ôi lại ngồi trong phòng của ông. Trong khoa của ông, dưới sự che chở của ông. Đã vài tháng trôi qua kể từ lần cuối cùng tôi ngồi cùng ông trong một căn phòng. Tất nhiên chúng tôi vẫn có nhiều lý do để trao đổi email và tôi đã tận dụng triệt để những lý do này. Nội dung email của chúng tôi ngày càng thay đổi, từ những yêu cầu y tế sang các câu chuyện riêng tư. Mới vài tuần trước đây thôi chúng tôi còn toàn nói về bệnh phổi, về phương pháp nội soi và không bao giờ đi xa hơn thế, thế mà bây giờ ông bỗng nói tới những bàn tán thổi phồng của giới truyền thông xung quanh việc cuốn sách của tôi sắp được phát hành. Lúc đầu tôi còn thận trọng viết “Kính gửi bác sĩ K.” và “Kính thư, Sophie.” thì giờ đã chuyển thành “Chào bác sĩ K.” và “Thân mến, Sophie.”
Chuông điện thoại reo. Bác sĩ K cười váng lên khiến tôi cũng phải bật cười theo. Rồi ông hồ hởi tiếp tục câu chuyện về dung tích phổi, bệnh về phổi và cuốn sách của tôi. Vâng, lại thêm một ánh mắt nhìn xuyên thấu nữa. Bốn mắt nhìn nhau hồi lâu, lâu đến nỗi tôi có thể cảm nhận được người mình nóng ran lên. Trong khoảnh khắc này, liệu ông có nghĩ tới những lần ngoại tình của mình? Liệu ông có tưởng tượng ra cảnh ông sẽ hôn tôi nồng nàn thế nào trên chiếc ghế khám này? Hay đó chi là mong mỏi của tôi từ phía bên này bàn làm việc?
Tôi vừa cười vừa rời khỏi phòng. Điện thoại di động lại đổ chuông, chàng người yêu cũ bảo tôi là “một phụ nữ tuyệt vời”, rằng anh ta vẫn rất yêu tôi và hy vọng sẽ vẫn duy trì được cảm giác yêu đương đó. Hy vọng? Liệu anh ta có hy vọng như vậy trong lúc nằm đè lên cô ta hay không? Có gì đó rối bời trong tôi.
Chuông điện thoại lại kêu. Đó là Jur, anh muốn biết tình hình của tôi. Lại có gì đó rối bời trong tôi. Tôi mơ tưởng về một người trong khi người ta chẳng để ý đến tôi, trong khi đó lại cảm thấy hừng hực khi ở bên vị bác sĩ đi giày buộc dây của mình. Vậy rốt cuộc thì ngươi muốn gì nào, Sophie?
Thứ Sáu ngày 13 tháng Giêng năm 2006
Tôi dạo phố, miệng lẩm nhẩm hát theo giọng khàn khàn của James Blunt. Đi cạnh tôi là cậu trai một tay cầm chiếc ván trượt, còn tay kia là một chiếc túi ngộ nghĩnh. Có gì đó vàng vàng thò ra khỏi chiếc túi. Tôi không nhìn rõ nhưng trông có vẻ giống một quả bí ngô lớn. Cậu ta hỏi giờ tôi.
Năm phút sau chúng tôi nói chuyện về các buổi tiệc ở Club II. Bởi cậu ta làm việc ở đó, hơn nữa mai tôi cũng phải tới đó với quyển lịch ghi chú của mình.
Hôm sau tôi đi thang máy để lên tầng cao nhất của tòa nhà TPG. Kể từ khi lá phổi phải của tôi được xạ trị, tôi thích đi thang máy hơn là chạy bộ cầu thang. Mười một tầng chứ đâu có ít. Cậu trai tôi quen hôm qua đứng cạnh tôi song cậu ta không nhận ra tôi. Hôm qua tôi là Pam, còn giờ tôi đã là Oema. Oema sẽ hợp với buổi tiệc tối nay hơn. Tôi nhìn cậu ta thêm một lúc nữa song vô vọng. Vậy là đã đủ lý do để quan sát cậu ta từ đằng xa. Tôi quyết định vậy.
