Tôi thức dậy từ rất sớm ngày 9/8/1966 sau một đêm chập chờn. Tôi đã thức dậy nhiều lần để nguệch ngoạc ghi chú về cả nghìn lẻ một điều phải làm. Mọi chuyện đều đã đâu vào đấy cho việc tuyên bố độc lập vào lúc 10 giờ trên đài truyền thanh. Tôi quyết định không đích thân đọc bản tuyên bố. Tôi có quá nhiều việc phải làm liên tiếp. Trước nhất tôi phải thông báo tường tận với các viên chức ở các bộ và các phòng ban mà từ trước tới nay vẫn trực thuộc Kuala Lumpur, từ nay sẽ được chuyển sang thẩm quyền của Singapore. Thế rồi ngay trước khi tới thời điểm đã định, tôi phải gặp các nhà ngoại giao, có thể triệu tập được tức thời, để thông báo cho họ biết về nền độc lập của Singapore và yêu cầu họ xin chính phủ của họ thừa nhận Singapore. Điều đó quả là mệt mỏi về mặt tình cảm.
Vào lúc 10 giờ, tờ công báo có đăng hai bản công bố có chữ ký của tôi và của Tunku được phát hành cùng lúc với các văn kiện khác liên quan tới chuyện chia tách. Lập tức, tất cả các chương trình phát thanh tại Singapore đều ngưng lại để phát lời tuyên bố. Tiếng nói lan truyền như lửa dậy về chuyện Singapore tách khỏi Malaysia và giờ đây trở thành nước độc lập gây sửng sốt cho hàng triệu con người. Ngay lúc bản tuyên bố được truyền đi tại Singapore, Tunku đang tuyên bố sự tách ly trong quốc hội liên bang tại Kuala Lumpur. Hạ viện đã được triệu tập để làm ba vòng thảo luận về nghị quyết do Razak đệ trình nhằm thông qua tức thời Dự luật Tu chính Hiến pháp về Singapore. Tôi sợ sẽ có những trễ nải bất ngờ, nhưng Tunku và các đồng sự của ông đã quyết không để bất kỳ điều gì ngăn cản được họ. Vào chiều tối hôm đó, cả hai viện của quốc hội đã hoàn tất các vòng thảo luận và nhà vua cũng chấp thuận. Singapore ra đi.
Tunku đã nói thẳng thừng và đi ngay vào vấn đề. Trước mắt ông chỉ có hai đường hướng để lựa chọn: dùng những biện pháp áp chế hoặc cắt đứt mọi quan hệ với chính phủ bang Singapore, vốn “không còn bày tỏ lòng trung thành với chính quyền trung ương nữa”. Biện pháp áp chế với một số ít người, ông nói, sẽ chẳng giải quyết được vấn đề, bởi mầm mống khinh miệt, sợ hãi và căm ghét đã được gieo trên đất Singapore rồi. Razak đã tìm cách, nhưng không thành công, để thỏa thuận với các nhà lãnh đạo ở đây, nhưng ngay khi vấn đề này vừa được giải quyết xong thì chuyện khác lại nổi lên.
Đến lúc bỏ phiếu, có 126 phiếu tán thành và không có phiếu chống. Ja’afar Albar làm nổi bằng cách không dự và tại một cuộc họp báo ở trụ sở Quốc hội, ông ta tuyên bố từ chức tổng thư ký UMNO “để giúp cho Tunku khỏi bị bối rối”. Ông ta phản đối quyết liệt chuyện chia tách, ông nói: “Bởi nó sẽ giúp Singapore thoát khỏi sự quản lý của chính phủ trung ương và khiến cho Malaysia trở nên bất hợp lý.”
Phát biểu với báo chí sau bài diễn văn ở quốc hội, Tunku đã có một sự cam kết rằng “việc chia tách này sẽ dựa trên sự hiểu biết rằng chúng tôi sẽ cộng tác chặt chẽ trong các vấn đề quốc phòng và mậu dịch,” và khi gặp gỡ các ký giả vào chiều hôm đó tại Đài Truyền thanh và Truyền hình Singapore (RTS), tôi đã trả lời lại bằng cách nói rằng: “Chúng ta sẽ cần nhau và chúng ta sẽ hợp tác với nhau. Ước muốn chân thành nhất của tôi là như vậy.” Trước đó tôi đã tổ chức một cuộc họp báo truyền hình tại RTS vào lúc trưa, tại đó lòng tôi nặng trĩu những cảm xúc, và tôi đã phải cho ngưng việc thu hình lại hết 20 phút cho đến khi trấn tĩnh và có thể tiếp tục.
