Hôm nay tóc tôi màu vàng

Chương 17

Docsach24.com

rên đường lên tầng bốn tôi phải đi qua nhà xác. “Thật rợn người đúng không? Chẳng bao lâu nữa chị cũng sẽ nằm trong đó.” Câu nói đó của Chan lại làm tôi sởn gai ốc. Gã kiến trúc sư ngờ nghệch nào lại nghĩ được ra một thứ như vậy nhỉ? Tất cả phụ nữ trong bệnh viện AVL đều tóc ngắn, hôm nay tôi cũng vậy. Thêm vào đó là chút kem bôi hiệu Coupé. Người ta có thể thấy những người đầu trọc, đâu đó còn có cả một mái tóc giả, một chiếc khăn trùm đầu, dù có là người theo đạo Hồi hay không. Chantal sở hữu một mái tóc dày và dài nhất, song hôm nay chị lại là kẻ bệnh nặng nhất. Chị nằm trên tầng bốn, khu C, phòng 1. EILT là từ trên tấm biển cạnh cửa.

Tôi đứng cạnh giường chị và nghĩ tới nỗi cô đơn mà chị sẽ phải chịu đựng bởi chị là người đi trước. Điều đó ngày càng trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết sau mỗi lần ói mửa.

“Cho Sophie xem tờ JAN đi.”

 Cô bạn gái của chị dúi vào tay tôi một quyển tạp chí. “Trang 64”, chị nói.

Tôi lật tới trang đó. Một Chan tươi rói, bên trên là dòng tiêu đề GIỜ TÔI PHẢI SỐNG CỐNG HIỂN. Cả Chan cũng đứng dưới ánh đèn sân khấu cùng căn bệnh và thái độ sống của mình.

Chantal Smithuis (34 tuổi) mắc căn bệnh vô phương cứu chữa. Theo chẩn đoán chị sẽ chết vì ung thư vú trong vòng hai năm nữa. Trên JAN chị muốn nói một điều với tất cả những phụ nữ cùng hoàn cảnh. Và để giải thích tại sao chị có thể hạnh phúc hơn bao giờ hết, thậm chí chị còn là người đầu tiên ngạc nhiên về điều này.

Rời mắt khỏi tờ tạp chí tôi quan sát nữ bệnh nhân trên giường bệnh, chị đang được giữ ở trạng thái tê liệt bằng Morphin và chất Dexamethason - anh cả của chất Prednison. Ngay cả ở đây chị cũng là một người phi thường. Tôi khe khẽ nói, còn chị trả lời bằng những lẩm bẩm không ra hơi.

“Chính đó là điều chị sợ. Chị sợ sẽ phải lên khoa này.” Chantal đã được điều trị ở bệnh viện AVL từ bấy lâu nay, song từ lần chị chuyển khỏi Purmerend - điều không được các bác sĩ khuyến cáo khi có gì nghiêm trọng xảy ra - thì chị không bao giờ còn được điều trị nội trú nữa. “Khởi đầu của kết thúc”, chị nói khẽ.

Tôi im lặng. Cô bạn của chị đứng dậy, chị phải dạo bộ một chút với lũ chó. Chan có hai con dòng Labrador, chúng sống cùng bạn trai cũ của chị. Trong phòng tôi ngửi thấy mùi xúp gà trong chiếc bát nhựa cạnh giường Chan. Chị không nuốt nổi bát xúp. Chị nôn mửa liên tục vào những chiếc chậu giống ở bệnh viện OLVG. Mặt mũi tái mét vì những cơn đau đầu quằn quại.

Khi chiếc rèm được kéo xuống, cả ba chúng tôi đều hướng mắt lên. Chan, bạn trai cũ của chị và tôi. Một gương mặt đầy lo âu, già nua và nhăn nhúm hiện ra. Đó là một nhà thần kinh học. Theo sau ông là một y tá. Vị thầy thuốc bắt tay từng người một. Rồi ông đưa tay xuống vai Chantal và dừng lại ở đó.

