Khi ngày hợp nhất đến gần, Phòng thương mại Hoa kiều ép tôi buộc người Nhật phải giải quyết món “nợ máu” của họ. Các lãnh đạo của phòng muốn vụ này được giải quyết trước khi những vấn đề đối ngoại được trao về tay của một chính quyền trung ương bao gồm chủ yếu là người Malay, một chính quyền không cảm nhận được hết sự tàn bạo hầu như chỉ dành cho người Hoa. Chính quyền Tokyo cũng ý thức được chuyện này và cố tình trì hoãn.
Phòng thương mại cũng muốn có đất đai để cải táng các hài cốt và dựng một tượng đài cho các nạn nhân. Tôi cấp một miếng đất rộng 4,5 ha đối diện trường Raffles để xây đài tưởng niệm, nhưng cũng yêu cầu người Anh kiên quyết trong vấn đề món nợ máu với người Nhật, vì họ đang phụ trách những vấn đề đối ngoại. Khi tôi ở Tokyo tháng 4/1962, Thủ tướng Hayato Ikeda đã đồng ý thực hiện không nhiều hơn việc “xem xét một cách nghiêm túc những bước thích hợp để bồi thường và an ủi những linh hồn của người chết”. Không có những giải pháp cụ thể.
Tôi không muốn làm lớn chuyện này, nhưng vấn đề sẽ không bị bỏ qua. Phòng thương mại quyết định làm căng, và vì tôi đang vạch kế hoạch cho cuộc bầu cử tới ngay trước ngày thành lập liên bang Malaysia, tôi phải thúc ép những đòi hỏi của Phòng này, bất chấp hậu quả trong mối quan hệ đầu tư của người Nhật. Ngày 5/8, Phòng thương mại yêu cầu bồi thường 50 triệu, dành hết cho những dự án giáo dục và y tế. Người Nhật đáp lại với một đề nghị về một trung tâm xạ trị để chữa bệnh ung thư, thiết bị thí nghiệm cho những cơ sở giáo dục, và các học bổng cho sinh viên Singapore ở Nhật, trị giá 5–10 triệu đồng.
Với tư cách là chủ tịch của Phòng thương mại Hoa kiều, Ko Teck Kin đề nghị tổ chức một cuộc mít–tinh lớn ở Padang trước Tòa thị chính vào Chủ nhật, 25/8, “để thông báo về sự thiếu thiện chí của người Nhật trong việc giải quyết yêu cầu bồi thường của Singapore”.
Ông ta biết rằng chính phủ PAP sẽ không hài lòng khi nó chỉ là vấn đề của người Hoa, nên ông ta thuyết phục các phòng thương mại Malay, các cộng đồng của người Ấn, Âu gốc Á và người Sri Lanka tham gia cuộc mít–tinh này. Tôi đồng ý phát biểu. Vài ngày trước bữa đó, Chin Chye bàn với Ko những quyết định có thể được chọn. Một trong những quyết định đó là nếu như không có cách giải quyết ổn thỏa, dân chúng sẽ tiến hành một chiến dịch bất hợp tác nhằm chống lại người Nhật, và chính phủ Singapore không được cấp giấy nhập cảnh mới nào cho các kiều dân Nhật.
Barisan và cộng sản xem đây như một cơ hội nữa để chứng tỏ sức mạnh của họ và làm tôi mất thế trước “quần chúng”. Khu Padang đủ chỗ cho khoảng 100.000 người mà Phòng thương mại dự trù, và thật khó lòng ngăn cản việc các nhóm thân cộng len lỏi vào đám đông để hoạt động. Sau khi họp các sỹ quan Sở đặc vụ và cảnh sát, tôi quyết định chấp nhận rủi ro. Họ sẽ bảo đảm rằng nếu như cộng sản gây chuyện rối loạn hay bạo động, thì sẽ bị đàn áp nhanh chóng. Chúng tôi sẽ triển khai 6.000 binh lính và cảnh sát – từ hai trung đoàn Singapore – gần Padang và không lộ diện, nhưng vẫn cho người của Barisan nhìn thấy. Chúng tôi cũng quyết định bố trí những đèn chiếu cực mạnh sẵn sàng hướng thẳng vào khu vực đám đông đang gây rối, đặc biệt là những người ở hàng đầu đám đông có khả năng phá hỏng cuộc mít-tinh một cách hữu hiệu nhất. Khi những ngọn đèn chiếu này tập trung vào họ, những tay chụp ảnh và quay phim truyền hình có thể ghi được những cận ảnh để sau này cảnh sát có thể nhận diện những nhân vật đầu não.
Tối đó những chiếc đèn chiếu được bố trí sẵn trên mái Tòa thị chính và những điểm thuận lợi gần đó. Thoạt đầu đám đông trên 100.000 người rất có trật tự, nhiều người chăm chú nhìn vào các bích chương vẽ những cảnh tra tấn khác nhau của người Nhật treo giữa các cây cọ và những hàng cột của tòa nhà. Những thành viên cộng sản và Barisan đứng sẵn ở phía trước và dọc hông khán đài để nếu có bất kỳ cuộc rối loạn nào thì nó sẽ được khuếch đại qua loa phóng thanh. Khi tôi cầm lấy mic-ro thì nổi lên một loạt tiếng la ó huýt sáo, và khi tôi bắt đầu nói thì bắt đầu nghe những tiếng hô khẩu hiệu để át lời tôi. Tôi vẫn kiên nhẫn và yêu cầu được nói mà không bị ngắt lời. Nhưng sự náo động vẫn tiếp tục và sau vài phút chịu đựng để cho mọi người thấy cách cư xử quá đáng của những người phá rối, tôi ra hiệu cho một cảnh sát thường phục.
