Hồi ký bà Tùng Long

Chương 5 (tt)

Docsach24.com

Trước khi nói đến chuyện vui buồn, điều đáng nói trước là nhờ giữ mục Gỡ Rối Tơ Lòng mà tôi phải tự tìm hiểu và học hỏi thêm được nhiều thứ mà khi ở dưới mái trường tôi chưa học đến.

Bạn đọc gửi thư không chỉ hỏi chuyện tâm tình mà dần dần trên mục này còn có nhiều người hỏi về pháp luật, về thuốc men điều trị, về những chuyện trên thế giới và những trào lưu tân tiến ở xã hội phương Tây. Có cả các em học sinh yêu cầu chỉ về chuyện chọn trường, chuyện kiếm ký túc xá, thôi thì không thiếu thứ gì. Độc giả quả tin cậy ở kiến thức của tôi, tưởng đâu tôi là nhà bác học sao chứ! Vì vậy mà tôi phải đọc nhiều sách, phải đọc thật nhiều.

Tôi đã phải đọc rất nhiều sách về pháp luật, có vấn đề gì nan giải, tôi liên lạc với bà Nguyễn Phước Đại hay bà Huỳnh Ngọc Anh, hai nữ luật sư tên tuổi lúc bấy giờ và cũng ở trong đoàn thể phụ nữ với tôi. Còn về y học thì tôi đã học khoa châm cứu với thượng tọa Thích Tâm Ấn trong khi đến nhờ ông chữa cho bệnh nhức đầu.

Đêm đêm sau khi viết bài xong, tôi đọc sách, đọc báo nước ngoài đến khuya mới ngủ và thật tôi thật không thể ngờ nhờ vậy mà tôi đã có một số vốn kiến thức ở nhiều lãnh vực. Những quyển sách học làm người, những quyển tiểu thuyết trinh thám là những sách mà tôi thích nhất. Tôi không thích tiểu thuyết tình cảm. Có đọc chăng là khi còn học ở trường, vì phải học văn chương Pháp ở mọi thời kỳ.

Vậy mà sau này tôi lại viết những chuyện tình cảm tâm lý là do cái kho tài liệu mà các bạn đọc đã giao phó cho tôi, đã gởi gắm cho tôi và cho tôi thấy các khía cạnh sâu xa của tình cảm con người, lòng nhân hậu, sự độc ác, tánh hung dữ, sự thù hận của con người đối với con người như thế nào. Sau năm 1972, tôi còn có nhiều đề tài để viết, nhưng tôi lại không viết nữa vì tôi không giống như các nhà văn viết để đó chờ có cơ hội mới in. Tôi chỉ muốn viết cho những ai có nhu cầu đọc liền mà thôi. Vì có sẵn quá nhiều đề tài như vậy nên khi ngồi lại viết, tôi viết rất dễ dàng, không cần phải sửa đi sửa lại.

Bây giờ tôi đưa ra đây một vài chuyện mà tại sao tôi phải luôn luôn học hỏi để có thể giải đáp cho bạn đọc thân mến của tôi:

- Trong một bức thư gởi từ Vũng Tàu của một em nữ sinh, em bày tỏ với tôi rằng: Em đi bác sĩ vì tóc em rụng quá nhiều. Bác sĩ chữa trị cho em lại là bạn của anh trai của em, từ một tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long đổi ra đây làm việc ở ty y tế tỉnh và có phòng mạch riêng.

Vị bác sĩ này đã bắt em đi liên tiếp 12 lần để ông ta điều trị và theo dõi, tiêm thuốc, thay vì cho thuốc về nhà uống hoặc chích. Mỗi lần ông ta điều trị, ông ta thường kéo dài thời gian để nói chuyện với em, hỏi em về đủ thứ chuyện rồi dần dần có những cử chỉ không đúng, như quá thân mật trong khi tiêm thuốc hay khi tiễn đưa ra cửa. Dần dà ông ta lại mời em đi chơi và cố tình kéo dài thời gian chữa trị mà theo em nhận xét không thích đáng.

Em bèn viết thư hỏi tôi vậy là ông ta thành thật hay muốn kéo dài thời gian chữa trị để chọc ghẹo em hay bày tỏ tình cảm với em.

Gặp trường hợp như thế này lẽ dĩ nhiên tôi phải biết thuốc mới trả lời cho em được.

Tôi liền trả lời cho em là tóc rụng đôi khi do thiếu Vitamin C, cần uống Vitamin C hay chích Vitascorbol độ 3-4 mũi. Tiếp đó nếu không hết thì chích Bépanthène hay Biotine khoảng 5-6 mũi là tóc không còn rụng nữa. Tôi khuyên em đừng thức khuya nhiều. Đi ra ngoài trời nên đội nón và phải lựa những thứ dầu gội đầu tốt để gội.

Còn về chuyện ông bác sĩ này muốn kéo dài sự chữa trị là cố ý muốn tán tỉnh em. Như vậy không chính đáng. Nếu ông ta là người đứng đắn thì ông ta có thể đến nhà gặp em vì ông ta là bạn của anh em kia mà. Người ta không lạ gì cách câu khách và kéo dài thời gian điều trị của một số bác sĩ thiếu lương tâm hay muốn làm giàu, chứ cái bệnh rụng tóc ở các thiếu nữ đang lớn thì có khó chữa đâu.

Và việc gì xảy ra sau khi có bài trả lời của tôi trên báo, các bạn biết không?

Em học sinh này sau đó viết thư cảm ơn tôi và cho tôi biết là ông bác sĩ này có đọc bài trả lời của tôi, ông ta liền đến gặp anh của em để xin lỗi về chuyện ông ta đã sai lầm, thật ra ông ta đã có vợ con ở quê nhà.

