Hồi Ức Về Những Cô Gái Điếm Buồn Của Tôi

Chương 5

Đang đọc Những ngày mười lăm tháng Ba thì tôi bắt gặp một câu buồn thảm mà tác giả cho rằng là của Julius Cesar: Ta không thể kết liễu cuộc đời trong thân phận một con người mà những kẻ khác vẫn tin là ta phải như vậy. Tôi không thể xác minh được nguồn gốc thật sự của câu này có hay không ở trong các tác phẩm của Julius Cesar hoặc là trong các tác phẩm của nhà chuyên viết tiểu sử của ông, từ Suetonio đến Carcopino, nhưng câu này rất đáng nhớ. Trong mấy tháng tiếp theo của cuộc đời tôi, chính thuyết định mệnh của ông đã truyền cho tôi lòng quyết tâm còn đang thiếu không những để viết cuốn hồi ký này mà còn để bắt đầu lại không chút sượng sùng mối tình với Delgadina.

Không một giây phút nào lòng tôi bình yên, ăn uống kém hẳn, và sút cân đến mức quần mặc rộng thùng thình. Những cơn đau trước chạy lung tung trong người nay ở hẳn trong xương cốt, tính khí thay đổi thất thường, đêm thì tỉnh như sáo nhưng không thể đọc và cũng không nghe nổi âm nhạc; ngày thì ngược lại đầu óc cứ mê mê tỉnh tỉnh nhưng lại không thể nào ngủ được.

Niềm an ủi bỗng từ trên trời rơi xuống. Trên chuyến xe buýt chật như nêm chạy tuyến Lome Fresca, một bà ngồi bên cạnh mà tôi không biết lên từ bến xe nào đã ghé vào tai tôi nói nhỏ: Ông vẫn còn chiến đấu được đấy chứ? Đó chính là Casilda Armenta, một mối tình kiểu ăn bánh trả tiền ngày xưa, người đã phải chịu đựng tôi như một khách hàng thường xuyên từ cái thời bà ta còn là một cô gái trẻ kiêu kỳ. Khi đã về hưu, ốm dở, không đồng xu dính túi, bà ta đã lấy một người Hoa làm nghề trồng rau, nhờ vậy được mang họ, được giúp đỡ và có thể được hưởng chút tình yêu. Bảy mươi ba tuổi, thân thể đã trở lại như xưa, vẫn đẹp và vẫn đầy cá tính mạnh mẽ, và cũng giữ nguyên tính phóng túng của nghề nghiệp cũ.

Bà ta đưa tôi về nhà, một khu nhà vườn trồng rau kiểu người Hoa trên đồi bên đường dẫn ra biển. Chúng tôi ngồi trên những chiếc ghế bố kiểu bãi biển ở ngay sân thượng mờ tối giữa những cây dương xỉ và thiên tuế, và những lồng chim treo lủng lẳng trên giá. Trên sườn đồi, những người Hoa đội nón lá đang trồng rau dưới cái nắng chói chang và xa xa hai mũi đá dấu dòng sông chảy lan ra tận mấy dặm ngoài biển khơi xanh xám của cửa biển Ceniza. Đang ngồi nói chuyện, chúng tôi bỗng nhìn thấy chiếc tàu chở khách vượt đại dương sơn màu trắng toát từ từ tiến vào cửa sông và chúng tôi im lặng dõi theo nó cho đến tận khi nghe rõ tiếng còi buồn thảm như tiếng rống của con bò đực ở cảng sông. Bà ta thở dài. Ông có nhận thấy điều gì không? Hơn nửa thế kỷ qua, đây là lần đầu tiên tôi không đón tiếp ông trên giường. Chúng ta đã là người khác rồi, tôi nói. Không để ý đến lời tôi, bà ta vẫn tiếp tục nói: Mỗi khi ở trên đài phát thanh người ta nói điều gì đó về ông, nào là khen ông được mọi người quý mến, nào ông là bậc thầy về tình yêu, tôi lại nghĩ trên đời này không ai hiểu được nét duyên và mánh lới của ông bằng tôi. Thực sự, bà ta nói, không có ai chịu đựng được ông tốt hơn tôi.

Tôi không chịu được nữa. Bà ta cũng cảm thấy điều đó khi nhìn thấy đôi mắt đẫm lệ của tôi, và chỉ đến lúc đó có lẽ bà ta mới phát hiện ra rằng tôi không còn là người như trước đây nữa và tôi cũng cố nhìn bà ta với lòng can đảm của một kẻ không còn tin ở chính mình. Bây giờ tôi già rồi, tôi nói với bà ta. Chúng ta đều già cả rồi, bà ta thở dài. Có thể bên trong ta không cảm thấy nhưng bên ngoài thì ai cũng thấy rõ điều này.