Tôi đã bỏ rơi nhiều người ở Malaya, Sabah và Sarawak. Họ đã đáp lại lời kêu gọi của chúng tôi về một đất nước Malaysia cho người Malaysia. Nếu họ không làm như vậy, và không có nguy cơ của những vụ xung đột chủng tộc lan tràn nếu chính phủ Malaysia bắt giam chúng tôi thì Singapore đâu có bị gạt ra ngoài. Bởi họ đã đoàn kết quanh chúng tôi và cũng nhiệt tình như chúng tôi về một đất nước Malaysia cho người Malaysia, nên chúng tôi đã bị trục xuất. Bằng cách chấp thuận chuyện chia tách, tôi đã phụ lòng họ. Chính cảm giác tội lỗi đó đã khiến tôi không kiềm chế được lòng mình. Đó chính là lúc khổ tâm của tôi. Mọi chuyện đã dĩ lỡ rồi, nhưng tôi lại quá kích động với ý nghĩ đã làm tan vỡ hy vọng của hàng triệu con người, những hy vọng do chúng tôi gầy dựng mà nên. Nhưng trong lúc tôi cảm thấy cắn rứt và quẫn trí, thì lại có một cuộc chào mừng tại China town. Các thương nhân đã đốt cả tràng pháo để chào mừng sự tự do thoát khỏi cảnh đè nén chủng tộc, nhưng trong thành phố, các viên chức đều hiểu rằng có thể có rắc rối chủng tộc xảy ra, và vào khoảng bốn giờ chiều thành phố bỗng im ắng khác thường – ai nấy đều sớm về nhà.
Đối với tôi, đó là một ngày đầy ắp công việc, nào là gặp gỡ những người tôi phải gặp, làm những việc tôi phải làm. Vị khách cuối cùng của tôi là Antony Head, đêm đó ông đã bay từ Kuala Lumpur đến Sri Temasek để gặp tôi. Tôi vẫn giữ vẻ thản nhiên, hỏi ông ta xem đã có chỉ thị nào của chính phủ Anh cho phép thừa nhận Singapore hay chưa. Dĩ nhiên là ông chưa thể có được – nào đã kịp chuyện gì đâu. Trong thâm tâm, tôi rất lấy làm tiếc là đã đền đáp cho những nỗ lực kiên trì của ông nhằm giữ cho Malaysia đi đúng đường bằng hành động giấu kín ông chuyện chia tách này. Nhưng tôi không có chọn lựa nào khác. Khi tin tức bay đến London, Harold Wilson đang đi nghỉ tại đảo Scilly và Arthur Bottomley, Bộ trưởng Quan hệ Khối Thịnh vượng Chung, lại đang ở Tây Phi. Bộ trưởng Ngoại giao, Michael Stewart, đã bay đến Scilly để thảo luận với Wilson, và vào ngày 10/8, tôi nhận được điện văn sau của Wilson thông qua phó cao ủy thường trực Anh tại Singapore:
“Tôi muốn báo cho ông biết rằng chúng tôi đã quyết định công nhận tức thời Singapore là một quốc gia độc lập, và chúng tôi đã thông báo điều này trên các báo buổi sáng ngày mai. Tôi đã đọc thư ông và tôi rất quý những lời lẽ chân thành của ông. Tôi rất vui là ông đã muốn cộng tác với chúng tôi trong tình hữu nghị. Tôi phải nói rằng tôi đã thất vọng là chúng tôi đã không được hỏi ý kiến trước khi một bước đi quan trọng như vậy được tiến hành, bởi, dĩ nhiên, nó mang những hệ quả lớn đối với chúng tôi. Chúng tôi giờ đây đang suy xét thật nhanh chóng về những hệ quả này. Nhưng ông có thể tin chắc là chúng tôi mong ước điều tốt cho ông. Tôi lo rằng Sukarno có thể cố găng lợi dụng bước phát triển mới này cho các mục tiêu của ông ta. Tôi chắc ông sẽ đồng ý rằng tất cả chúng ta phải thận trọng tránh bất kỳ cái gì có thể cho phép ông ta thủ lợi.”
Quyết định của Wilson thật là lẹ làng, và một khi chính phủ Anh đã công nhận nền độc lập của chúng tôi, tôi tin rằng chúng tôi sẽ giành được sự công nhận của quốc tế không khó khăn gì. Nhưng tình cảm của các nước thì lại chia rẽ theo chiến tuyến trong cuộc Chiến tranh Lạnh. Trong khi có sự hân hoan, mừng rỡ ở Jakarta, Moscow và Bắc Kinh thì cũng có cảm giác hết sức thất vọng và âu lo ở Anh, Úc, New Zealand, Mỹ và phương Tây nói chung.