Lên tầng trên, mắt tôi đảo quanh để tìm chỗ chụp ảnh thích hợp. Dù gì tôi cũng tới đây vì công việc và nhiệm vụ của tôi là phải lấp đủ nửa trang của tờ NL20. Thường thì tôi phải tự tìm vị trí và rất lấy làm vui khi vồ được một chàng nông dân nào đó đeo hoa tai, hoặc mặc áo choàng da, nếu tôi may mắn. Song lần này con chip trong bộ nhớ của tôi không tìm thấy gì cả.
“Đẹp thật, đôi lông mi ấy, mình cũng đeo nó này.” Một cô nàng chuyển đổi giới tính tóc vàng hoe đứng cạnh tôi.
“Cảm ơn.”
Tôi được một cậu trai đeo mặt nạ khác hôn. “Stickerbitch” là từ nằm trên tấm biển đề tên của cậu ta. Có hai cô nàng đồng tính xỏ khuyên khắp người, trang điểm toàn màu đen, môi đỏ chót. Tôi liền chạy theo họ.
Đột nhiên tôi nhìn thấy Cà Vạt đang nhảy nhót trong đôi giày All Stars. Tôi vỗ nhẹ vào anh.“Cà Vạt!”
Anh xoay người lại và nhận ra tôi ngay, qua tờ NRC giờ đây anh ấy đã biết tôi đội tóc giả. Anh ôm lấy eo tôi rồi hôn thật kêu lên má. “Hôm nay anh có vinh hạnh được gặp ai đây?”
“Oema.”
“Oema... hợp với em lắm. Uống gì nhé?”
Rồi anh tới quầy bar gọi một cốc Vodka và một ly nước.
“Anh được phép sờ chứ?” Anh chi vào mái tóc tôi.
“Tất nhiên rồi, anh sờ thử đi.”
“Hệt tóc thật vậy. Em có muốn khi nào đó chúng ta lại gặp nhau không?”
Tôi gật đầu.
Sau khi đã chụp ảnh được kha khá nhân vật đẹp trai, xinh gái, tôi cất máy ảnh vào túi và bắt đầu công cuộc đi tìm ai đó từ ban quản lý quán bar. Không lâu sau tôi mất hút vào phòng làm việc ở phía cuối sàn. Với một chai rượu Rum, ba cô gái mơn mởn và một điếu thuốc lá mà phần đã cháy còn dài hơn cả chính điếu thuốc, tôi được một anh chàng khá đẹp trai tiếp chuyện. Đó là một cuộc nói chuyện ngắn ngủi bởi anh ta mê ly rượu của mình và mấy cô gái kia hơn, còn tôi muốn đi tìm xem liệu Allard còn đứng ở gần quầy pha chế không. Đó là người bạn tốt, người đã thuyết phục tôi bò lên mười một tầng để tới đây. Anh hôn tôi một cái thật kêu - tối nay ai cũng có vẻ phấn chấn. Chúng tôi phải đi xuống mười một tầng bởi thang máy hỏng. Allard rất thận trọng với tôi. Anh bảo tôi đẹp và là một người thú vị song không bao giờ dám cưa cẩm tôi bởi anh ấy sợ mình sẽ làm mặt đất dưới chân tôi dễ rạn nứt hơn.
Tôi thấy lý lẽ đó của anh ấy thật đáng yêu song cũng thật đáng trách. Cứ như thể từ khi bị bệnh, tôi không còn nhu cầu tán tỉnh các chàng trai trẻ nữa không bằng. Chúng tôi làm quen nhau ở một quán hè phố. Một tay ôm đầu gối, tay kia cầm chiếc khóa, tôi chăm chú quan sát người đàn ông tóc vàng lạ mặt vừa ngồi xuống cạnh mình: Anh ta đẹp trai, đó là điều chắc chắn. Và anh ta còn có rất nhiều tóc. Hơn nữa anh ta còn ở một độ tuổi lý tưởng: 35, như sau này tôi tìm hiểu ra.