Một lời giải đáp như vậy cũng có ảnh hưởng tới một bác sĩ tỉnh lẻ và họ cũng nể nang cây bút chuyện giải đáp tâm tình thời bấy giờ. Sau cô nữ sinh này còn viết thư cho tôi biết tên thật của cô và địa chỉ của cô ở Vũng Tàu. Còn mời tôi khi nào ra Vũng Tàu thì cho cô hay, cô sẽ đón tôi về nhà. Nhưng tôi chưa hề biết mặt cô ấy và cũng không hề đến nhà cô ở Vũng Tàu.

- Giữ mục này có nhiều chuyện đã đem lại cho tôi niềm an ủi rất lớn, khích lệ để đủ can đảm và bền bỉ đứng mục cả hai mươi năm mà không hề chán nản. Có lần một giáo viên đã viết thư tâm sự với tôi là đã chọn lầm nghề dạy học. Bấy giờ sau khi thi đậu ra trường sư phạm và được bổ nhiệm ở một trường tiểu học, cô rất chán nản trước bao khó khăn, và nghề dạy học chỉ là một nghề bạc bẽo, tiền lương đã ít mà sự lao tâm nhọc trí lại nhiều và còn hơn thế nữa, trách nhiệm quá nặng nề vì phải uốn nắn những tâm hồn ngây thơ nên người sau này.

Tôi đã viết một bài dài trả lời cho cô giáo này vì tôi cũng là một nhà giáo đã từng dạy học trò từ bậc tiểu học, rồi trung học trong suốt hơn mười năm trời. Đây là một vấn đề rất thời sự, rất nóng hổi, nên tôi cố đem hết tâm huyết ra để mà bênh vực cho nghề dạy trẻ.

Ngày này sau trên 20 năm viết bài này, và không còn tài liệu, bài báo cũ, nhưng tôi vẫn nhớ rõ ràng những gì tôi viết cho cô ấy. Tôi vô đề bằng cách khen cô đã đặt ra vấn đề trách nhiệm, và đã có tinh thần trách nhiệm thì không thể là một giáo viên tầm thường không yêu nghề được.

Tôi bênh vực nghề dạy học, tôi không hề xem nó là một nghề bạc bẽo, tôi chỉ nói những điều mà tôi học được, thu thập được khi đặt chân vào nghề này.

Tôi bảo dạy là học hỏi, dạy là sáng tạo và dạy là nuôi dưỡng những gì tốt đẹp trong ta. Tôi đã kể những kỷ niệm buồn vui khi tôi mới đặt chân vào lớp học lần đầu tiên, và những gì các học sinh gặt hái được sau một năm học với tôi và những tình cảm gắn bó giữa tôi và học sinh...

Tôi thật không ngờ lời giải đáp ấy của tôi lại được vị hiệu trưởng trường Sư Phạm ở Sài Gòn hồi đó lấy làm tài liệu để dạy học trò. Thật là một an ủi lớn cho tôi và các bạn cũng hiểu rằng độc giả của tôi không phải là những người bình dân ít học như một số người đã nói và phê bình, mà trong giới trí thức cũng có nhiều người là độc giả trung thành của tôi.

Có lần trường này ngỏ ý muốn cho tôi nói chuyện với học sinh - giáo sinh trong trường nhưng rồi tôi quá bận rộn với nhiều công việc và không thu xếp được thời giờ, thật là một điều đáng tiếc và cũng là sự thất lễ của tôi không đáp ứng được lòng mến mộ của thầy cô giáo trong trường.

- Một chuyện vui khác mà tôi sắp kể ra đây để các bạn thấy rằng những lời giải đáp của tôi ở mục Gỡ Rối Tơ Lòng cũng đem lại hạnh phúc cho những cặp vợ chồng sắp tan vỡ.

Một hôm mở chồng thư bạn đọc, tôi đọc thấy tâm sự của một giáo viên hỏi về chuyện yêu thương của mình.

Cô ta viết rằng cô đã có chồng và có hai con. Cô đang sống hạnh phúc vì cuộc hôn nhân của cô là một cuộc hôn nhân do luyến ái, thương nhau, hiểu nhau rồi mới xin cha mẹ đứng ra gầy dựng.

Bỗng nhiên ở trường cô có một giáo viên nam mới đổi đến và người này đã gây ngay tiếng sét ái tình cho cô vì đã đẹp lại thông minh, hoạt bát, biết làm vui lòng người đẹp bằng những cử chỉ lịch sự. Rồi cô và người ấy đã yêu nhau, ban đầu âm thầm, dè dặt, sau công khai bất chấp dư luận. Thế là cô có ý muốn ly dị với chồng để rồi sẽ kết hôn với ông giáo này. Cô hỏi ý kiến của tôi.

Các bạn có biết tôi trả lời ra sao không?

Tôi vô đề, viết ngay rằng:

“Tôi đã đọc kỹ thư em, đọc đi đọc lại để tìm hiểu tâm trạng của em và cũng để đo thử sự si mê của em đến mức độ nào rồi. Tôi có còn thuốc chữa trị cho em không? Tôi có còn đủ lời lẽ để khuyên lơn em không?

Trước khi trả lời, tôi muốn nói cho em biết, nếu em là em ruột của tôi, thì tôi sẽ bảo em nằm xuống cho tôi đánh 10 roi trước đã.

Em bảo cuộc hôn nhân của em do tình yêu mà có, lại đã có hai con và đang sống trong hạnh phúc. Vậy mà bây giờ vì gặp một giáo viên lịch sự, đẹp trai, thông minh, em đem lòng yêu thương và muốn ly dị với chồng để kết hôn với anh ta. Như vậy có hợp lý hợp tình không?

Không kể chồng em ra, hai con em, chúng nó có tội tình gì mà bỗng dưng lại phải sống xa cha mẹ?

Và người đàn ông sau này có thể chấp nhận cho em đem hai con về nuôi không? Rồi cảnh cha ghẻ và con riêng cua vợ, em có biết sẽ không bao giờ suôn sẻ không?

