Hồi Ký Lý Quang Diệu - Tập 1

Chương 14: Marshall Ra, Lim Yew Hock Vào

Cuối cùng khi Marshall trở về Singapore ngày 25/5/1956, ông ta vẫn còn bực bội và giận tôi. Ông ta yêu cầu tôi rời khỏi phòng khi tôi xuất hiện ở phi trường để chào đón ông và dự định lưu lại dự cuộc họp báo của ông ta. Nhìn thẳng vào tôi, ông ta nói cuộc họp báo chỉ dành cho những người bạn. Tôi bỏ đi.

Tại cuộc thảo luận cuối cùng của ông ta với tư cách là Tổng ủy viên vào ngày 6 và 7/6, vẫn muốn từ chức trong vinh dự, ông ta yêu cầu Hội đồng lập pháp tán thành lập trường của đoàn đại biểu tại cuộc hội nghị ở London. Marshall bị các thành viên Đảng Xã hội Tự do khiển trách vì những hành động bất nhất và vì sự sai lầm của ông ta trong việc từ chối ba phần tư ổ bánh và trở về tay không. Tôi quyết định không phê phán Marshall gì cả, mà đưa ra một mặt trận liên kết chống lại nước Anh “xấu xa”.

Cuộc họp mang bầu không khí sắp tàn cuộc, và tôi thấy cũng chẳng được gì qua việc trách móc Marshall. Về cuối của cuộc thảo luận kéo dài hai ngày này, Marshall từ chức. Ngày hôm sau, 8/6, Lim Yew Hock tuyên thệ nhậm chức Tổng ủy viên.

Tôi đã tin rằng Lim Yew Hock sẽ phải lãnh đạo hoàn toàn khác. Ông ta không có cá tính của Marshall hoặc tính thích quảng bá. Ông ta không thể sống từ cơn khủng hoảng này đến cơn khủng hoảng khác. Ông ta là một nhân viên tốc ký đã thành đạt nhờ khôn ngoan, biết điều, đáng tin cậy và quý giá đối với các ông chủ của ông ta. Tôi cảm giác hầu như chắc chắn rằng ông ta sẽ chấp nhận sự phân tích của các viên chức của ông ta, đặc biệt là các chuyên gia Sở đặc vụ, và hành động theo lời khuyên của họ về cách thức đối phó với sự lật đổ của CUF. CUF đã xâm chiếm sâu rộng vào quá nhiều mặt, và vấn đề của ông ta là làm thế nào để hạn chế họ lại mà không bị quần chúng phản đối. Nếu ông ta tấn công vào ngôn ngữ và nền giáo dục Hoa, ông ta sẽ mất phiếu của khối người nói tiếng Hoa. Nếu ông ta bắt giữ những tay lãnh đạo hiếu chiến của họ và họ bất ngờ không thể giành được thêm những phúc lợi thông qua các cuộc đình công và biểu tình, ông ta sẽ mất số phiếu của giới công nhân, kể cả số người Malay và Ấn Độ, những kẻ sẽ đòi hỏi phóng thích những lãnh đạo đó.

Tuy nhiên, với Lim Yew Hock giữ chức Tổng ủy viên, tình hình trở nên nguy hiểm hơn cho CUF. Vì thế tôi ngạc nhiên rằng, không hề lùi bước hay mai phục chờ thời, Lim Chin Siong và nhóm của ông ta quyết định đóng một vai trò nổi bật hơn. Trong cuộc bầu cử chọn ủy ban chấp hành mới của PAP, họ xoay xở để đạt 5 trong số 12 chiếc ghế cho nhóm của họ, chính Lim Chin Siong đạt được số phiếu lớn nhất: 1.537 phiếu so với 1.488 phiếu của tôi. Ông ta vẫn để cho phái ôn hòa giữ một đa số trên danh nghĩa, nhưng lại cho thấy rõ rằng một khi cần đến sự ủng hộ của quần chúng, thì phái khuynh tả sẽ nắm được mọi lá bài chủ. Sức mạnh của họ đang tràn ngập và họ có thể dễ dàng kiểm soát đảng bất cứ khi nào họ muốn.

Tôi quyết định đây là lúc tôi đi nghỉ nửa tháng thường niên. Tôi lái xe lên cao nguyên Cameron cùng với Choo và Loong, ngừng lại dọc đường tại khách sạn Station ở Kuala Lumpur. Chúng tôi chọn nó vì Loong rất thích những chiếc xe lửa, và chúng tôi đưa nó xuống sân ga để xem các chuyến xe đến và đi. Nhưng còn một lý do quan trọng hơn để chúng tôi lưu lại Kuala Lumpur. Đáp lại một lá thư tôi đã gửi cho ông ta trước đó, Ong Pang Boon đã đến khách sạn gặp tôi.