Bất ngờ các đèn chiếu vụt sáng lên tập trung vào những khu vực ồn ào nhất của đám đông, và những tay chụp ảnh quay phim xông tới ghi hình. Hiệu quả xảy ra tức thời và thuận lợi. Lần này họ đã không dùng khăn tay bịt mặt. Họ biết rằng rồi đây cảnh sát sẽ nghiên cứu những tấm ảnh phóng to và nhận dạng ra họ, và sẽ có trừng phạt nếu họ cứ ngoan cố. Những lời khiêu khích và la ó chấm dứt. Cơ hội này hóa thành một cách chứng tỏ tài đối phó và quyết tâm của tôi nhằm đương đầu với những đe dọa của họ khi họ quyết định làm thô bạo, và nâng cao địa vị của tôi như một lãnh tụ sẵn sàng đi đến cùng trong bất kỳ cuộc chiến nào. Hàng nghìn người ở Padang và những người xem truyền hình sau đó có thể thấy rõ là tôi không hề bối rối, rằng tôi không hề có những vệ sĩ vây quanh, và rằng tôi sẵn sàng đương đầu với hiểm nguy. Tôi nhẹ nhàng nêu rõ quan điểm của tôi bằng tiếng Hokkien – sự thông thạo tiếng địa phương của tôi đã trở thành vũ khí bảo vệ tôi thoát khỏi những lời buộc tội của Barisan rằng tôi phản bội nhân dân. Dân chúng cảm thấy được sức mạnh thuyết phục của tôi.
Sau cuộc mít–tinh thành công này, tôi thảo luận với các đồng sự về nguy cơ có thêm trì hoãn trong việc thành lập liên bang Malaysia. Chúng tôi không muốn Barisan lấy lại tinh thần trước viễn cảnh việc hợp nhất bị trì hoãn. Họ có thể quyết định hành động ngay lập tức với hy vọng rằng Sukarno sẽ can thiệp và khiến Tunku không dám tiếp tục công việc. Vì thế chúng tôi quyết định rằng ngày 31/8 chúng tôi sẽ tổ chức mít–tinh ủng hộ việc hợp nhất như đã hoạch định từ đầu, và tuyên bố sự độc lập tức thì của chúng tôi.
Một ngày trước đó tôi viết cho Duncan Sandys để chỉ ra rằng, trái với những gì Kuala Lumpur tuyên bố, thực tế là Singapore không đồng ý trì hoãn việc hợp nhất đến ngày 16/9. Tôi nhắc ông ta nhớ lại rằng khi Hội đồng lập pháp chấp nhận Thỏa ước Malaysia hồi đầu tháng, nó bao gồm những điểm đã được Tunku thừa nhận ở London, một số điểm nằm trong những thư từ trao đổi giữa tôi và Razak, một số điểm khác được viết phía sau một bì thư, mà chính Tunku đã ký vào. Những điều khoản này vẫn chưa được thông qua và thi hành, và tôi sẽ chấp nhận một ngày khác cho việc thành lập liên bang Malaysia chỉ sau khi chúng được thực thi. Trong khi chờ đợi, tôi dự định tuyên bố Singapore độc lập trong liên bang Malaysia vào ngày 31/8. Tôi yêu cầu ông ta giao quyền hạn về những vấn đề quan hệ đối ngoại cho chúng tôi, để trước ngày đó chính phủ chúng tôi có thể giải quyết với người Nhật về việc chuộc lại những tội ác mà họ đã gây ra trong suốt thời gian chiếm đóng.
Tôi thêm rằng thái độ thản nhiên của người Malay trong việc gạt bỏ các hiệp định thành văn nghiêm túc, vì cớ này hay cớ khác, là điều gây rối nhất. Các hiệp định này không thể bị từ bỏ một cách đơn phương được. Nếu tôi không nhận được từ phía ông ta một sự đảm bảo rõ ràng rằng Singapore sẽ không bị buộc gia nhập vào liên bang Malaysia trừ khi các vấn đề còn tồn đọng được giải quyết vào ngày thứ Hai, 2/9, tôi dự định sẽ từ chức và tìm một sự ủy thác mới từ phía nhân dân. Sau này, những chuyện đó sẽ trở thành những vấn đề chủ yếu trong một cuộc bầu cử và sẽ khó lòng che giấu được sự kiện là Singapore đã không đồng ý gia nhập liên bang Malaysia vào ngày 16/9.
Sandys không trả lời.
Ngày 31/8/1963 tại một cuộc mít–tinh theo nghi thức bên ngoài Tòa thị chính, tôi đơn phương tuyên bố nền độc lập của Singapore. Người Anh cố ngăn cản tôi. Sandys, người được dự trù là sẽ xuất hiện nếu việc hợp nhất xảy ra đúng thời hạn, thì lại không có mặt. Ông ta đang trên chiếc Mutiara, một chiếc tàu hải quân Malaya, dạo chơi quanh bờ biển Malaya, chờ đến ngày 16/9. Razak cũng vắng mặt. Nhưng Sarawak đã tuyên bố độc lập trên thực tế và Bắc Borneo đã tuyên bố thành lập bang Sabah. Tôi nói với đám đông tụ tập hôm đó rằng cũng như những vùng lãnh thổ này đã nắm được quyền tự trị trước khi hợp nhất, trao các quyền lực trong giai đoạn lâm thời cho những viên thủ hiến riêng của từng vùng, vì thế ở Singapore tất cả các quyền lực của liên bang về những vấn đề đối ngoại và quốc phòng cho đến ngày 16/9 sẽ được giao vào tay vị quốc trưởng của chúng tôi, người sẽ hành xử chúng vì quyền lợi của chính phủ trung ương. Tunku và những cộng sự của ông ta cho rằng tôi đã xúi giục các bang Bắc Borneo chống đối, bất chấp những ý muốn cụ thể của ông ta, vì một tuần trước đó, tôi đã gặp các lãnh tụ của Liên minh Sarawak và Sabah ở Jesselton. Quả thực là tôi đã cố thuyết phục họ làm một cái gì đó gây ấn tượng mạnh vào ngày 31/8 để ngăn cản bất cứ sự trì hoãn thành lập liên bang nào nữa.
