Con bé có thể tên là gì nhỉ? Bà chủ nhà không nói cho tôi biết. Khi nói về nó bà ta chỉ kêu là: bé gái. Và thế là tôi biến từ đó thành một tên cúng cơm, đại khái giống như cách gọi đứa bé gái mắt tròn hoặc con thuyền buồm nhỏ xinh. Ngoài ra, bà Rosa Cabarcas cũng có thói quen đặt cho mỗi cô gái điếm một cái tên khác nhau tuỳ thuộc vào khách hàng. Tôi thích nhìn mặt từng cô để đoán tên, và ngay từ đầu tôi đã tin chắc rằng cô bé này phải có cái tên dài đại loại như Filomena, Saturnina hoặc Nicolasa. Tôi đang nghĩ ngợi về chuyện tên này thì cô bé xoay người và quay lưng lại phía tôi, để lại trên giường một vũng nước rộng bằng thân thể, trông như máu. Tôi hốt hoảng mất một lúc mới xác định đuợc đó chỉ là vũng mồ hôi đọng trên tấm drap trải giường. Rosa Cabarcas đã khuyên tôi đối xử cẩn trọng với cô bé vì nó vẫn chưa hết giật thót từ buổi gặp gỡ đầu tiên. Hơn nữa: chính nghi thức long trọng vừa rồi chỉ làm nó thêm sợ hãi nên đã phải tăng nồng độ thuốc Valerian bằng rễ cây nữ lang, thế là nó ngủ say sưa đến mức không ai nỡ đánh thức mà không hát ru. Tôi quay ra dùng khăn thấm mồ hôi cho cô bé và thầm thì hát bài ca của Delgadina, người con gái út được vua cha yêu chiều. Tôi thấm đến đâu thì phần thân thể ướt đẫm mồ hôi của cô bé càng lộ ra đến đó hoà trong tiếng hát của tôi: Delgadina, Delgadina, em sẽ là vật làm tin mà anh yêu dấu. Tôi rất khoái công việc này vì cứ lau khô xong phía này thì thân thể của bé gái lại ướt đẫm ở phía khác làm cho bài hát không thể nào kết thúc được. Delgadina ơi, em hãy tỉnh dậy, mặc váy lụa đi em, tôi tiếp tục hát ru vào tai cô bé. Cuối cùng, đến đoạn những người hầu cận của vua phát hiện ra cô đã chết khát trên giường thì tôi cảm thấy cô bé hình như sắp tỉnh dậy khi nghe thấy tên gọi. Như vậy tên của cô bé chính là : Delgadina.
Tôi quay lại giường với chiếc quần lót có in các nụ hôn của các nữ đồng nghiệp và nằm xuống bên cạnh cô bé. Tôi ngủ một mạch đến năm giờ sáng trong tiếng thở đều đều êm ái của đứa bé gái. Không kịp rửa mặt, tôi vội vàng mặc quần áo, và chỉ đến lúc đó tôi mơi nhìn thấy dòng chữ được viết bằng son môi trên tấm gương trong buồng tắm: Con hổ không ăn nơi xa. Tôi biết rõ là đêm truớc chưa có câu này và đã không có ai lọt vào trong phòng suốt đêm, thế chắc là tặng phẩm mừng sinh nhật của quỷ sứ rồi. Tiêng sấm đáng sợ trùm lên tôi ngay cửa ra vào và căn phòng tràn ngập mùi đất ẩm ướt trước cơn mưa. Tôi không chạy trốn kịp. Trước khi gọi được xe taxi, trời đã đổ sập lên đầu tôi một cơn mưa rào tầm tã, vốn ít khi xảy ra trong thành phố từ tháng Năm đến tháng Mười khiến những đường phố đầy cát nóng trở thành dòng nuớc cuốn phăng tất cả ra phía bờ sông. Sau ba tháng hạn hán, cơn mưa bất thuờng trong tháng Chín đó vừa là may mắn vừa là đại họa.
