Hôm nay tóc tôi màu vàng

Chương 13

Docsach24.com

ô yêu cầu tôi nhắm mắt, mường tượng ra nỗi sợ hãi của mình rồi vẽ lại. Tôi vẽ một đám mây màu xanh lá cây và xanh nước biển, rồi một đám khác bay bên trên. Tôi tìm cách kéo đám mây thứ hai sang bên, song nó đã ranh mãnh hơn tôi và đè vào đám thứ nhất.

Rồi tôi lại được yêu cầu mở mắt và ngắm bức vẽ của mình. “Rồi điều gì sẽ xảy ra?”

“Cháu sẽ đóng khung và treo nó bên giường.”

“Rồi sao?”

“Cháu sẽ đi tới chỗ nó, rút nó ra khỏi chiếc đinh treo rồi nằm vào giường. Cháu sẽ ôm bức vẽ như con thú nhồi bông bên mình.”

“Ý cháu là sao, điều đó có nghĩa gì?”

“Có lẽ cháu không còn muốn xóa bỏ nỗi sợ nữa chăng?”

“Sophie ạ, bên trong cháu không chỉ có một Sophie mà là một vài Sophie khác: một Sophie vui vẻ, một Sophie mạnh mẽ song cũng nhút nhát và một Sophie bất an. Trước hết cháu phải biết chấp nhận điều đó.”

Dọn dẹp và lau chùi là hai từ thần diệu mà tôi học được trên chiếc ghế ở chỗ cô bác sĩ trị liệu của mình.

Thứ Ba ngày 29 tháng Mười một năm 2005

Tôi muốn quên nhanh Rob. Tôi lục tìm trong điện thoại số của những chàng từng theo đuổi mình. Tất cả chỉ để không phải ngồi một mình trên chiếc sofa. Đột nhiên tôi thấy mình đối phó với trạng thái bất an thật tệ hại. Chỉ có Hôm nay và Hôm qua, không hề có Ngày mai. Không có một tương lai chắc chắn. Không hoài bão. Cũng không còn sự chắc chắn nào nơi người mình yêu. Liệu lúc này anh đang ngủ với cô ta? Đồ xấu xa. Cầu cho anh ta chết ngạt.

Trên đường tới thùng thư tôi rẽ qua quán bar trên phố Haarlemmerstraat mà Rob hay lui tới. Tôi thấy anh đang ngồi đằng sau tấm biển, bên cạnh là một cô gái chân dài tới nách. Họ cười. Tôi nhìn họ, nức nở và ẩn mình dưới Bebé rồi đi tiếp.

Thứ Tư ngày 30 tháng Mười một năm 2005

Tôi lại ngồi run lẩy bẩy trên chính chiếc ghế của cái hôm người ta thông báo cho tôi về tình trạng tồi tệ của mình. Bên cạnh là Jur. Tôi đã năn nỉ anh ấy đi cùng bởi anh là người duy nhất dám nhìn thẳng vào mắt tôi và thuyết phục được tôi rằng mọi thứ đều có thể. Ngay cả khi sự thật không phải vậy.

Đối diện tôi là bác sĩ L.

Ông cười. “Xem cháu đội gì lên đầu kìa, mái tóc dài trông đẹp lắm.”

Niềm hy vọng trong tôi vụt tăng còn nỗi sợ hãi chìm dần xuống. Tôi gật đầu, hồi hộp vuốt mái tóc của Bebé. Tôi có trang điểm và mặc chiếc váy lụa đẹp nhất với ý định biến hy vọng thành sự thuyết phục.

“Sophie, bác có tin tốt cho cháu đây.”

Đầu gối tôi đập loạn xạ vào nhau vì hồi hộp và tìm tới đôi chân Jur. Đầu gối anh ấy cũng giật lên giật xuống. Tôi nhận thấy niềm kiêu hãnh và nỗi vui mừng trong đôi mắt vị bác sĩ của mình. Tôi muốn được quàng tay ôm lấy cổ ông. Không biết đã bao nhiêu lần tôi từng vẽ lên khoảnh khắc này bằng những gam màu lung linh. Ấy vậy mà tôi chỉ nhỏ một giọt nước mắt và hôn lên má ông.

