Đại Ngọc từ hôm cãi nhau với Bảo Ngọc, trong bụng hối hận, nhưng không lẽ tự mình đến làm lành trước, vì thế ngày đêm buồn rầu, bâng khuâng như mất cái gì, Tử Quyên đoán biết tâm lý ấy, liền khuyên nhủ:
Việc hôm nọ là tự cô nóng nảy quá. Người khác không biết rõ tính nết cậu Bảo, chứ chúng ta lẽ nào lại cũng không biết hay sao? Chỉ vì viên ngọc, đến nỗi cãi nhau mấy lần rồi.
Đại Ngọc gắt:
Thôi! Mày lại đến đây bới móc tội của ta hộ người à? Thế nào là ta nóng nảy?
Tự nhiên vô cớ, sao cô lại cắt cái dây đeo ngọc đi? Thế chả phải lỗi cậu Bảo chỉ có ba phần, mà lỗi cô những bảy phần hay sao? Tôi xem ngày thường cậu ấy đối với cô rất tốt, chỉ vì cô khó tính thường vặn vẹo cậu ấy, nên đến nỗi vậy.
Đại Ngọc muốn nói lại, chợt ngoài sân có tiếng gọi cửa, Tử Quyên lắng tai nghe, cười nói:
Thôi tiếng cậu Bảo rồi, chắc lại đến xin lỗi đấy.
Đại Ngọc bảo không được mở cửa. Tử Quyên nói:
Cô lại không phải rồi. Trời nóng nực thế này, không mở cửa, để cậu ấy đứng bêu mãi ngoài nắng thì chịu thế nào được?
Nói xong liền ra mở cửa, thì quả là Bảo Ngọc. Tử Quyên vừa mời vào vừa cười nói:
Tôi cứ tưởng là cậu không thèm đến nhà này nữa, ai ngờ bây giờ lại đến.
Việc bé mà các chị lại cứ xé ra to, ngại gì mà ta chẳng đến? Ta có chết chăng nữa, hồn ta một ngày ít ra cũng đến đây trăm lần! Thế nào? Cô em đã khỏe hẳn chưa?
Người khỏe đấy, nhưng bụng vẫn bực tức khó chịu.
Ta biết rồi, việc gì mà phải bực tức!
Bảo Ngọc cười đi vào, thấy Đại Ngọc đương ngồi trên giường khóc.
Đại Ngọc trước vẫn không khóc. Từ lúc thấy Bảo Ngọc đến, trong bụng đâm ra
thương cảm, không thể cầm được nước mắt. Bảo Ngọc đến gần giường cười nói:
– Em ơi! Người đã khá chưa?
Đại Ngọc chỉ gạt nước mắt, không trả lời.
Bảo Ngọc liền ngồi ghé vào cạnh giường cười nói:
Anh vẫn biết rằng em không giận anh, nhưng nếu anh không đến, người ta thấy thế, sẽ cho anh em ta lại cãi nhau. Nếu phải chờ họ đến khuyên giải thì chẳng hóa ra anh em ta không có tình thân mật hay sao? Chi bằng, ngay bây giờ em muốn đánh, muốn mắng anh thế nào tùy em, nhưng chỉ thiết tha xin em đừng lờ anh đi thôi.
Nói xong lại gọi “em ơi” mấy tiếng.
Trong bụng Đại Ngọc vẫn định bỏ lờ Bảo Ngọc đi, nhưng bấy giờ nghe thấy câu: “Nếu để người ngoài biết là chúng ta cãi nhau thì chẳng hóa ra anh em ta không có tình thân mật” mới thấy rõ mình với Bảo Ngọc thân hơn người khác. Vì thế Đại Ngọc không nhịn được, liền khóc:
Anh không cần phải lừa tôi! Từ giờ trở đi, tôi không dám thân cận với cậu Hai nữa. Xin cứ coi như tôi đã ra khỏi nhà này rồi.
Thế em định đi đâu?.
Tôi về nhà tôi.
Anh cũng đi theo.
Thế ngộ tôi chết thì sao?
Em mà chết thì anh đi tu.
