rời, trông con gái giống hệt mẹ vậy”, cô Maud nói. Mẹ tôi cười. Tôi bực bội gãi da đầu trong nỗ lực tuyệt vọng nhằm chấm dứt cơn ngứa. Phải cắt hết những sợi tóc cuối cùng đi, tôi nghĩ bụng. Trên chiếc tủ trước mặt tôi là một quyển lịch lớn, một quyển lịch làm việc. Trên đó toàn các cuộc hẹn xạ trị và hóa trị của tôi trong vòng năm mươi tư tuần tới. Cứ tuần nọ nối tiếp tuần kia.
Đợt kiểm tra xét nghiệm đầu tiên diễn ra vào tuần thứ chín, mục đích là để xem liệu việc nôn mửa có mặt tích cực nào không. Tôi thấy rùng mình và cảm thấy cơn sợ hãi mới. Tôi càng cố gắng đẩy nó ra khỏi suy nghĩ thì nó lại càng đến gần. Tôi không dám hy vọng sẽ tạo ra một bước ngoặt tích cực trong tương lai bởi cú đòn của số phận sẽ trở nên mạnh hơn. Tôi tính đến trường hợp xấu nhất: mọi việc sẽ chấm hết với tôi.
Tôi ôm chú mèo Saartje vào lòng và tự nhủ ai trong hai chúng tôi sẽ sống lâu hơn. Trong những tuần này cái chết mới thực sự đi vào tiềm thức của tôi. Sự sống chỉ là một phần của tổng thể, của quá trình tự nhiên sinh ra và chết đi. Suy nghĩ đó làm vơi nỗi bất an trong tôi đôi chút và làm cho cái chết đối với tôi bớt lạ lẫm, bớt đau đớn và bớt ghê sợ hơn. Chỉ tiếc là giờ đây cái chết lại đang đến với chính tôi.
Hôm nay là lần đầu tiên tôi đội tóc giả lên sau khi kẻ mắt. Tôi xỏ đôi dép đi trong nhà của mẹ, mặc chiếc áo choàng tắm màu trắng do người bạn trai tốt bụng nhất thế giới tặng. Tiếc rằng đó không phải bạn trai tôi mà là bạn trai của chị gái. Cơ mà tôi cũng được lợi lây. Giờ đây, cuộc đời tôi là một cuốn phim trong đó tôi chỉ nhận, nhận và lại nhận. Những bông hoa, một chiếc iPod, hay những cái ôm đầy yêu thương. Duy chỉ có một vấn đề là vào lúc này tôi không có nhiều thứ để cho đi.
Tôi cảm thấy thật uể oải và nặng nề mặc dù cân nặng của tôi chẳng còn là bao. Chiếc cân lại chỉ ra tôi sụt một ký. Việc đó diễn ra hầu như hằng ngày trong tuần này. Tôi đã tìm ra công thức ăn kiêng lý tưởng: sợ hãi, xì trét và đổ mồ hôi nhiều do u bướu. Việc tôi ra mồ hôi nhiều vào ban đêm đã bắt đầu từ một tháng trước song chưa bao giờ nó lại mạnh như lúc này. Tôi thức dậy mỗi đêm, người ướt sũng và ớn lạnh. Trong bụng trống rỗng, hai bên xương sườn run rẩy. Tất cả đều ướt sũng, đầm đìa mồ hôi và thấm đẫm nước mắt. Có điều gì đó đang xảy ra trong cuộc đời tôi mà tôi chưa kiểm soát được. Trong những khoảnh khắc như vậy, nỗi sợ hãi của tôi lên tới đỉnh điểm và bệnh tật của tôi ở vô cùng gần.
Đó là hiện tượng “Sốt u bướu”. Tối nào cũng vậy cứ khoảng chín giờ là tôi lại bị sốt. Bốn giờ sáng nay tôi đã phải thay một chiếc áo phông ướt đẫm mồ hôi. Nó bốc mùi khó chịu khắp phòng. Cạnh giường tôi là bốn chiếc áo phông nữa, hai chiếc đã ướt sũng, hai chiếc khác khô sạch. Mỗi sáng đôi mắt tôi đều đổ dồn về đống áo phông ướt bên cạnh giường mình. Chỉ khi nào đống áo đó nhỏ lại thì mới có nghĩa là số u bướu trong người tôi đã teo bé đi và tôi mới có thể được điều trị hóa chất. Mẹ tôi cầm lấy một chiếc áo khô và giúp tôi xỏ vào người.