“Các tấm ảnh xạ trị có kết quả tích cực. Không còn gì ở đó nữa, cháu không còn phải chụp X-quang nữa.”

“Không là không thế nào ạ?”

“Chà, vẫn còn một chút chưa chắc chắn. Không còn dị tật nào nữa, song cũng chưa thể đảm bảo rằng cháu đã lành bệnh hoàn toàn. Thời gian sẽ trả lời.”

Jur cắt ngang câu hỏi của tôi bằng một nụ hôn cùng một cái ôm kéo dài dịu dàng. “Thật là ngờ nghệch”, anh nói trong lúc chúng tôi đi khỏi. “Em đã lành bệnh, vậy thì cớ gì mà phải ‘Thời gian sẽ trả lời’ này nọ cơ chứ.”

Thật tuyệt vời khi có Jur bên cạnh. Anh ấy cũng cần biết điều đó.

Đột nhiên tôi thấy mình không chỉ phải lòng anh chàng đặc biệt đang đứng trước mình, mà tôi phải lòng cả Annabel, Jan, Jochem và tất nhiên cả Rob. Cả cô hàng xóm. Cả gia đình tôi. Sự có mặt của họ đối với tôi không bao giờ là đủ. Lành bệnh, lành bệnh, lành bệnh. Ba cơ quan khỏi cùng một lúc. Và hoàn toàn độc lập tác chiến. Không có bác sĩ K, cũng chẳng có Rob. Thật là phấn chấn!

Sau ba cốc rượu vang và một đĩa Tapa, tôi tới phố Mamixstraat, rẽ qua phố Westerstraat để tới phố Prinsengracht trên đường tới nhà Annabel. Cô ấy đợi tôi với đôi tay dang rộng. Tôi không thể tin nổi. Liệu tôi có thực sự lành bệnh? Vậy là xong? Tôi lại được tồn tại? Chỉ có một từ mà nó đã làm cuộc sống của tôi quay ngược 180 độ.

Hôm nay từ Ngày mai đã trở lại với tôi.

“Bà ạ?”

“Ừ”

“Bà sẽ bớt buồn nếu cháu nói rằng cháu đang rất khỏe mạnh chứ? Mãi mãi khỏe mạnh.”

Tôi nghe tiếng bà nức nở.

Thứ Năm ngày mùng 1 tháng Mười hai năm 2005

Nửa đêm tôi mò tới Sugar Factory, một hộp đêm nhỏ nằm đối diện Melkweg. Tôi đi hộp đêm lần này là để trải nghiệm chứ không phải để quên đi tất cả. Tim tôi vẫn đập thình thịch như lúc ở chỗ bác sĩ L hôm qua. Tuy vậy tôi vẫn gắn đôi mi giả dài và kẻ một đường chạy dọc hai bờ lông mày bằng bút than. Tôi đi giày cao gót, đội tóc vàng dài và mặc một bộ Kaftan khêu gợi dài quá mông. Floor mặc quần bò, áo khoác bó, trên đầu là những lọn tóc vàng xoăn dài, tóc thật. Jur mặc áo sơ mi xanh, đi đôi Nike đen to và mặc chiếc quần bò rộng. Chúng tôi uống vang đỏ, như hôm qua, như ngày mai và như cả ngày kia.

Song Jur không nhìn tôi. ít nhất là không quan sát đôi hông của tôi. Anh ấy liến thoắng, nghe ngóng, gọi mọi người, đứng dậy khi anh phải đi vệ sinh, kể về cô bồ cũ, về cô bạn gái, người ngủ chung giường với anh bây giờ.