“Trong cơ thể cháu có điều không ổn. Đã có di căn.” Các bác sĩ, họ không hề ngần ngại nói toạc ra tất cả. Tôi tin ông ta rồi đưa mắt sang Chan, kẻ cam đảm nhất trong số chúng tôi.

Chị nổi giận. “Ba mươi tư”, chị nói rồi giơ ngón tay giữa lên. “Mới ba mươi tư.”

 Lần đầu tiên tôi thấy chị khóc.

 “Chúng tôi phải tiến hành xạ trị cho cháu ngay.”

 “Rồi sau đó thì sao? Liệu di căn có biến mất không ạ?”

 “Có, khả năng nó biến mất là rất lớn.”

 “Vậy là cháu sẽ bị trọc?”

 “Ừ”.

 “Có bao nhiêu vị trí bị di căn ạ?”, anh bạn trai cũ của chị hỏi.

 “Trong toàn bộ cơ thể thì có một vài chỗ.”

 “Tệ thật, đây là lần thứ ba. Nó diễn ra quá nhanh. Sau vài tháng không cần hóa trị cháu còn cảm thấy khỏe mạnh, vậy mà bỗng nhiên lại có di căn trong người.”

Chị nhìn tôi. “Vậy là tốt cho cuốn sách của em.”

Ơn Chúa, chị vẫn chưa mất đi khiếu hài hước của mình. Tôi nghĩ ngay tới Simon trong bộ phim của Eddy Terstall, sau cuộc nói chuyện với bác sĩ, cậu ta hỏi liệu đâu đó có còn nhà phẫu thuật nào có khiếu u bướu(11).

11. Nguyên bản: Sinn fur Tumor. Chơi chữ từ Sinn fur Humor (khiếu hài hước).

Tôi hôn Chan rồi đi ra ngoài. Tàu điện đang tới, tôi vội chạy thục mạng.

Thứ Ba ngày 16 tháng Năm năm 2006

Đó là kết thúc của một câu chuyện? Hay là kết thúc câu chuyện của tôi? Rob đi cạnh tôi trên hành lang lối vào bệnh viện OLVG. Tôi thấy thật tuyệt vời khi anh lại ở đây. Song lúc này tôi muốn có Jur, bởi anh là người duy nhất có thể dập tắt nỗi sợ hãi của tôi. Chúng tôi ngồi xuống chiếc ghế trước quầy đăng ký trong khoa ngoại trú.

Tôi dõi theo những chiếc kim đồng hồ, quan sát những gương mặt xám xịt xung quanh mình, đung đưa hai chân rồi nhìn sang Rob. Anh choàng tay lên vai tôi rồi tặng tôi một nụ hôn. Sau khoảng một phút, bác sĩ L có mặt. Ông cười.

Tôi thở phào nhẹ nhõm, “Ổn rồi, em có thể nhận thấy điều đó qua nụ cười của ông ấy. Chúng ta có thể rời khỏi đây.” Rob cười.

“Cô Van der Stap.”

Ngoài phòng làm việc của ông, tôi vẫn là cô Van der Stap.

Tôi đứng dậy, bắt tay bác sĩ L và cố gắng nắm bắt nụ cười của ông. Và tôi đã làm được.

“Tất cả đều ổn. Chỉ có một thay đổi nhỏ song khả năng lớn là do xạ trị gây nên. Cháu cảm thấy thế nào?”

 “Rất khỏe. Cuối tháng Tám bác có ở đây không ạ? Khi đó cháu có buổi giới thiệu sách.”

Bác sĩ L cười như một chàng trai trẻ. “Làm sao bác có thể dám không ở đây chứ.”

“Kết quả chụp X-quang của cháu thế nào?”

“Ổn ạ”, tôi nói khẽ. Với một cái đầu đầy khối u, tôi không dám thả nổi dòng xúc cảm của mình.

“Ồ, ơn Chúa, tuyệt. Ít nhất cũng có cháu.”