Cho rằng chồng em bằng lòng cho em ly dị và anh ấy giữ hai con thì rồi một ngày nào đó chồng em có vợ và em có biết cảnh mẹ ghẻ con chồng có bao giờ êm đẹp như tình mẹ ruột hay không? Đó là tôi nói với trường hợp chồng em nhận lời và cũng đang bốc đồng bị một tiếng sét ái tình như em!

Còn nếu chồng em còn yêu em thì sao? Thì là một sự sụp đổ tai hại em không thể lường trước được đâu và em sẽ là người gây ra bao nhiêu đau khổ và thất vọng cho nhiều người.

Em đã biết gì về người bạn trai mới chưa? Và chồng em có đã hay biết gì về ý định của em không?

Tôi thấy rõ ràng đây là một chuyện yêu thương lạt nẻo. Rồi đây em sẽ ăn năn suốt đời cho chuyện bốc đồng này của em. Em hãy vì các con, vì bổn phận thiêng liêng của người mẹ mà quên đi sự bốc đồng trong giây phút...”.

Tôi đã khuyên cô ấy rất nhiều và rồi tôi không hiểu cô ta có chịu nghe lời tôi không? Và rồi với bao nhiêu công việc mỗi ngày, tôi cũng không có thời gian để theo dõi chuyện này nữa. Tôi đã ra điều lệ cho bạn gửi thư hỏi chuyện tâm tình là không cần viết tên thật, địa chỉ thật. Tôi chỉ cần có cốt truyện để trả lời là đủ.

Thế rồi hai tháng sau tôi nhận được thư của một nam độc giả cho tôi biết ông ta là chồng của người giáo viên đã nhờ tôi gỡ rối tơ lòng về chuyện trên và cảm ơn tôi đã giúp gia đình ông khỏi gãy đổ, các con khỏi xa cha xa mẹ. Ông xin phép tôi được đưa vợ đến thăm tôi.

Tôi rất mừng và đã phá lệ là không tiếp ai ở nhà. Gặp đôi vợ chồng ấy, tôi thấy họ rất xứng đôi và tôi đã khen người chồng hiểu được sự yếu lòng của vợ mà không phiền trách vợ, tha thứ cho vợ. Cô giáo kia vì muốn làm yên lòng chồng đã xin chuyển đến một trường khác sau đó.

Đây là một trong hàng trăm câu chuyện mà nhờ những lời khuyên của tôi, độc giả nam nữ đã tìm thấy sự bình an của gia đình, và tôi cũng thầm cảm ơn Trời Phật đã cho tôi có cơ hội giúp các bạn đọc bằng lời khuyên của mình mà các lời khuyên ấy có hiệu quả. Và tôi cũng rất tự hào là bạn đọc đã tin cậy và thương yêu tôi rất nhiều cho nên họ mới nghe lời khuyên của tôi. Vả điều này đã giúp tôi cần dè dặt trong khi giải quyết những vấn đề lòng.

- Dưới đây là một chuyện khác từ một độc giả ở tận bên Lào đã gởi về cho tôi một bức thư chữ viết vừa xấu vừa sai chính tả, chứng tỏ ông ta là người ít học và đã lớn tuổi.

Theo lời ông tâm sự thì ông đã trên 50 tuổi, quê ở ngoài Bắc, vì tìm kế sinh nhai nên lúc nhỏ phải theo bạn bè trong làng qua tận bên Lào để làm phu khuân vác. Ông gặp một cô gái cùng cảnh ngộ trên đất khách quê người và cùng nhau lập gia đình. Theo ông kể, hồi đó ông làm công lãnh độ 5 xu một ngày, khi hái trà, khi làm phu khuân vác. Còn vợ ông cũng vậy, suốt ngày vất vả ở đồn điền. Suốt bao nhiêu năm nhọc nhằn, hai vợ chồng đã tạo dựng được một gia đình êm ấm, có chín đứa con và không còn làm phu, làm thợ nữa mà quay qua buôn bán xuôi ngược trên đường Vientianne - Hà Nội. Rồi họ làm giàu, gầy dựng con cái nên bề gia thất. Các con đầu được đi học tử tế. Đột nhiên bà vợ bây giờ đã giàu có, có nhiều bạn bè sang trọng đâm ra chê ông ta dốt nát và đòi có nhà lầu, xe hơi, có kẻ ăn người ở như các người giàu có.

Ông thì vẫn giữ nếp sống bình thường., không bao giờ quên những ngày trẻ trung phải kiếm sống bằng 5 xu tiền công mỗi ngày và dạy con cái phải tiết kiệm, lo học hành để có cuộc sống nhàn hạ hơn ông lúc thiếu thời.

Bà vợ lại không chịu như vậy, cứ đua đòi theo bạn bè, chưng diện, bài bạc và lâu lâu về Sài Gòn học thêm cách chưng diện ăn chơi. Nói ông không nghe, bà liền đòi ly dị. Bà vào Sài Gòn mua một căn phố lầu, đưa các con về đó ở ăn học và cũng là nơi bà đi về nói là làm ăn, sự thật để sống một cuộc sống giàu sang, sung sướng hơn.

Ông đem chuyện kể hết trong một lá thư dài hai trang giấy lớn, viết không mạch lạc mà thỉnh thoảng lại than thở nỗi nọ niềm kia và nhờ tôi làm sao khuyên giùm vợ ông.

Những chuyện như thế này rất thường xảy ra ở các gia đình từ cảnh nghèo nàn trở nên giàu có và rồi chồng hay vợ lại cảm thầy chồng mình dốt nát, hay vợ mình xấu xí, đâm ta chán nản và quên cả nghĩa tào khang. Tôi cũng đã suy nghĩ cả mấy ngày để trả lời bà này, trả lời thế nào để bà ta khi đọc tự phân tích, vì tôi chỉ trả lời cho người hỏi, không thể khuyên người không hỏi tôi.