Phản ứng của Indonesia thì mập mờ. Vào ngày 9/8, Tiến sĩ Subandrio, Bộ trưởng Ngoại giao, đã tỏ vẻ phấn khởi: sự chia tách chứng tỏ rằng Malaysia là một sản phẩm thuộc địa kiểu mới của người Anh, và Indonesia giờ đây đang chuẩn bị mở rộng cửa ngoại giao đón Singapore. Nhưng ngày hôm sau, sau một cuộc họp 90 phút với tổng thống Sukarno, ông đã phát biểu rằng chính phủ của ông thấy khó mà chấp nhận được sự độc lập của Singapore, bởi sự có mặt của các căn cứ quân sự Anh tại đây. Ông không hoàn toàn loại trừ khả năng sau này sẽ công nhận, và các nguồn tin có thẩm quyền cũng cho thấy rằng Indonesia sẽ không có gì phải phản đối các căn cứ đó cả miễn là chúng chỉ được dùng cho mục đích phòng thủ của chính hòn đảo này. Trong trường hợp đó, Jakarta có thể không đặt hòn đảo này nằm trong cuộc chiến Đối đầu của mình cho đến khi tình hình trở nên rõ ràng hẳn. Indonesia sẵn sàng chào đón Singapore như một người bạn nếu Singapore chứng tỏ mình không để cho các thế lực nước ngoài dùng mình làm bàn đạp xâm lược.
Tôi đã trả lời rằng Singapore cần đến các căn cứ quân sự của Anh, rằng nếu các căn cứ đó bị đóng cửa, sẽ có 44.000 công nhân bị thất nghiệp và hòn đảo sẽ không biết lấy gì để phòng vệ. Thế rồi vào ngày Độc lập của Indonesia, ngày 17/8, Sukarno đã có một bài phát biểu hùng hồn và đầy tính công kích, trong đó ông ta bảo rằng Mỹ và Anh hãy cút khỏi Đông Nam Á, và cảnh cáo với họ rằng trục Jakarta, Phnom Penh, Hà Nội, Bắc Kinh và Bình Nhưỡng sẽ đánh bại chủ nghĩa đế quốc trong khu vực. Kế đó, ông ta ra lệnh phong tỏa toàn bộ vốn đầu tư của Mỹ tại Indonesia. Ông ta quả đang sống một cách nguy hiểm – như lời ông ta nói, “Viva perilissimo”. Nền kinh tế của Indonesia vào thời đó đang trong bế tắc, với mức siêu lạm phát khiến cuộc sống của dân chúng trở nên hết sức vất vả.
Các phản ứng của phe đối lập tại Singapore cho thấy họ còn non yếu về chính trị. Liên minh Singapore (The Singapore Alliance) nói rằng họ thật sửng sốt trước chuyện PAP đồng ý chia tách mà không hề có sự ủy thác nào của dân chúng, bởi điều đó không hợp với ước muốn của công chúng thể hiện trong cuộc trưng cầu dân ý năm 1962. UMNO của Singapore thì kêu gọi tổng tuyển cử và nói rằng họ sẽ đấu tranh để tái nhập trở lại thành tiểu bang của Malaysia. Nhưng phản ứng lố bịch nhất là của Barisan Sosialis, họ từ chối chấp nhận nền độc lập “giả danh” của hòn đảo này, dựa trên lý lẽ đây là một âm mưu của người Anh để duy trì sự thống trị tại đây.
Sau ngày chia tách, Chin Chye và tôi tiếp ba lãnh tụ của Hội nghị Đoàn kết Malaysia trong phòng họp của nội các. Đó là một trong những cuộc họp đau lòng nhất trong đời tôi. Tôi đã giải thích tất cả mọi điều đã diễn ra, nhưng cho dù là lý lẽ nào đi chăng nữa thì chúng tôi cũng đã bỏ rơi họ, và đã bỏ rơi họ một cách thảm thương. Tôi đã tóm tắt tương lai một cách công khai qua việc phát biểu trước báo chí rằng vì sự cần thiết phải “đứng đắn trong mối quan hệ của chúng tôi với láng giềng và chính phủ láng giềng với nhau thì không can thiệp vào công việc chính trị của nhau”, nên PAP không thể còn là thành viên của Hội nghị nữa. Tôi thật xúc động khi nói tiếp: “Nhưng đối với một số rất ít người, những gì mà chúng ta đã ủng hộ đều có thể đóng góp rất nhiều điều tốt đẹp cho Malaysia và dựng xây nó trở thành một đất nước ổn định, đa chủng tộc đầy sức sống tồn tại nhiều thế kỷ sau… Mối quan hệ họ hàng và tình cảm với người khác không thể bị loại bỏ vì một quyết định chính trị.”
Chin Chye thì cay đắng và hối hận lắm.