Còn tôi? Tôi quan sát anh rồi nghĩ về vòng hông của tôi và của anh ấy. Về đôi môi của tôi và của anh ấy. Về đôi chân của tôi và của anh ấy. Và về cả những quả trứng của tôi và của anh ấy trên chiếc chảo rán vào buổi trưa thứ Bảy. Tôi tưởng tượng ra cảnh một năm sau đợt hóa trị chúng tôi sẽ đi nghỉ trên những bãi cát trắng ở những thành phố lạ, rồi cùng nhau chui vào tấm ga trải giường của hai đứa. Tôi còn nghĩ đến việc sang năm sẽ cùng anh sang chỗ chú Otto và cô Bebé ở Tây Ban Nha.

Trong nhà vệ sinh nữ tôi tô thêm lớp son bóng hồng một lần nữa. Tôi chỉnh lại mái tóc vàng và mở thêm một chiếc cúc. Song anh ấy vẫn không để ý. Anh ấy đang chìm sâu vào các cuộc phiêu lưu tình ái quá bận rộn của mình và không màng tới một điều là tôi cũng xếp hàng chờ anh. “Jur à?”

“Ừ?”

“Em đã nói với anh rằng anh là một người rất đặc biệt với em.”

Jur hoài nghi nhìn tôi: “Vậy à?”

“Thực ra em đã thấy yêu anh từ ngày đầu tiên gặp nhau. Không lúc nào em thôi yêu, dù mình không gặp nhau nhiều như em muốn song em cảm thấy anh lúc nào cũng ở bên em.”

“Ồ. Một lời tự thú.”

Phản ứng tuyệt thật đấy.

“Ừ thì sao?” Tôi chớp chớp đôi lông mi dày bự của mình.

“Em biết đấy Sophie, anh đã có bạn gái. Anh không tìm cho mình một cô gái nào khác nữa đâu.”

“Kể từ ngày em biết anh, anh đã hai lần không có bạn gái rồi.”

“Ừ thì sao?”

“Ừ thì sao?”

“Sophie, em là một cô gái đẹp, anh cũng thấy có điều gì đó đặc biệt gắn kết chúng ta. Song với anh, chúng ta chỉ là bạn bè.”

“Dù gì em cũng mừng vì nói ra được điều làm mình nhức nhối bấy lâu nay.”

“Lại đây nào.” Jur kéo tôi vào lòng và hôn tôi một cái thật kêu.

Có một món khai vị để gây cảm giác thèm ăn như vậy thật tuyệt.

Thứ Sáu ngày mùng 2 tháng Mười hai năm 2005

Tuyệt thật đấy! Số thuốc mà tôi uống hôm kia vẫn còn tác dụng trong người. Tôi không tài nào ngủ được mặc dù không hề uống cà phê. Tôi thức chong chong trên giường với đôi mắt mở to.

Thôi lại đi vậy. Tới hộp đêm NL.

Dì Kristien bỏ lại chồng con ở nhà để hôm nay đi đàn đúm cùng chúng tôi. Cả Rob cũng có mặt ở đó, khi thấy nhau chúng tôi ôm hôn chào nhau một lúc lâu. Tôi biết là dù sao tôi vẫn muốn chúng tôi làm bạn và cố gắng không nghĩ tới Chân Dài. Việc đó có hiệu quả tốt bởi cô ta hiện đang đi nghỉ.

Rob và tôi ngồi cùng nhau cả buổi tối. Chúng tôi cứ nói và nói. Nói về việc chúng tôi từng rất yêu nhau.

Rằng anh ấy thấy rất tiếc. Rằng chúng tôi sẽ mãi mãi là bạn của nhau... Vậy là chúng tôi trở thành bạn. Thật tuyệt khi có những người bạn như Rob và Jur. Những người bạn tốt như vậy làm tôi thấy vui biết nhường nào.