Vậy mà tôi đã thành công khi sau đó một tháng, ông lại viết cho tôi một bức thư cảm ơn tôi đã trả lời giải đáp cho ông mà khi vợ ông đọc lại cảm động và thấy mình có lỗi. Là vì tôi không hề chê trách bà mà tôi chỉ khuyên ông thay đổi cuộc sống, có tiền thì cũng có quyền tạo cho mình một cuộc sống khá giả hơn, miễn là đừng tiêu xài hoang phí. Huống chi cả hai vợ chồng đang còn ở cái tuổi làm lụng được, bây giờ đã là thương gia thì có thể buôn bán kiếm tiền nhiều hơn, cũng phải cho con cái có những ngày đầy đủ ấm no, và cho vợ con được như những người đàn bà có tiền, có những lúc đi giải trí, có những kỳ nghỉ mát, chồng vợ, con cái bên nhau. Tôi viết: “Với một người đàn bà đã ngoài 50 tuổi, có cả chín đứa con, có dâu có rể lại đang sống trong cảnh giàu có thì ai điên gì mà muốn ly dị phải không? Lỗi là lỗi ở ông thôi. Có người mẹ nào đã nuôi chín con nên người, bây giờ đứa đã có chồng, đứa đã có vợ, lại chịu bỏ đi lấy chồng khác? Mà lấy ai bây giờ? Nhìn lại tóc mình đã bạc, da đã nhăn, dù mỹ viện có tài gì thì cũng chỉ tạo được cái bề ngoài, chớ còn bên trong cơ thể, già vẫn già. Lấy người trẻ chăng? Ai mà ưng, họ có ưng thì cũng vì đồng tiền chớ đâu có tình nghĩa gì? Lấy người trên 60 tuổi chăng? Để về lo cho họ phải không? Mà cái thời kỳ lo cho chồng, vợ ông đã trang trải gần suốt cuộc đời rồi, nay liệu bà có thể làm lại với một người đàn ông khác, người đàn ông đã già có nhiều đòi hỏi, nhiều bệnh tật? Tôi không nghĩ vợ ông lại kém suy xét như vậy. Hay là bà chỉ muốn hăm dọa ông, để ông chịu thay đổi cuộc sống cho bà dễ thở một chút, vì khi đã có tiền, ai mà không muốn co một nơi ăn chốn ở ra hồn, để đền bù những ngày còn trẻ đã vất vả nhiều...”

Rồi sau đó độ hai, ba tháng gì đó, mỗi lần tôi ở dưới lầu bước lên tòa soạn (tòa soạn báo Sài Gòn Mới ở lầu 1 của một dãy phố dài trên đường Phạm Ngũ Lão) thì có một người đàn ông đứng tuổi, ngồi chờ ở cái ghế bên ngoài, và cứ thầm thì nói chuyện với chú gác dan. Như vậy cả hai ba ngày, tôi thấy có chuyện lạ hỏi thì chú nói:

- Đó là một độc giả từ bên Lào qua muốn xin gặp bà mà tôi không cho nên ông ta cứ đến hoài.

Nghe vậy tôi cho mời ông ta vào thì ra ông ta chính là người độc giả đã viết thư kể chuyện tâm tình như trên. Lại một lần nữa tôi phải phá lệ là tiếp một độc giả vì ông ta ở Lào qua. Ông ta cảm ơn và trao cho tôi một thùng quà nói là của vợ ông gởi biếu tôi và cảm ơn tôi đã can thiệp kịp và giúp bà tìm thấy hạnh phúc gia đình. Trong thùng quà ấy có sáu cái ly thật đẹp và một xấp gấm. Tôi từ chối mãi không được nên phải nhận và những cái ly ấy đến bây giờ tôi vẫn còn giữ làm kỷ niệm. Hôm ấy ông nhờ tôi viết giùm ông một bài nhỏ có tính chất gia phả kể lại cuộc đời vợ chồng ông và ông sẽ in lên một tấm giấy gấm để đóng khuôn và treo lên giữa nhà để các con ông thấy rằng cha mẹ đã vất vả như thế nào mới có được ngày nay. Và hôm ông ăn tân gia, ông bà có đến mời tôi dự nhưng tôi lại bận một chuyến công tác ở xa không đến dự được. Tôi rất tiếc không đến để thấy cảnh đoàn tụ của ông ta.

- Khi giữ mục Gỡ Rối Tơ Lòng, tôi còn gặp một chuyện thật hi hữu, nhớ đời và cũng là một sự khích lệ lớn lao cho tôi.

Nguyên là, một hôm vào khoảng năm 1958, nghĩa là sau khi tôi giữ mục Gỡ Rối Tơ Lòng được năm năm, trong chồng thư độc giả tôi có nhận được một lá thư của một độc giả ở Nha Trang gởi vào nhờ tôi giải đáp một vấn đề nan giải mà theo bà vì là người trong cuộc nên không được sáng suốt.

Nguyên bà có một người con trai duy nhất mà bà đã đánh đổi bằng một cuộc tình muộn màng thì nay con bà đã chết, để lại cho bà một cô dâu và ba đứa cháu còn thơ dại. Mấy lâu nay con và dâu của bà sống chung với bà trong một ngôi nhà rộng và bà rất yêu thương mấy đứa cháu vì đây là tất cả những gì mà bà có trong cuộc đời bà. Con trai bà vừa chết được đâu một năm thì cô dâu đã đòi đưa các con về ở với mẹ cô. Mấy đứa cháu dù bà thương yêu nhưng không đứa nào chịu ở với bà, nhất định theo mẹ. Bà cũng biết con dâu của bà còn trẻ lại đẹp và là một phụ nữ có nghề nghiệp nên khi ra ngoài xã hội vẫn có nhiều người đàn ông đeo đuổi. Bà không muốn đã mất con và bây giờ còn phải mất cả dâu, cháu. Bà sẽ sống ra sao? Bà đã viết thư tâm sự với tôi và hỏi ý kiến tôi.

