hay sao? Vả lại khi nó còn sống vẫn thường mặc quần áo cũ của cháu, kích thước cũng vừa vặn.
Dù thế mặc lòng, nhưng cháu không kiêng hay sao?

Xin dì cứ yên lòng, cháu không bao giờ để ý đến chuyện ấy.

Vừa nói vừa đứng dậy đi. Vương phu nhân liền sai người đi theo.

Một lúc, Bảo Thoa mang quần áo đến, thấy Bảo Ngọc ngồi cạnh Vương phu nhân,

nước mắt giàn giụa, đương nghe Vương phu nhân giảng giải điều gì. Thấy Bảo Thoa

đến, liền thôi không nói nữa. Trước tình cảnh ấy, Bảo Thoa xét lời nói, xem nét mặt,

đã hiểu được phần nào rồi. Vương phu nhân gọi mẹ Kim Xuyến đến, đưa cho bọc

quần áo mang về.

———————————-

(1). Theo sách thuật dị: có một giống người ở dưới biển như cá (giao nhân), dệt ra được thứ lụa đẹp, gọi là lụa giao.