Vốn tiếng Hoa của tôi vẫn rất kém. Pang Boon nói tiếng Quan thoại, Hokkien, Quảng Châu, và được giáo dục bằng tiếng Hoa và tiếng Anh. Ông ta vừa tốt nghiệp Đại học Malaya và đang làm việc tại Kuala Lumpur cho Malaya Borneo Building Society. Lương ông ta khoảng 700 đôla một tháng. Ông ta đã giúp tôi ở Tanjong Pagar suốt cuộc vận động bầu cử năm 1955 và tôi muốn ông ta trở thành thư ký tổ chức của PAP, nhưng tôi chỉ có thể đề nghị với ông ta mức lương 450 đôla từ phần trợ cấp 500 đôla một tháng của ủy viên hội đồng lập pháp của tôi. Ông ta trả lời rằng ông ta sẽ đến Singapore “nếu đảng ra lệnh”. Tôi nói với ông ta rằng tôi không thể ra lệnh cho ông ta làm điều gì mà nó sẽ gây thiệt hại cho ông ta 250 đôla so với mức lương hiện có của ông ta và gồm cả việc ông ta phải rời khỏi thành phố quê nhà, đặc biệt là khi các ông chủ của ông ta đã đề nghị gửi ông ta sang Anh để tu nghiệp. Ông ta yêu cầu có thời gian để suy nghĩ. Khoảng hai tuần sau, ông ta nhận lời và đồng ý bắt đầu vào giữa tháng 8. Tôi thấy nhẹ nhõm và biết ơn. Tôi sẽ khó tìm được một ai khác đáng tin cậy như thế. Ông ta có độ nhạy cảm chính trị, am hiểu về các học sinh trung học người Hoa và có tư tưởng quốc gia. Quan trọng hơn hết là tôi cảm thấy có thể tin ông ta được.

Nhiệm vụ của ông ta không dễ dàng chút nào. Thật khó để điều hành một đảng phái đa chủng tộc, đa ngôn ngữ ở Singapore. Những thành viên năng nổ của PAP là những người nói tiếng Hoa và những lãnh tụ tự nhiên của họ đều là những tay Hán học. Vì vậy các hoạt động cung ứng cho họ – những bài hát, điệu múa và những lớp nấu ăn, may vá, học đọc viết, sửa chữa radio, động cơ tất cả đều bằng tiếng Quan thoại. Điều này loại bỏ những người Hoa theo Anh học, những người Malay và Ấn Độ, vì thậm chí nơi họ chiếm đa số thì những người Hán học vẫn điều hành mọi thứ. Trụ sở trung ương của PAP tổ chức những cuộc họp chung trong đó có những người nói tiếng Anh tham dự, nhưng không có những hoạt động văn hóa và xã hội đặc biệt được tổ chức cho họ, vì điều đó sẽ đòi hỏi những cơ sở vật chất lớn hơn quá đắt tiền mà một đảng phái còn nghèo khó lòng mướn nổi.

Nếu không có một người như Pang Boon, tôi sẽ không tài nào quán xuyến được những hoạt động của đảng. Như thường lệ các chi nhánh phản ảnh thái độ của Middle Road, nơi Lim Chin Siong và Devan Nair đang ép chúng tôi có thái độ rõ ràng nhằm chống lại những chính sách chống cộng rõ ràng ngày càng tăng của chính phủ Tunku ở Kuala Lumpur, không tạo cơ hội cho MCP hoạt động theo hiến pháp. Vì thế tôi đưa ra một tuyên bố của PAP tấn công chính phủ Liên minh trong Liên bang. Đó là một quyết định quan trọng. Vì đây là lần đầu chúng tôi đề cập đến những vấn đề nhạy cảm ở Malaya.

Chúng tôi chỉ rõ rằng những chính sách của Tunku sẽ “đẩy chủng tộc chống lại chủng tộc và giai cấp chống lại giai cấp”, rằng việc thành lập một đội quân 500.000 người để tăng cường cuộc chiến đấu chống lại cộng sản sẽ “cho thấy rõ rằng quân đội và cảnh sát sẽ là chủ yếu, nếu không nói là toàn bộ, là người Malay và rằng những lực lượng Malay này sẽ được dùng để kiểm soát chủ yếu những khu vực của người Hoa và các công nhân”. Những mối nguy về xung đột chủng tộc giữa người Malay và người Hoa đã xảy ra. Lập trường chống cộng cũng sẽ đưa những công nhân đủ mọi sắc tộc ra chống lại “những ông chủ Ấn, Hoa và châu Âu được ủng hộ bởi tầng lớp

phong kiến Malay trong chính phủ Liên bang”. Nó là “một chế độ thuộc địa được che đậy bởi vì sau khi chính quyền Tunku nắm quyền an ninh nội chính, quốc phòng và tài chính, người Anh đã ẩn mình một cách thành công đằng sau những Bộ trưởng thuộc Khối liên minh”, thực thi quyền lực thực sự thông qua các lực lượng vũ trang của họ và quyền điều khiển cảnh sát cũng như guồng máy hành chính của thủ tướng.

Ngày hôm sau, Tunku giáng trả lại. Ông ta tuyên bố rõ ràng rằng sẽ không quan hệ với những người cộng sản hoặc PAP. Chính sách của ông ta không nhằm tìm kiếm “sự ủng hộ giả tạo của quần chúng” bằng cách kích động tư tưởng bài Anh. “Quyết tâm của tôi là bảo đảm chính quyền của chúng tôi vận hành hoàn toàn thoát khỏi sự can thiệp từ những phần tử phản loạn. Vì thế, tôi kiên quyết giữ vững an ninh và trật tự trong xứ sở này,” ông ta nói. Nhưng sự phản ứng có ý nghĩa nhất lại đến từ Tan Siew Sin, sau này là Bộ trưởng Tài chính, rồi là trưởng ban tuyên truyền của MCA. “Tunku Abdul Rahman cũng nhận thức rõ việc sử dụng bừa bãi các lực lượng Malay trong việc thực thi tình trạng khẩn cấp có thể dẫn đến xung đột chủng tộc, đặc biệt là khi những lực lượng như thế sẽ có thể được triển khai tại những vùng nông thôn, nơi đa số dân chúng là người Hoa…” Với tư cách là một người Hoa cùng phe với Tunku, ông ta ý thức về mối nguy hiểm đối với bản thân và đối với Malaya nếu có một cuộc đổ máu vì vấn đề chủng tộc.

