Hồi ký Đỗ Mậu

Chương 20

Tôi viết chương cuối của tập hồi ký chính trị này vào tiết Trọng Đông của năm 1985, hơn 10 năm sau ngày rời bỏ quê cha đất tổ, hơn 40 năm sau ngày dân nổi lên oanh liệt kháng Pháp, và hơn 100 năm sau ngày hoà ước Quý Mùi được ký kết (1883) chính thức khai tử một nước Việt nam độc lập thống nhất.

Như đã được nói rõ trong lời mở đầu được khai triển bằng lý luận cũng như bằng các dẫn chứng lịch sử toàn tập hồi ký, mục đích lớn nhất của tôi vẫn là nói lên sự thật, nhưng sự thật đã vì hiện trạng tế nhị của đất nước mà các nhân chứng chưa nói ra, hoặc những sự thật mà vì cố chấp, hẹp hòi, sợ hãi đã bị một số người trình bày một cách sai lạc hoặc nhiều khi cố tình xuyên tạc. Nhưng những sự thật trình bày ra tuy tự nó được xem như đóng góp nhỏ nhoi và chân thật cho việc truy tầm và soi sáng lịch sử, vẫn chưa phải là chưa đầy đủ, nếu từ những sự thật lịch sử đó ta không tìm ra được những suy nghiệm lương thiện và đúng đắn cho một ý thức sâu sắc về số mệnh con người và vận mệnh đất nước Việt nam, cũng như vè thái độ hợp lý và cho thế hệ Việt nam tương lai trước cuộc khủng hoảng hiện nay của nhân loại và của dân tộc.

Không những không cố chấp làm một thứ hủ nho hẹp hòi và bị trói chặt trong sự khiêm nhường vô trách nhiệm, tôi còn tự thấy có nhiệm vụ, có bổn phận phải trang trai ra những tâm tư của mình. Những tâm tư của một kẻ mà cuối cuộc đời, nhìn lại quá trình hoạt động chỉ thấy thất bại này chồng chất lên thất bại khác: 30 năm chống Cộng để cuối cùng phải chạy trốn nạn Cộng sản, xả thân cho một lãnh tụ để cuối cùng thấy lãnh tụ đi vào con đường phản quốc hại dân.

Phần cuối cùng của chương kết luận này xin được dùng để trang trải lời tâm sự nhỏ với thế hệ tương lai của dân tộc, đang ở trong nước hay ngoài nước, đang ở bên này hay bên kia của những chiến tuyến chính trị và văn hoá.

Tôi ra đời và lớn lên từ đất Quảng Bình đau thương nhưng lại là mảnh đất kiêu hùng như mọi tấc đất thiêng liêng khác của Tổ quốc. Tôi đã trải qua một cuộc đời thơ ấu nghèo khổ nhưng thanh bạch, đổ mồ hôi trên từng tấc đất để đổi lấy miếng ăn, và lấy luỹ tre làng, đồng ruộng khô làm vũ trụ xinh đẹp và to lớn của mình.

Bị lôi cuốn trong cơn lốc lịch sử, tôi đã lấy những quyết định bình thường như trăm ngàn người dân Việt khác: chống Tây đô hộ và chống Cộng. Đó không phải là những quyết định chính trị có tính toán mà là những phản ứng có tính bản năng và tính cách truyền thống. Bị áp bức thì vùng lên, bị kìm chế thì phản kháng, tự nhiên như trẻ thơ đói khát thì bú vú mẹ. Quyết định quan trọng có suy nghiệm thực sự chỉ có hai lần: lần thứ nhất là tâm phục thái độ từ quan của Thượng thư Ngô Đình Diệm mà bỏ gia đình, bỏ làng xóm theo ông để đấu tranh cho lý tưởng độc lập; Lần thứ hai là phá đổ chế độ độc tài của Tổng thống Ngô Đình Diệm khi ông phản bội quê hương, đày đoạ dân tộc rồi âm mưu thoả hiệp với kẻ thù.

Hai quyết tâm đó vượt lên trên lãnh tụ, vượt ra ngoài chế độ, mà chỉ nhằm trung thành với đất nước và ân nghĩa với đồng bào. Trung thành với cái đình làng hương khói, với cầu ao xiêu vẹo, ân nghĩa với họ hàng thôn xóm, đùm bọc nhau để khai vớ nước mặn đồng chua. Không biết nếu tôi sinh ra từ một gia đình quyền quý của phồn hoa đô hội, được học hành khoa bảng và ăn sung mặc sướng thì tôi có hành xử như thế không, nhưng có một điều chắc chắn là tôi đã sống khổ, sống lạnh, sống đói với những người dân thanh bần trên những mảnh đất còm cõi của quê hương, nên cảm nhận và đấu tranh một cách tự nhiên sôi nổi cho những mục tiêu có vẻ trừu tượng như Độc lập, Tự Do, Bình Đẳng, Thịnh Vượng...