Đại Ngọc vừa nghe thấy câu ấy, mặt sầm ngay lại hỏi:
Anh muốn chết à? Sao nói dại thế? Nhà anh có bao nhiêu chị em, một ngày kia họ đều chết cả, liệu thân anh xẻ ra làm mấy mảnh để đi tu? Mai đây tôi sẽ mang câu này kể lại cho người ta biết, để xem họ nói ra làm sao!
Bảo Ngọc tự biết mình nói câu ấy hấp tấp quá, hối không kịp, mặt đỏ bừng lên, cúi đầu không dám nói gì.
Khi đó trong nhà không có ai. Đại Ngọc hai mắt trừng trừng nhìn Bảo Ngọc một lúc, tức quá, hừ một tiếng, rồi không nói được câu gì. Thấy mặt Bảo Ngọc tím bầm lại, Đại Ngọc liền nghiến răng, lấy ngón tay dí vào trán Bảo Ngọc một cái, nói:
Anh thật là…
Chỉ nói lên được hai tiếng, liền thở dài một cái, lại lấy khăn lụa, lau nước mắt.
Bảo Ngọc lúc bấy giờ nỗi lòng chan chứa, vì trót lỡ lời, nên trong bụng rất là hối hận. Sau thấy Đại Ngọc dí một cái, không nói ra lời, đành chỉ ngậm ngùi than khóc. Trong bụng thương cảm, Bảo Ngọc lại nước mắt ròng ròng chảy xuống, muốn lấy khăn lau nước mắt, nhưng lại quên không mang đi, liền lấy ống tay áo lau.
Đại Ngọc đương khóc, thấy Bảo Ngọc lấy vạt áo the cải hoa sen mới toanh ra lau nước mắt, liền vừa lau nước mắt, vừa quay đi lấy khăn lụa ở trên gối vứt vào lòng Bảo Ngọc, không nói một câu, rồi lại che mặt khóc. Bảo Ngọc thấy Đại Ngọc vứt cho cái khăn, liền cầm lấy chùi nước mắt rồi xích lại gần, giơ tay kéo một tay Đại Ngọc cười nói:
Ruột gan anh nát nhừ ra cả rồi, em còn cứ khóc làm gì mãi? Thôi đi đi, chúng ta cùng đến thăm bà.
Đại Ngọc hất tay ra nói:
Ai kéo co với anh! Bây giờ lớn rồi, anh cứ giở cái thói cợt nhả ấy ra, không biết điều gì cả.
Nói chưa dứt lời, đã thấy có tiếng the thé ở ngoài: “Khá nhỉ!” Trong lúc bất ngờ, hai người đều giật nẩy mình, quay lại nhìn, thấy Phượng Thư đã đến, cười nói:
Bà đương kêu trời kêu đất kia kìa, bảo chị lại xem các em đã làm lành với nhau chưa? Chị bảo không cần, chỉ độ vài hôm là họ lại tử tế với nhau đấy thôi. Bà mắng chị, bảo chị lười. Bây giờ chị đến, quả nhiên đúng như lời chị nói. Chị chẳng thấy các em có điều gì đáng cãi nhau cả, thế mà cứ ba ngày yêu quí nhau, lại hai ngày giận dỗi nhau, càng lớn càng quá trẻ con. Bây giờ cầm tay nhau mà khóc, thế thì hôm nọ tại sao lại như hai con gà chọi ấy? Thôi các em hãy theo chị sang thăm bà để cụ già được yên tâm.
Phượng Thư liền kéo Đại Ngọc đi.
Đại Ngọc quay lại gọi bọn a hoàn, nhưng chẳng thấy người nào. Phượng Thư nói:
Lại gọi chúng nó làm gì? Đã có tôi hầu cô đây.
Liền kéo Đại Ngọc đi. Bảo Ngọc chạy theo sau.
Họ ra khỏi vườn, đến thẳng nhà Giả mẫu, Phượng Thư cười nói:
Cháu đã bảo không cần phải lo nghĩ hộ họ, tự họ sẽ tử tế với nhau. Bà không tin, nhất định bắt cháu phải đi dàn hòa, khi cháu đến nơi, đã thấy hai người ngồi xúm lại một chỗ, xin lỗi lẫn nhau, họ giữ chặt lấy nhau như móng chân diều hâu quắp gà con vậy. Thế thì còn cần ai đến dàn hòa nữa?