Vừa mở cửa vào nhà tôi đã gặp ngay cảm giác là mình không sống cô độc . Tôi kịp nhìn thấy ánh mắt con mèo vừa nhảy khỏi bộ ghế bành ra phía ban công. Trên dĩa của nó vẫn còn thức ăn mà tôi không dành cho nó. Mùi nước đái chua khẳm và phân còn nóng hổi của nó sực nức trong phòng. Tôi đã để công sức nghiên cứu về nó như đã từng học tiếng La tinh. Theo sách hướng dẫn thì loài mèo thường bới đất để giấu phân của mình, và ở những nhà không có vườn như nhà của tôi, chúng thường làm việc này trong những chậu cây cảnh hoặc bất cứ góc khuất nào. Vì vậy người ta khuyên ngay từ ngày đầu tiên nên chuẩn bị sẵn một hộp đựng cát và hướng dẫn nó đi vào đó, và chính tôi đã làm đúng lời hướng dẫn này. Người ta cũng nói rằng điều đầu tiên phải làm ở nhà mới là đánh dấu mọi ngóc ngách nơi con mèo thường đi tiểu, và tôi cũng làm như vậy, nhưng sách lại không hướng dẫn cách dạy nó đi đúng chỗ như thế nào. Tôi đã theo sát để làm quen với thói quen gốc của nó, nhưng đã không thể phát hiện ra những nơi nó giấu phân, nơi nó nghỉ và lý do những cáu bẳn bất thường của nó. Tôi muốn dạy nó ăn đúng giờ, dùng thùng cát để trên sân thượng, không leo lên giường khi tôi ngủ và không đánh hơi các món ăn để ở trên bàn, và tôi cũng không thể làm cho nó hiểu được rằng nó có quyền coi căn nhà là của mình nhưng không thể coi căn nhà như một thứ chiến lợi phẩm chiến tranh. Thế là tôi đành để nó muốn làm sao thì làm.
Vào lúc chiều tà, lại thêm cơn mưa rào nữa ập đến với những cơn gió mạnh tựa như muốn phá tung căn nhà. Tôi hắt xì hơi liên tục, đầu đau nhức và sốt cao, nhưng lại cảm thấy mạnh mẽ hơn bao giờ hết và cũng chẳng hiểu vì sao. Tôi bày chảo ra khắp sàn nhà để hứng nước mưa rơi từ những chỗ dột trên mái nhà và thấy có thêm nhiều chỗ dột mới từ mùa đông năm ngoái. Từ chỗ dột lớn nhất nước bắt đầu tràn ngập phía bên phải của phòng đọc sách. Tôi vội vàng tìm cách cứu ngay các tác giả cổ điển Hy Lạp và La Tinh đang sinh sống ở phía đó, nhưng khi lấy các cuốn sách ra tôi gặp ngay một dòng nước phun cực mạnh từ lỗ thủng ống nước trong tường. Tôi dùng giẻ cố bịt lại được tý nào hay tý đó cho kịp cứu các cuốn sách. Mưa gió gào thét cuồng loạn ngoài công viên . Bỗng một ánh chớp ma quái kèm theo tiếng sấm kinh hoàng đã làm cho bầu không khí sặc mùi lưu huỳnh, và gió mạnh đập các cửa kính ở ban công và bão biển làm tung hết chốt cửa cũng ào đầy vào nhà. Tuy nhiên, chưa đầy mười phút, trời bỗng tạnh mưa. Ánh nắng chói chang làm khô ngay những đường phố ngập đầy gạch vụn lạnh cóng và trời lại nóng trở lại.