“Những sợi tóc trắng đó là tóc tự nhiên của em à?” anh hỏi.
Tôi cười. “Không, anh có thể mua được chúng.”
“À, có một nguyên cớ không vui nào mà em không muốn nói tới?”
“Vâng.”
“Chính vì vậy mà em uống trà bạc hà?”
“Vâng.”
“Em có thấy tệ khi anh ngồi cạnh em một cách trơ trẽn và đặt những câu hỏi cũng trơ trẽn không kém như thế này không?”
“Không, em thấy hay.”
“Ơn Chúa! Một tách trà nữa nhé?”
Sau mười tám tách trà, vào khoảng hai giờ đêm chúng tôi lại lục đục bò mười một tầng để lên sàn Club II.
“Allard?”
“Ừ?”
“Cái tối ở quán Finch mà chúng ta quen nhau ấy, anh đã say phải không?”
“Say? Cùng lắm là ngà ngà thôi. Tại sao?”
“Thì anh đã nói là anh thấy em đẹp.”
“Đúng.”
“Em vẫn còn đẹp chứ hay chỉ đẹp nhờ mái tóc trắng?”
Anh cười, “Về phần tóc tai thì em ngày càng đẹp hơn.”
“Thế vẻ đẹp không đi cùng với cách ăn mặc sao?”
“Anh tin là có. Mà ý em là sao cơ?”
“Vậy tại sao kể từ lần quen nhau chúng ta gặp nhau có hai lần?”
“Có lẽ là tại anh chàng kia lúc nào cũng ngồi cạnh em.”
Ý anhnói tới Rob. “Phải vậy không?”
“Có lẽ.”
“Nếu em nói với anh rằng em đã lại cô đơn?”
“Thì sao?”
“Thì anh có đi ăn với em như với những cô bạn gái khác không?”
“Em muốn điều đó chứ?”
“Cũng còn tùy.”
“Có thể.”
“Hoặc có thể là do em mang trong mình căn bệnh chết người? Và chẳng ai muốn chơi với một đứa con gái bị ung thư?”
“Sophie?”
“Anh hãy trả lời đi.”
“Thôi được... sẽ là không trung thực khi nói rằng anh không có chút hoảng sợ. Song đó không phải nguyên nhân anh chưa bao giờ đi chơi cùng em. Đơn giản là anh rất thận trọng với em. Phải nói rằng anh không mạo hiểm mấy.”
“Em đang cô đơn mà.”
“Ồ.”
“Rồi sao? Điều đó có làm anh hoảng không?”
“Em muốn gì nào?”
“Muốn hôn anh.”
Allard hôn tôi. “Ổn chứ?”
“Ổn.”
Ở nhà, chuông điện thoại lại reo. Anh chàng hôm qua muốn biết tại sao tôi không tới. Anh ấy nhớ tôi.
Tôi quan sát những tấm hình mình chụp được trên màn hình máy tính. Tôi trông thấy những chiếc cà vạt chấm hoa, những chiếc áo len có sọc vằn và cả những chiếc quần lót bằng da hổ. Rồi Allard, một chiếc mặt nạ và hai cô gái đồng tính. Cả chàng trai hôm qua, cả Oema trên nền là khung cảnh tuyệt vời từ cửa sổ của câu lạc bộ.
Người gửi: Sophie van der Stap
Thời gian: Thứ Năm, ngày 19 tháng Giêng 2006 16:50:34
Người nhận: Chantal
Tiêu đề: chào người đẹp
Chào người đẹp
Chị khỏe không? Mọi thứ vẫn ổn sau hôm thứ Ba chứ?
Em cũng muốn buôn một chút với chị song lại quá mệt. Các cuộc hẹn bàn về cuốn sách dần trở nên quá sức đối với em.
Hôm qua và hôm nay em đã nói chuyện với nhiếp ảnh gia, tuần sau sẽ tiến hành buổi chụp hình đầu tiên.
