Tôi lên đường đi London ngày 5.9 để tham dự Hội nghị các Thủ tướng thuộc Khối thịnh vượng chung năm 1962 được triệu tập để thảo luận việc Anh xin gia nhập Khối Thị trường chung Châu Âu (EEC). Singapore không phải là một nước độc lập, nhưng vì các thuộc địa có thể bị ảnh hưởng, nên chúng tôi được mời với tư cách là những cố vấn cho Duncan Sandys; tôi không có quyền phát biểu và chỉ có thể đưa ra những quan điểm của mình thông qua ông ta. Đó là một cơ hội để tôi nối lại mối quan hệ với Đảng Lao động. Tôi đã gặp Hugh Gaitskell, lãnh tụ phe đối lập, trong những cuộc viếng thăm London trước đây của tôi thông qua John Strachey, Bộ trưởng hư vị phụ trách Khối Thịnh vượng chung và thuộc địa30. Strachey là một người trí thức, hiểu biết rộng và quan tâm đến các lý thuyết và triết học. Ông ta thân thiện và muốn giúp đỡ các thuộc địa giành thắng lợi. Keng Swee đã mời ông ta đến Singapore để chứng kiến cuộc vận động trưng cầu dân ý của chúng tôi. Sau khi lắng nghe tôi nói tại cuộc mít–tinh giấc trưa của chúng tôi tại quảng trường Fullerton, ông ta nói với tôi là tôi quá trí thức, là một diễn giả hơn là một kẻ vận động quần chúng. Gaitskell thì lại khác: ông ta ít quan tâm đến các lý thuyết, mà chú ý đến thực tế hơn, linh hoạt trong lý luận của mình.
Đảng Lao động tổ chức hội nghị của riêng mình gồm các Thủ tướng thuộc đảng Lao động hay có xu hướng xã hội chủ nghĩa trong Khối thịnh vượng chung để bàn việc nước Anh gia nhập vào EEC. Nehru không tham dự, nhưng những đại diện cao cấp của Ấn Độ đã phản kháng mạnh mẽ rằng họ và các thuộc địa cũ đang bị ruồng bỏ: những ưu đãi của Khối thịnh vượng chung đối với hàng xuất khẩu của Ấn sang Anh, đặc biệt là hàng dệt, sẽ gặp nguy cơ một khi nước Anh gia nhập vào EEC. Tất cả các lãnh tụ khác yêu cầu duy trì các mối liên hệ và được đặc quyền tiếp cận thị trường Anh, và sự quan tâm đặc biệt của EEC đối với hàng xuất khẩu của họ. Thật thú vị khi xem họ tác động lẫn nhau. Walter Nash từ New Zealand là Thủ tướng duy nhất đến từ những xứ tự trị da trắng; những người khác từ các xứ sở không phải da trắng, phần lớn đều chưa độc lập. Tất cả đều trông cậy vào sự đồng tình và ủng hộ của Gaitskell, vì ông ta chống lại châu Âu và ủng hộ việc duy trì những quan hệ kinh tế bền chặt với họ.
Trong Hội nghị của Đảng Lao động, tôi phát biểu rằng tương lai là một sự thay đổi không thể tránh khỏi, nhưng những thay đổi đó không thể là lý do để nước Anh vứt bỏ những trách nhiệm mà nó đã thừa hưởng từ đế quốc Anh. Nếu họ bị ruồng bỏ, hậu quả sẽ rất tai hại, đe dọa đến những quốc gia nhỏ như Singapore. Mối liên hệ chặt chẽ nhất của chúng tôi với một cường quốc công nghiệp là với nước Anh. Nếu chúng tôi mất đi mối liên hệ này, chúng tôi sẽ bị tụt dốc thảm hại. Tôi nói thêm một cách đơn giản nhưng chân thành rằng nước Anh và đế quốc Anh đã tạo nên một thế giới mà tôi được biết trong suốt cuộc đời tôi, một thế giới mà trong đó nước Anh là trung tâm đối với sự tồn tại của chúng tôi; trong khi chúng tôi muốn được tự do quyết định những gì chúng tôi phải làm đối với cuộc sống của chúng tôi, chúng tôi cũng muốn và cần duy trì những mối quan hệ lâu đời về kinh tế, văn hóa và lịch sử của chúng tôi. Đặc biệt chúng tôi quý trọng mối quan hệ hợp tác với Đảng Lao động vốn đã giúp chúng tôi rất nhiều trong cuộc đấu tranh giành độc lập.
