Hồi ký bà Tùng Long

Phụ lục 3

Docsach24.com

rong cuộc đời tôi, tôi đã ăn Tết ở nhiều nơi trên khắp đất nước thân yêu, nhưng chưa bao giờ được cùng gia đình ăn một cái Tết đáng nhớ đến như vậy, ở vùng tôi di tản vào năm 1949, vùng chợ Gò Mỹ Thịnh, nơi có danh lam thắng cảnh Thạch Bích Tà Dương của tỉnh Quảng Ngãi, quê chồng tôi. Thật là một cái Tết nhớ đời, với nhiều kỷ niệm đẹp đẽ, thắm thiết, và không bao giờ tìm lại được một cái Tết thứ hai như vậy.

Tôi đang ở Sài Gòn, hòn ngọc viễn đông thời bấy giờ, tại sao lại chạy về chợ Gò Mỹ Thịnh, một nơi có tiếng là nghèo nhất huyện Tư Nghĩa, chỉ được duy nhất một điều là nó nằm ở trước dãy núi đẹp nhất tỉnh là Thạch Bích Tà Dương?

Năm 1943, khi máy bay Đồng minh thả bom xuống Sài Gòn, chồng tôi đang làm việc ở Huế, nhắn tin là tôi phải dẫn lũ nhỏ về gấp Quảng Ngãi để tránh bom. Mặc dù cha mẹ tôi ngăn cản, mặc dù anh chị chồng tôi không bằng lòng, nhưng tôi vẫn cứ thu xếp sang nhà, bán đồ đạc, sắp xếp đâu vào đó để đưa mấy đứa con về Quảng.

Có chồng thì phải theo chồng

Chồng đi hang rắn, hang rồng cũng theo.

Tôi đã làm một cuộc hành trình vất vả nhưng rồi cũng đến quê chồng, một thị xã quá nghèo nàn nhỏ bé so với Sài Gòn hoa lệ và náo nhiệt của lũ con tôi, lúc ấy mới có ba đứa.

Vừa thu xếp tạm ổn cuộc sống ở đây thì sau Cách mạng tháng Tám, quân Nhựt đầu hàng, Quảng Ngãi lại phải tiêu thổ kháng chiến vì hạm đội Mỹ đang đậu ngoài khơi. Chúng tôi lại phải di tản một lần nữa, lần này thì lên chợ Gò Mỹ Thịnh, vì chồng tôi có ông bạn học cũ rất thân trên đó.

Lại một lần nữa tay bế tay bồng đi lánh nạn, phải mất cả năm mới ổn định được cuộc sống ở đây.

Chợ Gò Mỹ Thịnh ở Nghĩa Thắng, một xã nghèo nhất ở quận Tư Nghĩa, nằm giữa bốn xã dân giàu đất rộng là An Mỹ, An Hội, Phước Lộc và Xóm Bùn; những nơi vừa giàu lúa, vừa có những công nghệ như dệt lụa, làm đường, sản xuất nước mắm... Còn Mỹ Thịnh thì đất cằn cỗi, quanh năm chỉ trồng khoai mì, khoai lang, người dân ở đây chỉ biết đi làm thuê, làm mướn; đàn ông đi đốt than trên núi, đàn bà đi đốn củi trong rừng.

Tản cư lên một vùng như vậy, riêng phần tôi, tôi cũng tự hỏi không biết lấy gì để sống đây? Dân ở vùng này mỗi lần thấy tôi đi chợ thường bảo nhau:

- Cái tướng “lưỡng thưỡng như cà cưỡng ăn nho” ấy làm sao sống ở đây được chớ?

Họ còn hỏi tôi:

- Cô có biết giã gạo không? Cô có biết chằm nón không?

Trong lúc ấy thì ông xã tôi vốn là một nhà thơ, cái chất thơ thấm vô máu, vô xương tủy từ bao giờ, cứ nói bên tai tôi:

- Em nghe đồi thông trước mặt nhà mình reo có hay không? Và em có nhớ ông Phan Khôi, khi viết bài thường ký bút hiệu Thông Reo là tại sao không? Tiếng thông reo hay thật đấy!

Kiếp sau xin chớ làm người

Làm cây thông đứng giữa trời mà reo.