Thứ Ba ngày 30 tháng Năm năm 2006

Thời gian: Thứ Ba 30 tháng Năm 2006 04:27

Người gửi: Sophie van der Stap

Người nhận: Bác sĩ L.

Tiêu đề: sợ hãi

Bác sĩ L kính mến!

Có điều này làm cháu sợ. Suốt cả ngày cháu cảm thấy có các vết kim châm, không phải ở phía trước như hồi đầu mà ở phía dưới lưng. Cháu có cảm giác chúng ngày càng trở nên mạnh hơn. Mấy tháng trước cháu còn không hề cảm thấy chúng.

Liệu nguyên nhân có thể là do các đợt xạ trị? Sắc diện cháu tốt, cháu cảm thấy trong người khỏe mạnh, thể trạng ngày càng tốt hơn.

Cháu đã bắt đầu theo dõi các vết đau như chích này để xem liệu chúng có trở nên tệ hơn. Bác nghĩ sao ạ?

Cháu chào bác,

Sophie

Thời gian: Thứ Ba, 30 tháng Năm 2006 09:40

Người gửi: Bác sĩ L.

Người nhận: Sophie van der Stap

Tiêu đề: Trả lời: sợ hãi

Sophie thân!

Bác cũng không dám chắc. Việc cháu cảm thấy khỏe mạnh là một dấu hiệu tốt. Nếu vẫn còn cảm thấy các vết kim châm ấy, cháu phải đi khám trước lịch hẹn. Cháu sẽ tiếp tục cập nhật tình hình cho bác chứ?

Bác sĩ L

°°°

Thứ Hai ngày 19 tháng Sáu năm 2006

Tôi đọc một tờ báo và cảm thấy xấu hổ khi phải thú nhận rằng mình không biết bức biếm họa của họa sĩ Kamagurka nhằm đả kích cái gì. Chẳng phải tôi đã học Chính trị học đó sao? Đầu óc tôi để ở đâu vậy?

Chắc hẳn là không ở trong tờ báo rồi. Mà ở một nơi nào đó. Ở trong thế giới riêng của mình, thế giới mà tôi phải ngậm ngùi từ bỏ. Ở trong câu chuyện của mình mà không có nó tôi không thể sống, thậm chí tôi muốn sống mà không có chúng. Tôi vẫn lĩnh hội được: các cuộc trò chuyện nơi quán xá, đi bầu cử - bầu cho phái nữ, các mối quan hệ mới, các mối quan hệ cũ, các mối quan hệ với đàn ông. Trong những khoảnh khắc như vậy tôi mới ý thức được lằn ranh giới một cách đau đớn nhất.

Rob là người đóng vai trò lớn trong việc đó. Jur, người luôn làm khía cạnh tình cảm của tôi bế tắc khi tôi đụng phải một anh chàng tốt bụng nào đó.

Tôi xỏ đôi giày cao gót, dán đôi mi giả rồi rời nhà. Tôi đi để kiếm tìm sự quan tâm, cơn ấm áp và một chút tin cậy.

Tôi đã tìm được chúng, kể cả chút tin cậy kia, song tôi không bận tâm tới việc này. Tôi bận tâm tới cuốn sách, thứ đã xác định rõ cuộc sống của tôi trên nhiều mặt trận. Nhờ nó, tôi hiện hữu. Đó cũng là dấu chấm hết cho một giai đoạn trong cuộc đời tôi, một cách nhấn mạnh mọi chuyện, nhưng đặc biệt đó là sáng tạo của riêng tôi. Đám u bướu trong người tôi đã biến mất, cuốn sách tôi đã viết xong. Điều đó thật tốt bởi tôi cũng đã thấy chán ngấy với chính mình.

Câu chuyện rồi cũng đến hồi kết. Song hồi kết này với kết cục câu chuyện của tôi càng trở nên hiện hữu và kết cục của câu chuyện càng tiệm cận gần hồi kết bao nhiêu, thì tôi càng ngạc nhiên trước nỗi sợ sẽ bị chết vì bệnh tật của mình bấy nhiêu. Những cảm giác như bị chích ở vùng hông vẫn tiếp tục hành hạ tôi. Những trận vã mồ hôi, chúng lại quay trở lại. Những lần thở dốc. Sợ hãi.