Vì đây là một câu chuyện thường xảy ra trong các gia đình Việt Nam và là một câu chuyện trong lãnh vực phụ nữ và tình cảm con người, tôi liền nêu lên trước, như một vấn đề ưu tiên hàng đầu và tôi đã giải quyết như sau:

Bà phải thông cảm cho cảnh con dâu góa bụa nhưng còn quá trẻ. Lúc sống với chồng thì chồng luôn xa nhà vì bận công tác, nên luôn cảm thấy cô đơn và trong thâm tâm nay chắc cũng muốn bước thêm bước nữa. Nhưng vì còn ái ngại cảnh mẹ chồng và tình bà cháu tha thiết nên chưa dám bày tỏ nỗi lòng. Vì vậy nên mượn cớ mẹ mình cũng già, cũng cô đơn nên xin về ở với mẹ. Bà nên dò xét thử cô con dâu đã quen với ai, hay là cứ nêu thẳng vấn đề là bà không muốn cho con dâu phải thủ tiết thờ chồng vì còn quá trẻ. Bà cứ đề nghị bà sẽ xem cô ta như là con gái của bà và bà sẵn sàng đứng ra gả chồng cho cô. Rồi bà cứ nêu thử một vài đám nào đó hỏi ý kiến cô và nếu quả thật cô đã có người yêu thì cô sẽ tỏ thật với bà. Bà cứ tuyên bố và sẽ sẵn sàng đứng ra tác thành nhưng nhất định bắt rể vì nhà rộng, và như vậy bà sẽ không xa mấy đứa cháu. Chúng nó có bố dượng thì tất nhiên càng thương yêu bà. Bà lại hay đi vắng nhà để về quê ở Nghệ An, hoặc đi Huế thăm quê chồng. Và con dâu bà và chồng cô có thể tự do trong ngôi nhà của bà. Bà sẽ không mất dâu, mất cháu mà còn có thêm một người rể, một người đàn ông mà rất cần cho một gia đình như gia đình của bà.

Tôi trả lời như thế và độ một tuần sau, chị Bút Trà đã gọi điện thoại từ tòa soạn báo Sài Gòn Mới hỏi ý kiến tôi vì có một độc giả đã già, từ Nha Trang vào muốn gặp tôi. Tôi đã tuyên bố là không tiếp độc giả hỏi về chuyện tâm tình mà chỉ trả lời trên báo theo thư từ gửi về. Nếu phải tiếp độc giả thì tôi còn đâu thì giờ để làm việc vì mỗi ngày tôi chỉ ở tòa báo có một buổi để coi lại bài vở đã sắp chữ để cho lên khuôn và viết những tin tức thời sự hay bài xã luận nếu nhà báo không có người túc trực. Nửa ngày khác thì tôi lại bận ở các trường tư thục. Chị tôi cũng hiểu như thế nên chị tôi nói đây là một trường hợp đặc biệt, thím phá lệ một lần đi vì bà cụ đã già mà từ Nha Trang vào, thím nên nể tình bà ta. Thế là tôi phải nể lời chị tôi nhận lời. Độ một giờ sau tống thư văn của nhà báo đã đưa bà độc giả từ Nha Trang vào đến nhà tôi. Bà ngồi chờ tôi ở phòng khách và tôi mặc áo dài để ra tiếp bà. Vừa ra đến phòng khách tôi không khỏi ngạc nhiên vì bà rất giống một người mà tôi đã quen thân từ trên hai chục năm qua. Bà đứng dậy và tự xưng mình là người gởi thư về mục tâm tình hỏi về trường hợp cô dâu. Trong một cử chỉ của bà khi đưa tay sửa kính cận, tôi bỗng la lên mừng rỡ: “Thưa cô, cô là cô Trần Phạm thị Loan phải không, em là Bạch Vân, học trò cũ của cô khi học ở Đà Nẵng đây mà!”. Bà vui mừng khôn xiết vì đã có những năm tôi học với bà và thời gian ấy suốt cả cuộc đời tôi, tôi không bao giờ quên. Thế là chúng tôi đã nói chuyện cả buổi sáng. Bà cho tôi biết bà đã là độc giả của tôi ngay những bài đầu tiên tôi viết trên báo Sài Gòn Mới Phụ Nữ Diễn Đàn. Bà cũng kể cho tôi biết bài giải đáp của tôi rất hợp lý và cũng đã lọt vào mắt cô con dâu vì cô ta cũng là độc giả của tôi.

Khi bà đem chuyện này bàn với cô dâu thì cô đã khóc và thú thật là cô đã quen với một người đàn ông khác và người này góa vợ, không có con, là giáo viên dạy ở trường trung học, không còn cha mẹ, sống với một người cô từ lúc nhỏ. Thế là bà đòi gặp người giáo viên kia và thấy ông này cũng là người đứng đắn, bà liền ngỏ ý tác thành như lời tôi đã đề nghị với bà. Mọi việc xong xuôi bà mới vào gặp tôi, định cảm ơn tôi và cũng luôn thể biết mặt tôi.

Tôi thật vô cùng cảm động trong trường hợp này. Nào ngờ những lời khuyên của tôi lại nhắm vào một cô giáo đã từng dạy tôi học hai năm lớp nhì ở trường Nữ tiểu học Đà Nẵng.

