Hơn nửa đời hư

19

Dẫn - Trong chương hồi ký nầy, tôi cố viết, theo tôi hiểu, về những việc xảy ra nơi tỉnh nhỏ quê hương yêu quí của tôi, tỉnh Sốc Trăng, sau khi Nhựt lật đổ chánh quyền Pháp tại khắp Đông Dương, bắt toàn quyền Decoux, và ra lịnh cho quân Nhựt tước đoạt quyền hành từng địa phương trong Nam Kỳ của chánh phủ đô hộ Pháp, cáo chung từ ngày 9-3-1945 và lọt về tay Nhựt dưới danh từ giải phóng cho người Việt cũng như bao nhiêu người Lào - Miên - Xiêm - Miến Điện với cái mộng bánh vẽ “Đại Đông Á”.

Tôi khuyên độc giả nên tìm đọc quyển “Hồi ký 1925-1964” tập II “1945 - 1954” của ký giả lão thành Nam Đình (Nguyễn Kỳ Nam), không bán, và dành riêng, do nhựt báo “Dân Chủ Mới” xuất bản năm Giáp Thìn (1964). Tôi nhìn nhận quyển Hồi ký ông Nguyễn Kỳ Nam nầy mới thật là tập sử liệu quí giá viết đúng phương pháp hồi ký vô tư và khách quan. Trái lại tập nhỏ hồi ký của tôi viết về Sốc Trăng, chẳng qua là những gì nghe thấy nông cạn của một đứa con sanh đẻ tại tỉnh nhỏ nầy và đã từng sống hơn mấy tháng làm nhân chứng bất đắc dĩ tại toà bố vì bị ép buộc hơn là tình nguyện. Nếu đôi khi tôi có nói nhiều về “thằng tôi” thì đó là vạn bất đắc dĩ, tình thật tôi không có ý đề cao cho tôi. Nếu vô tình tôi tự đề cao cá nhân, tôi dư biết chỉ làm cho chúng ghét, và cũng không ích gì trong tuổi gần đất xa trời nầy. Duy tôi thấy tình người thường ham đeo theo danh lợi và tình người thường quên rằng danh lợi tự dâng đến mình mới quí chớ thứ “hoạ phù thân đái”, trước sau gì cũng bị lộ tẩy và tự mình bị đào thải hay bêu xấu, lại càng thêm xấu. Khi viết tôi không cố ý, nhưng vì muốn giữ đúng sự thật, tôi vẫn kể tên lại, nếu không đúng sự thật, các nhân vật nầy có quyền cải chính.

Cho đến nay, tôi vẫn còn ngờ vực và không dám quả quyết cái mộng xây dựng “Đại Đông Á” của mấy ông Nhựt là thực hay giả? Một điều nên nhận là khi lật đổ chánh quyền Pháp từ Sài Gòn, Hà Nội đến các tỉnh trong xứ, mặc dầu lúc ấy binh Nhựt đã nếm mùi thất bại nơi nhiều chiến trận hải ngoại, nhưng trên cõi Đông Dương bắt đầu từ ngày 9-3-1945, Nhựt làm như toàn thắng và thật sự ra mặt thay thế mấy ông Tây và cai trị bằng các quan lại Việt Nam ở đâu ngồi đó, chớ tỉnh Sốc Trăng lúc ấy không có tin tức từ Sài Gòn đưa xuống, vẫn lùng tung lúng túng như người ở trong mùng giữa một đêm khuya đèn đuốc tắt từ lâu và chưa mồi lửa kịp. Xe thơ con đường liên tỉnh Cà Mau - Sài Gòn xuyên qua Sốc Trăng, Cần Thơ đã nghỉ chạy. Chánh phủ trung ương đã đổ, từ chín giờ đêm 9-3-1945. Một tài liệu đích xác tôi còn giữ được là bức điện tín mật mã dịch như sau:

“Pour Ke-An de Soctrang N.742 most 33 dépôt le 12-3-1945 à 18h15m Administrateur à délégués administratifs Kean-Longphu-Thanhtri. Au cas où circonstances (pluriel) m'obligent (présent) (pluriel) quitter direction province, vous laisse (présent) libre agir selon votre consience”.

Dịch: “Gởi cho Kế-an, từ Sốc Trăng, Số hiệu 742; 33 tiếng, gởi 12-3-1945; 18h15. Tham biện chủ tỉnh gởi các chủ quận Kế an, Long Phú, Thạnh Trị. Nếu tình hình bắt buộc tôi rời chức vị cai trị tỉnh, tôi phó thác quí vị trọn quyền hành động theo như lương tâm”.

(Nên nhớ Sốc Trăng lúc ấy chia ra làm bốn quận, và riêng quận Châu Thành khỏi gọi điện tín mật mã, vì tham biện ra khẩu lịnh vừa gọn và rành rọt hơn).