Rồi những đêm sáng trăng, ông xã tôi còn rủ vài ông bạn tụ tập dưới trăng đối diện với núi Thạch Bích, bên rừng thông vi vu để làm thơ, thưởng nguyệt, và cũng để chửi rủa bọn phá rối đất nước thân yêu của chúng tôi. Sống ở Mỹ Thịnh lúc bấy giờ, tôi đã chết cả người vì cứ phải lo nghĩ về miếng cơm manh áo của lũ con, vậy còn lòng nào mà thấy Thạch Bích Tà Dương là danh lam thắng cảnh và tiếng thông reo vi vu hay ho đến nỗi ông Phan Khôi thích thú lấy làm bút hiệu Thông Reo ký dưới những bài báo “Chuyện hằng ngày” cảnh tỉnh dân tình, nhắc nhở dân phong trên một tờ báo hằng ngày lúc bấy giờ ở Sài Gòn.

Hãy gác chuyện kiếp sau đi đã, để lo nghĩ đến cái chuyện kiếp này có phải là có lý hơn không?

Mỗi buổi chiều, tôi ra ngồi ngoài hàng hiên nhìn thiên hạ đi chợ, nhìn cảnh người đi than đi củi từ trong núi đi ra, tôi càng thấy rõ cảnh sống ở đây. Người ta đi chợ đem một đội rau lang, rau muống để đổi lấy vài lon gạo, một nắm khoai ngô, hay bán một trái mít non để đổi lấy vài lon bắp. Có kẻ bán vài chiếc nón lá mà họ cặm cụi chằm cả mấy ngày để mua vài con cá, một trái bí trái bầu...

Thế rồi một hôm, nhận thấy thằng nhỏ bên hàng xóm vừa chăn bò vừa đọc sách, tôi bèn gọi lại gợi chuyện. Mới biết nó là con ông chủ đất cho tôi xây cất căn nhà tranh, vì cảnh đơn chiếc lại thêm mẹ ghẻ con chồng, nên mới học nửa năm lớp ba đã phải bỏ học để chăn bò, làm rẫy...

Thấy thằng bé ham học, mặt mày cũng dễ thương, tôi liền đề nghị sẽ dạy cho nó. Mỗi ngày vào giờ nó chăn bò, thả bò ăn cỏ trước sân, nó đem bài vở ra hỏi tôi. Tôi dạy nó làm toán, làm luận văn, dạy vẽ bản đồ, tập viết chữ cho đẹp. Có lẽ nó đi khoe với bạn bè, hoặc thấy học một mình không vui, nên đã rủ thêm vài đứa bạn cùng cảnh ngộ bỏ học dở dang vì cảnh nghèo khó.

Ba đứa, rồi năm đứa, rồi tiếng lành đồn xa, ở An Mỹ, An Hội cũng lên xem cách tôi dạy. Thật tình chưa ai tin tôi lại có thể giải một bài toán lớn nhất, khó nhất trong quyển Arithmétique của vợ chồng Brichet, vẽ được bản đồ Việt Nam mà không cần có mẫu, và ghi các tên địa danh, thành thị, sông ngòi trên đó nữa để dạy cho bọn trẻ.

Thấy tôi có khả năng dạy và dạy còn dễ hiểu hơn các ông thầy giáo ở trường công, các em kéo nhau đến xin học. Những học trò tôi có người đã có vợ con, có kẻ là nông dân sáng dậy từ năm giờ cày cấy, đến tám giờ mới đến trường, có người làm ở các cơ sở cách mạng tối mới về học. Thật là một lớp học phức tạp, nhưng được dạy để có việc làm với người ta thì tôi sẵn lòng, miễn sao khỏi bị chê là “lưỡng thưỡng như cà cưỡng ăn no” từ đâu về cái vùng mà dân tình đã đói ăn thiếu mặc như thế này.

Nhà tôi thấy vậy liền hô hào bạn bè giúp đỡ, kẻ tranh người tre, cùng các em học trò dựng lên một ngôi trường vách đất khá rộng rãi, bàn ghế thì em nào có cứ mang lại, xiêu vẹo thì sửa lại, với những học trò tay thợ làm gì mà không được cơ chứ!

Rồi tôi xin mở trường Tiểu học tư thục Tân Dân. Khổ nỗi tôi chỉ có thể dạy từ lớp ba trở lên, chớ các lớp mù chữ vỡ lòng thì tôi chịu. Nhà tôi lúc ấy thấy học trò đông cũng vui, vỗ ngực lãnh dạy số mù chữ và vỡ lòng. Nhà tôi thường nói đùa: “Phần anh chặt xây bỏ vỏ, phần em chạm trổ...”.