Phát biểu có suy nghĩ và chân tình nhất về chuyện chia tách là của Ismail. Ông đã phát biểu điều đó tại Liên Hiệp Quốc khi Malaysia, Jordan và Ivory Coast (Bờ Biển Ngà) đồng bảo trợ cho đơn xin gia nhập của Singapore vào ngày 20/9:
“Mặc dù là chia tách, nhưng các nhà lãnh đạo của Malaysia và Singapore đều ý thức rất rõ ràng, có thể là họ bị chia tách về mặt hiến chế thành hai quốc gia khác nhau, nhưng sự tương đồng vì lợi ích và sinh hoạt hòa quyện nhau của dân chúng hai nước trong mọi mặt của đời sống, đã bị gắn vào nhau một cách không thể tránh né vì yếu tố địa lý, cộng thêm với cả một quá trình dài cùng chịu chung một nền cai trị do tình cờ của lịch sử, tất cả sẽ, như trong các thập niên trước đây, tạo nên sự thúc đẩy và khuyến khích cho việc sống chung với nhau như những người láng giềng tốt bụng. Trong vô vàn những nhiệm vụ chung, chúng tôi chia sẻ những quan điểm giống nhau và tôn trọng những lý tưởng như nhau. Mối ràng buộc về mặt hiến pháp thì không còn, nhưng mối dây ràng buộc về mặt con người thì vẫn còn.”
Chính Ismail là người hiểu và đồng cảm nhất với những gì tôi muốn làm. Nhưng ông chỉ là nhân vật hàng thứ ba, và cho dù ông có là nhân vật số một đi chăng nữa, tôi cũng không dám chắc ông ta sẽ đủ mạnh để kiểm soát được những phần tử cực đoan và thực thi được chính sách của mình hay không: giảm dần các đặc quyền dành cho người Malay một khi họ thăng tiến dần, cho đến khi đạt được một xã hội phi chủng tộc, trong đó mọi dân tộc đều bình đẳng nhau.
Có một người gần như hiểu được những gì đang diễn ra và tại sao lại xảy ra như vậy là Antony Head. Vào ngày 11/8, một ngày sau khi London công bố thừa nhận, ông đã phát biểu tại Kuala Lumpur rằng hiệp ước phòng thủ dựa vào đó người Anh duy trì các căn cứ quân sự tại Malaysia và Singapore phải được viết lại; tuy nhiên điều này chỉ có tính chất hình thức thôi, bởi lẽ đường lối cũng vẫn không có gì thay đổi. Tôi rất nể trọng Head, cả về tính cách, lẫn sự thông minh và sự nhìn xa trông rộng của ông về con đường của các dân tộc và đất nước, ông sắp trở về Anh, mặc dù ông mới ở Kuala Lumpur chưa đầy hai năm. Tôi viết thư cho ông ngày 14/9:
“Tôi viết ra đây để xin nói với ông rằng mặc dù chúng ta không phải lúc nào cũng đồng tình với nhau trong các giải pháp cho những vấn đề của chúng ta tại Malaysia, tôi chưa bao giờ nghĩ, như ông từng nói trong một bữa trưa, rằng ông là một kẻ khờ. Trái lại là khác, tôi hiểu rõ ông là một người quan sát hết sức mẫn cảm và sắc sảo, và hơn thế nữa, một đại diện quả quyết của chính phủ hoàng gia.
Tôi lấy làm tiếc là ông sẽ rời khỏi đây vào tháng Giêng. Người kế nhiệm ông sẽ phải rất cần đến những phẩm tính quả quyết, vốn đôi khi đã làm cho Tunku không mến ông.
Tôi xin cám ơn ông là đã giúp can ngăn không để cho Tunku phá nát chính phủ của tôi và bản thân tôi. Tôi tình cờ có được nguồn thông tin khác và biết rằng ông đang làm hết sức mình vì chính quyền của ông để khiến Tunku không thực hiện những gì tất nhiên sẽ phải đến. Đó cũng chính là những gì mà những kẻ cực đoan đang muốn Tunku thực hiện.”
Lý do thực sự khiến Tunku, Razak và Ismail muốn tách Singapore khỏi Malaysia là gì? Họ hẳn đã kết luận rằng nếu họ cho phép chúng tôi thực thi các quyền hiến định của mình, về lâu về dài họ tất sẽ thua cuộc. Hội nghị Đoàn kết Malaygia sẽ tập họp được những người không-Malay, và điều nguy nhất chính là việc nó sẽ dần dần làm mất chỗ dựa của họ trên bán đảo này. Quan điểm và chính sách của PAP đã giành được sự trung thành trước sau như một của các lãnh tụ người Malay trên đất Singapore, họ chưa bao giờ bị chao đảo cho dù dưới áp lực của các vụ bạo loạn chủng tộc năm 1964, hay hưởng ứng trước những lời kêu gọi về chủng tộc, tôn giáo hoặc văn hóa, hay đồng tình với những lời tâng bốc nhằm lôi kéo họ về với UMNO.