Tôi đã lôi cuốn được sự đồng tình. Sau khi tôi nói, Denis Healey, thư ký của đảng phụ trách quan hệ quốc tế, bước lại gần tôi và nói: “Hary, ai dạy anh ăn nói kiểu đó? Đó quả là một bài diễn văn mạnh mẽ.” Tôi được khích lệ rằng tôi có những người bạn trong số các lãnh tụ của đảng Lao động. Tôi đã có mối quan hệ đủ thân mật với Sandys, Maudling và Lennox–Boyd (người mà tôi ăn ý nhất), nhưng họ là những người thuộc đảng Bảo thủ và đại diện cho quyền lợi của những kẻ có tiền, họ không bao giờ thông cảm với các sinh viên thuộc địa hăng hái mưu cầu nền độc lập. Đảng Lao động chia sẻ những khát vọng của chúng tôi. Họ có cùng một triết lý cơ bản về việc ủng hộ những người bị áp bức và những nguyên tắc đạo đức về sự bình đẳng giữa con người thuộc mọi chủng tộc và quốc gia, kèm theo một niềm tin về tình huynh đệ xã hội chủ nghĩa. Tôi nhậm chức chưa đủ lâu để hiểu rằng khi đảng Lao động nắm lại được chính quyền, thì trách nhiệm của họ sẽ là đối với nhân dân Anh chứ không phải là đối với những người cùng chí hướng, và rằng việc từ bỏ hoặc hạ thấp những nguyên tắc của họ khiến họ thương tổn lương tâm, nhưng tất họ sẽ làm thế.
Bản thân cuộc hội nghị của Khối thịnh vượng chung rất hấp dẫn. Lãnh tụ các quốc gia lớn nhỏ đều được xếp ngồi quanh một cái bàn bầu dục trong Dinh Marlborough và đều có quyền bình đẳng trong việc phát biểu. Tôi bị ấn tượng nhất đối với Harold Macmillan. Ông ta ngồi đó như một vị giáo trưởng, một nhân vật vĩ đại ở thời Edward, với mi mắt và hàm râu rũ xuống, một vẻ uể oải dễ ngộ nhận và một bộ đồ cắt theo kiểu xưa. Ông ta chào đón mọi vị Thủ tướng khi họ bước vào, cả những người đến đây do được ưu ái, như tôi chẳng hạn. Khi chúng tôi bắt tay nhau, ông ta cười nhẹ và chúc mừng tôi với lời nhận xét rằng cuộc trưng cầu dân ý đã trôi qua một cách tốt đẹp. Tôi mỉm cười đáp lại: “Vâng, với sự giúp đỡ của chính phủ Anh trong việc đưa ra được cho dân chúng những điều kiện thỏa đáng.” Ông ta và Duncan Sandys đang ngồi bên cạnh, đều tỏ vẻ hài lòng. Một gánh nặng đã rời khỏi đôi vai thực dân của họ.
Ấn Độ là quốc gia đại biểu lớn nhất nhưng Nehru là một kẻ uể oải. Ông ta không có sức sống, không mạnh mẽ trong thái độ hoặc trong lời phát biểu. Ông ta không mạnh mẽ phản đối việc Anh gia nhập khối Thị trường chung. Bài diễn văn đáng nhớ nhất là của Robert Menzies, Thủ tướng Úc, một người to lớn, mạnh khỏe, mập mạp, với khuôn mặt to bè và một giọng nói mạnh mẽ, sâu lắng vang lên đến hết cỡ của nó. Hàng lông mày dựng đứng của ông ta nhấn mạnh thêm cho lời phát biểu mỗi khi ông ta cau mày. Ông ta nói say mê, thuyết phục và đầy uy lực. Ông ta bỏ qua những bảo đảm của Macmillan về việc duy trì những quan hệ khắng khít với các nước thuộc Khối thịnh vượng chung sau khi Anh gia nhập Thị trường chung. “Tôi điều hành một liên bang. Tôi biết các liên bang làm việc như thế nào”, ông ta nói. Hoặc chúng hướng tâm, trong trường hợp đó, các tiểu bang ngày càng xích lại gần nhau như ở Úc, hoặc chúng ly tâm, với các bang ngày càng tách rời nhau đến khi cuối cùng chúng tách khỏi nhau. Chúng không bao giờ ở trạng thái tĩnh. Không có động lực nào khác hoạt động trong những tổ chức như thế. Nếu Anh gia nhập vào EEC, những mối quan hệ với Khối thịnh vượng chung sẽ suy yếu và thu hẹp lại.