 Liệu nó đã thực sự chấm dứt hay chưa?

Thứ Ba ngày 20 tháng Sáu năm 2006

“Sophie, thực sự thì cháu đã nghĩ gì trong khoảnh khắc vô thức?”

Tôi thận trọng ngước mắt lên và nhìn thẳng vào đôi mắt đầy lo âu của bác sĩ L. Ông đang kiên nhẫn chờ đợi câu trả lời của tôi. Cùng ông còn có mười con mắt khác nữa. Tập trung, hồi hộp.

Tôi thả ánh mắt nhìn những bóng hình đang vây quanh tôi trong vòng năm phút qua. Tôi trông thấy Jur, lần này mặc bộ bờ lu trắng của bác sĩ với tấm biển đề tên trên ngực, y tá Pauke và Bas, bác sĩ của trạm, bác sĩ của tôi và bác sĩ K. Bác sĩ K trông có vẻ băn khoăn.

Bác sĩ L lặp lại câu hỏi của mình.

Tôi nhắm mắt và hồi tưởng lại mọi chuyện. Từ hồi chiều, sáng và đêm nay. Cả ngày. Mọi thứ dần dần hiện ra. Tôi phải nói gì đây? Thật xấu hổ. Những vị bác sĩ này thật tệ, cái gì họ cũng muốn biết.

“Cháu đã đến đây”, tôi trả lời như thể đó là câu trả lời cố nhiên nhất trên thế giới này.

Im lặng. Có tiếng hắng giọng. Có cảm giác bối rối về phần tôi, cả phía bên kia giường nữa. Bối rối hơn cả là bác sĩ L, ông không biết nên bắt đầu với thông tin này thế nào. Rồi tiếng cười vang của Jur và Bas.

“Chà, điều đó có thể xảy đến với bất kỳ ai trong chúng ta”, bác sĩ L lắp bắp. “Em đã ở một mình hay có ai bên cạnh?” Jur tiếp tục bài thẩm vấn. Anh ấy còn lấy làm thích thú với việc đó. Càng thêm bối rối.

Bác sĩ K rảo bước nhanh rời phòng tới khoa phổi.

Tôi lại nhắm mắt và kéo mái tóc giả trùm qua mặt để bảo vệ mình khỏi ánh nhìn của mọi người xung quanh. Tôi thấy xấu hổ, đồng thời cũng ý thức được rằng mình lại thích cái khoảnh khắc ê mặt này. Tôi có được cơ hội thứ hai và rất nóng lòng được bắt đầu cuộc sống mới của mình.

Thứ Sáu ngày 23 thảng Sáu năm 2006

Tất cả đều là thật. Tất cả những ngôn từ mà tôi đã viết, tất cả những giọt nước mắt mà tôi đã khóc, tất cả những nỗi đau mà tôi đã nén lại.

Tất cả những chị y tá, tất cả những đợt truyền nước, bác sĩ L, tất cả những lần cấp cứu, tất cả những đợt truyền máu, tất cả những bộ bờ lu trắng. Bác sĩ K, tất cả những chiếc chậu để nôn, tất cả những viên thuốc, những lần chống chọi với mớ dây điện loằng ngoằng, bầu vú thứ ba, những chiếc áo phông ướt đẫm, những chiếc bánh bích quy dài, những đợt chụp X-quang, lượng máu, bác sĩ N, những cuốn bệnh án, những chiếc đầu trọc... cả chiếc sọ trọc lốc của tôi nữa. Tất cả đều là thật.

Lance, Jur, Oskar, Marco, Chantal, Aniek. Mọi người đều là thật.

Những tấm thiệp được dúi vào hộp thư, những cuộc gọi kinh hồn, những cuộc viếng thăm, những bó hoa, những lo lắng, những ánh nhìn đầy thương hại, đầy kinh ngạc, đầy lo âu. Cả những điều này cũng đều là thật.