Trong những tuần này tôi lại được ngủ cùng phòng bố mẹ như Sophie nhỏ bé ngày nào. Mỗi lần tỉnh dậy là lúc tôi cảm thấy tồi tệ nhất: sợ hãi, yếu đuối và cô đơn mặc dù tôi luôn có bố mẹ bên cạnh mình.
“Bố, con sợ.”
“Con là tất cả của bố, Sophie à.” Bố âu yếm ôm tôi vào lòng.
Tôi sợ hãi ngả mình vào vòng tay của bố. Cơ thể tôi dính nhớp nháp. Không lâu sau mẹ tới chỗ hai bố con. “Điều gì sẽ xảy ra nếu con chết?” Tôi siết chặt lấy bố và qua vai ông, tôi nhìn qua khe hở giữa hai tấm rèm cửa sổ trông ra ngoài. Kẽ hở đó đủ lớn để có thể quan sát được một phần màn đêm. Một cái cây trụi lá, một ánh trăng lẻ loi và phía sau là bóng tối đen kịt.
“Con sẽ không chết đâu”, giọng mẹ tôi cất lên.
“Nhưng nếu con chết? Nếu u không teo đi? Con sợ đợt xét nghiệm tới lắm.” Không chỉ đôi mắt của tôi khóc mà bụng tôi cũng khóc theo bằng những chuyển động run rẩy.
“Bố mẹ cũng vậy Sophie ạ, bố mẹ cũng sợ.” Bố buồn bã nhìn tôi. Tôi thấy mừng vì đêm nay ông cho phép tôi nói ra nỗi sợ hãi lớn nhất của mình mà không hề phản đối.
Tôi vẫn đứng bên tủ, một tay gãi đầu. Một vài sợi tóc chết chưa kịp rụng làm da đầu tôi ngứa kinh khủng. Trông tôi thật đáng sợ. Tôi quyết định sẽ không đợi cho đến khi tóc mình rụng hết. Tôi gọi dì Kristien để hỏi liệu dì có thể cho tôi mượn máy cạo. Nửa tiếng sau dì Kristien tới. Cô Maud đứng dậy và để chúng tôi lại một mình.
“Cái máy này tốt lắm đấy, dì mua ở cửa hàng của bà bạn Nikki, dì quen bà ấy từ hồi còn là thợ cắt tóc”, dì Kristien nói.
Dì và mẹ tôi giữ gương, tôi bấm nút. Chúng tôi ngồi bên chiếc bàn trong bếp và cả ba đều nhìn chằm chằm vào đôi bàn tay đang thận trọng nhưng dứt khoát đưa chiếc máy cạo qua mái đầu ngày càng trơ trụi của tôi.
Sau vài phút mọi việc đã xong. Trọc lốc. Tôi cảm thấy thật kinh tởm song tự an ủi mình rằng Demi Moore trong phim D.I. Jane cũng phải cạo trọc đầu mà vẫn xinh. Trong những tuần tiếp theo tôi từ bỏ hẳn mối giao hòa với những chiếc gương. Tôi ghét nhìn cái đầu mình, dù có đội tóc giả hay không.
Thứ Hai ngày 14 tháng Ba năm 2005
Đã bảy tuần trôi qua kể từ lần xạ trị đầu tiên của tôi ở trạm C6 và giờ tôi lại thấy mình đang ở trong thang máy của bệnh viện OLVG để tới đợt xạ trị lần thứ hai. Tôi phải nhập viện hai lần trong quãng thời gian chín tuần, vào tuần đầu tiên và tuần thứ bảy. Đồng thời tôi cũng phải trải qua những lần truyền hóa chất kéo dài một vài tiếng, nhưng chỉ ở giai đoạn đầu, tức là trong chín tuần đầu tiên, sau đó thêm một vài lần nữa song kéo dài hẳn một ngày. Một kế hoạch điều trị phức tạp mà tôi chẳng hiểu mô tê gì nhưng phải nói các bác sĩ cũng rất thích sự phức tạp. Tôi không còn nhiều thời gian cho những việc khác bởi tôi phải nghỉ ngơi nhiều và ngoài ra tôi lại phải đi kiểm tra máu vào mỗi thứ Sáu.