PAP đã chạm vào một vấn đề dễ gây thương tổn, nhưng không có cách nào để tránh sự xung đột công khai này. Chúng tôi nằm trong mặt trận liên kết với những người cộng sản và Tunku đang muốn tiến hành y nguyên những chính sách như người Anh trong việc đàn áp họ, sử dụng những phương pháp của người Anh nhưng lần này được sự ủng hộ của những người theo chủ nghĩa dân tộc Malay. Tôi không hiểu chiến lược của cấp trên Lim Chin Siong. Họ phải biết rằng một cuộc thanh trừng đang sắp xảy ra và những tay điều hành chủ chốt của họ sẽ bị quét sạch. Song họ đã nắm một vị trí đáng kể hơn trong PAP, và đang ép những người phi cộng sản chấp nhận một thái độ thù địch chống lại Tunku, mà nó chỉ làm tăng thêm nguy cơ về một biện pháp đàn áp của chính quyền. Tôi kết luận rằng những lãnh tụ MCP chỉ huy Lim Chin Siong và Fong Swee Suan không chắc Lim Yew Hock sẽ đi theo con đường nào, và quyết định dùng họ để thăm dò tình hình. Vì mục đích của họ, hai lãnh tụ mặt trận công

khai có thể hy sinh. Còn những cán bộ chủ chốt của họ, họ để nằm vùng, và chiến trường chính của họ không phải là Singapore mà là Malaya, nơi Tunku và cơ sở quần chúng người Malay của ông ta mới là kẻ thù chính của họ. Nếu những gì họ muốn ở Singapore là một chỗ ẩn náu an toàn, nơi họ có thể xây dựng lực lượng của họ cho cuộc chiến đấu trong nội địa, thì chính sách khiêu khích của họ là không hợp lý. Việc trước mắt của tôi là khám phá Lim Yew Hock và những chuyên viên nghiên cứu bí mật của ông ta trong Sở đặc vụ đang chuẩn bị hành động gì – như ông ta phát biểu ngày 6/9 trước Hội đồng lập pháp – “vì lợi ích tốt nhất cho Singapore”.

Tôi không phải chờ lâu cho đến khi chính phủ hành động. Vào ngày 19/9, chính phủ giải tán Hội Phụ nữ Singapore và Hội Kèn đồng Hoa, bắt giữ 6 lãnh tụ CUF, bao gồm chủ tịch Nghiệp đoàn Công nhân Phân xưởng và Nhà máy Singapore (SFSWU) và 3 chỉ huy đầu não có quan hệ với các trường trung học tiếng Hoa – một giám học, một giám thị và chủ tịch Hội Giáo viên Tiểu học người Hoa ở Singapore, một trong số họ đã bị trục xuất về Trung Quốc. Lim Yew Hock nói trên tờ Straits Times: “Chúng tôi quyết định thẳng tay ngăn chặn mối đe dọa ngày càng lớn của các tổ chức mặt trận cộng sản. Chúng tôi quyết định kiểm tra ‘sự thâm nhập lén lút’ của những người cộng sản và những cảm tình viên của họ vào những tổ chức có uy tín.” Trong một bản tuyên bố, tôi nêu rõ: “Hành động bất ngờ và độc đoán gây ra mối lo âu nghiêm trọng nhất. Chúng tôi đang nghiên cứu vấn đề đó.” Lim Chin Siong và Fong không hài lòng vì bản tuyên bố của tôi thiếu sức xúc cảm và tố cáo mạnh mẽ. Họ muốn phản đối và lên án bằng mọi cách có thể, nhưng tôi lại không đáp ứng điều đó.

Vào ngày 24/9, chính phủ xóa sổ Liên đoàn học sinh trung học người Hoa ở Singapore (SCMSSU) và 5.000 học sinh đã chiếm đóng các trường của họ để phản đối. Những người canh gác che mặt xuất hiện ở các cổng trường, che mặt bằng khăn tay mỗi khi xe tuần cảnh có bộ đàm chạy ngang. Những người gác này kêu gọi các phụ huynh tìm đến trường hãy trở về nhà và quay lại với thức ăn, quần áo cho con em họ. Báo chí thuật rằng các giáo viên cảm thấy “trơ trọi”, và một hiệu trưởng, vốn cũng có tư tưởng sô–vanh Trung Quốc, đã miêu tả đám học sinh là “bất trị”. Nhưng khi Chew Swee Kee, với tư cách là ủy viên giáo dục, nói với chúng là chúng sẽ phải gánh chịu những hậu quả nếu như chúng không chịu trở lại lớp học

một cách có trật tự, một số đứa đã quyết định về nhà. Thật khôn ngoan, vì lần này chính phủ tỏ rõ ý định muốn giành mọi thắng lợi, và Lim Chin Siong cũng như Fong không thể lý giải những dấu hiệu ấy thành bất kỳ điều gì khác hơn một dấu hiệu kết thúc cho giai đoạn tiến công thông qua mặt trận liên kết của họ.

