Hơn nửa đời hư

16

- Có nước đồng, nước sông mới đẫy.

Đến tuổi nầy, tôi đã thấy gần đủ mặt thò lò, bề trái cũng như bề mặt của cái gọi là phước đức hay nhục nhã của cái người đời ai ai cũng muốn: sự sống lâu. Tôi nói sống lâu có phước là khi có con hiền cháu thảo, và đại vô phúc là khi tuổi thọ chất chồng mà bên gối không người thừa tự: Đa phú tất đa ưu. Giàu mà thiếu sự trìu mến của cháu con bên màn, khi tối lửa tắt đèn, khi se da nhức gối, thì không nên giàu và sống lâu làm chi. Tổn hại cho bản thân nữa là khác. Những đứa kế nghiệp, bà con xa, chúng nó không một chút cảm tình, chúng chỉ mong mình sớm nằm xuống để mau ăn của.

“Đa thọ tất đa nhục”. Sống mãi về già ngày càng thấm đòn, càng thúc thủ bất lực nhìn sự đê tiện của dây huyết hệ, sự thối tha bề trái của nhân tình. Thiết nghĩ không nên sống lâu, sống với lời nguyền rủa sau lưng của chắt chít, tốt hơn biết mình già chúng đã trộng, thì nên chia sản nghiệp cho chúng, như vậy mà còn có ơn hơn, để làm chi bề ngoài cung cung kính kính, dạ dạ thưa thưa, bề trong chúng cay đắng chát chua: già mấc toi, khư khư chìa khoá tủ sắt bên lưng. không chết đâu chết phứt. Tiếc của sống hoài, ai hơi đâu chịu nổi!

°°°

Bà là người quê ở Vĩnh Long, làng Long Mỹ, tổng Bình Thiềng, nhưng trong khai sanh lại ghi ngày 15-4-1866, sanh tại làng Vĩnh Phước, tổng An Trung (Sa Đéc) tên trong bộ đời là Nguyễn Thị Lâu, nhưng ngoài thế lưu danh Bà Phủ An, với câu đặt để lớp xưa: Nhứt An, nhì Phát, tam Chanh, tư Định.

Có lẽ nhờ ông bà tôi khéo tu nhơn tích đức, nên tôi có được hưởng một phần gia tài của bà, nhưng nội gia sanh biếng sau mười chín năm nồng mặn, cháu gái bà với tôi hết duyên nợ, tôi không dám trách và chỉ nhớ ơn bà mộc bổn thuỷ nguyên, bà và ơn lớn của bà tôi nguyện đến thác không quên.

Ông là người Biên Hoà, quê ở Long Thành xứ Đồng Môn, làng Phước Mỹ, tổng Thành Tuy Thượng, nay còn một ngôi Phật tự che mát ngôi mộ song hồn của ông bà. Ông sớm thông Pháp ngữ, từng làm thông ngôn cho ông Gaslon Doumergue, có lúc làm toà tạp tụng lại Tây Ninh khi về Pháp cho hết vật kỷ niệm cho ông và thời may các vật nầy nay lọt về tay tôi cất giữ. Có dè đâu ông toà tạp tụng một xứ nhỏ như Tây Ninh, bỗng trở nên nguyên thủ nước Pháp, lúc đó gọi là đức giám quốc (nay gọi tổng thống).

Ông mất ngày 18-6-1937 sau khi leo lên tột bực nấc thang danh vọng và nếm đến cạn chén tân khổ năm 1926 khi nền tài chánh Pháp đi đến sát mức kiệt quệ và nhờ ông mà vượng lại được. (Ông sanh ngày 1-8-1863). Bất ngờ bốn món ông để lại đất Nam nầy trở nên quý: một cây đèn dầu lửa bằng sành (mục lục 56) họng có đến hai tim cho thêm sáng và ống khói hiệu Abeille làm giẹp giẹp cho xứng với hai tim; một đĩa bàn (mục lục 57) hiệu Saucy-uomkès, nơi mặt tiền vẽ cảnh lâu đài và đền Château d'Azay-le-Rideau ; một đĩa bàn nữa hiệu Nr. (mục lục 58), mặt tiền vẽ hình nàng Charlotte Corday là một nữ anh thư Pháp (1766-1793) dám đâm chết Marat để lên đoạn đầu đài đền tội, trên bức hình đề cây: “Noo Charlotte Corday, 19 Juillet 1793” ; và một đĩa bàn thứ ba, hiệu A-II-J.I (mục lục 58 bis), vẽ hình một người và đề trên đầu hình: “Fouquier-Tinville, accusateur public Noo”. Ông nầy (1746-1795), nguyên là biện lý toà án cách mạng Pháp, đã từng gởi lên gươm máy không biết bao nhiêu anh hùng chết oan, và sau rốt lão cũng lên theo đền tội.