Nhìn lại 30 năm qua để thấy cả hai Khối thịnh vượng chung cũ và mới đã tách xa dần khỏi nước Anh thế nào khi các quyền lợi của nó ngày càng gắn bó hơn với quyền lợi của châu Âu, tôi thường nhớ lại Menzies đã tiên tri đúng đến mức nào. Ông ta biết quyền lợi của Úc nằm ở đâu, và ông ta không hề nghi ngờ gì việc chúng bị hy sinh sau khi người Úc đã đổ máu trong hai cuộc thế chiến vì nước Anh.
Đối với Thủ tướng Anh, bài diễn văn hùng hồn của Menzies là một cú đấm. Nó được phát biểu vào sáng thứ Sáu, nên thay vì trả lời vào buổi chiều đó, Macmillan hoãn hội nghị vì lý do cuối tuần để gặp riêng từng lãnh đạo trong Khối thịnh vượng chung tại Chequers và chuẩn bị câu trả lời. Vào thứ Hai, một Macmillan lịch sự trình diễn một màn thật tuyệt vời. Ông ta rầu rĩ cho rằng nước Anh phải chấp nhận đường lối này, nhưng dòng lịch sử đã thay đổi. Của cải được sinh ra nhiều nhất từ những lục địa lớn, như Mỹ và châu Âu, nơi mà sự giao thông tốt tạo thuận lợi cho việc buôn bán và các trao đổi khác. Một đế quốc hải ngoại như đế quốc mà nước Anh đã xây dựng nên không còn là con đường đi đến thịnh vượng nữa. Đối với một người thuộc lứa tuổi và thế hệ của ông ta, một người được sinh ra và lớn lên trong đế quốc đó, sẽ quá dễ dàng để tiếp nối những quan hệ cũ. Nhưng cần phải đối mặt với tương lai, mà đó cũng là nhiệm vụ của ông ta, dù không hứng thú gì, để nối nước Anh với bộ máy tăng trưởng và tiến bộ này trên lục địa châu Âu. Đó là một màn trình diễn tuyệt vời, ôn hòa, thậm chí có vẻ sầu muộn, với ít nhiều hoài niệm về Khối thịnh vượng chung cũ. Nó xoa dịu tất cả các lãnh tụ có mặt nhưng khiến họ không còn nghi ngờ gì mấy về việc Thủ tướng Anh có một nhiệm vụ phải làm, và rằng nhiệm vụ đó có nghĩa là phải đáp lại sự vẫy gọi từ châu Âu. Ông ta sẽ làm hết sức mình để duy trì những mối quan hệ của Khối thịnh vượng chung và đế quốc, miễn sao các quốc gia châu Âu (hoặc đúng hơn là Tổng thống De Gaulle của Pháp, dù ông ta không được đề cập đến) cho phép ông ta làm thế.
Lần này tôi quyết định trở về Singapore theo đường Moscow, dù Tunku không hài lòng, và rời London vào ngày 19/9 bằng máy bay của hãng British Airways. Tôi không để cho mình bị lỡ một việc mà tôi cảm thấy nó là một phần thiết yếu trong vốn kiến thức chính trị của tôi: xem qua thủ đô của Liên bang Xô viết và của người Nga. Và tôi phải làm điều đó trước khi chúng tôi đi vào lãnh thổ Malaysia, khi mà Kuala Lumpur sẽ kiểm soát hộ chiếu của tôi. Tôi được đón chào bởi các viên chức được ủy nhiệm để tiếp các lãnh tụ của các nước không độc lập, đặc biệt là Phó chủ tịch Ủy ban Quan hệ Văn hóa và Nước ngoài. Vài nhà ngoại giao của Khối thịnh vượng chung cũng có mặt tại phi trường, gồm có các đại diện của Anh và Úc và đại sứ Canada, Arnold Smith, sau là Tổng thư ký Khối thịnh vượng chung.