Còn bà cũng rất vui mừng khi thấy đứa học trò ngày nào bây giờ đã có một địa vị trong làng văn trận bút. Bà thường đòi hỏi quyền bình đẳng cho phụ nữ, bà là một người yêu nước, từng tham gia phong trào của các cụ Phan Châu Trinh, Phan Sào Nam, đã từng bị bọn Pháp tra tấn giam cầm, nay gặp tôi với ngòi bút đã nêu lên quyền lợi của phụ nữ, giúp chị em ở mọi giới và nhất là giới bình dân vươn lên một cuộc sống có văn hóa, hiểu biết bổn phận ở gia đình và ngoài xã hội, bà bảo bà rất hãnh diện.

Trước khi trở về Nha Trang, bà có đến thăm tôi một lần nữa tại tòa soạn báo Sài Gòn Mới và tặng tôi bài thơ sau đây:

Trót chục năm thừa lại gặp đây,

Tùng Long ấy cũng Bạch Vân này.

Đề cao bạn gái hằng lên tiếng,

“Gỡ Rối Tơ Lòng” lại khéo tay.

Tiểu thuyết dồi dào xem chẳng ngán,

Văn chương thâm thúy đọc càng say,

Giang sơn bút ngọc thường tô điểm.

Phụ nữ danh thơm hưởng phước lây.

Trần Phạm thị Loan (1965)

- Trong khi giữ mục Gỡ Rối Tơ Lòng, tôi còn một chuyện thật buồn cười mà cũng rất cảm động xin kể tiếp ra đây. Sở dĩ tôi kể vì câu chuyện này lòng tôi lúc nào cũng áy náy và cũng không khỏi lấy làm lạ vì chuyện xảy ra hơi đặc biệt.

Vào năm 1960-62, thời kỳ mà tên tôi đã vang lên trong làng báo, không phải như một nhà văn của Nhóm Tự Lực Văn Đoàn, hay của hội nhà văn này nhà văn nọ, hay có chân trong Hội Văn bút Quốc Tế v.v... và v.v... mà tôi được độc giả thương yêu, tên tôi ai cũng biết qua các báo chạy nhất thời bấy giờ. Tiểu thuyết và mục Gỡ Rối Tơ Lòng của tôi, độc giả ngoài chợ, trong hang cùng ngõ hẻm, trong các làng mạc xa xôi của miền quê đều đọc. Vào lúc ấy, tôi nhận được một bức thư dài cả 50 trang giấy viết tay, thứ giấy học trò và viết cả hai mặt bằng một nét chữ rất đẹp và rất già dặn. Nét chữ đàn ông có học thức và đã lớn tuổi, có thể tới 40-50. Người ấy viết rất cầu kỳ và có thể nói lối văn của người rối loạn tâm thần vì học nhiều, học rộng hay vì hoàn cảnh xã hội không làm được ý nguyện của mình mà mất trí.

Các bạn thử nghĩ một bức thư dày cộm có thể nói là trên 50 trang giấy viết kín không một khoảng trống mà tôi phải đọc lại cả 5-6 lần vẫn chưa hiểu hết ý tứ, tâm tình nguyện vọng của người độc giả đặc biệt này.

Vào đề ông ta hết lời thán phục tôi đã giữ mục Gỡ Rối Tơ Lòng một cách vô tư và hữu ích cho nhiều bạn đọc trong ấy có ông ta. Ông ta viết là đã theo dõi mục này từ năm 1953 khi tôi bắt đầu viết ở Sài Gòn Mới, nhưng đến hôm nay ông mới dám viết cho tôi bức thư tâm sự kể về cuộc đời ông. Nhưng qua những trang kể lể ấy, thú thật tôi không làm sao hiểu được nhiều đoạn ông muốn nói gì. Ông không nói về chuyện gia đình vợ con, ông không than phiền về những trắc trở hay thất bại mà ông đã gặp trên đường đời. Ông chỉ kể xã hội lúc bấy giờ và điều ông ước mong một ngày tười sáng hơn, tôi cũng không dám tin tôi nghĩ như thế là đúng. Vì qua những chuyện ông kể xa gần, dường như có một nỗi uẩn khuất gì đó, một mối tình không đem lại hạnh phúc cho ai tôi cũng không hiểu nỗi. Nhưng có đoạn chót ông viết rằng:

Người ông tin cậy nhất trên đời này là tôi, người ông kính nể nhất trên đời này là tôi, nhưng ông biết ông không bao giờ dám xin gặp tôi vì ông biết đến độc giả phái nữ tôi còn không chịu tiếp, chỉ trả lời qua thư từ thì ông làm sao dám xin một đặc ân như vậy. Huống chi chuyện của ông khó nói lắm.

Ông chỉ xin tôi một điều: Khi nào ông hấp hối, tôi hãy vui lòng đến an ủi ông một lời, cầu nguyện cho ông một câu để ông vui lòng yên nghỉ. Rồi ông cho tôi địa chỉ một số nhà nào đó ở đường Vĩnh Viễn. Nhưng ông không cho tôi tên họ, tuổi tác hay hoàn cảnh, nghề nghiệp thật sự của ông.

Thú thật với các bạn, khi đọc cái đoạn chót này, tôi vô cùng kinh ngạc và vô cùng bối rối. Hay đây là một người mắc bệnh tâm thần chăng? Cũng có thể lắm vì nhiều đoạn trong thư tôi không làm sao hiểu được.

Tôi lại đọc kỹ thư của ông không biết bao nhiêu lần nữa và tôi có nhắn tin trên mục Gỡ Rối Tơ Lòng (tôi không ghi số nhà chỉ để ở đường Vĩnh Viễn). Từ ấy tôi không nhận được thư từ gì của ông gởi về mục này. Tôi cũng không hề đi thử con đường Vĩnh Viễn hay cho người dò hỏi chủ nhà này là ai. Tôi đã nói giữ mục này nhận thư thì trả lời, không cần biết tên thật của họ, bất đắc dĩ lắm mới cho gặp nếu bạn đọc ấy thật sự nhờ tôi giúp tìm một việc làm hay giới thiệu đến một luật sư, bác sĩ mà tôi quen.