Nhắc lại, bà cùng chồng là ông Phủ hàm Lê Văn An, sau đổi xuống toà án Sốc Trăng rồi tạo lập lại đây một sự nghiệp rất lớn, gồm một toà nhà lầu ngày nay còn kiên cố ngó mặt qua dãy chợ cá của châu thành và đó là toà nhà lầu đầu tiên tại đây xây cất bằng bê-tông cốt sắt. Ngoài toà nhà, ông bà có một sở ruộng tại làng Hoà Tú, ấp Bâng-Xa-mô, rộng đến 1.121 mẫu tây (1121 ha). Bỗng đột ngột ông mất (trước năm 1920), bà can đảm tiếp tục đơn thân quán xuyến khai thác sở ruộng và kinh doanh ngày càng thêm vĩ đại. Bà có phần về cung nô bộc, tôi tớ bạn bè ở trong nhà trên ba mươi người, mà người nào cũng trên ba mươi năm công nghiệp. Một tiếng bà hô là họ vâng lịnh răm rắp. Bà từ trần ngày 6-5-1931, để lại giấy nợ tá canh và mướn trâu làm ruộng, cộng trên mấy trăm ngàn bạc, bà trối dặn đốt hết, và khi mất, để lại một lẫm lúa năm căn đầy óc nhóc và trong tủ sắt một số tiền hết sức lớn thời đó là tám chục ngàn đồng bạc (80.000$00) gồm tám gói cuốn tròn giấy bộ lư, mỗi cuốn là mười ngàn đồng bạc (theo tôi một ngàn thời đó đáng trên mười triệu thời nay).

Nhưng bà giàu mà không có con. Trong mấy tháng bà nằm trên giường bịnh, bà suy gẫm có lẽ bà nhìn nhận tuổi già mà không con nối hậu kể như đại bất hạnh, đó là một cách trời hành tội vì muốn được giàu thì khó tránh không làm điều ác. Cho vay nặng lãi, thiếu nợ không bỏ, cứ kê nể chồng năm nầy qua năm kia là đủ tội rồi.

Trong khi đau ốm, bà khát nước, người canh cho bà ngủ là cháu ruột tín cẩn tên cô Ngọc. Cô mắt nhắm mắt mở, rót cho bà đầy chén, bà nhắp vào miệng vừa kịp phun ra. Đó là rượu chín chục độ! Bà trách mắng. Cô Ngọc khóc, đổ thừa đêm hôm tối tăm chai nước suối Vichy để quá gần chai rượu cồn, nên cô lầm lộn. Thôi cũng bỏ qua cho, kể như là sơ ý. Đến như việc nầy mới cắt nghĩa làm sao? Bác sĩ khuyên ăn lạt, triệt để cữ mặn. Thế mà cô Ngọc, cô Ngà, hai chị em, một khóc hai khóc, năn nỉ ép nài, nấu cháo sò huyết, nấu bánh canh cua, nêm nước mắm hòn, nêm nước trong Tàu, khẩn cầu xin xỏ cho được bà ăn: “Phải có hột cơm hột cháo mới là mau mạnh”. Nếu đó là vì dốt nát cãi lời bác sĩ thì cũng còn châm chế, duy nếu đó là làm cho bà mau chết để mau hưởng gia tài, thì đó thật là sâu độc ác ý không phương tha thứ. Lúc ấy tôi biết mà cũng như thằng câm. Bà thường nói về tôi là “thằng cháu rể xa, quăng mười lăm bã trầu chưa tới”, làm sao bà tin bằng cháu ruột, hai cô Ngọc, Ngà gọi bà bằng cô? Vì vậy tôi á khẩu.

Còn nhớ kỳ lết rồi, bà cho vợ tôi đeo xoàn “đầy mình”, dạy đeo luôn lên Sa Đéc “lòe loẹt ba bữa với người ta”, tôi hay được phân trần với bà và từ chối rằng: “Chúng con nghèo, dẫu đeo của thật, người ta cũng nói của giả; thêm nữa, nếu rủi ro bị trộm, bà có thể tin là chúng con bày mưu đoạt của, hàm oan ấy làm sao biện minh?”. Lúc thấy tôi nhứt quyết không nhận mượn xoàn đeo tạm, bà lưỡng lự không biết tôi thật ngay thẳng, hay là “thằng điếm ba da”, giả đạo đức để sau nầy táp cho lớn miếng! Bà có biết đâu lúc ấy tuy tôi nhỏ tuổi thật, nhưng đã có chút ít kinh nghiệm, chỉ quyết muốn được vợ thuận tình trung trinh chớ có xoàn nhiều chúng cám dỗ, có ngày mất vợ! Mất luôn hột xoàn! Sự nghỉ kỵ của tôi sau mười chín năm sau quả đúng người, nhưng đó là căn số của tôi, trách than vô ích. Bà mất năm 1931, trong lúc đại thái bình, như vậy mà yên thân.