Hôm nay là sinh nhật Zus, chị đã tròn hai mươi lăm tuổi. Tròn một phần tư thế kỷ. Tôi luôn biết mình yêu chị đến mức nào song biết và cảm nhận là hai việc hoàn toàn khác nhau. Giờ tôi đã cảm nhận được, ở mọi lúc mọi nơi. Cảm nhận của tôi rõ ràng nhất là khi chị chăm sóc tôi, thậm chí ngay cả khi chị chăm chú học bài bên chiếc bàn trong bếp cạnh tôi. Chị học ngành truyền thông.
Tôi tìm lại niềm vui trong những việc nhỏ nhặt: đánh răng, mua sắm, diện đồ, xem vô tuyến. Trong khi phải chống lại bệnh tật và có thể là cả cái chết nữa thì làm mỗi việc ấy đều như một lễ hội nho nhỏ.
Bác sĩ L tới thăm xem liệu tôi đã bị tác động bởi tác dụng phụ hay chưa và màu má tôi thay đổi thế nào. Ông ta nhìn tôi chằm chằm, lẩm bẩm “EPO là gì ạ?”
“Một loại hoóc môn kích thích quá trình sản sinh tế bào hồng cầu trong tủy. Thậm chí nó còn có thể khiến các khối u phát triển nhanh hơn.”
“Ồ, như các tay đua xe đạp vẫn dùng ạ?”
“Đại loại vậy. Việc ra mồ hôi ban đêm của cháu thế nào rồi?”
Trời ạ, bác sĩ L lại bắt đầu đẩy sự căng thẳng lên cao hơn. Lúc nào cũng vậy, đúng là theo thói quen. Hàng tuần nay đêm nào tôi cũng vã mồ hôi như tắm, bố mẹ tôi nhiều lúc phải nín thở. Vào những đêm tệ nhất tôi phải thay ga trải giường ba lần, thay áo năm lần. Tôi càng ngày càng gầy rộc đi do mất nước. “Cũng đã đỡ hơn nhiều nhưng đêm vừa rồi mồ hôi lại ra khá nhiều.”
“Như vậy không tốt lắm.” – (Lẽ ra tôi nên nói là “càng ngày càng ít” thì tốt hơn.) - “Chúng tôi sẽ để mắt tới điều đó.”
Đối với tôi bác sĩ L vẫn là một con người ghê sợ và kinh khủng, người làm đảo lộn cuộc sống của tôi. Như thể những cái u bướu chết tiệt trong người tôi là do lỗi của ông ta. Thậm chí ông ta còn đặt tên cho chúng. Trên tấm biển tên đề chữ Bác sĩ L nhưng các y tá không gọi ông ta bằng họ mà bằng tên. Tôi cũng vậy. Lusche là cái tên xấu tệ. Ông ta ngày nào cũng qua phòng tôi để xem tình hình bệnh nhân.
Ông ta cao lêu nghêu và là chuyên gia huyết học. Ông ta luôn trong tình trạng vội vã và trong bộ bờ lu trắng của mình trông ông ta lúc nào cũng thô kệch, đờ đẫn và cớm nắng. Ngay cả khi tiếp xúc với bệnh nhân cũng vậy. Tôi chỉ thấy ông ta hay cười với đồng nghiệp của mình mà thôi. Không khó để nhận ra ông ta thuộc nhóm những nhà khoa học thích vùi mình vào sách vở và không bao giờ thắp lên cho các bệnh nhân của mình một tia hy vọng nào dù là nhỏ nhất. Ông ta hoàn toàn không phải là một bác sĩ tâm lý. Hai đêm trời ông ta đem con bỏ chợ và không hề nói liệu bệnh của tôi có chữa được hay không. Sau này tôi mới nhận ra rằng cái sự lờ đờ nước hến đó nằm ở cách chọn từ của ông ta nhiều hơn là ở những cơ quan bị bệnh của tôi.