Không thể không mở lòng mình, và vì vậy tôi liền kể cho bà ta nghe toàn bộ câu chuyện đang đốt cháy tâm can mình, từ lần gọi điện thoại đầu tiên cho bà Rosa Cabarcas trước hôm sinh nhật chín mươi tuổi, cho đến cái đêm bi thảm đập vỡ mọi thứ trong phòng ngủ và không bao giờ quay trở lại đó nữa. Bà ta chăm chú nghe chuyện tầm phào của tôi mà như đang sống trong đó vậy, suy ngẫm một lúc lâu rồi mỉm cười:

– Ông muốn làm gì thì làm, nhưng không được để mất con bé này – Bà ta nói với tôi – Không có gì bất hạnh bằng chết trong cô đơn.

Chúng tôi đi đến cảng Colombia trên chuyến tàu hỏa bé nhỏ như đồ chơi và chạy chậm như ngựa đi bước một. Chúng tôi ngồi ăn trưa trước bến cảng làm bằng gỗ đã mục nát, nơi mà trước khi nạo vét cửa biển Ceniza, tất cả tàu bè khắp nơi trên thế giới đều phải cập vào để mọi người có thể vào được đất nước Colombia. Chúng tôi ngồi dưới bóng cây cọ và được các cô hầu bàn da đen to lớn phục vụ món cá rán với cơm dừa và chuối xanh. Chúng tôi ngủ gà ngủ gật trong cơn buồn ngủ nặng nề vào lúc hai giờ chiều rồi lại tiếp tục trò chuyện cho đến khi biển chìm trong ráng đỏ rực rỡ của chiều tà. Quả thực tôi thấy rất tuyệt vời. Ông hãy nhìn nơi chúng ta đến để hưởng tuần trăng mật này, bà ta nói đùa. Rồi tiếp tục nói nghiêm chỉnh: Hôm nay quay nhìn lại trước đây, tôi thấy cả một hàng dài ngót ngàn người đàn ông đã nằm chung giường với tôi, và có lúc tôi đã hết lòng mong ước được thực sự có hẳn một người dù là kẻ tệ hại nhất. Nhờ ơn Chúa tôi đã kịp gặp được ông chồng người Trung Hoa. Cứ như kết hôn với ngón tay út, nhưng ông ấy là của riêng tôi.

Bà ta nhìn vào mắt tôi như thăm dò phản ứng trước điều vừa kể, rồi nói tiếp: Thế thì ngay bây giờ ông phải đi tìm cô bé tội nghiệp đó, dù những gì người ta nói rất đúng về ghen tuông, dù gì đi nữa thì ông không được để ai cướp mất điều tốt đẹp của mình. Còn điều này nữa, không có lãng mạn kiểu ông nội đâu nhé. Nói thật nhé, bà ta chân tình kết thúc: ông đừng để đến chết mà vẫn chưa được hưởng sự tuyệt diệu của việc chăn gối trong niềm yêu thương say đắm.

Ngay hôm sau, tôi run run quay số điện thoại. Một phần vì sự căng thẳng trước cuộc gặp lại Delgadina, một phần vì không biết bà Rosa Cabarcas sẽ đáp lại ra sao. Trước đó chúng tôi đã tranh cãi quyết liệt vì bà ta đã tính quá mức những thiệt hại mà tôi đã gây ra ở phòng ngủ. Tôi đã phải bán đi một trong những bức tranh thân thương nhất của mẹ mà giá trị có thể là cả một gia tài, nhưng lúc cần thiết nó chỉ đáp ứng được một phần mười kỳ vọng của tôi. Tôi phải cộng thêm toàn bộ số tiền tiết kiệm rồi đưa đến cho Rosa Cabarcas với phương châm bất di bất dịch: Bà cầm lấy hoặc là từ bỏ luôn. Đó là một hành động tự sát, bởi vì chỉ cần bán đi một trong những bí mật của tôi, bà ta cũng đã có thể làm tiêu tan danh tiếng của tôi rồi. Nhưng bà ta không đá hậu mà chỉ giữ lại những bức tranh còn lại sau cái đêm đập phá của tôi. Tôi là kẻ bại trận ngay lần chơi đầu tiên: tôi không còn Delgadina, không có Rosa Cabarcas và cũng hết cả tiền tiết kiệm. Tuy nhiên, tôi cũng nghe thấy tiếng chuông điện thoại một lần, hai lần, ba lần và cuối cùng là bà ấy: Xem nào? Tôi không cất nổi lên lời. Tôi cúp điện thoại. Tôi nằm vật xuống võng, cố trấn tĩnh bằng những vần thơ tình khổ hạnh của Satie, và mồ hôi đổ ra ướt đầm cả những dây võng. Cho đến tận ngày hôm sau tôi vẫn không có đủ can đảm để gọi điện thoại.