Khi cơn mưa rào qua đi, tôi lại tiếp tục có cảm giác không chỉ có một mình ở trong nhà. Tôi chỉ có cách tự giải thích duy nhất là mọi sự việc có thật thì người ta thường dễ quên đi, nhưng có những việc không có thật thì cứ tồn tại trong ký ức y như nó đã từng xảy ra vậy. Cứ mỗi lần nhớ đến trận mưa rào là tôi lại tự thấy không đơn độc trong nhà mà luôn luôn có mặt Delgadina. Tôi cảm thấy nàng rất gần gũi vào ban đêm thậm chí còn ngửi thấy hơi thở của nàng trong phòng ngủ và tiếng mạch đập khẽ khàng nơi má của nàng trên chiếc gối của tôi. Chỉ có như vậy tôi mới hiểu được tại sao mình đã làm được bao nhiêu việc trong một khoảng thời gian ngắn ngủi. Tôi nhớ là nàng trong bộ đồ thêu hoa đã trèo lên chiếc ghế ở phòng đọc sách, tỉnh táo tiếp lấy từng cuốn sách để cứu nó khỏi bị dột ướt. Tôi đã thấy nàng chạy đi chạy lại khắp nơi trong nhà nuớc ngập đến đầu gối để chống chọi lại cơn mưa gió. Tôi còn nhớ là sáng hôm sau nàng còn chuẩn bị bữa điểm tâm không hề có và chuẩn bị cả bàn ăn trong khi tôi lau sàn nhà và sắp xếp lại đồ đạc sau cơn hồng thủy. Không bao giờ tôi quên được ánh mắt tối sẫm của nàng khi chúng tôi cùng ăn điểm tâm: Tại sao mãi đến tận khi già cả thế này anh mới quen em? Tôi còn nói thật với nàng: Tuổi tác không phải là số năm mà người ta có mà chính là cái mà người ta cảm thấy ở trong cơ thể mình.
Từ đó tôi cứ ghi nhớ mãi hình ảnh rõ ràng của nàng trong ký ức đến mức muốn làm gì nàng cũng được . Tôi thay đổi màu mắt của nàng tuỳ theo trạng thái tâm hồn của chính mình: màu nước khi tôi thức dậy vào buổi sáng, màu mật khi tôi cười và màu lửa khi tôi cãi nhau với nàng. Tôi khoác trang phục cho nàng tuỳ theo tuổi tác và điều kiện phù hợp với tâm lý từng lúc của tôi: nàng mặc bộ đồ cô dâu say đắm ở tuổi hai mươi, y phục của loại gái gọi ở tuổi bốn mươi, như nữ hoàng xứ Babilon ở tuổi bảy mươi và như nữ thánh ở tuổi một trăm. Chúng tôi song ca những bản tình ca của Puccini, điệu bolero của Agustin Lara , điệu tango của Carlos Gardel, và đã một lần chúng tôi xác định được rằng những ai không hát thì không thể hình dung ra niềm hạnh phúc được hát dân ca. Hôm nay, tôi biết đó không phải là ảo giác mà chính là điều huyền diệu của mối tình đầu của tôi ở tuổi chín mươi.
Khi căn nhà đã dọn dẹp xong, tôi liền gọi điện cho Rosa Cabarcas. Chúa ơi! Bà ta thốt lên khi nghe thấy tiếng nói của tôi, tôi tuởng ông chết đuối rồi chứ. Tôi không hiểu nổi sao ông lại đòi ngủ với con bé mà không thèm đụng đến nó cơ chứ. Ông có toàn quyền không thích nó, nhưng tối thiểu cũng phải hành xử như người lớn. Tôi cố giải thích nhưng bà ta đã đổi đề tài : Dù sao tôi cũng đã chuẩn bị cho ông một cô khác lớn tuổi hơn một chút, đẹp và cũng còn trinh nguyên. Bố của con bé muốn đổi nó lấy một căn nhà, nhưng cũng có thể mặc cả giảm bớt giá. Tim tôi nghẹn lại. Ngay lập tức tôi phản đối, tôi muốn con bé cũ cơ, và cứ như mọi khi, không được để thất bại, cãi vã, không kỷ niệm xấu. Đường dây điện thoại im ắng, và cuối cùng cũng có tiếng nói nhẫn nhục như tự nhủ một mình: Được thôi, đúng như thầy thuốc vẫn nói, đây đúng là chứng bệnh điên loạn già nua.