Cơ mà ông ta là bác sĩ, là hy vọng, là người sẽ chữa bệnh cho tôi. Phu quân y tế của tôi. Phu quân ở đây không phải là một gã mặc chiếc quần nâu như mớ giẻ rách như thể chỉ để che của quý. Phu quân ở đây là một nghệ thuật chữa bệnh, một lòng nhiệt huyết chân chính và một nguồn sinh lực dồi dào để có thể xóa đi mọi cơn ác mộng của Sophie. Không ai trong thế giới của tôi có thể sánh với ông ta. Kể cả bác sĩ K.
Tuần này là lần đầu tiên tôi tập tễnh đi lại trong bệnh viện với cái đầu trọc lốc của mình. Tóc giả thì tôi có nhưng tôi vẫn chưa quyết định được là ai xấu hơn: Bà đầm Sophie hay Sophie đầu trọc.
Tôi chỉ buộc một chiếc khăn trên đầu và trông không khác gì cô tạp vụ, người ngày nào cũng cầm xô Clo và một chiếc chổi tới tiệt trùng phòng tôi. Y tá Bas gọi tôi là “Trọc”. Anh ấy làm tôi thực sự thấy buồn cười. Mới tám giờ sáng anh đã đánh thức tôi bằng câu “Chào Trọc!” như thể tôi là bệnh nhân duy nhất ở trạm này, đồng thời giúp tôi thay áo. Với một đống dây dợ lẳng nhằng được quấn quanh cổ tay tôi thì việc thay áo giờ đây cũng không còn đơn giản nữa. Sau đó anh lấy tay vuốt cái đầu trọc của tôi và liến thoắng một hồi trong khi buộc dây truyền dịch mới vào cổ tay tôi để lắp các ống truyền dễ dàng hơn.
Tôi được truyền hai túi máu nhóm A để điều chỉnh lại số lượng hồng cầu, để biến Sophie uể oải thành một Sophie hoạt bát hơn. Trong đầu tôi chợt nảy ra một tưởng tượng điên rồ: Ta nhận máu của người khác như một loại ma túy để mình cảm thấy khỏe hơn. Có lẽ đó chính là lý do vì sao giờ đây tất cả đều khác trước. Lý do tại sao tôi không còn thích bánh ga tô và cam thảo nữa. Và cũng có thể là lý do tại sao giờ tôi lại thích viết lách.
“Lại bị rối rồi à?”
“Ừ, em quay người sang một bên cùng đống dây truyền này đi.”
Tôi thường tắm vào khoảng gần mười một rưỡi. Để giết thời gian tôi thường bôi kem dưỡng da và các loại kem khác khá lâu. Tất cả những gì tôi muốn mặc vào người trước hết phải được xỏ qua chân, rồi qua hông nếu không muốn phát cáu với đống dây dợ chằng chịt.
Tôi thấy mình vẫn còn rất mơ mộng: Tôi mang theo những chiếc áo phông đẹp nhất của mình nhằm trường hợp bác sĩ K hay một bác sĩ điển trai nào đó qua thăm. Hoặc khi tôi phải rời phòng để đi thực hiện một xét nghiệm nào đó và phải đi qua tầng dưới cùng. Tôi luôn nhớ cảnh mọi ánh mắt đổ dồn về mình khi tôi dịch chuyển các dụng cụ truyền dịch trước mặt. Tôi nhanh chóng chạy vội về phòng và cố gắng quên đi ám ảnh đó. Quên đi tất cả. Giờ đây sáng nào thức dậy lúc đầu tôi cũng ngạc nhiên vì chẳng thấy có sợi tóc nào vương trên gối.
“Chào người đẹp, khỏe không?”
Tôi quay mình theo hướng giọng nói quen thuộc đó. Một bó phong lan tím khổng lồ xuất hiện trong phòng, đằng sau đó là Annabel. Tôi và Annabel quen nhau từ hồi học mẫu giáo rồi sau đó chúng tôi còn học viết và đếm cùng nhau ở trường Burgtschool. Kể từ đó không một ngày nào trôi qua mà chúng tôi không biết người kia đang làm gì. Hơn hết là đang ở cạnh ai.