Nếu bà sống được đến năm nay, bà càng thêm vô phúc, vì thấy cuộc đời biến chuyển, bà đâu tiếc sống. Các điền chủ đồng thời với bà nay thảy đều khuất bóng như bà: duy bọn con cháu không đứa nào lầm lỗi, mà thảy đều sạch tay, mà còn chưa hết khổ. Điền Nguyễn Tấn Phát, nhà giàu số 2, sanh con là Nguyễn Tấn Phòng, Nguyễn Tấn Nghị, nối dòng là cháu nội Nguyễn Tấn Lễ. Tấn Quyền, Tấn Lợi, thảy đều rân rát, kỹ sư, cử nhân luật, nhưng cũng phải bỏ ruộng chạy ra chợ sinh sống rồi từ trần, cháu bốn đời nay đều vô sản! Điền bà Hương Chanh, nhà giàu số 3 với con cháu là Trần Đắc Lợi (Chủ Lý), Trần Đức Chương (cậu Ba Chen), Trần Đắc Tuấn, Trần Kế Vĩnh, thảy đều trở nên dân chợ, sống lây lất qua ngày. Bà Tư Định, vô hậu như bà, của cải người dưng ăn. Những điền đất xưa, nay chỉ còn chút danh mà đã quá lu mờ, hoặc cũng không biết ở đâu nữa mà chỉ. Còn lại chăng là trong vùng còn giữ tên, như Kinh xã Phát là do ông Nguyễn Tấn Phát xuất tiền ra đào. Kinh Huyện Phòng (Nguyễn Tấn Phòng) v.v... Kinh xã Nhạn, mới nghe, tưởng là Việt, sự thật ông là người gốc Miên, được người đời truyền tụng gọi là “cù công Nhạn”, cù công dịch là “cửu công” lức là ông cậu. Chết mà sanh tiền ăn ở tốt, dân nhớ đức, chết mà như còn. Bia miệng thơm hơn bia đá.

Bà ôi, sao nói hết được những sự đổi dời, tang điền hoá ra thương hải. Thuở bà còn sanh tiền, lúa giá rẻ mạt mà dân thảy thảy no bụng. Lúa ba đồng ngoài một tạ, gạo tám xu một cắc một lít. Ngày nay lúa bán trên hai chục ngàn đồng mỗi tạ, ruộng làm đến hai mùa ba mùa, nhưng không phải ai ai dễ làm ra hột lúa. Trái lại, thấy dân nghèo chay gạo hàng ngày cũng đú dựng tóc gáy. Tội nghiệp đồng nghìệp tôi là hạng công chức ít tiền.

Một thơ ký tám con, lương ba mươi ngoài ngàn, kéo một bao gạo đã mất hết hai mươi ngoài ngàn, tức ba phần tư của số lương. Tội nghiệp mấy đứa trẻ, không tiền ăn hàng bánh, chúng nhắm ngay ồi cơm mà xúc. Xây qua quay lại một bao chỉ xanh gạo (một trăm ký) mới kéo hôm đầu tháng, chưa hết tháng mà cái bao đã xẹp lép! Ăn cơm chưa no, chúng nhè thuốc tiêu thuốc bổ của mẹ, cất kỹ trong keo, chúng cũng lôi ra nhai tuốt. Không thể tiện cặn, thà mua gạo ngon cơm cho chúng chan nước mắm đỡ tốn đồ ăn, và thực đơn suốt năm nầy qua tháng kia của chúng là rau muống luộc, năm khi mười hoạ mới có hột vịt luộc dầm nước mắm, đối với chúng, bữa ấy là thịnh soạn còn hơn hải vị trân hào.

Một điều khác, bà nghĩ xem: vàng, lúc Ba tôi còn sanh tiền, năm 1919, đưa tôi lên nhập trường Chasseloup, mua về năm chục lượng, giá mỗi lượng năm chục đồng (50$00), lường bán lời mỗi lượng một đồng bạc, cũng dễ thở, ngờ đâu từ năm 1919 đến năm 1925, vàng cứ sụt giá mãi, thét rồi chỉ còn hai chục đồng (20$00) rồi xuống mức cùng là mười chín đồng (19$00) một lượng, khiến Ba tôi sạch vốn. Đến năm 1931 là năm Bà mất, vàng leo thang trở lại mức trung bình xê xích từ năm chục đồng đến sáu chục đồng mỗi lượng, như vậy kể là vừa. Ngờ đâu kế đó, năm 1939, rục rịch có tin binh lính Nhựt đổ bộ Đông Dương, giá vàng vọt lên một trăm đồng (100$00) một lượng. Kể từ đó, vàng lên giá:

- Ngày 19-5-1940: 220$00,

- Ngày 4-7-1940: 330$00,

Nhảy một vọt, mấy năm gần đây, từ mười ngàn đồng (10.000$00) (12- 1968) leo lên hai chục ngàn năm trăm (20.500$00)

(ngày 15-5-1970), rồi năm chục ngàn đồng (50.000$00) (tháng 5 năm 1973) (năm nầy con bán ra mười lượng để sứa nóc nhà), kế đến năm 1975, giá vàng vọi lên 170.000$00 mỗi lượng, thiệt là cao vót tự cổ chí kim. Nhưng đâu phải là ngừng nới đây.

Cháu tường với cảnh đau thương như hiện nay, bà nằm trong mộ mà yên thân hơn, và chính thân cháu cũng không muốn sống

(29-3-1975: ngày giỗ mẹ).