– Thôi được, này mụ đàn bà kia – Tôi nói một cách cứng cỏi – Ngày hôm nay thì tôi muốn.

Tất nhiên là Rosa Cabarcas đã đoán biết trước tất cả. Chà, ngài thông thái buồn bã của tôi ơi, bà ta thở dài với vẻ luôn đắc thắng, ông đã mất hút suốt hai tháng liền rồi nay quay lại chỉ để nói điều ảo tưởng. Bà ta kể cho tôi nghe rằng đã hơn tháng nay chưa gặp lại Delgadina, nhưng hình như cô bé đã hồi phục sau cú sốc đêm phá bĩnh của tôi nên không hề đề cập gì chuyện đó và cũng không hỏi han gì về tôi nữa, rằng cô ta rất hài lòng với công việc mới, dễ chịu hơn và được trả lương cao hơn so với việc đơm cúc. Một đợt sóng lửa rừng rực đốt cháy lòng tôi. Chỉ có thể là làm điếm thôi, tôi nói. Rosa Cabarcas đáp lại ngay: Ông đừng ngu muội như thế, nếu làm thế thì nó đã ở đây rồi. Hoặc giả nó có thể ở nơi nào tốt hơn được không? Cách lý giải nhanh chóng của bà ta làm tôi càng thêm nghi ngờ: Làm sao tôi có thể biết là con bé không ở đó? Trong trường hợp này, bà ta đáp trả, tốt nhất là ông không nên biết đến điều đó nữa. Không ư? Tôi lại căm ghét bà ta một lần nữa. Rosa Cabarcas, để tỏ ra đã chịu, hứa sẽ đi lùng sục tìm con bé. Cũng không có nhiều hy vọng đâu, bởi vì điện thoại nhà bà hàng xóm mà tôi vẫn nhờ để gọi cho nó đã bị cắt rồi và tôi thì chẳng hề có một ý niệm gì về nơi cư trú của con bé. Nhưng cũng không đến mức phải chết vì tuyệt vọng, mẹ kiếp, bà ta nói, một giờ nữa tôi sẽ gọi cho ông.

Một giờ mà hóa ra ba ngày, nhưng bà ta đã tìm được cô bé trong tình trạng sẵn sàng khỏe mạnh. Tôi sượng sùng trở lại và hôn lên từng phần da thịt của em, như sám hối vậy, suốt từ mười hai giờ đêm cho đến khi gà gáy sáng. Một lời xin lỗi dài mà tôi hứa sẽ còn lặp đi lặp lại mãi mãi và một lần nữa lại bắt đầu từ đầu. Căn phòng bị phá bỏ rồi bị dùng vào những việc tệ hại nên làm mất hết những gì trước đây tôi đã đặt vào đó. Bà ta cứ để nguyên như vậy và bảo tôi muốn nâng cấp lên thì phải tự làm lấy vì vẫn chưa trả hết nợ. Tuy nhiên, tình hình kinh tế của tôi đã rơi xuống tận đáy rồi. Tiền hưu trí càng ngày càng ít. Vài ba thứ ở trong nhà có thể bán được – trừ những đồ trang sức thiêng liêng của mẹ – thì chẳng còn giá trị thương mại, không có thứ gì quá cũ để trở thành đồ cổ. Ở thời kỳ hoàng kim, viên tỉnh trưởng đã từng đưa ra một lời đề nghị hết sức hấp dẫn để mua toàn bộ khối sách của các tác giả cổ điển Hy Lạp, La Tinh và Tây Ban Nha của tôi cho thư viện của tỉnh, nhưng lúc đó tôi không có lòng nào bán chúng đi. Sau này, tình hình chính trị thay đổi và tình hình thế giới ngày càng tệ đi nên không có ai trong chính quyền nghĩ đến nghệ thuật và văn học nữa. Mệt mỏi vì không tìm được một giải pháp trong sạch, tôi đút túi tất cả số trang sức mà Delgadina đã trả lại và đi tìm cách bán ở những ngõ hẻm tối tăm gần khu phố chợ. Với vẻ một nhà thông thái đãng trí, tôi lượn lờ vài lần trước những quán ăn dơ bẩn tồi tàn chật cứng khách, những cửa hàng bán sách cũ và cửa hàng cầm đồ, nhưng lòng tự trọng của mẹ tôi, Florina de Dios, đã ngăn bước: tôi không dám. Thế là tôi quyết định ngẩng cao đầu vào bán cho cửa hàng vàng bạc lâu đời và có uy tín nhất thành phố.