Câu nói ấy làm cho cả nhà cười ầm lên.
Bấy giờ Bảo Thoa đương ngồi đấy. Đại Ngọc không nói một câu gì, ngồi nhích lại gần Giả mẫu. Bảo Ngọc cũng không biết nói gì, liền quay lại nói với Bảo Thoa:
Hôm sinh nhật anh Cả, tôi không được khỏe, lại không có gì đem đến mừng, cả đến cúi đầu chào cũng không có. Anh Tiết không biết tôi ốm, lại tưởng tôi tìm cớ thoái thác. Chị có gặp anh ấy, nhờ nói hộ cho tôi.
Bảo Thoa cười nói:
Khéo hay vẽ chuyện. Dù anh có đến được cũng không dám làm phiền, huống chi người anh lại không được khỏe? Chỗ anh em cùng ở với nhau mà lại cứ để bụng những việc vặt ấy, thành ra xa nhau mất.
Chị thể tất cho tôi được như thế là tốt rồi. Sao chị không ở lại nghe hát?
Tôi sợ nóng, nghe được hai khúc, muốn đi ra, nhưng khách vẫn còn ngồi đông, nên tôi phải kiếu ốm, rồi đi ngay.
Bảo Ngọc nghe nói, tự nhiên thấy hơi ngượng, vội buột miệng cười nói:
Chị người đẫy đả, thảo nào họ cứ ví chị với Dương quí phi.
Bảo Thoa nghe nói, bực lắm, định nói lại, nhưng không tiện; nghĩ một chốc, mặt đỏ bừng lên, liền cười nhạt:
Tôi giống Dương quí phi, nhưng không có người anh em nào giỏi, có thể làm được Dương Quốc Trung.
Đương nói thì đứa hầu nhỏ là Tĩnh Nhi tìm không thấy cái quạt, cười hỏi Bảo Thoa:
Chắc là cô giấu cái quạt của cháu, xin cô cho lại cháu.
Mày liệu hồn đấy! Mày đã thấy tao đùa với ai chưa? Mày hãy đi mà hỏi những cô nào ngày thường cứ hay tí toét cười đùa với mày ấy!
Tĩnh Nhi nghe xong, chạy mất.
Bảo Ngọc biết mình lại nói lỡ lời, bấy giờ đứng trước mặt nhiều người, càng thấy trơ
trẽn, khó coi hơn là lúc va chạm với Đại Ngọc, liền lảng ra bắt chuyện với người khác.
Đại Ngọc thấy Bảo Ngọc chế giễu Bảo Thoa, trong bụng lấy làm đắc ý, muốn nhân đó
nói châm vào cho buồn cười, không ngờ Tĩnh Nhi tìm quạt, bị Bảo Thoa mắng cho
mấy câu, Đại Ngọc liền đổi giọng hỏi:
– Chị Bảo, chị nghe hai khúc hát gì thế?
Bảo Thoa trông thấy Đại Ngọc ra vẻ đắc ý, đoán ngay là vừa rồi Đại Ngọc thích chí thấy Bảo Ngọc chế giễu mình, liền cười đáp:
Tôi xem vở Lý Quì mắng Tống Giang, sau lại đến xin lỗi. Bảo Ngọc cười nói:
Chị học rộng, chuyện cũ, chuyện mới hiểu nhiều, sao vở này chị lại không biết, nói ra một tràng như thế? Vở này gọi là vở Phụ kinh thỉnh tội(1) đấy.
Bảo Thoa cười nói:
Thế ra vở này là Phụ kinh thỉnh tội à? Các người học rộng mới biết Phụ kinh thỉnh tội, chứ tôi thì biết sao được?
Bảo Ngọc và Đại Ngọc có tật giật mình, nghe chưa hết câu, mặt đã đỏ bừng lên. Phượng Thư tuy không hiểu tại sao, thấy nét mặt ba người, cũng đã đoán được một phần, liền cười nói:
Trời nóng thế này, ai lại ăn gừng sống thế?
Mọi người không hiểu, nói:
– Có ai ăn gừng sống đâu.