Lúc nầy quyền hành chánh trong tỉnh như rắn mất đầu, nói cách khác, đã bỏ trống. Chủ tỉnh là ông Barthel, phó là Mahé, cò là Tolosano, đều kéo theo lính mã-tà, chạy về hướng Cà Mau. Barthel nghe đâu dắt một thơ ký độc thân chạy theo, và xui xẻo xách lầm va-li của bà, toàn y phục đầm. Anh thơ ký nầy sau thưởng công được thăng ngạch cò-mi, sau cải bổ làm đốc sự, khỏi thi.

Anh tên H.V.T. Bà Barthel chạy vô ẩn trong nhà trắng với các bà sơ, lấy lộn va-li chồng, toàn y phục đàn ông, nhưng miễn cưỡng dùng được, và lúc ấy vì nạn khan vải, dẫu chức tham biện cũng mặc quần sọt và áo sơ-mi tay ngắn.

Đến nay tôi cũng chưa rõ vì duyên cớ nào (hay vì sợ trách nhiệm?) lúc đó ông chủ quận Châu Thành, có quyền ưu tiên, lại không nhận lên cầm quyền thay thế chủ tỉnh Pháp, và nhượng cho quận Kế An lên ngồi làm tỉnh trưởng tạm thời.

Một tờ bố cáo được dán khắp châu thành, tôi gỡ cất, nguyên văn như sau:

BỐ CÁO

Cùng nhân dân tỉnh Sốc Trăng đặng rõ.

Hiện nay, chánh phủ Đại Nhựt Bổn đã giao cho các quan chức và thân hào An nam tổ chức việc cai trị trong tính Sốc Trăng.

Vì nòi giống, chủng tộc, vì muốn cho dân chúng được làm ăn yên ổn, cho nên chúng tôi chẳng nể tài sơ trí siển, gánh lấy sự cai trị trong tỉnh và do hội công đồng, ngày 14 tháng 3 năm 1945 (Tây lịch) nhằm mồng một tháng hai năm Ất Dậu, cử Uỷ ban ban cai trị sau đây.

Chánh hội trưởng: Võ Văn Đảnh, đốc phủ sứ

Phó hội trưởng: Đào Văn Hội, tri phủ

Quan chủ quận Châu Thành kiêm chánh sở cảnh sát: Ngô Văn Nghị, đốc phủ sứ

- Quan chánh toà  Trần Văn Tân

- Lục sự  Đoàn Bá Lộc

- Thanh tra các trường sơ đẳng  Nguyễn Văn Nghĩa

- Kho bạc  Huỳnh Văn Đạo

- Phó kho bạc  Lâm Văn Xử

- Hoạ đồ  Bùi Đình Quế

- Chủ sự Bưu điện  Huỳnh Văn Quế

- Kỹ sư dẫn thuỷ nhập điền  Nguyễn Ngọc Bích

- Trưởng tiền cầu cống  Đỗ Văn Trà

- Chánh sở Y tế  Nguyễn Văn Sang

- Chủ sự Thú y  Đỗ Hữu Khoán

- Chủ sự Mễ Cốc  Nguyễn Thành Hộ

- Kiểm soát tài chánh Trần Văn Trọng

- Hội trưởng hội sản xuất lúa gạo Ngô Thiên Xên

- Chủ sự Bách phần  Lưu Tấn Đạt

- Chủ sự Thương chánh  Cao Văn Thành

- Chủ quận Long Phú  Hồ Văn Xuân

- Chủ quận Thạnh Trị  Hồ Văn Sĩ

- Chủ quận Kế Sách  Huỳnh Vạng Thân

Chúng tôi xin nhân dân các sắc cứ vững lòng làn ăn như thường, đừng nao núng chi cả, thuế vụ phải đóng đủ, hãy tin cậy lấy Uỷ ban cai trị của chúng tôi, còn kẻ nào bất tuân luật pháp, ăn trộm, ăn cướp làm chợ đen mà bóc lột dân lương thiện vân vân thì sẽ bị trừng trị nghiêm khắc.

Sốc Trăng, ngày 15 tháng 3 năm 1945

Mồng hai tháng hai năm Ất Dậu

Hội trưởng Uỷ ban cai trị

Ký tên VÕ VĂN ĐẢNH

Những hàng gạch đậm là y nguyên văn. Tôi cũng cất giấu được bố cáo nầy nữa.

BỐ CÁO

Khẩn cấp cho các sắc dân rõ.

“Phàm dân trong toàn tỉnh ai phạm mấy điều kể sau đây sẽ bị nghiêm trị.

CHÁNH PHỦ NHẤT ĐỊNH CẤM:

1. Cờ bạc (lớn nhỏ cũng vậy)

2. Oa trữ hàng hoá, bất kể là loại nào. Phải khai liền với nhà cầm quyền.

3. Bán chợ đen và tăng giá những nhu cầu không có phép của Chánh phủ.

4. Phá rối việc trị an bằng cách: mưu loạn, phao truyền tin nghịch Chánh phủ Việt nam hay là nhà binh Nhựt. Không hợp tác với nhà cầm quyền, phá đường giao thông.