Bài học lớn đầu tiên mà tôi học được từ đó là tôi yêu quê hương không phải vì quê hương đó xinh đẹp hay xấu xa, giàu mạnh hay nghèo khổ, mà tôi yêu quê hương vì tôi đã có mặt ở đó sống để cùng chia sẻ vui buồn, sướng khổ, vinh nhục với đồng bào ruột thịt. Thiếu sự liên đới khăng khít đó chắc tình yêu quê hương sẽ dở dang tàn lụi. Thiếu sự tỉnh thức của một cuộc sống hiện thực chắc tôi chỉ là kẻ yêu nước qua những hình bóng chủ quan mơ hồ và nhiều khi không thực.

Bài học lớn cuối cùng mà tôi đã học được từ đó là khi đã yêu quê hương thì phải xả thân bảo vệ và nuôi dưỡng nó. Đứng lên trên mọi ràng buộc chính trị, mọi định chế tôn giáo, mọi liên hệ lãnh tụ để vào đường đấu tranh. Tôi là sự tiếp nối tự nhiên của một tiền nhân vô danh nào đó từ thời lập quốc, bị áp bức thì chống, bị xăm lăng thì đánh, bị đổ vỡ thì xây dựng chứ không ù lì đứng một chỗ, buộc căn cước văn hoá và lý tưởng đấu tranh vào một trĩu đại nào, một chế độ nào, một lãnh tụ nào, hay một ý thức hệ nào. Thiếu sự tự do đó có lẽ tôi đã là một kẻ xuẩn động múa may quay cuồng chỉ có hại cho dân tộc mà thôi. Nếu tỉnh thức và tự do trong cuộc sống là một phong thái Thiền thì tỉnh thức và tự do trong đấu tranh đã giúp tôi có một thái độ nghiêm chỉnh khi yêu nước yêu dân.

Ngoài ra, ba mười năm vào đường hoạt động, tôi đã thêm nhiều bạn cũng như thêm lắm thù. Bạn bè tình nghĩa nói sao cho hết, thù nghịch oán hờn nói mấy cho vừa? Bằng hữu sống còn hay đã mất, chân trời góc biển nào thì cũng thấy ấm lòng khi tưởng nhớ đến nhau, còn kẻ thù thì soát lại chỉ có hai loại cộng sản Việt nam chắc chắn bây giờ bản án "nợ máu với nhân dân" vẫn còn hiệu lực. Loại kẻ thù thứ hai là thiểu số phần tử Cần lao công giáo hoài Ngô còn sống sót ở hải ngoại, thỉnh thoảng tìm cách xuyên tạc bôi nhọ cá nhân tôi. Riêng tôi, ở cuối đời, khi mái tóc đã bạc trắng và đặt mình trong cái hoạ lớn bao trùm cả dân tộc, tôi chỉ thấy thương xót họ và mong lành cho họ hơn. Vì nói cho rốt ráo, nghĩ cho tận cùng, thì cuối cùng họ cũng chỉ là nạn nhân của cơn lốc lịch sử, của cuộc khủng hoảng thời đại đang khống chế dân tộc ta.

Cuốn sách này được viết ra, khi lấy ông Ngô Đình Diệm và lực lượng Thiên Chúa giáo Việt nam làm đối tượng để soi sáng thêm lịch sử hiện đại của Việt nam, nhất là để bổ túc vào việc truy tầm nguyên nhân sụp đổ của hai chế độ cộng hoà, cũng có thể tạo thêm một số kẻ thù và một số bạn dù mục đích của cuốn sách này không phải để phân công hay luận tội. Việc ấy phải được để dành cho một số người khác, trong một thời kỳ khác...

Ở thời điểm này, sau khi đã đi gần hết trọn cuộc sống người cũng như cuộc sống đấu tranh, tôi viết cuốn sách này chỉ để đóng góp thêm cho thế hệ người Việt bây giờ mà mai sau có thêm tài liệu để đúc kết một cách chính xác hơn bài học lịch sử của thời kỳ đau thương nhất và phức tạp nhất của dân tộc Việt nam. Ngoài ra, nếu những ai rút được từ lời kể chuyện mộc mạc và tâm tình chân thật này những suy tư ích quốc lợi dân thì đó là điều vượt xa ngoài tâm nguyện của tôi.

Thân như điện ảnh hữu hoàn vô

Vạn mộc Xuân vinh Thu hựu khô

Nhậm vận thịnh suy, vô bổ uý

Thịnh suy như lộ thảo đầu phô

(Thân như sấm chớp, có rồi không

Cây cối Xuân tươi Thu héo hon

Nhìn cuộc thịnh suy dừng sợ hãi

Thịnh suy: ngọn cỏ giọt sương hồng)

Vạn Hạnh Thiền Sư

Đến thịnh suy của cả một quốc gia, của cả một thế hệ còn được coi như một giọt sương hồng nên ngọn cỏ trong cái vũ trụ bao la và cái thời gian vô tận này thì vì tạm thấy đã "làm tròn giấc mộng tiền sinh ấy" với phần cuối cùng của giấc mộng là tập sách này, tôi tự cho phép mình "mở miệng cười tan cuộc oán thù" (Phan Bội Châu) hầu lui về với lời kinh câu kệ của kẻ tu hành, nhìn cuộc đời như mộng ảo bào ảnh, xem thế sự như bọt sóng chiều hôm để từ nay, nhắm mắt lại ngậm miệng phủi bụi hồng trần.

Hải ngoại Trọng Đông

Ất Sửu (1985)

Hoành Linh Đỗ Mậu