Ngày kế tiếp, bốn tổ chức có liên quan tới các trường học người Hoa bị cấm hoạt động, trong đó có Hội Giáo viên tiểu học người Hoa ở Singapore và Liên hiệp các hội phụ huynh học sinh người Hoa ở Singapore. Một tuần sau, cảnh sát bắt giữ Robert Soon Loh Boon, chủ tịch liên đoàn học sinh đã bị cấm hoạt động, và cùng ngày bắt giữ một thư ký ăn lương của SCMSSU, đồng thời trở thành thành viên đầu tiên của ban chấp hành PAP bị chính phủ bắt giữ.

Tại cuộc họp của Hội đồng lập pháp ngày 2/10, tôi đề nghị phê phán chính phủ về những vụ bắt giữ và trục xuất đó. Đó chỉ là việc làm hình thức. Lời đề nghị bị bác bỏ. Tôi biết Lim Yew Hock phải tiếp tục việc thanh trừng. Ông ta không thể do dự theo cách mà Marshall đã làm mà không phải hối tiếc. Chew cũng tấn công một cách tương ứng. Ông ta chĩa mũi nhọn vào các bậc phụ huynh và những ai tha thứ việc nổi loạn của học sinh. Hai giáo viên trung học bị sa thải và 9 người khác bị cảnh cáo, trong đó có một hiệu trưởng và một giám thị. Hai cậu trai và một cô gái bị bắt giữ, và một trong hai cậu bị trục xuất vì cậu ta không sinh tại Singapore. Chew cũng trao cho các trường học bản danh sách 142 học sinh bị đuổi học. Trong khi đó 742 người khác xung phong ủng hộ chiến dịch của chính phủ nhằm diệt trừ những kẻ gây rối.

Một cuộc cắm trại lì để phản đối diễn ra sau đó vào đêm 10 và 11/10 có SFSWU ủng hộ, cùng với dấu hiệu rõ rệt về sự thất bại, lực lượng thân cộng đã nỗ lực rất lớn nhằm đòi cho được một giá chính trị tối đa từ Lim Yew Hock cho việc làm sụp đổ CUF. Họ làm hết sức để nối kết quần chúng về mặt cảm xúc với các lãnh tụ mà họ e rằng sẽ bị bắt giữ, và với những tổ chức mà họ cho là sẽ bị cấm chỉ, thuyết phục dân chúng phải cảm thấy rằng chính họ bị xâm hại và bị tước đoạt. Nhằm mở rộng chiến dịch kích động, Lim Chin Siong và Nair đã nhờ Jamit Singh triệu tập một “Hội nghị dân quyền” của 95 nghiệp đoàn vào ngày 28/9, tại đó có 700 đại biểu đã tuyên bố đại diện cho 200.000 thành viên. Nair được bầu làm chủ tịch, và mục đích của họ là kích động quần chúng chống lại người Anh và “tên bù nhìn thực dân vô sỉ” Lim Yew Hock, kẻ đã cả gan cấm chỉ vài tổ chức

của CUF vào tuần đó. Nhưng đó là cuộc tập hợp thường lệ của phái thân cộng, vẫn là nhóm những người ủng hộ mặt trận liên kết cũ.

Không nao núng, chính phủ vẫn duy trì sức ép. Vào ngày 10/10, cảnh sát bắt giữ bốn lãnh tụ học sinh của tổ chức SCMSSU đã bị xóa sổ, và ba ngày sau đóng cửa trường Cao trung của người Hoa và trường Trung học Chung Cheng. Sau đó, ngày 16/10, chính phủ cho mở cửa các trường khẩn cấp cho 400 học sinh tiếp tục học, và nhiều học sinh khác cũng chấp nhận cách học này. Một tuần sau, một đoàn đại biểu đại diện cho cái được gọi là tổ chức học sinh trung học trường Hoa Singapore yêu tự do đưa cho Lim Yew Hock một lá cờ đỏ, và ngày hôm sau đích thân ông Tổng ủy viên lên đài truyền thanh đưa ra một tối hậu thư cho những học sinh ương ngạnh nào vẫn còn cắm trại trong hai trường phải giải tán vào 8 giờ chiều ngày hôm sau.

Tôi đó, 24/10, PAP tổ chức một cuộc mít–tinh trên một cánh đồng trống ở công viên vui chơi Beauty World dọc theo đường Bukit Timah nhằm phản đối một cách hòa bình những vụ bắt giữ, với Lim Chin Siong, Nair, Chin Chye và tôi trên cùng khán đài. Nhưng khi cuộc mít–tinh giải tán, những người ủng hộ công đoàn của Lim Chin Siong chất đầy trên một đoàn xe và chạy về phía trường Cao trung của người Hoa cách đó chừng ba cây số. Khi tôi lái xe về nhà sau đó, tôi thấy các cánh cổng của ngôi trường đầy những cảnh sát và hàng trăm phụ huynh cùng thân nhân vây quanh, xe hơi của họ đỗ dọc trên đường. Những người cộng sản muốn có càng đông người có mặt càng tốt cho cuộc đốì đầu cuối cùng, dự tính là sẽ xảy ra vào tối hôm đó. Tôi có cảm giác nó sẽ trở thành một biến cố bẩn thỉu và nhuốm máu. Mọi người đều chờ đợi cảnh tượng vỡ đầu bể trán. Nhưng khi tôi đi ngang qua khu ký túc xá của trường Đại học Malaya, một vài học sinh vui mừng thổi còi, kích động trước viễn cảnh trò chơi vui nhộn sắp xảy ra. Tôi nguyền rủa sự ngu si ngốc nghếch và khờ khạo của những sinh viên Anh học đó. Họ không biết họ đang lâm vào thế nguy hiểm nào. Nếu những kẻ giấu mặt đằng sau những trường trung học người Hoa kia thắng, họ sẽ là những người đầu tiên bị tước đoạt mọi thứ.