Thứ Bảy ngày mùng 3 tháng Mười hai năm 2005

Một nữ phóng viên đầy triển vọng. Đó là tôi. Đơn giản là vậy, từ ngày này qua ngày khác. Từ thứ Tư tới thứ Năm. Từ sự mông lung tới một điểm dừng, một kế hoạch. Từ những đợt truyền nước tới cuốn sổ ghi chú, tới hạn nộp bài. Môt cựu bênh nhân ung thư. Tôi không thích từ “cựu”, đặc biệt khi nó kết hợp với thực tại hiển nhiên của tôi. Một gánh nặng lớn đã được trút bỏ, song cái “cựu” vẫn còn rất xa lạ. Có lần tôi đã viết rằng thế giới không còn nằm dưới chân tôi, trên đó giờ đây là các bệnh nhân khác của trạm C6. Hôm nay đã khác. Hôm nay tôi có thể nói rằng thế giới này chưa bao giờ nằm sát dưới chân tôi. Bởi hôm nay tôi là một phóng viên có triển vọng.

Tôi giở tờ NRC và tìm mục “Sống, v…v…”

Rob ngồi cạnh tôi, anh ấy cũng hăng hái như tôi. Sau hai tuần không có anh, tôi lại có được cảm giác tuyệt vời khi được anh ngồi cạnh và nắm tay. Miễn là chúng tôi quên đi sự tồn tại của con bé chân dài, tất cả mọi thứ lại hệt như hai tuần trước.

Tôi đọc được ở đầu trang dòng tít: NHỮNG MÁI TÓC GIÁ CỦA SOPHIE. Bốn tấm ảnh được in, một tấm tôi chụp với hai ngón tay giữa giơ lên cao, ba tấm còn lại là với Platina, Oema và Sue.

“Nhìn này, anh cũng có đóng góp đầu tiên đấy nhé!” Rob chỉ vào tấm ảnh Oema mà anh chụp cho tôi vài tháng trước ở Luxembourg. Tôi đọc bài báo cho anh nghe, mỗi từ trong bài báo đều làm Rob rạng ngời hơn. “Phải thế chứ! Anh thật tự hào về em, cô em bé nhỏ ạ!”

Đôi tay chúng tôi quyện vào nhau làm thành một vòng tròn. Chúng tôi không rời nhau.

“Rob, khi nào anh chấm dứt cái trò vớ vẩn đó với mụ chân dài và chúng ta có con? Em có thể thuê một gã Colombia man rợ bắt cóc cô ta, hoặc hay hơn nữa là thuê một con khỉ đầu chó.”

Rob cười phá lên, song vẫn có một cái gì đó đè nặng lên chúng tôi. Bởi chúng tôi vẫn còn rất yêu nhau và vì vậy rất muốn ở bên nhau. Tôi nhìn bài báo đang nằm trên bàn cà phê thêm lần nữa. Một ngày mới tuyệt làm sao, một bệnh nhân ung thư được diện bộ đồ hoành tráng để lên báo. Buổi tối dấm dúi với Cà Vạt của tôi giờ được lật ngửa công khai. Một cảm giác tuyệt vời.

Thứ Ba ngày mùng 6 tháng Mười hai năm 2005

Có vẻ tôi đã nhầm sang tối thứ Ba, tôi đứng trước mộttòa nhà vô cùng hoành tráng trên phố Herengracht. Tôi bấm chuông, ai đó bấm nút mở cửa.

“Chào chị, sáng nay em có hẹn với một biên tập viên.”

“Tên em là gì?”

“Sophie van der Stap.”

“Em chờ chút nhé, để chị gọi điện sang phòng biên tập.” Cô lễ tân chỉ vào bộ salon bằng da màu đen. Trên chiếc bàn nhỏ là mấy tờ Het Parool, các tờ rơi quảng cáo và tờ NL20. Tôi ngồi xuống và tò mò quan sát xung quanh.