Cả hai chúng tôi đều thuộc cung Song Sinh. Để giải thích tính cách khác nhau của chúng tôi bằng việc tin vào tướng số, Annabel nói có hai kiểu người Song Sinh. Một kiểu mang nhiều tính chất của cung Cự Giải(2) hơn và kiểu kia có nhiều tính của Kim Ngưu hơn. Chắc tôi mang nhiều tính của Cự Giải hơn, tôi nghĩ. Annabel học ngành marketing còn tôi học chính trị. Nếu Annabel là con trai chắc chắn tôi đã yêu cô ấy. Nhưng may mắn thay tôi không phải là kẻ đồng tính. Annabelgiúp tôi chọn đồ và mở rộng gu thẩm mỹ của mình. Giữa đống áo phông hiệu Mission và đống túi hiệu Balenciaga chúng tôi nói chuyện về các bài giảng ở trường về chủ đề năng lượng mặt trời, về lạm phát, về tội diệt chủng ở các nước thế giới thứ ba. Chà, đúng là kiểu nói chuyện đặc thù của chúng tôi. Cơ mà chúng tôi không thể khác được.
2. Krebs vừa có nghĩa là cung Cự Giải, vừa có nghĩa là bệnh ung thư.
Chúng tôi đã cùng nhau khám phá thế giới kể từ khi là mấy đứa bé, rồi khi trở thành thiếu nữ và giờ khi bước vào những năm đầu của tuổi hai mươi. Chúng tôi đã chén ốc sên ở Dordogne, xơi kẹo Đan Mạch ở cảng Rungsted. Trong lâu đài Josephine Baker từng sống ở Pháp, chúng tôi đứng dưới một cây đèn, há hốc mồm bởi xung quanh đó cơ man nào là dơi bám vào. Ở Đan Mạch lần đầu tiên chúng tôi ăn tảo biển bất chấp những lời cảnh báo, trong một cửa hiệu ở Luân Đôn chúng tôi đã mua cho mình những đôi giày cao gót đầu tiên. Chi có hai lần Annabel và tôi rời xa nhau trong khoảng thời gian dài. Lần đầu là chuyến thám hiểm của tôi tới dãy Himalaya, còn lần kia là khi Annabel đi thực tập ở New York. Cô ấy vừa trở về thì cũng là lúc cái từ ung thư trở nên gần gũi hơn với tôi. Ở New York, Annabel làm việc cho một cửa hàng mốt chuyên may áo cưới cho cô dâu. Tháng Mười hai vừa rồi tôi có bay sang đó để đón Giáng sinh và giao thừa cùng cô ấy. Buồn cười nhất là khi cô ấy đã đi được quá hai khu nhà và hai quán Starbuck trong lúc tôi vẫn còn vật lộn kéo lê mình trên những bậc thang dưới tàu điện ngầm. Mới có khoảng một rưỡi đêm giao thừa mà tôi đã chán ngấy tiệc tùng dù ở đó tôi có quen một anh chàng New York cực kỳ hiền hậu. Tôi quay lại nhà Annabel với một tấm danh thiếp trên tay. Sáng Chủ nhật, một ngày trước khi về, tôi tìm đến Bảo tàng Nghệ thuật đương đại nơi anh ta làm việc. Sáng thứ Hai chúng tôi đi ăn ở tiệm Pastis, buổi tối cũng lại đi ăn và uống rượu vang đỏ. Tôi tỉnh dậy rất sớm, khoảng gần bảy giờ và thấy mình đang ở Lower East Side tận Manhattan. Tôi muốn quay lại chỗ Annabel ngay bởi cô ấy chắc đang rất lo lắng. Khi tỉnh dậy cũng là lúc cuộc phiêu lưu của tôi kết thúc, tôi vội mò mẫm lần tìm quần áo của mình trong bóng tối. Đúng tám giờ tôi đã đứng trước cửa căn hộ của Annabel, đâu đó giữa Đại lộ 5 và 6, không xa quảng trường Union Square là mấy.
Không có Annabel chắc tôi sẽ không bao giờ biết cảm giác có một người bạn chân chính. Một người nằm trên giường ở Noodermarkt mà cảm nhận được rằng tôi đang đơn độc ở New Dehli. Một người luôn nắm bắt được những suy nghĩ của tôi. Một người ngay lập tức nhận ra tôi trông quá nhợt nhạt. Một người đi tuyến xe điện số 7 với một bó phong lan to bự tới trang trí cho căn phòng của tôi trông đàng hoàng hơn.