Phượng Thư cố ý lấy tay sờ lên má, tỏ vẻ ngơ ngác:
– Không ai ăn gừng sống, làm sao lại nóng ran thế này?
Bảo Ngọc, Đại Ngọc nghe thấy lại càng khó chịu. Bảo Thoa còn muốn nói nữa, nhưng thấy Bảo Ngọc đổi hẳn nét mặt, xem ra quá hổ thẹn, nên không tiện nói thêm, đành chỉ cười xòa một cái cho xong chuyện. Những người khác không hiểu ý bốn người này nói chuyện gì, cũng đều cười theo.
Một lúc, Bảo Thoa và Phượng Thư đi rồi, Đại Ngọc nói với Bảo Ngọc:
Anh lại đụng phải con người ghê gớm hơn tôi rồi. Có ai dốt nát vụng về như tôi, cứ tha hồ cho người ta nói?
Bảo Ngọc thấy Bảo Thoa hay để ý, bụng đã khó chịu rồi, giờ lại thấy Đại Ngọc cũng
hay chấp nhặt, nên đành nín nhịn, buồn rầu đi ra.
Lúc này trời nóng, lại vừa ăn cơm sáng xong, các nơi cả thầy lẫn tớ đều thấy mỏi mệt trong quãng ngày dài. Riêng có Bảo Ngọc cứ chắp tay sau lưng đi loanh quanh, đến nơi nào cũng thấy lặng lẽ không một tiếng động. Từ nhà Giả mẫu ra, Bảo Ngọc rẽ sang phía tây, đi qua xuyên đường, đến sân nhà Phượng Thư. Thấy cửa ngoài đóng, biết là thói quen của Phượng Thư, hễ đến mùa nực, buổi trưa là phải nghỉ một lúc, nên không tiện đi vào, Bảo Ngọc rẽ sang cửa bên, vào buồng Vương phu nhân, thấy mấy đứa a hoàn đương cầm kim chỉ ngủ gật. Vương phu nhân thì đang nằm ngủ ở giường mát trong nhà; Kim Xuyến ngồi bên cạnh bóp đùi cho bà ta, mắt cũng đang lim dim. Bảo Ngọc rón rén đi đến trước mặt nó, nắm cái hạt châu đeo tai và giật nhẹ một cái. Kim Xuyến mở bừng mắt nhìn. Bảo Ngọc khẽ cười hỏi: – Buồn ngủ quá thế kia à?
Kim Xuyến mím môi cười, hất tay Bảo Ngọc ra, lại nhắm mắt lại. Bảo Ngọc trông thấy Kim Xuyến, có ý quyến luyến không muốn rời, liền ngoái đầu nhìn Vương phu nhân, thấy vẫn nhắm mắt. Bảo Ngọc mở cái túi ở trong mình, lấy một viên thuốc hương huyết nhuận tân(2) ra, đút vào mồm Kim Xuyến. Kim Xuyến cũng không mở mắt, ngậm mồm lại.
Bảo Ngọc lại gần nắm lấy tay Kim Xuyến khẽ cười nói:
Ta sẽ nói với bà xin chị về để chúng ta cùng ở chung với nhau. Kim Xuyến không trả lời. Bảo Ngọc lại nói:
Chờ bà dậy, ta sẽ nói.
Việc gì mà phải vội thế. Tục ngữ có câu: “Cái trâm vàng rơi xuống giếng, đã về ai thì chỉ là của người ấy thôi”. Chả lẽ cậu còn chưa hiểu sao? Tôi bảo cậu việc này hay hơn: cậu đi sang nhà bên đông mà bắt cậu Hoàn và chị Thái Vân.
Bảo Ngọc cười nói:
Họ làm gì mặc họ. Chúng ta chỉ nói việc chúng ta thôi.
Bỗng Vương phu nhân trở mình dậy, tát vào mặt Kim Xuyến một cái và mắng:
Con đĩ hèn hạ này! Các cậu nhà này đều bị chúng mày làm hư hỏng cả! Bảo Ngọc thấy Vương phu nhân dậy, chạy biến mất.
Kim Xuyến một bên má đỏ ửng lên, không dám nói câu gì. Bọn a hoàn thấy Vương phu nhân dậy, đều chạy đến.