Mấy bức tường ốp đá cẩm thạch, nền nhà được lát gạch hoa trắng. Nếu tôi không nhầm thì tên của loại gạch hoa này là “Witjes”. Bố đã từng nói tôi biết, ông rất muốn củng cố kiến thức cho tôi trong lúc chúng tôi đi bộ qua trung tâm Amsterdam. Ông có thể kể một điều gì đó về tất cả mọi thứ, dù đó chỉ là một mái hiên, một tên phố hay một nhà thờ. Mới đây chúng tôi tới thăm một nhà thờ cổ có tên “Onze Lieve Heer op Zolder” - “Đức Chúa kính yêu của chúng ta trên gác xép”. Nó nằm thu mình trên tầng ba của ngôi nhà cổ xiêu vẹo giữa khu đèn đỏ.

Đó là một nhà thờ bí mật song có đầy đủ tất cả: Bộ đàn ống, dàn hợp xướng, cửa sổ kính mạ chì, nền lát gạch hoa Witjes. Những bậc thang hẹp dốc và số lượng khách thăm quan đông vô kể làm tôi ngột ngạt và mệt mỏi đến nỗi chúng tôi phải ngồi tạm xuống ghế băng để nghỉ ngơi. Tại thời điểm đó tôi không gặp nhiều khó khăn về thể chất, thế mà bây giờ, chỉ hai tháng sau mọi việc đã thay đổi hoàn toàn.

“Sophie, lại đây.”

Rất tự nhiên, chị biên tập viên gọi tôi là “tác giả”, song tôi vẫn chưa dám hy vọng là chị ấy lại muốn hợp tác với mình.

Với những bộ tóc giả, chứng ợ nóng, những giọt nước mắt, những câu chuyện về các bác sĩ và những hoài bão của mình, bệnh nhân ung thư ra trò chuyện cùng công chúng. Hay nói cách khác: bệnh nhân ung thư trở nên nổi tiếng.

Tôi được mời tới chương trình Thế giới chuyển động nên giờ phải ngồi trang điểm. Mấy bộ tóc giả lượn qua lượn lại trong đầu tôi. Đỏ, rồi vàng, rồi đen, kiểu ngắn, kiểu dài, kiểu phẳng, rồi cả màu bạch kim. Tôi nên là ai đây? Oema, Daisy, Blondie hay Platina? Bebé hay Pam? Xung quanh tôi nào là MC, nào là khán giả, nào là những chiếc sơ mi ly là thẳng, những mái đầu trọc lốc, nhiếp ảnh gia, thợ trang điểm, báo chí truyền thông, những người làm PR và rất nhiều nụ cười. Tôi đi giày cao gót, mặc áo choàng tơ và một chiếc váy quyến rũ. Và tôi cũng biết quên các cuộc hẹn - y như một ngôi sao VIP thực thụ vậy. Rồi bận tối mắt tối mũi. Và cả mắc bệnh ngôi sao. Chín rười sáng đã bị lôi ra khỏi giường để đi phỏng vấn. Tối lại lên truyền hình. Vâng, thật tuyệt vời khi được là chính mình - một bệnh nhân ung thư.

Tạp chí của bệnh viện OLVG sau này cũng đưa tin: “Màn ra mắt của một tác giả nữ đặc biệt và đầy triển vọng. Các bạn hãy tìm đọc những câu chuyện về bác sĩ c - bác sĩ K chứ nhỉ? - cùng đồng nghiệp của mình, về những trải nghiệm của một bệnh nhân ung thư trẻ tuổi ở bệnh viện OLVG.”

Tôi chắc rằng có hẳn một thị trường tiêu thụ cho những điều như vậy. Một vài tấm hình đẹp chụp kiểu tóc trước và sau khi bị bệnh, có thể kèm thêm những tấm ảnh biến hóa với các kiểu tóc giả mà tạp chí Beaumonde đã đăng hay bài phỏng vấn trên tờ Barend & Van Dorp. Mọi người chỉ chờ đợi có vậy: một chút kịch tính trên bộ đồ lả lướt trong bữa ăn sáng tại tòa soạn tờ báo vào buổi sáng, chiều tới làm tóc tại tờ báo ảnh và tối tới làm khách của kênh truyền hình lá cải.