Selkirk đến dùng bữa tối đó theo kế hoạch nhưng không bày tỏ sự phản đối. Tôi không hề vui mừng về chuyện này, nhưng tôi sẽ không để cho động lực trong việc thành lập liên bang Malaysia phai nhạt, đặc biệt là vì tôi đã loan báo cuộc tổng tuyển cử ba ngày sau đó, với ngày công bố danh sách ứng viên là 12/9. Bằng việc tuyên bố Singapore độc lập và nắm quyền thay chính phủ liên bang, tôi đã gây sức ép với Tunku để buộc ông giữ đúng ngày 16/9. Tunku không hài lòng chuyện này, và ngày 2/9, chính quyền Malaysia phản đối kịch liệt, không phải với Singapore mà với người Anh. Ngày hôm sau tôi trả đũa: “Nếu có ai cần phải đưa ra lời giải thích thì đó là người Anh và Singapore. Xét cho cùng thì chúng tôi điều hành lãnh thổ của chúng tôi.” Tôi thêm rằng một trong những điều đáng tiếc về phía Malaya là quan điểm ngây thơ của họ khi tin rằng quyền lực đã được hoàng gia Anh trong bộ lễ phục trao trả trên một chiếc đĩa bạc có thắt nơ đỏ tử tế. Đây là một cách nói bất phục tùng mà Tunku không hài lòng, nhưng rất cần thiết cho tôi, với tư cách một lãnh tụ Singapore, không thể để mình bị xem như một kẻ chỉ biết làm những gì vui lòng Tunku. Ông ta trả lời bằng cách nói là tôi đã xúc phạm tình cảm của người Malaya.
Tôi nói với Selkirk ngày 4/9 rằng nếu những điểm trong thỏa ước giữa tôi và Tunku không được thực thi trước ngày công bố danh sách ứng cử, tôi sẽ chiến đấu trong cuộc bầu cử trên lập trường đòi độc lập và ngay lập tức yêu cầu một số quốc gia công nhận nó kể từ ngày 16/9. Vì bất cứ sự né tránh nào thêm nữa chỉ có thể có nghĩa là các lãnh tụ Malay có ý định tiêu diệt Singapore, và tôi sẽ cảm thấy xấu hổ không dám nhận trách nhiệm cho việc gia nhập liên bang Malaysia trong những điều kiện như thế. Selkirk báo cáo với Sandys rằng tôi đã bộc lộ tính kiêu ngạo của kẻ trí thức, ngày hôm sau ông ta viết thêm:
“Tôi cho là hiện ông ta đang tiến hành một hành động tối hậu của chính sách bên miệng hố chiến tranh. Ông ta tin vị trí của mình là bất khả xâm phạm. Ông ta tin rằng hoặc ông ta gia nhập liên bang Malaysia theo những điều kiện của riêng ông ta, hoặc ông ta tuyên
bố độc lập và có thể đặt ra bất kỳ điều kiện nào ông ta thích với chúng ta bởi vì ông ta chắc ý rằng chúng ta sẽ không bao giờ từ bỏ vị trí quân sự của chúng ta ở Singapore. Ông ta tin, và có lẽ ông ta đúng, rằng ông ta có thể thắng cử dựa trên khẩu hiệu đòi độc lập được kèm theo những nhận xét cay đắng về người Malay và người Anh, vốn là những kẻ mà ông ta sẽ mô tả là đang tìm cách phá hoại vị trí ưu thế mà người Hoa ở Singapore phải gian khổ lắm mới đạt được… Tôi tin rằng về cơ bản, ông ta vẫn muốn gia nhập liên bang Malaysia. Vì thế chúng ta cần phải ép phía Malaya thỏa đáp đầy đủ cho ông ta về những vấn đề tương đối nhỏ vẫn còn tồn đọng.”
Lúc đó tôi tuyên bố công khai rằng tôi đã dành cho Sandys hạn chót đến ngày 12/9 “để giải quyết một số vấn đề liên quan đến Thỏa ước Malaysia”. Tôi đang chơi lá bài cuối cùng của mình để khiến những điều mà Tunku đã cam kết với tôi ở London được ghi vào hiến pháp hoặc một văn kiện đích thực. Người Anh e ngại sự đe dọa của tôi, nhưng sau khi gặp Razak và Ismail ở Kuala Lumpur, Geofroy Tory báo cáo lại vào ngày 5/9 là “không một ai bộc lộ bất kỳ lo ngại nào về việc thực hiện đến cùng vụ thành lập liên bang Malaysia cho dù Lee có làm gì đi chăng nữa”. Hơn ai hết, Sandys đã giận điên lên khi thấy mọi thứ có thể hỏng bét vào phút cuối, và ngày đó ông ta báo cáo cho Harold Macmillan, Thủ tướng của ông ta, với lời lẽ giận dữ:
“Ông ta nhận ra rằng tuyên bố của ông ta không có giá trị pháp lý, và chính phủ Anh sẽ không chấp nhận bất kỳ nỗ lực nào của ông ta nhằm thực hiện quyền lực mà ông ta cho rằng mình đã nắm được. Mặt khác, hành động công khai thách thức Anh và Malaya này rõ ràng góp phần củng cố thêm uy tín cá nhân mà ông ta muốn tạo ra.
