Hòn Đảo Của Bác Sỹ Moreau

Cánh Cửa Khóa

Docsach24.com

ước chân lên đảo, lạ nước lạ cái, cái gì chung quanh cũng lạ, lạ nhiều quá riết rồi quen. Khi tôi đang theo chân con lạc đà không bướu, Montgomery bỗng gọi, dặn tôi không được bước vào nhà. Lúc đó, tôi mới để ý, thấy cái cũi báo và các kiện hàng đang được xếp gọn gàng ngay trước cửa vào tòa ốc.

Hàng họ trên thuyền đã dỡ xong, đảo chủ đang đi về phía chúng tôi. Ông nói với Montgomery.

“Tự dưng lại có khách không mời. Làm gì với hắn đây?”

“Ảnh biết về khoa học đấy” Montgomery đáp.

“Tôi đang nóng lòng thử nghiệm món mới đây”, đảo chủ ra dấu về tòa nhà, mắt ông sáng lên.

“Em biết thầy nóng lòng mà”, Montgomery giọng ngọt ngào.

“Ta không thể để hắn ở đó được, mà cũng chẳng có thời gian xây nhà mới cho hắn. Chắc chắn là cũng chưa thể nào cho hắn biết mọi điều”.

“Tùy ông quyết, sao cũng được”, tôi nói dù tôi chẳng biết đảo chủ nói “ở đó” là ở đâu.

“Em cũng đang nghĩ như thầy”, Montgomery trả lời “Hay là để ảnh ở phòng em? Phòng em có cái cửa ngoài…”

“Ý hay” Đảo chủ nói, và 3 chúng tôi cùng bước tới khu nhà “Cậu Prendick thứ lỗi nhé, cậu là khách không mời, nên 1 số thứ chúng tôi cần giữ bí mật. Cái nhà của tôi là 1 kiểu lâu đài Yêu Râu Xanh đấy. Đối với người hiểu biết thì cũng chẳng có gì ghê gớm đâu, nhưng mà chúng tôi chưa biết cậu…”

“Tôi hiểu mà. Chỉ vừa biết nhau thôi, ông làm sao coi tôi như tâm phúc được.”

Đảo chủ cười nhẹ. Ông thuộc tuýp người ít nói, khi cười thì khóe miệng trễ xuống chứ không nhếch lên. Chúng tôi đi ngang qua cổng chính của khu nhà, nhưng không vào. Cổng này bằng gỗ khung sắt rất chắc chắn, lại được khóa cẩn thận. Bước về phía góc tường. Ở đây có 1 cánh cửa nhỏ, nãy giờ tôi không để ý thấy. Đảo chủ rút từ túi chiếc áo xanh dính dầu mỡ ra 1 xâu chìa khóa, mở cửa, rồi bước vô. Bên trong là 1 căn phòng bài trí giản đơn, nhưng không đến nỗi tồi tàn. Phòng còn có  cửa hậu, mở về phía trong, dẫn ra 1 cái sân lát gạch. Lúc tôi vào, cửa còn đang mở hé, nhưng Montgomery đã lập tức khóa lại ngay. Bên góc tối của phòng, 1 cái võng đang đong đưa. Cạnh đó là cửa sổ nhỏ nhìn ra biển. Cửa không kính, chỉ có chấn song sắt.

Đảo chủ dặn từ nay tôi sẽ ở đây, nhưng không được bước qua cửa hậu. “Để tránh tai nạn có thể xảy ra”, ông nói, ông sẽ luôn khóa cửa ấy. Ông chỉ cho tôi: Trong phòng có bàn làm việc ngay trước cửa sổ, lại có cả 1 kệ sách ở bên cái võng. Tôi liếc qua thì thấy những chồng sách cũ, chủ yếu là sách về phẫu thuật và các tác phẩm kinh điển Hy-La. Chán! Vốn liếng Hy-La của tôi có bao lăm mà bảo đọc! Đảo chủ rời phòng bằng cửa ngoài. Cứ đi thẳng cửa hậu để vào nhà thì tiện hơn, nhưng dường như ông muốn tránh không mở nó ra nữa.

“Thường thì ta sẽ ăn cơm ở đây”, Montgomery nói, rồi ra theo đảo chủ. “Thầy Moreau”, tôi nghe hắn gọi. Ban đầu cũng chẳng để ý gì, nhưng khi đang săm soi chồng sách trên ghế, tôi bỗng chợt nhớ ra: Chắc chắn mình đã từng nghe cái tên Moreau ở đâu rồi. Tôi ngồi xuống bên cửa sổ, ăn ngon lành mấy cái bánh quy. Moreau!

Qua cửa sổ, tôi thấy tên thuyền nhân quấn vải trắng đang kéo lê 1 kiện hàng dọc theo bãi biển. Rồi từ  phía sau cánh cửa hậu, tôi nghe tiếng đàn chó săn. Ra chúng đã được đem vào nhà rồi. Lũ chó không sủa, chỉ khụt khịt, gầm gừ, bước tới bước lui. Nghe cả tiếng Montgomery đang vỗ về chúng nó.

Hành tung bí mật của 2 vị đảo chủ gây ấn tượng mạnh trong tôi. Tôi cứ ngồi đó, suy này đoán nọ, và cố nhớ xem mình đã nghe cái tên Moreau ở đâu rồi. Trí nhớ con người thật quái quỉ, lúc cần nhớ thì nhớ mãi không ra. Kế đó, tôi lại nghĩ về cái tên thuyền nhân đang kéo hàng ngoài kia. Chưa bao giờ thấy ai điệu bộ dị hợm như thế. Giờ mới nhớ, trong bọn gia nhân, chưa có tên nào mở miệng nói với tôi 1 câu, chúng chỉ lấm lét nhìn tôi thôi. Kể cũng lạ, những giống thổ dân khác, khi nhìn thì nhìn thẳng mặt, có đâu lấm lét như chúng vậy. Có vẻ chúng rất ít nói, mà những khi nói thì giọng rất kỳ. Chúng bị làm sao nhỉ? Đột nhiên, tôi nhớ đến cặp mắt dễ sợ của gã gia nhân mặt đen.