Mất hồn vì cô bé Delgadina say ngủ, tôi đã vô tình thay đổi dần tinh thần của các bài báo chủ nhật của mình. Dù về bất cứ đề tài gì, thì tôi cũng chỉ viết cho cô ấy, cười, khóc trong các bài báo cũng vì cô ta, và trong từng câu chữ cũng đều có giọt đời tôi tuôn chảy. Thay vì công thức báo chí truyền thông vẫn theo từ bao năm nay, tôi viết các bài đó như những bức thư tình mà mỗi người đọc có thể tự coi là của chính bản thân mình. Tôi đề nghị cho đăng các bài này không bằng chữ nhà in mà bằng chính nét chữ viết tay của tôi. Trưởng ban biên tập thì cho rằng đây lại là một trò vô tích sự của tuổi già, nhưng viên chủ bút thì thuyết phục lại ông ta bằng câu nói mà đến tận bây giờ vẫn còn vang vọng trong toà soạn:
– Ông chớ nhầm: những người điên hiền lành thường đi trước thời đại đấy nhé.
Đông đảo công chứng đã hưởng ứng ngay lập tức và nhiệt tình, những bức thư si tình tới tấp bay về tòa báo. Một số bức được tài phát thanh sử dụng trong bản tin thời sự khi không có đủ tin tức cần thiết vào phút chót, và người ta còn sao lại bằng cách in rônêo hoặc giấy than thành các tờ bướm bán cùng với thuốc lá nhập lậu ở các góc phố đường San Blas. Ban đầu rõ ràng những bài báo này chỉ là nỗi đam mê được tự giãi bày tình cảm của tôi, nhưng dần dà quen nếp say mê để trở thành giọng điệu của một người đàn ông chín mươi tuổi không chịu học cách suy nghĩ của người già. Cộng đồng trí thức, theo thói quen, tỏ ra e ngại, sợ sệt và chia rẽ, trong khi đó các nhà đoán tướng chữ ít suy tư thì cãi nhau ỏm tỏi khi phân tích các nét chữ của tôi. Chính họ đã làm chia rẽ các linh hồn, đốt nóng các cuộc tranh luận và làm cho nỗi chớ mong hoài niệm trở thành mốt sống của mọi người.
Khoảng cuối năm, tôi thương lượng với bà Rosa Cabarcas cho phép để lại trong phòng ngủ chiếc quạt điện, các đồ dùng ở bàn trang điểm và những thứ khác mà tôi sẽ mang đến để cho căn phòng có thể ở lâu dài được.Tôi vẫn đến vào mười giờ đêm nhưng luôn mang theo một thứ gì đó cho cô bé, hoặc cho sở thích của cả hai, và dành dăm phút đồng hồ lôi những đồ được giấu kín ra trang hoàng lại sân khấu ban đêm của hai chúng tôi. Trước khi ra đi, bao giờ cũng trước năm giờ sáng, tôi lại cất giấu chúng trong chỗ được khóa kỹ để trả lại căn phòng cho mục đích nguyên thuỷ bẩn thỉu là chốn dung thân của những mối tình buồn bã của đám khách vãng lai. Một sớm mai nọ, tôi bỗng nghe thấy Marcos Perez, phát thanh viên sáng giá nhất của đài phát thanh, đọc bài báo chủ nhật của tôi trong bản tin định kỳ vào thứ hai hàng tuần. Khi đã nén được cơn buồn nôn, tôi kinh sợ nói: Delgadina thế là em đã biết rồi nhé, sự nổi tiếng như là một bà già to béo không ngủ với ta nhưng khi ta bừng tỉnh dậy đã thấy bà ta luôn đứng nhìn ở cuối giường.
Ngày nọ tôi ở lại ăn sáng với Rosa Cabarcas, người mà tôi đã không còn coi là già khọm nữa dù cái vẻ tang tóc nghiêm nghị và chiếc mũ đen vẫn sùm sụp che khuất hàng mi của bà ta. Những bữa điểm tâm của bà ta vốn nổi tiếng là linh đình, với những món ăn trộn đầy hạt tiêu. Vừa cắn miếng đầu tiên, miệng tôi đã bỏng rát và nước mắt nước mũi chảy đầm đìa: Tối nay, chẳng cần trăng tròn tôi cũng sẽ cảm thấy bỏng rát lỗ đít. Xin ông đừng than thở nữa, bà ta nói. Nếu ông cảm thấy bỏng rát ấy là nhờ Trời ông vẫn còn cái đó đấy.