Anh chàng nhân viên cửa hàng đeo kính một tròng vào mắt, vừa xem xét đồ trang sức vừa hỏi tôi về một vài việc. Anh ta có phẩm chất, phong cách và tính cẩn trọng của một vị thầy thuốc. Tôi giải thích cho anh ta biết rằng tất cả số đồ trang sức này đều là di vật thừa kế của mẹ tôi. Anh ta nheo mắt tán thành sau mỗi lời giải thích và sau cùng gỡ kính một tròng ra.

– Tôi lấy làm tiếc – anh ta nói – nhưng tất cả đều làm bằng đít chai.

Trước sự kinh ngạc của tôi, anh giải thích với vẻ thương cảm nhẹ nhàng: Cũng còn may là vàng vẫn đúng là vàng và bạch kim vẫn đúng là bạch kim. Tôi sờ túi quần để kiểm tra lại xem có đúng là đã mang theo hóa đơn mua hàng trước đây không rồi nói không chút hằn học:

-Nhưng tất cả đã được mua ở cửa hàng đáng kính này hơn một trăm năm trước đấy.

Anh ta không hề tỏ ra lúng túng. Trong các đồ trang sức thừa kế, anh ta nói, cũng thường bị mất những phần quý giá nhất; bị những kẻ ngang ngược trong gia đình thay đổi hoặc bị các thợ kim hoàn lưu manh nào đó hoán đổi, và chỉ khi có ai đó muốn bán mới phát hiện ra sự gian lận. Nhưng xin phép ông mấy phút, anh ta nói và mang toàn bộ đồ trang sức đi vào sau cánh cửa cuối phòng. Một lúc sau quay lại, mời tôi ngồi chờ ở ghế mà không giải thích gì cả và tiếp tục làm việc.

Tôi quan sát cửa hàng. Trước đây tôi đã cùng mẹ đến đây một vài lần, và vẫn còn nhớ câu nói cửa miệng của bà: Đừng nói với bố nhé. Trong đầu tôi bỗng loé lên một ý nghĩ: Liệu Rosa Cabarcas và Delgadina có thoả thuận bán đồ thật và trả lại tôi đồ giả không?

Khi mối nghi ngờ đốt cháy lòng thì tôi được cô thư ký mời đi theo qua chiếc cửa cuối phòng đến văn phòng nhỏ có dãy tủ đứng to. Một gã khổng lồ ăn mặc lôi thôi đứng bật dậy sau bàn làm việc và nhiệt tình bắt chặt tay tôi, xưng hô thân mật như bạn cũ. Chúng mình đã cùng học trường cấp ba với nhau, ông ta nói thay cho lời chào hỏi. Tôi nhớ ra ngay: Ông ta vốn là cầu thủ bóng đá giỏi nhất trường và là vô địch của những nhà chứa đầu tiên của chúng tôi. Đã khá lâu không gặp lại ông ta và thấy tôi hom hem già cả nên ông ta nhầm với một bạn học từ thuở nhỏ.

Trên mặt kính bàn làm việc đã mở sẵn một quyển hồ sơ lưu trữ có ghi lại lai lịch các đồ trang sức của mẹ tôi. Một danh mục chính xác với ngày mua và các chi tiết do chính bà đã thay đổi các viên đá quý của hai thế hệ những người đàn bà đẹp và trọng danh dự của dòng họ Cargamantos, và đã bán đồ thật cho chính cửa hàng này. Chuyện này đã xảy ra từ thời người cha của ông chủ hiện nay còn cai quản cửa hàng, còn ông ta và tôi còn đang ngồi trên ghế nhà trường. Nhưng ông ta đã trấn an tôi: Những trò láu cá này vẫn thường xảy ra ở những gia đình lớn khi bị hoạn nạn, họ phải làm để giải quyết một nhu cầu cấp bách mà không phải hy sinh lòng tự trọng và danh tiếng. Trước thực tế phũ phàng, tôi thà giữ tất cả lại như một kỷ niệm về người mẹ Florina de Dios khác mà trước đây mình chưa biết.