Khi nó xảy ra, cuộc hỗn loạn bắt đầu bên ngoài trường Trung học Chung Cheng trên đường Goodman, nơi một đám đông ba bốn trăm người va chạm với cảnh sát và tấn công Trụ sở Bưu điện Tanjong Katong và đồn Cảnh sát Geylang. Rồi đám đông trên 4.000 người

nhốn nháo bên ngoài trường Cao trung của người Hoa trở nên quá khích, lật đổ ba xe cảnh sát và đốt cháy hai chiếc khác. Khi cảnh sát tấn công và giải tán họ bằng hơi cay, họ chạy tán loạn, nhưng cuộc hỗn loạn lan rộng tới đường Rochor và những vùng khác ở Singapore. Lúc nửa đêm, chính phủ ban hành lệnh giới nghiêm.

Rạng sáng hôm sau, cảnh sát cho học sinh 10 phút để rời khỏi trường cùng bố mẹ; khi lệnh đó không được chấp hành cảnh sát ùa vào, dẹp bỏ những vật chướng ngại và bắn hơi cay vào những vị trí chốt giữ. Ở trường Trung học Chung Cheng, các phụ huynh nối tay nhau để bảo vệ con cái họ, nhưng hiện họ đã hoảng sợ, vài người nhảy xuống ao trong trường và một số khác bỏ chạy. Khi các học sinh cố diễu hành tiến vào thành phố, chúng bị các rào chắn chặn lại. Cuộc hỗn loạn tiếp tục suốt ngày và đêm hôm đó, xe buýt của Middle Road và công nhân các nhà máy tiến hành đình công. Tuy nhiên, với sự kiểm soát chặt chẽ của cảnh sát và quân đội tại các ngã tư đường quan trọng và máy bay trực thăng trên đầu phối hợp với các loa phóng thanh đe dọa đám đông, tình hình không quá náo loạn.

Cảnh sát và quân đội đã được chuẩn bị đầy đủ và có một sự phối hợp chặt chẽ giữa họ. Trực thăng và xe bọc thép chiếm cứ các vị trí trước khi rạng đông. Những rào chắn được đặt vào chỗ và những nhóm chống bạo loạn cơ động luôn trong tư thế sẵn sàng. Không có đe dọa thực sự đối với vấn đề an ninh. Nhưng việc nổi loạn, đốt phá và đổ máu đã khiến chính phủ có lý do để bắt giữ và câu lưu tất cả những mục tiêu chính của họ trong 24 giờ kế tiếp, tổng cộng 219 người bao gồm các lãnh tụ nhóm Middle Road – Lim Chin Siong và Fong, và trong số những người Anh học có Nair, Woodhull và Puthucheary.

Cuộc nổi loạn làm 13 người chết, 123 người bị thương, 70 xe bị đốt phá, 2 ngôi trường bị tan hoang và 2 đồn cảnh sát bị hư hại. Cảnh sát bắt giữ 1.000 người, trong đó có 256 tên xã hội đen. Tối hôm sau, Lim Yew Hock tuyên bố trên đài phát thanh: “Chúng tôi đang giải phóng những thành viên nghiệp đoàn, nông dân, giáo viên và những tổ chức của người Hoa khỏi một hình thức bóc lột chính trị.” Tờ Straits Times đăng tải bài diễn văn này dưới tiêu đề “Chiến dịch giải phóng”.

Ông tân Tổng ủy viên đã tự đặt mình vào một vị thế không thắng được gì cả. Từ lúc bắt đầu tôi đã tin rằng chính phủ đã phạm sai lầm khi tập trung hành động vào các trường trung học, đặc biệt là trường Cao trung của người Hoa và trường Trung học Chung Cheng. Hai ngôi trường này là Eton và Harrow17 của giới nói tiếng Hoa ở Singapore và Malaya, và các bậc phụ huynh khắp Đông Nam Á đều mong muốn gởi con em họ vào học nội trú ở đó nếu họ có đủ khả năng. Tại sao Sở đặc vụ lại hành động như vậy? Bằng việc tập trung những hành động bước đầu của họ và qua đó tập trung chú ý vào tầng lớp học sinh, họ đã khiến người dân đi đến chỗ tin rằng Lim Yew Hock đang tấn công vào toàn bộ hệ thống giáo dục của người Hoa. Nhận thức đó thật tai hại cho ông ta.