Ông ta không phải là con người chịu thua. Một khi ông ta đã gắn bó mình với một đường lối cụ thể và đã chấp nhận một rủi ro đã được tính trước một cách cẩn thận, ông ta có thể thực hiện nó đến cùng, dù thành hay bại. Vì thế nếu chúng ta hạ nhục ông ta công khai, tôi tin chắc ông ta sẽ trả đũa bằng những hành động thách thức mạnh hơn nữa theo kiểu này hay kiểu khác, và chúng ta có thể mau chóng rơi vào thế phải đình chỉ hiến pháp.
Nếu như việc chuyển giao chủ quyền của Singapore sang cho liên bang Malaysia xảy ra vào lúc hiến pháp bị đình chỉ, chúng ta sẽ bị cả thế giới lên án là đã chuyển giao nhân dân Singapore trái với nguyện vọng của họ. Vì vậy, theo ý tôi, cho dù có thể bị coi là nhu nhược, thì làm mọi chuyện trong khả năng để tránh khỏi tình trạng ấy vẫn phù hợp với quyền lợi của chúng ta hơn cả.
Trong mấy tuần gần đây Lee đe dọa rằng nếu như chính phủ Malaya không cho ông ta những gì ông ta đòi hỏi, ông ta sẽ tổ chức các cuộc bầu cử để giành lấy sự tín nhiệm từ phía dân chúng. Hiện ông ta đã làm vậy rồi. Nghị viện Singapore đã bị giải tán. Ngày công bố danh sách ứng cử đã được định là ngày 12/9. Ngày bỏ phiếu có thể là 10 ngày sau đó (sau ngày thành lập liên bang Malaysia).
Cho đến bây giờ Lee vẫn chưa công bố những vấn đề ông ta sẽ đấu tranh trong cuộc bầu cử. Nhưng ông ta đang đe dọa rằng trừ phi chính phủ Malaya thỏa đáp cho ông ta về những điểm liên quan tới Thỏa ước Malaysia, ông ta sẽ tuyên bố độc lập vào ngày 12/9 và sẽ yêu cầu các cử tri Singapore tán thành điều này bằng lá phiếu của họ.
Tun Razak quả quyết với tôi rằng chính phủ Malaya đã hứa không thể hủy bỏ việc thành lập liên bang Malaysia, và rằng họ sẽ thực hiện điều này đến cùng dù có bất kỳ chuyện gì xảy ra. Tôi tin rằng ông ta phát biểu ý kiến giùm hầu hết các Bộ trưởng, nhưng tôi cũng không hoàn toàn tin tưởng như thế về quan điểm của chính Tunku. Như tôi đã báo với ông trong một bức điện trước đó là ông ta đang đau khổ dữ dội vì không thể quyết đoán được và dù tôi không chắc chắn, nhưng vẫn có thể là vào phút cuối ông ta sẽ từ chối tiếp nhận Singapore… Điều này rõ ràng sẽ khiến chúng ta phải đối mặt với tình thế khó xử nhất mà lúc này tôi sẽ không bàn tới.
Với những viễn tượng khó chịu này, điều quan trọng nhất là phải tránh xa, nếu có thể được, việc đụng đầu trực tiếp với Lee từ nay đến ngày 16/9. Vì thế tôi đã hết lòng thuyết phục chính phủ Malaya nhượng bộ đến hết sức có thể trước những đòi hỏi của Lee liên quan tới hiến pháp của liên bang Malaysia. Phần lớn những đòi hỏi đó đều có lý và dựa trên những cam đoan được ghi nhận khái lược của Tunku với Lee ở London, cho dù phải thừa nhận là Lee đang cố giải thích những lời cam đoan này theo một kiểu có lợi quá đáng cho ông ta.
Nhưng ngay cả nếu như ông ta đạt được mọi điểm ông ta muốn, tôi không nghĩ rằng ông ta sẽ tiếp tục đưa ra một loạt những đòi hỏi
mới. Vì thế tôi cho rằng khôn ngoan nhất là chúng ta giả định sẽ gặp rắc rối và chuẩn bị sẵn sàng cho những điều tệ hại nhất. Những nhượng bộ mà tôi hy vọng thuyết phục được ở chính phủ Malaya có thể khiến Lee êm thấm gia nhập vào liên bang. Nhưng trừ phi tôi hiểu sai về tính khí của ông ta, ông ta sẽ lừa gạt, khủng bố, hăm dọa đúng lúc. Trong những tình huống này, theo tôi, tôi cần phải tỉnh táo. Tôi hy vọng điều này sẽ cho phép tôi:
1. Ngăn cản chính phủ Malaya đừng có một thái độ khiêu khích hay quá khích đối với Lee;
2. Cố giúp cả hai bên đi đến một thỏa thuận; và
3. Củng cố quyết tâm thành lập liên bang Malaysia của Tunku nếu như ông ta có biểu hiện dao động. Thật đáng chê trách nếu chỉ trong vài ngày tôi không làm được mọi việc trong quyền hạn của mình để cứu kế hoạch lập liên bang đừng bị sụp đổ, và tránh được mọi hệ quả mà nó sẽ dẫn tới.