Đây chính là mấu chốt của vấn đề. Các nhà lãnh đạo của PAP không giống như các chính khách ở Malaya. Các Bộ trưởng Singapore đều chẳng phải là những kẻ ham vui hoặc mưu cầu lợi danh cho bản thân mình. UMNO đã triển khai cả một nghệ thuật thu xếp cho các Bộ trưởng người Hoa hay người Ấn, khi những người này có vẻ muốn gây rối, và trong vòng có mấy năm, nghệ thuật đó đã lan tràn sang tận Sabah và Sarawak. Razak từng đề nghị cấp cho Keng Swee 6.000 mẫu Anh đất trồng cây cao su thuộc loại thượng đẳng điền, trồng bằng giống cây tuyệt vời của Viện Nghiên cứu Cao su. Với một nụ cười bối rối, Keng Swee từ chối và nói rằng mình không biết sẽ phải làm gì với số đất đó.
Cũng không dễ gì hủ hóa được chúng tôi. Keng Swee và tôi đã từng cùng đi với Tunku và Tan Siew Sin đến một “chỗ ăn chơi” ở Kuala Lumpur do các tay thương nhân giàu có người Hoa điều hành. Những “động tiên” ấy là loại câu lạc bộ cho nam giới, với các thức ăn ngon do các nhà hàng danh tiếng phục vụ, rồi người ta có thể chơi bài bạc (mạt chược hay xì phé), và người ta có thể gọi gái bao, cả những mầm non điện ảnh cũng có nữa. Chúng tôi đã ăn uống no say, và sau đó họ chơi xì phé tôi cũng có tham gia. Nhưng ngay khi đám gái bao vừa tới thì tôi và Keng Swee từ chối những điều ve vãn và lảng đi chỗ khác. Chúng tôi không thể bán mình cho tiền tài. Nếu chúng tôi ở lại chơi hôm ấy, tất nhiên từ đó chúng tôi sẽ phải bị áp lực của các nhà lãnh đạo Malaya. Họ đã xem chúng tôi như thể những kẻ gần như nguy hiểm và khó hiểu, khó khống chế như những người cộng sản, và lại quá nặng ý thức hệ. Tệ hơn nữa, chúng tôi lại luôn làm đúng theo hiến pháp, và vì vậy thật là nan giải cho họ.
Nếu không có cuộc chiến đối đầu của Indonesia, Tunku và các đồng sự của ông không phải dựa vào sự giúp đỡ của các lực lượng quân sự của Anh, Úc và New Zealand, và kết quả có thể đã khác đi. Bởi lực lượng quân sự của các nước đó đã giúp vào việc phòng thủ Malaysia, nên quốc hội của họ sẽ phản ứng quyết liệt nếu như Malaysia dùng đến các phương sách vi hiến để chống lại Singapore.
Trong quyển The Labour Government 1964–1970 (Chính phủ Lao Động 1964–1970) của mình, Harold Wilson đã nhìn về chuyện chia tách đúng như thế:
“Thế nhưng có một vấn đề nguy hiểm mới và tiềm tàng đang lớn dần lên ở Đông Nam Á. Khoảng trước đây ba, bốn tháng, chúng tôi đã nhận được lời cảnh báo rằng Tunku Abdul Rahman, Thủ tướng của Malaysia, đang mất dần kiên nhẫn với đồng sự tại nghị viện của mình là ông Lee Kuan Yew (Harry Lee), lãnh tụ của Singapore, tới độ ông Lee có nguy cơ bị bắt và cầm tù… Tunku đang ngày càng trở nên căm giận với sự đối lập quyết liệt của Lee. Mấy tuần trước khi có hội nghị Khối Thịnh vượng Chung chúng tôi đã nhận được tin tức về một cuộc khủng hoảng đang nhen nhúm, bao gồm cả việc có thể có một cuộc đảo chính chống lại ông Lee và các đồng sự của ông này. Tôi cảm thấy cần phải đến mức cho Tunku hiểu rằng nếu ông ta giở trò ra như vậy, ông ta sẽ chẳng thể nào chường mặt ra được trước hội nghị của khối, bởi rất nhiều người, kể cả tôi, sẽ cảm thấy rằng một hành động như thế là phản bội hoàn toàn những gì chúng ta tin tưởng trong khối.