Em đã hỏi cửa hàng tóc giả xem họ có đồng ý tài trợ cho em phần hóa trang không. Dù gì thì em cũng phải có cái gì đó để cho anh thợ trang điểm hành nghề. Mai em sẽ tìm cho mình một anh. Rồi sau đó là tới hóa trị.
Cuối tuần này em lại phải làm một phóng sự, đó sẽ là phóng sự cuối cùng. Tiếc rằng công việc đến đó là chấm dứt, cơ mà quả thực em đã rất mệt mỏi. Cũng tốt là giờ em có thể dành toàn bộ thời gian cho cuốn sách. Để thực hiện phóng sự đó,em sẽ phải đến xem quán Odeon có gì không. Em muốn có gì đó đẹp đẽ bên cạnh mình, tốt nhất là một ấm trà.
Hôn chị thật kêu.
Khi nào chúng ta gặp nhau?
XXX
Thời gian: Thứ Sáu, ngày 20 tháng Giêng năm 2006 11:43:44
Người gửi: “Chantal” chan@chello.nl
Người nhận: “Sophie van der Stap” <svanderstap@yahoo. com>
Tiêu đề: Trả lời: chào người đẹp
Này cô em... em bị stress rồi đấy! Như lời em viết thì chắc hẳn em phải mệt mỏi lắm. Chị đã vượt qua ngày thứ Ba một cách suôn sẻ, song số lượng bạch cầu đang ở mức thấp, chị phải chú ý tới điều này. Những tuần vừa rồi cũng làm chị khá mệt, giờ mỗi đêm chị ngủ tới hơn mười hai tiếng. Nguyên nhân có lẽ là do bọn bạch cầu. Cửa hàng tóc giả đã đồng ý tài trợ chưa? Chị rất hồi hộp đây. Có lẽ chị sẽ sớm mò qua chỗ em, nếu vậy thì cái mail này là thừa. Trong trường hợp chị không qua được, chúng ta nhất định phải lên một cuộc hẹn.
XXX
Chan
Thứ Sáu ngày 20 tháng Giêng năm 2006
“À, chị cũng đã nghĩ thế. Trong chương trình Thế giới chuyển động em đã làm quen với cả hai người đàn ông mà chị thích. Em thấy Cees Geel thế nào? Chị thấy anh ta thật tuyệt, Mattijs cũng vậy, thật là một người hiền lành đẹp trai.”
Tôi thấy tiếc cho chị y tá của mình một hồi lâu, giờ tôi lại xâm lấn vào cả lãnh thổ riêng của chị. Song đó là những trường hợp may mắn nhỏ nhoi mà người ta có được trong lúc bất hạnh. “Chị sẽ đến buổi giới thiệu sách của em chứ? Có lẽ chị sẽ có cơ hội được uống với Cees Geel một ly vang.”
“Hôm qua ở trên trạm em đã có buổi nói chuyện thú vị với David chứ?” Hanneke chèn lời.
Đúng, phải nói là tôi đã có một cuộc nói chuyện rất thú vị với vị bác sĩ trên trạm. Anh lắp thiết bị bơm vào người bạn cao kều của tôi với vẻ rất nhiệt tình trong lúc tôi phải ngồi ườn ngực ra để không cản trở quá trình truyền nước. Với cái cớ “nếu sắp tới em có thấy tên anh trong hộp thư của mình là em phải qua đây ngay”, anh ta đã xin được số của tôi - đó thực ra cũng chẳng phải việc khó. Ngoài ra anh ta còn mang tới cho tôi một vài hộp sữa chua từ phòng lạnh và phục vụ cô Pam tóc vàng một vài tách trà. Không, các buổi trưa, buổi chiều và buổi tối của tôi ở bệnh viện OLVG không đến nỗi tệ như người ta tưởng. Ai đó nên gửi tặng tôi hoa và bánh. Nếu vậy tôi sẽ lại có gì đó mang theo để lượn qua chỗ bác sĩ K, trừ những lọn tóc vàng bị mồ hôi làm bết. Tôi tự nhiên hất chúng ra đằng sau khi bước vào phòng ông: “Bác dùng một mẩu bánh nhé?”