Đầu tháng Bảy, tôi cảm thấy khoảng cách thực sự của cái chết. Trái tim tôi loạn nhịp và tôi bắt đầu nhìn thấy và cảm thấy những điềm dữ cuối cùng ở khắp nơi. Điềm rõ nhất là trong buổi hoà nhạc ở Bảo tàng Mỹ thuật. Hệ thống điều hoà không khí bị hỏng và những người tinh túy nhất của nền nghệ thuật và văn chương đã bị hấp nóng trong một căn phòng chật cứng người, nhưng điều kỳ diệu của âm nhạc vẫn tạo nên bầu không khí thiên đường. Cuối cùng, khi bản nhạc Allegreto poco mosso bắt đầu cũng là lúc người tôi run bắn lên vì ý tưởng rõ ràng đây là buổi hoà nhạc cuối cùng mà số phận dành cho mình trước khi chết. Tôi không cảm thấy đau đớn và sợ hãi mà chỉ thấy xúc động mãnh liệt vì mình đã được sống với buổi hoà nhạc này.

Cuối cùng thì tôi, toàn thân ướt đẫm mồ hôi, cũng mở được lối ra giữa các vòng tay và máy chụp ảnh, và vô tình gặp Ximena Ortiz,trông như một nữ chúa một trăm tuổi trên xe lăn. Bản thân sự có mặt của bà đã như một lời tuyên án trọng tội đối với tôi. Bà vận bộ đồ lụa màu trắng ngà, mềm mại như chính làn da của mình, mang vòng ngọc chính hiệu quấn ba vòng quanh cổ, mái tóc màu xà cừ cắt ngắn đúng mốt những năm hai mươi với một đuôi tóc hình cánh én một bên má, và đôi mắt ánh vàng rạng rỡ dưới vầng thâm quầng tự nhiên ở đuôi mắt. Mọi thứ đều như trái ngược với tin đồn là trí não của bà đã trống rỗng vì mất hết trí nhớ. Đứng chết lặng trước bà ta, tôi cố kìm làn hơi lửa đang bốc lên mặt và lặng lẽ cúi chào. Bà ta mỉm cười như một nữ hoàng rồi nắm tay tôi. Tôi chợt nhận ra đây là định mệnh mà mình không thể bỏ qua để có thể gỡ miếng xương bị hóc từ bấy lâu nay. Từ bao năm nay tôi đã mơ tới giây phút này, tôi nói với bà ta. Hình như bà ấy không hiểu. Thật vậy à! bà ta nói. Thế ông là ai? Tôi không bao giờ biết được lúc đó bà ta thật sự đã quên hay đó là sự trả thù cuối cùng của đời bà.

Niềm tin là mình có thể chết đến với tôi cũng một dịp như thế này mấy hôm trước sinh nhật thứ năm mươi, vào một đêm hội hoá trang khi tôi đang nhảy điệu tan-gô với một người đàn bà ghê gớm mà tôi chưa bao giờ thấy mặt, béo hơn tôi đến bốn mươi cân Anh[10] và cao hơn tôi đến hai tấc, nhưng lại để tôi lôi đi nhẹ nhàng như chiếc lông chim trước gió. Khi nhảy múa, chúng tôi ôm nhau chặt đến mức tôi cảm thấy cả dòng máu đang chảy trong huyết quản của bà ta. Tôi như bị ru ngủ vì hơi thở nặng nề, mùi hôi nách nồng nặc, cặp vú khổng lồ của bà ta, và lần đầu tiên bị rung động mạnh, tôi như bị ngã bổ chửng vì tiếng hò hét của cái chết. Đó như một lời phán truyền dã man vang ngay bên tai tôi: Bây muốn làm gì thì làm, nhưng trong năm nay hoặc trong một trăm năm nữa bây sẽ chết vĩnh viễn.

Bà ta giật mình bỏ tôi ra: Cái gì thế? Không có gì đâu, tôi nói với bà ta nhưng cố kìm giữ trái tim mình:

– Tôi run vì bà.

Từ hôm đó tôi bắt đầu tính toán cuộc đời không phải bằng từng năm mà mười năm một. Mười năm của tuổi năm mươi có giá trị quyết định bởi vì tôi nhận ra là mọi người đều ít tuổi hơn mình. Mười năm của tuổi sáu mươi rất căng thẳng vì tôi nghĩ rằng mình không còn đủ thời gian để mắc sai lầm nữa. Mười năm của tuổi bảy mươi thật đáng sợ vì nhiều lúc tôi đã tưởng đó là những tháng ngày cuối cùng. Tuy nhiên, khi tỉnh dậy thấy mình còn sống trong buổi sáng đầu tiên của những năm chín mươi tuổi trên giường hạnh phúc với Delgadina, tôi vui vẻ thấy rằng cuộc đời không phải như dòng sông ngầu đục của Heraclite[11], mà là một dịp duy nhất được xoay trên que xiên ngang và tiếp tục được nướng tiếp ở mặt khác trong chín mươi năm nữa.