Chuyện đó đã không xảy ra, nhưng vào cuối tuần từ 13 đến 15/8 (sic), tin tức cho biết là Liên bang (Malaysia) đã gãy đổ. Đã có những trận tranh cãi dữ dội xảy ra giữa Tunku và ông Lee. Điều này dẫn đến việc Singapore hầu như bị trục xuất hẳn ra khỏi Liên bang và được bảo là phải tự lo liệu lấy cho mình. Lee đã mang tâm trạng tuyệt vọng, đầm đìa nước mắt trước ống kính thu hình và tỏ ra rất tiếc về chuyện chia cắt này. Tuy nhiên, ông ta đã quyết tâm xây dựng một đất nước Singapore mới, độc lập… Chúng tôi đã có những quyết định cần thiết và đã có những dàn xếp như gửi những thông điệp mạnh mẽ cho cả hai nhà lãnh đạo để tránh xảy ra bất kỳ hành động nào có thể làm bột phát thái độ cừu địch, hay nói đúng hơn là những bột phát lật đổ từ bên trong. Chúng tôi đồng ý các cuộc đàm phán nhằm nghiên cứu lại hiệp định phòng thủ Anh–Malaysia, trên căn bản công bằng cho tất cả các bên có liên quan.”
Wilson là một người bạn tốt.
Chẳng có chuyện gì xảy ra, bởi Head đã báo cáo vào ngày 15/5/1965 cho Bộ trưởng của mình là Arthur Bottomley rằng: “Một số nhân vật trong UMNO thích hâm nóng mọi chuyện lên tới mức họ có thể tìm ra một cái cớ để có thể làm được chuyện mà họ gọi là ‘xử trí’ và tôi hiểu đó là cầm tù Lee. Tôi đã nhấn mạnh rằng Lee giờ đây đã có uy tín trên trường quốc tế, và trừ phi có bằng chứng không gì chối cãi được cho phép ‘xử trí’ ông ta, còn không thì một việc như vậy sẽ gây hại rất lớn cho Malaysia. Mặc dù Tunku không nói gì cả, nhưng tôi vẫn cảm thấy là đang có một âm mưu trong đầu của họ.”
Vào ngày 17/5, một bức công hàm đã được gửi tới Văn phòng Quan hệ Khối thịnh vượng chung cho biết Thủ tướng đã đọc, gạch dưới và ghi nhận xét như sau: ”Nếu có một âm mưu theo như X (đoạn trích trên), tôi hy vọng Tunku hiểu ra rằng điều này sẽ có nghĩa là chúng tôi buộc lòng phải đánh giá lại. H.W.”
Vào ngày 1/6, Head đã đánh điện rằng ông đã hỏi Tunku xem liệu vẫn có thể dàn xếp với Lee Kuan Yew và đạt tới một cái gì đó như một sự hòa hoãn không. “Tunku đã nói rằng không, ông đã quyết chẳng bao giờ thử dàn xếp với Lee nữa đâu, một con người ông chẳng hề tin chút nào, một con người mà ông đã hoàn toàn biết rõ quá rồi. Tôi có hỏi rồi tất cả chuyện này sẽ ra sao, Tunku trả lời rằng: ‘Tôi biết nhiệm vụ của tôi và tôi sẽ chẳng ngại ngùng gì mà không làm.’
Điều này nghe có vẻ như một điềm không hay, do vậy tôi nghĩ đã đến lúc phải can thiệp vào và nói rằng trong số những thứ mà chính phủ Anh hết sức ái ngại là chuyện bàn tán trên báo chí nói tới việc Lee Kuan Yew đang bị bắt giam. Tunku có biết chuyện này không vậy? Ông bảo rằng có nghe.
Tôi đã nói rằng nếu Lee Kuan Yew bị bắt giam vì bất cứ lý do gì ngoài những hoạt động mưu phản, nó sẽ khiến cho chính phủ Anh bị sốc và lúng túng, và tất nhiên là sẽ có những ảnh hưởng lan rộng trong dư luận quốc tế.
Khi tôi nói rằng tôi nghĩ một việc làm như thế, nếu thiếu chính đáng, có thể khiến chính phủ Anh phải đánh giá lại quan điểm của Anh đối với Malaysia một cách chẳng hay ho gì, ông ta đã nói rằng ‘Thế đấy, tôi sẽ phải làm hòa với Indonesia mất thôi’…
Một giờ sau, tôi thấy Tunku, Lee Kuan Yew bước vào nhà tôi. Tôi thấy ông ta đang trong tâm trạng rất kích động. Tôi nói với ông rằng tôi rất lo trước tình trạng hiện nay. Đối với tôi, có vẻ như trừ phi có được một sáng kiến nào đó, bằng không tình hình như hiện nay chỉ có thể dẫn đến hai chiều hướng. Một là sự bất đồng và gay gắt chính trị ngày càng tăng dẫn đến sự căng thẳng và xung đột chủng tộc thêm trầm trọng hơn; thứ hai là một tình hình mà chính phủ liên bang cảm thấy rằng không thể cứ để cho chuyện căng thẳng chính trị này tiếp diễn và do đó có thể dẫn tới chuyện tống giam Lee. Tôi cảm thấy phải tìm ra cách nào đó để chiều hướng hiện nay cùng những hậu quả tất yếu của nó không tiếp diễn nữa được. Lee nói rằng giờ đây đã đến lúc phải đấu tranh cho một đất nước Malaysia không do người Malay thống trị. Theo cách nhìn của ông, đây chính là lý do tại sao ông tạo nhóm đối lập mới và nếu chính quyền liên bang quyết định bắt giữ ông, ông cũng sẽ hân hoan bởi nó càng củng cố cho địa vị của ông hơn.