Được cái là nhà tôi rất thương trẻ con và đám thanh niên. Mà họ cũng rất thương nhà tôi. Vì học với nhà tôi thì sau khi ê a vài chục phút, khom lưng viết vài trang tập xong là thầy trò kéo ra sân đá banh, đá cầu. Có khi bọn nhỏ đánh bi, nhà tôi và mấy “học trò cán bộ” đánh cờ. Cũng có khi họ còn được nghe nhà tôi kể chuyện Đông Tây Nam Bắc, tha hồ mà thích, còn tôi thì không! Học là học, không có chuyện đùa giỡn, chơi bời. Học suốt ba giờ, sau đó muốn đá banh hay chạy nhảy tùy thích.

Năm đó tôi đưa năm em học sinh đi thi Tiểu học. Các em học với tôi mới được sáu tháng, khi vô học trình độ chỉ lớp ba, lớp nhì, vậy mà cả năm em đều đậu tiểu học, em xếp hạng thứ 15 toàn tỉnh là đứa học trò... chăn bò đầu tiên của tôi. Sau đó có em đậu vô trường Trung học Bình dân, trường Trung học Rừng Xanh... thế là trường của tôi được tiếng thơm. Đầu niên học kế đó, nhiều bậc cha mẹ có con em đang học ở trường công cũng kéo về cho học với tôi.

Nhưng các bạn chưa nghe tôi nói về chuyện học phí phải không? Chúng tôi không đòi hỏi về học phí, chỉ ra một điều kiện: các em năng học và có gì trả nấy. Em nào cha mẹ giàu thì đóng tiền, em nghèo thì năm mười lon gạo, mùa nào đóng tiền mùa nấy. Mùa đường cho đường, mùa đậu cho đậu. Ôi thôi, trong nhà tôi lúc ấy có cả khạp đường, cả hũ đậu đen, đậu đỏ, các con tôi trưa nào cũng có chè ăn. Rồi thì khoai lang, khoai mì, bắp tươi, cho đến bầu bí, rau cải, trứng gà, trái cây, không thiếu thứ gì. Có nhiều em nghèo quá, chúng tôi càng thông cảm, không nề hà và cũng đối xử như các em có cha mẹ đóng tiền sòng phẳng.

Tháng chạp năm 1948 đến. Trước đó, năm 1945, tôi có thêm một thằng con sanh tại thị xã Quảng Ngãi vào ngày Cách mạng tháng Tám, bây giờ lên đây đã được bốn tuổi. Tháng 11 năm 1948, tôi sanh một đứa con trai nữa ở chợ Gò Mỹ Thịnh, tại ngôi trường Tân Dân của tôi. Thế là trong lúc đi di tản, tôi có thêm hai miệng ăn nữa.

Cái Tết 1949 đến, bà con ở đây vui vẻ chuẩn bị đón Xuân... nhưng đối với gia đình tôi, cái Tết năm ấy thật bất ngờ, quá đầy đủ. Hằng ngày, với tiền học phí của học trò con nhà giàu, cùng các thứ ngũ cốc của các học trò khác, chúng tôi cũng ăn “giáp hột”.

Chị chồng của tôi từ dưới Sáng Tích (cách chỗ tôi ở cả hai mươi cây số) gánh lên cho chúng tôi một gánh gạo và rất nhiều bánh chưng, bánh tét do chị làm để các con tôi ăn Tết. Lúc bấy giờ di chuyển toàn là đi bộ. Thật cái tình bà con ở quê sao mà đẹp vậy!

Em gái tôi cùng chồng ở Phước Lộc ngày 28 cũng mang qua cho một con vịt và nhiều thịt heo, thịt bò...

Học trò thì lần lượt đứa đem gạo, đứa đưa tiền. Em nghèo để mấy ngày nghỉ đi bắt cá và đem cho mấy xâu cá giếc, cá bống còn nhảy soi sói. Thôi thì bấy nhiêu cũng đủ cho gia đình tôi ăn một cái Tết trưởng giả sau bao nhiêu năm di tản.

Đêm 29, người ta kêu ơi ới đi chia thịt. Họ xẻ heo rồi chia cho từng nhà với giá rẻ, ai có tiền xách vài xâu về kho để ăn đến mồng ba mới có chợ.

Chúng tôi nghĩ, ở miền rừng núi mà ăn Tết như vậy là quá đầy đủ rồi. Chồng vợ, cha con, chị em ai có phần nấy, nấu nướng, dọn dẹp trang hoàng nhà cửa cho ra vẻ Tết. Ông nhà tôi lại cặm cụi viết hai câu đối dán trong nhà.

Cái tục “Mồng một Tết cha, mồng ba Tết thầy”, năm đó ở vùng nầy tôi mới thấy hết ý nghĩa, thật đậm đà thắm thiết.