“Chào người đẹp!” tôi hồ hởi gọi. “Bộ tóc giả của tớ bị lệch à?”
Annabel ngắm nghía tôi và mỉm cười. Rồi cô ấy sửa lại mái tóc cho tôi.
“Cậu có nghĩ có thể sắp tới tớ sẽ không còn sống nữa không?”
“Chúa ơi, cậu nói chuyện hay thật đấy.” Annabel ngồi trên chiếc ghế cạnh giường rồi rút bộ đồ làm móng tay ra.
“Tớ rất muốn biết cậu đang làm gì với những suy nghĩ của mình.”
“Ừ’, cô ấy nhìn thẳng vào mắt tôi. “Tớ trông mạnh mẽ thế này thôi mà đêm nào tớ cũng gục vào lòng Bart mà khóc sưng cả mắt.” Bart là bạn trai cô ấy.
“Cơ mà một khi vẫn còn hy vọng, tớ sẽ cố không nghĩ tới tình huống xấu nhất.”
“Ừ.”
Một cảm giác được thương hại không mấy dễ chịu xâm chiếm tôi nhưng những lời nói của cô ấy làm tôi cực kỳ hạnh phúc. Cô ấy càng khóc nhiều cho tôi bao nhiêu, tôi càng cảm thấy yêu quý cô ấy bấy nhiêu. Annabel biết cách giấu nỗi đau của mình, ngay cả trước mặt tôi. “Chúng mình luôn ở bên nhau”, tôi nói.
“Và sẽ luôn như vậy.”
“Còn hai tuần nữa, thật đáng sợ phải không?”
“Là đến đợt xét nghiệm mới của cậu?”
“Ừ.”
Thứ Năm ngày 24 tháng Ba năm 2005
Tôi nhìn mình trong gương, nhìn Stella, trong khi người đàn ông đứng đằng sau sờ nắn mớ tóc giả của tôi. Ma nơ canh đội tóc giả được đặt ở khắp nơi. Annabel tập trung cao độ xem xét từng bộ tóc. Giống y cái cảm giác hồi nhỏ ở cửa hàng rau quả khi chúng tôi mắt la mày lém quan sát đống quả dâu dại, mâm xôi, việt quất rồi lén lút trộn chúng lẫn lộn vào nhau.
Hôm nay chúng tôi tới cửa hàng gần nhà hát bởi tôi luôn tự hỏi Samantha trong phim Sex and the city lấy ở đâu ra những kiểu tóc tuyệt như vậy. Franken và Kok, chủ quán bar mà trước đây tôi hay lui tới tặng tôi một bộ DVD. Mỗi lần xuất hiện trên màn hình ti vi là tôi lại thấy Samantha có một kiểu tóc mới, kiểu sau luôn đẹp hơn kiểu trước.
Cuối cùng tôi cũng tận dụng được gì đó trong tình trạng bệnh tật của mình để có được một kiểu tóc ra trò. Tôi không muốn tiếp tục giấu cái đầu mình dưới bộ tóc giả khiến tôi trông như một bà trung niên nữa. Hoặc dưới một chiếc mũ mà mỗi khi tôi muốn hôn ai đó thì nó lại trở thành vật vướng víu.
Hôm nay là lần đầu tiên Annabel nhìn thấy cái đầu trọc của tôi. Tôi sợ cô ấy không còn nhận ra tôi nữa và trên hết tôi sợ rằng hình ảnh đó làm cô ấy sợ.
Nhưng không, Annabel mỉm cười rồi vuốt ve chiếc sọ của tôi một hồi lâu. “Thật mềm mại”, cô ấy nói. “Như chiếc bánh bao đặt trên đầu cậu vậy.”
Lần lượt từng kiểu tóc được thử lên đầu tôi và rồi đột nhiên Daisy xuất hiện.
Chúng tôi nhận thấy ngay: Daisy không phải là đồ dùng một lần rồi bỏ đi. Trong gương tôi quan sát thấy một cô gái lạ với mái tóc vàng và những lọn tóc buông xuống hai vai.