Lee nói rằng thời gian dành cho sự kiên nhẫn và trì hoãn đã qua, và giờ đây dẫu sao ông cũng đã đi quá xa không thể chấp nhận một giải pháp như thế được. Không may là lời nói của Lee dầu gì cũng chứa đựng cả sự thật lẫn sức thuyết phục…
Tôi mong là mình không quá bi thảm, theo quan điểm của tôi, chúng ta giờ đây đang đứng trước một khủng hoảng nghiêm trọng. Trừ phi có thể làm được điều gì để xoa dịu tình thế hiện nay, bằng không con đường chúng ta đang đi sẽ, theo tôi nghĩ, sinh ra điều rắc rối rất lớn.”
Vào ngày 3/6, Văn phòng Quan hệ Khối thịnh vượng chung đã gửi cho Head bức điện như sau:
“Nếu Lee bị bắt giam, khó có thể cho rằng Singapore sẽ để yên chuyện này. Tunku có thể có những ý định khác, nhưng dưới mắt chúng ta, chuyện đó sẽ gây nguy hại rất lớn, một điều vốn có thể ảnh hưởng nặng nề đến các lãnh thổ trên đảo Borneo… Nếu tình huống xảy ra sau vụ bắt giam Lee tệ hại đến độ đòi hỏi phải có sự can thiệp của quân đội Anh tại Singapore, chính phủ Anh rất khó lòng kiếm được sự thông cảm và ủng hộ của công luận Anh.”
Vào ngày 4/6, Head đã báo cáo về cuộc họp giữa ông với Tunku như sau:
“Một điều cũng dễ thấy là Tunku đã bảo với người của ông là tìm xem có cách nào để bứng Lee ra khỏi hàng ngũ lãnh đạo PAP, cũng như tìm được một lãnh đạo xuất sắc để thay thế Lee được hay không. Lee biết rõ điều này và đã nói cho tôi biết. Tôi có nói với Tunku rằng tôi không mấy hy vọng về một thủ pháp như vậy. Tunku nói với tôi rằng: “Xin ông nói cho chính phủ ông biết là chẳng có gì phải lo. Đây là chuyện nội bộ mà tôi phải giải quyết. Ông không nên can thiệp vào công việc riêng của chúng tôi. Người Mỹ đã làm như vậy ở Việt Nam, và xin ông hãy nhìn xem họ đã làm cho mọi chuyện rối tung lên ra sao thì biết.” Vào ngày 5/6, Head nhận được một bức điện:
“Thủ tướng đã đọc bức điện số 960 đề ngày 1/6… Ông có hai ý kiến:
(1) Tôi có nên gửi thư cho Tunku không?
(2) Cao ủy (Anh) có nên đề nghị ngầm với Lee là ông ta nên ra nước ngoài trong một, hai tuần lễ gì đó không? Chúng tôi không muốn ông ta bị bắt giam trước khi Hội nghị cấp Thủ tướng diễn ra.
H.W.”
Sau đó chẳng có tiến triển gì mới đáng cho Head báo cáo. Tunku đã đi London dự hội nghị và Razak thương lượng kín với Keng Swee về chuyện “ra đi” của Singapore.
Ngay sau khi có cuộc chia tách, vào ngày 21/9, George Thompson, Bộ trưởng Khối thịnh vượng chung của Anh, đã gửi bức điện sau đây cho ngài Caradon, đại diện Anh tại Liên Hiệp Quốc:
“Ý kiến bình luận nói chung của chúng tôi là tuy Lee đôi khi có tính cách gây khiêu khích thật đấy… nhưng rất có thể tình trạng đổ vỡ hiện nay và sự căng thẳng trước kia vẫn có thể tránh được nếu như Tunku và người Malay có những linh hoạt hợp lý nào đó trong mối quan hệ với Lee và Singapore.”