Tôi nói với các phóng viên phương Tây là tôi sẽ quay về nhà theo đường Moscow để biết thêm về thủ đô của một trong những quốc gia lớn nhất thế giới. Không hề có mục đích chính trị nào đằng sau cuộc viếng thăm của tôi cả. Thực tế là nhân viên cao cấp nhất mà tôi được gặp là Thứ trưởng Ngoại giao thứ nhất Vasily Kuznetsov. Nhưng tôi học được nhiều thứ trong một bữa ăn do Arnold Smith tổ chức, tại bữa ăn này vài nhà ngoại giao nước ngoài đã dạy cho tôi cách hiểu ra những gì đã thấy. Moscow là một kinh nghiệm thú vị. Tôi có một cảm giác kỳ lạ là bất cứ cái gì tôi làm đều có người theo dõi. Và thật thế, như tôi đã được cảnh báo, tại một khách sạn tốt nhất thành phố – khách sạn National, nơi tôi được xếp trọ với tư cách là khách của họ – bồn rửa và bồn tắm không có nút chặn. Tôi có mang theo mình một quả banh cao su cứng, loại để tôi ném cho chó chạy đi nhặt về, nhưng nó chỉ có tác dụng ở bồn rửa. Sự phục vụ ở khách sạn thật là kỳ quái. Tôi đến vào ban đêm và được mời đi ăn. Sáng hôm sau tôi được phục vụ một bữa điểm tâm khổng lồ với cá muối, cá tầm hun khói, những đĩa bánh mì đen to tướng, trà và cà phê, vốt-ka và cô-nhắc – tất cả được bày trên một tấm vải nhung trải trên chiếc bàn tròn lớn. Tôi đi ra ngoài cả ngày và xem đoàn ballet Bolshoi ban đêm. Khi quay về phòng mình, tôi thấy bữa điểm tâm vẫn còn trên bàn. Tôi thật kinh ngạc, và kết luận rằng trong thiên đường cộng sản này, việc người này phục vụ người kia được coi như là một sự hạ mình. Vì vậy tôi ngủ bên cạnh những thứ còn lại đó.
Khi tôi quay về Singapore vào ngày 29/9, tôi nói với đám đông những người ủng hộ đảng đang đón chào tại phi trường rằng tôi vẫn bình thường. Người Nga đã biết tôi và được chuẩn bị để quan hệ với tôi và buôn bán với chúng tôi, nhưng tôi đến Moscow để nghiên cứu và không hề bị ảnh hưởng. Quan điểm của tôi giống như của Hoàng thân Sihanouk và Tổng thống Nasser. Chúng tôi sẽ bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của chúng tôi, những tư tưởng và lối sống của chúng tôi. Chúng tôi sẽ trung lập trong bất kỳ sự xung đột nào giữa các khối đại cường. Nhưng chúng tôi không hề trung lập ở những chuyện liên quan đến quyền lợi của mình. Chỉ thông qua sự đánh giá thông minh và hiểu rõ những gì đang xảy ra và tại sao xảy ra mà chúng tôi có thể vạch ra con đường tiến tới cho mình. Chẳng hạn chúng tôi có thể thấy rằng không một quốc gia riêng lẻ nào, ngay cả một cường quốc như Anh, có thể dám tự phụ rằng một cuộc hợp nhất ở châu Âu sẽ không tác động đến nó. Vì thế sẽ hoàn toàn lố bịch nếu một nước như Singapore với 1,8 triệu dân lại cố đứng vững một mình.
Tôi đã giải thích tất cả những điều này vì lợi ích của Tunku, nhưng không thuyết phục được ông ta. Sau này tôi được biết rằng ông ta thật sự không hài lòng về chuyến viếng thăm Moscow của tôi và đã đưa ra ở Kuala Lumpur một tuyên bố rằng điều đó là một ngạc nhiên đối với ông ta. Ông ta xem tôi như một quan chức cứng đầu ở một tỉnh biên giới nhiều rắc rối. Ông ta đã phản đối việc tôi thăm viếng những quốc gia cộng sản, vậy mà tôi vẫn đi.