Các bạn chắc cũng đã nghĩ như tôi, độc giả nào mà lại đòi hỏi một chuyện quá kỳ lạ, tôi đâu phải là một mục sư Tin lành, một cha đạo Thiên chúa giáo hay một tu sĩ Phật giáo để được mời đến đọc kinh, rửa tội cho tín đồ trong giờ lâm chung.

Khổ nỗi sự đòi hỏi này lại do một bức thư tâm tình khó hiểu, nhờ cậy một chuyện mà không biết sẽ xảy ra như thế nào, vào lúc nào. Lại nữa tôi là một người đàn bà đã có chồng con, làm sao bỗng dưng tôi lại có mặt lúc người ấy lâm chung để làm gì?

Tôi đã suy nghĩ mãi về lời yêu cầu này và tôi cũng có phần tự trách mình tại sao bỏ qua việc này không tìm hỏi nguyên nhân, tại sao không giúp được một người đau khổ như từ trước tôi đã giúp được với mục Gỡ Rối Tơ Lòng này, trong khả năng của tôi.

Ở đời thường có những chuyện như thế đó, mình có thể giúp cả trăm người rồi lại có người mình không thể giúp được. Nhưng lương tâm tôi vẫn không yên chút nào mỗi khi nghĩ đến bức thư kỳ lạ của một độc giả ghi là ở đường Vĩnh Viễn Sài Gòn mà khi đọc tôi cảm thấy người ấy không bình thường, muốn nói một điều gì mà không thể bày tỏ được, giữa cuộc đời đảo điên, điên đảo lúc ấy chăng?

- Giữ mục này tôi còn giới thiệu cho nhiều độc giả cả nam lẫn nữ có được việc làm nhờ tôi có nhiều bạn bè quen biết. Tôi cũng xin cho nhiều em học sinh nghèo được vào học trường công, vì tôi làm ở Hội phụ huynh học sinh. Tôi còn đưa nhiều người đến xin khám bác sĩ miễn phí, hay xin vào các bệnh viện để được giải phẫu nếu có. Ai nhờ tôi một việc gì mà tôi có thể giúp là tôi không hề từ nan. Tôi dám đến xin yết kiến một ông tỉnh trưởng mà khi được tiếp và được mời ngồi rồi tôi liền nói:

- Thưa ông Tỉnh trưởng, tôi đến đây hôm nay không phải để xin xỏ một việc riêng tư cho tôi hay cho bà con tôi, mà xin cho ông tỉnh trưởng giúp cho một em học sinh nghèo...

Nguyên do như thế này. Lúc ấy tôi đang viết cho báo Văn nghệ Tiền phong của Hồ Anh. Mỗi ngày tống thư văn của nhà báo đem báo biếu đến tận nhà và lấy bài tôi viết đem về tòa soạn. Chú này rất thân với các con tôi.

Một hôm chú đến gặp tôi, có vẻ lúng túng. Tôi hỏi có việc gì thì chú nói muốn nhờ tôi một việc. Thật ra chú không dám, nhưng các ông nhà báo nói chú phải đến nhờ bà Tùng Long. Tôi hỏi việc gì thì chú liền nói:

- Tôi chỉ có mỗi một đứa con gái. Nó thi vào lớp đệ thất trường nữ trung học Lê văn Duyệt, nhưng tôi chỉ sợ nó rớt, vậy xin bà giúp cho tôi một tiếng để các bà giáo chấm nới tay cho cháu nhờ. Cháu cũng không đến nỗi tệ, cháu học giỏi ở trường tiểu học. Đã vậy tôi làm sao từ chối được, nên tôi phải nhận lời:

- Được, để tôi xem thử có cơ hội không đã. Chú cứ yên lòng đi, tôi đã hứa thì tôi giúp.

Nguyên lúc ấy bà hiệu trưởng trường nữ Lê văn Duyệt với tôi không thân nhau, còn chống đối tôi là khác, vì tôi ở trong ban phụ huynh thấy bà làm nhiều chuyện bất công, không chính đáng, tôi có phê bình và yêu cầu sửa đổi. Bà nể tôi là nhà báo nên phải sữa đổi cách làm việc. Do đó mà nay nếu tôi xin xỏ cho một đứa học trò, lại không phải là con cháu tôi, tôi sợ không có kết quả. Vì vậy tôi tìm đến ông tỉnh trưởng và đã mở đầu câu chuyện như thế.

Ông tỉnh trưởng hỏi:

- Bà có bao giờ nhờ gì chúng tôi đâu, bây giờ bà đã đến thì việc gì giúp được bà tôi không ngần ngại đâu.

Thế là tôi đem câu chuyện chú tống thư văn của báo Văn nghệ Tiền phong ra nói. Tôi nhờ ông tỉnh trưởng gọi điện thoại cho bà hiệu trưởng để rồi hỏi tên con bé cùng số báo danh. Chỉ cần hỏi là bà hiệu trưởng hiểu ngay. Nhưng trong việc này thật ra cũng không cần lắm chỉ vì chú tống thư văn quá thương con mà lo cho nó thôi. Con bé đủ điểm đậu. Và tôi cũng đã nói cho chú tống thư văn biết tôi đã đi hỏi giùm và con chú đã đậu. Chú đem quà cho tôi, tôi không nhận.