Hiến pháp Rendel không để ông ta nắm quyền an ninh nội chính. Quyền đó nằm trong tay viên tổng thư ký và thống đốc. Nhưng vì những lý do chính trị, viên tổng thư ký không chọn hành động chống lại những người cộng sản. Thay vào đó, Lim Yew Hock đã để cho những nhân viên an ninh dưới quyền thuyết phục ông ta lãnh trách nhiệm tiến hành cuộc thanh trừng này. Do vậy, không khó cho những người cộng sản khi mô tả ông ta như một công cụ của “chủ nghĩa đế quốc thực dân”. Người Anh và người Mỹ còn làm ông dễ bị công kích hơn qua việc tán dương sự can đảm và tính táo bạo của ông ta. Người đầu tiên làm điều đó là Lennox–Boyd: “Lực lượng cộng sản đã bị thương nhưng chưa chết… ở Singapore, những ủy viên chính phủ can đảm và đầy năng lực đang đương đầu với những vấn đề của họ tại mặt trận then chốt này của thế giới tự do”.

Người kế tiếp chúc mừng ông ta bằng giọng điệu tán dương là Bộ ngoại giao Mỹ, và tiếp liền sau đó là người Úc. Không nhận ra sự thiệt hại thanh danh của mình đối với khối quần chúng nói tiếng Hoa, Lim Yew Hock phạm thêm một sai lầm nữa qua việc cố rập theo những chiến thuật của cộng sản. Ông ta dựng nên một đoàn đại biểu gồm 50 người đại diện cho 150 tổ chức tự tuyên bố là có 150.000 thành viên cam kết ủng hộ ông ta. Nhưng những tổ chức địa phương tham dự vào đó – được coi như bộ phận đối trọng với CUF – thì quá yếu kém chẳng thuyết phục được ai, và khi những người Anh nổi tiếng như viên chủ tịch Hội Cựu chiến binh, vị giám mục người Anh của Singapore và viên chủ tịch Phòng Thương mại người Anh gia nhập, thì nó chỉ càng làm tăng thêm ấn tượng rằng ông ta đang hành động vì lợi ích của các nước phương Tây.

Tôi quyết tâm rằng nếu một chính phủ của PAP phải đối mặt với vấn đề này, tôi sẽ không bao giờ phạm vào những sai lầm tương tự. Tôi sẽ nghĩ đến cách yêu cầu các vị phụ huynh sốt sắng lôi con em họ ra khỏi trường và đưa chúng về nhà. Sở đặc vụ có thể bắt các thủ lĩnh sau khi học sinh đã giải tán. Sẽ ít thiệt hại hơn nếu trước tiên Lim Yew Hock bắt giữ những kẻ cầm đầu chủ chốt của mặt trận liên kết trong các nghiệp đoàn và các hiệp hội văn hóa. Riêng các nghiệp đoàn sau đó có thể được cho phép tiếp tục hoạt động. Những lãnh tụ còn tự do sẽ muốn tỏ vẻ sẵn sàng chiến đấu và không bị khuất phục, và ngay sau đó họ sẽ rơi vào hoạt động bất hợp pháp, nhân đó chính phủ có thể xóa sổ các nghiệp đoàn của họ.

Marshall đã dạy tôi cách để không trở nên ôn hòa và yếu đuối khi đối phó với phái quá khích. Lim Yew Hock dạy tôi cách không trở nên quá cứng rắn và vụng về. Sử dụng quyền lực pháp lý và hành chính để giới hạn và cô lập họ thì cũng chưa đủ. Lim không hiểu rằng chiến thuật của đối phương là làm ông ta mất đi sự ủng hộ của quần chúng, cộng đồng người nói tiếng Hoa, hủy hoại uy tín của ông ta trong tư cách là một lãnh đạo biết hành động vì lợi ích của họ. Vì vậy họ có thể mô tả ông ta như một kẻ cơ hội và một tên bù nhìn hành động theo chỉ thị của “bọn đế quốc thực dân”. Trong hai bài học này thì bài học của Lim Yew Hock có giá trị hơn – làm thế nào không để cho đảng cộng sản đòi được một giá cao khi ta đàn áp họ.

Chỉ sau khi mọi việc lắng xuống từ cuộc thanh trừng của chính phủ, những lãnh tụ đối lập hạng hai mà Sở đặc vụ không bắt bớ mới từ chỗ nấp hé ra. Họ đánh bạo ra ngoài dò xét thử xem liệu có thể bị bắt giữ không. Không hề. Vài người đều gặp tôi tại văn phòng trên đường Malacca, và tôi yêu cầu Dennis đi cùng họ đến các trụ sở chi nhánh để kiểm kê những thiệt hại, thu nhặt những tài sản nào còn sót lại, và cử người trông nom. Dennis đi xuống tới Bukit Timah và Bukit Panjang, ở đó Dennis báo cáo lại tài sản đã bị thiêu rụi; mùi hơi cay vẫn còn nồng nặc giữa đám đồ đạc và văn phòng phẩm bị lục soát rối tung, cùng những giày dép rơi lại sau những vụ giằng co bắt bớ.

Một lãnh tụ thú nhận với nỗi lo lắng tột cùng – khoảng 120.000 đôla tiền quỹ của nghiệp đoàn nằm trong két sắt khóa kỹ đặt ở phòng sau tại tổng hành dinh Middle Road đã biến mất. Số tiền này vừa được rút khỏi ngân hàng trước đó. Tôi cho là nó được rút ra để ngăn khỏi rơi vào tay Ủy viên đăng bạ các đoàn thể một khi SFSWU

bị xóa sổ. Điều đó đã không xảy ra, nhưng việc Sở đặc vụ xem xét sổ sách của nghiệp đoàn và phát giác số tiền mất tích thì cũng chỉ trong nay mai. Với tư cách là cố vấn pháp lý, tôi quyết định báo cáo ngay vụ mất tiền này.