Tôi lại trở nên mau nước mắt. Bất cứ tình cảm thương yêu nào cũng làm tôi nghẹn ngào trong cổ họng mà không phải lúc nào cũng nén được, và tôi nghĩ đến chuyện từ bỏ niềm vui đơn độc chăm sóc giấc ngủ của Delgadina không chỉ vì biết mình sắp chết mà còn vì nỗi đau, thương cô bé sẽ sống thiếu mình trong những năm còn lại của đời em. Một trong những ngày bất định đó, tôi đãng trí đi đến đường phố cao quý Notorios và kinh ngạc thấy cái nhà trọ rẻ mạt nơi mà lúc chưa đầy mười hai tuổi, tôi bị cưỡng bức học bài học đầu tiên nghệ thuật làm tình nay chỉ còn là một đống gạch vụn. Thời trước nó đã từng là một căn nhà của một hãng tàu biển lộng lẫy bậc nhất thành phố với những hàng cột đá hoa cương trắng có viền các lá đồng giả vàng, quây quanh một khu vườn có vòm thuỷ tinh bảy màu rạng rỡ như trong nhà kính. Ở tầng trệt, có cửa ra vào kiểu gô-tích là trụ sở trong suốt hơn một thế kỷ của Phòng công chứng thời thuộc địa, cũng chính là nơi suốt cả đời đầy mơ ước hão huyền bố tôi đã làm việc, phát tài phát lộc và rồi phá sản. Các gia đình ngụ cư đầu tiên đã dần dần từ bỏ các tầng trên, nhường chỗ cho đội quân những cô gái làm tiền mạt hạng lên xuống suốt đêm cho đến tận sáng với các khách hàng chộp được ở các quán nhậu bên cảng sông gần đó với cái giá một đồng rưỡi peso. Một lần, khi chưa đầy mười hai tuổi, còn mặc quần đùi và giày học trò trường tiểu học, không nén được tò mò xem các tầng trên có gì trong khi bố đang vật lộn với một trong vô vàn cuộc họp bất tận, tôi đã đi lên trên và thấy một quang cảnh thần tiên. Những người đàn bà đã bán rẻ thân xác của mình cho đến tận sáng bạch, đang đi lại trong nhà từ mười giờ trưa dưới cái nóng hầm hập của vòm thuỷ tinh nên đành phải loã thể và luôn miệng hét kể lại những cuộc phiêu lưu đêm hôm trước. Tôi vô cùng sợ hãi. Chỉ còn cách trốn ngay theo lối vừa lên, nhưng ngay lập tức một người đàn bà trần như nhộng, thịt chắc nịch sặc mùi xà phòng rẻ tiền ôm choàng lấy tôi từ phía sau lưng, nhấc bổng lên đưa về buồng ngăn bằng bìa giữa tiếng reo hò và hoan hô cuồng nhiệt của những người đàn bà loã lồ khác đang thuê nhà ở đó. Bà ta đè ngửa tôi xuống chiếc giường dành cho bốn người, cởi quần của tôi với tài khéo léo bậc thầy, rồi nằm lên người tôi, nhưng nỗi sợ hãi chạy lạnh buốt trong người khiến tôi không thể tiếp nhận bà ta trên cương vị người đàn ông. Đêm hôn đó, trên giường ở nhà mình, xấu hổ vì cuộc cưỡng bức buổi sáng, tôi chỉ ngủ được có hơn một tiếng đồng hồ còn thì trằn trọc với niềm khát khao được gặp lại bà ta. Buổi sáng hôm sau, trong khi những kẻ thức khuya còn đang ngủ rốn thì tôi run run trèo lên buồng đánh thức bà ta dậy, vừa khóc to thành tiếng với tình yêu cuồng điên cho đến khi bà ta, không chút thương xót, đưa mình đến cửa vào đời thực, Bà ta tên là Castorina và là nữ hoàng của cái nhà đó.