Tôi chỉ nêu ra đây vài ba chuyện để các bạn thấy rằng hồi đó giữ mục Gỡ Rối Tơ Lòng tôi đã giải đáp cho biết bao là chuyện. Lần lần đi đến đâu, ở các đám đông, một người nào quen biết thấy tôi là y như kéo cả đám đông chạy lại để xem mặt tôi. Có lần tôi được mời đi dự một chuyến công du về miền Đông với các bà trong Ban chấp hành Hội Phụ Nữ Liên Đới của bà Ngô Đình Nhu. Các bà ấy toàn là những mệnh phụ phu nhân, ăn mặc rất sang trọng, hột xoàn đeo sáng chói. Còn tôi thì vẫn bộ đồ trắng bằng hàng nội hóa. Họ đi trực thăng đến, tôi đi xe hơi lên và cùng gặp nhau ở ngoài cổng dinh Tỉnh trưởng Biên Hòa. Lúc bấy giờ ở bên ngoài, một số hội viên của Hội Phụ Nữ, một số thân hào nhân sĩ đã chầu chực đón tiếp bà Ngô Đình Nhu từ lâu. Họ muốn thấy tận mắt con người của bà bằng xương bằng thịt mà tên tuổi lúc bấy giờ được nhiều người nói đến với không bao nhiêu thiện cảm.

Lúc bấy giờ, trong đám này có một giáo sư cùng dạy với tôi ở một trường tư thục nhận ra tôi và kêu lên: “Bà Tùng Long kìa!”. Thế là họ ào ra chào tôi, khiến bà Ngô Đình Nhu phải xoay lại nhìn tôi và cười. Thì ra hôm ấy họ đến đây ngoài mục đích đi đón bà Ngô Đình Nhu, còn có một mục đích thứ hai là tìm thấy bà Tùng Long mà bấy lâu họ đã là độc giả.

Sau đó một ông bạn của tôi đã nói với tôi: “Chị sung sướng thật đấy! Người ta ái mộ chị còn hơn bà Ngô Đình Nhu”. Phải rồi. Tôi đâu có làm chính trị. Người làm chính trị thường bị ghét!

Cái lần được đi mười tỉnh miền Đông với phái đoàn phụ nữ ấy, ngoài bà Ngô Đình Nhu ra không một bà nào được người ta tìm xem mặt cả, mà chỉ có một mình tôi. Kể cũng oai thật, nhưng tôi cảm thấy càng được quần chúng độc giả ái mộ bao nhiêu thì mình càng phải cố gắng bấy nhiêu để khỏi phụ lòng của họ. Và suốt 20 năm làm báo, tôi không hề nghĩ đến lợi ích riêng tư của tôi mà chỉ nghĩ làm sao nêu lên được tinh thần yêu nước, yêu gia đình, duy trì thuần phong mỹ tục và hô hào phụ nữ chức nghiệp, phụ nữ bảo vệ nhân phẩm...

Đời con người, dù ở thời nào, xã hội nào, mà làm được một việc hữu ích, đóng góp một phần nhỏ mọn vào công việc chung thì cũng là chuyện đáng mừng rồi, phải không các bạn? Không kể việc làm báo, tôi còn dạy học, mà việc dạy học của tôi cũng có nhiều kỷ niệm đáng tự hào. Cho đến ngày nay, những học trò cũ của tôi đã đi vào tuổi sáu mươi, đã là bà ngoại, bà nội mà vẫn còn nhớ đến tôi, như vậy không phải là một niềm tự hào cho tôi rồi sao?

Ngay nay ngồi viết lại đoạn giữ mục Gỡ Rối Tơ Lòng theo trí nhớ, tôi thấy lòng mình vui vui. Tánh tôi không hề giữ những gì tôi đã viết. Thời làm báo tôi không hề giữ một kỷ niệm nào, tôi chỉ cắm cúi làm việc với mục đích nuôi con, dạy con, hy vọng các con trở thành người hữu dụng sau này. Và cũng nghĩ rồi có con nối nghiệp mình dạy học hay làm báo. Tôi không hề vạch cho chúng con đường tương lai để chúng chọn một nghề theo ý muốn của tôi. Tôi cứ để chúng tự nhiên chọn nghề mà chúng cho là thích hợp. Nhưng rồi cuộc đời ít khi chiều ai, các nghề con tôi chọn hay con tôi đang làm chưa hẳn là nghề chúng nó thích.

Còn về những bài người ta viết về tôi trên báo hay gởi thư cho tôi, tôi đọc qua một lần là đủ, không hề lưu giữ để làm đề tài in thành sách sau này. Vì vậy cho nên ngày hôm nay có người muốn viết về những bài Tâm Tình Cởi Mở hay Gỡ Rối Tơ Lòng, tôi cũng không có tài liệu. Theo Đức Phật, tất cả đều là không, chỉ có cái tâm mới đáng kể. Tôi là một Phật tử nhưng chưa phải là một người tu hành có công phu, có đủ thì giờ để nghiên cứu, nhưng tôi lại không thích bo bo giữ những cái gì thuộc về cái tôi, mất thì tiếc rẻ được thì ích kỷ.

Tôi sở dĩ viết những trang kỷ niệm này không phải để đề cao cái tôi mà là để có cơ hội tiếp tục viết cho qua những ngày tuổi cao sức yếu không biết làm gì để giải trí, không biết dùng thì giờ để làm gì. Mà có lần tôi đọc trong một quyển sách thấy có lời này của đức Phật khi nói về thiền: tập trung tư tưởng để viết, suy gẫm một vấn đề gì cũng là một lối thiền cho con người được sống yên lành bình thản.

Còn một nhà bác học nọ thì nói rằng: “Những người làm việc bằng trí óc, ở tuổi cao cũng không đãng trí có thể sống khỏe mạnh, không bệnh hoạn, lo buồn”.

Đó là nguyên nhân ở tuổi 80 rồi 81, 82, 83, và năm nay ở tuổi 86 tôi vẫn mỗi ngày ngồi viết năm mười trang để có thể thiền - tìm một thú vui trong cuộc sống sắp tàn.

Chưa hẳn có người hay các con tôi có thì giờ đọc đến những gì tôi đã viết ở đây, nhưng tôi cứ viết vì viết là nguồn vui muôn thuở của tôi.