Bố, mẹ, Zus. Thật gần gũi.

Những lần thử ngồi thiền, những cửa hàng bán đồ thiên nhiên, nước cà chua vắt chanh và trà xanh, củ cải đỏ, những hạt ngũ cốc và những bát súp Miso của Nhật, một chút đạo Phật. Cũng là thật cả.

Tất cả những bộ tóc giả, những sợi tóc mà tôi đã nhổ đi không thương tiếc, đám lông mu cuối cùng mà tôi nhất quyết để lại để rồi cuối cùng cũng phải nhổ đi, những vết sẹo, những lần tiêm lệch ven ở cẳng tay phải, người bạn cao kều, chiếc giường bệnh. Đều là rất thật.

Tất cả những quan tâm của công chúng, nhà xuất bản Prometheus, báo chí, truyền hình và những cuộc phỏng vấn. Là thật.

Stella, Daisy, Sue, Blondie, Platina, Oema, Pam, Lydia và Bebé. Thật.

Chú Otto và cô Bebé. Cũng là thật.

Mối tình mà tôi có được, những động chạm mà tôi nhận được, những lời ân cần, những sự quan tâm, những món quà đẹp, những nụ cười, những ánh mắt nồng ấm, một thiên thần nhỏ trên vai tôi, gia đình tôi, các bạn của tôi, những người quen, những kiến thức của tôi. Tất cả những điều này cũng đều là thật.

Đó là sự thật.

Lời cảm ơn

Cảm ơn Jan vì anh đã tìm thấy người nữ văn sĩ trong em. Cảm ơn Esther vì chị đã phát triển cô nữ văn sĩ đó. Cảm ơn Jaap vì sự giúp đỡ về mặt văn học. Cảm ơn Hans vì lời khuyên vô cùng quý giá. Cảm ơn Walter vì cậu không chỉ là hàng xóm của tớ. Cảm ơn Jurriaan vì đã có anh. Cảm ơn bác sĩ L vì đã giữ cháu lại cuộc đời này. Cảm ơn bác sĩ K vì đã mang lại sức sống cho bệnh viện OLVG. Cảm ơn bác sĩ N vì tất cả những tính toán của bác. Cảm ơn bố, mẹ và Zus vì đã chăm sóc con. Cảm ơn tất cả các bạn yêu quý vì đã khiến câu chuyện của tôi trở thành một điều có thể.

Lời bạt

Chỉ một ngày là đủ để cho người ta nhận ra cuộc sống trong tương lai của mình sẽ diễn ra theo một cách hoàn toàn khác so với hiện tại. Tôi gọi đó là ngày định mệnh. Dù định mệnh này có rơi vào một ai khác hay đến vào một thời điểm nào khác, điều đó cũng không đóng vai trò gì. Những cuộc chia ly ít khi được định trước. Ba năm về trước chỉ có ba từ đã làm viễn cảnh tuổi trẻ của tôi tàn héo và làm phần còn lại của cuộc đời tôi rẽ sang một hướng hoàn toàn khác. Khi tôi nhìn thẳng vào sự thay đổi đột ngột này, những cánh cửa bước vào tương lai mà tôi từng cất công lựa chọn trước kia bỗng dưng đóng sầm trước mắt mình.

Những gì đã xảy ra không chỉ mang tới cho tôi một cách sống mới mà còn đưa tôi đứng dưới ánh đèn sân khấu rạng ngời. Ánh đèn của ghi nhận và của cả những quan tâm chú ý lướt qua nhanh. Cả việc đó cũng làm cuộc đời tôi thay đổi. Cho đến ngày tôi thôi giấu mình dưới những bộ tóc giả, tôi mới nhận ra những tiềm năng đa dạng mà chúng đem lại. Thay vì phải che đậy, tôi đã làm hiển hiện câu chuyện có thực đằng sau tấm mặt nạ đó. Nhờ đó tôi đã kéo được sự chú ý của mọi người về mình và nằm trong suy nghĩ của những người có liên quan đến các trải nghiệm của mình.