Ngay từ bảy giờ sáng, mỗi em mỗi quả bánh mứt nối nhau đến xông đất nhà tôi. Có em được cha mẹ cùng đi, áo quần mới, mặt mày rạng rỡ, tay bưng quả bánh sơn đỏ. Rồi thì lời chúc mừng, cảm tạ nổ lên thay pháo.

Một ngày thật vui, bánh trái học trò đi Tết bày khắp nơi trong căn nhà chật hẹp. Thôi thì bánh thuẩn dòn, bánh nổ, bánh in bột đậu xanh, bột nếp, bánh ít, bánh tét. Cả trà rượu, mứt trái không thiếu thứ gì.

Bao nhiêu tình nghĩa trải ra trước mắt bằng những hiện vật được làm công phu, khéo léo với cả tấm lòng.

Tối lại, tôi chọn một số bánh ngon, sắp cúng ở bàn thờ ông bà cha mẹ chồng. Còn lại, tôi tìm tất cả cái gì có thể đựng được để sắp bánh mứt vào mà trong lòng cứ nghĩ: làm sao ăn cho hết đây?

Nhưng cái điều tôi lo ấy lại là chuyện thừa. Sáng hôm sau, khi còn nằm trên giường, tôi đã nghe ở phòng ngoài nhà tôi và đứa con gái lớn mới lên 12 tuổi thì thầm trò chuyện. Thì ra hai cha con đã lấy ra hai cái túi vải, cha một túi lớn, con một túi nhỏ, loại túi may để chạy giặc, sắp bánh mứt vào, rồi cha trước, con sau, rón rén ra khỏi nhà. Nhà tôi đi trước, con bé lạch bạch chạy theo sau, đi đến cái xóm nghèo ở đầu làng phát tặng bánh cho các gia đình suốt ngày làm thuê làm mướn mà cái Tết chỉ là những bữa cơm đạm bạc.

Phân phát xong, hai cha con lại trở về lấy đầy hai túi khác, lần này lên xóm trên. Rồi sau đó lại đến xóm ngoài. Ba lần đi như vậy thì bánh mứt cũng chỉ còn vừa đủ cho gia đình tôi hưởng một cái Tết vui.

Cũng may, hướng trước nhà tôi nhìn sâu thăm thẳm vào dãy núi Thạch Bích, dân cư ở đó là đồng bào dân tộc của suối Tơ, xa lắc xa lơ, cha con nhà họ không đi nổi, nếu không thì chỗ bánh mứt kia chắc cũng không còn nữa.

Thằng con lớn lên tám tuổi đang chơi đánh bi với đám bạn gần đó, thấy thầy [1] nó cứ mang bánh đi đi về về như vậy, chạy vào hỏi tôi:

- Mẹ, sao thầy cứ mang bánh đi đâu hoài vậy? Có còn cho tụi con ăn không?

- Thầy đem cho mấy gia đình nghèo, mình ăn thì hết, người ta ăn thì còn, con ạ.

- Vậy hả mẹ?

Rồi nó bỏ chạy ra chơi đánh bi tiếp. Con gái tôi mặt mày tươi hẳn ra sau một chuyến đi làm công tác xã hội đầu tiên trong đời, nó vui vẻ nói với tôi:

- Thật cảm động, mẹ ạ. Người ta đón tiếp thầy và con như là đón tiếp ông già Noel vậy!

- Thế con cũng là ông già Noel à?

- Thì con là... con ông già Noel mà!

Hôm ấy, khi tà dương sắp buông màn, ngồi ở hàng hiên tôi thấy Thạch Bích Tà Dương quả đúng là một danh lam thắng cảnh của xứ Quảng, không thua gì Thiên Bút Phê Vân, Thiên Ấn Niêm Hà, Long Đầu Hý Thủy, Cổ Lũy Cô Thôn, La Hà Thạch Trận..., những thắng cảnh khác của quê chồng mà trước đây tôi đã từng chiêm ngưỡng. Tôi chỉ chưa đến Sa Kỳ Điếu Tẩu mà thôi.

Hôm nay ngồi nhớ lại cái Tết kỳ diệu, ấm áp tình người, đầy tình nghĩa thầy trò của năm 1949 ấy, tôi thật không khỏi bùi ngùi cảm xúc, và chính tình cảm cao quí của đám học trò lúc ấy đã cho tôi một niềm tin về đạo lý con người, và cho tôi có đủ can đảm bất cứ nơi đâu, gặp bất cứ hoàn cảnh nào, khi cầm viên phấn đứng trên bục giảng tôi luôn luôn làm tròn phận sự của mình.

31-12-1994

Chú thích:

[1] Người miền Trung thường gọi cha là “thầy”.