Cuộc tình trong nhà trọ này giá một đồng đối với những mối tình chớp nhoáng vãng lai, nhưng rất ít người trong chúng tôi biết rằng với giá này cũng có thể kéo dài đến hai mươi bốn tiếng đồng hồ. Từ đó, Castorina đã dẫn dắt tôi vào cái thế giới chết tiệt nơi bà ta mời các khách hàng nghèo cùng dùng bữa ăn điểm tâm kha khá, cho họ mượn xà phòng, chữa đau răng cho họ, và trong những trường hợp khẩn cấp hơn, còn cho họ một cuộc tình từ thiện.

Không còn ai nhớ đến Castorina bất tử nữa, vốn đã chết không biết từ lúc nào, nhưng bà ta là một người đàn bà đi lên từ những góc phố khốn cùng ở cảng sông để chiếm giữ ngai vàng thiêng liêng của mẹ thánh lớn nhất, bà ta cũng thường mang miếng vải bịt kiểu cướp biển che một mắt bị mất trong cuộc đánh lộn ở quán nhậu. Tay vệ sĩ cuối cùng của bà ta, một người da đen hạnh phúc sinh ở tỉnh Camaguay, Cuba, được gọi là Jonas, vốn là một trong những nhạc công thổi kèn trompét có tiếng ở thủ đô La Habana cho đến khi bị tai nạn xe lửa mất sạch hàm răng luôn cười rạng rỡ.

Sau chuyến đi thăm cay đắng đó, tôi cảm thấy tim mình đau nhói mà trong suốt ba ngày không một loại thuốc của thầy lang vườn nào làm dịu bớt. Tôi vội đến khám ông bác sĩ, thành viên một dòng tộc nổi tiếng, cháu nội của người thầy thuốc đã khám cho tôi lúc bốn mươi hai tuổi. Tôi giật mình tưởng gặp lại chính ông thầy thuốc trước đây vì viên bác sĩ cũng già khọm như ông nội ở tuổi bảy mươi với cái đầu sớm bị hói và đôi kính cận dày cộp và với vẻ buồn bã thảm hại. Viên bác sĩ khám tỉ mỉ toàn thân tôi chăm chú cứ y như một thợ kim hoàn. Ông nghe ngực, lưng, xem mạch, phản xạ của đầu gối, đáy mắt, màu của mi dưới. Khi ngơi tay, trong khi tôi thay đổi vị trí nằm trên bàn khám thì ông ta đưa ra những câu hỏi nhanh và mơ hồ khiến tôi không kịp nghĩ câu trả lời. Sau một giờ đồng hồ, ông nhìn tôi và cười sung sướng. Tốt thôi, ông ta nói, tôi tin là mình chẳng có việc gì làm với ông cả. Thế nghĩa là sao? Nghĩa là thể trạng quá tốt so với tuổi của ông. Kỳ lạ thật, tôi nói, ông nội của ông cũng nói câu y như thế này khi tôi bốn mươi hai tuổi, làm như thời gian chưa từng trôi không bằng. Ông gặp ai thì người ta cũng luôn nói như vậy, ông ta nói tiếp, bởi vì bao giờ ông cũng có một tuổi nào đó. Để khiêu khích buộc ông ta nói lời phán quyết đáng sợ, tôi nói: Tuổi vĩnh viễn duy nhất chính là cái chết. Đúng vậy, ông ta nói, nhưng không dễ đến được tuổi ấy với một thể trạng khoẻ mạnh như ông bây giờ. Tôi rất lấy làm tiếc là không thể làm hài lòng ông được.

Đó là những kỷ niệm rất cao đẹp, nhưng đêm trước ngày sinh, 29 tháng Tám, tôi cảm thấy sức nặng kinh hồn của một thế kỷ đang lặng lẽ chờ mình khi tôi khó nhọc leo lên cầu thang ở nhà. Lúc đó, một lần nữa tôi lại nhìn thấy mẹ, Florina de Dios, trên giường của tôi cũng chính là giường của bà đã dùng cho đến tận khi chết, mẹ lại cầu nguyện cho tôi y như lần cuối cùng tôi gặp bà, hai giờ trước khi bà mất. Tôi lo lắng hiểu việc này có thể là điềm báo hiệu cuối cùng là mình sẽ không qua khỏi tuổi chín mươi nên vội vàng gọi điện thoại yêu cầu Rosa Cabarcas phải đưa ngay cô bé của tôi đến trong đêm nay. Tôi lại gọi bà ta lần nữa vào lúc tám giờ tối và bà ta vẫn nhắc lại là không thể được. Phải làm bằng được, bằng bất cứ giá nào, tôi sợ hãi hét lên và dập máy điện thoại quên cả chào. Nhưng mười lăm phút sau bà ta gọi điện lại:

– Được rồi, con bé đã ở đây.