Người ta cần nhiều thời gian hơn để bước ra khỏi một câu chuyện hơn là khi bị rơi vào nó. Giống như buông xuôi đòi hỏi nhiều nước mắt và nụ cười hơn là nắm chặt. Tôi vẫn nhớ mình đã nhỏ những giọt nước mắt đầu tiên xuống như thế nào, bởi suy nghĩ có lẽ tôi sẽ không bao giờ có thể yêu nữa. Được yêu một cách đích thực với tất cả những điều thuộc về nó. Rồi đột nhiên chúng - những ước muốn đời thường - hiện rõ mồn một trước mặt tôi: một người chồng, chín đứa con thiên tài, một trại trẻ mồ côi, ba chú chó và một bác sĩ thú y. Và tôi đã rất buồn bởi suy nghĩ mình có thể sẽ không bao giờ được biết đến cảm giác được làm mẹ là như thế nào.

Tôi cũng vẫn biết mình ước ao được đứng trên quảng trường Djemaa el Fna nổi tiếng để ngắm bầu trời đầy sao của Marrakesch thế nào. Trước kia tôi mơ về Tây Tạng và Ấn Độ, còn trong lúc nằm trên giường bệnh, tôi mơ về Marrakesch. Marrakesch và những nơi xa hơn thế nữa. Tôi mơ cảnh mình bị lạc giữa những con phố của Buenos Aires. Mơ được chứng kiến sự chăm chỉ của người Nhật và xem những tòa nhà ở Hồng Kông cao cỡ nào. Tôi muốn tới Ấn Độ, nơi tôi đã từng để quên con tim mình và muốn đắm mình vào cuộc sống phồn hoa đô hội của New York.

 Tôi đã nghĩ, những ấn tượng mới và một môi trường khác có thể giúp mình gặp lại cô gái đội tóc giả trong tủ gương của một quầy hàng nào đó. Sau khi cuốn sách của tôi được in, tôi như một người du mục hiện đại ngao du khắp thế giới. Điều đó đúng với cả nghĩa bóng: Tôi phát hiện ra một thế giới thần kỳ của nghề viết văn. Ý tôi không chỉ là có viết lách mà còn cả đọc.

Tôi đã cần đến bốn trăm ba mươi tám ngày để có thể tìm lại được cô gái đội tóc giả đó. Tôi đã dần bỏ lại phía sau thể dạng của một đứa bị bệnh tật và mang lại cho mình một thể dạng mới. Từ một bệnh nhân ung thư tới cựu bệnh nhân ung thư và tới một nhà văn. Bước ngoặt diễn ra nhờ những thay đổi không được dự tính trước này - một sự kiện mà tôi vẫn đang phải cố tìm ra từ ngữ đúng đắn nhất để miêu tả nó - đòi hỏi không chỉ có thời gian. Chỉ một cuộc gặp gỡ đã giúp tôi đẩy lùi được những mối đe dọa từ phía căn bệnh: Đêm đã về khuya, tôi mặc một chiếc váy đẹp và ngồi cạnh một phụ nữ Li Băng, tôi bắt chuyện với chị mà không cần đến ngôn từ. Đột nhiên chị cầm lấy một tay tôi, rồi cả tay kia nữa và biến mất trong vài giây vào thế giới riêng của mình. Tôi mới ao ước được đọc những suy nghĩ của chị làm sao. Khi ngẩng mặt lên, chị nói rằng tôi có một cuộc đời dài đằng đẵng trước mắt với rất nhiều các vấn đề trên đường đi của mình. Trong khoảnh khắc đó tôi đã nói có với cuộc sống và thôi không còn suy tưởng nữa.