Thompson là một người Scotland, không hiểu được suy nghĩ của người Malay. Lúc đầu tôi cũng không hiểu như ông, mặc dù tôi đã sống với họ gần suốt cả cuộc đời. Tôi đã không nhận ra lòng nghi kị thâm căn cố đế của họ đối với các dân tộc nhập cư, nhất là người Hoa, và cả nỗi sợ hãi bị lấn lướt của họ nữa. Họ phải nắm được trọn vẹn quyền lực của quốc gia, nhất là cảnh sát và quân đội. Bất kỳ sự thỏa hiệp nào cũng đều phải tuân theo các điều kiện của họ.
Tunku, trong một cuộc nói chuyện với một nhà nghiên cứu người Anh năm 1982, đã nói rằng ông không thể nhớ lại bất kỳ lời cảnh báo nào của Wilson hết, nhưng thừa nhận rằng ông đã chịu áp lực rất lớn trong chuyện phê duyệt việc bắt giữ tôi. Tuy nhiên, ông nói thêm:
“Không có chuyện bắt giữ Lee Kuan Yew, bởi người Hoa, trong phần xứ sở của tôi, cũng sẽ đồng tình với ông ta vì ông ta là người Hoa. Tôi không muốn có rắc rối chỉ vì ông ta, chỉ bởi vì Singapore. Nếu bạn có một cái chân đau, tốt nhất là nên cắt bỏ nó đi. Đó là những gì tôi đã làm… Tôi biết Kuan Yew là người giỏi nhất để nắm chính quyền Singapore… Tham vọng của ông ta (tại Malaya) là vô độ.”
Có những điều khác cần cân nhắc. Nếu chúng tôi vẫn còn trong khối Malaysia, ủy ban điều tra các vụ bạo động chủng tộc năm 1964 sẽ tiếp tục nghe điều trần về những bằng chứng bất lợi cho Ja’afar Albar và UMNO, một điều mà dần dần rồi công chúng cũng sẽ biết. Rồi họ sẽ phải thẩm cung vụ tôi khởi kiện Albar và ban biên tập tờ Utusan Melayu về tội phi báng, họ sẽ phải trả lời về tất cả những điều khiêu khích họ đã viết về tôi. Điều đó sẽ có nghĩa là vạch trần các cách thức xúi giục tinh thần chủng tộc và bạo động đổ máu của các nhà lãnh đạo chủ chốt của UMNO.
Giải pháp của Tunku cho những vấn nạn này là chia tách. Singapore phải rời khỏi Malaysia và ông ta sẽ kiểm soát Singapore thông qua nguồn cung cấp nước từ Johor và những đòn bẩy áp lực khác. Vào ngày 9/8, ông đã nói với Head rằng: “Nếu chính sách đối ngoại của Singapore làm tổn hại các lợi ích của Malaysia, chúng tôi luôn có thể tạo áp lực với họ bằng cách đe dọa khóa nguồn cung cấp nước Johor lại.” Head đã trao đổi ý kiến với Bottomley rằng đây quả là “một đề nghị thật đáng kinh ngạc trong việc làm thế nào để hợp tác đối ngoại.”
Cũng trong ngày 9/8, Tunku đã nói với Tom Critchley, cao ủy Úc, rằng: “Chúng tôi giữ thế thượng phong và Singapore sẽ phải hỏi ý kiến của chúng tôi khi quan hệ với nước ngoài.”
Tunku và Razak nghĩ rằng họ có thể đóng quân tại Singapore, ngồi xổm trên đầu chúng tôi và nếu cần thì đóng đường đê lại và cắt nguồn cung cấp nước. Họ tin, không phải là không có cơ sở, rằng Singapore không thể tự thân tồn tại nổi – có gì đáng tin cậy hơn các bài phát biểu của chính các nhà lãnh đạo PAP, kể cả của chính tôi, và lý do chúng tôi nêu ra trong chuyện này? Như Ghazali bin Shafie, bí thư thường trực của Bộ Ngoại giao, đã nói ngay sau vụ chia tách, rằng sau một vài năm bị chơ vơ một mình, Singapore sẽ gặp những khó khăn nghiêm trọng và sẽ bò trở về – lần này thì phải nghe theo những điều kiện của Malaysia.
Không, không thể như thế nếu tôi có thể tránh được. Nhân dân Singapore không hề có ý bò trở lại sau những gì họ đã nếm trải trong suốt hai năm nằm trong khối Malaysia, o ép chủng tộc và dọa dẫm. Chắc chắn Keng Swee và tôi, hai người có trách nhiệm trực tiếp về việc chấp nhận sự chia tách này, không tính chuyện bỏ cuộc. Dân chúng đã chia sẻ cảm nghĩ của chúng tôi và sẵn sàng làm bất cứ điều gì cần thiết cho sự sống còn của một Singapore độc lập. Tôi không biết trước là mình sẽ phải dành cả quãng đời còn lại để làm cho Singapore không những tồn sinh mà còn phát triển và thịnh vượng lên nữa.