Tôi phải chỉ cho người ta thấy rằng sống với bệnh ung thư là một điều có thể, rằng tôi vẫn có thể cười nói và vui sống như trước kia, ví dụ như đi mua sắm, làm đẹp hay đi nhảy. Rằng người ta vẫn có thể sống chung với ung thư trên một cơ thể héo mòn bị tra tấn bởi những trận đau đớn, những lần ói mửa triền miên.

Rằng việc đội tóc giả mang lại bao điều thích thú. Và rằng điều đó không chỉ đúng với các loại bệnh ung thư khác mà đúng trong cả trường hợp của tôi. Một đứa con gái còn ngây dại mà đã bị ung thư.

Giống như Lance trong chương trình của Oprah, tôi sẽ kể về việc căn bệnh ung thư đã làm cuộc sống của tôi thêm đẹp như thế nào. Bằng một nụ cười kiểu Mỹ, tôi sẽ xuất hiện trên bục diễn thuyết với một thân hình căng tràn sức sống, một tay là bó mẫu đơn tặng Oprah, tay kia cầm cuốn sách của mình. Sau đó Oprah sẽ ngắt quãng những đợt la hét cổ vũ của khán giả và nói: “Look at you! Can you believe you had cancer? Audien, can you believe she had?(9)

9.Tiếng Anh trong nguyên bản: “Em cứ nhìn em xem! Em có thể tin là mình từng bị ung thư không? Các bạn khán giả, các bạn có tin là cô gái này từng bị ung thư không?”

Buổi tối trở về nhà sau chương trình truyền hình, hộp thư điện tử của tôi đã đầy ắp. Chín mươi phần trăm tên người gửi là những người tôi không quen, song qua tiêu đề thư có thể nhận ra đó là những lá thư phản hồi về cuộc trò chuyện của tôi với Cees Geel. Người tôi nóng ran vì phấn chấn khi nhận được nhiều quan tâm đến vậy. Tôi không thể chợp mắt trước ba rưỡi sáng.

Thời gian: Thứ Ba, mùng 6 tháng Mười hai năm 2005 20:39

Người gửi: Chantal

Người nhận: Sophie

Tiêu đề: chào Sophie

Chị vừa theo dõi câu chuyện của em qua chương trình Thế giới chuyển động, một người bạn của chị gọi điện và bảo chị nên bật ti vi ngay. Chị cũng từng là một bệnh nhân ung thư và chị đã bật cười khoái trá trước những trùng hợp ngẫu nhiên giữa chúng ta trong cách hành động và đối phó với bệnh tật... Đặc biệt là đoạn về cái anh chàng đó - chị cũng từng có một trải nghiệm tương tự vậy. Có tóc giả, ơn Chúa là em còn có thể ngụy trang, còn chị với những vết do những lần xa trị gây nên... Chị nói đại đó là vệt dẫn đường tới những vùng khoái cảm của mình... Khi cô đơn người ta mới nghĩ ra lắm trò làm sao, haha...

Chị không đội tóc giả mặc dù đã có mua một bộ. Chị thấy nó không hợp và thà làm sư cọ mốc đội mũ còn hơn. Nhiều người nhìn chằm chằm và có phản ứng rất nực cười... đôi khi chị nói đại với họ rằng “bị ung thư trông như vậy đấy...”

Chị sống ở Amsterdam, thứ Bảy tuần trước lẽ ra chị cũng đã tham dự hội tiệc T Dansant... Thơi tiết không đẹp lắm nên chị nghĩ nếu trời vẫn mưa thì cũng chẳng hứng thú gì mà đi lội nước.

Có lẽ giờ em nghĩ, hey, mình phải làm quen với cô bạn này, hoặc cũng có thể chẳng phải vậy (chị lại thế rồi...). Không, chị không phải là một đứa như vậy, chị trải nghiệm cuộc sống như nó vốn có và cũng giống như em thôi...