Thứ Sáu ngày 27 tháng Giêng năm 2006
Khu nhà xác nằm cùng tầng với gara ngầm, để tới tầng dưới cùng của bệnh viện Antoni van Leeuwenhoek người ta buộc phải đi qua đó. Hôm nay là lần đầu tiên tôi đi cùng Chantal.
“Thật rợn người đúng không? Chẳng bao lâu nữa chị cũng sẽ nằm trong đó.”
Đúng, thật rùng rợn. Với suy nghĩ này chúng tôi bước qua lối vào để đi tiếp tới khoa chụp X-quang. Tôi cảm thấy thật tệ. Còn Chantal? Chị phải cảm thấy thế nào đây?
Thật ngạc nhiên là chị vẫn rất điềm đạm. Như thể chị đã hài lòng chấp nhận bản án tử hình của mình. Trong lúc bản án này còn chưa treo lơ lửng trên đầu mình, lúc nào tôi cũng thấy mình ở trạng thái căng thẳng. Và thậm chí còn nhát chết hơn Chantal, người chẳng còn bao nhiêu thời gian để sống.
Song chúng tôi không hề nhụt chí. Mỗi lẽ tự nhiên bị lấy đi, chúng tôi lại tìm ngay được cho mình một nơi trú ẩn an toàn mới. Karel Glastra van Loon đã gọi nhận thức này là “cuộc sống thứ hai”. Trong tập truyện ngắn Ongeneeslijk optimistisch - Lạc quan dù vô phương cứu chữa - ông đã viết rằng là một bệnh nhân ung thư đã giúp ông cảm thấy hạnh phúc hơn, vui tươi hơn và hoàn chỉnh hơn. Tôi cũng áp dụng điều đó cho mình và cho cả Chantal, song nỗi sợ hãi của chúng tôi vẫn còn đó. Sợ chẳng bao lâu nữa sẽ phải chết trong cô đơn.
“Hít vào, nín thở rồi lại thở dần ra”, Chantal tếu khi chị đóng cánh cửa phía sau và thấy tôi mặt nhăn nhúm vì sợ hãi.
Vậy là tám tháng đã ở đằng sau tôi. “Công chúa Maxima đang có bầu”, tôi đọc được trong một tờ tạp chí. “Cô con gái nhỏ Amalia của công chúa sẽ có thêm một cô hoặc cậu em. Tã lót của em bé này sẽ có màu gì? Xanh hay hồng?”
Về nhà, tôi thay đổi kiểu tóc và quan sát thật kỹ một lần nữa đôi mắt mình. Trong những ngày vừa qua lông mi của tôi đã mọc dài thêm một chút. Tôi cài bộ mi giả dài nhất có đính hạt lóng lánh vào và quyết định làm Oema. Hạt lóng lánh màu vàng cũng đã đủ vàng cho buổi tối hôm nay.
Bên quầy bar tôi chơi đùa nghịch ngợm với hai hàng mi.Quincy hồ hởi lại gần rồi quàng tay lên vai tôi. “Trà bạc hà nhé?”
“Làm ơn cho hai tách.” Vậy là tôi lại có thêm một người bạn. Cũng giống tôi vào các tối thứ Sáu, anh cũng thích tới quán này chỉ để nhồi vào người hàng lít trà bạc hà và nước khoáng.
Quincy thân mật thả rơi cánh tay trên lưng tôi rồi vô tình kéo theo cả Oema. Mái tóc giả của tôi nằm sóng soài dưới đất. Tôi đỏ mặt. Quincy vội giúp tôi đội lại và sửa cho đúng, rồi an ủi tôi rằng không ai nhìn thấy cảnh này. Cả hai chúng tôi đều phá lên cười.