Do đó nếu như ngài tán thành, tôi dự định ở lại đây cho đến khi chúng ta thu xếp được vấn đề Singapore một cách an toàn vào ngày 16/9. Trong trường hợp đó tôi có thể lưu lại thêm hai ngày nữa để ăn mừng việc thành lập liên bang. Như vậy sẽ không cần thiết phải tìm một đồng sự khác trong nội các để đảm nhận việc này nữa.”
Nhưng tôi không có ý định làm hỏng việc thành lập liên bang. Từng thương thảo trong nhiều hội nghị về hiến pháp, tôi đã quá hiểu vấn đề vị trí pháp lý: một khi đã gia nhập liên bang, thì không chỉ quân đội và cảnh sát nằm dưới quyền điều khiển của Kuala Lumpur, mà Kuala Lumpur còn có thể tuyên bố một tình trạng khẩn cấp và cai trị bằng sắc lệnh. Vì vậy tôi muốn càng có nhiều quy định bảo vệ được ghi vào hiến pháp hoặc được giải thích rõ ràng trong các văn kiện chính thức càng tốt để đề phòng trường hợp chính quyền liên bang quyết định làm một cái gì đó ngu ngốc.
Người Anh đứng về phía tôi, và sức ép mà tôi tạo được thông qua họ đã có hiệu quả. Ngày 7/9 Bộ trưởng Tư pháp Malaya và Razak đã tán đồng tất cả những điều khoản đang bàn bạc ngoại trừ việc trao cho Singapore quyền bắt giữ những người thuộc hội kín. Họ không muốn ghi điều này vào hiến pháp và tôi phải hài lòng với một thư ủy
quyền sơ sài. Ngày 11/9, tôi tuyên bố là những bất đồng giữa chúng tôi đã được giải quyết. Có thể nói rằng bằng việc sử dụng chính quyền thuộc địa để ép các lãnh đạo Malaya, tôi đang gây ra mối ác cảm và gieo mầm rắc rối cho tương lai. Nhưng việc tuyên bố độc lập đơn phương của tôi là cần thiết để cảnh cáo người Anh rằng tôi có thể gây nhiều khó khăn cho họ và Tunku nếu như ông ta không thực hiện những gì đã hứa. Những phương pháp của tôi đã thành công, nhưng cũng phải trả một cái giá. Tunku và Razak đã khắc sâu trong ý niệm của họ rằng tôi là một kẻ khó điều khiển, và từ đó trở đi họ sẽ luôn thận trọng khi đối phó với tôi.
Vào đúng buổi sáng ngày công bố danh sách ứng viên, tôi hoàn tất chuyến đi diễn thuyết tranh cử cuối cùng ở khu vực Mountbatten sau khi viếng thăm ba khu vực bầu cử suốt đêm trước. Tôi về nhà lúc 7 giờ sáng thì nghe tiếng đốt pháo của láng giềng ở đường Oxley. Họ biết cuộc chiến đấu sắp tới là rất căng thẳng và đang cổ vũ tôi. Sáu giờ sau khi kết thúc việc công bố các danh sách ứng viên, chính phủ tuyên bố ngày bỏ phiếu sẽ là 21/9, nói cách khác là năm ngày sau khi chúng tôi gia nhập liên bang. Nếu như việc thành lập liên
bang Malaysia không tiến hành, và sau đó Barisan thắng trong cuộc bầu cử, thì chúng tôi, Singapore, người Anh và người Malay tất cả sẽ gặp rắc rối. Chắc chắn điều này sẽ khiến Tunku không còn cách nào khác ngoại trừ hoàn tất việc thành lập liên bang vào ngày 16 như đã định, tôi lập luận như vậy. Tôi cũng muốn phần lớn cuộc vận động tranh cử sẽ xảy ra trong khi chúng tôi vẫn còn kiểm soát được cảnh sát và bộ máy chính quyền cho các cuộc bầu cử, và những người thuộc hội kín – trong đó có Chua Hoe Ann, tay ủng hộ chủ chốt của Lim Yew Hock – vẫn còn bị bắt giữ. Trước đó tôi đã từ chối yêu cầu phóng thích Chua của Tunku.
Hai hôm trước ngày thành lập liên bang Malaysia 16/9, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc U Thant tuyên bố rằng theo đánh giá chung của Liên Hiệp Quốc, đại đa số dân chúng Sarawak và Sabah đều muốn gia nhập liên bang Malaysia. Ngày kế tiếp Indonesia và Philippine triệu hồi các đại sứ của họ khỏi Kuala Lumpur và tuyên bố rằng họ sẽ không công nhận liên bang Malaysia, và vào ngày 16/9 những đám đông khổng lồ tập hợp ở Jakarta để thể hiện một cách có tổ
chức “cơn thịnh nộ của quần chúng”, sau đó đưa ra một kiến nghị yêu cầu phản đối về mặt ngoại giao.
Hàng nghìn người biểu tình, gào to “hủy bỏ việc thành lập liên bang Malaysia”, tấn công tòa đại sứ Anh và Malaya. Họ xông vào tầng một tòa đại sứ Anh phá hủy đồ đạc, và sau 90 phút ném gạch đá từ ngoài vào, đã làm vỡ tan mọi cửa sổ. Dù gạch đá rớt quanh người, tay phụ tá tùy viên quân sự người Anh trong bộ quân phục thiếu tá SAS32 cứ diễu hành tới lui, thổi cây kèn trước mắt những người bạo loạn. Cảnh sát cố lôi ông ta nấp sau cây cột, nhưng ông ta cố vùng ra để tiếp tục chơi. Khi viên đại sứ Anh, Andrew Gilchrist, xuất hiện và được các đại biểu quần chúng thông báo rằng họ sẽ chiến đấu cho tự do của nhân dân Bắc Borneo thoát khỏi chủ nghĩa đế quốc, ông ta hưởng ứng: “U Thant muôn năm!” và nói bằng tiếng Indonesia chỉ ra rằng Liên Hiệp Quốc đã tán thành việc thành lập liên bang Malaysia. Những hành động thách thức này của người Anh đã khiến người Indonesia nổi giận, họ đốt tòa đại sứ, cướp phá nó hai ngày sau đó và xô xát với các thành viên Bộ Ngoại giao, trong đó có cả viên đại sứ. Người Indonesia cũng tấn công tòa đại sứ Malaya, nhưng không có viên đại sứ ở đó. Để đáp lại, những đám đông giận dữ đã cướp phá tòa đại sứ Indonesia ở Kuala Lumpur.