Vương phu nhân liền gọi Ngọc Xuyến đến bảo:
– Gọi mẹ mày đến mang chị mày về.
Kim Xuyến nghe thấy nói thế, vội quì xuống khóc:
Từ rày con không dám thế nữa, xin bà cứ việc đánh, cứ việc chửi, nhưng đừng đuổi con như thế, thì con đội ơn bà như trời như bể. Con theo hầu bà đã mười năm nay, bây giờ bà đuổi con về, con còn mặt mũi nào trông thấy người ta nữa?
Vương phu nhân vốn người hiền lành, chưa từng đánh a hoàn bao giờ, nay thấy Kim Xuyến làm việc vô sỉ, giận quá, không nén được, liền tát nó một cái, mắng nó mấy câu. Kim Xuyến van xin cũng không cho ở lại, cuối cùng bắt mẹ nó là bà già họ Bạch mang nó về. Kim Xuyến đành phải ngậm hờn nuốt tủi đi ra.
Bảo Ngọc thấy Vương phu nhân dậy, cụt hứng, chạy về vườn Đại Quan, thấy ánh nắng chói trời, bóng cây rợp đất, chung quanh im lặng, chỉ nghe tiếng ve kêu mà thôi. Đi đến dưới giàn tường vi, có tiếng người thổn thức, Bảo Ngọc nghi hoặc, đứng lại lắng nghe, quả nhiên thấy một người ngồi đó. Bấy giờ khoảng giữa tháng năm, cây tường vi đang hoa lá tốt tươi. Bảo Ngọc khe khẽ đứng ngoài nhìn vào, thấy ở dưới giàn hoa một cô gái bé đương ngồi xổm, tay cầm cái trâm cài đầu vạch xuống đất, lặng lẽ chảy nước mắt. Bảo Ngọc nghĩ bụng: “Không có lẽ con bé thơ dại này cũng học cô Tần chôn hoa chăng?” Rồi lại than thở: “Nếu quả thật nó cũng chôn hoa, thì khác nào nàng Đông Thi bắt chước nhăn mặt(3) không những chẳng có gì lạ, lại đáng chán là khác!” Nghĩ xong liền gọi cô con gái kia bảo:
Cô đừng nên bắt chước cô Lâm nhé!
Nói chưa dứt lời, ngoảnh lại nhìn kỹ, thấy người này lạ mặt, không phải a hoàn, mà là người trong đám mười hai cô học hát. nhưng không rõ đóng vai “nam” hay “nữ”, “lão” hay “hề”.
Bảo Ngọc lè lưỡi, bịt mồm lại, nghĩ bụng: “May mà mình không hấp tấp. Hai lần trước cũng vì hấp tấp làm cho cô Tần tức giận, Bảo Thoa nghi ngờ. Bây giờ mình còn mắc lỗi với bọn họ, lại càng thêm khó xử”. Vừa nghĩ vừa bực mình, không nhận ra được người đó là ai. Lại để ý ngắm kỹ, thấy người này mày xanh như núi mùa xuân, mắt
sáng như sóng mùa thu, mặt nõn nà, lưng thon thon, vẻ người óng ả thướt tha, không khác gì Đại Ngọc. Bảo Ngọc không nỡ rời bước, đứng ngây người ra, thấy nó đương cầm cái trâm vàng, không phải là đào đất chôn hoa, mà là vạch chữ.
Bảo Ngọc nhìn kỹ cái trâm đưa đẩy từng vạch, từng chấm từng móc, tính tất cả là mười tám nét; liền lấy ngón tay theo thế viết vào trong lòng bàn tay mình để đoán ra chữ gì? Nghĩ mãi mới biết nó viết chữ “tường” của hoa tường vi. Bảo Ngọc lại nghĩ: “Nhất định nó đang làm thơ làm từ gì đây. Bây giờ nó trông thấy hoa, lòng cảm xúc, trong khi cao hứng, nẩy ra mấy vần, lại sợ quên, nên vạch xuống đất để đắn đo cân nhắc, cũng chưa biết chừng! Ta hãy chờ xem nó còn viết thêm những chữ gì”. Vừa nghĩ vừa nhìn, thấy cô này vạch đi vạch lại, quanh quẩn vẫn là chữ “tường”.