Gần như chẳng có gì kết nối tôi với cuộc sống mà tôi đã sống trước bước ngoặt này. Thật ngạc nhiên, bởi ngày đó tôi cũng đã nỗ lực hết mình từng ngày để biến những ước muốn của mình thành sự thật. Trong quá trình đi từ một bệnh nhân ung thư tới cựu bệnh nhân ung thư rồi tới một nữ nhà văn, tôi đã vấp phải một chút định kiến hữu hình khi là nhà văn nữ, còn khi là cựu bệnh nhân ung thư, tôi có được một danh hiệu mà lạ là danh hiệu đó lại giúp tôi cảm thấy tốt trong người; tiếc là những con dấu đôi khi lại là cần thiết để đặt tên cho một thứ gì đó.

Bây giờ, tôi cảm thấy sự kết nối giữa mình với cô gái ngày đó một cách mãnh liệt nhất qua điều mà bệnh tật đã mang lại cho tôi: Nghề viết văn. Có thể ngày mai thôi mọi thứ lại trở nên khác cho dù tôi không biết mình sẽ thế nào nếu một ngày không được viết lách. Tôi nghĩ giờ đây tôi biết rõ hơn thứ mình muốn và cần được là chính mình. Và tôi cũng nghĩ mỗi khoảnh khắc đều có một ma lực của riêng nó, dù ma lực đó có đang lẩn khuất đâu đó trên dãy Himalaya hay ở dưới nhà kho, để rồi một ngày nó đẩy cuộc đời của chúng ta sang bên phải hay quặt cuộc đời của những người khác sang trái, sống là thích nghi. Một trong những điều mà tôi tự tìm ra được cho mình là câu hỏi: Liệu việc viết lách có chỉ là chất xúc tác mà tôi cần trong khoảnh khắc đó hay nó còn là nhiều hơn thế? Và đã được chứng minh rằng nó còn là nhiều hơn thế.

Một loạt sự kiện xâu chuỗi đã đưa tôi tới Heidelberg vào đầu năm 2007 và sau đó tới một làng Pháp phía Bắc Lyon, làng đó nằm hẻo lánh đến nỗi chiếc máy định vị của tôi phải vất vả lắm mới tìm ra được chính xác con phố chính của làng. Ở nơi quạnh vắng này, chỉ trong có vài ngày, sự hỗn độn của những cánh cửa vừa được mở ra trước mắt tôi, của những ghi chép phù phiếm và nhịp sống của năm ngoái đột nhiên bắt đầu có hiệu lực.

“Sống có nghĩa là thay đổi, đó là bài học mà các thập kỷ vẫn luôn dạy chúng ta”, Paulo Coelho đã từng viết vậy và câu nói đó đã trở thành khởi nguồn của hầu hết những suy tư của tôi. Để thay đổi người ta phải biết quyết định. Sự lựa chọn quyết định luôn tra tấn con người ta. Tôi tin rằng lựa chọn là một bước đi quan trọng cho dù sau này kết quả đó có ảnh hưởng thế nào tới công việc cũng như vấn đề cá nhân. Trải nghiệm của tôi về thời kỳ bị căn bệnh chết người và cả bố mẹ tôi đều khiến tôi nhớ tới bài học này mỗi ngày. Nói Không còn khó hơn rất nhiều so với nói Có.

Trong bốn trăm ba mươi tám ngày tìm kiếm này, tôi đã có hơn ba trăm cuộc gặp gỡ, cần tới bốn mươi hai cuốn sách và mười tám chuyến đi chỉ để phát hiện ra rằng tôi còn cần phải viết thêm một chồng sách nữa. Với việc phát hiện ra người nữ văn sĩ trong mình, tôi đã nói không với nhiều cánh cửa rộng mở sau thành công của tôi, đồng thời tự mở ra cho mình một cánh cửa quan trọng. Tôi đã tìm cho mình một con đường đi mới và nói lời tạm biệt với câu chuyện đã định đoạt số phận của mình từ bấy lâu nay.

Sophie van der Stap

Tháng chín năm 2007.

“Ithaka đã tặng em một chuyến đi đẹp:

Không có Ithaka chắc hẳn em sẽ chẳng lên đường,

Giờ Ithaka không còn gì cho em nữa.”

K.P.KAVAFIS