Ngày 16/9, chúng tôi tổ chức một buổi lễ thứ nhì, lần này có Sandys đại diện cho người Anh, và Ismail đại diện cho Malaya, đứng với tôi trên bực thềm Tòa Thị chính khi tôi tuyên bố Singapore là một phần của liên bang Malaysia và tuyên thệ sự trung thành của nhân dân bang đối với chính quyền liên bang. Tunku không hề biết rằng hôm đó là sinh nhật lần thứ 40 của tôi. Nếu biết, hẳn ông ta đã đổi ngày – sinh nhật của tôi không thể là ngày may mắn cho ông ta. Sáng hôm sau, tôi bay sang Kuala Lumpur dự buổi lễ chính thức tại sân vận động Merdeka. Không khí tràn đầy sự đe dọa từ cuộc chiến “Đối đầu” của Sukarno, và tất cả các Bộ trưởng của Tunku đã cảm nhận được nỗi sợ hãi của ông ta về những chuyện ông ta sắp phải làm. Trên đường đến sân vận động, tôi tình cờ gặp Selkirk trong bộ lễ phục màu trắng xứ nhiệt đới, chuẩn bị cho lần xuất hiện cuối cùng của ông ta trong cương vị Tổng ủy viên Anh ở Đông Nam Á. Trông ông ta cũng hơi căng thẳng và lo lắng, nhưng tôi thấy an lòng về quyết tâm của người Anh mà tôi cảm thấy nó rất mạnh mẽ và
chắc chắn. Tôi tin rằng họ sẽ thực hiện đến cùng việc thành lập liên bang Malaysia cho dù Sukarno có làm gì đi nữa.
Xong buổi lễ, tôi bay trở về Singapore và tiếp tục chiến dịch tranh cử trong bốn ngày tới. PAP đưa ra ứng cử viên trong tất cả 51 khu vực bầu cử, Barisan và UPP là 46, Đảng Liên hiệp Singapore 42, Đảng Partai Rakyat 3, Đảng Công nhân 3, và những người độc lập là 16. Tất cả các đảng phái được chia thời gian trên đài truyền thanh và truyền hình tương xứng với số lượng ứng cử viên của họ. Thật kinh ngạc với tốc độ một thành phố tương đối lặng lẽ bất chợt trở nên sống động với những người hăm hở chạy vòng quanh, dán bích chương, treo biểu ngữ và phân phát những truyền đơn. Cuộc vận động của PAP là tột đỉnh của các chuyến viếng thăm các khu vực bầu cử của tôi trong mười tháng qua, và Keng Swee thuyết phục ủy ban bầu cử rằng tôi phải là tiêu điểm. Tôi là mục tiêu của sự phẫn nộ của MCP, và phản ứng của PAP sẽ mạnh mẽ hơn nếu nó được xây dựng quanh cá nhân tôi nhằm cho dân chúng thấy rằng phe chống đối đã thất bại trong việc tiêu diệt tôi. Chúng tôi có duy nhất một mẫu bích chương vận động, đó là bức hình tôi chụp trong một lần viếng thăm khu vực bầu cử, trong đó tôi được choàng một vòng hoa khổng lồ của người Ấn, cánh tay phải tôi đưa lên, mỉm cười và vẫy chào đám đông.
Barisan dán những bích chương in hình các lãnh tụ bị bắt giữ của họ, đặc biệt là Lim Chin Siong, để gợi lên lòng trung thành và thu được lá phiếu đồng tình. Một khi chiến dịch được tiến hành, tất cả những người ủng hộ của họ túa ra để vận động phiếu, và những tổ chức bí mật của họ, những nhóm mặt trận liên kết đã xuất hiện để đổ vào cuộc vận động mọi thứ mà họ có thể huy động được. Họ tổ chức những cuộc mít–tinh lớn để tuôn ra những lời phỉ báng chống lại tôi và – thêm một điều mới là – trút ra lòng căm thù chống lại những kẻ phản động cánh hữu, ấy là Tunku và tầng lớp phong kiến Malay. Bốn ngày trước cuộc bầu cử, tiến sĩ Lee Siew Choh lặp lại sự chống đối của ông ta đối với việc thành lập liên bang Malaysia và đứng về phía Indonesia chống lại Tunku. Điều này khiến sự cảnh báo trước đó của chúng tôi rằng một lá phiếu cho Barisan chính là một lá phiếu cho Sukarno càng đáng tin hơn. Tại một cuộc mít–tinh lớn vào buổi trưa, tôi đưa ra dự đoán rằng những người cộng sản sẽ
rút vào bí mật sau khi chúng tôi thắng cử. Đúng như mong đợi, cuộc bầu cử là cuộc chiến giữa Barisan và PAP.