Bà ta tỏ ra ngạc nhiên khi tôi nhắc đến tên Delgadina. Tên con bé đâu phải như vậy, bà ta nói, nó tên là…Bà đừng nói nữa, tôi ngắt lời bà ta, đối với tôi nó chính là Delgadina. Bà ta nhún vai: Được thôi, dù sao thì nó cũng đã là của ông rồi, nhưng tôi thấy cái tên này hơi có vẻ lợi tiểu đấy. Tôi kể lại chuyện dòng chữ con hổ mà cô bé viết trên tấm gương. Chắc chắn không phải là con bé, Rosa nói, vì nó có biết đọc biết viết gì đâu.Thế thì của ai vậy? Bà ta nhún vai: Có thể là của ai đó trước đây đã chết trong phòng.
Tôi tận dụng bữa ăn sáng để dồn ép Rosa Cabarcas bằng những đề nghị tối thiểu cho hạnh phúc và sắc đẹp của Delgadina. Với vẻ láu lỉnh học trò, bà ta chấp nhận ngay không hề đắn đo. Buồn cười thật nhỉ! Bà ta nói với tôi. Tôi cảm thấy như ông đang cầu hôn con bé vậy. À mà này, bà ta bỗng nói, sao ông không cưới nó làm vợ luôn đi? Tôi như bị trời trồng. Nói thật nhé, bà ta nhấn mạnh, làm thế ông sẽ thấy rẻ hơn đấy. Cuối cùng thì ở tuổi của ông vấn đề là dùng được hay không dùng được, nhưng ông đã nói với tôi là việc này ông đã giải quyết xong rồi mà. Tôi ngắt lời bà ta: Tình dục là liều thuốc an ủi khi người ta không có đủ tình yêu.
Bà ta bật cười. Ái chà, thưa nhà thông thái, tôi vốn biết từ xưa đến nay ông luôn luôn là một đấng nam nhi, và bây giờ tôi rất vui mừng vì ông vẫn giữ được phong độ đó trong khi các kẻ thù của ông đã phải buông vũ khí. Người ta nói nhiều về ông cũng có lý thật. Thế bà đã nghe nói nhiều về ông Marcos Perez chưa? Mọi người đều nghe lời ông ta đấy, tôi nói với bà ta để chuyển đề tài. Nhưng bà ta lại nhấn mạnh: Nhưng ngày hôm qua trong mục Một tý trong một giờ của tất cả mọi người giáo sư Mamacho y Cano cũng nói rằng thế giới bây giờ không còn giống như trước đây nữa bởi vì không còn nhiều đấng nam nhi như ông.
Cuối tuần đó tôi thấy Delgadina bị sốt và ho. Tôi liền đánh thức bà Rosa Cabarcas dậy để đưa cho tôi những phương thuốc dân dã tự chế, và bà ta đưa một túi thuốc cấp cứu đến phòng ngủ. Ba ngày sau, Delgadina vẫn tiếp tục ốm mệt nên không đi làm công việc thường nhật là đơm cúc áo được. Thầy thuốc đã cho cô bé một toa thuốc dân dã chống cảm cúm bình thường và dự báo sẽ dứt cơn trong một tuần lễ, nhưng ông ta rất hoảng sợ vì tình trạng suy dinh dưỡng của nó. Tôi không gặp cô bé nữa vì cho là cần phải như vậy, và tranh thủ thời gian sửa sang lại căn phòng.