Lim Chin Siong đã phạm tội khi rút hầu như toàn bộ số tiền cho những mục đích không theo đúng luật lệ của nghiệp đoàn, và không thể giải thích được chuyện đó. Nhưng khi tôi đến gặp ông ta ở Tổng nha cảnh sát, nơi anh ta bị giữ để thẩm vấn, thì anh ta giả vờ không biết gì cả. Anh ta nói tiền mặt vẫn còn trong căn phòng phía sau đó ba giờ trước khi trụ sở bị khám xét vào rạng sáng ngày 27/10. Người duy nhất nữa biết nó ở đó là viên thủ quỹ nghiệp đoàn. Tôi đã đến gặp viên thủ quỹ này ở nhà tù Changi trước khi đến gặp Lim. Ông ta nói chỉ có hai chìa để mở căn phòng đó, một do ông ta giữ, một do Lim. Theo ông ta biết, số tiền vẫn còn trong phòng khi cảnh sát ập đến.

Tất cả các cuộc gặp riêng với những người bị bắt giữ theo quy định trong tình trạng khẩn cấp đều diễn ra dưới sự chứng kiến của một sỹ quan Sở đặc vụ. Vì thế tôi không hiểu tại sao Sở đặc vụ không gửi những biên bản cho văn phòng viên chưởng lý để các bị cáo có thể bị khởi tố vì tội vi phạm tín nhiệm. Họ đã rút ra 120.000 đôla, tiêu xài 20.000 đôla vào những khoản mà họ hoàn toàn không thể giải thích, và “mất” phần còn lại. Chính quyền đã có thể coi Lim Chin Siong, tay thủ quỹ và vị chủ tịch của anh ta như những tên ăn cắp, chứ không phải là những kẻ hy sinh vì sự nghiệp cách mạng một khi bị bắt vì nguyên nhân chính trị.

Thay vào đó, Ủy viên đăng bạ các nghiệp đoàn yêu cầu họ vào ngày 21/11 trình bày nguyên nhân tại sao SFSWU không bị xóa sổ không chỉ vì số tiền đó đã “được sử dụng vì những mục đích trái ngược với mục tiêu và điều lệ của nó” mà còn vì “tiền quỹ của nghiệp đoàn đã không được chỉ dùng vào những mục đích mà điều lệ cho phép”. Trong lời tường trình với Ủy viên đăng bạ, Lim nói ông ta đã quyết định rằng tiền quỹ của nghiệp đoàn, khi đó lên đến 150.000 đôla, cần phải được giữ không cho rơi vào tay chính quyền và phải được giữ kỹ để sau này sử dụng vì những lợi ích của công nhân. Câu chuyện mà ông ta nói đó hoàn toàn khác câu chuyện ông ta kể cho tôi trước mặt viên sỹ quan Sở đặc vụ, nhưng thực chất phần kết luận lại giống nhau: “Chúng tôi giữ tiền trong một va-li kim loại đặt trong văn phòng phía sau của trụ sở nghiệp đoàn trên

đường Middle Road. Đó là lần cuối cùng tôi biết mớ tiền đó ở đâu. Ai đó đã đánh cắp số tiền trong phòng đó ngay khi tôi bị bắt lúc 2 giờ sáng.” Điều này sẽ không trở thành lời biện hộ nếu như ông ta bị buộc tội vi phạm tín nhiệm. Nhưng chính quyền chọn cách bắt giữ anh ta theo các quy định về tình trạng khẩn cấp.

Tôi ít quan tâm đến những thiệt hại gần đây của CUF mà chú ý đến việc nó tái tập hợp và tái tổ chức nhanh đến mức nào trong tương lai. MCP cần đưa ra ngay một đội ngũ thứ hai những lãnh tụ mặt trận công khai dám hy sinh nếu như họ vẫn muốn duy trì số người ủng hộ mà đội ngũ đầu tiên đã tạo ra. Nếu trong số những người hoạt động trong mặt trận công khai họ không tìm được người có thể đảm trách, thì bắt buộc họ phải hy sinh một số cán bộ bí mật. Tôi chờ xem họ sẽ làm việc này như thế nào. Họ thực hiện trôi chảy. Họ quyết định đưa em trai của Lim Chin Siong, Lim Chin Joo, làm người thay thế để mang lá cờ mà ông anh đã bỏ lại ở Middle Road. Lim Chin Joo cũng đã từng học trường Cao trung của người Hoa, nhưng anh ta không có vẻ mặt trẻ con như người anh. Anh ta là người thô tục, khó gần, nhưng cứng rắn và thông minh hơn. Anh ta cũng không miệng lưỡi như Lim Chin Siong. Nhưng anh ta là một sự lựa chọn hợp lý. Anh ta tiêu biểu cho Lim Chin Siong, người mà MCP muốn ghi nhớ như một lãnh tụ vĩ đại bị chính quyền bù nhìn bất công giam cầm tạm thời.