Một người thì ngồi ngây ra vạch chữ “tường”, vạch đi vạch lại đến mấy mươi lần; một người đứng ngoài cũng ngây ra, hai mắt chòng chọc nhìn cái trâm đưa đẩy. Bảo Ngọc nghĩ bụng: “Con bé này nhất định có tâm tư thầm kín gì đây. Nhìn bộ dạng này, chắc nó có bao điều buồn bực nấu nung! Người nó mỏng mảnh yếu ớt như thế, thì chịu sao được những sự dằn vặt ấy? Tiếc rằng ta không thể chịu đỡ được cho nó một phần”.
Về mùa này, mưa nắng thất thường, hễ một đám mây nhỏ kéo đến là có thể mưa ngay. Bỗng đâu cơn gió nổi lên, trận mưa ầm ầm như trút nước. Bảo Ngọc trông thấy cô bé bị những giọt mưa từ trên nhỏ xuống, quần áo ướt đẫm, liền nghĩ: “Thân hình nó thế kia, chịu sao nổi trận mưa rào bắn xói vào người?” Không thể nín được, Bảo Ngọc gọi ngay:
– Thôi đừng viết nữa, người ướt hết cả rồi.
Cô bé nghe nói giật mình, ngẩng đầu nhìn, thấy người bảo đừng viết ấy đương đứng ngoài giàn hoa. Một là vì Bảo Ngọc nét mặt xinh đẹp; hai là vì hoa lá um tùm, chỉ hở có một nửa mặt, nên người con gái cho là một chị a hoàn nào, chứ không biết là Bảo Ngọc. Nó liền cười nói:
Cảm ơn chị nhắc bảo cho. Nhưng không lẽ ngoài ấy lại có cái gì che mưa chăng? Bảo Ngọc tỉnh người, kêu một tiếng, mới thấy lạnh buốt toàn thân. Cúi đầu nhìn mình, cũng ướt hết, liền kêu: “Hỏng rồi!” Rồi chạy một mạch về viện Di Hồng, trong lòng vẫn áy náy về con bé ấy không có chỗ tránh mưa.
Hôm sau là tiết Đoan dương, mười hai cô hát trong bọn Văn Quan đều được nghỉ học,
ra vườn chơi. Bảo Quan đóng vai nam, Ngọc Quan vai nữ, đều đến chơi đùa với Tập Nhân ở viện Di Hồng. Gặp mưa, mọi người đóng cửa lại, lấp các cống cho nước đọng đầy sân, rồi đuổi bắt le vịt, khâu cánh, thả ở sân chơi. Tập Nhân thì ngồi ở ngoài hiên cười đùa.
Bảo Ngọc thấy cửa đóng, liền lấy tay đấm. Người trong nhà đang mải cười đùa, không ai để ý đến. Một lúc lâu, trong nhà nghe thấy tiếng đập cửa thình thình, ai nấy đều cho là không khi nào Bảo Ngọc lại về lúc này. Tập Nhân cười nói:
Ai lại gọi cửa bây giờ? Không mở được. Bảo Ngọc nói:
Tôi đây.
Hình như tiếng cô Bảo. Tình Văn nói:
Nói bậy! Cô Bảo đến làm gì? Tập Nhân nói:
Để tôi ra khe cửa nhìn xem, đáng mở thì mở, không nên để cho họ phải dầm mưa. Nói xong liền theo đường hành lang nhìn ra ngoài, thấy Bảo Ngọc ướt như chuột lột, Tập Nhân vừa hoảng sợ, vừa buồn cười, vội ra mở cửa, cúi lưng, vỗ tay nói:
Ai biết đâu bây giờ cậu về? Sao mưa to thế mà cũng đi?
Bảo Ngọc trong bụng đang bực tức, chỉ định có người ra mở cửa là đá cho mấy cái. Cửa vừa mở, Bảo Ngọc không cần nhìn xem ai, cứ tưởng là một a hoàn nào, liền đá một cái vào cạnh sườn. Tập Nhân kêu “Ối chà!” một tiếng. Bảo Ngọc còn mắng thêm:
Đồ hèn mạt! Ngày thường tao đối đãi tử tế, chúng mày nhờn quen, càng ngày càng mang tao ra làm trò cười!