Tuy nhiên buổi phát thanh trước ngày bầu cử của tôi lại tập trung vào việc kêu gọi đừng bỏ phiếu cho Đảng Liên Hiệp Singapore để giảm thiểu sự phân hóa số phiếu của những người phi cộng sản. Lúc này MCA biết là họ không thể thắng và mong muốn Barisan thắng để Kuala Lumpur có thể đình chỉ hiến pháp bang, tiến hành cai trị trực tiếp và tiếp quản mọi thứ – một giải pháp đơn giản nếu không nói là ngây thơ đối với một vấn đề thuộc loại phức tạp nhất. Chính phủ Singapore sẽ nắm một ngân sách bằng một nửa ngân sách trung ương, và một đài phát thanh và truyền hình có tầm cỡ hơn của Kuala Lumpur. Nếu tất cả nằm trong tay lực lượng cộng sản với mối liên kết với đảng Cộng sản Indonesia, chúng hẳn sẽ mang lại tai họa cho liên bang Malaysia. Những điều khoản bảo vệ hợp hiến mà chúng tôi đã thỏa thuận sẽ chỉ có tác dụng nếu như PAP nắm quyền. Sự chọn lựa dành cho nhân dân thì rõ ràng và đơn giản.
Phillip Moore báo cáo cho London:
“… Hiện có rất ít những quan sát viên độc lập có dự đoán một cách tin tưởng về một đại đa số của PAP trong Hội đồng lập pháp, có nghĩa là 26 ghế hoặc hơn… Sức mạnh của PAP có lẽ nằm trong chính phủ vững mạnh hiệu quả cao mà họ đã thực hiện được ở Singapore trên 18 tháng qua…. Nhược điểm của PAP chủ yếu nằm ở việc thiếu
tổ chức đảng của họ trong các khu vực bầu cử và đặc biệt là trong các cử tri nói tiếng Hoa, chiếm tới 63%… Nhưng bản thân Lee lại tỏ ra rất tin tưởng qua điện thoại với tôi hồi chiều nay. Tuy nhiên ông ta rất giận Tunku vì đã đến Singapore ngày hôm qua (19/9) và can thiệp vào chiến dịch tranh cử.
Riêng tôi vẫn cho rằng PAP sẽ chiếm được đa số, nhưng hầu hết những người mà tôi tín nhiệm về nhận định chính trị thì ít lạc quan và không cho là PAP sẽ chiếm nhiều hơn 20 tới 24 ghế. Đảng Barisan Sosialis không thể thất bại hoàn toàn… Tuy nhiên, cho dù Barisan Sosialis có theo đuổi những chính sách tương đối ôn hòa ở Singapore, thì thật khó để thấy làm thế nào chính quyền trung ương có thể chịu để họ nắm quyền ở Singapore trong một thời gian dài.”
Việc Tunku xuất hiện trực tiếp để phát biểu tại các cuộc mít–tinh của Đảng Liên hiệp Singapore là một biến chuyển quan trọng nhất.
Cho dù ước muốn cá nhân của ông ta là gì, thì ban lãnh đạo UMNO và các thế lực Malay ở địa phương đã nhanh chóng đưa ông ta vào chính trường Singapore. Razak cũng đã nói chuyện với Selkirk hồi mấy tháng trước về khả năng của “các cuộc bầu cử làm nảy sinh ra một chính phủ khác để thay thế Lee”. Tất cả những điều này có nghĩa là UMNO không có ý định cho phép tiểu bang này được tự quản như chúng tôi đã thỏa thuận, và có lẽ chẳng mấy chốc nữa chúng tôi sẽ phải lao vào chính trường Malaya để bảo vệ quyền lợi của chúng tôi. Tôi hy vọng hoãn cuộc đấu tranh ấy được ít nhất là một nhiệm kỳ nữa. Hiện giờ điều đó có vẻ như khó có thể đạt được. Người ta kiểm phiếu vào ngày 21/9, và đó là một đêm đầy hồi hộp vì trong nhiều khu vực bầu cử kết quả rất ngang ngửa. Chin Chye thắng tiến sĩ Lee Siew Choh 89 phiếu và Raja hơn đối thủ chưa tới 200 phiếu. Kenny thua S.T. Bani của Barisan 150 phiếu. David Marshall, bị Barisan bỏ rơi, đã mất chỗ đứng của ông ta ở Anson. Những hy vọng của Lim Chin Siong, Fong Swee Suan và những
người bị bắt giữ khác nằm trong nhà tù Changi, đang theo dõi mọi chuyện qua radio, đã nhanh chóng tiêu tan khi rõ ràng rằng PAP không bị thất bại tơi tả, rằng những đám đông khổng lồ có mặt tại các cuộc mít–tinh của Barisan đã không phản ánh đúng đắn sự ủng hộ của quần chúng. Chúng tôi chiếm được 37 ghế, Barisan 13 và UPP của Ong Eng Guan 1. Như một người trong số họ sau này đã thừa nhận, Barisan hoàn toàn bị bất ngờ.