Thứ Sáu ngày 10 tháng Hai năm 2006
Trên đường tới bệnh viện để thực hiện đợt hóa trị cuối cùng, tôi nghĩ tới việc hôm nay mình được phép đánh con dấu thứ năm mươi tư lên quyển lịch. Để tới bệnh viện, tôi cần 40 phút đi bộ. Như thường lệ lần này tôi cũng đi một mình. Không có mẹ, không có bà, không có Zus và không có cả Chan. Tôi mua một hộp sô cô la để biếu bác sĩ L. Trong các cửa hàng người ta treo và bán cơ man nào là trái tim, hóa ra sắp tới là ngày lễ tình nhân. Tôi nghĩ ngay tới bác sĩ K, năm ngoái tôi đã khiến vợ ông phải hứng chịu đủ. Còn bác sĩ L sẽ không thể hiểu trò đùa này. Vậy là năm nay chẳng có trái tim nào hết.
Hôm nay y tá Judith cột tôi vào người bạn cao kều. Tôi còn được phép trợ giúp chị: Tôi nắm chặt kim tiêm và vặn phần bảo vệ ra. Tôi vụng về làm phần chất lỏng chảy tràn ra ngoài trước khi Judith kịp chọc kim vào phần ống nối. Các chị y tá này mới lãng phí làm sao!
Không lâu sau đó tôi cùng người bạn cao kều đi xuống tầng dưới. Bệnh viện OLVG hôm nay khá bận rộn, còn chiếc vú thứ ba của tôi có vẻ thích lôi kéo sự chú ý về phía mình. Trong phòng căng tin hiện đại nhất bệnh viện, nơi cà phê được những nhân viên tóc hình chiếc nồi vô duyên và ít ưa nhìn nhất Amsterdam phục vụ - họ trông như những món đồ gỗ cổ biết pha Ristretto và Macchiato duy nhất còn sót lại đoàn quay phim của Hiệp hội chống Ung thư Hà Lan - KWF Kankerbestrijding đang đợi tôi.
“Nhờ em nên phim này sẽ được quay đặc biệt”, Inge nói vậy khi chị hỏi tôi trên điện thoại là liệu năm nay tôi có muốn tham gia vào việc quảng cáo quyên góp cho quỹ hỗ trợ phòng chống ung thư lớn nhất Hà Lan hay không.
“Tất nhiên rồi, em rất muốn.” Tôi vẫn còn nghe thấy giọng nói của mình.
Còn lúc này tôi ngồi đây với tư cách là một bệnh nhân đặc biệt. Đối với họ thì mái tóc giả là điều thú vị nhất ở tôi. Tôi cũng thấy vậy. Tôi không cần phải làm gì nhiều: chỉ lượn một vòng với người bạn cao kều, vào nhà thờ châm nến cầu nguyện, trở lại trạm điều trị cũ C6, chào hỏi, tiêm hóa chất và cười. Rất đơn giản. Song cũng thật khó khăn khi bên cạnh là các bệnh nhân ung thư khác.
Bác sĩ L nhận gói sô cô la với nụ cười nồng hậu. Văn phòng của ông trông như bãi chiến trường, hàng mớ bệnh án chất đống ngoài hành lang. Ông xin lỗi vì mớ lộn xộn này và chào tôi như thường lệ với một cái bắt tay thật chặt.
Chúng tôi nói chuyện về nồng độ máu và lên lịch cuộc hẹn tiếp theo. Mục đích ở đây thay đổi. Tôi đến đây không phải chỉ để hy vọng được chữa khỏi. Tôi đến đây là để hy vọng sẽ khỏi bệnh và không phải tới đây thêm lần nào nữa. Nồng độ máu của tôi sẽ tăng lên, các cuộc hẹn giờ đây chỉ còn mang tính chất kiểm tra. Tôi hồ hởi khoe mình cảm thấy khỏe hơn. Rằng tôi đã tăng cân trở lại và cảm nhận được nguồn năng lượng đang trở lại trong mình. Rằng tôi chắc chắn là khối u đã biến mất.