Thật tuyệt vời khi được vuốt mái tóc dài của chính mình, điều mà chỉ trong mơ tôi mới dám nghĩ tới. Một gương mặt hoàn toàn khác, đầy vẻ tự mãn nhưng cũng rất tinh nghịch. Annabel buộc cho Daisy một chiếc nơ màu hồng rồi tiếp tục xem xét những bộ tóc giả khác. Cuối cùng cô ấy mang tới một kiểu tóc đỏ hoe khá táo bạo mà sau đó tôi đặt tên là Sue.
Tôi rời cửa hàng với hai bộ tóc giả, hai vẻ mặt khác nhau. Tôi thực sự không biết nên đội kiểu nào trước.
Dần dần tôi tìm được niềm vui trong quá trình biến hóa này và thường xuyên lui tới cửa hàng gần nhà hát hơn là tới H&M. Tôi bắt đầu đặt tên cho những bộ tóc giả bởi với mỗi một kiểu tóc tôi lại cảm thấy mình là một nhân vật khác. Như một người đàn bà khác. Tôi không phải là Sophie nữa mà là Stella với mái tóc cứng đơ như một bà trung niên hay là Daisy với mái tóc dài quăn như búp bê Barbie, hoặc là Sue với những lọn tóc đỏ đầy kiêu ngạo, là Blondie với mái tóc vàng cắt ngắn quá vai.
Blondie được làm bằng tóc thật nên cũng là bộ đắt nhất. Tám trăm euro. Thật nực cười. Zus quan sát tôi và tặng tôi những ngôn từ diệu kỳ: “Giờ chị đã thấy lại cô em xinh đẹp của mình trong gương rồi.”
Thứ Bảy ngày 26 tháng Ba năm 2005
Tóc giả không đơn giản chỉ là tóc. Không chỉ là thứ đội trên đầu, chúng trở thành một phần con người tôi, một phần ý thức nhu mì của tôi. Việc giờ đây trông tôi khác trước cũng khiến xúc cảm và phản ứng của tôi thay đổi.
Stella, Sue, Daisy hay Blondie. Khi tôi đội Daisy, mọi thứ đều khác trước. Một sự lột xác hoàn toàn. Những lọn tóc dài nhảy múa trên lưng tôi. Đôi giày cao gót kiểu Ý bỗng trông giống như giày của mấy cô gái điếm, chiếc quần bò bó trông như đôi xà cạp chân, còn dải đường viền trên cổ áo bỗng thành nơi tập trung sự chú ý của mọi người. Chính vì vậy tôi rất thích đội Daisy. Chú ý, Daisy đang trình diễn! Daisy nghĩ ngợi đôi chút rồi sau đó để cho những lọn tóc của mình láu linh nhảy múa. Tất cả mọi người đều muốn biết dưới những lọn tóc vàng kia là một người như thế nào.
Khi đội Daisy tôi trở nên thích những thứ hoàn toàn khác so với khi đội Sue, Stella hay Blondie. Khi đó tôi thích ở giữa trung tâm chú ý. Tôi giũ tóc, phá lên cười trước những câu chuyện hài, uống nước hoa quả lắc với sữa thay vì uống nước cà chua và bôi son hồng. Phim Desperate Housewives lên ngôi so với thơ của Vergil mà cậu bạn Jaap thường đọc tôi nghe và móng chân nhất thiết phải được sơn đỏ. Tôi mơ về những cuộc dạo chơi đầy tình tứ với bác sĩ K, đúng hơn là tôi lúc nào cũng mơ về điều đó kể cả khi chưa phải đội tóc giả. Khi đội Sue tôi có một thứ ăn đứt những phụ nữ khác: mái tóc đỏ đầy hoang dại. Đó là điều dễ nhận thấy ngay cả khi tôi không phải giũ tóc hay cười trước những câu chuyện hài.
Song cả bốn người phụ nữ đó đều có một điểmchung: Ẩn chứa bên trong vẫn là một chút gì đó của Sophie. Một Sophie chăm chú quan sát họ và băn khoăn ghi nhớ từng động tác. Một Sophie học hỏi được điều gì đó từ họ và qua đó tự hoàn thiện mình. Một Sophie nhận ra rằng cô đang thay đổi bằng cách quan sát cách hành xử của Daisy, Blondie, Sue và Stella. Cô cũng nhận thấy rằng Daisy, Blondie, Sue và Stella là những Sophie mới.