Giấc mơ của Tunku về một chính phủ Liên hiệp SPA – UMNO – MCA
– MIC để nắm quyền ở Singapore cũng tiêu tan. Tất cả 42 ứng viên của họ đều bị thất cử. Tôi đã làm đúng khi không đồng ý một cuộc thanh trừng hoàn toàn những lãnh tụ mặt trận công khai của những người cộng sản, nếu không thì Đảng Liên hiệp có thể đã đạt được đủ số ghế để tiếp tục là một thế lực mạnh. Nhưng cú sốc dữ dội nhất đối với Tunku là PAP đã đánh bại UMNO trong cả ba khu vực bầu cử toàn những cử tri Malay mà chính ông ta đã đích thân đến để diễn thuyết vào ngày hôm trước khi bầu cử. Đối mặt với việc chọn lựa giữa một Đảng Liên hiệp yếu ớt, một Barisan mạnh mẽ và một PAP đáng tin cậy, những người Malay ở các đảo phía Nam, Kampong Kembangan và Geylang Serai đã bỏ phiếu cho PAP. Chúng tôi có những ứng viên người Malay đầy năng lực, giỏi nhất trong tất cả là
Yaacob bin Mohamed. Kết quả này rồi sẽ đưa đến hậu quả nghiêm trọng. Phải đến khi kết thúc cuộc bầu cử ở Malaysia vào tháng 4/1964 chúng tôi mới biết được UMNO đã xem chiến thắng bất ngờ này của PAP như một điềm gở như thế nào và những phản ứng của họ sẽ tai hại ra sao.
Sau khi tất cả các kết quả được công bố, và đã quá nửa đêm, tôi tổng kết trên đài truyền thanh và truyền hình về bốn năm rưỡi đầy xung đột gay gắt và lo âu: “Sáng nay chúng ta đã đạt tới một kết quả mà đối với người cộng sản, đó sẽ là giây phút của sự thực – những sức mạnh quần chúng của họ chỉ là huyền thoại.” Những khẩu hiệu, áp phích của họ dán khắp nơi nhằm làm lóa mắt mọi người và tạo một ấn tượng về lực lượng và sự bất khả chiến bại của họ – “chính các cử tri đã làm cho điều đó bị phơi bày”. Ngày hôm sau, 22/9, Moore báo cáo với London:
“Đây là một chiến thắng vang dội và là thành tựu đầy vinh quang trong sự nghiệp của Lee tính cho đến nay. Chiến thắng này mang tính quyết định hơn chiến thắng hồi năm 1959, vì hồi đó ông ta có được sự ủng hộ của cộng sản, nhưng trong trường hợp này ông ta công khai chiến đấu chống lại cộng sản và rõ ràng đã đánh bại họ…
Chúng ta luôn nói ở Singapore rằng Lee Kuan Yew là người duy nhất có thể điều hành thành phố này và rằng chính phủ Malaysia sẽ phải hoặc hợp tác với ông ta, hoặc bỏ tù ông ta. Cách đối phó thứ hai hiện nay là không thể được và chúng ta nên hy vọng rằng sự tiết chế cần thiết sẽ được thể hiện ở cả hai phía để đạt được một sự hợp tác có hiệu quả. Sáng nay Lee có nói chuyện với tôi trên điện thoại và tôi nhân cơ hội này đã nhấn mạnh với ông ta về tầm quan trọng của việc không tỏ ra quá hào hứng trước thất bại của Đảng Liên hiệp và tập trung vào việc cải thiện tình hữu nghị với Kuala Lumpur. Ông ta đã gây ra quá nhiều lỗi lầm trong vấn đề này trước đây và ông ta có nhiệm vụ phải có một nỗ lực thực sự nhằm tạo dựng một mối quan hệ mới.”
Ba người đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến đấu công khai này. Raja thật tuyệt vời. Tinh thần chiến đấu của ông ta không bao giờ giảm sút. Sau khi Barisan tấn công chúng tôi vào giữa năm 1961, khi mọi thứ có vẻ bi quan và chúng tôi đang chìm sâu trong nỗi tuyệt vọng, thì Raja đã gầm lên như một con sư tử. Khi họ phỉ báng PAP như những kẻ trở mặt và phản bội bán rẻ nhân dân, Raja
đã đáp lại bằng những lời lẽ cay độc, bác bỏ và vạch trần họ. Ông ta đã tận dụng kỹ năng viết truyền đơn của mình, và sức mạnh của ông ta đã củng cố tinh thần của mọi người, ông ta tin chắc rằng chúng tôi đúng, rằng chúng tôi phải chiến đấu, và chúng tôi sẽ chiến thắng.
Kế đến là Pang Boon – nói năng nhẹ nhàng và điềm đạm, trung thực và đáng tin cậy, rất giỏi trong việc đánh giá ai trong các chi bộ và trung ương PAP là người trung thành. Ông ta đoàn kết những người trung thành của chúng tôi lại với nhau và giữ được thiện tâm, nên chúng tôi có được những đảng viên Hán học trở thành hạt nhân của tổ chức bầu cử. Cùng với những thủ lĩnh quần chúng, lực lượng này đã bù đắp cho những gì đã bị những kẻ ủng hộ Barisan phá hủy sau khi PAP phân hoá.
Nhưng nhân vật hậu trường quan trọng nhất của tôi là Keng Swee, với ngòi bút sắc bén và đầu óc sáng suốt của ông ta. Ông ta đã giúp tôi hoàn chỉnh những chiến thuật để giành chiến thắng. Trước mỗi thủ thuật khôn khéo của đối phương, chúng tôi đều vạch được một biện pháp đối phó. Suốt cuộc chiến đấu này và trong 21 năm tiếp theo cho đến khi ông ta về hưu khỏi cương vị phó Thủ tướng vào năm 1984, ông ta là một cái tôi thứ hai của tôi, luôn là người hay hoài nghi, luôn suy tính thiệt hơn về từng kế hoạch đề xuất để tìm ra những thiếu sót của nó hầu giúp tôi điều chỉnh lại. Ông ta là một trí thức phụ tá rất xuất sắc của tôi và là một chiến sĩ dũng cảm. Vẫn còn có nhiều đảng viên trung kiên khác nữa, nhưng đó là ba người nổi bật.