“Vậy là đã có thể lôi ống thông ra ạ? Để chắc chắn, liệu cháu có nên để nó bên trong thêm một thời gian nữa không ạ?”
Bác sĩ L lắc đầu. “Cháu đã khỏe trở lại. Cháu đã vượt qua căn bệnh rồi.”
Chúng tôi im lặng một hồi rồi trong cùng một khoảnh khắc, cả hai chúng tôi đều nhìn lên. Cơ man nào là suy nghĩ lướt qua đôi mắt tôi. Cả đôi mắt ông nữa. Chúng tôi đã đi qua cơ man nào là bất ổn. Để tới được khoảnh khắc này, chúng tôi đã phải trải qua cơ man nào các cuộc nói chuyện.
Ông nói một điều mà chắc tôi sẽ không đủ can đảm để phát ngôn: “Bác sẽ rất nhớ cháu.”
Đột nhiên cổ họng tôi nghẹn lại. Bác sĩ L không có thói quen dành cho tôi nhiều tình cảm đến vậy.
Đoàn quay phim làm việc nhanh hơn tôi, họ bỏ tôi lại cùng các chị y tá và các bệnh nhân khác. Tôi buôn thêm một hồi nữa với chị cạnh giường về vấn đề rụng tóc, mọc tóc rồi kết thúc cuộc nói chuyện bằng lời chúc sẽ không bao giờ phải thấy lại nhau. Có lẽ đó là những lời lẽ chân thành và thường tình nhất có thể được nói ra ở phòng điều trị này.
Lúc lên xe là lúc tôi cảm thấy mình khỏe nhất. Tôi bắt chuyến tàu điện số 7 thay vì phải leo lên chiếc Mercedes của dịch vụ đưa đón người. Trên đường về tôi còn rẽ vào cửa hàng để mua bánh và sách. Tôi muốn đọc cuốn của Kluun, Chantal đã đảm bảo rằng cuốn sách của ông đồng ý là buồn, nhưng đặc biệt rất tuyệt vời. Trên bìa sách có hình một đôi giày, tại sao lại như vậy, tôi cũng chẳng biết. Đã gần năm giờ, chợ Noordermarkt đông nghịt người, tôi hớn hở hòa mình vào dòng người. Kẹp cuốn sách của Kluun dưới nách, tôi đủng đỉnh tiến tới Finch. Buổi hóa trị cuối cùng đã ở lại phía sau tôi.
Lang thang quán xá cho tới tận khi quán đóng cửa, hút thuốc, bị chị hàng xóm đánh thức hằng sáng để tới phòng tập, buôn chuyện về đàn ông. Tôi đã lại được làm rất nhiều thứ.
Thứ Hai ngày 13 tháng Hai năm 2006
Tuần thứ năm mươi tư đã trôi qua, cái bắt tay cuối cùng với bác sĩ L đã được thực hiện, hợp đồng cuốn sách đã được ký: Giờ mọi thứ đã là chính thức.
Tôi là nhà văn. Và một nhà văn phải thích đọc, thích nói về những cuốn sách của mình và biết những điều thuộc về mình.
Tôi ngày càng hợp với bức tranh này hơn. Tôi trải qua những điều này cùng chiếc laptop của mình. Tôi thức dậy và đánh máy một điều gì đó. Tôi ăn sáng và sáng tác ra gì đó. Tôi đi ngủ và viết một điều gì đó bởi ngay cả trên giường, mạch văn vẫn tiếp tục chảy. Tôi viết vào mọi lúc.
Bước ngoặt này trong cuộc đời tôi ngày càng giống với cảnh mà Harry Mulisch phác họa trong cuốn Khai phá thiên đường. Dường như mọi thứ đều đã được sắp đặt trước để như một lẽ thường tình tôi xuống thuyền này lại sang thuyền kia.
Và mọi chuyện vẫn còn tiếp diễn, uống cà phê cùng Cees Geel, đi ăn cùng Eddy Terstall, viết lách cho tờ NL20, lên chương trình của Hans Kemma, đi công tác viết bài cho tạp chí Cosmopolitan.