Đoán trước được việc SFSWU sẽ bị xóa sổ, ngày 14/2/1957, những lãnh tụ mới điều đình một hình thức liên kết với một nghiệp đoàn, và các bộ phận của nó, đã tồn tại sẵn nhưng không hoạt động, sử dụng nó theo kiểu các tổng công ty sử dụng các công ty con. Nghiệp đoàn người làm thuê ở Singapore có danh sách đoàn viên 2.000 người. Lim Chin Joo tiếp quản tổ chức này, những tay thân cộng chiếm 18 trên 21 ghế trong một ủy ban hỗn hợp trung ương, và chuyển nó đến trụ sở cũ tại Middle Road. Trong vòng vài tháng, số đoàn viên tăng lên đến trên 20.000.

Các chi nhánh cũng hoạt động trở lại, nhưng không tích cực dữ dội như trước. Một số cán bộ mới không rành nghề; một số khác đã từng làm việc với những lãnh tụ đã bị bắt thì sợ hãi và không muốn dính dáng nhiều hơn nữa, vì không biết liệu có vụ thanh trừng nào nữa không. Vì vậy các nghiệp đoàn không phục hồi sức đẩy mạnh mẽ như chúng đã phát triển được từ giữa năm 1954 đến cuối năm 1956. Nhưng tôi không chút nghi ngờ rằng chừng nào mà các

trường trung học của người Hoa còn đào tạo hàng loạt những học sinh tốt nghiệp đầy tham vọng và thông minh nhưng bị hệ thống chính trị này từ chối những công việc tốt trong những khu vực công và tư, thì MCP sẽ còn có hàng loạt những hội viên mới. Đây là mấu chốt của vấn đề – tâm trạng thất vọng của những kẻ đầy tài năng trong những người Hán học, những kẻ không có lối thoát cho nghị lực và lý tưởng của họ, và những người đồng thời bị tác động bởi tấm gương của những đảng viên cộng sản trẻ tuổi ở Trung Quốc. Chỉ sau khi những tin tức về cuộc Cách mạng Văn hóa được truyền ra thế giới bên ngoài trong những năm 1970 thì sức lôi cuốn của chủ nghĩa cộng sản đối với họ mới giảm đi.

Trong khi đó, sự phô bày lòng sự hy sinh quên mình ở các cán bộ lãnh đạo càng làm tăng thêm huyền thoại. Sau việc suốt ngày bận rộn với các bài diễn văn và tranh đấu với các tay chủ độc ác, Lim Chin Siong và Fong sẽ gục ngủ tại bàn làm việc ở trụ sở trung ương của nghiệp đoàn. Kiểu sống khắc khổ quên mình của họ tác động dữ dội vào những người theo họ, những kẻ tích cực noi gương của họ, truyền cho nhau tinh thần hy sinh ấy. Ngay cả những học sinh con nhà giàu, những kẻ không phải là lực lượng nòng cốt cũng muốn đồng hóa mình với Lim và Fong. Con trai của một ông chủ công ty xe buýt đã dành hầu hết thời gian làm việc như một tài xế không lương cho họ, bằng chiếc xe của gia đình cậu ta. Đó là phần đóng góp cho lý tưởng của cậu ta. Cậu ta tự hào vì được đi cùng những cán bộ cách mạng, những người quần áo giản dị, ăn uống lề đường, nhận mức lương rất ít cho bản thân bởi vì bất cứ cái gì thu được từ bọn chủ đều dành cho công nhân. Họ đã bỏ túi bao nhiêu để nuôi dưỡng thêm những phần tử cách mạng thì tôi không hề biết, nhưng tôi không hề thấy họ nhận bất cứ cái gì cho bản thân – chắc chắn họ không sống như họ đã sống.

Có một sự thi đua về lòng quên mình lan tràn trong cả thế hệ ấy; bạn càng quên mình thì càng gây ấn tượng với quần chúng, và càng có nhiều khả năng bạn sẽ được thăng tiến trong tổ chức, từ Hội Bài Anh đến MCP, một đảng cộng sản giữa một cuộc cách mạng. Với những kẻ ủng hộ như thế, đảng cộng sản có thể tiến hành những kỳ tranh cử mà không cần nhiều tiền lắm – không hề thiếu công nhân hay người vận động bỏ phiếu, và vải làm biểu ngữ thì do những người ủng hộ nhiệt tình biếu không. Tôi đoán là các ông chủ nhà in cũng in những tài liệu tranh cử giùm họ, hoặc chỉ tính giá thành vào

tài khoản của nghiệp đoàn. Trái lại, khi chúng tôi cần tìm những công nhân, thì đó là cả một vấn đề. Chúng tôi tuyển mộ những người tình nguyện từ các nghiệp đoàn và trong số bè bạn, nhưng tất cả bọn họ đều muốn về nhà đúng giờ để ăn cơm, để làm công việc khác, hoặc đến một cuộc hẹn riêng nào đó. Hoàn toàn không hề có sự tận tụy, sự cống hiến trọn vẹn như phía bên kia – một người nhiệt tình của họ sẽ làm công việc bằng ba bốn người tình nguyện của chúng tôi. Tôi vẫn thường bị hoàn toàn nản chí trước ý nghĩa lâu dài của tất cả những chuyện này. Tôi đã không nhận ra rằng họ không thể duy trì lâu được. Nhiệt tình cách mạng chỉ có thể đưa họ đến đó là cùng. Sau rốt, họ cũng còn phải sống và nuôi gia đình, và gia đình cần có tiền bạc, nhà cửa, chăm sóc sức khỏe, giải trí và những thứ tốt đẹp khác của cuộc sống.