Vừa nhớ đến gã, thì gã đã vào ngay. Giờ gã mặc áo trắng, tay cầm cái khay nhỏ, trên có cà phê và ít rau quả. Tôi không sao tránh khỏi hơi chùn lại khi gã đến gần, cúi xuống đặt khay lên bàn. Dưới những mớ tóc đen bết lại, cái tai của gã như nhảy lên sát mặt tôi. Tai gã nhọn hoắt, phủ 1 lớp lông nâu! Tôi như tê liệt vì kinh ngạc.

“Mời ngài dùng bữa sáng”, gã nói.

Tôi ngó mặt gã chằm chằm, không nói. Gã quay bước ra ngoài, không quên ngoảnh lại ném cho tôi 1 ánh nhìn kỳ cục. Khi đang trông theo gã, trong trí tôi bỗng dưng vọt ra cụm từ “Nỗi Hoang Đàng Moreau”. Phải không nhỉ? Chuyện đã xảy ra 10 năm trước rồi. À, không phải “Hoang Đàng”, “Nỗi Kinh Hoàng Moreau” mới đúng. “Nỗi Kinh Hoàng Moreau”: Cái tít in màu đỏ trên báo, đọc vào sởn gai ốc. Rồi, nhớ rõ rồi, cái bài báo ngày xưa. Lúc ấy tôi hãy còn nhỏ tuổi, còn Moreau chắc khoảng 50. Ông là 1 bậc thầy lỗi lạc về sinh lý học, nổi danh trong giới hàn lâm về trí tuệ siêu phàm, và về sự thẳng thắn đến bạo tàn trong các cuộc thảo luận.

Có đúng là Moreau đấy không? Bác sỹ Moreau ngày xưa từng có những phát kiến gây chấn động về truyền máu, cũng như nhiều công trình nghiên cứu giá trị về u bệnh. Nhưng đùng 1 cái, sự nghiệp của ông tan ra mây khói, và ông phải rời nước Anh. Chả là 1 tay nhà báo nào đó, với ý định kiếm tin giật gân, xin được vào làm trong phòng thí nghiệm của Moreau với tư cách phụ tá. Y đã tả lại những thí nghiệm, viết thành 1 bài báo ghê rợn. Cùng ngày bài báo ra mắt người đọc, 1 con chó khốn khổ chạy ra từ nhà Moreau, da bị lột, khắp mình đầy vết mổ xẻ. Vụ con chó ngẫu nhiên xảy ra (có đúng là ngẫu nhiên chăng?), khiến cho bài báo càng thêm sức nặng, ai ai cũng đọc. 1 ông chủ bút, chính là họ hàng với tay nhà báo, viết bài xã luận “đánh thức lương tâm dân tộc”. Đây chẳng phải lần đầu tiên họ mang lương tâm ra để chống đối các phương pháp nghiên cứu. Rốt cuộc thì người dân phẫn nộ, và bác sỹ Moreau phải bỏ xứ mà đi. Moreau có thể đã sai, nhưng việc học giới đồng loạt bỏ rơi ông, không cho ông cơ hội làm lại cuộc đời, theo tôi cũng là 1 điều hổ thẹn. Theo những mô tả trong bài báo, 1 số thí nghiệm của Moreau đúng là tàn bạo thật. Thay vì bỏ đi những nghiên cứu kiểu ấy để mua lấy cuộc sống bình yên trong xã hội, xem ra Moreau giờ đây chọn cách chối bỏ xã hội để cương quyết đi theo đường riêng. Cũng khó trách, nhà nghiên cứu 1 khi đã đam mê thì sao dứt bỏ cho được. Hơn nữa, Moreau sống độc thân nên nhẹ gánh. Dù ông có cố chấp cũng chẳng liên lụy đến ai.

Tôi cho rằng Moreau đảo chủ chính là Moreau bác sỹ ngày xưa. Bằng chứng rõ ràng rồi còn gì. Giờ tôi đã hiểu tại sao Montgomery lại đem con báo và các loài thú khác về đảo. Và tôi cũng nhận ra rồi: Cái mùi thoang thoảng tôi ngửi thấy từ lúc bước vào phòng chính là mùi thuốc khử trùng ở các phòng giải phẫu. Tôi chợt nghe, từ phía bên kia tường, tiếng con báo gầm lên, rồi tiếng chó kêu ăng ẳng như đang bị đánh.

Tuy nhiên, nói cho cùng, trong giới khoa học thì việc mổ xẻ động vật cũng chẳng phải ghê gớm lắm, có gì mà đảo chủ lại phải giữ bí mật đến vậy? Tôi lại miên man nghĩ đến cái tai nhọn và cặp mắt rực lửa của gã gia nhân. Hết chuyện này đến chuyện nọ rượt đuổi lẫn nhau trong trí, khi tôi ngồi nhìn ra mặt biển xanh tung sóng trong gió.

Thế là nghĩa gì? 1 căn nhà khóa kín trên 1 hòn đảo hoang vu, 1 tay bác sỹ khét tiếng chuyên mổ xẻ  động vật, và 1 lũ người què quặt, dị hình?