Có thể em sẽ nhận được 100 E-mail, nếu vậy chị sẽ tha lỗi cho em...

Hôm nay chị sẽ bắt đầu đợt hóa trị cuối cùng, còn em khi nào?

Có lẽ hẹn sớm gặp lại!

Chào em, Chantal

Thứ Sáu ngày mùng 9 tháng Mười hai năm 2005

Tôi dựa lưng vào chiếc ghế to đại trong phòng bệnh của bệnh viện OLVG. Đó là một chiều thứ Sáu và một đợt hóa trị mới đang chờ tôi. Trong chương trình của Matthijs van Niewkerk, tôi được phép quên đi tất cả những đợt truyền hóa chất, nỗi sợ hãi và các bác sĩ, song lúc này đầu tôi bắt đầu đau như búa bổ. Tôi nghe thấy có tiếng trực thăng. Còn bà thì không nghe thấy gì cả, tôi có thể thấy điều đó trên gương mặt bà. Song bà đã hiểu ra, bà xác nhận ngay là cũng nghe thấy tiếng ồn mà tôi nói tới.

Các chị y tá nhìn tôi thăm dò - có trực thăng bay qua công viên Oosterpark ư? Đối với bệnh viện thì việc có trực thăng cứu hộ không có gì là bất thường, song trong bệnh viện OLVG thì điều đó chưa bao giờ xảy ra. vẫn chào tôi bằng những đại từ như “ngôi sao truyền hình” và “nhà văn nổi tiếng”, các chị y tá nhìn tôi ý như muốn hỏi tôi có bình thường hay không.

“Trực thăng ư?” Moniek hỏi lại lần nữa.

Đám chất lỏng màu vàng lúc này đã chui vào người tôi, túi hóa chất uể oải đung đưa trên thanh truyền.

“Vâng, trực thăng”, tôi trả lời. Tôi nhắm mắt lại và tựa lưng xuống giường. Chiếc kim truyền dịch chọc vào bên gò bồng đảo thứ ba của tôi. Đột nhiên tất cả trở nên tối mịt như thể cơ thể tôi giờ mới hiểu điều gì đang diễn ra. Chiếc trực thăng trong đầu tôi chạy hết công suất. Tôi nghĩ đến câu chuyện của những người cùng cảnh ngộ không vượt qua được bệnh tật. Nỗi sợ hãi lại rình rập tôi.

Song hôm thứ Ba vừa rồi tôi đã thực sự tỏa sáng dưới ánh đèn sân khấu. Điều gì đã khiến tôi tỏa sáng đến vậy? Việc được cứu sống ư? Hay cuộc đối thoại với Cees. Hay chiếc áo sơ mi đỏ của Matthijs? Oa, còn đám lông ngực của anh ấy mới tuyệt làm sao! Giữa Bridget, người dẫn chương trình và Cees Geel... Chỉ làm, không than vãn... Đối với tôi là phải vậy.

Có thể thấy một bệnh nhân ung thư cũng có đầy đủ tiềm năng và các cơ hội nghề nghiệp. Thậm chí còn nhiều hơn một chính trị gia hay một bà nội trợ đảm đang. Có rất nhiều chuyện vui, song cũng không thiếu chuyện buồn. Câu chuyện của tôi đây là một câu chuyện vui, bởi tôi chính là tác giả.

Tôi phải in gì lên tấm danh thiếp của mình đây?

SOPHIE VAN DER STAP

Cựu bệnh nhân ung thư

SỐNG KHỎE

Người gửi: Sophie van der Stap

Thời gian: Thứ Hai ngày 12 tháng Mười hai năm 2005 12:32:58

Người nhận: Chantal

Tiêu đề: Trả lời: chào Sophie

Chào chị Chantal!