Nói xong, nhìn xuống, thấy Tập Nhân khóc, mới biết mình đá nhầm, vội cười nói:
Ối chà! Chị đấy à? Tôi đá phải chỗ nào đấy?
Xưa nay Tập Nhân chưa bị đánh mắng lần nào; nay thấy Bảo Ngọc phát cáu trước mặt mọi người, đá mình một cái, thì vừa xấu hổ vừa tức giận, lại vừa đau. Muốn sinh chuyện, nhưng lại nghĩ: chưa chắc Bảo Ngọc đã định tâm đá mình, nên đành nén bụng nói: “Cậu có đá trúng tôi đâu, sao cậu không về thay áo quần đi?”
Bảo Ngọc vào buồng, cười nói:
Tôi từ bé đến giờ, lần này mới là lần đầu phát cáu đánh người, không ngờ lại đánh nhầm phải chị!
Tập Nhân cố chịu đau, đi thay quần áo cho Bảo Ngọc, cười nói:
Tôi là người đầu, thì bất cứ việc lớn nhỏ, hay dở, đều tự tôi mà ra. Nhưng cậu cũng đừng nghĩ đánh được tôi rồi sau này quen tay đi cứ đánh bừa.
Vừa rồi quả tôi không chủ ý nào.
Ai bảo cậu chủ ý? Xưa nay việc đóng cửa, mở cửa vẫn giao cho bọn hầu nhỏ. Chúng nó hỗn láo quen, nhiều lần làm cho người ta phải tức lên, thế mà chúng nó chẳng biết sợ hãi là cái gì. Nếu chính chúng nó ra mở cửa, cậu đá cũng lả phải. Nhưng vừa rồi vì tôi dở hơi, không để cho chúng nó ra mở.
Trời tạnh mưa, bọn Bảo Quan, Ngọc Quan đều về cả, Tập Nhân thấy đau ở cạnh sườn, trong lòng rộn rực, liền bỏ bữa cơm chiều không ăn. Đến tối, cởi quần áo ra, thấy bên cạnh sườn có một chỗ tím to bằng cái bát, Tập Nhân giật mình sợ hãi, nhưng không tiện nói ra, đến lúc đi ngủ vẫn thấy đau. Trong khi mơ màng, thỉnh thoảng lại thốt ra một tiếng kêu “ối chà!”
Bảo Ngọc thấy Tập Nhân ra dáng mệt mỏi, trong bụng không đành. Đến nửa đêm, lại nghe tiếng kêu, biết Tập Nhân bị đá mạnh quá, Bảo Ngọc trở dậy, khẽ cầm đèn lại soi. Đến cạnh giường, thấy Tập Nhân ho lên hai tiếng, nhổ ra một cục đờm, rồi lại kêu “ối chà”. Tập Nhân mở mắt nhìn, thấy Bảo Ngọc, giật mình hỏi:
Cậu làm gì thế?
Trong khi ngủ, chị cứ kêu luôn, tất là bị đá đau lắm,để tôi xem thế nào.
Tôi nhức đầu lắm, cổ họng lại lờm lợm có mùi tanh, cậu thử soi xuống đất xem.
Bảo Ngọc nghe nói, cầm đèn soi, thấy một cục máu tươi, sợ hãi nói:
– Thôi thế này thì nguy mất.
Tập Nhân thấy thế, lạnh đi một nửa người.
———————————–
(1). Mang roi đến chịu tội. Đời Chiến quốc, Liêm Pha mang roi từ nhà đến xin lỗi Lạn Tương Như.
(2). Một viên thuốc trắng và thơm để thấm nhuần nước bọt.
(3). Đời Chiến quốc có nàng Tây Thi, nhan sắc tuyệt vời, khi nhăn mặt lại càng đẹp.
phía đông trong làng có một người con gái rất xấu, thấy thế cũng bắt chước. Nhưng khi cô ta nhăn mặt, người giàu trông thấy phải đóng cửa, không dám nhìn, người nghèo trông thấy phải đem cả vợ con trốn đi nơi khác.