Tôi đến vào lúc mười giờ hai mươi phút, và lật hết những con bài cuối cùng cho Rosa Cabarcas, đó chính là những quyết định của tôi đối với bé gái sau cái kết cục đáng sợ của chính mình. Bà ta cứ nghĩ là tôi vẫn còn ấn tượng về vụ người đàn ông bị đâm chết nên nói đùa: Nếu ông chết thì dứt khoát không phải là ở đây, ông hãy hình dung như vậy. Nhưng tôi lại nói với bà ta: Bà cứ nói chuyến tàu hoả ở cảng Colombia sẽ đè lên người tôi đi, nhưng tôi thừa biết đống sắt vụn đáng thương đó lại không đủ khả năng giết hại ai cả.

Chuẩn bị sẵn sàng cho đêm đó, tôi nằm ngửa chờ đợi kết cục đau buồn của những giây phút đầu tiên của tuổi chín mươi mốt. Tôi nghe tiếng chuông nhà thờ vọng lại từ nơi xa, cảm thấy hương thơm ngào ngạt của tâm hồn Delgadina ngủ say bên cạnh, nghe thấy tiếng la hét nơi chân trời xa, tiếng khóc thổn thức của ai đó có lẽ đã chết ngay trong phòng này một thế kỷ trước. Tôi liền tắt đèn và với lòng can đảm cuối cùng, tôi lồng các ngón tay mình với các ngón tay cô bé để dắt tay nhau cùng đi. Tôi đếm mười hai tiếng chuông với mười hai giọt lệ cuối cùng của mình cho đến khi gà bắt đầu gáy sáng, và sau đó là những hồi chuông vinh quang, những tràng pháo hoa ngày lễ hội phấn khởi chào mừng tôi đã khoẻ mạnh và an toàn vượt qua tuổi chín mươi.

Những lời nói đầu tiên của tôi dành cho Rosa Cabarcas: Tôi sẽ mua của bà toàn bộ khu nhà, gồm cửa hàng và vườn tược. Bà ta nói với tôi: Chúng ta hãy làm một cuộc thách đố kiểu người già: ai trong hai ta mà sống sót thì sẽ được hưởng toàn bộ tài sản của người kia, và điều này sẽ được ký kết tại phòng công chứng. Không được, bởi vì nếu tôi chết thì mọi tài sản của tôi phải thuộc về cô bé. Thì cũng như vậy thôi, Rosa Cabarcas nói, tôi sẽ chăm sóc cô bé và sau đó tôi sẽ để lại toàn bộ tài sản, của ông và của tôi, cho nó; tôi có ai khác ở trên đời này nữa đâu. Trong khi đó, chúng ta sẽ sửa lại căn phòng của ông cho thật tươm tất, nhà tắm thật tốt, có điều hoà nhiệt độ, có sách của ông, có âm nhạc của ông.

– Bà nghĩ rằng cô bé sẽ nhất trí chứ?

Ái chà, nhà thông thái buồn bã ơi, đúng là ông đã già nhưng không ngu muội – Rosa Cabarcas cười ngặt nghẽo nói – Đứa bé đáng thương đó đang mê muội vì yêu thương ông đấy.

Tôi đi ra phố ngập tràn ánh nắng và lần đầu tiên tôi nhận ra chính mình ở chân trời xa của thế kỷ thứ nhất của cuộc đời. Căn nhà của tôi, im lặng và hoàn toàn gọn gàng nề nếp, bắt đầu hưởng sắc màu của bình minh hạnh phúc. Damiana hát to dưới bếp và con mèo sống lại cạ đuôi vào giày tôi rồi đi theo tôi đến tận bàn viết. Giấy tờ héo mòn, lọ mực, chiếc bút lông ngỗng của tôi đều đã được sắp xếp gọn gàng trở lại, khi ánh nắng mặt trời lấp lánh giữa hàng cây bàng ngoài công viên và chiếc tàu thủy chạy trên sông chở thư tín vốn bị chậm một tuần vì hạn hán, đã kéo còi ồn ã đi vào cảng. Cuối cùng thì đó chính là đời thực, với trái tim tôi mạnh khỏe nhưng đã bị tuyên án sẽ chết vì tình yêu đẹp đẽ trong cơn hấp hối hạnh phúc vào một ngày nào đó ở tuổi ngoài một trăm của tôi.

Tháng 5 năm 2004.

Dịch Giả: LÊ XUÂN QUỲNH

Hết