Ơn Chúa là càng ngày em càng thấy đợt hóa trị bớt ớn hơn, ngay cả khi cái đợt hôm qua làm đầu em như nổ tung. Đợt tiếp theo sẽ là vào ngày 30. Đợt của em ban đầu là vào các ngày thứ Hai, rồi chuyển sang thứ Ba, còn giờ đây là vào thứ Sáu. Hôm qua em đã viết rất nhiều và mày mò với cuốn sách của mình, sắp tới em phải gửi bản thảo cho nhà xuất bản. Tuần sau em sẽ bay sang Tây Ban Nha cùng một người bạn tốt, bọn em sẽ ở vài ngày tại Barcelona. Có vẻ mọi người ai cũng đã đến đó, chỉ còn bọn em là chưa. Cả hai bọn em cùng viết lách và rất ăn ý với nhau.

Em sẽ về vào ngày 19. Sau đó em sẽ bắt tay vào việc cùng chị biên tập viên của mình. Cũng trong tuần đó em có một cuộc hẹn với một người, cậu ta cũng là người viết thư cho em như chị. Cậu ấy bằng tuổi em, cũng bị bệnh. Hình như là u não. Bệnh này chẳng phải chuyện đùa. Chị có muốn chúng ta gặp nhau trước đợt hóa trị tới? Mà chị sống ở quận nào ấy nhỉ?

Chào thân ái, Sophie

PS: Mái tóc ngắn rất hợp với chị.

Thứ Ba ngày 13 tháng Mười hai năm 2005

Jan nghĩ cuộc tẩu thoát khỏi những cơn stress là cái cớ lý tưởng để đổi mùa đông lấy mùa xuân. Và vì tôi cũng hay nghĩ điều anh nghĩ, và anh thường nghĩ điều tôi nghĩ, chúng tôi quyết định bay sang Barcelona, tạm xa rời rượu vang đỏ và bầu không khí ồn ào náo nhiệt ở nhà. Ở bên nhau chúng tôi cảm thấy vô cùng tuyệt vời, song nếu khi nào không phải vậy, chúng tôi luôn có thể nói chuyện cởi mở với nhau về tất cả.

“Jan, hãy cất niềm kiêu hãnh của anh vào trong túi đi, không ai thèm ngó tới một con chó già đầy lông đâu.”

“Này, đồ hư hỏng kia, lên mặt dạy đời thế là đủ rồi đấy.”

Nói đúng hơn: Jan có thể nói với tôi tất cả.

Chúng tôi đứng ở cửa phòng chờ. Trước hết chúng tôi phải diễn tiết mục xếp hàng. Tôi nghiên cứu cặn kẽ các nghĩa của từ này: Không được ngồi như dự tính mà phải chen lấn? Học thuộc số ghế? Chuẩn bị tinh thần sẵn sàng đối phó với nền văn hóa Tây Ban Nha? Gọt giũa móng tay? Tay lăm lăm cuốn hộ chiếu? Người ta phải làm gì trước khi lên máy bay? Chờ đợi.

Tất nhiên không phải lúc nào cũng phải xếp hàng. Chỉ trong những trường hợp đặc biệt mà người ta gọi là trễ chuyến. May thay ở hãng hàng không này cả chuyến đi và về đều bị trễ. Chen lấn giữa những người xếp hàng khác, tôi tự hỏi cớ sao mình lại phải tự hành hạ mình tới nông nỗi này. Có gì hay ho đâu cơ chứ. Đóng va li, rồi lại đóng lần nữa - bộ tóc giả vàng và đôi giày cao gót quên chưa đóng -, tới quầy Check-in, xếp hàng, chuẩn bị lên máy bay, rồi lại xếp hàng chờ, lại tới quầy, rồi lại Check-in, mở va li và chẳng biết sáng mai tôi được ăn gì. Đã có thời điểm tôi thấy mọi thứ đều tuyệt vời. Giờ thì thời điểm đó đã chấm dứt. Tôi không còn thấy thích thú khi được ăn của ngon vật lạ hay phải thức dậy trên một chiếc giường lạ hoắc.