Tôi lại mang đến một bức tranh vẽ bằng bút mực của Cecilia Porras để minh họa cho tập truyện ngắn Tất cả chúng ta đều đang chờ đợi của Alvaro Cepeda. Tôi còn mang đến sáu tập Juan Cristóbal của Romain Rolland để chăn dắt những đêm không ngủ của mình. Như vậy là khi có thể quay lại thì Delgadina sẽ thấy phòng ngủ xứng đáng với niềm hạnh phúc dài lâu: bầu không khí đã được chất chống côn trùng trộn hương thơm làm cho trong sạch, tường được sơn màu hồng, bóng đèn màu sặc sỡ, hoa tươi cắm đầy các lọ hoa, những cuốn sách ưa thích của tôi, những bức tranh đẹp của mẹ tôi. Tôi thay chiếc đài bán dẫn cũ bằng cái mới có băng sóng ngắn để nghe được chương trình nhạc bác học cho Delgadina có thể ngủ giữa dòng âm thanh các bài tứ tấu của Mozart, nhưng có một đêm tôi phát hiện ra là nó đã điều chỉnh sang đài phát thanh chuyện phát các chương trình ca nhạc bolero thời thượng. Đó chắc chắn là sở thích âm nhạc của cô bé, và tôi chấp nhận không chút đau khổ vì thời trai trẻ tôi cũng đã hết lòng yêu mến điệu nhạc này. Ngày hôm sau, trước khi về nhà tôi dùng sơn môi viết lên chiếc gương soi: Bé em của anh, chúng ta đang đơn độc trên thế giới.
Thời kỳ này tôi có ấn tượng là lạ là cô bé đang lớn lên trước tuổi. Tôi nói điều này với Rosa Cabarcas và bà ta thấy điều đó là tự nhiên. Ngày năm tháng Mười Hai tới nó sẽ tròn mười lăm tuổi đấy, bà ta nói với tôi. Ứng đúng vào cung Nhân mã đấy[6]. Tôi cứ băn khoăn không biết điều này có thực không để làm lễ sinh nhật. Tặng cô bé quà gì được nhỉ? Một chiếc xe đạp, Rosa Cabarcas nói: Hàng ngày con bé phải đi xuyên qua thành phố hai lần để đến chỗ đơm cúc áo đấy. Bà ta chỉ cho tôi chiếc xe đạp nó đang dùng để ở sân sau. Tôi thấy nó chẳng khác gì một đống sắt vụn, hoàn toàn không xứng đáng với người phụ nữ đang được yêu thương. Nhưng tôi rất xúc động vì đó đúng là một bằng chứng rõ ràng chứng tỏ Delgadina hiện hữu trong đời thực.
Khi mua chiếc xe đạp tốt nhất cho cô bé, tôi không kìm được ý thích đi thử một vài vòng trong sân kho. Trả lời câu hỏi của người bán hàng về tuổi tác, tôi nói theo kiểu lấp lửng của người già: Tôi sẽ có chín mươi mốt tuổi. Anh nhân viên nói đúng điều tôi mong muốn: Nhưng trông ông trẻ hơn hai mươi tuổi đấy. Bản thân tôi cũng không hiểu nổi làm sao mình vẫn giữ được thói quen nghịch ngợm thời học trò và cảm thấy sung sướng lâng lâng trong lòng. Tôi bắt đầu hát. Lúc đầu chỉ hát nho nhỏ cho chính mình nghe, rồi hát thật to như muốn vỡ lồng ngực với vẻ cao ngạo của Caruso, vừa đạp xe chạy giữa những cửa hàng sắc màu loè loẹt và cảnh buôn bán điên rồ của khu chợ bình dân. Mọi người vui thích nhìn tôi, gọi tôi rối rít, khuyến khích tôi tham gia vào cuộc đua xe lăn vòng quanh đất nước Colombia. Tôi giơ tay vẫy chào mọi người như một thủy thủ hạnh phúc và vẫn không ngừng hát ca. Trong tuần lễ đó, để chào đón tháng Mười Hai, tôi viết một bài báo mạnh bạo khác: Làm thế nào để cảm thấy hạnh phúc khi ngồi trên xe đạp ở tuổi chín mươi.