5. Trộm cướp, và lợi dụng quyền hành.

6. Giữ súng trái phép. Lính kín, lính mã tà và lính tập của Pháp đã trốn, phải về nạp súng cho Chánh phủ, súng và đạn lượm được phải giao ngay cho quan quận sở tại.

7. Các đồ đạc và tiền bạc của người Pháp để lại. Ai có giũ đồ hoặc tiền bạc của người Pháp gởi phải khai với nhà cầm quyền và nộp tại Toà bô. Đồ của người Pháp cho và đồ của họ bán mà không có biên toa cũng phải nạp: ví như đồ ăn cắp hay là mua của kẻ cắp. Ai mua có giấy tờ thì phải trình toà và chỉ rõ món đồ mua cho nhà cầm quyền xét đoán, có thể mới được làm chủ đồ ấy.

Hương quản mỗi làng phải truyền rao cho dân làng mình rõ và hành sự ngay trong năm ngày sau khi dán bố cáo nầy tại các nhà việc, chợ và quận trong tỉnh.

VIỆT NAM VẠN TUẾ

Sốc Trăng ngày 26 tháng 3 năm 1945

Quan chánh chủ tỉnh,

VÕ VĂN ĐẢNH

Và sau đây là bản dịch tờ phúc trình của Tỉnh trưởng tạm thời tỉnh Sốc Trăng số 4 đề ngày 8-4- 1945 gởi lên Thống đốc Nam Kỳ (văn phòng) dịch y nguyên văn (có in tiếp sau bản dịch), tả rõ tình hình chánh trị, kinh tế và tài chánh trong khoảng thời gian xảy ra trong tỉnh từ ngày 10-3 đến 8-4 năm 1945:

Bản dịch.

Sốc Trăng ngày 8 tháng tư dương lịch 1945

Chủ tỉnh lâm thời hạt Sốc Trăng

Kính gởi quan Thống đốc Nam Kỳ (văn phòng)

SAIGON

Trích yếu: Về tình hình chánh trị, kinh tế và tài chánh của bổn hạt Sốc Trăng từ khoảng ngày 10 tháng ba đến ngày 8 tháng tư dương lịch năm 1945.

Tham chiếu: Tiếp theo điện tín công số 45 ngày 4-4-1945 của Tỉnh trưởng Cần Thơ chuyển giao bức điện tín công số 285 ngà 3-4-1945 của Thống đốc Nam Kỳ.

Tôi xin kính trình tường tận tình hình địa hạt Sốc Trăng trong khoảng thời gian từ ngày 10 tháng ba đến ngày 8 tháng tư đã qua. Về mặt chính trị ị, kinh tế cũng như về tài chính.

1) VỀ TÌNH HÌNH CHÁNH TRỊ: Những việc quan trọng xảy ra trong đêm 9 qua 10 tháng ba dương lịch dân chúng bổn hạt biết được nhờ nghe tin đài phát thanh.

Trong ngày 13 tháng 3, trừ những công chức quan lại Pháp và gia quyến họ, thì những nhân vật công chức này đã rời nhiệm sở chạy về hướng Bạc Liêu-Cà Mau.

Thầy biện Barthel, chánh tỉnh trưởng,

- Tham biện Mahé, phó tỉnh trưởng

- Thiếu uý Rabany, trong trại chỉ huy trại lính tập địa hạt.

- Hiến binh (sen đầm) Champion và Tolosano,

- Thanh tra mật thám Canalngio, kiêl nhiệm ban hành cảnh lưu động địa hạt

- Siccé, viên coi về lò nấu rượu Bãi Xàu.

Ngoài ra, những lính đầu tiên của đạo binh Nhật xuất hiện hiện tại Sốc Trăng vào sáng bẩng tưng ngày 14 tháng ba dương lịch. Trong này 14 ấy tuân lịnh vị tướng lãnh điều khiển đạo binh Nhựt đóng tại Sốc Trăng, một nhóm nhân hào nhân sĩ hiện diện tại Châu Thành, tề tựu ban đầu dưới quyền chủ toạ của viên tướng lãnh nầy tại dinh toà bố sở tại, sau di về trụ sở Câu lạc bộ Pháp Việt do ông Ngô Văn Nghị, đốc phủ sứ, chủ quận Châu Thành làm hội trưởng, chủ toạ.

Sau buổi hội hiệp nầy, một uỷ ban được đề cứ với tánh cách lâm thời, hầu tiếp tục việc điều khiển cai trị trong bổn hạt, trong khi chờ đợi chánh quyền trung ương chỉ định viên chủ tỉnh thiệt họ cũng như sẽ chỉ định các viên chức đầu sở khác trong tỉnh.

Ngày 17 tháng ba, có một người lang-sa tên là Fauvel, đến tạm trú tại lữ quán địa hạt, đã bị đạo binh Nhựt bắt vì tội xé rách một báo cáo Việt ngữ tuyên bố Việt Nam được độc lập.