Đêm sinh nhật cô bé, tôi hát cho Delgadina nghe toàn bộ bài ca và hôn toàn thân cô cho đến khi không còn đủ hơi sức nữa mới thôi: dọc theo sống lưng, từng đốt xương một, cho đến mông đít trắng xanh nhợt nhạt, bên sườn có vết sẹo, bên sườn có trái tim không mệt mỏi của em. Tôi hôn đến đâu thì thân thể cô bé nóng dần lên đến đó và toát lên mùi hương đồng cỏ nội. Cô bé cũng đáp lại những nụ hôn của tôi bằng những rung động mới ở từng tấc da thịt, và ở mỗi chỗ trên da thịt của bé tôi lại thấy độ nồng ấm khác nhau, một hương vị riêng, một tiếng rên mới, và toàn thân bé như rung lên liên tiếp các nốt nhạc trong bản hợp âm rải và hai núm vú hé nở như hoa dù tôi không đụng đến. Tôi bắt đầu thiu thiu ngủ vào lúc sáng sớm khi cảm thấy tiếng rì rầm của đám đông ngoài biển và nỗi sợ hãi của hàng cây như xuyên qua trái tim mình. Lúc ấy tôi đi ngay vào buồng tắm và viết lên trên tấm gương: Delgadina của đời anh, những làn gió Giáng sinh đã thổi nến rồi.
Một trong những kỷ niệm hạnh phúc nhất đời tôi chính là cảm giác xao xuyến trong lòng buổi sáng sớm ngày nọ khi vừa bước ra khỏi trường học. Chuyện gì đã xảy ra với tôi nhỉ? Cô giáo ngơ ngác nói với tôi: Chà, hoá ra em không biết đó là những làn gió biển à? Tám mươi năm sau, một lần nữa tôi lại cảm thấy làn gió khi tỉnh dậy trên giường của Delgadina, cũng trong một sáng tháng Mười Hai đến rất đúng hẹn với bầu trời trong suốt, những cơn bão cát, những cơn lốc ngoài đường phố làm tốc mái nhà và tốc váy các cô bé học sinh. Lúc này, thành phố như vang vọng tiếng ma quỷ. Trong đêm lộng gió biển người ta vẫn nghe thấy tiếng hò hét từ khu chợ vọng lên đến tận những khu dân cư cao nhất như ở ngay góc phố. Nên cũng chẳng có gì lạ nếu lồng trong tiếng gió tháng Mười Hai ta vẫn nghe thấy tiếng những người đang tản mác đâu đó trong những hộp đêm xa xôi nhất.
Tuy nhiên, những cơn gió biển cũng mang lại tin chẳng tốt lành gì là Delgadina không thể qua lễ Giáng sinh cùng tôi vì cô bé phải ở với gia đình mình. Nếu có điều gì làm tôi căm ghét nhất ở thế gian này thì đó chính là những ngày lễ bắt buộc trong đó người ta khóc vì vui sướng, những buổi bắn pháo hoa, những bài hát mừng trong lễ Nô-en, những dây hoa giấy chẳng liên quan gì đến đứa trẻ đã ra đời cách đây hơn hai nghìn năm trong một chuồng ngựa nghèo nàn. Tuy nhiên khi đêm đến, tôi không cầm nổi nỗi nhớ mong và tôi đã đến phòng ngủ không có cô bé say ngủ. Tôi ngủ rất ngon, và tỉnh dậy cùng với một con gấu nhồi bông đi được hai chân như gấu trắng Bắc cực cùng với một tấm danh thiếp ghi: Để tặng người bố xấu xí. Rosa Cabarcas đã có lần nói với tôi là Delgadina đang học đọc qua những bài giảng của tôi viết trên gương, và nét chữ đẹp của em khiến tôi thấy khâm phục. Nhưng chính bà ta lại làm tôi buồn vì cái tin quá tệ hại: con gấu là quà của chính bà ta, thế là tôi quyết định qua đêm đón Năm mới ở ngay nhà mình và lên giường từ lúc tám giờ tối rồi ngủ không hề vương vấn chút cay đắng nào. Tôi cảm thấy hạnh phúc, bởi vì vào thời khắc mười hai giờ đêm, trong tiếng chuông vang vang bực tức, tiếng còi tầm của các nhà máy và xe cứu hỏa, tiếng thở than của các con tàu thủy, tiếng nổ của thuốc súng, của pháo, tôi cảm thấy Delgadina đi rón rén vào nhà, nằm xuống bên cạnh tôi và trao cho tôi một nụ hôn. Thật đến nỗi trên miệng tôi còn đọng mùi hương cam thảo của nàng.